Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: Trác Nhã
Biên tập: Vô Tranh
Upload bìa: Vô Tranh
Số chương: 125 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 41
Cập nhật: 2021-09-03 20:50:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9-1: Nguyên Tắc Nói Chuyện Để Xây Dựng Các Mối Quan Hệ Tốt Đẹp Chốn Công Sở
iữa các đồng nghiệp trong công ty, ngày nào cũng xảy ra những chuyện phức tạp không thế này thì thế khác. Cho dù đóng vai chính trong những câu chuyện đó hay chỉ là người quan sát, bạn vẫn phải cùng sống với những đồng nghiệp đó, vì vậy, phải nắm vững và tuân thủ một số nguyên tắc khi trò chuyện với đồng nghiệp, tạo hình tượng đẹp và luôn được đồng nghiệp yêu quý là điều rất quan trọng.
Khi tiếp xúc với các đồng nghiệp bởi cần phải giữ chừng mực. Xã hội hiện đại là xã hội thông tin, con người phải giao tiếp với nhau mới có thể tồn tại. Những người không thích nói chuyện sẽ bị mọi người coi là lập dị, khác người. Theo thời gian, những người này sẽ bị cô lập và khó phát triển sự nghiệp. Còn những người nói nhiều lại dễ gây phản cảm cho người khác, khiến người khác hiểu nhầm, cho rằng bạn là người hời hợt, không đáng tin. Do đó, nói chuyện phải hợp lí, không nhiều không ít mới có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hữu hảo với đồng nghiệp. Đồng thời, bạn cũng phải nắm vững các nguyên tắc giao tiếp chốn công sở.
Khoan dung với mọi người
Tại nơi làm việc, chúng ta thường gặp những chuyện không vui, đặc biệt là những người trẻ tuổi, khi gặp chuyện gây bực tức hoặc có mâu thuẫn, thường không biết cách nhẫn nhịn để cuối cùng đẩy mâu thuẫn lên cao.
Có câu nói: “Nhịn một giờ, sóng yên gió lặng; lui một bước, biển rộng trời cao”. Khi đồng nghiệp làm ảnh hưởng đến bạn, hoặc giữa các bạn xảy ra mâu thuẫn, tốt nhất nên khoan dung. Ai cũng có lúc làm sai, hãy khoan dung để cả hai bên cùng có “biển rộng trời cao”.
Nhẫn nhịn không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà điều đó thể hiện sự độ lượng. Vậy làm thế nào để có được tâm thái như vậy? Có rất nhiều cách, ví dụ, khi gặp những chuyện không vui, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp trước đây. Khi bạn bi quan hoặc nảy sinh tư tưởng tiêu cực, hãy lập tức cố gắng nghĩ tới những chuyện tích cực.
Thọ và Tùng là đồng nghiệp cùng làm trong một công ty xây dựng, cũng là đôi bạn rất thân. Họ thường cùng xem bóng đá, uống bia, trò chuyện. Một lần, cả hai cùng hợp tác để hoàn thành một công trình. Sau khi công việc kết thúc thuận lợi, Thọ nhận nhiệm vụ mới phải đi công tác nên để lại việc tổng kết và báo cáo cho Tùng. Thật không may, bố của Tùng bị ốm, do bận chăm sóc bố nên Tùng không để ý và đã báo cáo sai một phần việc quan trọng do Thọ phụ trách.
Sau khi đưa bản tổng kết cho cấp trên, lãnh đạo lập tức nhìn ngay ra lỗi sai nên tìm hỏi Tùng. Tùng sợ phải chịu trách nhiệm nên đổ lỗi cho Thọ. Do công trình quan trọng nên cấp trên lập tức gọi Thọ về và phê bình anh, yêu cầu anh phải sửa lỗi sai. Thọ bị cấp trên trách oan, hỏi kĩ lại thì mới hiểu ra mọi chuyện nên lập tức tìm cấp trên để giải thích và xóa bỏ được hiểu nhầm.
Tùng sai nên đã làm lỡ công việc của Thọ, mà mối quan hệ giữa hai người lại vốn rất thân thiết, bởi vậy sau chuyện này, Tùng rất áy náy, anh tìm Thọ để xin lỗi. Thọ cũng hiểu nên đã chủ động nói với Tùng: “Chuyện gì đã qua thì hãy cho qua, đừng để ý nữa, hai chúng ta vẫn cùng xem bóng đá và hợp tác với nhau”. Tùng rất xúc động, từ đó mối quan hệ giữa hai người càng trở nên thân thiết hơn.
Nếu sau khi biết sự thật, Thọ trách móc Tùng thì giữa hai người chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và không thể thân thiết như trước
nữa.
Công tư phân minh
Tại chốn công sở, những người trẻ tuổi thường không phân biệt công tư với những đồng nghiệp thân thiết. Thực tế, cho dù quan hệ cá nhân giữa bạn và đồng nghiệp có tốt đến đâu, bạn cũng tuyệt đối không thể vì tình cảm mà lẫn lộn chuyện công với chuyện tư, điều này có thể khiến bạn rơi vào tình trạng rắc rối, nếu làm không tốt còn có thể gây hiểu nhầm. Vì thế, bạn nhất định phải giữ nguyên tắc công tư phân minh.
Vân có mối quan hệ cá nhân rất tốt với quản lí Linh ở bộ phận quảng cáo của công ty, hai người thường cùng đi dạo phố hoặc đến nhà nhau chơi vào ngày nghỉ. Một ngày, khi đang ở công ty, Linh đến tìm Vân. Vân rất bất ngờ, cười và nói: “Chúng ta không cùng bộ phận, đang giờ làm việc mà cậu đến tìm mình thế này, cẩn thận lãnh đạo trông thấy.” Linh trả lời: “Bộ phận của tớ có một kế hoạch quảng cáo, hi vọng có thể hợp tác với một công ty. Nhưng tớ không quen ai ở công ty đó, không thể gặp lãnh đạo của họ. Tớ biết, cậu có quen với một Giám đốc ở công ty này, do đó muốn nhờ cậu giới thiệu, giúp tớ nói vài câu, sau khi thành công, tớ sẽ không quên cậu”.
Vân nghe vậy, cảm thấy rất khó xử, muốn từ chối nhưng lại sợ Linh không vui. Nhưng cô cũng không muốn lẫn lộn chuyện công tư. Chính vì thế cô nói với Linh: “Thực ra chuyện này không khó, tớ cũng nghe nói kế hoạch quảng cáo của các cậu rất tốt. Người tớ quen thời gian này đang nghỉ phép, nếu chờ cô ấy về sợ rằng kế hoạch của các cậu sẽ bị bỏ lỡ”. Linh nghe vậy đã hiểu ra vấn đề, Vân nói thêm: “Tớ nghe người bạn đó nói lãnh đạo công ty này cũng rất ổn, cậu có thể trực tiếp gặp ông ta.”
Thực ra người bạn của Vân không hề nghỉ phép, chỉ là cô không muốn giới thiệu. Vân và Linh thuộc cùng một bộ phận, can thiệp vào việc của bộ phận khác, cô sợ cấp trên sẽ không vui. Hơn nữa nếu việc giới thiệu không thành công, sợ rằng sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người.
Khi gặp tình huống mang quan hệ cá nhân vào công việc, bạn nhất định phải tuân thủ nguyên tắc công tư phân minh, như vậy sẽ không gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với mọi người.
Không tranh cãi
Phao tin đồn là chuyện rất hay gặp ở chốn công sở, đó là nơi luôn có một số người thích ngồi lê đôi mách.
Khi bạn phát hiện một đồng nghiệp thân thiết đi khắp nơi đặt điều nói xấu bạn, bạn sẽ thấy rằng sự thân mật hằng ngày của đối phương hoàn toàn là giả tạo. Là người trẻ tuổi, có lẽ bạn rất muốn vạch bộ mặt thật của người đó. Thế nhưng, cần phải nhắc nhở những người trẻ tuổi tuyệt đối không nên làm vậy, bởi vì mọi người có quan hệ đồng nghiệp, nếu bạn định tuyệt giao, người chịu thiệt cuối cùng chắc chắn sẽ là bạn. Nếu bạn làm to chuyện, người khác sẽ cho rằng vấn đề xuất phát từ bạn, người nói xấu bạn cũng sẽ được dịp làm tổn thương bạn, cách làm này là không nên. Hơn nữa các bạn còn phải làm việc cùng nhau, nếu mỗi ngày đều nhìn nhau lạnh nhạt thì sẽ ảnh hưởng tới công việc, đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới công việc của các đồng nghiệp khác, khi đó mọi người sẽ quay sang chỉ trích bạn.
Ngoài ra, cấp trên chắc chắn không thích chuyện cấp dưới làm ảnh hưởng công việc chỉ vì mối quan hệ cá nhân không tốt đẹp.
Chính vì thế, khi gặp chuyện như vậy thì phải bình tĩnh đối diện, tuyệt đối không nên tranh cãi, ví dụ: “Tại sao chị lại nói xấu tôi?”, “Chị thật tiểu nhân”, như vậy sẽ không có lợi cho ai cả. Đối với những chuyện như thế này, chỉ cần lẳng lặng tránh xa người đó là được. “Đường xa biết sức ngựa, lâu dài biết lòng người”, theo thời gian, ai đúng ai sai những người khác sẽ tự biết.
Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ - Trác Nhã Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ