Số lần đọc/download: 2075 / 34
Cập nhật: 2021-06-14 08:26:39 +0700
“Biết Làm Con Dâu Sẽ Không Có Mẹ Chồng Ác”
V
ợ và mẹ hàng ngày đều cãi nhau, vậy mà người chồng lại nói như thế… Hãy xem người xưa làm thế nào giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu nhé!
Ở huyện Hưng Hóa có một thương nhân tên là Mã Văn An, là người hiểu biết lễ nghĩa.
Vợ của anh Mã là Ngô Thị, không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà tính tình cũng rất khôn ngoan. Ngô Thị giỏi về quản lý nội trợ gia đình, nhưng lại có đôi chút ngạo mạn và mang tâm oán giận tương đối nặng. Vì vậy, giữa mẹ chồng và con dâu thường hay xảy ra xô xát. Mỗi lần Mã Văn An trở về nhà, mẹ và vợ lại thi nhau kể ra những chỗ sai của đối phương trước mặt anh. Mẹ chồng nói con dâu bất hiếu, trong khi con dâu lại nói mẹ chồng nhẫn tâm; cả hai bên, bên nào cũng cho rằng mình đúng. Điều này khiến cho Mã Văn An rơi vào tình thế khó xử. Mã Văn An biết rõ vợ là không muốn vâng lời mẹ chồng, thế là anh ta liền suy nghĩ biện pháp để vợ cảm ngộ được sai trái của bản thân.
Một hôm, khi Ngô Thị bắt đầu kể với Mã Văn An rằng mẹ chồng không tốt, anh liền an ủi vợ: “Mẹ đã già nên thường hay dài dòng, anh cũng biết thế, anh đã suy nghĩ kỹ rồi, anh muốn dẫn em ra ngoài sống riêng. Chỉ là có điều, bạn bè thân hữu bên ngoài cũng đều không biết mẹ khó phụ dưỡng, bây giờ chúng ta lại đột nhiên rời bỏ mẹ mà đi nơi khác sống, sẽ khó tránh khỏi sự chỉ trích của mọi người, cho nên anh khuyên em tạm thời nhẫn nại một, hai tháng. Trong thời gian này, em nhất định phải chịu khổ một chút, tận tâm phụng dưỡng mẹ, để cho bạn bè người thân đều biết được rằng em rất hiếu thuận, là mẹ không tốt, rồi sau đó chúng ta sẽ chuyển ra ngoài sống. Như thế là có thể tránh được việc bị người ngoài nói này nói kia rồi.”
Ngô Thị nghe xong, vẫn biểu lộ vẻ mặt khó xử, Mã Văn An lại nói: “Chúng ta sẽ tới nơi khác sống rất nhanh thôi, trong thời gian mấy chục ngày ngắn ngủi phục vụ này, em cứ coi như mẹ là khách của chúng ta, mà tiếp đãi ân cần nồng hậu, có gì khó xử đâu nào?”
Thế là Ngô Thị đồng ý với chồng, từ hôm đó đối xử với mẹ chồng rất vui vẻ hòa nhã, thuận theo ý bà mà phụng dưỡng. Bà thấy tính tình con dâu thay đổi, mọi việc đều thuận theo ý mình, trong lòng thấy rất khuây khỏa hài lòng, cũng liền thể hiện sự thông cảm với con dâu gấp hai lần con dâu đối xử với mình. Kết quả khiến cho những xô xát hàng ngày trước đây không còn nữa mà thay vào đó là sự hòa thuận.
Mấy ngày sau, Mã Văn An nhận thấy Ngô Thị đã không còn kể lể việc mẹ chồng không tốt như trước đây nữa, anh ta cố tình hỏi vợ: “Gần đây mẹ đối xử với em như thế nào thế?” Ngô Thị nói: “Tốt hơn một chút so với trước đây rồi”. Mã Văn An lại nói với vợ: “Em đã hơi tốt hơn một chút rồi, em nên phụng dưỡng mẹ tốt hơn nữa, hiếu đạo hơn nữa để cho tất cả mọi người biết, như thế anh mới có thể dẫn em ra ngoài sống được.” Ngô Thị nghe xong, vui vẻ ưng thuận.
Thế là, lại trải qua một chút thời gian, Mã Văn An lại hỏi Ngô Thị: “Mẹ đối xử với em thế nào rồi?” Ngô Thị trả lời: “Bây giờ mẹ đối đãi với em rất tốt, em không muốn rời khỏi nhà đi chỗ khác ở nữa, em tình nguyện ở lại phụng dưỡng mẹ, làm một người con hiếu đạo.”
Mã Văn An nói: “Ý định ban đầu của anh chính là muốn em chịu bằng lòng cố gắng hiếu đạo với mẹ, chứ thật sự không phải là muốn em rời khỏi nhà đi nơi khác sống, bây giờ anh đem mục đích của anh, nói rõ cho em nghe, em sẽ hiểu được nỗi khổ tâm riêng của anh. Trước đây, em kể với anh rằng mẹ hay dài dòng, khó phụng dưỡng, anh đã sớm hiểu rõ, đây là em không mở lòng chiếu cố mối quan hệ với người già. Nhưng lúc đó em đang nổi giận, trong tâm chỉ biết người khác không đúng, không chút nào nghĩ đến chỗ sai của mình, anh nếu như nói em không đúng, em nhất định sẽ không chịu thừa nhận. Yêu cầu em ngon ngọt với mẹ thì lại càng là điều em không làm được. Cho nên, anh mới trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, đành phải dùng biện pháp khéo léo, khiến cho em tạm thời nhẫn nại, nguyện ý phụng dưỡng mẹ, làm cải biến được tính ngạo mạn của em, anh cũng không phải là thích dùng thủ đoạn để lừa gạt em đâu.”
Anh ta còn nói cho vợ biết: “Người xưa nói: ‘Biết làm con dâu sẽ không có mẹ chồng ác’, thật sự là lời nói đầy kinh nghiệm, từ nay về sau này, anh hy vọng em đối nhân xử thế, phải nhất định xét lại mình, tìm nguyên nhân ở bản thân mình, không thể lúc nào cũng nóng vội trách cứ người khác.”
Cổ nhân nói: cách xử thế “ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi” (Mình thương người ta thì người ta thương lại mình, mình kính trọng người ta người ta kính trọng lại mình) là như vậy, huống hồ là phụng dưỡng cha mẹ mình? Đây cũng là cơ hội cho Ngô Thị hiểu rõ ân điển to lớn của cha mẹ, cùng với những khó khăn trong việc tu hiếu đạo mà “hiếu tử hiền phụ” phải trải qua từ xưa đến nay.
Từ đó về sau, mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu vô cùng hòa thuận, mọi người đều khen ngợi mẹ chồng con dâu trong gia đình ấy trở thành một đôi đẹp “nàng dâu hiếu nghĩa, mẹ chồng hiền từ”.
Người xưa đặc biệt chú ý “nội tỉnh” (tự xét bản thân mình), “hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn” (có lỗi phải sửa, không có lỗi phải cố gắng thêm). Khi gặp mâu thuẫn, nếu như đều tìm điều sai ở đối phương, mâu thuẫn càng to hơn. Phương pháp xử lý vừa trung hiếu lại vừa hướng dẫn từng bước, từng bước thật là đáng khen ngợi, nhưng trong câu chuyện có chứa đạo lý “tự quay lại xét bản thân mình” càng khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu xa. Khi chúng ta gặp mâu thuẫn, sẽ cần phải làm sao đây?
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch