Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Biên tập: Phuong Uyen Pham
Upload bìa: Phuong Uyen Pham
Số chương: 20 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-11 14:04:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mẹ Đã Từng Yêu
resden (*), giữa tháng 3, 1988.
Tôi ngồi trên bậc thềm trước tòa nhà chính của trường đại học, hai tay ôm vòng lấy thân mình. Trời đã vào xuân mà vẫn quá lạnh! Lạnh khiến tôi run lẩy bẩy dù thân đã nhét trong hai lớp áo bông. Lạnh làm chân tóc tôi co rúm. Lạnh làm tôi tái nhợt xanh xao, hệt một kẻ đang ấp trong người khối trọng bệnh. Nhưng chỉ chút nữa thôi, khi Francis hết giờ học và đến bên tôi, cơn hồng hào sẽ trở lại. Kia rồi! Mái tóc vàng óng xoăn xoăn của anh thấp thoáng trên hành lang tòa nhà đối diện. Hừm… Có chuyện gì đây? Sao mặt anh căng thẳng thế kia?
Dresden, cuối tháng 5, 1988.
Mùa hè thổi phù phù cái nóng hầm đặc trưng khắp Dresden. Tôi lững thững rời phòng học, lê bước trên con đường đá qua khuôn viên xanh um của trường. Cách tôi hơn trăm mét, trên băng ghế gỗ, Francis đang chờ tôi. Trán anh nhúm lại bởi những suy nghĩ. Anh có chuyện muốn nói với tôi. Tôi thở dài, cố níu bước chân mình chậm thêm. Tôi cũng có chuyện muốn cho anh biết, nhưng lòng vẫn phân vân…
Tôi dừng lại quan sát anh. Bàn tay lớn ấm áp là “máy sưởi” cho bàn tay tôi bé nhỏ trong hai mùa đông qua. Bờ vai rộng là cái gối êm ái của tôi. Mái tóc vàng bồng bềnh lãng tử. Đôi mắt xanh thăm thẳm. Mùa đông đầu tiên bên nhau, vào một buổi sáng trời xám xịt và ẩm ướt, khi nhìn vào đôi mắt hun hút ấy, một cảm giác dịu êm đã mân mê khắp thân người tôi. Một niềm vui vẻ, hạnh phúc lạ thường. Đắm sâu trong mắt anh, tôi như đã chạm đến thiên đường. Bầu trời vẫn ảm đạm, nhưng vạn vật quanh tôi lung linh sắc màu. Trong giây phút ấy, tôi biết rằng bằng mọi giá sẽ phải chiếm hữu đôi mắt quyền năng ấy cho riêng mình. Mãi mãi.
Tôi bước đến bên anh. Anh ngước lên nhìn tôi. Ngay thời khắc ánh mắt bối rối của anh chạm vào mắt tôi, tôi ngã xuống.
Dresden, đầu tháng 7, 1988.
Tôi ngồi trong quán cà phê nhìn nắng nhảy lon ton trên những viên gạch lát phố. Bên kia đường, trong hàng người xếp hàng trước xe kem, Francis cứ chốc chốc quay lại nhìn tôi, nửa trông chừng, nửa vỗ về. Nỗi lo lắng thấp thoáng trong mắt anh. Tôi yếu ớt kéo miệng thành một nụ cười trấn an anh. Nhưng nắng làm tôi choáng váng. Trước mắt tôi, mọi thứ đều nhạt nhòa. Môi tôi khô rang. Mồ hôi rỉ ra rin rít khắp thân người. Khó chịu quá! Mệt quá! Tôi sắp ngất. Làm ơn hãy trả lại cho tôi cái râm mát dễ chịu của mùa đông. Làm ơn…
Tôi gục đầu xuống, tay xoãi dài ra mặt bàn. Dễ chịu hơn đôi chút! Hồn tôi đang chao đảo đâu đó trong không khí thì có người vực tôi dậy. Là Francis. Anh hớt hải đặt tôi ngồi dựa vào người mình. Anh ôm nhẹ lấy đầu tôi, dịu dàng đưa cái kem sữa lên ngang miệng cho tôi hớp nhẹ từng miếng. Cơn dễ chịu tăng thêm mấy phần. Nhưng vẫn mệt quá!
Dresden, đầu tháng 11, 1988.
Đêm. Tôi dựa vào chiếc gối bông to ụ, nửa nằm nửa ngồi trên giường. Căn phòng được thắp sáng leo lét bởi ngọn đèn đường. Cửa sổ khép hờ. Thi thoảng gió thổi qua khe hở làm tấm rèm trắng cứ phất phơ như ma trơi. Nhưng tôi chẳng sợ. Con ma trong lòng tôi còn đáng sợ hơn bất cứ thứ ma quỉ nào trên đời.
Có tiếng lục cục dưới bếp. Chắc Francis đang chuẩn bị bữa ăn khuya cho mình. Đã nhiều tuần rồi, đêm nào anh cũng dỗ cho tôi ngủ rồi mới đụng đến những công việc riêng. Tôi đưa mắt nhìn sang chiếc bàn cạnh giường ngủ. Một đống lọ thuốc. Tôi quờ tay hất chúng xuống đất và rên lên một tiếng lớn. Chưa đầy hai giây sau, anh hấp tấp đẩy cửa chạy vào.
Dresden, sáng 21.12.1988.
Tôi ngồi trên giường ngóng những bông tuyết tí xiu ngoài cửa sổ đang uyển chuyển chao liệng trong không khí.
“Em yêu, cây thông của em này! Cười với nó một cái nào!”
Francis tươi cười đứng trước mặt tôi. Trên tay anh là một cây thông lùn tủn, mập mạp và rất xinh. Anh trang trí nó bằng những trái châu bé như trái quất. Trên mỗi trái châu anh dán lên một tấm hình tôi. Tôi khẽ cười, mắt long lanh nhìn anh. Anh đặt cây thông lên bậu cửa sổ, rồi đưa cho tôi cữ thuốc sáng cùng một ly nước. Dạo gần đây, mỗi sáng anh có thói quen phải nhìn tôi uống hết thuốc rồi mới yên tâm đi khỏi. Tôi ngoan ngoãn cho thuốc vào miệng, hớp một ngụm nước. Xong xuôi, anh hôn lên trán tôi, kéo chăn đắp ngang người tôi rồi ra khỏi phòng.
Tiếng cửa chính khẽ khàng sập lại. Francis đã đi. Tôi nhổ mấy viên thuốc đang nén dưới lưỡi ra lòng bàn tay, rồi rời giường vào phòng tắm.
Dresden, đầu tháng 2, 1989.
“Anh muốn biết chính xác ngày nào em sẽ chết hay sao mà đòi theo vào phòng khám?”
“Anh chỉ gặp bác sĩ để biết phải làm thế nào để chăm sóc em tốt hơn mà thôi” – Giọng anh mất bình tĩnh.
“Em không cần. Anh đi đi. Em sẽ về nước. Em không làm gánh nặng cho anh nữa.”
Tôi vừa khóc vừa chạy dọc hành lang, ra hướng cửa bệnh viện. Francis đuổi theo, hốt hoảng níu tôi lại, ôm ghì vào lòng. Tôi tức tưởi khóc, nửa ngất nửa tỉnh trong vòng tay anh. Hôm đó, tôi bỏ buổi khám.
Tôi lẳng lặng lo thủ tục về nước. Hơn một tuần sau, vào một buổi chiều anh đang ở trong lớp học, tôi bước lên máy bay.
***
Tôi gấp quyển sổ lại, lún sâu hơn vào chiếc sô-pha êm ái. Tám năm trước, trong lần chuyển nhà từ Berlin (*) đến Munich (*), tôi bắt gặp cuốn sổ đã hoen màu vàng thời gian này trong chiếc hộp đựng giấy tờ của mẹ. Từ đó, nó trở thành “tác phẩm văn học” yêu thích nhất của tôi. Mỗi lần muốn đọc, tôi phải chờ mẹ đi vắng rồi lén lút lấy ra khỏi ngăn tủ đựng những kỷ niệm xa xưa quý báu của mẹ, sau đó tôi lại khéo léo đặt nó về chỗ cũ, xóa sạch dấu vết. Mẹ tôi trân quý cuốn sổ này. Đã nhiều lần vào giữa đêm, qua khe hở của cửa phòng mẹ, tôi thấy bà tần ngần ve vuốt cuốn sổ, những ngón tay thon dài miết nhẹ trên từng con chữ. Lúc ấy, mẹ cười. Nụ cười chẳng có niềm vui. Nụ cười được dệt nên bởi sự nhung nhớ và giày vò của quá khứ.
Tôi sinh vào cuối tháng Mười năm 1989 tại Hà Nội. Mẹ tôi chưa từng kết hôn. Tôi theo mẹ sang Đức năm 7 tuổi. Tôi chưa từng biết mặt bố, và là con lai. Da trắng và mũi cao. Tóc nâu vàng và mắt nâu sẫm – sự kết hợp hoàn hảo của tóc vàng, mắt xanh từ bố và tóc đen, mắt đen từ mẹ? Phải chăng chàng trai Francis chính là bố tôi? Trước khi có tôi, mẹ đã du học ở Đức, nhưng tôi chưa từng nghe mẹ kể về thời sinh viên. Tôi không thôi tò mò về Francis. Tuy vậy, tôi luôn kịp bịp miệng mình mỗi lần toan hỏi mẹ. Chẳng khôn ngoan gì mà đi tự thú chuyện mình lục lọi tư trang người khác.
Hơn nữa… Từ ngày tôi còn nhỏ, mẹ luôn lảng tránh chủ đề về bố và gắt gỏng cực độ khi ai đó cố ý nhắc nhiều đến người-đàn-ông-là-bố-tôi. Ông bà ngoại còn bó tay, nói chi là tôi. Tôi mà vặn vẹo, chắc chắn sẽ bị nạt.
Hơn nữa… Nếu chuyện về bố là một kỷ niệm đẹp, mẹ hẳn đã chủ động kể cho tôi nghe. Nhưng gần hai mươi năm nay, mẹ chưa từng một lần nhắc. Chuyện của bố và mẹ, chắc chắn là một nỗi đau. Tốt nhất không nên ngắt nhéo cái vết thương chưa lành lặn của mẹ. Tốt nhất tôi nên thỏa mãn với câu chuyện trong cuốn sổ và để trí tưởng tượng của mình chạy rông: nếu nó viết về hành trình tình yêu của bố mẹ, thì có gì đó rất kỳ quái ở đây! Cô gái bệnh rất nặng và bản thân đã đầu hàng Thần Chết, không có tí hợp tác nào trong việc chữa trị. Đâu có vẻ gì giống mẹ tôi. Mẹ sống và mẹ sinh ra tôi. Mẹ yêu đời, biết tận hưởng mọi thú vui – uống bia, nhảy đầm, trượt tuyết, mua sắm – và mẹ rất khỏe. Hay cuốn sổ chẳng qua chỉ là tập bản thảo dang dở. Biết đâu ngày trẻ mẹ ôm mộng thành nhà văn.
Nhưng ngày cuối cùng trong cuốn sổ – “Dresden, đầu tháng 2, 1989” – gần chín tháng sau thì tôi chào đời. Phải chăng mẹ đã bỏ đi khi hay tin có bầu tôi? Vậy chuyện bệnh tật là sao? Trong những câu chữ duyên dáng kia, có bao nhiêu phần sự thật?
“Con có muốn uống chút rượu cho ấm người không? Trời tự nhiên lại lạnh!”
Tôi giật thót. Mẹ đứng bên cạnh từ bao giờ. Đáng ra phải chiều mai mẹ mới từ Berlin về. Tôi thậm chí còn chẳng nghe tiếng mở cửa. Tôi nhìn mẹ không chớp mắt. Mặt mẹ có nét thất thần. Mắt mẹ nhìn vào cuốn sổ trên đùi tôi rồi nhìn sang tôi, rồi mẹ quay đi, bước vào bếp.
Mẹ đặt hai ly rượu vang đỏ lên bàn, vặn lớn máy sưởi, rồi ngồi vào chiếc sô-pha đối diện. Mẹ chìa tay về phía tôi, ra hiệu đưa trả bà cuốn sổ. Tôi cắm cúi vào ly rượu của mình, mắt len lén nhìn mẹ mở nó ra.
“Ôi, cái thời đáng yêu, đáng nhớ!” – Giọng mẹ ngọt ngào, tay nhẹ nhàng lật từng trang giấy vàng giòn – “Con tìm thấy nó khi nào?”
“Khi mình vừa chuyển nhà đến Munich.” – Tôi nuốt nước bọt, chờ cơn thịnh nộ dội lên đầu mình.
“Cất giữ cơn tò mò từng ấy năm, con làm mẹ bất ngờ đấy!” – Mẹ mỉm cười, những ngón tay vẫn đan vào những trang giấy, ánh mắt mông lung vào một điểm không cố định trên cuốn sổ – “Con không muốn hỏi gì sao?”
Tôi ngơ ngác nhìn mẹ, chẳng biết nên/phải/cần nói gì. Mẹ nhìn tôi, cười lớn. Và mẹ bắt đầu kể, đúng hơn là bóc nghĩa từng trang viết…
Dresden, giữa tháng 3, 1988.
Francis là tình yêu đầu, tình yêu duy nhất và cũng là nỗi đau đáu suốt đời mẹ. Mười bảy tuổi, mẹ sang Đức du học. Hai năm sau mẹ gặp và yêu Francis. Anh say mê nước da trắng bóc, tuyệt không một đốm tàn nhang của mẹ. Anh yêu đôi mắt đen huyền bí của mẹ. Anh đắm đuối cảm giác mát mịn mơn man mỗi khi bàn tay luồn qua làn tóc đen dày, thẳng mượt của mẹ. Anh ngất ngây bởi vẻ Á Đông tinh tế, e ấp và dịu dàng quá đỗi của mẹ. Anh bị ám ảnh bởi đôi má mẹ ửng hồng mỗi khi anh quá phấn khích mà ôm ghì lấy, hôn nhẹ vào môi mẹ ngay giữa sân trường đông đúc. Có một thời, trong mắt Francis, mẹ là nữ thần.
Nhưng trái tim non trẻ thường thích bay nhảy. Trong mắt của Francis dần có chỗ cho những cô gái khác. Mẹ bắt được cái dõi nhìn của anh theo những đôi giày cao gót trên phố ngay khi đang nắm tay mẹ. Mẹ bất an khi vô tình thấy anh nói chuyện với một cô gái tóc nâu trong lớp học. Mẹ thoáng run khi họ cười đùa với nhau và cô ấy gục trán lên vai anh.
Có một chuyện tồi tệ sắp xảy ra – Mẹ cảm nhận được điều đó. Bên cạnh mẹ, Francis hay suy tư hơn. Đôi lần, anh nhìn thẳng vào mắt mẹ, định nói gì đó nhưng lại thôi. Có một chuyện sắp xảy ra – Mẹ đã luôn cảm nhận được điều đó.
Dresden, cuối tháng 5, 1988.
Francis muốn chia tay. Anh có tình cảm mới. Có thể chưa sâu đậm như từng yêu mẹ, nhưng cũng là một đối tượng mới. Một cô gái Đức – cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng nếp sống – dù sao họ cũng dễ đồng cảm với nhau hơn khi cuộc sống bắt đầu quăng vào mỗi sinh viên những lo nghĩ to lớn: ra trường phải tìm việc làm, tranh đấu leo lên các nấc thang xã hội, lập gia đình… Francis sắp tốt nghiệp, sắp phải đương đầu với cuộc sống trên đôi chân của mình. Yêu mẹ khiến anh bấp bênh: mẹ sẽ về nước hay ở lại? Những khác biệt bám sâu trong gốc rễ văn hóa và nếp sống của hai người về lâu về dài có thể dung hòa ổn thỏa được? Vân vân và vân vân. Một cô gái Việt Nam giống như món phở lạ, ban đầu rất đê mê, nhưng khi cuộc sống biến đổi, người ta sẽ hướng về những thứ quen thuộc, về bánh mì kẹp thịt, bia và phó mát. Quen thuộc đem lại cảm giác an toàn.
Mẹ hiểu những âu lo của Francis. Nhưng mẹ không thông cảm.
Hôm ấy, Francis hẹn nói chuyện. Mẹ đã tính toán… Mẹ ngã quỵ xuống, sõng soài trước mặt anh. Anh hốt hoảng bồng mẹ chạy vào phòng y tế. Vì trời quá nắng và vì đầu quá căng bởi suy tính, nên trên tay anh, mẹ dường như đã ngất đi thật. Mẹ chỉ lờ mờ cảm nhận được thân mình rung lên theo từng nhịp chân anh chạy. Thi thoảng hình như anh đã cúi xuống nhìn mẹ, ánh mắt lo sợ thật sự.
Dresden, đầu tháng 7, 1988.
Với số tiền tích cóp được và sự giúp đỡ của cô bạn thân người Đức, mẹ xoay sở ra một tờ giấy khám bệnh giả, chứng nhận mình vướng một căn bệnh khó chữa vào thời gian đó. Sau khi đọc nó, Francis đã ôm chầm lấy mẹ khóc hu hu như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt vì thương mẹ, hay vì hối lỗi cho ý định vất bỏ cô người yêu mắc bệnh nan y? Mẹ cũng khóc. Khóc vì giận mình. Để níu giữ người yêu, mẹ đã lừa dối cả thế giới. Khóc để tiếp thêm can đảm đóng nốt màn kịch bệnh tật. Khóc vì vui mừng đã hất cẳng được cô nàng tóc nâu – Mẹ hiểu Francis, anh sẽ không đủ tàn nhẫn rời xa mẹ trong hoàn cảnh này. Khóc vì bất an, không biết sau nhiều tháng, sau vài năm, mẹ phải kết thúc căn bệnh của mình như thế nào. Khóc vì ngu ngốc đã tự đeo vào mình một cái tròng cứng ngắc rồi sau đó tự tay quăng chìa khóa đi.
Để nhập vai và đạt vai, mẹ luôn âm thầm lải nhải rằng mình thật đang bệnh, bệnh rất nặng, bệnh sắp chết. Có những lúc, mẹ đã lừa được cả chính bản thân. Có những lúc, mẹ thật sự tin rằng mình đang nằm trong nanh vuốt của bệnh tật. Sức mạnh của lý trí rất lớn!
Mẹ từ chối các món ăn uống. Mẹ luôn thấy mệt mỏi và chán chường. Đôi mắt vô hồn và mặt mày hốc hác. Thân thể võ vàng, cứ như sự sống đã bị rút hết ra. Đầu óc rỗng tuếch, chỉ luôn muốn ngủ. Cũng có những lúc tâm trí mẹ trở về với thực tại rằng sức khỏe mình chẳng có tí ti sứt mẻ. Nhưng ngay lúc ấy, những mạch suy nghĩ dối trá nặng nề lại chèn ép khiến mẹ tức thở. Thế là mẹ lại lả đi.
Những lúc Francis ân cần chăm sóc, mẹ nửa hỉ hả nửa nghi ngờ: đấy là tình cảm thật, quan tâm thật, hay chỉ là trách nhiệm, là nghĩa cử cuối cùng? Biết đâu anh đang tự hỏi khi nào cô gái phiền toái này mới chết đi để mình được tự do – Mẹ đã bấu víu cái ý nghĩ cay nghiệt này làm động lực để tiếp tục đóng vai con bệnh. Nếu bên mẹ là gánh nặng, anh phải chịu tra tấn thêm một thời gian dài nữa. Cái giá phải trả cho việc phản bội.
Dresden, đầu tháng 11, 1988.
Mỗi lần đến bệnh viện là mẹ muốn nôn, muốn phát bệnh thật sự. Mẹ đã bày đủ trò – khóc lóc, van xin, tự ái, nổi đóa, tỉ tê – để ngăn Francis theo vào phòng khám. Mẹ hoặc nói dối rằng mình đã đi khám một mình, hoặc buộc Francis chờ ở sảnh, nếu không mẹ sẽ đùng đùng bỏ về và dọa vất hết thuốc. Mẹ luôn thắng. Những lúc Francis chờ, mẹ sẽ nấp vào một góc nào đó trông chừng, đề phòng anh lẻn vào phòng khám tìm mình. Chờ khoảng hơn một tiếng thì mẹ lại lảo đảo bước ra, với cái đơn thuốc chuẩn bị sẵn.
Đôi lúc mẹ thấy sợ. Mẹ sợ rằng nếu cứ mãi giả bệnh thế này, sẽ có lúc bệnh tật ghé thăm mình thật. Mẹ hoảng loạn mỗi khi bất cẩn nuốt thuốc. Mẹ phải chạy ngay vào phòng tắm móc họng cho nôn ra. Mẹ không dám ăn uống để sút cân, để ngụy tạo ra nhân dáng tiều tụy. Mẹ không ra phố nhiều, ít vận động, nên tâm trạng vốn luôn nơm nớp lại càng thêm cùng quẫn. Mẹ thấy bức bối, như quanh thân mình có những sợi tầm gai đang ngày một siết chặt, siết chặt.
Mẹ càng ngày càng căm ghét Francis. Mỗi khi anh dịu dàng đút từng thìa súp cho mẹ, mẹ chỉ muốn phun vào mặt anh và hét lớn “Anh biến đi cho khuất mắt tôi. Vì anh, vì sự bội bạc của anh mà tôi ra nông nỗi thế này!”. Mẹ bày mọi cách làm tình làm tội anh. Mẹ gạt đổ đĩa súp ra đầy giường. Đang đêm, mẹ rên hừ hừ, la hét ra vẻ đau đớn cùng cực. Mẹ đập phá đồ đạc, quăng vỡ các lọ thuốc. Khi Francis ôm chặt lấy mẹ vỗ về, mẹ ra sức cào cấu, đấm thùm thụp vào người anh. Rồi mẹ sẽ khóc ngất, sẽ ngủ thiếp đi vì kiệt sức, mặc kệ anh dọn dẹp bãi chiến trường.
Có một lần mẹ hé mắt nhìn Francis hì hụi lau chùi. Có một sự tận tâm đầy yêu thương trong mắt anh. Tự nhiên mẹ thấy sống mũi mình ướt ướt. Một giọt nước mắt vừa uốn éo chảy xuống. Nếu mẹ đùng một cái ngồi dậy, nhào tới ôm chầm lấy anh và đi đứng khỏe mạnh, liệu đôi mắt ấy có còn dạt dào tình cảm? Mẹ cũng rất mong “bệnh tình” mình khá dần lên, nhưng…
Dresden, sáng 21.12.1988.
Giáng sinh thứ ba mẹ và Francis bên nhau. Và năm ấy, mẹ phải chết dí trên giường, thèm thuồng nhìn người ta nặn ông già tuyết dưới sân, thèm thuồng nghe người ta hí hửng hò la chơi trượt băng.
Tình yêu thật ra là cái quái gì? Mẹ tại sao phải tự đày đọa mình để níu giữ một trái tim đã mọc cánh và chuẩn bị bay? Cuộc sống còn bao nhiêu thứ tươi đẹp dành cho mẹ, tại sao mẹ lại ràng buộc mình với cái giường trắng toát ớn lạnh này?
Mấy hôm trước, Francis có ý mùa xuân sang năm sẽ đưa mẹ nhập viện để được chăm sóc chu đáo hơn. Mẹ đã nổi trận lôi đình. Một cơn ầm ĩ thật sự. Mẹ chẳng giận anh đã hết kiên nhẫn chăm nom mình. Suốt bảy tháng qua, anh gầy sọp đi vì lo lắng. Nếu không vì yêu, anh có đủ kiên nhẫn chịu đựng một cô gái bệnh tật với tính khí thất thường?! Mẹ lo sợ sự thật phơi bày ra. Nếu anh biết mình chỉ là con rối trong tay mẹ, thì… Mẹ chẳng dám nghĩ đến những chuyện sau đó nữa.
Có một việc cần được sắp đặt chu đáo: mẹ bệnh đã khá lâu rồi, đến lúc cần phải biến chuyển.
Dresden, đầu tháng 2, 1989.
Mẹ cho phép tình trạng của mình khá lên. Mẹ không còn từ chối những món ăn yêu thích. Mẹ cười nhiều hơn, nghe nhạc nhiều hơn, thi thoảng còn đi dạo ngoài trời. Mẹ cũng đi học lại vài buổi. Mẹ đang chuẩn bị cho một cuộc khỏi bệnh.
Mẹ vui, Francis cũng vui. Thế nhưng chẳng biết tên ác mồm nào lại rỉ vào tai anh chuyện một người khi ở rất gần cái chết sẽ tỉnh táo lại, khỏe mạnh lại trong thời gian ngắn để tận hưởng những giây phút cuối cùng. Anh cuống cuồng đưa mẹ vào viện và kiên quyết không thỏa hiệp với những tiếng khóc la của mẹ, một hai đòi theo vào phòng khám. Trên hành lang bệnh viện, mẹ đành dùng lá bài cuối cùng: đòi bỏ về Việt Nam. Nếu về Việt Nam với bệnh tình như thế, chắc chắn anh không bao giờ gặp lại mẹ. Khi tình cảm sâu nặng, người ta sợ mất người yêu còn hơn sợ chết. Anh đành xuôi xị đưa mẹ về nhà.
Mẹ đã hết can đảm sống trong lừa dối dai dẳng.
Có thể ban đầu, Francis nán lại bên mẹ vì tình thương, vì trách nhiệm. Nhưng sau một thời gian, chút tình yêu còn sót lại trong anh đã lại phình nở thành một tình cảm sâu đậm. Tình yêu luôn khiến người ta ngạc nhiên! Ánh mắt anh nhìn mẹ ngập tràn yêu thương, hệt như cái thời mà với anh mẹ là nữ thần. Anh ôm mẹ trong tay hàng giờ liền chỉ để chắc rằng nhịp thở của mẹ vẫn đều đặn, để không một cơn đau nào có thể kéo đến đày đọa mẹ. Nhưng mẹ chẳng thể xem đấy là chiến thắng cho mình.
Mẹ yêu Francis. Mẹ đã giành lại trái tim anh. Mẹ đã giữ được anh bên mình. Mẹ ra đi – Đấy là dấu chấm hết tuyệt diệu nhất cho chuyện tình này. Bởi chẳng có một kịch bản khả thi nào cho phần kéo dài của câu chuyện với đầy đủ hai nhân vật chính.
Mẹ bước lên máy bay với suy nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ gặp, yêu và cưới một người khác. Nhưng khi tình yêu đan móc cùng những cơn nhớ quay quắt, cùng những cảm xúc đằng đẵng, cùng hối hận, thì nó miễn nhiễm với thời gian, với mọi cố gắng để quên đi.
***
Tôi ngồi bất động trong sô-pha, hết nhìn mẹ lại nhìn cuốn sổ trên bàn. Người mẹ đơn thân sành điệu, độc đáo – người mẹ cool nhất thế giới mà tôi vẫn tự hào – bao nhiêu phần con người mẹ tôi đã biết và hiểu được? Tôi nhăn trán, cố tưởng tượng ra mẹ ngày trẻ trong hình dáng một cô gái ốm yếu, gầy rộc và nhợt nhạt. Tình yêu của mẹ, câu chuyện của mẹ…
Mẹ nhìn tôi, chờ đợi một câu hỏi. Nhưng thanh quản tôi tê ran, không khả dĩ bật ra được một âm thanh. Mãi một lúc lâu, thấy mẹ dợm đứng lên, tôi mới nghe giọng mình gấp gáp.
“Francis là bố con?”
“Phải.”
“Mẹ có từng ân hận? Vì đã lừa dối, vì đã bỏ chạy…”
“Không. Ai cũng cần có một thời để nhớ.”
“Thế tại sao mẹ lại viết cứ như là… như là một người bệnh nặng thật sự? Tại sao mẹ không viết sự thật?”
“Ai cũng có lúc không thể hiểu nổi mình.” – Mẹ cười nhẹ, mắt nhìn mông lung vào không khí.
“Mẹ có từng viết thư, điện thoại hay email kể cho Francis mọi chuyện? Ông ấy có đi tìm mẹ? Ông ấy có giận mẹ chuyện đã…”
“Năm con sáu tuổi, Francis sang Hà Nội tìm mẹ. Mãi tận hơn sáu năm sau, ông ấy mới đi tìm mẹ.” – Mẹ ngừng một lúc, tôi cảm giác mẹ như đang nuốt xuống một nỗi trách móc. – “Qua một người bạn, mẹ biết tin và đem con vào Sài Gòn lánh mặt. Mẹ… thật sự mẹ đã phát hoảng. Mẹ sợ ông ấy trả thù, hay cướp con đi, hay làm một chuyện tồi tệ nào đó để trừng phạt hành động điên rồ của mẹ ngày xưa. Mẹ đem con bỏ chạy, Sài Gòn, rồi nước Đức. Dù sao thì nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Francis không bao giờ có thể nghĩ rằng mẹ đang ẩn nấp rất gần ông ấy.”
Thề có Chúa, khi mẹ dứt lời, tôi thấy ánh lên trong mắt bà một tia nhìn rất ranh mãnh. Tôi còn đang ngẩn người, cố gắng tiêu hóa hết những gì vừa nghe thì mẹ lại lên tiếng.
“Ngủ thôi con gái, khuya quá rồi. Sáng mai chúng ta phải đi Berlin. Con cần gặp Francis. Ông ấy đang nằm viện.”
Phía Sau Một Cô Gái Phía Sau Một Cô Gái - Trần Lê Ngọc Bích Phía Sau Một Cô Gái