Số lần đọc/download: 6908 / 843
Cập nhật: 2016-02-04 20:53:59 +0700
Chương 6
M
ột lần nọ, chúng tôi đang làm việc trong hào. Bình minh xám xịt vây quanh chúng tôi; màu xám của bầu trời; màu xám của tuyết trong ánh sáng nhợt nhạt của bình minh; màu xám trên những bộ đồ của những người tù, và màu xám u tối trên khuôn mặt họ. Tôi lại nói chuyện trong tâm tưởng với người vợ của mình, mà có lẽ cũng là đang đấu tranh để tìm thấy lý do cho sự chịu đựng, cho cái chết từ từ của tôi. Trong nỗ lực cuối cùng chống lại nỗi tuyệt vọng trước cái chết sắp đến, tôi nhận thấy linh hồn mình đang xuyên qua bức màn ảm đạm. Tôi có cảm giác rằng linh hồn của tôi vượt qua cả cái thế giới vô vọng, vô nghĩa lúc ấy và văng vẳng ở đâu đó, tôi nghe thấy câu trả lời "Có" cho câu hỏi về sự tồn tại của ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống. Ngay khoảnh khắc ấy, bỗng một tia sáng loé lên trên một nông trại ở phía xa, trong làn sương mờ ảo buổi bình minh ở Bavaria. "Ex lux in tenebris lucet" - ánh sáng rồi cũng xuất hiện từ trong bóng tối. Trong nhiều giờ, tôi đứng cuốc trên mặt đất đóng băng. Tên lính gác đi ngang, sỉ nhục tôi, tôi coi như hắn và những lời của hắn không còn tồn tại, tôi lại tiếp tục nói chuyện với người vợ thân yêu của mình. Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hiện diện của nàng, rằng nàng luôn ở cạnh tôi; tôi có cảm giác rằng mình có thể chạm vào nàng, có thể đưa tay ra và nắm lấy bàn tay của nàng. Cảm giác ấy rất mạnh: nàng đã ở đây. Đúng vào lúc ấy, một con chim nhẹ nhàng bay đến và đậu ngay trước mặt tôi - trên đống đất mà tôi vừa đào xong - và nhìn tôi chăm chú.
Ở đoạn trước, tôi đã đề cập đến vấn đề nghệ thuật trong trại. Liệu trong trại tập trung có tồn tại hình thái nghệ thuật nào đó hay không? Điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Thỉnh thoảng, trong trại cũng tổ chức múa hát. Khu trại tạm thời được thu xếp một khoảng trống, một vài chiếc ghế gỗ được đặt hoặc cột vào nhau và lịch biểu diễn được phác thảo. Đến chiều tối, những người có địa vị khá cao trong trại - các Capo và những công nhân không phải rời trại đi đến công trường - tụ tập tại khu sân khấu tạm bợ này. Họ đến để được thoả thích cười vui hoặc để cho người ta thấy rằng họ cũng biết rơi lệ; dù gì đi nữa họ cũng chỉ muốn tạm quên hết sự việc xung quanh. Các tiết mục biểu diễn bao gồm những bài hát, bài thơ, chuyện cười, một số tác phẩm ngầm đả kích tội ác trong trại. Tất cả đều nhằm giúp chúng tôi quên đi hoàn cảnh của mình, và đúng là như vậy thật. Các buổi văn nghệ hiệu quả đến mức một vài tù nhân thường đến xem biểu diễn, bất kể sự mệt mỏi của bản thân hoặc thậm chí là phải mất cả khẩu phần ăn hằng ngày của mình.
Trong nửa tiếng nghỉ trưa, khi người ta phát xúp tại công trường (xúp do những nhà thầu trả công cho tù nhân với số lượng ít ỏi), chúng tôi được phép ngồi trong một phòng máy chưa xây xong. Khi bước vào, mỗi người đều cầm trên tay một tô xúp lõng bõng nước. Trong khi chúng tôi xì xụp húp, một tù nhân trèo lên một cái ống và hát các bài hát của Ý. Chúng tôi rất thích các bài hát, và anh sẽ được cho gấp đôi phần xúp múc "từ đáy nồi" - có nghĩa là sẽ có thêm ít đậu.
Phần thưởng không chỉ dành cho các "diễn viên bất đắc dĩ" mà còn dành cho khán giả - những người đến cổ vũ. Chẳng hạn nhờ tinh thần cổ vũ hăng hái, tôi nhận được sự che chở (thật may là tôi chưa cần nó bao giờ!) từ một Capo đáng sợ nhất trong trại - người có biệt hiệu là "Capo sát thủ". Chuyện diễn ra như sau: Một chiều nọ, tôi lại được vinh dự mời đến căn phòng diễn ra buổi cầu cơ một lần nữa. Ở đó đã tụ tập nhiều người bạn của vị bác sĩ trưởng (việc này trái với luật của trại), và viên sĩ quan đội vệ sinh cũng có mặt. Vị Capo sát thủ tình cờ bước vào phòng và hỏi mọi người có muốn nghe bài thơ nổi tiếng (đúng ra là tai tiếng) của hắn hay không. Không cần hỏi tới lần thứ hai, hắn ta nhanh chóng lấy ra một tập ghi chép và bắt đầu đọc áng thơ "tuyệt tác" của mình. Tôi mím chặt môi để khỏi bật cười trước những vần thơ yêu thích của hắn, cũng là để cứu mạng mình. Vì tôi vỗ tay quá nhiệt liệt nên dù tôi có bị cắt cử sang làm việc ở đội của hắn thì tôi vẫn có cơ hội sống sót, trước đây tôi đã từng bị chỉ định sang đó làm việc trong một ngày - một ngày là quá đủ với tôi. Dù sao, việc có được thiện cảm của Capo sát thủ cũng có ích, vì vậy tôi đã cố hết sức mà vỗ tay thật to.
Dĩ nhiên nhìn chung, bất cứ hình thức nghệ thuật nào ở trong trại cũng là một điều kỳ quái. Có thể nói rằng bất cứ ấn tượng nào có liên quan đến nghệ thuật đều nảy sinh từ cảnh trái ngược ma quái giữa hình thức biểu diễn với hiện trạng hoang tàn của cuộc sống trong trại. Tôi sẽ không bao giờ quên tôi đã tỉnh dậy như thế nào từ giấc ngủ vùi mệt lử vào đêm thứ hai của mình ở Auschwitz - bị khuấy động bởi tiếng nhạc. Người lính canh già tổ chức ăn mừng gì đó trong phòng của mình, gần với lối vào trại. Giọng nói lè nhè trong cơn say. Bỗng mọi thứ trở nên im bặt và rồi tiếng đàn vĩ cầm ngân lên giai điệu buồn bã, cô độc xuyên phủ màn đêm. Tiếng vĩ cầm da diết khiến tôi muốn bật khóc, bởi vì vào ngày hôm đó, có một người vừa bước sang tuổi 24. Người đó hẳn giờ này đang nằm trong một khu trại nào đó ở Auschwitz, có thể chỉ cách tôi từ vài trăm tới một ngàn dặm, nhưng chúng tôi chẳng thể nào gặp được nhau. Người ấy chính là vợ tôi.
Việc khám phá ra rằng bên trong trại tập trung cũng có bóng dáng của nghệ thuật có lẽ sẽ khiến cho người bên ngoài ngạc nhiên. Và họ sẽ càng kinh ngạc khi biết người tù lại còn có thể tìm thấy sự hài hước trong hoàn cảnh khủng khiếp ấy, dĩ nhiên tâm trạng vui vẻ ấy chỉ xuất hiện trong giây lát rồi tất cả lại chìm trong bóng đêm vô vọng. Sự hài hước là một loại vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh duy trì sự sống. Nó có sức mạnh hơn bất cứ phẩm chất nào khác, có thể đưa con người vượt lên bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù chỉ là trong phút chốc. Thực tế tôi đã giúp một anh bạn làm cạnh tôi tại công trường xây dựng cách phát triển óc hài hước. chúng tôi hứa với nhau rằng mỗi người ít nhất phải nghĩ ra một câu chuyện cười mỗi ngày về một việc bất ngờ nào đó có thể xảy ra khi chúng tôi đã được tự do. Anh ấy là một bác sĩ phẫu thuật và đã từng làm việc trong một bệnh viện lớn. Thế là có lần tôi khiến anh ấy cười bằng cách diễn tả việc anh ấy không thể quên được thói quen ở trong trại sau khi đã trở về với công việc cũ của mình như thế nào. Trong công trường xây dựng (nhất là khi có giám sát viên đi kiểm tra), tay đốc công sẽ thúc chúng tôi làm việc nhanh hơn bằng cách hét lên "Làm việc đi! Làm việc đi!". Vì thế, tôi đã nói với anh ấy: "Anh nghĩ sao nếu một ngày nào đó, lúc anh trở lại phòng mổ và đang tiến hành một ca phẫu thuật bụng. Bỗng nhiên một nhân viên chạy ào vào phòng và thông báo sự xuất hiện của bác sĩ phẫu thuật cấp cao bằng cách hét toáng lên: "Mổ đi! Mổ đi!"
Đôi khi những người khác cũng sáng tác ra những giấc mơ hài hước về tương lai, chẳng hạn như câu chuyện về buổi tiệc mà họ được mời đến dự sau khi đã được giải thoát khỏi trại. Khi xúp được mang ra, họ quên mất mình đang ở hiện tại, và thế là họ năn nỉ người chủ nhà hãy múc xúp "từ đáy nồi" cho họ.