Love is like a glass door… sometimes you don’t see it, and it smacks you right in your face.

 
 
 
 
 
Biên tập: Phuong Uyen Pham
Upload bìa: Phuong Uyen Pham
Số chương: 20 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-11 14:04:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cổ Tích Những Tấm Hình
ã bao giờ bạn hỏi, câu chuyện những tấm hình?
Tôi sinh ra và lớn lên ở thủ đô Kiev của Ukraine. Mẹ tôi là giáo viên dương cầm trường trung học, nhưng có thời khó khăn, bà bán rau kiếm sống ở chợ. Tôi không gặp cha từ tuổi lên 3. Tôi chẳng nhớ ngày nhỏ có hay hỏi mẹ về sự vắng mặt này không và mẹ đã trả lời thế nào. Nhưng từ lúc hiểu chuyện, tôi xem mình mồ côi. Một người đàn ông vẫn sống mà bỏ vợ con, thì không tồn tại. Dù vậy, tấm hình gia đình đặt trên cây dương cầm trong phòng khách luôn gợi nhắc về sự tồn tại của ông. Gần như đêm nào, dù cả ngày bận rộn hay mệt mỏi, mẹ đều chơi một bản nhạc rồi mới ngủ. Mẹ vừa đàn, vừa nhìn gương mặt sáng ngời của người đàn ông Việt Nam ấy.
Người quen mẹ mỗi khi ghé nhà, trông thấy tôi đều bảo giống cha như tạc. Mũi, miệng, dáng lông mày, xương mặt… Chỉ mắt màu hổ phách tôi hưởng từ mẹ, còn khuôn mắt, chiều sâu và độ to mắt vẫn của cha. Hẳn lúc mang thai, mẹ đã nghĩ về cha hàng ngày. Có người đùa, nhờ giống cha mà tôi điển trai nhất Kiev – tôi căm ghét mấy câu vô nghĩa này. Tôi chưa bao giờ quý trọng gương mặt mình. Dễ nhìn hay khó coi đều là bề ngoài.
Năm ấy tôi vừa vào trung học, trên tàu lửa từ Kiev đến Moscow (Nga) thăm ông bà ngoại, lần đầu tiên mẹ cho tôi xem một tấm ảnh khác của cha. Hình chân dung cận mặt, đã ố vàng ở mép. Trong hình, cha ở tuổi thiếu niên, khoảng 17 hay 18, vô cùng tuấn tú. Mái tóc đen dày cắt ngắn sát, lộ vầng trán cao và mặt góc cạnh. Miệng rất duyên, môi mỏng như cười. Đôi mắt ông đẹp đặc biệt. Mắt hai mí to tròn, sâu hút, hàng mi cong dài. Làn mắt mênh mông ươn ướt, trĩu nặng tâm tình.
Mẹ tôi nhìn mãi tấm hình, cười nhạt nhòa cùng ký ức nó cưu mang. Mẹ nói với tôi, mà chẳng dứt nhìn nó. – “Mắt con không mang phép thần như mắt cha. Mẹ nhớ khi vừa chạm nhìn vào đôi mắt ấy, nó đã lay dậy cái bản năng chở che, bảo bọc rất đàn bà trong mẹ. Mẹ chỉ muốn chạm vào bầu má, ôm chặt lấy ông ấy vào lòng và dỗ dành như một đứa trẻ. Miệng ông ấy luôn tươi cười, nhưng mắt lúc nào cũng tưởng sắp khóc.”
“Mẹ đem tấm hình ra làm gì? Ông ta là ai?” – Tôi gắt.
Mẹ tôi thở dài, cất ảnh vào túi. Mẹ nhìn ra khung cảnh trải xanh bát ngát ngoài cửa sổ, rồi dành cho tôi ánh mắt nghiêm khắc. – “Mẹ chưa từng oán trách cha con. Những năm qua, có lúc nhà ta chật vật, bàn tay đàn dương cầm của mẹ chai cứng đi, nhưng con chẳng hề bị đói rét. Mẹ tự thấy mình đã thay cha làm tốt trách nhiệm nuôi con, vậy con lấy cớ gì ghét ông ấy?”
“Con hiểu rồi. Mẹ cứ nói về cha nhiều như mẹ muốn. Nhưng ở nhà ông bà ngoại thì mẹ đừng nhắc ông ấy. Con không muốn ông bà nổi đóa. Xin cho con một mùa hè yên bình.” – Tôi đầu hàng trước tính cố chấp của mẹ.
Mẹ tôi im lặng suốt chặng đường, lẩn vào dòng ký ức đẹp đẽ của riêng mình. Mẹ im lặng suốt nhiều năm sau. Nhưng tôi biết trong thâm tâm mẹ, những cuộc đối thoại về cha, những chuỗi kỷ niệm luôn diễn tiến vô cùng sôi nổi.
***
London, một chiều tháng 5, 2011.
Đã gần mười giờ khuya đêm thứ sáu, tôi vẫn ở văn phòng giải quyết nốt công việc. Sáng chủ nhật, tôi sẽ trở lại Kiev cũ kỹ mà êm đềm, nghỉ ngơi một tuần. Tôi không muốn phải ôm khư lấy máy tính khi ở nhà. Tôi muốn được thảnh thơi ăn món mẹ nấu, nghe mẹ đàn, làm vườn cho mẹ, theo mẹ đi chợ.
Tôi đang căng đầu cùng dãy số liệu thì mẹ gọi điện. Mẹ bảo đang đặt vé tàu lửa đi Moscow từ Kiev, hỏi tôi thời gian nào thì tiện. Vì bận dở tay nên tôi ừ đại, khi tỉnh người thì việc đã rồi. Thế là, kỳ nghỉ ngỡ thư thái bị mẹ biến thành hàng giờ dài gò bó trên tàu lửa, băng những cánh đồng, những làng mạc thuộc phần Đông Âu cổ kính đến phát sợ. Phần đất này tưởng có phép, ngăn công cuộc hiện đại hóa chạm vào mình, mãi bình bình, lằng lặng, cũ cũ.
***
Trên xe lửa từ Kiev đi Moscow, một ngày tháng 5 vàng rộm.
Tôi ra toa nhà ăn mua hai cốc cà phê nóng, về ghế mình, đặt lên bàn giữa ghế ngồi của hai mẹ con. Tôi uống cà phê, nhìn đám cây cỏ lao vun vút bên ngoài, chẳng chủ đích muốn thấy gì. Tôi không thích ý tưởng về kỳ nghỉ phải di chuyển nhiều. Tôi càng chẳng hiểu vì sao mẹ tiết kiệm mấy đồng tiền còm, nhét tôi vào phương tiện chậm chạp này thay vì máy bay, dù tôi thừa sức chi trả. Nhưng tôi không tỏ ra mặt. Hơn mười năm nay sống xa mẹ, nên dịp nào gần gũi, tôi đều chiều mẹ nhất mực. Vốn dĩ mẹ tôi là cô con gái luôn được cả nhà chiều chuộng, cho đến ngày mẹ gặp cha.
“Sự nghiệp của con rất tốt, sao vẫn chưa nghĩ chuyện lấy vợ?”
“Con muốn thành tỷ phú. Gắng vài năm nữa, mà có khi năm sau là được rồi.”
“Đừng giấu mẹ nếu con thích đàn ông, mẹ hiểu mà. Mẹ nghỉ hưu nhàn rỗi, lên mạng đọc tin đọc báo, kiến thức và tầm nhìn mở mang nhiều.” – Mẹ cười khích lệ, rất hiền.
“Mẹ yên tâm, con thích đàn bà mông to ngực bự.”
“Ngoài ngoại hình, con khác cha tất tật. Cha con chỉ mong một công việc ổn định mà tận hưởng gia đình ấm cúng. Bà nội con bỏ đi khi ông ấy mới hai tuổi. Ông nội con lấy người khác, chưa bao giờ cha con được hưởng một bát súp nóng trên bàn ăn gia đình đúng nghĩa. Ông ấy đã tự lớn lên bằng ảo ảnh và nỗi giận giận thương thương dành cho người mẹ mình quên mặt. Cũng bởi người mẹ ấy mà cha bỏ chúng ta, đi không về.” – Giọng mẹ càng lúc càng nhanh, nửa ghì tức giận, nửa xả hết ưu khuất. – “Ừ, cũng chính vì vậy mà mẹ đã ra sức nuôi con không thành người như ông ấy. Đàn ông phải cứng rắn thì đàn bà mới không khổ.”
Tôi hẫng. Vì sau tràng im lặng tưởng dài vô tận bao năm nay, đang yên lành, mẹ bỗng đào xới chủ đề về cha tôi. Mẹ lại đưa ra cùng lúc quá nhiều thông tin, khiến dạ dày tôi căng trướng. Tôi không biết nói gì. Chuyện về cha, dù phân trần hay trách móc, tôi đều không muốn nghe. Ông thuộc về quá khứ. Chỉ những kẻ thích tự làm đau mình mới kể hoài quá khứ. Bởi dù chuyện vui hay buồn, nó cũng đằng đẵng, không ai có thể trải nghiệm lần nữa.
“Mẹ biết con không muốn nghe, nhưng mẹ cứ nói. Chỉ lần này thôi, mẹ nói hết về cha. Sau này mẹ sẽ không nói nữa. Mẹ sẽ đem tất cả xuống mồ.” – Mẹ lấy trong túi ra một cuốn album bìa vải nâu cũ mèm, đặt lên bàn. Mẹ lật từng trang giấy cứng lồng ảnh đã ố từng mảng, có cái lốm đốm rách lủng. Bàn tay mẹ âu yếm sờ vuốt khắp những ảnh đen trắng của cha và mẹ vào thời tình yêu chín ngọt.
Mẹ tôi mở đầu với tấm ảnh hai người cùng ngồi trước một cây dương cầm. Tóc mẹ búi cao, dáng ngồi thanh thoát rất tiểu thư. Nụ cười hai người giống nhau, đều rộng mở hạnh phúc.
“Cha con rất đẹp trai. Rất rất đẹp trai. Ông ấy tuy thấp, nhưng có nụ cười rạng rỡ, mắt ướt mộng mơ, mũi cao da ngăm, lại giỏi đàn hát, nên con gái say điếu đổ. Mẹ gặp cha trong buổi giao lưu của sinh viên hai trường. Mẹ đã đàn những bản hay nhất để gây chú ý. Với một chàng trai nổi trội, phải tỏ ra thờ ơ và đặc biệt, phải đẹp thật khác thì mới mong có cơ hội. Ông ấy đã hỏi tên mẹ trước, rồi kiên trì đeo đuổi, dù ông ở Kiev còn mẹ tận Moscow. Ông ấy tăng ca làm thêm để có tiền đi thăm mẹ.” – Mẹ tôi di di ngón tay quanh nụ cười cha. – “Ôi! Cái thời tình yêu có thể khiến con người ngủ hai tiếng một ngày mà vẫn thấy đời bừng sáng… Ông ấy yêu âm nhạc, đã mày mò tự học ghi-ta. Rồi mẹ dạy ông ấy chơi dương cầm. Ông ấy thích mê đi được. Ai yêu âm nhạc bằng cả trái tim mà không ngưỡng mộ nhạc cụ thượng lưu ấy chứ?! Nhiều lúc mẹ tự hỏi, ông ấy thật yêu mình hay yêu tài đàn của mình. Có lẽ là vế thứ hai nên ông ấy mới dễ dàng rời bỏ như thế…”
Mẹ chuyển trang mới, lật lật, rồi dừng ở tấm ảnh cha mẹ tắm biển. Mẹ cao hơn cha nửa cái đầu, mặc áo tắm hai mảnh khoe thân hình cong thả hấp dẫn. Cha nhỏ người, nhưng khung xương lớn, cơ bắp chắc khỏe. Nếu ngày bé được chăm lo dinh dưỡng đủ đầy để hình thể phát triển tốt, thì với gương mặt điển trai, chắc cha còn sát gái nữa.
“Cha con ôm tình cảm nồng nàn kiểu sét đánh với biển. Trước chuyến đi này, ông ấy mới chỉ thấy biển một lần từ thưở bé tí. Nhưng ông đã đọc cho mẹ nghe những bài thơ dạt dào hương biển, hát những tình khúc du dương tiếng sóng. Ông ấy yêu biển bởi bà nội con xuất thân từ một vùng đất cận biển. Làn đại dương ấy, bờ cát ấy, chùm chùm con sóng ấy, cái từ “biển” ấy khiến ông nhớ mẹ mình. Điều này thật mơ hồ, mẹ thật sự chẳng hiểu được. Nhưng tình cảm và logic là hai phạm trù không liên quan, nên mẹ đã chẳng phân tích kỹ càng mối tình của ông ấy và biển. Chỉ nhớ, mẹ đã lắm lúc ghen với biển.” – Mẹ tôi vừa cười vừa lắc đầu, có ý xấu hổ với sự ghen tuông trẻ con thời son ruỗi. Nụ cười đắng chát tựa thấm đẫm khí biển nặng hơi muối.
Mẹ tôi lại giở giở cuốn album, đôi lần ngừng tay, ngắm những tấm hình nhưng không nói lời nào. Rồi bà dừng ở ảnh cha mẹ ngồi trên một đồi trắng tuyết. Cả hai kín mít mũ lông, áo lông, nhưng nụ cười vô vàn rực rỡ, tưởng Mặt trời đã sinh đôi rồi gieo xuống hai khuôn miệng này.
“À, tấm này chụp ở đồi tuyết ngoại ô Moscow. Kỳ nghỉ năm ấy, ông ấy đến thăm mẹ. Cha mẹ đã chơi trò ném tuyết, nặn người tuyết rất vui. Ông ấy giẫm lên tuyết thành một hình trái tim lớn rồi đặt mẹ vào trong.” – Mắt mẹ lung linh hệt bên trong đang thắp đôi ánh nến. Rồi một giọt nước mắt lăn dài. – “Trái tim đã tan theo tuyết năm ấy. Năm nào nhỉ?”
Mẹ tôi tiếp tục lật album. Bỗng mẹ ngồi thẳng người, nhìn mặt tôi, nhưng tôi chắc trong tầm nhìn của mẹ, tôi không hiển hiện. Mẹ lắc đầu, vỗ mạnh lên trán. Giọng mẹ gồm những âm hơi dài và rất nhỏ. – “Ông ấy về chịu tang cha, sẵn dò tung tích của mẹ và anh trai, bảo có thể ở lại lâu nhưng hứa tối đa chỉ một năm. Mẹ nghĩ ông ấy lớn lên trong gia cảnh sứt mẻ, hẳn sẽ quý giá mẹ con mình, nên chẳng mảy may lo. Một năm, hai năm, rồi ba năm. Ông ấy biên thư thưa dần, không nói đến lý do trễ nãi. Mẹ cũng không hỏi, vì mẹ hiểu nỗi mất mát và khao khát của ông ấy. Cha con đã phải lớn lên cùng mặc cảm rằng mình bị bỏ rơi. Nó khiến ông ấy vừa kiên cường vừa yếu đuối. Mẹ hiểu nên mẹ chờ. Rồi lần cuối, ông ấy chỉ viết vỏn vẹn dòng “Xin lỗi em và con!”, gửi kèm món tiền không lớn nhưng hẳn dành dụm đã lâu. Mẹ nổi điên đốt thư ngay. Mẹ muốn gửi con cho ông bà ngoại, sang Việt Nam tìm ông ấy. Nhưng mẹ không làm được. Mẹ đã quá kiêu hãnh khi bỏ nhà đến Kiev theo cha con. Mẹ càng không nỡ xa con, lỡ có chuyện gì mẹ không về được thì con thế nào? Mẹ muốn chờ con lớn một chút, nhưng cuộc sống luôn phá đám những kế hoạch. Chuyện kinh tế, chuyện chính trị, hẳn con còn nhớ, có lúc mẹ con mình phải cần kiệm thế nào. Ông bà ngoại biết chuyện, cho tiền mẹ đi tìm ông ấy, nhưng mẹ từ chối. Lúc ấy mẹ đã nghĩ thông. Ông ấy biết đi thì ông ấy sẽ biết đường về. Mẹ chỉ cần yêu và chỉ chờ thôi. Một ngày nào đó, ông ấy sẽ tìm về.”
“Con sẽ chỉ cưới khi tìm được một phụ nữ yêu nhiều như mẹ.”
“Con người chỉ thực sự sống khi yêu sạch con tim, yêu mà không nghĩ đến việc mình chịu thiệt thòi, yêu dù người được yêu có gây chuyện tày trời. Mấy ai đủ thông minh mà mù quáng như mẹ?” – Mẹ tôi ưỡn ngực, ngẩng đầu, cao giọng tự hào. Lần đầu tiên, mẹ đùa như thế. – “Con ế chắc rồi!”
Tôi cầm cuốn album lên, tự lật từng trang. Tôi dừng lại ở tấm ảnh trên sân ga, hẳn được chụp ít phút trước khi cha đi. Cha ẵm tôi trên tay, phiên bản tí hon của ông.
“Con giống cha, và cha giống bà nội, ông ấy thường nói thế. Cũng có thể ông ấy quá thương nhớ nên tự huyễn hoặc. Cha con luôn giữ một tấm ảnh bà nội bên mình như bùa hộ mệnh. Tấm ảnh thẻ chỉ bằng bốn lóng tay xếp chồng hai, mờ căm. Nhưng ông ấy hay lặng ở góc phòng hay bên cửa sổ, mải miết nhìn tấm ảnh. Khi giữ hoài một tấm ảnh bên mình… Người đó hoặc rất thương, rất thèm ở bên người trong ảnh, hoặc đã vô phương gặp lại, giữ ảnh để tránh một ngày quên mất người kia nhìn thế nào. Hoặc cả hai.”
“Cuốn album không làm mẹ đau ư?”
“Nó cứa nát lòng mẹ. Nhìn một người mà mới hôm trước, tuần trước, tháng trước mình luôn biết lịch trình của họ, rồi đột ngột mình chẳng biết họ phương nào. Mẹ cố chịu đựng. Đời người ngắn lắm, cơn đau dài vài mươi năm rồi cũng tắt thôi. Mẹ nghĩ, mẹ giả sử… Nếu cha không bỏ đi, biết đâu chuyện khác sẽ xảy ra và cuối cùng thì vẫn là chia ly. Ít nhất, mẹ đã sống trọn vẹn những thời điểm tuyệt vời. Dạo gần đây mẹ lại nghĩ mọi chuyện là do con. Cả cha và mẹ đều chưa trưởng thành, chưa sống cho riêng bản thân thì bỗng có con. Vì con, mẹ ép mình chín chắn, nhưng ông ấy hẳn chưa sẵn sàng.” – Mẹ cố tỏ ra hài hước khi nhìn mặt tôi căng như dây đàn. Có quá nhiều thông tin và cảm xúc để tiêu hóa!
“Vì sao mẹ đem chuyện ra nói cho con lúc này? Vì sao chúng ta đi chuyến tàu này?”
“Mấy năm nay, mẹ có hay tin cha con. Ông ấy đã lập gia đình khác. Chẳng hiểu sao mẹ không giận, chỉ buồn. Phải chăng ông ấy đã cảm thấy dần xa cách với mẹ mà không dám nói? Mẹ là phụ nữ Nga, rào văn hóa đã cản mẹ thật sự đồng cảm với ông ấy. Mẹ không thể xây tổ ấm như ông ấy hằng mơ. Mẹ không là mẫu người ông ấy muốn. Mẹ…” – Mẹ tôi thở dài, rồi chìm trong yên lặng. Rất lâu sau, mẹ nắm lấy tay tôi. – “Nam, cha con vừa mất.”
***
Cổ Tích Những Tấm Hình
Đã bao giờ bạn hỏi
Những câu chuyện ngày xưa
Chuyện của bố mẹ mình
Cái thời xa xa lắm?
Cổ tích buồn nước Nga,
Rừng bạch dương lấp lóa,
Mưa phấp phới tung bay
Trên dòng sông băng giá.
Chuyện hoa tuyết ngày đông
Phủ con đường trắng xóa,
Cô búp bê mắt xanh
Yêu chàng trai châu Á.
Chuyện của chuyến xe lửa
Đem theo đôi tình nhân,
Băng ngang những cánh đồng
Giữa trưa hè rực nắng.
Chuyện bến cảng không tên
Hôn tạm biệt, chẳng khóc
“Sẽ sớm về bên em!”
Vĩnh viễn là lời hứa…
Đã bao giờ bạn hỏi
Câu chuyện những tấm hình
Tóc bố mẹ còn xanh
Và thời gian còn trẻ?
Phía Sau Một Cô Gái Phía Sau Một Cô Gái - Trần Lê Ngọc Bích Phía Sau Một Cô Gái