Số lần đọc/download: 4951 / 46
Cập nhật: 2016-02-02 17:09:28 +0700
Chương 4
N
gười đàn ông đang làm "vua" trong "động" Cô Ba là Thượng. Thượng có thói quen chơi một mình một cõi. Hắn bao "động" Cô Ba nguyên ngày. Cô Ba chủ nhân, các em Tuyết, Mai, Hồng... là "hoàng hậu", là "thứ phi" đua nhau chiều chuộng hắn!
Hắn đang ngồi uống bia một mình ở xa lông. Bốn người đàn bà đã ngủ cả. Thượng cầm tờ báo lên. Một hàng tít lớn ở trang nhất đập vào mắt Thượng. Thượng đặt lon Heineken xuống mặt bàn. "Nghiêm trị bọn buôn bán ma túy", hắn lướt rất nhanh và dừng lại ở tên tác giả bài báo: Quang Thủy. Vẫn thằng nhà báo này! Để coi mày làm được trò gì! Tụi bay đòi Nhà nước nghiêm trị tao à? Đòi đưa vào Luật Hình sự à? Mã Lai xử tử hình dân buôn bán ma túy, bay đòi áp dụng hình phạt đó ở xứ này à? Vô ích! Cho dù đạo luật đó có ra đời, có được thực hiện, thì ta vẫn phây phây!
Tiền! Tiền là tiên là Phật, là sức bật của cuộc đời, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý!... Chí lý thật! Thằng cha nào sáng tác ra bài thơ "Tiền" quả là đại thi hào, đại triết gia! Nếu mình gặp thằng cha ấy, mình sẽ thưởng thật hậu, sẽ bao hắn ta một tuần liền tại động Cô Ba!
Thượng ngả người ra phía sau, chân duỗi thẳng trên mặt bàn xa lông, bộ sắc phục quân vương bị hắn trút bỏ từ lúc lao vào ngốn ngấu thân thể của công nương Hồng, một cô gái non choẹt mà chủ "động" mới mua được. Lúc này, hắn mặc độc chiếc quần soọc trắng. Mặt hắn ngửa lên, mắt nhắm lại, nhưng đầu hắn đang toan tính: "Làm cách nào tiêu tùng thằng nhà báo khốn kiếp Quang Thủy? Nó chẳng làm gì được mình, nhưng đôi khi nó kích động dư luận chú ý đến công chuyện làm ăn của mình. Mình làm mọi cách, bằng mọi giá để cho dư luận bàng quan với ma túy, pháp luật làm ngơ với ma túy. Thằng Thủy làm mọi cách để hướng dư luận bài trừ ma túy. Vậy, thằng Thủy phải chết! Bỏ ra một ít tiền, thuê mấy thằng đại bàng là xong. Mày chơi với lửa, lửa sẽ thiêu mày, Thủy ạ!".
Từ ngày tạo dựng được cơ sở bào chế á phiện ngay trung tâm thành phố, Thượng phất to. Tiền bạc chảy vào hầu bao của Thượng như nước. Ngày mới gặp Ngọc, lén lút tư thông với Ngọc, Thượng chỉ là anh buôn lậu thuốc phiện trên tuyến Bắc - Nam. Nay, Thượng đã trở thành một trong số ông chủ bự nhất vùng. Thượng điều hành dưới tay mình hàng chục đầu mối chuyên tái chế thuốc phiện và phân phối nó cho mạng lưới tiêu dùng của miền Nam. Đạt tới vị trí ấy là nhờ Thượng có vỏ bọc tuyệt vời. Cha của Thượng có người em gái; chồng của bà là ông Tiến, một nhân vật quan trọng, nhiều quyền lực. Một cú telephone của ông, lập tức phòng giam mở liền. Một mẩu giấy viết tay của ông, cuộc điều tra, cuộc truy tìm lập tức chấm dứt.
Cha mẹ Thượng dân Bến Tre, bị chết năm sáu mươi Đồng Khởi. Năm ấy, Thượng đang học trung học ở Sài Gòn. Cha mẹ chết, không còn nguồn cung cấp tiền bạc nữa, Thượng bỏ học, đi làm thư ký văn phòng của Bộ Sắc tộc. Thời ấy, bác sĩ Trần Kim Tuyến - theo lệnh của cố vấn Ngô Đình Nhu - đã sử dụng hàng ngàn cộng tác viên là viên chức, phu xe, gái nhảy, lưu manh... làm chỉ điểm cho bộ máy công an mật vụ. Đội ngũ chỉ điểm này được trả lương bằng... thuốc phiện. Thời đó, Sài Gòn - Chợ Lớn có tới hai ngàn năm trăm tiệm hút. Tổ chức của Trần Kim Tuyến lập đường dây với bọn găngxtơ đảo Corse (Pháp), sử dụng máy bay loại nhỏ của hãng hàng không Francisce vận tải á phiện từ Lào về Sài Gòn. Mật vụ Sài Gòn câu kết với đại tá E. Lansdale - trùm CIA - phát triển đường dây này, đưa cả phi đoàn vận tải số I của Nguyễn Cao Kỳ vào chiến dịch. Thượng được tuyển dụng vào đội quân bốc xếp hàng hóa bí mật. Sau khi Diệm đổ, mạng lưới buôn bán ma túy chuyển sang tay các nhân vật mới. Thượng tiếp tục phục vụ mạng lưới này. Năm 1965, Thượng lấy vợ, một cave 1 nổi tiếng đẹp ở vũ trường Đồng Khánh - tiệm nhảy ăn khách nhất thành phố Nha Trang. Được hai năm, vợ Thượng đi theo một cố vấn Mỹ. Thượng ghen, đánh vợ trọng thương, phải vào tù. Ra tù, Thượng vô lính. Năm 1975, Thượng là thiếu úy, tròn bốn chục tuổi, học tập cải tạo ở Đà Nẵng. Thượng tìm cách liên lạc được với bà Tiến, cô ruột của mình ở Hà Nội. Vợ chồng bà Tiến bảo lãnh cho Thượng. Thượng ra Hà Nội sống một thời gian, bắt được mối buôn á phiện vô Sài Gòn.
Một lần dừng chân trước sạp vải của Ngọc, Thượng nhận ra chưa có ai đẹp như người đàn bà này. Ngọc có đôi mắt rất đĩ. Thượng buông câu, Ngọc không chê mồi. Chồng Ngọc chết; Thượng lấy Ngọc, rồi tìm cách nhập được hộ khẩu vào nhà Ngọc. Đứa con gái của Ngọc bỏ nhà đi hoang. Thượng chỉ mong có thế. Thượng được tự do. Khi Diệp trở về ăn cắp hai kí lô thuốc phiện, Thượng biết thế nào cũng có ngày Diệp tố cáo chuyện buôn lậu. Một mặt, Thượng phác thảo kế hoạch dùng ma túy để cột chặt Diệp vào với mình. Mặt khác, Thượng quyết định không bao giờ mang thuốc phiện về nhà. Thượng bỏ tiền mua hẳn một cơ sở sản xuất thuốc nam. Chủ cơ sở này trở thành đệ tử của Thượng, chuyên tái chế á phiện cho Thượng và Ngọc.
Mặc dù có vợ chồng ông Tiến đầy quyền thế, nhưng Thượng khôn ngoan, rất ít khi phải nhờ vả, chỉ nhờ vả cô ruột, chú rể khi quá cần thiết. Thượng luôn luôn tỏ ra là một công dân gương mẫu ở địa phương. Năm nào, nhà Thượng cũng nhận bằng "Gia đình gương mẫu". Sự quen biết, thân thuộc của Thượng trong thành phố đã đạt tới mức độ tuyệt mĩ.
Đối với thế giới ngầm Sài Gòn, Thượng có uy rất lớn, trở thành một trùm maphia từ bao giờ Thượng cũng không hay. Giống hệt như maphia Hồng Kông, hay Hoa Kỳ, maphia Sài Gòn cũng có luật lệ cực kỳ rùng rợn. Chúng thanh toán nhau như trò đùa, và trong tất cả các vụ đâm chém ấy, thủ phạm đích thực không bao giờ bị bắt.
Thượng tự đắc về mình. Hắn cười lên thành tiếng khi trong óc hắn nảy ra ý định chấm dứt sự nghiệp của nhà báo Quang Thủy...
*
Hơn ai hết, Thủy rất hiểu giới buôn bán á phiện.
Thủy là con một nhà buôn giàu được cha mẹ chiều hết cỡ. Anh chơi xì ke từ năm 1968, năm ấy Thủy vừa tốt nghiệp Đại học Phú Thọ Sài Gòn. Trở thành kỹ sư điện tử, Thủy không đi làm, phá tan cơ nghiệp gia đình vì ghiền. Cha mẹ Thủy thất vọng vì con, vì sản nghiệp tiêu vong, lâm bệnh nặng mà chết. Thủy tỉnh ngộ thì đã muộn. Ngày 23 tháng mười một năm 1975, trường Fatima ra đời. Thủy được người ta lôi về trong đợt truy quét đầu tiên. Lúc ấy, Thủy đang hấp hối.
Hai năm sau, Thủy được ra trường. Anh xin vào làm việc trong đội chống ma túy do bà Tư - giám đốc Sở - trực tiếp phụ trách. Thủy có công phát hiện ra hàng chục "ổ" buôn bán ma túy. Cùng với công việc truy quét bọn buôn lậu, chích choác, Thủy viết hàng chục phóng sự về ma túy gửi cho các báo. Những bài viết của anh như những viên đạn bắn thẳng vào bọn buôn lậu, bọn gây tội ác hủy diệt thế hệ trẻ. Anh được một tờ báo lớn xin về làm phóng viên chuyên viết các vấn đề xã hội. Đời sống nhà báo vô cùng kham khổ, Thủy vừa làm báo, vừa nhận tivi về sửa chữa để tăng thêm thu nhập. Đêm nào, anh cũng thức đến mười hai giờ khuya để viết lách hoặc chữa tivi. Thủy chưa lấy vợ. Anh ở một mình trong khu tập thể của tòa soạn; căn phòng của Thủy ở tận lầu năm, không bao giờ có nước.
Những phóng sự của Thủy ngồn ngộn sự thật thấm đẫm nỗi ê chề của giới bụi đời, cháy bỏng căm giận bọn chủ chứa gái, chủ động xì ke, bọn buôn lậu tội ác làm giàu trên thân xác của hàng chục ngàn con người. Bài báo mới nhất "Nghiêm trị bọn buôn lậu ma túy" phanh phui những mánh khóe trốn tránh pháp luật của bọn trùm buôn lậu, bọn chủ chích choác, bọn chích dạo, đồng thời nêu bật trách nhiệm của ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án. Quang Thủy đưa ra một loạt dẫn chứng và đặt câu hỏi: Vì sao nhiều tên buôn lậu ma túy, buôn bán á phiện lẻ bị bắt rồi lại được thả? Nếu một người dân phát hiện "ổ" chích choác; chủ "ổ" bị bắt rồi lại được thả, tất sẽ tìm cách trả thù người phát hiện. Còn ai dám vạch mặt bọn gây tội ác nữa? Rồi sẽ đến lúc, xã hội bàng quan với tội ác. Lúc đó, con người sẽ sống ra sao? Thủy phê phán các cơ quan bảo vệ pháp luật còn nhiều sơ hở, và đặc biệt là, trong đội ngũ có nhiều phần tử quyền cao chức trọng đã thoái hóa, biến chất, trở thành tay chân của thế giới ngầm. Nhiều tên buôn bán ma túy cỡ bự, khi sa lưới pháp luật, đã được cán bộ cấp đại tá công an, quân đội bảo lãnh... Nhiều chiến dịch truy quét đã được báo trước hai ba ngày để các chủ chứa kịp thời phi tang, tẩu tán... Bài báo nhấn mạnh: Muốn làm trong sạch xã hội, trước hết phải làm trong sạch đội ngũ những người quản lý xã hội.
Ba ngày sau khi Thượng đọc được bài báo của Thủy, có một người đàn bà ôm chiếc radio đến tìm Thủy. Người gác cổng cho biết là Thủy đi vắng. Người đàn bà nói: "Tôi là khách quen của cậu Thủy. Năm ngoái, cậu Thủy sửa cái tivi cho nhà tôi, tốt lắm. Nay, tôi đến tìm cậu ấy mà không gặp. Xui quá. Tôi nhờ ông chuyển giúp tôi cái radio này cho cậu Thủy sửa giúp. Cả nhà có mỗi cái radio mà nó hư. Ông nhà tôi bán vé số, không có radio là ổng quạu, làm sao nghe xổ số kia chứ! Ông làm ơn nhận giúp tôi nghe. Ông nói là sáng mai tôi trở lại. Cậu Thủy ráng sửa gấp cho".
Thủy đi suốt từ sáng đến tối mới về. Anh nhận cái radio ở cổng trực, leo tới căn phòng của mình ở lầu năm, mệt quá, ngồi đờ ra. Suốt ngày hôm nay, anh bám theo Kim Chi coi mụ đi lấy thuốc ở đâu. Nhưng vô ích. Mụ đi chợ, vô tiệm giò chả, vô tiệm uốn tóc, rồi lại vào chợ và mất hút ở đó. Thủy chờ hoài không thấy mụ trở ra, biết là bị mụ "cắt đuôi" rồi. Tại sao một "ổ" chích công khai như "ổ" của Kim Chi lại ngang nhiên tồn tại ngoài vòng pháp luật? Buổi chiều, Thủy cố gắng đột nhập hẻm Nhạn Trắng, nhưng hệ thống canh chèo của "tổ hợp" này hiện đại quá, Thủy không thể đột nhập nổi. Thủy vừa bước tới đầu hẻm, một bé trai chừng bảy tuổi chạy như điên, đâm sầm vào Thủy. Cái lọ mực trên tay nó rớt xuống, mực tím đổ lênh láng. Nó tru tréo lên: "Cái anh này đi không nhìn, đụng phải tui, làm bể lọ mực của tui. Thường tui ngay, không tui chửi". Thủy không còn khoảng trống nào để đáp lời nó vì nó bù lu bù loa ầm xèo lên. Cả chục người trong hẻm bu ra... Thủy biết là mình đã bị "ra đa mắt thần" phát hiện. Anh buồn bã quay về.
Trong buồng tắm không còn một giọt nước. Thủy xuống hồ dưới đất xách hai thùng nước, đặt nồi cơm lên bếp điện rồi đi tắm. Anh uể oải nhai được chén cơm với mấy cọng dưa cải mua của bà Tư dưới lầu hai. Đêm nay, anh không muốn đụng tới bản thảo cuốn tiểu thuyết về ma túy đang viết dở dang. Anh thấy miệng khô khốc, mệt mỏi. Ước gì có một ly bia lúc này. Thủy nhìn chiếc radio, đây là loại máy thu thanh sáu bóng bán dẫn, hiệu Sanyo. Không biết nó hư cái gì? Máy cũ mèm, chắc là cháy sò. Thủy bật công tắc đèn bàn, cắm cúi mở nắp máy. Vặn xong bốn con ốc, Thủy nhẹ nhàng dỡ nắp máy ra. Chợt anh hết hồn: Trái lựu đạn mỏ vịt nằm gọn trong máy, khi nắp máy bật lên, kéo theo cái chốt mỏ vịt. Nó xì khói. Thủy quăng cái radio qua cửa sổ ra hành lang và xô ghế nằm dán xuống sàn nhà. Một tiếng nổ chát chúa. Rất may là không có ai ở ngoài hành lang giờ này. Đúng vào giờ chiếu phim. Đêm nay, tivi chiếu bộ phim "Cô bé từ trên trời rơi xuống". Một mảnh kính cửa sổ bắn vào người Thủy, làm lưng anh bị chảy máu. "Thật hên!", Thủy nói với hàng xóm lúc này đã tụ tập chật ních nhà anh.
Trong cuộc họp giao ban ở Tuyên huấn Thành ủy, thủ trưởng của Thủy đề nghị ban tuyên huấn làm việc với phòng cảnh sát bảo vệ văn hóa, có biện pháp bảo vệ hữu hiệu các nhà báo, nhất là các nhà báo chuyên viết điều tra các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Những cố gắng của công an nhằm tìm ra kẻ cài lựu đạn ám sát nhà báo Quang Thủy không đem lại kết quả gì.
Giám đốc Quang đến tòa soạn thăm Thủy.
- Ông già gác cổng có nhớ ngoại hình của kẻ mang cái radio đến không?
- Ổng nói đó là người đàn bà mặc đồ bộ bằng vải xoa bông đỏ thẫm, mặt vuông, cằm bạnh, nói năng lịch sự.
- Tóc?
- Ổng không nhớ. Công an có đưa cho ông già coi cả lô ảnh chụp của các chủ "động", nhưng ổng nói không có người đàn bà ấy.
- Chú chủ quan quá. Tôi lo cho chú.
Từ lâu, quan hệ giữa ông Quang với Thủy thân thiết như anh em ruột. Vụ nổ xảy ra, Quang là người được Thủy điện thoại báo tin trước hết. Quang luôn nhắc Thủy phải cảnh giác. Mấy năm qua, Thủy đã quá quen với những thư nặc danh, những cú điện thoại hăm dọa, những cuộc đụng xe trên đường, và hai lần anh bị bọn lưu manh đánh hội đồng... Điều đó giúp anh rất nhạy với các tình huống tương tự để tự bảo vệ mình. Chính giám đốc Quang đã nói với Thủy từ trước: "Phải tự bảo vệ mình là chính. Chú là cái gai găm vào mắt bọn buôn bán ma túy. Chú thuộc mặt từng đứa. Chúng nó thù chú. Phải tự bảo vệ mình, Thủy ạ".
Quả là Thủy không ngờ đến thủ đoạn cài lựu đạn vào máy rồi đưa tới cho anh sửa.
- Từ nay em sẽ cẩn thận hơn. Em chỉ mở máy khi nào có chủ máy ngồi bên.
- Không ai học hết chữ ngờ được. Còn biết bao thủ đoạn...
- Nếu không nhận sửa máy thì... đói! - Thủy rầu rĩ - Muốn sống hết mình cho viết lách, nhưng không có cái gì cho vô bao tử. Hôm trước, em hướng dẫn một phóng viên của hãng BBC đi thăm trường anh. Lúc về, anh Quang biết tay đó hỏi em chuyện gì không? Anh ta hỏi lương của em. Em nói, tương đương mười đô la một tháng. Anh ta không tin: "Vô lý, đó chỉ là số tiền tôi được phép tiêu xài trong một ngày. Vậy mà anh lại có thể sống cả tháng được sao?". Em bảo: "Còn nhiều người thu nhập chỉ bằng nửa số lương của tôi". Anh ta thốt lên: "Không thể hiểu nổi đất nước này, toàn chuyện lạ: cai xì ke giỏi như thế, lương thấp như thế! Không thể có nơi nào giàu lòng kiên nhẫn và tình thương hơn ở trung tâm của ông Quang!".
Quang cười:
- Cái anh chàng ấy, tôi còn nhớ. Anh ta cảm động gần như phát khóc khi nghe tôi kể về số phận của những người ghiền, về những cố gắng của chúng ta trong cuộc chiến đấu với ma túy để giành lại con người.
- Cô bé tuyệt thực một tháng, rồi sau lại nuốt á phiện, độ này thế nào, anh Quang?
- Chú còn nhớ cô gái ấy à? Đẹp phải không?
- Quá đẹp! - Thủy công nhận, mặt thoáng đỏ lên trước cái nhìn của Quang.
- Sau lần tái sử dụng á phiện, cô bé ân hận lắm. Nay khá rồi. Người đã có da có thịt. Cô ấy làm ở tổ mành trúc. Bức tranh "Người đàn bà xa lạ" là đề tài cô ấy rất thích. Sản phẩm của cô ấy làm, bên xuất khẩu họ chấm điểm cao nhất. Các em học viên cùng tổ mành trúc vừa cho tôi biết, giọng ca của Ngọc Diệp rất tốt. Vừa làm, cô ấy vừa ca cho cả tổ nghe. Có lẽ nên đưa cô ấy vô đội văn nghệ nhà trường.
- Sau lần tiếp xúc với cô ấy, em về viết bài, rồi không sao ngủ được, anh Quang ạ. Xót xa quá! Thân phận những cô gái đến bước lạc loài như Diệp sẽ ra sao, nếu chúng ta không đưa họ vô trường? Còn biết bao cô gái đêm đêm đứng đầy đường, đầy công viên kia nữa. Thật đáng sợ. Đêm ấy, em mất ngủ trắng đêm. Em nghĩ, nếu ta sống thờ ơ với số phận của những cô gái như Diệp, những chàng trai như Ca sóc, chúng ta mặc kệ họ, thì tội của chúng ta còn lớn hơn bọn buôn bán ma túy. Em nghĩ như vậy đó.
Giám đốc Quang cúi đầu, không nói gì. Những lúc xúc động, ông thường như thế.
Quang móc túi lấy ra một tờ giấy đưa cho Thủy. Thủy đọc. Đó là một bài thơ báo tường của trường. Những câu thơ thốt lên tự đáy lòng:
Tôi không còn nhận ra tôi
Soi gương cứ ngỡ bóng người không quen
Miệt mài ngày cũng như đêm
Ngẩn ngơ thế sự đảo điên cuộc tình
Cơm hàng cháo chợ điêu linh
Cũng đành lấy nhục làm vinh qua ngày
Chợ đời lừa lọc đổi thay
Trầm thân trong vũng bùn lầy nhuốc nhơ
Biết đâu là bến là bờ
Mũi kim ống thuốc làm mờ lương tri
Đắm mình trong thú đam mê
Mọi người xa lánh, bạn bè rẻ khinh
Thiếu tình thương! Mất niềm tin!
Lạc loài chợ loạn, lênh đênh xứ người...
Đi đâu và biết về đâu?
Không bầm gan cũng bạc đầu như chơi
Soi gương mà nhục với đời
Bóng mình chẳng biết là người hay ma
Phũ phàng bao trận phong ba
Không đui con mắt cũng già cái tâm
Phải chăng gió bắt mưa cầm
Xác xơ là kiếp con tằm vương tơ...
Thủy đọc bài thơ hai lần. Một sự ăn năn, hối hận, một sự thất vọng cùng cực vì đã tự mình hủy hoại đời mình. Nhưng... thật đáng sợ! "Phải chăng gió bắt mưa cầm? Xác xơ là kiếp con tằm vương tơ...". Thật đáng sợ! Người ta biết là nhục, là ma quỷ, lạc loài... nhưng vì sao người ta không dứt bỏ được ma túy? Câu hỏi ấy xoáy sâu tâm trí Thủy bao lâu nay rồi. Giờ đây, đọc bài thơ của Diệp - cô gái có phoọc người thật đẹp và gương mặt thông minh - Thủy thấy xót xa quá. Tại sao? Tại sao? Thơ là người. Em thốt ra cõi lòng của em. Và từ đáy lòng em, em chưa thể từ bỏ ma túy. Em còn vương nợ với nó. Nếu không tự cứu mình, em mãi mãi sẽ là nạn nhân tự nguyện của cơn say ma quỷ. Sự trợ giúp của mọi người chỉ có ý nghĩa là chất xúc tác mà thôi. Em nói rằng, em thiếu tình thương, em mất niềm tin, điều đó đúng. Nhưng tình thương và niềm tin, đâu phải tự nó đến với em?
Ông Quang cắt ngang mạch tư duy của Thủy:
- Chú cứ giữ lấy bài thơ ấy! Tôi biết là nó có ích cho chú. Tôi vẫn đọc thơ chú in trên tờ Văn Nghệ. Có thể cho đăng bài thơ này được không?
- Em cũng không biết nữa. Nhưng đây đúng là một số phận, một tâm trạng bị vò xé, khổ đau quá nhiều. Em không ngờ cô bé Diệp lại làm được bài thơ này.
- Đâu phải cô ấy làm thơ! Nói đúng hơn là lời thơ tự thốt ra... Đúng không? "Soi gương mà nhục với đời. Bóng mình chẳng biết là người hay ma?". Cần gì phải có kỹ thuật làm thơ. Tự thân cuộc đời ê chề, khổ đau đã nảy ra thơ. Mà thôi, đâu phải lúc bàn chuyện thơ phú. Thủy này, chú có thấy bài thơ của cô Diệp là một sự dở dang không?
- Một sự dở dang đầy lo ngại.
- Tôi cũng nghĩ thế.
- Cô ấy chưa thể dứt bỏ vĩnh viễn ma túy. Em sợ rằng cô ấy sẽ lại bỏ trốn trường...
- Phải làm gì? Phải làm gì đối với hơn một ngàn học viên trong trường và hàng chục ngàn người ghiền ở ngoài xã hội để họ từ bỏ vĩnh viễn ma túy?
- Riêng với Diệp, có lẽ, phải có người nào đó yêu thương cô ấy, là người bạn đời của cô ấy.
- Có người yêu Diệp. Anh chàng Ca sóc ấy. Chú Thủy nhớ chứ?
- Quên sao được anh bạn dễ thương, láu lỉnh đó!
- Nhưng rất lạ, Ca sóc tâm tình với mình: "Chú Quang ơi, Diệp không mặn nồng với cháu, hay là cô ấy không tin cháu?".
- Dễ hiểu thôi, anh Quang à. Những người như cô Diệp, sau bao nhiêu năm lăn lộn với "chợ đời lừa lọc đổi thay" rồi, giờ đây như con chim thấy cành cong cũng tưởng cạm bẫy. Dễ hiểu thôi... Nhưng, nếu đúng Ca sóc yêu Diệp, anh nên tác thành cho hai người.
- Mình chỉ mong vậy. Mấy năm qua, đã có mấy cặp học viên thương nhau, nên vợ nên chồng. Họ lấy nhau và ở lại trường xây dựng tổ ấm. Đám cưới của Hùng xả láng với cô y tá Mai, chú Thủy có dự phải không? Thật cảm động! Mình rất sung sướng được thấy hạnh phúc trở về với các em học viên...
Chú Thích
1 Gái nhảy.