Số lần đọc/download: 2994 / 57
Cập nhật: 2020-05-28 15:55:23 +0700
Chương 4: Tấm Ảnh Giết Người
T
rung sĩ Tinô giơ tay vẫy người lính gác trước khi thêm ga, lái chiếc xe bít bùng ra khỏi khám đường của thành phố. Người lính nhăn răng cười chào lại. Tinô có một thân hình rắn chắc, cái miệng đầy nghị lực nhưng tươi tắn: đặc điểm của cảnh sát viên Phi Luật Tân.
Thiếu úy Tula ngồi sau xe, cùng bị cáo, bốn phía được che kín. Mỗi khi chở phạm nhân từ nhà giam đến tòa án, Tula và Tinô thường ngồi đằng trước, cửa sau được khóa chặt. Hôm nay, trường hợp đặc biệt, Tula đã tự ý còng luôn tay mình vào tay phạm nhân, trên đường từ khám đường ra phòng dự thẩm. <
Bị can là Vitô, người hoa tiêu lão luyện của chiếc phi cơ thương mãi vừa gây ra tai nạn khủng khiếp trên không phận Mani. Ngồi trên ghế gỗ, vẻ mặt đăm chiêu, Vitô không thốt nửa lời. Tula gợi chuyện:
- Cũng may không có ai chết. Nếu có, thật rầy rà cho ông.
Vitô thở dài:
- Cho đến phút này, tôi cũng chưa hiểu nguyên nhân tai nạn. Từ nhiều năm nay, tôi nổi tiếng là phi công an toàn nhất. Tôi nhắm mắt cũng có thể đáp xuống sân bay Mani. Không biết vì sao...
- Ông yên tâm. Tôi được lệnh giải ông ra tòa. Nếu ông vô tội, thế nào ông cũng được tha. Và tôi tin chắc ông sẽ được trả tự do.
- Cám ơn thiếu úy.
- Dầu sao tôi cũng phải xin ông tha lỗi về việc còng tay. Luật pháp bắt buộc...
- Tôi biết... Không hề gì đâu...
Vitô thừ người suy nghĩ. Xuống phi trường, chàng bị bắt ngay, và bị tống giam vào khám, không kịp từ biệt Pôlin. Ở bên kia trời Tây, mẹ chàng chắc đã khóc nhiều.
Trung sĩ Tinô đẩy khung kính ăn thông với phía sau, nói với Tula, giọng bực bội:
- Khổ quá, hình như lốp trước bị xì hơi.
Tinô mắm môi ôm cứng lấy vô lăng mà xe hơi vẫn sàng qua sàng lại trên đường, suýt đâm vào đoàn xe ngược chiều. Tinô buột ra một tiếng tục tĩu. Tula nói:
- Тhì dừng xe lại. Xì hơi thì thay bánh khác, cần gì!
Tinô và Tula là bạn thân, tuy cấp bậc khác nhau. Tinô phanh lại, lái sát vào vệ đường. Trưởc khi nhảy xuống, Tinô dặn bạn:
- Anh ngồi trong đó chờ tôi. Chỉ mười phút là xong.
Trung sĩ Tinô càn nhàu khi thấy bánh trước bẹp lún. Chàng đã đề nghị nhiều lần mà cấp trên không nghe. Trong khi xe hơi ngày một tối tân, thì khám đường chỉ có những chiếc cà tàng, đề ma rơ hàng giờ máy không chịu nổ, lốp xe mòn đến gần sát. Chửi thề lần nữa, Tinô mới mở thùng xe, lấy bánh xơ-cua và đồ nghề ra thay. Những tia nắng gay gắt buổi chiều rọi vào mặt chàng.
Tinô lúi húi một bên xe, không đề ý tới một chiếc xe Nash kiểu cũ, sơn đen, lẽo đẽo theo sau, từ lúc rời khám đường. Trong xe có ba gã đàn ông, mặc sơ mi ngắn tay sặc sỡ, đeo kính mát. Liếc thấy trung sĩ Tinô quì gối xuống đường, kích xe lên, người cầm lái hé môi, cười một cách khoái trá:
- Trông kìa, thằng chó chết đang thay bánh xe.
Một người ngồi sau lên tiếng:
- Chúng mình ra tay được chưa?
Tài xế xua tay, dáng điệu chỉ huy:
- Chưa. Chưa được đâu. Mới có thằng trung sĩ. Còn thằng thiếu úy nữa.
Vẫn tiếng người ngồi sau:
- Có lẽ hắn ngồi gác thằng phi công Vitô. Như thế càng hay.
- Thong thả. Còn đông xe qua lại lắm. Đợi 5 phút nữa xem sao.
- 5 phút nữa, hắn đã thay xong bánh rồi còn nước mẹ gì!
- Tôi là người chỉ huy, không phải anh. Bao giờ anh cũng nhanh nhẩu đoảng. Kìa, thằng Tinô đang vặn ốc vào bánh xe… Khi nào hắn hạ kích xuống, chúng ta lại cũng kịp. Nhớ nhé! Phải hành động thật nhanh, thật ngọt. Không một tiếng kêu nào đấy.
Chiếc Nash xấu xí chạy đến sát đuôi xe cam nhông Nết thì dừng lại. Bồ hôi nhễ nhại, Tinô ấn mạnh vào kích cho xe hạ xuống. Hai tên gian đến sau lưng từ lúc nào Tinô không nghe tiếng động.
Bất thần, Tinô quay lại. Nhanh như máy. Tinô cho tay vào túi đeo súng, nhưng không kịp nữa. Lưỡi dao nhỏ và sắc đã ngập vào ngực Tinô đến cán. Mũi dao đâm ngọt đến nỗi không giọt máu nào chảy ra. Tinô gục xuống. Hai tên gian xốc Tinô lên xe, đặt gần tay lái.
Ngồi trong, Tula hỏi vọng:
- Xong rồi hả?
Không ai trả lời. Tên tài xế xe Nash móc túi Tinô lấy ra chùm chìa khóa. Cửa sao xe vừa mở, một mũi súng đen ngòm đã chĩa vào, kèm theo khẩu lệnh lạnh như băng:
- Thiếu úy Tula? Muốn sống thì ngồi yên.
Tula khựng người, toan rút súng. Tiếng quát lại tiếp:
- Tula, đặt tay lên đùi.
Tên tài xế nhảy lên. Nhận ra mặt, thiếy uý Tula thét lên:
- Trời ơi, Anbinô.
Anbinô cười, nhe hai răng nanh bịt vàng:
- Thiếu úy nhớ dai nhỉ! Phải, tớ là Anbinô đây. Nhớ ngày nào thiếu úy đích thân áp giải tớ từ pháp đình về khám, và dọc đường anh em đã đánh tháo cho tớ.
Mặt Tula cắt không còn hột máu. Anbinô là trưởng ban ám sát của quân Huk ở Mani. Biết giờ chết sắp tới, Tula kéo dài:
- Anbinô, anh đừng làm tàng. Anh đừng quên đây là trung tâm thủ đô. Tôi chỉ cần la lên là anh mất mạng.
Chiếc xe bít bùng rùng lên một cái rồi lao đầu trên con đường thẳng tắp. Anbinô cười nhạt:
- Anh không dọa nổi tôi đâu. Nhân viên của tôi đã giết mất Tinô rồi. Giết thêm anh nữa cũng chẳng sao. Tôi chỉ có một cái đầu thôi, phải không anh? Vả lại, người ta cũng xử tử tôi khiếm diện hai lần rồi. Cái chết đối với tôi là chuyện đùa bỡn.
Bản năng người chiến sĩ cảnh sát thức dậy trong lòng, Tula hoãn binh lần nữa:
- Dĩ nhiên là không dọa nổi anh. Nhưng rồi anh sẽ biết. Nếu anh nhân nhượng, tôi sẽ có thể vận động cho tòa xử lại, và anh sẽ thoát được tội tử hình.
Anbinô vẫn cười:
- Tử hình hả? Đừng dọa nữa, điếc tai lắm. Có giỏi, anh hãy trốn khỏi tay tôi. Trốn khỏi để sau này ra vành móng ngựa làm chứng như hồi nào anh đã buộc tội riết cho tôi ấy!
Hai năm trước, Anbinô ra tòa về tội phản nghịch. Tula được mời làm nhân chứng. Anbinô thâm thù từ đó.
Tula liếc nhìn khẩu súng trong tay Anbinô. Hắn là kẻ giết người không gớm tay. Tula chỉ cựa cậy là hắn nhả đạn. Và hắn bắn là trúng. Cũng như mọi thanh niên yêu đời, có gia đình ấm cúng, thiếu úy cảnh sát Tula chưa muốn chết. Vợ chàng nấu ăn rất khéo, chiều nào cũng chờ chồng trong căn nhà nhũn nhặn trên đường Santamêsa, đi thị xã Kêxon. Chàng có hai con trai kháu khỉnh, được tiếng là nghịch nhất xóm.
Những lạc thú ấy đang xa dần, xa dần Tula. Khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu của vợ hiện trong óc, Tula khẩn khoản:
- Anbinô ơi, nỡ nào anh giết tôi?
Anbinô nhăn mặt:
- Nhớ vợ, nhớ con hả! Nếu thế, lát nữa, tôi sẽ mời họ cùng đi với anh một thể.
Biết Anbinô sẽ hạ thủ mình. Tula nín lặng, tìm kế thoát thân. Tay chàng đã bị còng chung với Vitô. Nếu được thảnh thơi, chàng đã lập mưu đánh ngã dược Anbinô. Dầu sau, chàng cũng phải hành động. Thà chết trong khi chiến đấu, còn hơn lãnh phát đạn đê hèn vào gáy. Nghĩ vậy, chàng phản công liền. Bàn chân trái của Tula bật lên, đá vào cườm tay cầm súng của địch. Anbinô né sang bên, bóp cò. Tiếng súng được lọc qua bộ phận hãm thanh chỉ kêu bụp nhẹ nhàng, Tula ngã gục xnống ghế, làm Vitô lạng sang bên, suýt ngã theo.
Сhưa chết, Tula gượng ngồi đậy, nhổ bãi nước bọt vào mặt hung thủ:
- Mày sẽ chết. Anh em sẽ báo thù cho tao.
Antinô bóp cò lần nữa. Tula đặt bàn tay lên vết thương giữa ngực, nét mặt bình thản như người đang ngủ.
Chiếc xe bít bùng chạy lên phía bắc thành phố tới khu nghĩa trang Trung Hoa. Đến chỗ vắng, xe dừng lại, Anbinô chõ miệng qua khung kính:
- Đến rồi hả, Têô?
Tên lái xe đáp:
- Rồi. Đường vắng lắm, không sợ ai biết đâu.
Trong xe, phi công Vitô run bần bật. Anbinô hất hàm:
- Anh nghĩ sao về cái chết của Tula và Tinô?
Vitô đáp không ra hơi:
- Thưa ông, tôi không can dự vào việc này. Tôi là Vitô, hoa tiêu của hãng hàng không Pháp.
- Phải Hoa tiêu của chiếc Caraven ngộ nạn hồi sáng.
Vitô biến sắc. Là một phi công học thức, chàng chưa bao giờ chung sống với bọn giết người. Anbinô gằn giọng:
- Anh muốn sống nữa không? Muốn sống, tôi mới nói chuyện với anh, nhược bằng...
- Khổ quá, ai chẳng muốn sống...
- Nếu anh muốn sống, tại sao lại cố tình húc chiếc Caraven vào phi cơ quân sự, gây ra tai nạn chết người?
- Trời ơi, ông lầm rồi. Tôi là phi hành gia chuyên nghiệp, sống nhờ đồng lương, không có chân trong một tổ chức chính trị nào, chỉ mong được yên ổn, dại gì dính vào một tai nạn tày đình. Chính đài kiểm soát phi trường ra lệnh cho tôi hạ xuống 18.000 bộ, nên mới đụng vào phi cơ phóng pháo.
Anbinô tát mạnh vào mặt Vitô:
- Đồ nói láo! Mày ăn tiền của ai, nói mau? Mày lấy của bọn chúng bao nhiêu tiền? Thằng nào tiếp xúc với mày? Mày gặp nó ở đâu? Bao giờ gặp lại?
Vitô xây xẩm mặt mày. Cài tát tuy đau, nhưng câu hỏi dồn dập của Anbinô làm chàng choáng váng nhiều hơn. Chàng ngồi đực người như chú mán xuống tỉnh lần đầu. Rồi chàng lẩm bẩm:
- Ông… nói gì, tôi... không hiểu.
Anbinô gầm lên:
- Hừ, con đóng kịch tài lắm. Tài như trong xi nê. Nhưng tài đóng kịch này không cứu con khỏi chết được đâu. Khai thật đi, bọn chúng cho mày bao nhiêu tiền?
Vitô ngồi im một phút, nghĩ ngợi. Tưởng chàng sắp bằng lòng, Anbinô tươi hẳn lên:
- Ừ, làm người phải biết điều hơn lẽ thiệt chứ! Anh chịu khai, tôi sẽ biếu anh một món tiền lớn. Nội đêm nay, anh thuê thuyền xuôi Minđanao, rồi từ đó trốn qua Nam Dương.
- Tôi không giấu diếm gì hết. Vả lại, anh không phải là tòa án. Anh không có quyền bắt tôi cung khai.
- Nhưng tôi có quyền giết anh như một con muỗi.
- Tôi làm gì mà anh dọa giết. Đây là Mani, không phải rừng rú để anh giết ai cũng được? Dầu sao chúng ta cũng sống trong một xã hội văn minh còn có luật pháp và tình nhân đạo.
Anbinô cười hềnh hệch:
- Bài học luân lý cổ hủ và rẽ tiền này, xin anh để dành, xuống âm phủ dạy lại cho Diêm vương, chúng tòi không cần đến. Tôi xin nhắc lại lần nữa: nếu anh ngoan cố, buộc lòng tôi phải hạ sát anh như Tula và Tinô.
Vitô đáp:
- Tôi đã nói thật mà anh cố tình không tin. Anh còn muốn tôi nói thật ra sao nữa?
Anbinô quát lớn:
- Đừng già họng, tao nổi xung lên rồi. Một lần nữa, tao báo cho mày biết, nếu mày nhất định chối quanh, chúng tao sẽ lôi con Pôlin của mày đến đây, lột trần nó ra và biểu diễn trước mắt mày.
- Đồ mất dạy.
Đáng lẽ đánh Vitô, Anbinô lại nhếch mép cười ra vẻ khoái trá:
- Ô, đối với tao, chửi rủa là thừa. Tao chỉ thích nghe tiếng chửi rủa của súng đạn thôi. Vitô, mày nghĩ sao? Mày muốn con bé được lành lặn để sau này thành hôn với mày, hay muốn tao lôi đến đây cưỡng hiếp đến chết rồi vứt xác vào rừng cho quạ rỉa?
Vitô ngồi lặng giờ lâu trên ghế, mắt nhìn xuống sàn xe. Thiếu úy Tula nằm co quắp trong vũng máu đỏ lòm, miệng méo sệch, mắt trợn trừng. Chàng không còn hoang mang nữa. Anbinô là nhân viên của một tổ chức gián điệp giết người như ngóe, sẵn sàng dúng tay vào máu để tim sự thật về vụ phi cơ Caraven, sự thật mà chính chàng ở trong cuộc không biết. Vitô cảm thấy thèm sống hơn khi nào hết. Bâng khuâng, chàng nghĩ đến thân thể căng phồng ân ái của Pôlin, cô chiêu đãi xinh đẹp và đa tình của công ty hàng không Pháp. Muốn bảo vệ Pôlin, và bảo vệ tính mạng của chàng, Vitô phải nói dối. Nói dối để kéo dài thời giờ.
Anbinô đặt tay lên vai chàng:
- Bằng lòng rồi hả? Vitô, ai ra lệnh cho anh? Bây giờ họ ở đâu?
Vitô giả vờ run như rẽ:
- Tôi sợ lắm. Tula và Tinô đã bị anh giết. Giờ đây, người ta đổ riệt cho tôi là hung thủ thì sao?
Anbinô phì cười:
- Anh ngây thơ lắm. Có tiền nong, lại có giấy tờ, anh đi đâu chẳng được? Làm nghề hoa tiêu như anh, kiếm việc rất dễ.
Vitô thở dài:
- Đến nước này, tôi đành phải nhận. Tôi bằng lòng nói hết, mặc dầu biết rằng tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên…
- Anh đòi them bao nhiên? Chúng tôi sẵn sàng trả.
- Không. Điều kiện của tôi là được trở về nhà, gặp Pôlin, vì thú thật với anh, tôi bị bắt ở phi trường, không biết nàng sống chết ra sao.
- Nàng còn sống.
- Vậy, yêu cầu anh cho tôi về.
- Như thế không được. Về đến nhà, anh phản thì sao?
- Anh đông người, lại có súng, tôi chỉ có một mình, trong tay không tấc sắt. Nếu anh muốn rõ sự thật, anh phải đưa tôi về. Trước mặt nàng, tôi sẽ cung khai bí mật. Anh không ưng thuận thì thôi, tôi sẵn sàng chịu chết.
Thái độ quyết liệt của Vitô làm Anbinô chột dạ. Hắn biết Vitô không lùi nữa. Giết Vitô mà không khám phá ra bí mật thì mọi việc sôi hỏng, bỏng không. Miễn hồ Vitô nói thật, hắn sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới.
Đưa tay lên miệng làm loa, hắn gọi to:
- Têô?
Tên tài xế thò đầu vào cửa xe:
- Tôi đây.
Anbinô hỏi hách dịch:
- Xong chưa?
Tên tài xế đáp cộc lốc:
- Rồi.
Rồi ở đây nghĩa là thi thể hai nhân viên cảnh sát đã được giấu vào bụi cây bên đường.
Anbinô mở còng, đọan hườm súng sau lưng Vitô, áp giải chàng tới chiếc xe Nash sơn đen. Vitô ngồi giữa, trên băng sau, Anbinô và Têô kèm riết hai bên. Chiếc xe cũ kỹ trở đầu, chạy vào thành phố Mani.
Vitô dặn người lái:
- Về Santa Ana.
Anbinô thúc mạnh cùi tay vào ngực chàng:
- Bổn phận của anh là ngồi, không được lên tiếng.
Vitô chống chế:
- Tôi không nói thì tài xế biết đi đâu.
Anbinô gắt:
- Bảo im rồi mà cứ nhai nhải như máy hát. Ai chẳng biết anh ở gần trường học Công cọt đia (1)?
Vitô lịm người. Té ra bọn gian đã biết hết. Căn phòng nhỏ của chàng ở đường Valentina là tổ chim tình ái mà chàng cố tình giấu diếm bè bạn. Mỗi lần hạ cánh xuống Mani, chàng về đấy với nàng. Chàng không muốn mọi người biết chàng ở chung với Pôlin. Pôlin cũng thích thế. Bản khế ước giữa nàng và công ty hàng không đã ghi một khoản rõ rệt: nàng tình nguyện chưa lập gia đình.
Tài xế lái xe với một nghệ thuật già dặn. Tuy đường sá đông nghẹt xe cộ, chiếc Nash vẫn giữ nguyên tốc độ rất nhanh. Từ nghĩa trang Trung Hoa tới trường học Công cọt đia, nghĩa là từ phía bắc xuống phía nam thủ đô, dài trên 10 cây số, chiếc Nash mất chưa đầy 30 phút. Lệ thường, Vitô lái đúng một giờ.
Đến công trường Đilao, tài xế hãm xe chậm lại. Vitô hồi hộp, nghĩ đến mớ tóc bạch kim cắt ngắn của người thiếu phụ 21 tuổi đang chờ chàng sau những cửa sổ kéo rèm xanh nước biển, màu quen thuộc của thế giới hàng không.
Chiếc Nash đậu ở cuối đường Gutierê (2). Anbinô nói với Vitô, giọng đủ nghe nhưng chứa đầy đe dọa:
- Anh thừa hiểu vì sao tôi đậu xe ở đây. Tôi vẫn chưa tin anh thật lòng, anh nhớ chưa? Bây giờ, anh xuống xe, chúng ta cùng đi bộ tời nhà anh cách đây một trăm thước. Giờ này, Pôlin còn ở nhà. Chúng ta nói chuyện trong nhà cũng được. Nguy hiểm thật đấy, song tôi không cần. Chắc anh đã nghe danh Anbinô? Anbinô chỉ thích lao đầu vào cạm bẫy của kẻ thù đề thi thố tài ba... À, tôi còn dặn anh điều này nữa: nếu anh đánh lừa, miễn cưỡng tôi phải xử tệ với nàng. Anh yêu nàng tha thiết, tất không muốn nàng biến thành cái xác vô hồn.
Vitô gật đầu không đáp, trong óc chàng nhen lên một kế hoạch táo bạo. Chàng khoan thai xuống xe, như người đi hóng mát buổi chiều trên vịnh Mani. Con đường Gutierê quen thuộc chạy dài trước mắt, với những căn nhà, những cánh cửa sơn màu sặc sỡ. Mấy đứa trẻ cởi trần trùng trục đang hò reo, chơi trò bắn súng cao bồi dưới mái hiên một ngôi nhà lớn. Bên cạnh là tổ hạnh phúc của Vitô.
Tổ hạnh phúc của chàng ở trong một tòa nhà cổ rộng rãi, chia làm nhiều phòng. Phòng của chàng ở tầng hai, nhìn xuống đường. Chủ nhà là một thiếu phụ Phi Luật Tân khả ái và ít nói. Mỗi chuyến từ Hồng Kông về chàng đều mua quà biếu.
Chàng dừng lại, đưa mắt hỏi Anbinô. Hắn hất hàm:
- Anh vào trước đi. Gặp bà chủ nhà, anh cứ giới thiệu chúng tôi là bạn. Nhớ đấy! Anh đừng bắt chúng tôi phải hạ thủ luôn bà chủ nhà phúc hậu của anh.
Vitô biết Anbinô sẽ làm đến cùng. Nếu cần, hắn sẽ giết hết những người hắn gặp, không riêng gì bà chủ nhà vô tội và Pôlin. Như cái máy, chàng đặt chân lên bậc tam cấp. Bọn trẻ xấn tới, reo lên:
- Ông Vitô! Quà của chúng cháu đâu?
Chàng nhoẻn miệng cười:
- Chào các em.
Lệ thường, chàng mua kẹo ngon phân phát cho từng đứa. Tuy nghịch ngợm khét tiếng trong xóm, chúng đối với chàng rất lễ phép. Đứa lớn nhất, trạc 10 tuổi, hỏi:
- Thưa, ông mới về?
Chàng gật đầu:
- Ừ, mới về xong.
- Sao chúng cháu thấy cô Pôlin về từ sáng?
- Thế à?
- Cô ấy khóc từ sáng đến giờ, bà chủ phải dỗ mãi.
Vitô vẫn buông thõng:
- Thế à?
Đứa bé chạy theo chàng:
- Cháu biết hôm nay không có kẹo rồi.
Vitô ngạc nhiên:
- Sao em biết?
- Vì ông có chuyện buồn. Nếu không, cô Pôlin đã làm bánh cho ông. Trưa nay, cô ấy chẳng ăn gì hết.
Lòng chàng se hẳn lại. Chàng bỗng căm thù Anbinô và bọn Huk một cách ghê gớm. Nếu có khẩu súng trong tay, chàng sẽ bắn chúng nát óc. Bỗng Anbinô quát đứa bé:
- Ra chỗ khác chơi.
Nó phản đối:
- Ông là ai mà đuổi chúng tôi. Đến cảnh sát cũng không có quyền, nữa là ông...
Têô quắc mắt:
- Đứa nào lởn vởn quanh người tao nữa sẽ bị bắn què chân.
Anbinô lừ mắt ra hiệu cho Têô. Bọn trẻ nhao nhao như ong vỡ tổ:
- Bắn đi? Bắn đi?
Đứa lớn nhất nắm vạt áo của Vitô:
- Sao ông không bênh chúng cháu? Hai người lạ này dữ quá.
Anbinô xô đứa bé ngã xuống:
- Cút đi.
Bọn trẻ ùa lại, ôm lấy Anbinô. Hắn vung tay đánh tới tấp vào mặt bọn trẻ vô tội. Têoo xúm lại can, nhưng một đứa đã ngoạm vào tay, máu chảy lênh láng. Hắn rú lên:
- Thằng nhãi, mày chết với ông.
Hắn đạp vào bụng đứa trẻ. Nạn nhân ngã chúi vào rãnh nước bên đường. Nhưng một bọn khác lại soắn lấy hắn. Đột nhiên, Vitô cảm thấy một sức lực phi thường cuồn cuộn trong bắp thịt. Chàng tiến lên, tung ra một trái đấm móc. Anbinô bị quật trúng giữa mặt, loạng choạng một giây rồi khuỵu xuống.
Têô đánh dạt bọn trẻ, tránh sang bên, lùi lại một bước, rút súng ra. Nhưng Vitô đã lao toàn thân vào người hắn. Têô nhả đạn.
Đoàng... Bọn trẻ rú lên, chạy tán loạn. Viên đạn xuyên qua cánh tay lực lưỡng của Vitô. Trái đấm thứ hai đã giáng vào cằm Têô, khiến hắn lạng người, rồi gieo mình xuống đất kêu phịch như một bị cát Vitô ôm cánh tay bị thương, phóng như bay lên lầu.
Nghe động, Pôlin hốt hoảng chạy xuống. Gặp chàng giữa cầu thang, nàng ôm ghì lấy, khóc nức nở. Vitô gỡ vội ra, rồi kéo nàng chạy băng vào phòng.
Ở dưới nhà, Anbinô lồm cồm bò dậy, vớ khẩu súng trên đất, xoạc chân đuổi theo.
Vitô khóa chặt trong phòng. Bản tính của người phi công bình tĩnh và gan dạ vùng dậy. Chàng không còn sợ nữa. Cửa phòng bằng gỗ cứng, chàng có thể сố thủ được 5, 10 phút.
Pôlin sùi sụt:
- Trời ai, anh dám xung đột cả với công an nữa ư?
Vitô lắc đầu:
- Em lầm rồi, không phải công an đâu. Bọn Huk đấy.
Nàng thét lên:
- Huk hả anh? Làm sao bây giờ?
- Em hãy bình tĩnh, đừng cuống quít. Anh đã có cách: em ra bao lơn, trèo xuống dưới, vào ga ra lấy xe trốn đi.
- Còn anh?
- Anh phải ở lại cầm cự.
- Em liều chết ở lại với anh, em không thể trốn một mình được.
- Ồ, nếu đi cả hai, chúng mình sẽ chết. Bọn gian có súng, và bắn rất giỏi.
Anbinô đập cửa, la hét om sòm:
- Vitô, mở cửa ra. Mở cửa ra, thì sống. Hay mày muốn tao giết cả Pôlin?
Vitô kéo ý trung nhân ra ban-công:
- Xuống đi, em xuống ngay đi. Dưới bao lơn có cái cửa sổ lớn, em đặt chân vào, rồi đu xuống. Không cần nói nhiều, em đủ hiểu. Tai nạn hồi sáng do một tổ chức gián điệp gây ra. Bọn Huk ngờ anh ăn tiền của đối phương, để đâm vào chiếc phi cơ phóng pháo, nên phái Anbinô về tra khảo và hãm hại anh... Xe hơi của khám đường đang chở anh tới dự thẩm thì Anbinô chặn lại... Anh lừa hắn về đây...
- Anh thoát thân bằng cách nào?
- Hễ xe em ra đến cổng anh sẽ trèo lên mái, chạy đến đầu hẻm thì tuột xuống.
- Em sẽ dừng xe chờ anh ngoài đường.
- Không được. Còn một tên nữa đậu xe cách đây một trăm thước. Ra đường cái, anh sẽ gọi tắc xi. Chúng đuổi theo không kịp đâu.
Pôlin hôn nhẹ lên má chàng. Đoàng... đoàng... Anbinô bắn vào ổ khóa. Vitô ẩy người yêu qua bao lơn. Nước mắt ràn rụa, nàng đu mình vào cửa sổ.
Dáng điệu ung dung, Vitô quay vào phòng. Bình tĩnh hơn bao giờ hết, chàng tưởng như đang lái phi cơ trên không phận, nắm trong tay tính mạng của một trăm hành khách. Chàng mở ngăn kéo bàn đêm, rút ra khẩu súng lục. Viên đạn nhảy lên nòng nghe soạch một tiếng phấn khởi.
Ở ngoài, Anbinô nã thêm ba phát nữa. Cánh cửa dầy bị bật tung. Vitô nghiến răng lảy cò. Phát thứ nhất trúng giữa miệng Têô. Phát thứ hai vèo qua màng tang Anbinô.
Viên đạn 9 ly của Anbinô, trưởng ban ám sát Huk, chui vào cườm tay cầm súng của chàng phi công điển trai. Vitô rú lên một tiếng đau đớn, khẩu súng rớt xuống sàn nhà. Anbinô hỏi lớn:
- COn bé kia đâu?
Vitô cười nhạt, không đáp. Tiếng động cơ xe hơi nổ lên ròn rã. Sinh nghi, Anbinô đạp toang cửa ra bao lơn. Vitô cúi xuống nhặt súng, song Anbinô đã quay lại. Hắn chĩa vào đầu chàng, bắn luôn hai phát.
Vitô ngã ngồi vào đi văng, máu tuôn xuống đầy mặt. Trước khi vĩnh biệt cõi thế, chàng vẫn tỉnh táo và bình thản. Mớ tóc bạch kim cắt ngắn của người yêu múa nhảy trước cặp mắt mờ dần, mờ dần...
Chàng thở hắt ra nhè nhẹ.
Rồi tắt thở.
...................................................................
...................................................................
Tiếng kêu ú ớ của Rôsita mỗi lúc một yếu. Biết Rôsita còn chống cự được một phút nữa mới ngất lịm, Văn Bình vẫn nép bên tường, chờ đợi.
Chàng đẩy cánh cửa rộng thêm chút nữa. Khi cần, chàng có thể nhảy vào tiếp cứu cho người đẹp. Sau một giây đồng hồ quan sát, chàng đã nắm vững được tình thế. Hung thủ là một thanh niên lực lưỡng, đứng xây lưng về phía chàng. Hai bàn tay trắng trẻo và mềm mại không phải bàn tay của kẻ giết người thành thạo, đang xiết chặt cuống họng mảnh khảnh của cô điều dưỡng bệnh viện Trung ương.
Sở dĩ nàng kêu lên yếu ớt là để đánh lừa hung thủ. Văn Bình thấy rõ chân nàng tréo vào nhau, sửa soạn cho một thế phản công kiến hiệu. Vốn là nhân viên tình báo, Rôsita phải thuộc lòng một vài miếng võ bí hiểm. Vả lại, thế đứng hớ hênh của hung thủ không cho phép hắn bóp ngạt nàng được dễ dàng.
Nhanh như cắt, Rôsita đảo người và quay phắt lại. Bàn tay của hung thủ bị tuột xuống. Móng tay nhọn hoắt của Rôsita xòe ra, chuẫn bị phòng đòn atémi.
Bỗng nàng khựng lại, rồi rú lên một tiếng kinh hoàng:
- Trời ai, Pablô!
Pablô là chàng sinh viên si tình hàng ngày đón nàng ngoài cổng bệnh viện để đưa về nhà. Bị nhận diện, bắn hươi tay cười gằn:
- Rôsita, cô phải chết.
Rôsita lùi một bước:
- Anh điên rồi sao? Vì sao anh giết em?
Pablô dằn từng tiếng:
- Đừng ngụy biện nữa. Thà tôi giết cô rồi quyên sinh. Còn hơn bị cô phụ rẫy một cách trắng trợn.
Vẻ sửng sốt hiện trên mặt Rôsita:
- Em chẳng hiểu gì cả. Em phụ rẫy anh bao giờ?
Gã đàn ông tiến lên một bước, giơ tay ra, định nắm vạt áo bờ lu trắng của nàng:
- Cô biện hộ giỏi lắm. Nhưng tôi không dễ tin như ai đâu. Thế nào tôi cũng giết cô, cô hiểu chưa? Cô hiểu chưa? Cô chết rồi, tôi cũng chết theo. Từ nay, đời tôi sẽ chẳng còn lạc thú nào nữa.
Chừng như đoán được lý do sát nhân của Pablô, nàng òa lên khóc:
- Khổ quá, anh hiểu lầm em rồi.
Pablô cười gằn:
- Phải, tôi hiểu lầm. Tôi hiều lầm nên cô mới tha hồ hò hẹn với người khác.
Rôsita vụt nghĩ ra. Hồi trưa, nàng có hẹn với một nhân viên phản gián nên không gặp được Pablô như đã hứa trước. Có lẽ từ trường đại học nhìn sang bệnh viện bằng ống viễn kính, Pablô đã bắt quả tang nàng tiếp chuyện một người đàn ông lạ mặt. Đáng lẽ giận tình nhân đã bóp cổ nàng suýt chết ngạt, nàng lại yêu hắn thêm lên. Ghen tuông vốn là bằng chứng cụ thể của tình yêu chung thủy.
Pablô tiếp, giọng vẫn chưa hết gay gắt:
- Người đàn ông hồi trưa là ai?
Rôsita phá lên cười khanh khách:
- Anh Pablô của em ghen bóng, ghen gió quá! Anh ghen cả với anh ruột của em nữa sao?
Nàng không thể cho hắn biết người đàn ông gặp nàng là nhân viên phản gián. Nàng chưa hề - và có lẽ không bao giờ - thố lộ với tình nhân nang là cộng tác viên của Sở Gián điệp Phi Luật Tân.
Nghe nàng phân trần, Pablô thừ người, thái độ ngượng ngùng. Nàng nắm tay hắn:
- May anh bóp không mạnh, chứ không cuống họng em nát bét rồi còn gì... Khi ấy, anh thương tiếc và hối hận thì đã muộn. Pablô của em, anh đừng giận em nhé.
Pahlô vít đầu nàng xuống, hôn đắm đuối trên cặp môi đỏ mọng. Đứng ngoài, Văn Bình tê tái cả lòng. Chàng thấy ghét bỏ Pablô lạ thường. Trong khi Rôsita lao đầu vào nguy hiểm thì gã tình nhân ngu muội trốn vào bệnh viện để bộc lộ ghen tuông, suýt gây án mạng, suýt làm đổ vỡ một kế hoạch trọng đại liên quan đến vận mạng hàng triệu con người. Mai kia, công việc xong xuôi, chàng sẽ gặp hắn, đá một cái vào đít. Phụ nữ Phi dễ dãi thật! Nếu là ở Việt Nam, bọn đàn ông hay ghen hão huyền như Pablô sẽ bị nhổ nước bọt vào mặt và tống ra ngoài đường...
Văn bình nhìn đồng hồ tay. Mỗi phút qua, chàng mỗi thêm nóng ruột. Nội đêm nay, địch sẽ đột nhập khu ngoại thương, cướp Cáclốt. Gã đàn ông ngu xuẩn này có thể phá hỏng chương trình hành động của ông Hoàng. Văn Bình muốn xô cửa vào, nắm cổ áo hắn, xách bổng lên như đứa trẻ, và ném qua cửa sổ.
Bên trong vọng rа giọng nói ngọt ngào của Rôsita:
- Anh ghì em chật quá, nghẹt thở mất. Thả em ra, anh? Khổ quá, đến giờ kiểm tra rồi. Giám thị gặp anh ở đây, em sẽ mất việc.
Pablô đáp qua hơi thở hổn hển:
- Em ơi, anh yêu em quá nên làm bậy. Em tha lỗi cho anh không?
Bực mình, Văn Bình định hét lên:
- Hừ, tội cậu nặng lắm, tha lỗi sao được! Cậu đáng ăn một cái bạt tai cháy má.
Giọng Rôsita trở nên bối rối:
- Dĩ nhiên em tha lỗi cho anh rồi. Vả lại, anh có phạm lỗi đâu mà em phải tha. Thôi, anh về đi. Giám thị sắp qua rồi. Mai sớm, em hứa làm anh vừa lòng.
Nhớ tới giờ hẹn với Văn Bình, nàng phải đuổi gấp Pablô. Song gã sinh viên vật nài:
- Em hứa thật không? Nhiều lần, em hứa làm anh vừa lòng, mà chẳng lần nào anh được.
- Lần này, em hứa thật.
- Giám thị không đến khu này đâu. Anh ở lại đến sáng với em. Rồi anh đưa em về phòng anh. Anh mới mua được đĩa hát hay lắm.
- Cái đó tùy anh, em không ngăn cấm. Nhưng em phải vào phòng bệnh nhân đây.
- Anh chờ em ngoài này.
- Anh gàn quá! Từ giờ đến sáng, em còn nhiều việc phải làm, không ngồi trò chuyện với anh được. Nếu anh muốn em tiếp tục yêu anh, phải bỏ tính ghen ấy đi. Không phải anh ngồi rình trong bệnh viện là giữ được em. Em là người đàn bà thích sống tự do, hẳn anh đã biết.
Trong bóng tối, Văn Bình mỉm cười. Nàng sắp mắng vào mặt hắn. Hồi nãy, chàng mong hắn về, giờ đâyy chàng lại mong hắn ở lại. Ở lại để nghe người đẹp nhún vai, nói một cách lạnh lùng:
- Anh là hạng người vô tích sự. Tôi không thể yêu một kẻ hèn như anh. Anh về đi. Tình nghĩa giữa đôi ta đã hết.
Song gã đàn ông đã xô ghế đứng dậy:
- Anh về vậy.
Văn Bình lùi nấp sau cây cột bằng gạch to lớn. Rôsita đưa tình nhân ra hành lang. Đột nhiên, nàng hỏi hắn:
- Anh vào đây bằng lối nào?
Pablô đáp:
- Bằng cửa chính.
Nàng bóp tay hắn trong một cử chỉ nồng nàn (khiến Văn Bình tức lộn ruột):
- Tội nghiệp anh quá! Giờ này, sợ không còn tắc xi nữa.
Pablô cười duyên dáng:
- Em đừng lo. Anh dựng vét-pa ngoài đường.
Hắn đi khuất vào bóng tối. Nàng nhìn theo đến khi không thấy bóng hắn nữa mới quay vào.
Văn Bình bước theo. Tuy chàng nhẹ tay. Rôsita vẫn nghe tiếng mở cửa. Nàng quay lại thật nhanh. Cặp mắt đen láy của nàng nổi bật trên khuôn mặt trái soan, làn da trắng muốt. Đàn bà da trắng là báu vật ở Phi Luật Tân. Biết chàng sẽ đến, nàng không lộ vẻ sửng sốt.
Nhưng Văn Bình thoáng thấy mi mắt nàng chớp một cái, và môi nàng rung rung như môi người uống nhiều thuốc trụ sinh. Vốn giàu kinh nghiệm, chàng biết nàng đang xúc động mãnh liệt. Từ khuôn mặt, thân hình, đến dáng dấp, Văn Bình hơn Pablô một trời một vực. Rôsita là hạng phụ nữ thích sống ngang tàng. Nàng không thể làm bạn với bọn đàn ông mềm nhũn như bún như chàng sinh viên Pablô. Nàng yêu hắn, chẳng qua vì chưa tìm được người đồng điệu.
Chàng nghiêng đầu thi lễ:
- Xin lỗi, cô là Rôsita?
Hỏi vậy là thừa. Nàng giống ảnh như hệt. Ở ngoài, nàng còn đẹp hơn, một cái đẹp sắc sảo và ngây ngất. Biết rõ nàng là Rôsita, chàng vẫn hỏi tên. Chàng muốn cái miệng xinh xắn kia thỏ thẻ trả lời rằng đích thị nàng là Rôsita.
Nàng chớp mắt liên hồi:
- Vâng tôi là Rôsita. Thưa, ông hỏi tôi có việc gì?
Chàng suýt bật cười. Thì ra nàng còn xao xuyến hơn chàng! Nếu là người lạ, lẽ nào đến tìm nàng nửa đêm, khi bệnh viện đã đóng cửa. Nàng biết trăm phần trăm chàng là nhân viên gián điệp bạn. Song nàng cứ hỏi. Vì người đàn ông khôi ngô đứng trước mặt đã làm nàng quên hết.
Giọng nói của nàng êm ái và dìu dịu như nốt nhạc tình. Văn Bình cố nén thèm muốn đang dâng lên như sóng, để tập trung trí não vào công việc sắp tới. Gỗ đá ở vào hoàn cảnh này cũng toát bồ hôi, huống hồ Văn Bình...
Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng:
- Tôi từ Cavitê tới.
Cavitê là một vùng ở Phi Luật Tân. Rôsita hỏi:
- Ai dặn ông tới?
- Rubiôsa.
Đó là mật hiệu liên lạc. Rôsita được lệnh tận tình giúp đỡ người nào đến bệnh viện với mật hiệu Cavitê và Rubiôsa.
Nàng kéo ghế:
- Mời ông ngồi, ông tới lâu chưa?
Văn Bình đã hiểu tại sao nàng hỏi câu ấy. Nàng hy vọng chàng mới đến để khỏi chứng kiến cảnh ghen tuông trào lộng của sinh viên Pablô. Chàng cũng không muốn nhắc đến Pablô, và chàng đã có ý định rõ rệt: chinh phục nàng cho bằng được. Chàng bèn đáp:
- Tôi mới đến.
- Ông gặp ai khả nghi không?
- Không.
Mắt chàng dán vào cái khuy áo bờ lu trên cổ bị Pablô mở ra hồi nãy. Một mảng ngực lộ ra nõn nà. Chàng bàng hoàng như bị điện giật. Dưới áo choàng y tá, nàng không mặc đồ lót.
Gò má ửng đỏ, nàng gài lại khuy áo:
- Tôi sẵn sàng làm theo ý ông.
“Sẵn sàng làm theo ý ông”! Đáng tiếc câu nói của nàng chỉ liên quan đến công việc chuyên môn. Chàng hy vọng nàng nói lại câu này trong một căn phòng khách sạn sang trọng, nhìn ra bờ biền, cửa sổ mở rộng gió tạt vào mát rợi, đèn đuốc tắt hết...
Văn Bình ngó nàng không chớp:
- Tôi muốn đến phòng Cáclốt. Vào giờ này, trong khu ngoại thương, có sợ gặp ai không?
- Không. Chỉ có mình tôi gác ở đây. Y sĩ thường trực ở tòa nhà khác, khi cần tôi mời bằng điện thoại mới đến. Bệnh nhân Cáclốt ở cuối hành lang.
Văn Bình vớ lấy áo bờ lu trắng của y sĩ vắt trên ghế, mặc vào. Rôsita chụp cái mũ vải, đeo dấu thập đỏ lên đầu chàng. Đứng cạnh, chàng nghe rõ tiếng tim đập thình thịch của nàng. Hơi thở thơm tho làm chàng bâng khuâng. Chàng có cảm giác như toàn thân vừa được đấm bòp bằng quế chi ngâm rượu, chỗ nào cũng nóng bừng và ngây ngất.
Trước khi ra, chàng hỏi lại:
- Tại sao tôi nghe nói Cáclốt nằm ở phòng giữa?
Nàng đáp:
- Vâng. Thoạt mới tởi, y được đưa vào phòng giữa. Sau này, tôi tự ý đổi chỗ.
- Cáclốt được mang vào phòng cuối khi nào?
- Hồi chiều. Đó là chỉ thị của Trung ương. Tôi chuyển phòng vì sợ địch bắt cóc Cáclốt trước khi ông tới.
Văn Bình cười:
- Té ra cô biết trước tôi đến đây thay cho Cáclốt.
- Vâng. Tuy nhiên, tôi thấy ông không giống y chút nào.
- Vì vậy, phải có cô giúp đỡ.
- Tôi xin cố gắng hết sức. Hỏi câu này khá tò mò, không biết ông chịu trả lời không? Hình như ông không phải người Phi.
- Đúng thế.
- Ông đến Mani lâu chưa?
- Lâu rồi. Anh em trong Sở Gián điệp đã nói với tôi nhiều về cô.
- Họ nói gì, thưa ông?
- Họ khen cô là người đàn bà đẹp nhất Mani. Riêng tôi, tôi cho là cô đẹp nhất châu Á.
- Ông dạy quá lời. Tôi chỉ là một thôn nữ tầm thường.
- Cô lại nhún mình rồi. Công việc xong xuôi, không biết tôi có được cái vinh hạnh mời cô ra biển chơi thuyền không?
- Tôi thích bơi thuyền lắm. Chủ nhật nào tôi cũng lái xe lên Tagaytay.
- Chà, bãi biển Tagaytay thơ mộng ghê! Gã đàn ông nào được cô yêu là tốt số nhất thế giới. À quên, xin lỗi cô, cô lập gia đình chưa?
Rôsita cười ròn tan:
- Chưa.
Nàng giơ bàn tay lên:
- Ông coi tay tôi, đã có cái nhẫn cưới nào đâu.
Hai người đến trước cửa phòng Cáclốt. Phòng này không khóa, Văn Bình ẩy nhẹ là bước vào được bên trong. Máy điều hòa khí hậu chạy dè dè Đèn tắt hết, song dưới ánh trăng thượng tuần chiếu qua cửa kính, Văn Bình nhận ra vị trí của đồ đạc trong phòng.
Quên bẵng Cáclốt nằm cứng đơ trên giường, Văn Bình nãy ra ý muốn ôm ghì Rôsita vào lòng. Rôsita đặt tay vào núm bật đèn.
Từ góc phòng vang lên tiếng nói nho nhỏ:
- Giơ tay lên, Z-28!
(1) Concordia.
(2) Gutierrez.