Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Viktor Frankl
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: sach123
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 6 - chưa đầy đủ
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6908 / 843
Cập nhật: 2016-02-04 20:53:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ồi hắn cung lên tiếng:
- Đồ con lợn, tao đã quan sát mày cả buổi! Giờ tao sẽ dạy cho mày cách làm việc! Cứ đợi cho đến khi mày dùng răng đào thứ đất bẩn thỉu này - mày rồi cũng sẽ chết như một con vật! Tao sẽ kết thúc cuộc sống của mày chỉ trong hai ngày thôi! Mày chẳng làm được cái thá gì ở đời cả. Trước đây mày làm gì hả đồ con lợn? Kinh doanh à?
Tôi định không nói gì. Nhưng tôi phải cẩn trọng với lời đe doạ sẽ giết tôi, vì vậy tôi đứng thẳng người và nhìn thẳng vào mắt hắn.
- Tôi là bác sĩ chuyên khoa.
- Cái gì? Bác sĩ cơ à? Chắc mày moi được rất nhiều tiền từ mọi người hả?
- Sự thật thì tôi gần như làm không công trong các bệnh viện dành cho người nghèo.
Nhưng lúc này thì tôi đã nói quá nhiều. Hắn lao đến và đánh tôi, la hét như một kẻ điên. Tôi không nhớ rõ hắn đã la hét những gì.
Từ câu chuyện nhỏ nhặt này, tôi muốn cho mọi người biết rằng có những khoảnh khắc, sự phẫn uất cũng vỡ oà ngay cả với người tù chai sạn nhất - tôi uất ức không phải vì sự độc ác và những cú đánh của hắn, mà vì hắn đã nhục mạ tôi. Lúc ấy, tôi tức giận bởi vì tôi phải lắng nghe một gã chẳng biết gì về cuộc sống của tôi, một gã ( tôi phải thú nhận: câu nói mà tôi đã nói với các bạn tù của mình sau sự việc ấy, đã đem lại cho tôi cảm giác khoái chí của trẻ con) "thô tục và hung bạo đến nỗi cả y tá ở khu vực bên ngoài ở bệnh viện của tôi còn không cho phép hắn vào khu vực chờ".
May thay, nhóm của tôi được một Capo có thiện cảm với tôi quản lý; hắn ta thích tôi bởi vì trong những lần đi bộ đến cống trường, tôi chịu lắng nghe nhưng câu chuyện yêu đương và các rắc rối trong đời sống hôn nhân của hắn. Tôi đã tạo ấn tượng với hắn về khả năng phân tích tính cách cũng như việc đưa ra những lời khuyên tâm lý. Hắn dành cho tôi một sự cảm kích đặc biệt và điều này có lợi cho tôi rất nhiều. Trong nhiều dịp, hắn đã cho tôi đi cạnh trong năm hàng đầu của chi đội, mỗi chi đội gồm khoảng 280 người. Sự ưu ái này rất quan trọng. Chúng tôi phải xếp hàng từ sáng sớm trong khi trời vẫn còn mờ tối. Ai cũng sợ bị trễ và phải đứng ở những hàng sau. Nếu phải chọn người cho những công việc vất vả, nhân viên Capo cấp cao sẽ đến và thường chọn những người mình cần từ hàng phía sau. Những người này phải đi ngay đến một nơi làm việc khác, nhất là làm những loại việc đáng sợ dưới sự điều khiển của các lính canh lạ. Thỉnh thoảng, nhân viên Capo cấp cai sẽ chọn những người ở năm hàng đầu, nhiệm vụ của những người được chọn là bắt những người đang cố tỏ vẻ nhanh nhẹn. Tất cả sự phản đối và van xin đều bị dập tắt bởi những cú đá, và các nạn nhân được chọn sẽ bị lùa vào chỗ họp trong tiếng la hét và và những cú đánh.
Tuy nhiên, chỉ cần người lính Capo quản lý nhóm của tôi vẫn còn muốn trút bầu tâm sự thì sự việc này sẽ không xảy ra với tôi. Tôi đã có một chỗ an toàn bên cạnh hắn. Ngoài ra còn có một thuận lợi nữa. Giống như các bạn trọng trại, tôi cũng bị chứng phù nề. Chân của tôi sưng phù và lớp da căng đến nỗi tôi khó mà gập gối lại được. Tôi buộc phải không cột dây giày, chỉ có như vậy bàn chân sưng to của tôi mới xỏ vừa vào giày. Không còn đủ chỗ để mang vớ cho dù tôi có vớ đi nữa. Vì vậy, một phần chân trần của tôi lúc nào cũng ướt và giày lúc nào cũng đầy tuyết. Dĩ nhiên điều này khiến chân tôi bị tê cóng và nứt nẻ. Mỗi bước đi là một sự tra tấn. Tuyết đông lạnh quanh giày của chúng tôi trong suốt chuyến đi băng qua cánh đồng tuyết. Hết người này tới người khác bị trượt ngã và những người phía sau sẽ ngã đè lên những người phía trước. Thế là hàng người buộc phải dừng lại một lúc. Một trong những lính canh sẽ chạy tới giải quyết ngay sự cố, hắn đập báng súng lên những người bị trượt ngã, quát tháo ra lệnh cho họ mau chóng đứng dậy. Những người đứng ở đầu hàng sẽ ít phải dừng lại còn những người đi sau sẽ phải vội vã chạy trên đôi chân trần để bắt kịp mọi người. Tôi rất vui sướng khi được chỉ định là chuyên gia tâm lý riêng cho ngày Capo và được phép đi ở đầu hàng.
Để đáp trả cho sự tận tuỵ của tôi, mỗi lần chia xúp để ăn trưa tại công trường, khi tới lượt của tôi, bao giờ hắn cũng múc sâu cái môi đến tận đáy nồi để vớt cho tôi một ít đậu. Tay Capo này - một cựu quân nhân - thậm chí còn dám nói với những người quản đốc mà tôi đã gây chuyện rằng hắn biết tôi là một lao công chăm chỉ. Điều này dĩ nhiên chẳng thể thay đổi ác cảm của tên quản đốc đối với tôi (một trong nhiều lần tôi thoát chết). Sau chuyện xảy ra với người quản đốc, ngày hôm sau hắn chuyển tôi qua nhóm làm việc khác.
Có một số quản đốc rất thông cảm với các tù nhân và đã làm hết sức để giúp cho chúng tôi có điều kiện làm việc, ăn uống dễ chịu hơn, nhất là ngay tại công trường xây dựng. Nhưng họ vẫn không ngừng nhắc chúng tôi rằng một lao động bình thường có thể làm gấp mấy lần chúng tôi trong một thời gian ngắn hơn. Nhưng họ cũng hiểu rằng một công nhân bình thường sẽ không thể sống nổi chỉ với 325g bánh mì (đó là về mặt lý thuyết - còn về thực tế chúng tôi thường nhận ít hơn) và chưa tới một lít xúp mỗi ngày; rằng một công nhân bình thường sẽ không sống trong sự căng thẳng thần kinh mà chúng tôi đang phải chịu, không có tin tức từ gia đình - những người đã bị gửi sang các trại tập trung khác hoặc bị cho chết ngạt ngay lập tức; rằng một công nhân bình thường sẽ không bị cái chết đe doạ liên tục từng ngày, từng giờ. Tôi thậm chí còn cho phép bản thân nói với một quản đốc tử tế rằng "nếu ông có thể học từ tôi cách vận dụng trí não trong khoảng thời gian ngắn như việc tôi đang học làm đường này từ ông thì tôi thật sự nể phục ông". Nghe vậy, ông ấy chỉ mỉm cười.
Sự vô cảm, biểu hiện chính của giai đoạn hai này là một cơ chế tự bảo vệ cần thiết. Tất cả mọi nỗ lực đều được tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất: duy trì cuộc sống của mình và bạn tù. Vào buổi tối, trong lúc bị dồn trở về trại từ nơi làm việc, các tù nhân thường thở dài tự an ủi: "Tốt rồi, lại qua được một ngày nữa".
Chúng ta có thể hiểu được rằng tình trạng căng thẳng cùng với sự tập trung không ngừng vào việc duy trì sự sinh tồn không chỉ vắt kiệt sức lực mà còn khiến cho đời sống tâm hồn của người tù cũng bị đẩy xuống mức cùng cực. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở trong trại, những người đã được đào tạo về tâm lý thường nói về "sự thoái bộ" ở người tù - sự lui về hình dạng nguyên sơ hơn của đời sống tinh thần. Những mong ước và khát khao sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những giấc mơ của người ấy.
Người tù thường mơ thấy gì nhiều nhất? Đó là bánh mì, bánh ngọt, thuốc lá và những buổi tắm nước nóng. Sự thiếu thốn những nhu cầu đơn giản này đã khiến tù nhân tìm kiếm sự thoả mãn trong những giấc mơ. Những giấc mơ này có làm được gì tốt đẹp hay không lại là một chuyện đáng sợ khác; kẻ mơ mộng rồi cũng phải thức dậy với cuộc sống thực tế trong trại, cùng với sự trái ngược khủng khiếp giữa đời thực và mộng ảo.
Tôi đã không bao giờ quên được việc mình đã bị đánh thức giữa đêm bởi tiếng ú ớ của người bạn tù nằm bên, rõ ràng anh ấy đang trong cơn ác mộng. Bởi luôn thấy thương cảm cho những người đang phải chịu đựng những cơn ác mộng hay mê sảng nên tôi đã muốn đánh thức người đàn ông tội nghiệp đó dậy. Tôi đưa tay định lay anh ấy dậy nhưng bỗng nhiên tôi rụt tay lại, lo sợ điều mình sắp làm. Vào lúc đó, tôi nhận thức rõ một sự thật rằng không có giấc mơ nào, cho dù có ghê sợ đến mấy, lại đáng sợ bằng thực tế ở trại, vốn đang vây bủa chúng tôi; vậy mà tôi lại định đưa anh ấy trở lại với thực tế còn khủng khiếp hơn cả ác mộng kia.
Bởi vì thiếu ăn trầm trọng nên không có gì khó hiểu khi sự thèm ăn luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của những người tù. Hãy quan sát các tù nhân khi họ được làm việc gần nhau và không bị giám sát chặt chẽ. Ngay lập tức họ sẽ bàn về thức ăn. Một người sẽ hỏi người đang làm việc bên cạnh mình về món ăn yêu thích của người đó. Và rồi họ sẽ trao đổi công thức và lên thực đơn trong ngày khi được trả tự do và trở về nhà. Họ cứ tiếp tục tưởng tưởng mọi việc thật chi tiết và câu chuyện chỉ kết thúc khi nhận được lời cảnh báo được truyền từ trên xuống, thông thường lời cảnh bảo này được truyền dưới dạng mật khẩu đặc biệt hoặc một con số với hàm ý: "Lính canh đang đến".
Tôi luôn xem những cuộc bàn tán về thức ăn giữa các bạn tù là nguy hiểm. Dù rằng việc kích thích cơ thể bằng hình ảnh các món ăn ngon thật chi tiết và hấp dẫn đã phần nào đó giúp các tù nhân giải toả tâm lý tạm thời, nhưng nó là một ảo giác, mà nếu xét về mặt tâm lý thì ảo giác chắc chắn là có hại.
Trong suốt thời gian ở tù sau này, khẩu phần ăn mỗi ngày của chúng tôi chỉ còn là nước xúp - được phân phát một lần trong ngày kèm với một mẩu bánh mì. Ngoài bữa ăn đó, chúng tôi còn có một "bữa ăn bổ sung" trong ngày: hôm thì một mẩu bơ vụn hoặc một lát xúc xích, hôm là một miếng phô-mát, có khi lại là một chút mật ong hoặc là một thìa mứt. Về dinh dưỡng, chế độ ăn này chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cơ thể, nhất là khi các tù nhân phải lao động chân tay nặng nhọc không nghỉ ngơi, phơi mình trong tiết trời lạnh buốt không đủ quần áo che người. Những người bị bệnh được "chăm sóc đặc biệt" - tức là những người được phép nằm ở trong lều trại mà không cần phải rời trại để đi làm việc - thậm chí còn bị đối xử tệ hơn.
Khi những lớp mỡ dưới da biến mất, trông chúng tôi chẳng khác nào những bộ xương khô, có khác chăng là được khoác thêm lớp da và bộ quần áo cũ rách. Cơ thể chúng tôi bị bào mòn theo từng ngày. Nó sử dụng chính nguồn dưỡng chất đã tích luỹ để duy trì sự tồn tại của chính nó. Sau nhiều lần quan sát, mỗi một người trong chúng tôi có thể dự đoán khá chính xác ai sẽ là người ra đi tiếp theo và khi nào. "Anh ấy không còn sống được lâu đâu" hoặc "Tiếp theo sẽ là anh ấy", chúng tôi thì thầm trong lúc bắt chấy rận cho nhau. Mỗi một ngày qua đi, đến chiều tối, chúng tôi quan sát chính cơ thể trần truồng của mình và có cùng suy nghĩ: Cơ thể của tôi thực sự chỉ còn là một cái xác. Tôi còn gì là tôi nữa? Tôi vẫn là tôi bên dưới lớp da bọc xương này, là một thành viên thuộc đám đông đằng sau hàng rào kẽm gai, tụ tập trong những lều trại chật hẹp. Tôi là một phần của đám người mà mỗi ngày ai ai cũng nhận ra rằng một phần nào đó của cơ thể bắt đầu mục rã.
Như đã đề cập ở trên, ý nghĩ về thức ăn và các món khoái khẩu đã ăn sâu vào trong nhận thức của người tù. Mỗi khi có thời gian rảnh là họ nghĩ ngay đến thức ăn, đây là điều không thể tránh khỏi. Mọi người sẽ thông cảm với chúng tôi khi biết rằng ngay cả những người cứng cỏi nhất trong chúng tôi cũng ao ước đến ngày có đủ thức ăn, không phải chỉ vì cơ thể chúng tôi thèm khát thức ăn, mà còn vì biết rằng những chuỗi ngày sống không ra sống này - sự thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu của con người khiến chúng tôi không thể nghĩ gì khác ngoài thức ăn - cuối cùng cũng chấm dứt.
Những người chưa từng trải qua hoàn cảnh như vậy thì khó mà hiểu được những cuộc đấu tranh tinh thần dữ dội mà một người đang trong cơn đói phải trải qua. Họ khó mà hiểu được nỗi thống khổ của việc phải đứng đào xới hàng giờ liền trong một cái hào, mòn mỏi chờ đợi âm thanh duy nhất phát ra từ chiếc còi thông báo 9 giờ 30 hay 10 giờ sáng - khoảng thời gian nửa tiếng được nghỉ để ăn trưa - lúc này, các tù nhân sẽ được tự do bên khẩu phần ăn của mình (miễn là bánh mì vẫn còn). Các bạn cũng khó mà hiểu được sự khổ sở của những người tù khi họ liên tục hỏi người quản đốc - nếu người đó không phải là người quá khắt khe - rằng mấy giờ rồi; và khẽ chạm vào mẩu bánh mì trong túi áo, trước tiên mân mê nó bằng những ngón tay tê cóng, sau đó mới bẻ một mẩu nhỏ cho vào miệng, và cuối cùng, với một chút ý chí cuối cùng, bỏ mẩu bánh mì vào túi trở lại, và tự hứa rằng phải để dành cho đến chiều.
Dù là vô thức hoặc có ý thức đi nữa thì chúng tôi cũng không ngừng đấu tranh để tìm ra cách sử dụng hợp lý nhất phần bánh mì ít ỏi vốn chỉ còn được phát duy nhất một lần vào lúc cuối ngày. Có hai phương án để xử lý vấn đề này. Một là sẽ ăn hết phần bánh mì đó ngay lập tức. Điều này có hai thuận lợi, thứ nhất là sẽ thoả mãn ngay cơn đói tức thời trong một lúc, ít nhất một lần trong ngày, và thứ hai là sẽ không phải lo lắng bị mất trộm. Cách giải quyết của nhóm thứ hai là chia nhỏ phần bánh mì đó thành nhiều phần cho nhiều lần sử dụng, và nhóm này cũng có những lí lẽ riêng của họ. Tôi cuối cùng cũng nhập bọn với nhóm thứ hai.
Thời điểm kinh khủng nhất trong 24h ở trại là thời điểm thức dậy lúc trời vẫn còn tối, ba tiếng còi inh ỏi lôi chúng tôi dậy từ giấc ngủ mỏi mệt, ai cũng chưa kịp tỉnh hẳn. Chúng tôi bắt đầu vật vã với đôi giày ướt, cố nhét đôi chân đau nhức và sưng phồng do bị phù vào trong. Có những tiếng rên rỉ, kêu than quen thuộc về những phiền phức lặt vặt, chẳng hạn như việc lấy dây kẽm thay cho dây giày bị đứt. Một sáng nọ, tôi nghe một người mà tôi biết là rất ngoan cường và tự trọng khóc nấc lên như một đứa trẻ bởi ông buộc phải đi chân trần trên tuyết do không thể mang vừa đôi giày của mình. Trong thời khắc kinh khủng đó, tôi tìm thấy một chút an ủi; tôi lấy ra mẩu bánh mì từ trong túi và khoan khoái nhai trệu trạo.
Đi Tìm Lẽ Sống Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor Frankl Đi Tìm Lẽ Sống