Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Viktor Frankl
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: sach123
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 6 - chưa đầy đủ
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6908 / 843
Cập nhật: 2016-02-04 20:53:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ầu hết tù nhân đều có ý định tự sát, dù chỉ trong khoảnh khắc. Ý định này xuất phát từ sự tuyệt vọng, từ hiểm họa thường trực trên đầu chúng tôi từng ngày, từng giờ, và sự kề cận cái chết mà nhiều người phải chịu đựng. Từ những luận điểm cá nhân mà tôi sẽ đề cập ở phần sau, vào đêm đầu tiên ở trại, tôi đã tự hứa với mình rằng tôi sẽ không "đâm đầu vào hàng rào kẽm gai". Đó là cách tự tử phổ biến nhất ở trại - chỉ cần chạm vào hàng rào dây kẽm gai có điện. Đối với tôi, để đưa ra quyết định này hoàn toàn không có gì khó. Chẳng ích lợi gì việc tự tử cả, bởi vì đối với người tù, nếu tính toán và đong đếm các cơ hội một cách khách quan thì hy vọng sống là rất ít. Không ai có thể chắc chắn bất kỳ điều gì. Làm sao họ có thể biết được rằng mình có nằm trong số người ít ỏi thoát khỏi các đợt thanh trừng tù nhân hay không? Cần nhấn mạnh rằng các tù nhân tại Auschwitz, trong giai đoạn choáng váng ban đầu, không hề sợ chết. Thậm chí các phòng hơi ngạt cũng mất đi vẻ đáng sợ của chúng sau vài ngày đầu ở đây bởi rốt cuộc thì chúng đã ngăn cản được ý định tự sát của tù nhân.
Những người bạn mà tôi gặp sau này đã nói với tôi rằng tôi không phải là một trong những người bị khủng hoảng vì cú sốc nhập trại. Tôi chỉ cười, khá thành thật, khi những sự việc sau xảy ra vào buổi sáng sau cái đêm đầu tiên ở Auschwitz: Bất chấp các quy định nghiêm khắc không được rời khỏi các lán trại, một đồng hương của tôi đã tới Auschwitz vài tuần trước lén trốn đến lều của chúng tôi. Anh ấy muốn trấn tĩnh và an ủi chúng tôi nên kể cho chúng tôi nghe vài chuyện. Anh đã trở nên rất gầy đến nỗi thoạt tiên chúng tôi không nhận ra anh. Với sự hài hước và thái độ bất chấp, anh vội vàng cho chúng tôi một ít mẹo: "Đừng lo lắng quá! Đừng sự các cuộc tuyển chọn! Bác sĩ M (bác sĩ trưởng thuộc đội SS) thường ít nhiều chiếu cố cho những ai là bác sĩ đấy". (Điều này sai; những lời tử tế của bạn tôi là không đúng. Một tù nhân độ 60 tuổi - bác sĩ chịu trách nhiệm quản lý khu trại giam của tù nhân đã kể cho tôi nghe việc ông đã van xin bác sĩ M cứu con trai mình khỏi bị đưa tới phòng hơi ngạt nhưng bác sĩ M đã lạnh lùng từ chối).
"Nhưng có một việc mà tôi tha thiết đề nghị các anh", anh ấy nói tiếp, "hãy cạo râu hàng ngày, vào mọi lúc có thể, dù cho phải cạo râu bằng mảnh kính hay dù các anh có phải cho đi mẩu bánh mì cuối cùng vì nó. Các anh sẽ trông trẻ hơn và việc cạo râu sẽ làm gò má các anh trông hông hào hơn. Nếu các anh còn muốn sống, cách duy nhất là hãy chứng tỏ cho bọn lính thấy là mình còn sức làm việc. Để tôi nói cho nghe, nếu như một tay SS thấy các anh đi cà nhắc vì bị thương ở gót chân thì ngày hôm sau chắc chắn anh sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt. Các anh có biết chúng nó nói "Moslem" nghĩa là gì không? Moslem là từ để chỉ một người chán nản và kiệt sức vì đau ốm, không thể làm việc chân tay nặng được nữa... Chẳng sớm thì muộn, thường là sớm thôi, các "Moslem" sẽ bị đưa tới phòng hơi ngạt. Bởi vậy, hãy nhớ: cạo râu, đứng thẳng và đi đứng nhanh nhẹn. Tất cả các anh đang đứng đây, dù là mới chỉ đến đây 24 giờ, các anh cũng không phải sợ phòng hơi ngạt, có lẽ trừ anh này". Rồi anh ta chỉ tay vào tôi và nói: "Đừng trách tôi nói thẳng nhé". Quay sang những người khác anh ta đáp lại: "So với tất cả mọi người thì anh ta là người duy nhất phải sợ cuộc tuyển chọn tiếp theo. Vậy nên đừng lo lắng gì cả!".
Và tôi đã cười. Tôi tin rằng bất cứ ai ở vị trí của tôi ngày đó cũng làm điều tương tự.
Tôi nhớ Lessing(8) đã từng nói: "Có những thứ khiến bạn đánh mất lý trí hoặc bạn chẳng có gì để mất cả". Một phản ứng khác thường trong một tình huống khác thường là một hành vi bình thường. Ngay cả những nhà tâm lý học chúng tôi cũng cho rằng các phản ứng của con người trong một tình huống bất thường, như việc bị tống vào nhà thương điên cũng phải bất thường tùy theo mức độ bình thường của người đó. Phản ứng của một người trước việc nhập trại biểu hiện một trạng thái khác thường của trí óc, nhưng từ góc độ khoa học, hiện tượng này được đánh giá là bình thường và như bạn sẽ thấy ở phần sau, nó là phản ứng bình thường của tâm lý con người trước một hoàn cảnh định sẵn. Những phản ứng này của các tù nhân, như tôi đã mô tả, đã bắt đầu thay đổi trong ít ngày. Người tù chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn hai; giai đoạn vô cảm tương đối, khi anh ta tạo thành một kiểu chết về cảm xúc.
Ngoài những phản ứng đã nói trên, người tụ mới đến còn trải qua những đau đớn về cảm xúc khác nữa, tất cả cảm xúc mà anh ta cố làm dịu đi. Trước tiên, đó là nỗi nhớ nhung vô tận về tổ ấm gia đình của mình. Cảm xúc này thường mạnh mẽ đến mức người tù cảm thấy như bị nuốt chửng bởi nỗi day dứt. Tiếp đến là cảm giác ghê tởm; ghê tởm tất cả những điều xấu xa xung quanh mình, từ cách con người cư xử với nhau cho đến hình thù gớm ghiếc của tất cả mọi vật trọng tù.
Hầu hết tù nhân đều được phát một bộ đồng phục rách rưới hơn cả bộ đồ của con bù nhìn. Giữa các lều trại toàn là rác, càng cố dọn sạch thì càng thấy nhiều thêm. Theo thông lệ, người mới đến trại thường được cho vào nhóm dọn dẹp hầm xí và thông cống. Và trong lúc vận chuyển, nếu phân bắn lên mặt người tù và họ có biểu hiện kinh tởm hoặc cố quệt đi thì cũng sẽ bị Capo cho ăn đấm. Cho nên họ càng cố nén nhịn ngay cả những phản ứng bình thường.
Giai đoạn đầu, không chịu được cảnh nhìn những người bạn tù ở các nhóm khác bị trừng phạt, người tù quay mặt đi; anh ta cũng không thể chịu được việc chứng kiến các bạn tù chạy lên chạy xuống hàng giờ liền trong bùn theo sự hướng dẫn của các cú đấm. Nhiều ngày, nhiều tuần sau thì mọi việc thay đổi. Từ tờ mờ sáng, khi trời vẫn còn tối, người tù đã lặng lẽ đứng trước lán trại, sẵn sàng đi làm. Anh có thể nghe thấy tiếng thét và nhìn thấy một bạn tù bị đánh ngã, bị dựng dậy và bị đánh quỵ một lần nữa chỉ vì người tù đó bị sốt nhưng đã báo cáo tại bệnh xá vào lúc không thích hợp. Anh ta bị trừng phạt vì bị cho rằng trốn việc.
Song người tù nào đã đạt tới giai đoạn hai trong chuỗi phản ứng tâm lý của mình sẽ không có phản ứng gì cả, dù chỉ là một cái chớp mắt. Vào lúc ấy, cảm giác của anh đã bị chai sạn và anh thản nhiên chứng kiến cảnh tượng diễn ra trước mắt. Một ví dụ khác: người tù đang chờ trong trạm xá, hy vọng được cấp cho hai ngày làm việc nhẹ trong trại vì bị thương, có lẽ anh bị phù nề và sốt. Anh ta đứng yên trong khi một cậu bé 12 tuổi được khiêng vào. Cậu bé bị bắt đứng phạt nhiều giờ trong tuyết hoặc phải làm việc bên ngoài với đôi chân trần bởi vì không có giày cho cậu. Chân cậu bé bị hoại tử vì tê cóng và bác sĩ gắp từng mẩu hoại tử đen ra khỏi chân cậu, từng miếng từng miếng một. Sợ hãi, gớm ghiếc và thương cảm là những cảm xúc mà người tù ấy không còn cảm nhận được nữa. Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh trong suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.
Có một thời gian, tôi ở trong trại dành cho các bệnh nhân bị sốt. Những bệnh nhân này bị sốt cao và thường trong tình trạng mê sảng, nhiều người gần như hấp hối. Sau khi một người chết, tôi nhìn những cảnh tượng tiếp theo mà không hề có chút cảm giác xót xa nào. Từng tù nhân sẽ đến bên cạnh cái xác vẫn còn ấm đó. Người thì nhặt nhạnh phần khoai tây thừa còn sót lại; người thì đổi giày của mình lấy đôi giày gỗ của người đã chết, người thì lấy áo, người thì vui mừng vì có thể lấy được một thứ gì đó - dù chỉ là một sợi dây còn tốt.
Tôi đã nhìn những cảnh tượng này mà chẳng chút động lòng. Cuối cùng, tôi gọi "y tá" khiêng cái xác đi. Để khiêng xác, anh ta nắm hai chân của người đã chết, kéo nó từ tấm ván - vốn là giường của 50 bệnh nhân - rớt xuống đất, rồi lôi xềnh xệch cái xác trên mặt sàn lồi lõm hướng về phía cửa. Việc vượt qua hai bậc thềm để bước ra ngoài luôn là điều khó nhọc đối với chúng tôi bởi hầu như ai cũng đã kiệt sức vì thiếu ăn. Sau vài tháng sống trong trại, chúng tôi không thể bước lên nổi những bậc thang cao 15 cm này mà không vịn vào tay vịn để kéo mình lên.
Người bạn tù kéo cái xác lên những bậc thang. Anh ấy khó nhọc lê thân mình lên trước. Tiếp đến, anh kéo cái xác lên theo: đầu tiên là chân, rồi đến thân, và cuối cùng - với một tiếng bộp rõ to - cái đầu được kéo giật lên hai bậc.
Chỗ ở của tôi đối diện với bệnh xá, cạnh bên là một chiếc cửa sổ nhỏ duy nhất nằm thấp ở gần sàn. Lúc này tôi đang xì xụp húp chén xúp nóng được giữ chặt trong hai bàn tay tê cóng. Tôi vô tình nhìn ra cửa. Cái xác vừa mới bị vứt ra ngoài đang nhìn chằm chằm về phía tôi với đôi mắt trắng dã. Hai tiếng đồng hồ trước tôi còn nói chuyện với ông ấy, vậy mà... Tôi tiếp tục húp chén xúp của mình.
Nếu sự vô cảm của tôi không khiến tôi bất ngờ - xét về mặt chuyên môn, thì giờ đây tôi cũng chẳng còn nhớ nổi sự việc này bởi vì có quá ít cảm xúc liên quan.
Sự thờ ơ, chai sạn cảm xúc là các triệu chứng gia tăng ở giai đoạn hai trong phản ứng tâm lý của người tù, và cuối cùng anh ta trở nên chai lỳ trước những màn đánh đập như trút hàng ngày, hàng giờ. Sự chai lỳ giúp người tù tự tạo cho mình một chiếc vỏ bảo vệ cần thiết.
Chỉ cần phạm phải những lỗi nhỏ nhặt nhất là lập tức chúng tôi phải hứng chịu những cú đánh trời giáng, đôi khi chẳng có lý do gì cả. Ví dụ, chúng tôi phải xếp hàng ở công trường để chờ đến lượt nhận bánh mì và có lần, một người ở sau tôi đứng lệch ra khỏi hàng một chút, và việc không thẳng hàng đã khiến một lính SS khó chịu. Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra ở phía sau mình cũng như chẳng hiểu nổi người lính SS đó nghĩ gì, thế mà tự nhiên tôi lại nhận ngay hai cú quất vào đầu. Chỉ đến lúc ấy tôi mới nhìn thấy người lính canh đang đứng cạnh mình với vây gậy đã đánh vào đầu tôi. Vào lúc ấy, không phải cơn đau về thể xác khiến tôi cảm thấy bị tổn thương (điều này cũng đúng với một số người lớn và bọn trẻ con khi bị phạt) mà chính cảm giác đau về tinh thần do bất công, vô lý mới khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm nhất.
Lạ là ở chỗ, có khi một vết hằn trong tâm trí còn khiến người ta đau đớn hơn cả vết roi trên thân xác. Một lần nọ, tôi phải đứng ngay trên đường ray xe lửa trong cơn bão tuyết. Bất kể thời tiết thế nào, nhóm của tôi vẫn phải làm việc không ngừng. Tôi đã làm việc cật lực để sửa đoạn đường ray bởi vì đó là cách duy nhất giúp tôi giữ ấm. Chỉ có một lần tôi dừng lại để lấy hơi và đứng tựa vào cái xẻng. Thật không may, đúng lúc ấy tên lính canh quay lại và nghĩ rằng tôi đã lười biếng. Vết thương mà hắn gây cho tôi không phải từ những lời nhục mạ hoặc những cú đánh. Có lẽ hắn nghĩ hắn không đáng phải phí lời chửi một tên tù rách rưới, hốc hác, không ra hình dáng con người đang đứng trước mặt hắn. Thay vào đó, hắn nhặt một viên đá và chọi tôi. Đối với tôi, hành động này giống như cách bạn muốn thu hút sự chú ý của một con vật, gọi con vật đó quay lại làm việc, một sinh vật hầu như chẳng có điểm gì giống với bạn đến nỗi bạn chẳng cẩn phải trừng phạt nó.
Những cú đánh không làm chúng tôi đau bằng sự nhục mạ. Có lần chúng tôi phải mang những thanh xà dài và nặng trên đoạn đường đóng băng. Nếu một người bị trượt chân thì người đó không chỉ gây nguy hiểm cho chính mình mà còn cho cả những người đang cùng khiêng cây xà với anh ấy. Một người bạn cũ của tôi bị trật khớp hông bẩm sinh. Nhưng dù vậy, anh ấy vẫn vui vì được làm việc, bởi vì tàn tật có nghĩa là sẽ phải chết khi cuộc tuyển chọ diễn ra. Anh ấy đi khập khiễng trên con đường đóng băng với thanh xà nặng, gần như muốn ngã và kéo theo những người khác với mình. Lúc ấy, tôi đang không phải khiêng cây xà nào nên đã chạy sang giúp anh ấy mà không nghĩ ngợi gì. Ngay lập tức tôi bị quất vào lưng, bị quở trách và bị ra lệnh quay về vị trí cũ. Một vài phút trước, cũng tên lính ấy đã đánh tôi và nói với vẻ trách móc rằng "lũ lợn các người" không biết tinh thần đồng đội là gì.
Một lần nọ, ở trong rừng, nhiệt độ lúc ấy khoảng âm 16*C, chúng tôi đang đào phần đất đã bị đóng băng ở phía trên để đặt đường ống nước. Lúc ấy, sức khỏe của tôi không được tốt. Một quản đốc với đôi má căng tròn hồng hào đến bên cạnh. Khuôn mặt của hắn khiến tôi liên tưởng đến cái đầu heo. Tôi nhìn thấy tay hắn được ủ ấm trong đôi găng tay ấm áp. Hắn quan sát tôi một lúc. Tôi biết rằng thế nào mình cũng gặp rắc rối bởi vì đống đất mà tôi đào cho biết tiến độ công việc của tôi không tốt.
Đi Tìm Lẽ Sống Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor Frankl Đi Tìm Lẽ Sống