There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 31 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4503 / 104
Cập nhật: 2020-03-02 09:37:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Mẹ Mù Lòa
Ngày ấy, con đường từ Sàigòn ra Cấp không náo nhiệt như ngày nay. Xa lộ Biên Hòa rộng thênh thang và nhẵn thín còn là một huyền thoại. Khúc đường từ Long Bình trở đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, lồi lõm, xấu xí, hai bên toàn là đồng trống, bụi rậm và cỏ dại san sát. Thỉnh thoảng mới thấy một khu nhà lèo tèo.
Má Sáu sống trong ngôi nhà gạch khá khang trang cách đường cái một quãng ngắn, vậy mà tiếng xe cộ không lọt tới vì rặng tre quá dầy, vườn cây quá đặc và mái nhà quá thấp như thể ép sát xuống nền đất thịt đỏ hõn.
Ngày ấy, Má Sáu chưa đến 50 tuổi. Đàn bà ngũ tuần ngày nay thường còn trẻ, đẹp, nhờ son phấn, hóa chất và nghệ thuật làm đẹp. Ngày ấy, ngũ tuầa đã là tuổi già. Má Sáu lại già trước tuổi sau một chuỗi biến cố gia đình. Tóc má bạc đến nỗi không tìm ra một sợi muối tiêu nào nữa. Da má răn rúm và khô cằn như da trái tảo tầu khô. Răng má rụng hoặc sâu gần hết.
Má Sáu bị mù. Thoạt đầu, mắt má mờ đi, như bị đám mây che, người ta gọi là bệnh cườm, má dùng thuốc lá, thuốc thang mấy năm liên tiếp nó càng mờ thêm, để rồi khi má xoay ra thuốc thần, thuốc thánh bằng tàn hương, nước lạnh và bùa chú thì đêm tối đen đặc xập xuống, tàn bạo. Vĩnh viễn.
Má Sáu sinh được hai con, một trai, một gái. Con gái lớn lấy chồng sớm. Phần vì duyên số, nó đi chợ, gặp một gã đàn ông gấp rưỡi tuổi nó, mặt mũi bảnh bao, lời nói ngon ngọt, nó vứt luôn rau thịt, đi thẳng một lèo. Không về nữa. Má Sáu khóc cạn nước mắt nó vẫn biền biệt. Nó theo chồng đi đâu, không ai biết. Nó còn sống hay chết, không ai biết.
Sau vụ con gái bỏ nhà đi hoang đến vụ ông chồng. Lẽ ra, má bị mù, ông phải sống với má, má lại là người đàn bà đảm đang, mềm mỏng, nhân hậu, xứng đáng để chồng thương yêu. Đằng này ông chồng lẳng lặng xách đồ đoàn đến ở với một cô vợ trẻ. Ông không quên đem theo tiền bạc của má Sáu. Hú hí bên cô vợ trẻ, ông đâm ra rượu chè. Chẳng bao lâu da ông vàng khè. Tròng trắng mắt ông vàng khè. Ông thổ huyết rồi chết.
Còn lại thằng con trai. Hiếm con má đặt tên nó là Hiếm. Ba Hiếm. Phàm con một thường lười biếng. Thằng Hiếm lại lười biếng trên độ thường nhiều bậc. Má Sáu có nhiều cây ăn trái, và mấy mẫu đất làm canh, hoa lợi hàng năm đủ ăn, nếu không nói là dư dã, má biết thu vén, tằn tiện và biết sinh sôi nẩy nở hồi má chưa mù nên cuộc sống vật chất khá thoải mái. Thằng Hiếm không đi học thì chớ, nó còn chơi bời phá gia chi tử. Mới 15 tuổi nó đã nghiện rượu và đánh bạc khét tiếng. Lớn thêm một tuổi nữa, nó kéo bè, kết đảng, trộm cắp ở làng bên. Má Sáu yêu nó kinh khủng, mọi người mách với má những hành động đốn mạt của nó, má vẫn không hề rầy la con, má chỉ sử dụng mỗi một khí giới duy nhất. Duy nhất mà hữu hiệu.
Nước mắt.
Má ngồi chờ con suốt đêm. Ngồi chờ và khóc. Nhiều đêm thằng Hiếm rón rén về nhà, gà đã gáy sáng má nó còn dựa lưng vào vách, nước mắt ràn rụa, nó có trái tim bằng sắt nguội mà cũng rộn ràng. Nghe động, má Sáu ngước cặp mắt thong manh, bàn tay quờ quạng:
- Con về đấy ư?
Rồi tiếp tục khóc. Nó phát cáu:
- Khóc gì khóc lắm thế?
Nó chịu không nổi chiến thuật, nước mắt trường kỳ của má Sáu. Nó thương má thật đấy, song rượu, gái, bài bạc và nếp sống cầu sương điếm cỏ chứa nhiều hấp dẫn đối với nó hơn. Rốt cuộc thằng Hiếm chọn sự giang hồ. Noi gương cha và chị nó vù lên Sàigòn.
Má Sáu còm cõi một mình trong ngôi nhà mênh mông. Một cô cháu ruột tên là Mỹ Dung về ở chung với má. Mỹ Dung chưa đến 20 nhưng đã có chồng, và sinh nở hai, ba lần. Hữu sinh vô dưỡng, sinh đứa nào, chết đứa nấy. Chồng làm tài xế xe đò, kiếm bộn tiền. Gia đình được êm ấm, tuy Mỹ Dung có nhan sắc và chồng vắng nhà luôn. Phiền một nỗi cô vợ có tính hay cười, đôi khi cười tự nhiên, cười ngoại giao mà anh chồng cứ tưởng cười mèo chuột. Anh chồng mắc bệnh ghen «số dách». Những năm đầu tiên không xảy ra cãi cọ, mè nheo. Dần dà, cô vợ cứ đẹp thêm, anh chồng cứ xấu đi, cơn ghen cứ gia tăng cường độ, đến một đêm kia anh chồng rưới xăng vào mùng, toan thiêu sống cô vợ. Đinh ninh Mỹ Dung bị chết cháy, anh chồng trốn biệt. Mỹ Dung không chết. Song sắc đẹp bị giảm bớt 80 phần trăm. Mặt phỏng nặng một bên, mắt và miệng chỉ bị hư hại qua loa, tuy vậy, sự quyến rũ mãnh liệt không còn nữa. Nằm bệnh viện gần nửa hăm, bình phục, Mỹ Dung về hầu hạ cô ruột, má Sáu. Một già, một trẻ, cùng chung tâm sự buồn thương bấu víu lấy nhau để khỏa lấp sự cô đơn trong ngồi nhà mênh mông...
Má Sáu chẳng phải làm gì nên ban ngày dài thật là dài. Buổi trưa má ra vườn đợi nắng. Buổi trưa, nắng gắt, má nằm võng đung đưa dưới bóng cây dâm mát. Buổi chiều, má ngồi nghe hoàng hôn xuống. Rồi ban đêm dài thật là dài.
Mỹ Dung giúp má Sáu quên được phần nào nỗi dài không bao giờ dứt của những sáng, những trưa, những chiều, những đêm vò võ bằng cách đọc truyện. Tất cả tiểu thuyết bán ở Saigon đều được Mỹ Dung mua về. Cả báo nữa. Báo tuần, báo tháng, báo ngày. Thành ra má Sáu là người sống xa thành phố mà lại gần gũi với thành phố.
Hôm ấy, như thường lệ, đọc tiểu thuyết xong, Mỹ Dung đọc báo. Tờ báo ra lò từ rạng sáng ờ Sàigòn, một chú lơ xe nhân tiện ghé lại gần đấy rước khách đẫ mang vào tận nhà cho Mỹ Dung. Nàng không còn là Mỹ Dung - mặt đẹp - nữa nhưng cái nhìn, nụ cười và thân hình của nàng còn rạo rực đáo để. Chú lơ xe đa tình không quản đường xa là vì thế.
Má Sáu lim dim cặp mắt nhìn qua lũy tre ra đường cái. Nhìn mắt má không ai nghĩ má mù. Người ta chỉ biết mù khi thấy má nhìn mãi vào một chỗ, mặt phẳng lì như tảng đả. Nắng chiều sắp tắt. Mải tóc bạc phơ của má Sáu óng ánh dưới hoàng hôn.
Bỗng má xua tay ra hiệu cho Mỹ Dung:
- Đừng đọc nữa cháu.
Mỹ Dung hơi ngạc nhiên:
- Cháu mới đọc được một tin... còn nhiều tin hay lắm, cô à...
- Thong thả. Cô muốn nghe lại tin cướp ngân hàng. Ngân hàng là gì hả cháu?
- Nhà gửi tiền. Ai có tiền thì mang đến gửi. Nhà băng ấy mà...
- À, nhà băng. Nhà băng thì cô biết. Hồi cô còn nhỏ, ông ngoại vẫn đi nhà băng gửi tiền... Chà, ngoại nhiều tiền lắm...
Mắt má Sáu rớm lệ. Mỹ Dung vội cất tiếng đọc để đánh tan sự im lặng khiến má Sáu hồi tưởng quá khứ.
«Ngân hàng Thủ đô, ngân hàng lớn nhất Sàigòn, bị đánh cướp.
Lần thứ nhất một ngân hàng ở Sàigòn bị đánh cướp. Bọn gian đã táo tợn chọn ngân hàng lớn nhất, ngân hàng Thủ đô, tọa lạc trên đường Sạc-ne, để ăn hàng. Chúng đã hạ sát 2 người và ẵm đi một số tiền rất lớn.
Theo tin chính thức, hồi 17g55 chiều qua, 5 phút trước khi ngân hàng Thủ đô đóng cửa thì có 3 thanh niên phục sức sang trọng, xách cặp da khoan thai bước vào, đến ghi-sê. Khi ấy, nhân viên ngân hàng đã sửa soạn ra về. Tình trạng thân chủ đến gửi tiền muộn thường xảy ra, ngân hàng lại không dám làm mất lòng khách hàng nên người phụ trách ghi-sê vẫn tiếp họ.
Một thanh niên đặt cặp da lên ghi-sê, rút súng, hạ lệnh ai ở yên chỗ nấy. Thanh niên thứ nhì buộc viên phó giám đốc mở két lấy tiền. Bọn gian đang bỏ tiền vào bao thì người lính gác ngoài thềm ngân hàng xô cửa. Y thấy bọn gian, y chưa kịp rút súng thì bị trúng đạn giữa ngực, ngã chẽt tại chỗ. Viên phó giám đốc có cử chỉ rục rịch phản công cũng bị bắn chết.
Đúng 18 giờ, bọn gian ung dung rút khỏi ngân hàng. Chúng trèo lên xe hơi do đồng bọn đậu sẵn và tẩu thoát mất dạng. Lệnh báo động được ban hành ngay sau đó, các ngả đường quan trọng ra vào thành phố bị chặn nút. Đến giờ báo lên khuôn, chúng tôi được tin bọn gian vẫn cao bay xa chạy.
Nhà chức trách chưa có lời tuyên bố nào về vụ đánh cướp táo bạo theo kiểu găng-tơ Mỹ này. Bản báo đặc phái viên vặn hỏi các nhân viên ngân hàng có mặt đã phăng ra một chi tiết đáng lưu ý. Chi tiết này là một trong ba tên cướp luôn luôn huýt sáo miệng. Hắn huýt sáo miệng rất nhỏ song rất tròn trịa và êm ái. Dường như hắn chỉ huýt đi huýt lại một bài ca trữ tình do một nhạc sĩ người miền Bắc sáng tác trưóc ngày toàn quốc kháng chiến.
Nhân viên ngân hàng cả quyết đó là bài Con thuyền không bến. Chi tiết này được trình báo với Sở Cảnh sát. Người ta tin rằng Sở Cảnh sát đã biết rõ căn cước của bọn gian, đặc biệt là tên huýt sáo miệng, và đang ráo riết truy tầm...”
Mỹ Dũng buông tờ báo. Má Sáu ngồi thẳng, vầng trán răn riu. Má thường có cử chỉ này mỗi khi bị bệnh tê thấp hành. Hễ trái nắng, trở trời là các khớp xương của má kêu răng rắc, da thịt đụng nhẹ là đau nhói, má phải trữ thuốc cao dán và rượu bìm-bịp như người đầu cơ tích trữ thóc lúa để bán giá cao. Mỹ Dung đặt tay lên vai má Sáu, giọng lo lắng:
- Để cháu đấm bóp cho cô.
Má Sáu đáp:
- Không, cô không đau. “Con thuyền không bến” là bài ca gì, hả cháu? Cô đi coi cải lương hoài mà chưa nghe nói tới.
- Đây là tân nhạc mà cô.
- À, à... tân nhạc. Già thì mê cải lương, còn trẻ thì thích tân nhạc... chắc thằng tướng cướp huýt sáo còn trẻ lắm. Nó bao nhiêu tuổi hả cháu?
- Nhựt trình không thấy nói.
- Chừng nào trong ra-dô có bài «Con thuyền không bến» cháu mở cho cô nghe.
- Tuần trước cháu đã ca rồi đó.
- Ca hồi nào?
- Trời ơi, bữa đó mưa thối nhà thối đất, mưa tầm tã từ sáng đến tối không thèm tạnh, cháu rót rượu bim-bịp cho cô, rồi chẳng hiểu sao cháu ca nho nhỏ, cô nhỏm dậy ôm cháu khóc mùi, cháu hỏi thì cô đáp «tao nhớ nó quá». Thôi, cháu nhắc lại làm chi để cô thêm buồn. Bây giờ cháu đọc tiếp Truyện kiếm hiệp hôm nay đến đoạn thật hay...
Giọng má Sáu bâng khuâng:
- Đến đoạn thật hay à cháu? Nhưng cô không muốn nghe nữa. Cô nhớ ra rồi. Bữa đó cô đau, phần vì trời mưa ẩm ướt, phần khác vì cô nghĩ đến nó. Bốn năm rồi, cháu ơi. Cũng bữa đó, trời mưa tầm tã cách đây 4 năm, nó bỏ cô mà đi...
- Anh Hiếm!
- Ừ, thằng Hiếm. Thằng Ba Hiếm. Thấm thoát đã 48 tháng. Nó lớn hơn cháu 5 tuổi. Vị chi nó 24. Từ 4 năm nay, cô nhớ quay, nhớ quắt. Chẳng biết giờ này nó chui rúc ở đâu. Chứng nào, tật ấy, chắc nó lại chơi bời bậy bạ, lường gạt, cướp bóc... nè cháu?
- Cô cần gì cháu?
- Cô sợ lắm, cháu ơi!
- Cô sợ gì?
- Khỏng rõ nữa. Cô sợ cho nó. Trời tối chưa cháu?
- Chưa. Nhưng cũng sắp. Dạo này ngày ngắn, chưa chiều đã tối.
- Cháu đóng cửa sau chưa? Lát nữa, mưa to lắm. Cháu thắp hương trên bàn thờ cho cô.
Mỹ Dung rùng mình nhìn má Sáu. Hồi nhỏ, nàng đã học hết bậc tiểu học. Nếu gia đình nàng không gặp tai biến để bị khánh kiệt, và nếu nàng không có nhan sắc mặn mòi nàng đã lên tỉnh theo học ban Thành chung. Vì hoàn cảnh nàng phải làm bạn với anh tài-xê. Để rồi... khuôn mặt mĩ miều của nàng bị ngọn lửa ghen tuông tàn phá...
Thật ra má Sáu là dì bên ngoại, hơi xa, nhưng vì cả má Sáu lẫn Mỹ Dung không còn ai thân thích nên gọi bằng cô cho gần. Theo ngành thứ thì nàng là chị của Hiếm. Vì nàng kém tuổi, từ nhỏ Hiếm đã lự nhận là anh.
Má Sáu đứng dậy lặng lẽ bước qua bậc cấp và ngưỡng cửa để vào nhà. Mặt má nghiêm nghị khác thường. Má thường cúng Phật trước khi trời tối. Những khi cúng Phật má thường có thái độ nghiêm nghị như vậy.
Bỗng dưng Mỹ Dung run lẩy bẩy. Má Sáu bị mù nên vành tai rất thính, má nghe rõ tiếng động nhỏ ở xa, có đêm má nghe được âm thanh vi-ti của lá vàng rụng ngoài vườn. Má còn nghe được những thay đổi của thời tiết. Việc má đoán Trời sắp mưa không lấy gì làm lạ.
Vậy mà hôm nay Mỹ Dung lo sợ.
Má Sáu đưa một bàn tay lum khum trên tai, rồi kêu:
- Mỹ Dung ơi! Cháu nghe thấy gì không?
Mỹ Dung nín thở:
- Cháu chẳng nghe thấy gì cả.
Một cơn gió mạnh thổi ầm ầm qua lũy tre, những trái cây xanh trong vườn bị giựt rơi lộp bộp. Tiếng mưa rơi. Tiếng gió, tiếng quả rụng, và tiếng mưa rơi là những tiếng động thông thường. Chắc má Sáu muốn nàng lắng nghe một thanh âm nào khác, một thanh âm kỳ dị nào khác....
Bàn tay gân guốc của người đàn bà góa bụa ngũ tuần run run:
- Có người, có người, cháu ơi!
II
Má Sáu lâm râm cầu kinh dưới ngọn đèn dầu vàng ệch. Bóng tối xuống nhanh quá, cơn mưa vừa lại thì bầu trời đen kịt. Mùi nhang thơm tỏa quyện khắp ngôi nhà trống trải.
Mỹ Dung mở hé cửa sổ. Tiếng mưa lộp bộp nặng hơn. Đột nhiên lòng nàng mang mang, nàng cất tiếng ca thầm thì trong miệng:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ trong mây...
Nàng vốn là «cây» hát trong trường. Nàng không biết nốt nhạc, song hát rất đúng, nàng chỉ nghe qua vài lần là ca trơn tru. Nàng có làn hơi dài, trong và ấm, dầu hát sai nhịp cũng mùi như thường. «Con thuyền không bến» là một trong các bài ca ruột của nàng. Bài ca này thật hợp, gần nhà nàng là giòng sông trắng với con «thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng»...
Má Sáu nhổm người:
- Cháu... có tiếng xe hơi...
Mỹ Dung vẫn chưa nghe được tiếng gì lạ. Nàng quay lại phía má Sáu, miệng hơi mím.
Má Sáu quờ quạng trên vách. Mỹ Dung hỏi:
- Cô tìm gì?
Má Sáu vẫn bận rộn một cách khó hiểu.
- Cái áo tơi mưa.
Mấy năm trước, một quân nhân lái xe díp qua bị nổ lốp và cạn nước rẽ vào nhà. Má Sáu cung phụng tử tế. Ra đi, ông ta quên cái áo tơi mưa nhà binh cũ mèm. Má gói cất một chỗ, chờ ông ta quay lại để hoàn trả. Ông ta đi luôn. Cái áo tơi trở thành vật sở hữu của má Sáu. Má chưa hề mặc vì nó rộng thùng thình, má lại có ra mưa bao giờ đâu. Về phần Mỹ Dung, nàng chưa hề giở nó ra coi, chứ đừng nói mặc nữa. Má Sáu hỏi cái áo, điều này có nghĩa là bà sắp dội mưa. Bệnh tê thấp tối kị nước mưa, phải là công việc quan trọng lắm bà mới khinh thường sức khỏe và xông pha liều lĩnh như vậy.
- Dạ, để cháu tìm.
Mỹ Dung đang lục lọi thì Má Sáu đã loay hoay mở cửa ra sân. Gió lạnh tạt vù vù, ngọn đèn dầu nhấp nháy muốn tắt. Tiếng động cơ xe hơi bắt đầu rõ. Má Sáu tài thật. Xe hơi vừa từ đường cái rẽ vào lối đi nhỏ hẹp và khấp khểnh dẫn qua cổng nhà. Phút này nó kêu xìinh xịch ngoài cổng.
Mưa vẫn trút nước ào ào.
Hai luồng sáng được bật lên, chiếu xuyên vườn cây. Rồi tắt. Người trên xe vừa mở đèn pha. Trời tối thui, màn mưa dày đặc, tài-xế không dùng pha kể cũng lạ. Dường như tài-xế chỉ vặn pha để quan sát địa thế.
Trong loáng mắt, xe hơi vào đến tận nhà. Khách là người quen, rất quen mới biết cách rút trốt cổng. Ngày cũng như đêm, cửa cổng không khóa. Vì ở giữa đồng không mông quạnh, mọi ổ khóa đều vô ích. Chỉ có cái trốt nhỏ bằng gỗ, kéo nhẹ là nó chuồi sang bên.
Đứng bên Má Sáu, Mỹ Dung hồi hộp khác thường. Xe hơi thuộc loại díp lùn, hai bên trống hốc, ngồi trong xe vẫn ướt như chuột lột. Tài-xế tắt máy. Một người nhảy xuống đất. Rồi người thứ hai. Rồi người thứ ba. Xe chở ít nhất ba người.
Ba người nhảy xuống đất song hai người lại núp sau xe. Một người duy nhất đặt chân lên thềm.
Hắn thọc tay túi quần, đứng hơi nghiêng như để thủ thế, giọng khàn khàn: - Má hả?
Má Sáu nghển cổ:
- Ừ, má đây. Vào đây con.
Bóng đen dấn một bước rồi dừng lại:
- Vâng, con là thằng Hiếm, ba Hiẽm. Tại sao má biết con về?
- Chính má cũng không hiểu tại sao.
- Có người đứng cạnh má. Ai đấy?
- Соn chưa nhìn thấy ư? Con Dung à...
- Dung, Dung nào vậy kìa... à, con nhớ rồi. Mỹ Dung. Trời, nhớ Mỹ Dung quá!
Ba Hiếm chõ miệng ra sân đầy mưa:
- Ô-kê, Mỹ Dung là em họ của tao, chúng mày có thể vào nhà tự do.
Má Sáu giang rộng cánh tay, ba Hiếm ôm ghì lấy mẹ. Bà muốn giữ con thật chặt và thật lâu. Ba Hiếm vội giằng ra vì một trong hai gã đàn ông vạm vỡ từ dưới sân mưa bùn lầy lội bước lên văng tục ồm oàm rồi nói:
- Thôi, tốp giùm cái trò tình cảm vụn đi mày...
Dưới ánh đèn dầu leo lét, gương mặt xanh mét của má Sáu bỗng đỏ bừng. Má không ưa những kẻ ăn nói xấc xược. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, má hằng khuyên thằng Hiếm, nó không nghe lời, bỏ đi hoang, nó lại kết bạn với bọn này chắc chắn hạnh kiểm nó bê bối hơn xưa. Má ngước đầu, mắt má hoàn toàn bị bóng đêm vĩnh viễn che phủ nhưng ai vẫn tưởng má nhìn thấy hai gã đàn ông cục súc đứng trước mặt.
Chúng trạc tuổi ba Hiếm. Vẻ mặt và dáng dấp hung bạo và dầy dạn hơn. Một đứa mang thẹo ở thái dương. Vết thẹo dài từ cằm chạy thẳng lên chân tóc. Đứa kia mặc áo montagu đen, lộ cánh tay xâm long li quy phượng.
Ba Hiếm lớn giọng:
- Má tao... ê, chúng mày không có miệng hả?
Tên xâm mình giả giọng con gái ỏn ẻn:
- Chào má.
Ba Hiếm giới thiệu:
- Hai thằng này rất thân với con. Thằng Chín Thẹo, và thằng Tư xâm mình. Chúng nó chỉ ngủ nhờ một đêm, rồi sáng mai đi.
Má Sáu đáp:
- Để má sai con Dung dọn chỗ.
Ba Hiếm gạt đi:
- Khỏi cần. Tui con tự dọn lấy cũng được. Nhà sau có khóa cửa không má?
- Không. Nhưng con nằm ở đó sao được. Không có giường chiếu gì cả. Gian bên còn trống...
- Mặc kệ tụi con. Nằm đất càng mát. Con nằm đất hai năm liền, giờ đây nằm giường đâm ra ngứa ngáy...
Chín Thẹo trợn mắt:
- Hiếm ơi, mày phát ngôn hơi nhiều...
Ba Hiếm ngậm miệng, cử chỉ bối rối. Hắn tự biết lỡ lời. Hắn cố khám phá một phản ứng lạ trên dung mạo của má Sáu song không thấy gì. Có lẽ má không nghe. Hoặc má có tài che giấu cảm xúc cũng không biết chừng.
Mỹ Dnng toan bước theo ba người đàn ông ra nhà sau thì Chín Thẹo đưa tay cản:
- Cám ơn. Đi một mình được rồi.
Ngôi nhà của má Sáu được xây cất từ đàu thế kỷ, kèo cột toàn bằng gỗ tốt, cứng và bền như bê-tông. Nhà gồm 2 phần riêng biệt, nhà trước chia làm 3 gian, gian nào cũng rộng không thua phòng họp công sở, từ nhà trước xuống nhà sau phải qua một hàng hiên dài lợp ngói đàng hoàng. Giữa hai giẫy nhà là những cây ăn trái xum xuê và những giàn mướp, bầu chĩu quả. Tuy nhà trước cách nhà sau vài chục mét, nó lại tạo ra cảm tưởng xa lắc xa lơ là vì đứng ở nơi này không thấy được nơi kia, do cây lá đầy đặc che kín.
Ba gã đàn ông kéo nhau xuống nhà sau từ nãy. Ngoài trời mưa đã ngớt hột, Má Sáu nghe động tĩnh một lát rồi ra lệnh cho cô cháu gái:
- Cháu ra xe, coi có gì lạ báo cho cô biết.
Mỹ Dung hành động nhanh như máy. Mới ra nàng đã vào liền. Nàng thở hổn hển:
- Cô ơi, họ đi xe cảnh sát...
- Đậu ngay giữa sân?
- Họ đẩy vào góc, sau cây sầu riêng lớn nhất. Và phủ kín bằng vải dầu.
- Nó đi xe cảnh sát nhưng không phải là cảnh sát. Cháu có lật vải dầu ra coi không?
- Có. Xe móp hết. Lại có lỗ đạn khắp nơi. Cả máu nữa. Máu đọng thành vũng. Thoạt đầu, cháu tưởng nước mưa. Chắc có người bị thương nặng.
- Hồi nãy cháu thấy đứa nào bị thương không?
- Không.
- Im đi cháu. Thằng Ba sắp lên.
Mấy phút sau ba Hiếm ló mặt, nhăn hàm răng đen sì chất nicôtin cười với Mỹ Dung:
- Nhà có xẻng không Dung?
Mỹ Dung đáp:
- Có. Sau bếp.
Ba Hiếm quay gót, Mỹ Dung gọi giựt:
- Anh cần xẻng làm gì?
Ba Hiếm gắt:
- Làm gì kệ cha tôi. Tôi chúa ghét những đứa tò mò.
- Em họ của anh, đâu phải là người lạ mà anh sợ.
- Tụi nó khó tính lắm.
- Em biết tính anh mà... Anh Ba... anh mắc kẹt hả, để em giúp cho.
Ba Hiếm khựng người:
- Đồ con gái bép sép. Tụi nó nghe thấy thì mày chết nhăn răng.
Má Sáu kéo vạt áo bắt Mỹ Dung ngồi xuống bên. Nàng vội nín khe. Má Sáu hỏi con trai giọng âu yếm:
- Con đói không? Má làm gà con ăn nhé?
Chín Thẹo vừa từ nhà sau đi tới. Hắn nghe được đề nghị thơm ngon của má Sáu. Hắn nuốt nước miếng ừng ực:
- Được má cho ăn cơm, lại là cơm gà nữa thì nhất rồi. Bọn tôi mệt thấy mồ... muốn đớp ngay rồi còn đi ngủ. Phải chờ lâu không má?
- Độ nửa giờ thôi. Con Dung nấu nướng thật mau mà cũng thật giỏi. Má có con gà mái tơ béo lắm. Để má bảo nó làm. Cháu đi mưa dễ bị cảm, má có chai rượu thuốc, cháu uống nhé.
Ba Hiếm nói:
- Thôi má. Rượu thuốc của má để giành má uống. Má đau tê thấp, má cần rượu thuốc, tụi con khỏe như vâm, vả lại... tụi con còn phải làm nhiều việc, say sưa bất tiện...
Chín Thẹo cười ha hả:
- Con nít như mày không nên uống rượu là đúng. Còn tao... tao phải nhậu.
Ba Hiếm luồn bàn tay vào trong áo:
- Mày nói lại nghe coi.
Chín Thẹo vẫn giữ nguyên thái độ ngạo mạn cố hữu:
- Đấm đá nhau để tranh hơn thua mới đáng mặt anh hào, chứ chơi súng với người tay không thì quá hèn.
- Được, tao không thèm dùng súng. Mày thủ thế đi.
Cuộc ẩu đả sắp diễn ra thì Tư xâm mình quát lanh lảnh:
- Tụi mày có chịu im đi không? Hay là đợi tao giảng hòa?
Té ra Tư xâm mình là xếp lớn. Bộ mã hắn không lấy gì làm đồ sộ để Ba Hiếm và Chín Thẹo phải khuất phục, tuy nhiên tròng mắt lạnh như băng và những ngón tay vuông, sù sì của hắn cho thấy hắn là kẻ chuyên giết chóc. Hắn đến bên Ba Hiếm giọng khô khan:
- Đưa cho tao.
Ba Hiếm lùi một bước:
- Vật hộ thân của tôi, anh phải cho tôi đeo luôn trong mình.
Tư xâm mình chìa bàn tay sát nhân ra:
- Mày chẳng lạ gì tính tao. Tao chỉ nói một lời. Mày muốn húp cháo thì bảo.
Ba Hiếm riu ríu rút khẩu súng giấu dưới nách, trao cho Tư xâm mình. Tư chỉ Chín Thẹo:
- Mày đào lỗ. Thằng Hiếm lôi ra và lấp đất.
Rồi nói với Mỹ Dung:
- Cô em lo cơm rượu. Phải thật lẹ mới được. Bọn tôi sẽ đi ngủ sớm, không phiền nhiễu bà và cô em thêm nữa đâu.
Tư xâm mình ban lệnh dõng dạc như ông tướng trước ba quân. Ba Hiếm và Chín Thẹo tuân lệnh răm rắp mặc dầu vẻ mặt sa sầm, chứng tỏ sự bất đồng ý.
Chờ ba gã đàn ông túa ra vườn má Sáu mới ra hiệu cho Dung lại gần:
- 4 đứa, không phải 3. Chắc chúng nó đào huyệt chôn đứa bị thương nặng vừa chết.
- Anh Ba có chân trong đảng cướp, cô ơi.
- Cô biết.
- Anh Ba là tên cướp nhà băng huýt sáo miệng.
- Tại sao cháu biết?
- Cháu vừa nghe xong. Đây nè... Anh Ba đang huýt bài «Con thuyền không bến».
Ba Hiếm lui cui với một cái gói nặng ở hiên sau, tiếng huýt sáo chói tai của hắn xé toang màn khuya. Hắn chỉ huýt sáo hai câu mở đầu:
Đêm qua thu sang cùng heo may
Đêm qua sương lam mờ trong mây...
- Cô ơi!
Mỹ Duug lập bập không ra hơi. Má Sáu xiết bàn tay giá lánh vì sợ của cô cháu gái:
- Để cô tính. Cháu xuống bếр đi.
- Cô đừng cho họ nhậu nhẹt nữa.
- Cô biết.
- Biết gì... hả cô?
- Biết thằng Chín Thẹo nó dám làm ẩu với cháu.
- Trời, cô không nhìn thấy, làm sao cô phân biệt được ai là Chín Thẹo. Làm sao cô đoán nổi ý định đốn mạt của nó?
- Bằng mùi bồ hôi. Thằng Chín Thẹo hôi nách không thể tả. Cô đã nghe cách thở của nó. Đàn ông thở nhanh, thở chậm dễ nghe lắm, cháu ơi! Nó là đứa thô lỗ, bừa bãi, đêm nay chắc nó không tha cháu, nhưng cháu đừng ngại... Kìa... thằng đầu đảng sắp lên.
Mỹ Dung chạy vọt ra hàng hiên tối om. Trong gian nhà rộng chỉ còn một mình má Sáu. Dưới ánh đèo ốm о tóc bạc сủа má bạc thêm, những nếp hằn của má hằn thêm trên gương mặt bị tháng năm tàn phá ác liệt. Cặp mắt của má vẫn nhìn thẳng vào một chấm nhỏ vô hình trong không gian mù mịt.
Đầu đảng Tư xâm mình rón rén đứng lại, thò cổ vào nhìn má Sáu. Thấy má ngồi yên, hắn cười nửa miệng, rón rén quay di. Hắn đinh ninh hắn nhìn thấy má Sáu và má Sáu không nhìn thấy hắn.
Hắn lầm.
Người mù có thể nhìn thấy bằng tai, bằng mũi và bằng giác quan thứ sáu.
III
Bữa cơm gà được dọn ra, nóng hổi và béo ngậy. Ba gã đàn ông xúm lại ăn ngấu nghiến một hơi hết sạch. Chai rượu thuốc bìm-bịp đầy ắp, non một lít, cạn rặc đến giọt cuối cùng. Chín Thẹo liếm mép, ra chiều luyến tiếc, Mỹ Dung khui luôn vò rượu đế nguyên chất được nàng cất trữ để ngâm thuốc cho má Sáu. Họ say khướt mồng tơi, rượu vào lời ra, đến khi Ba Hiếm cà khịa với Chín Thẹo, sắp sửa đánh nhau, Tư xâm mình mới đẩy vò rượu vào góc nhà, ra hiệu giải tán.
Họ kéo nhau xuống nhà đi ngủ. Chín Thẹo kiếm cớ khiêu khích Ba Hiếm. Lần này tên đầu đảng can không nổi vì Chín Thẹo ngang nhiên ôm Mỹ Dung hôn. Chín Thẹo lực lưỡng hơn Ba Hiếm, hắn lại am tường nhiều ngón nghề dũng mãnh, ngược lại, ba Hiếm có lối đánh đỡ liều mạng, bất chấp thương tích. Dường như hắn căm thù Chín Thẹo từ lâu mà chưa có dịp trừng trị. Hắn tấn công bằng tay chân đã đành, hắn còn tấn công cả bằng miệng lẫn mắt nữa. Miệng hắn chửi rủa, mắt hắn đỏ ngầu như máu, chỉ nhìn hắn cũng đủ hồn phi phách tán.
Chín Thẹo còn tỉnh táo nên đọc thấy tư tưởng giết người trong mắt Ba Hiếm. Chín Thẹo thối lui quá muộn. Ba Hiếm chộp được vỏ chai rượu, phang xuống đỉnh đầu đối phương. Chai rượu bị tiện làm hai khúc, miễng nhọn tua tủa. Ba Hiếm thọc những miễng nhọn vào mắt Chín Thẹo. Nạn nhân rú một tiếng kinh hồn rồi té nhào, máu phun như suối.
Tư xâm mình xấn đến, giựt khúc vỏ chai khỏi tay hắn ném vụt ra sân. Đoạn cúi xuống, xem xét vết thương của nạn nhân. Trong khi ấy Ba Hiếm ngồi ôm mặt, khóc rưng rức. Má Sáu xây ra cửa, thân hình bất động như thể những việc xảy ra không liên hệ đến má.
Chín Thẹo còn thoi thóp. Tư xâm mình thở dài:
- Không khéo nó chết mất.
Mỹ Dung nhanh nhẩu:
- Gần đây có ông báс sĩ. Đêm nào ông ta cũng câu tôm. Sẵn xe các anh chở em tới. Em mời là ông ta đi liền, ông ta rất tốt.
Tư xâm mình chắt lưỡi:
- Kêu được bác sĩ thì hắn hết thở.
Mỹ Dung nói:
- Anh Chín chỉ mất máu chứ có sao đâu.
Tư xâm mình quai miệng, gắt gỏng:
- Cô em lắm lời. Chuyện tôi, tôi lo.
Hắn khoèo chân Ba Hiếm:
- Đừng thút thít như đàn bà con gái nữa. Đứng lên! Giúp tao một tay.
Hai người lễ mễ khiêng Chín Thẹo ra ngoài. Nạn nhân bỗng rên một tiếng lớn. Mỹ Dung reo lên:
- A, anh ấy còn sống.
Tiếng nói nho nhỏ của Chín Thẹo từ giàn mướp sau nhà vọng vào:
- Đau lắm, anh Tư ơi!
Tiếng Tư xâm mình:
- Ngậm cái miệng. Để tao lo cho.
- Khổ quá, anh Tư, hình như thằng Ba đang đào đất.
- Tao đã bảo ngậm cái miệng, mày muốn kêu ông cò hả?
- Em đâu dám. Anh thương em với. Em chỉ bị thương nhẹ nơi mặt, anh băng bó cho em.
- Lát nữa, băng bó.
- Băng bó tại sao lại khiêng em rа vườn, vứt chỏng queo trên đất?
Tư xâm mình không đáp. Nạn nhân lại năn nỉ:
- Em là tay sai trung thành và ngoan ngoãn của anh, từ lâu... giết em làm gì tội nghiệp, anh ơi!
Bụp một tiếng ngắn. Rồi tiếng người giẫy đành đạch. Bị rặng cây um tùm và bóng đen che khuất, Mỹ Dung không nhìn thấy gì. Dựa vào âm thanh nàng biết chắc nạn nhân vừa bị Tư xâm mình hạ sát. Chắc Tư xâm mình chém cạnh bàn tay vào cuống họng nạn nhân. Chín Thẹo quẫy mình rồi duỗi thẳng đơ. Tắt thở. Tắt thở thật sự.
Một cơn gió thồi ập vào chỗ Mỹ Dung đứng. Nàng run cầm cập. Má Sáu nói, giọng điềm tĩnh một cách khác thường:
- Tắt đèn đi cháu.
Mỹ Dung giựt mình:
- Cô ơi, anh Chín Thẹo chưa chết mà bị đánh chết đem chôn.
- Ừ, cô biết rồi. Cháu tắt đèn đi. Cô cháu mình cần ngủ một lát.
- Cháu không ngủ nổi.
Tuy phản đối, nàng vẫn tắt đèn trèo lên giường, nằm xích gần má Sáu. Trời tối đến nỗi má Sáu chỉ cách nàng một gang tay mà nàng không thấy mặt. Mỗi đêm hai cô cháu thường trò truyện tầm phào thật lâu trước khi ngủ. Đêm nay cô nàng hoàn toàn kín miệng. Nàng có ấn tượng má Sáu đang sửa soạn một cái gì quan trọng. Nàng kêu nhỏ:
- Cô ngủ chưa?
Má Sáu không trả lời. Mỹ Dung biết má còn thức. Má vốn khó ngủ. Trằn trọc hàng giờ là thường. Sự im lặng của má Sáu là cách bảo ngầm nàng nên im lặng.
Ban đêm trôi qua từ từ. Mỹ Dung bâng khuâng nghĩ đến cuộc sống lứa đôi long đong của nàng. Nàng nhớ lại dĩ vãng êm đềm, nàng thường chạy nhảy chơi đùa với Hiếm, hai đứa có họ xa mà chúng bạn cứ bắt làm vợ chồng. Hiếm dễ thương đáo để, ai cũng tưởng lớn lên Hiếm có công ăn việc làm đàng hoàng. Hiếm cưới vợ hiền, Hiếm có đàn con ngoan, Hiếm khỏi cần lo lắng vì ruộng sẵn vườn sẵn, má Sáu lại giành được khá nhiều tiền, chẳng ngờ Hiếm đi hoang, không vợ, không con, không nghề nghiệp, không tương lai, để giờ đây thành tên tướng cướp nhún tay vào máu...
Nước mắt chảy ướt cái gối bông dầy của nàng. Nếu má Sáu không nằm bên nàng đã khóc òa. Giẫy nhà sau cũng chìm trong bóng tối quạnh quẽ. Tư xâm mình và ba Hiếm đã đi ngủ. Dầu sao liên tưởng tới ba Hiếm, lòng nàng cũng trào dâng một niềm hãnh diện vô tận. Tuy thay đổi hoàn toàn, Hiểm vẫn còn giữ lại tính can đảm, và sự biệt nhỡn đối vời nàng. Hồi nhỏ, Hiếm không ngần ngại đánh nhau với những đứa lớn tuổi và lớn con hơn để bênh vực nàng. Có lần Hiếm dám «so găng» với đứa nặng gấp đôi, và khỏe như vâm. Đêm nay Hiếm giết Chín Thẹo vì hắn làm nhục nàng. Nàng phải tìm cách giúp Hiếm mới được...
Má Sáu cựa mình. Mỹ Dung nín hơi thở. Má Sáu lay nhẹ nàng, giọng nhỏ đủ nghe:
- Cháu dậy cô nhờ cái này.
Nàng biết má Sáu kiểm soát xem nàng ngủ hay thức chứ không thật tình kêu nàng dậy. Vì thế nàng không đổi thế nằm, mặt vẫn quay vào vách. Má Sáu gọi thêm lần nữa, nàng tiếp tục giả vờ ngủ.
Má Sáu chống tay, ngồi dây thật nhẹ. Giường nằm bằng phiến gỗ dầy, má lại thận trọng nên không gây tiếng động, má khua chân đất tìm giép. Tuy mù má xê dịch nhanh nhẹn như người sáng. Má thuộc lòng từng nơi cao thấp trong nhà, từng vị trí của bàn ghế, nồi niêu. Ra vườn má có thể chạy không sợ vấp. Má đứng trên thềm nhìn về hướng mặt trời đoán giờ ít khi sai. Dường như mỗi giờ mặt trời có một lằn sáng khác, cặp mắt khiếm thị của má có khả năng phân tích được lằn sáng ấy.
Má Sáu kéo trốt cửa, từ từ lách ra hàng hiên. Má đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt? Bàng hoàng, Mỹ Dung bước theo. Má Sáu vịn cái cột gỗ tròn ở cuối hiên để định hướng rồi băng qua sân đến rặng cây sầu riêng xum xuê. Rồi má men theo lối đi đầy cỏ ra cổng. Trước cổng là con đường gập ghềnh ổ gà. Thẳng luôn một lèo đụng đường cái Vũng Tàu.
Mưa tạnh từ nãy. Vành trăng lưỡi liềm nhợt nhạt nhô khỏi ngọn tre. Những tia trăng lạc lõng này đủ sáng cho Mỹ Dung bao quát được cảnh vật. Thế nhưng dưới mắt má Sáu trăng sáng cũng như không. Vũ trụ quanh mình má là một khối đen bất khả xâm phạm. Dầu quen đường, má Sáu khó tránh được những chướng ngại bất ngờ. Má đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt?
Mỹ Dung vụt tìm ra giải đáp. Hốt hoảng nàng nhảy qua gò đất cao để đón đường má Sáu.
Nghe tiếng động, má thụp xuống. Mỹ Dung đằng hắng:
- Tội nghiệp cô, sao cô không sai cháu?
Má Sáu chỉ hơi sửng sốt. Má chìa bàn tay răn reo cho nàng nắm, giọng não nuột:
- Từ nhà ta đến đó đường thẳng lại không xa mấy, cô không muốn phiền cháu.
«Đến đó» nghĩa là đến cái trại nhỏ, xinh xắn đầy đủ tiện nghi của ông bác sĩ. Ông mở phòng mạch ở Saigon, thân chủ đuổi đi không hết vì ông chữa bệnh rất mát tay. Cách đây 5 năm, ông tậu cái trại nhỏ này để nghỉ dưỡng sức những ngày cuối tuần. Ông đau tim đột ngột, thành ra nghỉ xả hơi được đổi ra nghỉ dài hạn. Ông sống thường trực trong trại, ngày ngủ, đêm thức, thú thượng đẳng của ông là ban đêm câu tôm. Ông thường đến thăm má Sáu. Trong đường kính 2 cây số không có dân cư, ông bác sĩ câu tôm là xóm giềng gần gũi và duy nhất của má Sáu. Má không biết tên ông mặc dầu hai bên đi lại rất thân tình.
- Cô muốn nhờ ông bác sĩ trình báo cảnh sát?
- Ừ, cháu đã đọc được ý nghĩ của cô. Ông bác sĩ có xe hơi riêng, con trai của ông vừa từ Sàigòn xuống thăm, họ có thể giúp mình.
- Cháu đến nhà ông bác sĩ cho. Cô về nghĩ. Nhiều sương muối lắm, cô ơi. Đến mai chắc chán cô sẽ đau tê thấp lại.
- Cô còn thiết gì thân cô nữa. Thằng Tư xâm mình đang say rượụ, con đi thật nhanh mới kịp...
- Cô sợ?
- Ừ... cô có cảm tưởng thằng ba Hiếm bị lôi kéo vào vòng trộm cướp chứ bản chất nó không đốn mạt đến thế... Chúng nó đánh cướp nhà băng, tất có nhiều tiền. Hai đứa đã chết, thằng Tư xâm mình sẽ giết nốt thằng Hiếm... Cháu hiểu rõ chưa?
- Dạ, hiểu rõ. Cháu xin đi thật nhanh.
Má Sáu ngước mặt về hướng có rặng núi dật dờ trong sương đêm pha ánh trăng hạ tuần bàng bạc. Hướng này là nơi có cái trại nhỏ của ông bác sĩ câu tôm. Tiếng chân của Mỹ Dung nhòa hẳn, má Sáu mới lặng lẽ quay vào nhà. Vừa mò mẫm đặt chân lên hàng hiên, má đánh hơi thấy ngay nguy hiểm. Nguy hiểm của án mạng...
IV
Khứu giác má Sáu vừa khám phá ra một mùi lạ. Mùi của người sống.
Má Sáu lùi sát tường, nghe ngóng. Rồi má cười mỉm một mình. Bóng đen đang quanh quẩn đâu đây không phải người lạ. Mùi của bóng đen quá quen thuộc. Quá thương yêu. Mặc dầu mùi án mạng thoang thoảng trong không khí, má cảm thấy yên tâm hơn.
Má chờ một lát rồi kêu nhỏ:
- Con hả, Hiếm hả?
Hiếm - phải, bóng đen ẩn núp ở góc nhà là ba Hiếm - bước lại:
- Vâng, con đây.
- Con không ngủ?
- Không. Cũng thức như má.
- Thằng Tư?
- Nó ngủ say như chết.
- Con có điều này cần hỏi má. Tại sao má làm thế?
- Làm thế nghĩa là...
- Nghĩa là tại sao má dặn Mỹ Dung pha nước trà hột vào rượu bìm-bịp cho con uống?
- Con vốn uống ít. Hồi ở nhà con chỉ uống một chai la-ve nhỏ là đỏ mặt tía tai, cho nên... Ba ơi, con băn khoăn vì chuyện rượu làm gì? Con lại với má đi... Ba Hiếm ôm má Sáu. Trong vòng tay yếu ốm của má bỗng nhiên hắn nhỏ bé hẳn, như thể hắn còn là đứa trẻ 10 tuổi thích làm nũng. Má sờ soạng tóc hắn, mặt hắn, vai hắn, trước khi bật thốt:
- Con khác xưa quá đi.
Ba Hiếm đáp:
- Dĩ nhiên, lớn phải khác.
- Lớn tuổi thì tăng bề cao và bề ngang, làm sao thay đổi được mặt mũi. Hồi ở nhà con không có thẹo, giờ đây...
- Má… nhà cửa không có, vợ con không có, con sống lênh đênh, thành ra...
- Má chỉ hỏi về cái thẹo dưới tai con. Ai chém con?
- Một thằng bạn. Cãi cọ lăng nhăng gì đó.
- Chứ không phải con làm nghề đâm thuê chém mướn!
- Bậy nè. Con có công việc đàng hoàng.
- Công việc xông vào nhà băng, bắn chết người, cướp tiền bỏ trốn.
- Chu choa, ai khai với má?
- Nhựt trình.
- Làm báo nói láo ăn tiền, má ơi.
- Quần áo con dính máu. Nhiều vết máu.
- Chắc máu văng hồi nãy...
- Đây là vết máu cũ. Từ hôm qua... Con không giấu má được đâu. Má ngửi sơ là biết. Hôm qua con giết mấy người cả thảy?
- Không giết ai.
- Con phải nói thật.
- Giấu diếm má làm gì. Con quơ tiền, nhét vào bao bố. Thằng Tư xâm mình và thằng Tám Sốt-rét lo việc bắn giết.
- Thằng Tám nào?
- Nó cùng đánh nhà băng với tụi con. Con vừa đào huyệt chôn nó sau nhà, má quên ư? Tụi con xui xẻo đụng phải tốp lính tuần cảnh, bình tĩnh trình giấy xe thì không sao, vì họ chỉ tìm xe ăn cắp, họ không hỏi căn cước, thằng Chín Thẹo lái, thằng Tám Sốt-rét ngồi bên, con và thằng Tư xâm mình ở phía sau. Thằng Tám luýnh quýnh để rớt khẩu súng, họ bèn nã đạn. Tụi con chạy thoát, thằng Tám bị thương. Kể ra có thể cứu nó sống song Tư xâm mình bắt phải thịt nó. Trên đường đào tẩu, một đứa bị thương là điều rất phiền. Vấn đề chia tiền cũng lôi thôi không kém. Thằng Tám Sốt-rét đòi những một triệu bạc...
- Cướp được bao nhiêu?
- Khoảng 5 triệu. Tư xâm mình là xếp lớn được phân nửa, nghĩa là 2 triệu rưỡi, Chín Thẹo một triệu, thằng Tám chỉ được quyền nhận 500 ngàn...
- Nè Hiếm, con bị phạt tù mấy lần?
- 4 lần ra tòa, 4 lần ngồi tù. Loạng quạng mỗi lần mấy tháng rồi ra. Chưa lần nào bắn súng đì đùng như lần này.
- Con hối hận không?
- Cũng chẳng biết nữa.
- Con trốn đi đâu?
- Chưa định. Đến đâu hay đến đó.
- Hiếm ơi, con nên nghe má... hay ho gì cái nghề ăn cướp, giết người! Con nên quay lại làm ăn lương thiện.
- Muộn rồi.
- Chưa muộn.
- Nếu con muốn hối cải, người ta cũng không tha.
- Con không giết ai, con chỉ ngồi tù là cùng.
- Ngồi tù chán muốn chết. Hôm nay con dẫn tụi bạn về đây là có mục đích. Trước là để kiếm chỗ trốn tạm. Thứ hai, thăm má và chào má. Chuyến ăn hàng này là chuyến cuối cùng trong đời con. Trong đời lêu bêu, hư hỏng của con. Má đừng tưởng con không biết ân hận... Nếu cảnh sát không tóm được con, con sẽ bỏ xứ mà đi. Đi thẳng một lèo. Con sẽ làm phu làm phen, làm bất сứ công việc gì ở nước ngoài để sống, và xin thề với má, con nhất quyết không ăn trộm, ău cướp nữa. Má bằng lòng chưa?
Má Sáu cười, nụ cười thỏa mãn của má bị méo sệch vì hàm răng trên đã rụng non nửa. Trong nụ cười của má thấy rõ sự tội nghiệp. Người sắt đá đến mấy bắt chợt nụ cười ấy cũng phải bồi hồi xúc động.
Má Sáu không vui được lâu vì da thịt Ba Hiếm đột nhiên lạnh ngắt. Hiếm lảo đảo vịn mép bàn:
- Con ngạt thở, má ơi!
Ba Hiếm mang bệnh xuyễn từ bé. Bệnh xuyễn kinh niên. Cha truyền con nối. Bệnh xuyễn là bệnh của giòng họ má Sáu truyền lại. Chỉ truyền lại cho con trai. Cha của má bị xuyễn. Ông của má bị xuyễn. Thằng Hiếm mới biết đi chập chững đã bị xuyễn. Bệnh xuyễn thường tiếp theo sự thay đổi thời tiết, đang nóng trở lạnh, hoặc đang nắng qua mưa. Đối với Hiếm, nó lại đến bất thình lình.
Thông thường, cơn xuyễn được báo hiệu bằng nhiều triệu chứng như hắt hơi liên miên, chảy nước mũi, ợ, nấc, nhức đầu, trước khi nặng ngực, thở hổn hển, mặt tái mét, bồ hôi đầm đìa. Cơn xuyễn kéo dài một đêm hoặc trong nhiều ngày. Rồi ngưng. Rồi tái tục.
Đối với Hiếm, bệnh xuyễn ẩn hiện như ma. Thốt nhiên, hắn có cảm giác cuống họng bị chặn cứng, buồng phổi bị chèn ép. Hắn ngã ngồi. Bất động. Tuy tỉnh hắn không cử động được trong nhiều phút.
Cơn xuyễn ác ôn xô Hiếm xuống nền nhà và hắn biến thành khối đá giữa lúc cần cử động, cần linh hoạt hơn bao giờ hết. Nước mắt tuôn trào, hắn ngó má Sáu. Trước kia, mỗi khi lên cơn người ta chích mũi thuốc dưới da, hắn thở lại được liền. Việc chích thuốc phải có y tá một bên, lại mất thời giờ luộc kim sát trùng nhiêu khê nên má Sáu quay ra thuốc nam, một ông lang già bào chế sẵn những ống thuốc ngửi khá công hiệu. Ba Hiếm bỏ ra tỉnh, những ống thuốc quý báu này còn được má Sáu cất giữ khá chu đáo.
Má cuống quýt lục trong cái tráp đựng trầu:
- Thuốc ngửi đây con.
Thuốc ngửi sẽ giúp hắn rút ngắn sự hành hạ của cơn xuyễn, nhưng hắn vẫn phải nghỉ ngơi, chưa thể cử động mạnh. Má Sáu ghé tai con, giọng tha thiết:
- Số tiền 5 triệu con cất ở đâu?
Hiếm đáp một cách khó nhọc:
- Thằng Tư, không phải con cất.
- Nó gối đầu?
- Vâng, má tài quá. Nó cuộn tròn, tọng vào túi vải để gối đầu.
- Súng của nó?
Giắt ở lưng. Nhưng má hỏi tiền, hỏi súng làm gì? Mả lấy lại hả? Không được đâu, má ơi. Thằng Tư là con sâu rượu, nó chỉ say lơ mơ thôi, nó ngủ rất tỉnh, đụng khẽ là nó dậy, bàn tay nó luôn luôn đặt trên bụng, nắm chặt khẩu súng. Mắt má không nhìn thấy...
- Con đừng lo. Nó uống rượu bìm-bịp trộn mật ong, người ta chỉ uống góc ly đã say mèm huống hồ nó khiêng cả góc chai. Mắt má không nhìn thấy song mũi má thính, má lại biết bắn súng, con quên ư?
Ba Hiếm không quên. Trong những năm kháng chiến, má phải tháo súng lau chùi, dần dà má tập lảy cò, má chưa thành thiện xạ nhưng không đến nỗi bết bát. Nếu cướp được súng của Tư xâm mình má có thể làm hắn thất điên bát đảo, tuy má khiếm thị hoàn toàn.
Ba Hiếm vẫn lo ngại. Má Sáu đã già, gân cốt chùng giãn, thằng Tư là con hổ giữa thời kỳ sung sức.
- Để con đi với má.
Ba Hiếm chỉ nói đước dứt câu thì tuột tay khỏi mép bàn, nơi hắn bíu chặt từ nãy. Hắn rớt ạch xuống nền nhà lần nữa.
Chẳng nói chẳng rằng má Sáu lao mình vào đêm tối. Đi ngoài ruộng má không sợ té, phương chi má đi trong nhà. Sự khiếm thị làm cho 20 sợi dây thần kinh khứu giác của hốc mũi bén nhậy tối đa. Trong loáng mắt, má đến giẫy nhà sau. Tư xâm mình đang ngủ, má nghe rõ nhịp thở của hắn. Đây là căn ở đầu hiên, thoáng hơi vì trổ nhiều cửa. Gió khuya thổi qua vườn chuối kêu kẽo kẹt. Má Sáu bỗng có cảm tưởng nhìn được những buồng chuối vàng nặng chĩu đong đưa trước gió. Loại chuối cau này tỏa mùi thơm độc đáo, ban đêm nằm ngửi mùi thơm của nó là mắt ríu lại.
Má Sáu lại có cảm tưởng nhìn được ổ rơm ở góc nhà. Tư xâm mình đang ngủ ở đó. Căn nhà hơi chật, chỉ xếp vừa hai bộ ván gõ và cái bàn thờ bằng cẩm lai khảm xà cừ. Thằng Hiếm thua bài cào liểng xiểng tự quyền chở đồ đạc trong phòng đi gán nợ. Từ nhiều năm nay, căn phòng trống hốc trống hác. Giơi và chim sẽ rủ nhau làm tổ. Bọn mối hỗn xược cũng đến lập trụ sở. Nhờ gỗ tốt bọn mối chỉ gậm nhấm sơ sài. Má Sáu định rưới xăng, đốt cháy họ hàng nhà mối nhiều lần, và lần nào má sửa soạn làm là lần ấy má lại kẹt công chuyện. Thời gian trôi qua...
Giòng hồi tưởng của má Sáu khựng lại vì tiếng ngáy của Tư xâm mình đổi khác. Hắn vừa đổi thế nằm. Hắn vừa đổi tiếng ngáy. Má Sáu ẩn trong góc nhà, theo dõi bằng mũi và tai sự việc đang xảy ra. Tư xâm mình càu nhàu một hồi rồi nhai nhóp nhép. À, ra hắn mơ ngủ... Trong chốc lát tiếng ngáy của hắn đều đặn lại như cũ.
Má Sáu kiên nhẫn chờ đợi. Tiếng côn trùng rỉ rả hòa lẫn tiếng tàu chuối kẽo kẹt thành một điệp khúc chảy bồ hôi lạnh. Má khom lưng, rón rén về phía ổ rơm. Bàn tay răn reo của má mò mẫm nhè nhẹ. Tư xâm mình nằm nghiêng, cái túi vải đầy ắp giấy bạc bị đầu và cổ hắn đè chặn lên trên. Khẩu súng trái khế mắc kẹt bên dưới.
Má Sáu bỏ ý định rút túi tiền. Ngủ say đến mấy hắn vẫn có thể tỉnh dậy. Má không dám thở. Má nín hơi lâu đến độ mặt má phừng phừng. Má luồn tay dưới gối. Tư xâm mình lại đổi thế nằm. Đổi tiếng ngáy. Rồi càu nhàu. Rồi nhai nhóp nhép. Tim má Sáu đứng dừng. Huyết quản má như đông cứng. Nhóp nhép xong, Từ xâm mình nhảy mũi. Rồi ho sù sụ như ông già lục tuần. Rõ lắm chuyện... Nếu không vì khẩu súng, má đã сốс vào đầu hắn một cái.
Sau cùng mọi việc cũng được hoàn tất êm ru. Khẩu súng trơn tru được kéo khỏi mặt rơm không quá vất vả như má Sáu dự tính. Nắm được, khẩu súng xong, má bước lùi...
Thì... ầm ầm... ầm ầm...
Điều má sợ nhất đã đến.
Thằng tướng cướp ác ôn tỉnh dậy, cử chỉ đầu tiên của hắn là quờ khẩu súng. Và hắn biết khẩu súng bị mất.
V
Những tiếng ầm ầm ban đêm không phải là chuyện lạ trong vùng. Suốt tháng, suốt năm gần như cả tuổi thơ của thằng Hiếm và tuổi xế chiều của má Sáu, những tiếng đại bác ầm ầm đã biến thành một phần cuộc sống. Má Sáu đã quá quen nên những khi đại bác nổ gần nhà má không cảm thấy điếc tai.
Đối với Tư xâm mình lại khác. Đối với hắn đó là trận động đất dữ dội. Hắn choàng tỉnh. Toàn thân hắn cứng lại như con tôm đông lạnh khi hắn khám phá ra sự thật phũ phàng. Khẩu súng tối cần của hắn đã biệt tích. Hắn không hoảng hốt như nhiều người khác. Nhiều năm lăn lộn trong nghề súng đạn đã tạo cho hắn một sự bình thản ghê rợn trước cơn nguy biến. Mỗi khi ngủ, hắn đều giấu khí giới dưới gối, vừa vặn trong tầm tay. Hắn đã kiểm soát lại hồi nãy: khẩu súng hộ thân quý báu vẫn ở chỗ cũ.
Giờ đây khẩu súng không còn nữa. Nghĩa là nó bị đánh cắp. Ai đánh cắp? Hỏi là đã trả lời. Tư xâm mình cuộn tròn, lăn khỏi nệm rơm. Hắn chờ đợi khẩu lệnh «giơ tay lên». Khẩu lệnh này chưa được phát ra, song hắn tin chắc kẻ thù đang lởn vởn đâu đây, kẻ thù đang chuẩn bị nhả đạn, một cách tàn bạo và chính xác...
Hắn không thấy gì hết vì trời tối thui. Hắn không nghe được gì hết vì má Sáu án binh bất động, hoàn toàn bất động. Tư xâm mình bò «hỏa-lực» ra cửa, lên nhà trên.
Má Sáu lùi lũi bước theo. Nếu má không mắc bệnh tê thấp, gân cốt không bị hư hỏng, má có thể chạy veo veo trong nhà. Dường như má có con mắt vô hình.
Thế mà má Sáu lại vấp té và gây tiếng động. Chẳng hiểu sao mà vấp té. Có lẽ má bị xúc động, khả năng của con mắt vô hình bị hạn hẹp tối đa.. Có lẽ đây là sự oái oăm đầy đau buồn của định mạng. Định mạng đã sắp xếp, dẫu má khôn ngoan, dẫu má thận trọng, dẫu má sáng suốt, trí lực bé nhỏ của má không thể trấn áp được sự an bài của định mạng.
Tư xâm mình nhận ngay ra kẻ thù của hắn là người thiếu phụ già mù lòa. Hắn không thèm lẩn trốn. Hắn đứng nghênh ngang trên ngưỡng cửa, tay chống nạnh, miệng cười gằn:
- Té ra mụ già khốn nạn!
Má Sáu nghe rõ câu nói hỗn xược của Tư xâm mình. Má giận sôi sùng sục. Tuy vậy má không ra mặt. Má ép mình vào cây cột, họng súng chĩa thẳng.
Tư xâm mình tiến một bước:
- Mụ già ơi, mụ xoáy khẩu súng giấu dưới gối hả? Còn cái túi đựng 5 triệu bạc sao mụ quên lấy nốt? Súng có đủ đạn, mụ lảy cò đi.
Má Sáu vẫn đứng nguyên vị, giọng má sắc như lưỡi dạo cạo:
- Mày đừng tưởng mụ già này không biết bắn. Hễ mày tiến nữa là tao nổ.
- Ha ha… mụ già hăm dọa...
Vừa nói hắn vừa bước lên. Bản tâm của hắn là lại thật gần để đoạt súng. Hắn không dè má Sáu đoán được thâm ý này. Hắn tiến thi má lùi. Má lia miệng súng: - Chết đừng oán mụ già, nghe không?
Xuyên qua ánh đêm mờ mờ, Tư xâm mình thấy cách cầm súng, cách hườm cò của má Sáu. Má không cù lần như hắn nghĩ. Hắn có thể trúng đạn nếu má lẩy cò. Hắn bèn xoay chuyển chiến thuật:
- Thì thôi, thằng Tư này chịu thua... Mụ già muốn chia chác hả? Đồng ý. Mụ và con của mụ một nửa...
- Không ai thèm chia chác với mày.
- Chê ít hả? Rõ rau nào sâu ấy. Hai mẹ con 3 triệu, còn Tư mỗ 2 triệu.
Má Sáu nín lặng. Tư xâm mình lải nhải:
- 3 triệu vẫn tiếp tục chê ít, hừ, tham gì tham lắm thế? Thôi, đề nghị chót, Tư mỗ chỉ lấy một triệu.
Hắn chỉ còn cách má Sáu 2 mét. Má tỏ ra thận trọng song hắn di chuyển thật lẹ và êm, đến khi má biết hắn gần cận thì đã muộn. Ngọn cước ác hiểm của tên tướng cướp trẻ tuổi sung sức được phóng ra. Bị trúng khớp xương đầu gối má Sáu ngã khuỵu, tiếp sau tiếng rắc khô khan... Má Sáu đau điếng, miệng thổ búng máu tươi. Tư xâm mình ào tới, dẫm chân lên bàn tay cầm súng của má. Má vẫn không chịu rời bỏ khẩu súng. Lại tiếng rắc khô khan. Hết xương đầu gối đến xương cườm tay gẫy làm đôi. Má Sáu nghiến răng bóp cò.
Đoàng...
Viên đạn không trúng mục phiêu. Tuy vậy Tư xâm miình cũng chột dạ. Hắn cấm đầu cắm cổ chạy ra vườn.
Ва Hiếm phóng tới, ngáng Tư xâm mình. Cả hai ngã chặn lên nhau, dưới giàn mướp nặng chĩu quả. Cơn xuyễn hung hãn đã tan biến như có phép màu. Đang rên khừ khừ, thân thể dán chặt xuống nền đất ướt át hắn nghe những mẫu đối thoại khiêu khích và xấc láo của Tư xâm mình. Tình thương mẹ là phép mầu làm hắn bình phục trong chớp mắt.
Trong chớp mắt ba Hiếm lấy lại sức khỏe, lao đầu qua khung cửa trống. Bình thường hắn sợ Tư xâm mình hơn cả chú lính ba gai sợ ông đội nghiêm khắc. Tư có vóc dáng đồ sộ hơn, võ nghệ cũng cừ khôi hơn, chưa kể tới những kinh nghiệm đấm đá và giết chóc. Riêng những kinh nghiệm này đủ giúp Tư xâm mình nắm chắc phần thắng ngay trước khi cuộc đấu khai mào...
Phép mầu đã mang lại cho ba Hiếm sự can đảm khác thường. Thằng Tư cưỡi trên bụng hắn, vung nắm tay to lớn, toan nện xuống miệng hắn. Tư xâm mình có thói quen đấm vỡ quai hàm đối phương. Thôi sơn của Tư xâm mình được coi là vô cùng ác liệt, anh em trong «băng» không ai dám trêu chọc hắn. Khi hắn nổi sùng thì nát miệng, méo mặt là cái chắc.
Kỳ lạ thay, nắm tay ác ôn của Tư xâm mình bỗng mất hẳn khả năng cố hữu. Ba Hiếm chặn lại, Tư xâm mình hụt đòn, chưa kịp chuyển thế thì bị hất ngã. Ba Hiếm đấm đá cực kỳ ác liệt làm Tư xâm mình tối tăm mặt mũi.
Má Sáu gượng đau lết ra vườn. Má lượm được khẩu súng hồi nãy, ve vẩy trên tay, sẵn sàng tham chiến. Má lớn tiếng với ba Hiếm:
- Con tránh ra để má bắn nó.
Ba Hiếm chộp vai Tư xâm mình quật xuống, giọng đắc thắng:
- Má khỏi lo. Con sắp hạ được nó. Con đang dộng đầu nó xuống gạch đây nè...
Thật vậy, cái đầu rối bù của Tư tướng cướp bị ép trong cánh tay nổi gân cuồn cuộn của Ba Hiếm, hắn vùng ra thì bị ba Hiếm dộng cùi trỏ, hắn rớt xuống góc sân lót gạch nung kêu cộp một tiếng. Rồi cứ thế đầu hắn bị nhấc lên nhồi xuống liên hồi. Tư xâm mình bật kêu «đau quá, đau quá, mày ơi...». Bạ Hiếm dồi mạnh thêm, nạn nhân lăn lông lốc trước khi nằm thẳng ro.
Ba Hiếm ung dung đứng dậy. Tiếng huýt sáo nghênh ngang quen thuộc lại phát ra:
Đêm qua thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ trong mây.
Má Sáu cười, hân hoan:
- Nó sụm rồi hả?
Ba Hiếm cười theo mẹ:
-Vâng, nó sụm rồi.
- Giết chết nó đi.
- Không nên, má...
- Nó còn sống, nó sẽ khai tội cho cọn.
- Ừ, má nói đúng. Để con... Nhưng kìa, nó đang bỏ chạy... Má chờ còn một lát, con rượt theo đâm nó một nhát, con có sẵn dao đây.
Tiếng chân người rầm rập. Lòng má Sáu vui rộn. Lát nữa, cơn ác mộng của má chấm dứt, thằng Hiếm sẽ quay lại con đường chính.
Liền khi ấy có tiếng xe hơi ngoài lũy tre. Không phải một mà là nhiều chiếc xe. Chắc là xe cảnh sát. Vì máy nổ lớn, tài xế phóng thật nhanh, và thắng quẹo thật gấp. Mỹ Dung đã báo tin với ông đốc-tưa câu tôm và lực lượng an ninh can thiệp kịp thời.
Chìm trong tiếng xe hơi là tiếng kêu rú tuyệt vọng của người bị đâm ngậm da thịt. má Sáu nghe rõ mồn một. Chỉ một tiếng kêu ngắn ngủi, ghê rợn rồi câm bặt.
Má Sáu vội kêu:
- Hiếm, Hiếm?
Thằng Hiếm đáp lại bằng tiếng huýt sáo hai câu mở đầu cùa bài ca trữ tình «Con thuyền không bến». Má Sáu giựt bắn người. Trước đó, má muốn thằng Hiếm đầu hàng, ra tòa lãnh án, đi tù. Nhưng má chợt nhớ lại tội trạng của nó. Quan tòa bỏ tù nó 5, 3 năm thì chẳng sao, má sẽ thăm nuôi nó thường xuyên. Biết đâu nó đã làm những việc quá tàn lệ, quan tòa muốn khoan hồng mà không khoan hồng nổi. Và biết đâu người ta không gán cho thằng Hiếm những tội trạng tày trời nó không phạm. Trời ơi, nó phải trốn... Trốn một thời gian rồi liệu...
Dường như thằng Hiếm đoán được ý định của má. Chẳng nói chẳng rằng nó chạy vào căn phòng có ổ rơm, khoác cái túi đựng 5 triệu bạc lên vai. Đoàn xe cảnh sát đậu xịch trước sân. Má Sáu nghe tiếng kêu của Mỹ Dung.
Thằng Hiếm huýt sáo tỉnh bơ. Má Sáu suỵt im rồi nói:
- Con chạy đi… Sau nhà, cạnh chuồng heo có con đường mương sâu lút đầu người, dài hơn cây số. Con chạy bên dưới, không ai thấy được. Cuối đường mương là vườn bác Cai, bác Cai có họ xa với má. Bác trai mới chết, bác gái ở nhà một mình, không có ai cả, thằng con của bác đi lính, để cái xe gắn máy lại, con mượn mà đi... thôi con đi đi... cảnh sát sắp ập vào nhà...
Ba Hiếm mất hút sau rừng chuối đen kịt. Mỹ Dung dẫn một toán cảnh sát viên mặc đồng phục chạy tới chỗ má Sáu đứng. Người chỉ huy hỏi má:
- Bọn cướp đâu rồi?
Má Sáu chỉ hướng đường cái, ngược với hướng đường mương:
- Nó rút về phía đó.
Mọi người rần rần chạy đi. Còn lại Mỹ Dung và má Sáu. Mỹ Dung ghé tai má, giọg run run:
- Thằng Tư?
Má Sáu đáp nhỏ:
- Bị ba Hiếm giết nằm ngoài vườn. Thằng Hiếm thóat rồi. Cháu ra đường mương thì gặp nó.
Mỹ Dung thở phào:
- May quá. Mấy ông cảnh sát cho cháu biết anh Hiếm rất nguy hiểm, hễ gặp là bắn chết, khỏi cần bắt sống.
Mỹ Dung băng qua giàn mướp. Nàng vấp phải xác chết nóng hổi. Nàng cúi xuống nhìn mặt. Nàng bật ra tiếng «ối chao». Như người điên nàng chạy ra chuồng heo, tuốt xuống đường mương. Chân nàng đang lửng lơ trên không thì một bóng đen đàn ông xồ tới, ôm cứng lấy nàng. Nàng chỉ kêu được tiếng «cứu, cứu» rồi nín.
Tiếng kêu trối trăn của nàng không được má Sáu nghe thấy. Vì má còn bận rũ cái chiếu lác phủ lên thi thể thằng Tư. Тốр cảnh sát đã quay lại, đèn bấm chói lòa. Người chỉ huy nói:
- A, thằng này còn trẻ... không phải thằng đầu đảng... đúng nó rồi... coi tên nó là gì...
Mả Sáu bàng hoàng đặt bàn tay lên mặt nạn nhân. Má tập trung thần trí để nhận diện xác chết duỗi dài trên đất.
Tiếng người báo cáo:
- Thằng này là Nguyễn Văn Hiếm...
Má Sáu bàng hoàng, ngẩng đôi mắt mù nhìn đám đông:
- Các ông lầm, nó không phải là Nguyễn Văn Hiếm, nó là thằng Tư xâm mình...
Viên chỉ huy cười đáp:
- Cụ biết làm sao bằng chúng tôi được. Giấy tờ của nạn nhân còn đây, nó là thằng chuyên huýt sáo miệng bài «Con thuyền không bến». Nó cướp của giết người như trò đùa. Nó chết thế này là may cho nó. Ra tòa chắc chắn nó bị tử hình.
Má Sáu lặng người. Sự đau khổ đến với má quá đột ngột, quá tàn bạo, khiến má không khóc được nữa. Đoàn cảnh sát viên chia nhau đuổi bắt Tư xâm mình. Phải kẻ nằm ngoài vườn là ba Hiếm. Thằng Tư áp dụng kinh nghiệm đâm chém đã lừa ba Hiếm, xỉa một dao chí tử. Sợ má Sáu nổ súng, thằng Tư giả làm ba Hiếm, huýt sáo miệng như thường lệ, và má Sáu đã lầm...
Dưới con mương lõng bõng nước bùn, Mỹ Dung vừa trút hơi thở cuối cùng. Bên xác chết Nguyễn Văn Hiếm má Sáu ngồi im như tượng đá. Má im như vậy rất lâu.
Gần nửa giờ sau, xe cảnh sát chạy vòng vào sân để bốc xác ba Hiếm thì má Sáu còn ngồi im như tượng đá ở đó. Hai tay má ôm chặt vết thương trên cổ nạn nhân. Nhân viên công lực vất vả lắm mới gỡ được tay má. Vì má đã chết. Chết vì tim ngừng đập.
Z.28 Gián Điệp Siêu Hình Z.28 Gián Điệp Siêu Hình - Người Thứ Tám Z.28 Gián Điệp Siêu Hình