Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Hồng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2021-01-03 10:48:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ừ ngày vợ chàng mất đi, Giang đã gián tiếp giải quyết được một thắc mắc: việc xuất hành năm mới. Bảo mất tính nay đã được bốn mùa xuân rồi, và cứ sáng tinh sương ngày mồng một đầu năm, Giang lên xe ra nghĩa trang thăm mộ Bảo. Việc đó đã thành ra một bổn phận có thể gọi là thiêng liêng, chữ "thiêng liêng" mà ít khi chàng dùng đến. Dù không phải là một người có óc dị đoan, - chứng cớ là bàn tay chàng chưa hề bị một ông thầy tướng nào cầm lấy để xem xét, đo và đoán - nhưng chàng vẫn ngại khi xuất hành trong cái buổi mai trang trọng bắt đầu cả một chuỗi ba trăm sáu mươi lăm ngày của một năm. Lòng tin của những người xung quanh đã ảnh hưởng đến chàng khá mạnh, thâm nhiễm vào chàng như một chứng bệnh ngoại cảm. Sự lo nghĩ vẩn vơ về những điềm, những triệu, những rủi may mà trước đây chàng dửng dưng không lưu tâm, từ ngày Bảo mất đi, đã đến ám ảnh chàng thường xuyên hơn những cơn ác mộng.
Bảo mất đi, cái tai họa lớn giáng xuống đời chàng, giáng xuống gia đình chàng khiến tâm hồn chàng xao xuyến mất tin tưởng. Và như một cơ thể yếu không đủ sức kháng cự với bệnh, tâm hồn bị lung lạc hoang mang đã dễ dàng lây phải chứng bệnh sợ sệt lo âu kia.
Xuất hành đầu năm! Quả thật trước đây chàng không hề băn khoăn nghĩ đến điều đó. Giả thử mà có một lần nào nghĩ đến và tìm một hướng để xuất hành thì chắc chắn cũng không ngoài ý định tinh nghịch. Chẳng hạn xuất hành sang phương Ðông để gặp núi, sang phương Tây để gặp sông, sang phương Nam để gặp giếng và sang phương Bắc thì mắc phải hàng rào. Nhưng nay tâm trí đã phải băn khoăn vì nỗi lo mới đó thì may thay hoàn cảnh lại tự đưa ra cách giải quyết: xuất hành đi thăm mộ là phải. Ở nơi đất khách quê người này, gia đình nhỏ của chàng chỉ có năm người, thế mà nay Bảo mất đi, vĩnh viễn ra nằm một mình lẻ loi ở nơi đầu núi, bỏ bốn cha con chàng hiu quạnh trong một căn nhà nhỏ mà mặc dù đã bốn năm qua, vẫn chưa cởi bỏ màu tang tóc. Nhưng tuy hiu quạnh, bốn cha con vẫn hủ hỉ bên cạnh nhau. Chỉ tội nghiệp cho Bảo. Suốt năm chàng ít có dịp ra thăm mộ. Công việc làm ăn bận rộn, việc nhà rối rắm một mình, chàng không mấy lúc thấy mình thảnh thơi thong thả. Ðến ngày đầu năm mọi việc xếp lại, mọi người yên vui trong gia đình, vậy đi thăm viếng vợ vào lúc này là một việc rất hợp lý. Từ xế chiều ngày mồng một trở về sau, chắc chắn là chàng sẽ bị quay cuồng vào nhịp sống của năm mới. Sự quay cuồng bắt đầu bằng những cuộc viếng thăm xã giao để được nối theo bằng những ngày đi làm liên tiếp, những nỗi lo lắng không ngừng.
- Ba phải chở thằng Hào đó, - tiếng con Hằng, con lớn của chàng.
- Ừ, để ba chở.
Thủy, con bé nhất phụng phịu:
- Không, ba chở con. Ðể chị Hằng chở anh Hào.
- Ai chở cũng được, miễn đi tới nơi thì thôi. Ba phải chở anh vì anh nặng hơn con. Chị Hằng chở, đạp không nổi.
- Nhưng anh Hào gầy...
Nói xong Thủy phá ra cười. Hào liếc nhanh Thủy mà đôi mày nhíu lại, vẻ nghiêm trang. Ý nó không vui vì bị phê bình là gầy, một sự thực mà nó không phản đối nhưng nó không muốn ai nhắc tới. Giang trải khăn ra bàn và đặt bình hoa ở giữa. Những hộp đựng mứt, kẹo bánh... xếp làm bốn hàng. Nửa bàn còn lại bị chiếm bởi những ly tách đủ loại. Chàng vừa xếp đặt vừa đợi ba đứa con sửa soạn ăn mặc. Xếp đặt đâu đó cho đầy đủ là cốt để khi thăm mộ về có khách tới ngay thì chàng cũng đã có đủ quà ở tiện tay để tiếp khách. Này là gói thuốc lá đặt vào đĩa trên có hộp diêm. Còn cái gạt tàn thuốc. Chàng gọi con Bốn, con nhỏ ở, chạy đi rửa cái gạt tàn thuốc đầy ứ những tro và mẩu thuốc lưu lại từ năm cũ. Ở xa lông cũng phải một lọ hoa nhỏ và thêm một đĩa hạt dưa. Mấy chai rượu đặt ở đầu tủ buffet như thế kia trông cũng được. Nhưng còn... Chàng vứa chợt nhớ vừa chạy vào phòng riêng mở toang mấy hộc bàn tìm cái khóa mở nút chai. Trong khi đó, mấy đứa con lần lượt chạm phải vấn đề:
- Ba ơi, trời nực thế này mà con Thủy khoác cả áo len vào. Con cởi ra nó không chịu.
Chàng vừa lục lọi ngăn kéo vừa nói lại:
- Kệ nó.
Tiếng Hằng cãi:
- Nhưng một lát nữa, nắng lên phải cởi áo len ra rồi bỏ đâu?
- Ừ, thôi cũng được.
Cái lối giải quyết ba phải này, lâu nay đã là lối giải quyết quen thuộc của chàng. Thật ra, khó có ai bình tâm để vừa nghĩ, vừa giải quyết đến ba, bốn việc một lượt, giải quyết minh bạch, gẫy gọn. Mà nào có ra việc cho cam. Biết thế nào Thủy cũng bất bình vì dự trù của Thủy bị bác đi, trông mong ba bào chữa cho thế mà cuối cùng ba lại "y án" với chị, chàng bước xuống phòng các con để tìm cách vỗ về Thủy. Nhưng tiếng giày vừa đến cửa thì Hào đã nhảy ra:
- Ba chải giùm tóc cho con đi.
Chàng chỉ xuống chân:
- Sao lại mang xăng đan thế kia? Mang giày vô.
Hào cau mặt:
- Nhưng đâu mất một chiếc tất.
- Hỏi con Bốn coi. Bốn ơi, tất của em để đâu?
Con Bốn đang thắt nơ cho Thủy, nghe hỏi đến bít tất bít tất, vội bỏ Thủy chạy lại mở va li. Trong khi đó, Hằng ra bấm bánh xe đạp rồi la lên:
- Bốn ơi, đêm qua mày lấy xe của tao đi chơi bị gai hay sao mà xẹp cả bánh trước thế này?
Thấy có chàng ở đó, Bốn sợ bị rầy nên vừa nhìn Hằng nháy mắt ra hiệu vừa lí nhí nói:
- Ðâu có. Ðêm qua tôi đâu có đi chơi. Xuống tiệm chị Minh Châu mua cái dây dừa cột gàu mà.
"Lúc nào cũng Minh Châu" chàng cười thầm. Con nhỏ này có một đặc tính là mê những cô bán hàng đẹp. Dù họ có bán đắt hơn những bà già xấu xí, nó vẫn nhào vô mua. Chẳng những đến mua mà thôi mà lúc ở nhà, trong mọi câu chuyện nó đều không quên nhắc đến những cô ấy. Chẳng hạn có đứa nào than rằng "năm nay trời mưa to" thì nó bảo "Cô Mỹ Lộc mới mua cái áo mưa ni lông màu hoa cà". Hỏi: "Sao mua thịt bò dai vậy?" thì nó nói: "Chị Thu Tâm bán hàng xén cũng la với con rằng sao độ rày người ta chỉ bán toàn những thịt bò dai". Và mỗi lần nói đến tên những cô đẹp mà nó ngưỡng mộ, giọng nói của nó không còn tự nhiên nữa. Không còn là cái giọng quê mùa của chính nó mà có pha một chút gì nũng nịu của giọng Huế, một chút gì ngọt ngào của giọng Sài gòn, đài các của Hà nội. Chàng nói:
- Ðồ đạc của em mỗi đứa mỗi ngăn sao còn để lộn xộn để mất công đi tìm?
Và chàng nói tiếp luôn vì lời lẽ dặn vừa rồi không có gì lạ đáng để nó phải suy gẫm và phát biểu ý kiến trở lại. Ðó là một câu chàng đã nhiều lần lặp lại, cũ và vô hại như một lời cám ơn.
- Dắt giùm cái xe ra cho tao. Tám giờ rồi.
Chàng cung tay nhìn đồng hồ và ngạc nhiên thấy rằng mình nói đúng. Tuy vậy, phải đến tám giờ mười phút mọi người mới sẵn sàng để lên xe. Chàng soát lại các cửa tủ, bỏ ví cẩn thận vào túi quần, khóa cửa phòng riêng, khóa cửa phòng khách. Nắn lại các túi để biết chắc chắn là không bỏ quên, không bỏ sót, chàng lên xe. Hằng chở Thủy đứng đợi ở cách xa chàng gần ba mươi thước. Hào ngồi sau lưng chàng. Khi hai xe khởi hành thì kim dài của chiếc đồng hồ tay đâm ngang giữa con số bốn.
Các phố hầu hết đóng cửa, thường chỉ mở hé một cánh cửa để ra vào. Nếu có nhà nào mở rộng cánh thì y như mắt chàng chạm phải một cành mai hoa vàng đứng trong một cái lọ độc bình sứ. Những cành mai rẻ tiền chỉ lác đác ít hoa và nhiều lá ở chót cành, trông khổ như cái đầu uốn tóc lâu ngày, chân tóc dài ra suôn đuột, đẩy lui phần uốn éo ra mãi tận chót cùng.
Thường, những cành mai như thế này phải nhờ những cành thiếp chúc Tết che lấp sự trống trải. Tiếp theo là những hộp mứt, hộp kẹo nằm đầy bàn, những cốc pha lê, tách sứ men bóng lộn. Chủ nhân thì chững chạc, nghiêm trang. Những cái vẻ hấp tấp hàng ngày bị đẩy lui vào bóng tối của đêm ba mươi. Ánh sáng của ngày mồng một như có năng lực mầu nhiệm làm huỡn đãi mọi cử chỉ vội vã, làm chững chạc mọi vẻ người lau nhau.
Xe chàng đi rất chậm, một phần vì phải đợi con, một phần vì những xe khác cứ từ những con đường ngang đâm bổ ra. Chàng đi kèm sát bên con vừa nhắc chừng, vừa ra lệnh:
- Con đi sát vào bờ lề một chút.
- Hễ có ô tô thì con đạp chậm lại để ba thêm "ga" chạy vọt lên.
- Coi chừng, con Thủy ngồi thẳng. Ðừng ngó nghiêng mà trẹo xe, mất thăng bằng.
Sự cởi mở của chàng mở đường cho con bi bô theo. Thủy nói:
- Ngồi ở đằng sau mỏi lắm nên con phải trở mình đó chớ.
- Thế mày tưởng phải đạp như tao là sướng chắc?
Hào đề nghị:
- Thôi Thủy qua đây ngồi với ba, tao qua ngồi với chị Hằng cho.
Câu nói vô tình mà phù hợp với ý nghĩ của Thủy. Nhưng Thủy vẫn giữ một giọng hờn dỗi:
- Anh Hào ngồi bên ba sướng hơn con
Vừa lúc ấy có tiếng còi ô tô thét lên quá gần khiến xe mấy cha con loạng choạng. Hai tay lái lại bám sát vào lề đường. Những cô bé cậu bé cứ mê mải nhìn xuống đôi giày đôi guốc mới của mình mà đi lọt ra giữa đường hồi nào không biết. Nhiều cô cậu khác cứ dán mắt vào quần áo mới của người qua đường mà rốt cuộc đi lộn hàng ngũ phải kêu réo nhau, chạy tìm nhau, tống cả vào xe. Các anh thanh niên, chị thiếu nữ đi từng đoàn, lây cái sức mạnh của sự đoàn kết và say sưa vì ý xuân, men xuân nên đi nghênh ngang một cách có ý thức, bất chấp mọi người.
Xe chàng đến cầu xóm Bống gặp đèn đỏ phải dừng lại. Thật rắc rối. Sống mãi ở Nha Trang, quen với sự đi lại tự do, nay gặp phải một ánh đèn đỏ khiến cơn giận vụt đến, mau như sự nhức nhối gây ra do một miếng đồ ăn cứng chạm phải cái răng sâu. Trước kia, hồi còn ở Sài Gòn, đèn xanh đèn đỏ đã thành một điển lệ khiến mỗi lần đi đến ngả tư là chàng cũng như mọi người phải chuẩn bị để nhẫn nại. Thời gian ở Nha Trang quả đã làm chàng hư nết đi. Mọi năm cứ sáng tinh sương chàng đi thăm mộ thật sớm rồi về thật sớm nên sự đi lại qua cầu tự do. Năm nay vì muốn cho con đi cùng mà thành phải đi trưa, phải bị ánh đèn xanh đỏ hạn chế tự do. Chàng dừng xe, cúi nhìn xuống đường nhựa để giận.
Những chiếc xe du lịch, xe đạp, xe ngựa, xe lôi, xe gắn máy nối đuôi nhau chạy ngược lại chàng. Chàng trả thù, không nhìn vào những chiếc xe du lịch. Chắc chắn ở trong đó có những bộ mặt hãnh diện nhìn ra - nhất là những bộ mặt đàn bà - làm bộ ngây thơ, nghiêm trang hay nhí nhảnh, nhưng tất cả đều cốt để người khác nhìn vào mà thèm muốn, mà thán phục, mà say mê. Muốn chọc giận họ hơn, mỗi lần nghe tiếng còi, chàng đưa mắt từ từ nhìn thẳng lên mui xe rồi lơ đãng nhìn ra bể. Ðể họ sung sướng hụt. Những ý nghĩ vẩ vơ nầy làm rơi cơn giận, khiến chàng hơi hơi vui nữa. Chàng quay sang nói chuyện với con:
- Cầu nầy gọi là cầu xóm Bống đây. Bống là tên của cái xóm chài lưới kia. Doi đất có nhiều nhà mà các con thấy đó là xóm Cồn. Còn phía nầy là cái đầm. Chợ Nha Trang còn gọi chợ Ðầm là vì vậy.
Thế còn dãy nhà nào cao ở chót núi kia ba? Thủy hỏi.
- Ðó là dãy nhà của mấy ông cha dòng Phan-xi-cô.
Hào vội vàng hỏi tranh:
- Người ta leo núi đi đâu mà nhiều thế kia hở ba?
- Người ta đi Tháp Bà đấy. Lên Tháp Bà để lễ.
- Lễ là cái gì?
- Là thắp hương rồi vái ông thần để xin cho được sức khỏe, mua may bán đắt.
Lời giải thích tuy có vẻ giản dị nhưng chắc Hào và Thủy không hiểu nổi. Nhất là nghĩa của chữ "vái". Hình như ở nhà chưa có lần nào chàng nói tiếng "vái" ấy mà cũng chưa hề có lần nào chàng làm cái việc vái. Nhưng sở dĩ chúng không hỏi thêm vì có nhiều người đứng ở bên cạnh. Và cũng chính vì lẽ đó chàng cũng thôi không giải thích nữa. Vừa lúc ấy đèn đổi màu, dãy xe cộ chuyển mình chảy như một dòng sông, bò tới đều đặn như một con cuốn chiếu. Bên kia đầu cầu, một dãy xe cộ và người nối đuôi chờ. Dãy này ngắn hơn: người ta đang bận đi, chưa về. Ðường lên Tháp Bà ở liền chân cầu. Bên những cái sạp mới dựng bán hương, đèn, những anh thợ ảnh chạy lăng xăng, những chú nhỏ lãnh giữ xe đạp mời khách ồn ào. Ði quá Tháp Bà, con đường quốc lộ trải nhựa láng và hẹp lại. Những căn nhà lợp lá, vách đất và nền đất vàng nằm dưới những tàng mít lá xanh mướt. Người đi cũng khá tấp nập. Thanh niên chỉ có sơ mi trắng. Nếu đeo ca vát thì hoặc quá ngắn hoặc quá dài, hoặc úp cong như một cái lá. Thiếu nữ thì áo thường một màu chớ không hoa hè như ở phía bên đầu cầu. Bàn chân đen và to nong vào những đôi guốc quá nhỏ. Những cái áo dài đen đập cũn cỡn trên đầu gối của mấy ông già. Hình như ở phía bên này có nhiều ông già hơn.
Lúc xe đi gần tới nghĩa trang, tự dưng tâm hồn chàng u tối lại như có một áng mây dài che kín bóng mặt trời đang le lói khiến bóng râm sa sầm xuống. Con đường này mới năm nào lần đầu tiên chàng bước đến là lúc đưa vợ chàng ra nằm vĩnh viễn nơi đây. Chàng mường tượng như còn thấy cái xe tang đứng dừng nơi này, thấy đoàn người đi đưa kéo dài như không muốn dứt. Ba đứa con, ba đứa con của chàng...
Tiếng Hằng hỏi:
- Dựng xe ở ngoài cổng hở ba?
- Ừ.
Chàng nghe tiếng mình như có hơi lạc đi.
Nghĩa trang nằm thoai thoải theo triền chân núi. Những ngôi mộ nằm xếp thành hàng ngay ngắn. Kiểu mộ gần giống nhau: một bờ thành đá tráng xi măng vuông vức, trước tô thành tấm bia. Lòng mộ đắp đất. Thỉnh thoảng mới có một ngôi mộ kiến trúc phức tạp hơn, có làm mái che, có đắp hình lân hình phụng, có bàn thờ, có câu đối. Giả đặt nằm thảnh thơi giữa một cảnh trí riêng biệt thì những ngôi mộ xa hoa này sẽ có đầy đủ giá trị mỹ thuật. Ðặt vào đây không hợp vì mỗi phần đất dành cho người quá cố không hơn hai thước bề ngang và nhất là bên cạnh đó có những ngôi mộ chỉ đắp sơ sài bằng sỏi. Rải rác có nhiều người xì xụp trước những ngôi mộ. Từng vòng khói hương bay cuộn trong nắng.
Hào tiến lên nhanh nhất đi về phía mộ má để tỏ ra là mình thạo. Bé Thủy lật đật chạy theo. Sự hăng hái của con khiến chàng đau xót. Con chàng nhỏ quá chưa biết ý nghĩa của sự chết, chưa cảm thấm thía cái buồn của việc đi thăm mộ, cúi xuống đọc tấm bia rồi vẫy tay gọi chàng:
- Ba ơi! Ðây mộ của má đây rồi.
Hằng đi bên chàng, nhẹ nhàng. Lúc đứng trước mộ, chàng im lặng nhìn những phiến đá lạnh. Lúc sống vợ chồng nào gặp nhau sau chừng một năm cách biệt cũng bắt đầu bằng cái nhìn im lặng như vậy mà biết bao nhiêu đầm ấm hẹn sau. Với chàng hôm nay thì lạnh lùng là thái độ vĩnh viễn. Chàng đặt tay lên phiến đá, tưởng tượng như đưa tay cầm bàn tay ấm áp của vợ xưa. Hằng rút trong một cái túi nhỏ cầm tay lấy ra một bó hương và bao diêm đưa cho chàng. Chàng lặng lẽ cầm lấy châm đốt. Ánh lửa bùng lên, khói hương tỏa ra, bị gió thổi bạt đi, không kịp trắng.
Chàng cúi đầu vùa thổi tắt ngọn lửa, vừ nghĩ thầm: "Em ơi, hôm nay anh đưa con đến mộ thăm em. Ba đứa con em giao lại cho anh đã lớn từng ấy đó". Nghĩ đến đây, chàng dừng lại lén đưa mắt nhìn sang ba con để chắc chắn độ lớn của mỗi đứa, như để ghi chặt vào tâm tư rằng ba đứa con đã lớn như vậy. Và chàng nghĩ tiếp "Một năm qua, anh không năng ghé lại đây thăm em, nhưng chắc em đã tha thứ vì em hiểu tính anh hơn ai hết ở trên đời này. Lòng anh và cử chỉ của anh nhiều khi mâu thuẫn nhau nhất là khi những cử chỉ ấy có tính chất hình thức, xã giao. Anh chưa quên em".
Ðó là một sự thật. Cả ngay trong sự suy nghĩ, chàng cũng cân nhắc cẩn thận chữ dùng. Chàng không muốn nghĩ rằng "anh không thể quên được em". Chữ "không thể" hời hợt nếu không nỡ nói là giả dối. Khi cúi xuống cắm nhang vào bát hương, chàng thấy có nhiều chân nhang mới cắm màu đỏ tươi và có cả tàn nhang vung vãi. Chắc những người quen đi thăm mộ sớm ghé lại thắp hương dùm. Trong cái thành phố nhỏ này, người ta không lạ nhau mấy. Chàng nhìn vào nét khắc của bia. Màu vàng của nét chữ đôi chỗ bị phai.
Thằng Hào lấy ra cây nến cắm hai bên lư hương. Chàng châm nến. Ánh lửa hắt hiu ánh lên mặt bốn cha con quây quần trước bia mộ. Mới chín giờ hơn nhưng ánh nắng gắt. Ngọn lửa trong ánh nắng có một vẻ gì vừa thảm đạm vừa tàn nhẫn. Chợt Thủy hỏi:
- Bây giờ má ở đâu ba,
- Má ở trên trời.
Ðó là cách trả lời tiện lợi nhất trong các cách trả lời mà phải một năm góa bụa chàng mới tìm ra.
- Má có ăn Tết không ba?
Hào "xi" ngay:
- Mày cứ nói bậy. Ðã ở trên trời mà còn ăn Tết cái gì?
Rồi như để khinh bỉ sự dại dột, sự ngớ ngẩn của em, Hào bỉu môi nhắc lại vừa dằn mạnh giọng:
- Ba đã nói má ở trên trời mà còn hỏi có ăn Tết không!
Chàng cầm lấy tay Hào nói:
- Thủy nó hỏi vậy là ý nó thương má nó. Chúng ta ăn Tết, nào bánh mứt, nào rượu trà, thế mà thiếu má chung hưởng. Thủy nghĩ đến má không biết má có được ăn Tết ở đâu không.
- Nhưng mà đã ở trên trời rồi thì đâu còn ăn Tết nữa?
- Con lớn con biết chớ em còn nhỏ, em đâu biết được Nhưng mà thôi, các con cúi đầu lạy má đi rồi thưa với má...
Nói tới tiếng "cúi đầu lạy má", khóe mắt chàng đã thấy nóng, nước mắt như sắp chảy ra, do đó tiếng nói nghẹn ngào. Chàng dừng lại không nói tiếp thì Hằng đã hỏi:
- Ý ba muốn con thưa cái gì?
- Thưa cái gì mà con muốn nói cho má nghe đó. Chẳng hạn thưa rằng năm nay con đã học đến lớp mấy rồi, con học khá hay dở. Con cũng có thể nói cho má con nghe trong nhà có chuyện gì xảy ra, ví dụ cây dừa ở bờ giếng đã nứt bẹ trỗ bông, con chó Tô bây giờ đâm ra sủa láo và hay cắn lộn với chó hàng xóm nhưng lúc nào cũng thua.. vân vân. Chắc chắn những điều đó má con muốn biết vì chúng đều dính dáng đến những người những vật mà má con yêu mến.
- Nhưng má ở trên Trời chắc má đã thấy hết biết hết.
- Có thể như vậy. Nhưng nói thủ thỉ với má là một cách biểu lộ lòng thương yêu. Lú má còn sống con thường thủ thỉ nói chuyện với má. Dễ thường những điều con nói đều lạ đối với má con sao?
Hằng còn đang ngần ngừ chưa biết trả lời sao thì Thủy hỏi:
- Con thưa với má rằng tháng này con đứng thứ nhì. Chắc má khen con lắm.
- Phải đó.
Hào nói;
- Ðể con mét với má rằng chị Bốn ở nhà coi nhà rủ con Ngâu vào chơi để nó lấy mất cây bút máy của chị Hằng.
- Ừ.
Chàng vừa trả lời vừa đứng dậy.
- Các con có thể nói lầm thầm, hoặc nghĩ thôi mà không cần nói to
Chàng đứng thẳng người, đưa mắt nhìn một lượt chu vi của nghĩa trang. Những người viếng mộ khá đông, khác với những năm trước chàng đến quá sớm nên thường không gặp một ai ở đây cả. Một người đàn bà chừng bốn chục tuổi đi giữa một bầy sáu, bảy đứa con từ cổng nghĩa trang bước vào. Chàng biết chắc cái đoàn người ríu rít này sẽ rẽ sang tay trái vì khu tay trái dành cho mộ đàn ông. Nhưng họ đi thẳng lên dốc, dừng lại bàn thờ đặt ở giữa đường chính. Người đàn bà đốt một bó hương lớn, khấn vái một cách thành kính rồi cắm vào cái bát hương to. Bàn thờ này không thấy ghi tên ai nhưng chàng đoán chắc là để dành thờ vị thần Hậu thổ nào cai quản cuộc đất này. Gia đình nào muốn vào thăm mộ của thân nhân mình hình như trước hết đều phải qua khấn vái và gián tiếp xin phép ở đó. Chàng tự trách mình mấy năm nay đã vô tình mà hóa ra thất kính. Ai lại cứ xăm xăm đi về phía mộ vợ mình, bất chấp cả hệ thống, cả qui chế. Chàng nghĩ thầm: Người đàn bà bao giờ cũng chu đáo. Chắc thế nào cũng có nhiều anh đàn ông thật thà và hấp tấp như mình quên lễ bàn thờ Hậu thổ.
Một người đàn ông ăn mặc tầm thường cúi lom khom cắm một bó nhang trước một ngôi mộ đắp đất sỏi. Người ấy đứng thẳng dậy vái vội vã mấy cái rồi sang một cái mộ khác cách đó mươi thước, móc túi lấy một bó nhang, xòe diêm châm, cắm xuống đất rồi lại lật đật vái. Công việc xảy ra không quá năm phút, vội vã hấp tấp như một đoạn phim cũ bị cắt, nối, hình ảnh nhảy nhót. Theo cái đà gấp gáp đó và với cái túi còn đầy những bó nhang đem theo, chàng biết con người này còn phải lo trả gấp một mớ nợ thăm viếng đầu năm ở cái nghĩa trang này. Một bà cụ đứng xuýt xoa mãi ở một ngôi mộ. Nhìn xa thấy bó hương cháy đã gần tàn mà cụ vẫn đi đi lại lại chẫm rãi quanh đó. Chừng năm, bảy cây hoa vạn thọ được trồng ở trước bia và trên lòng mộ. Sự chăm sóc tỉ mỉ và lòng quấn quít của những cặp vợ chồng già làm chàng cảm động. Nó không có giá trị hơn những tấm lòng thay đổi của những người trẻ, vì già rồi thì còn thay đổi với ai? Nhưng mà cảm động.
Một đôi vợ chồng dễ thường mới cưới đi lượn từ mộ này sang mộ khác. Họ đọc những tên người quá vãng, có lẽ để tìm một tên bà con. Nhưng trên tay người đàn bà chỉ có cái xác nhỏ màu đỏ để cầm đi phố và người đàn ông thì một tay thọc vào túi quần, một tay đưa ngang lưng vợ như vì thói quen. Dù lây cái không khí trang nghiêm tang tóc nơi đây mà họ đi xa xa nhau một chút nhưng không dấu được sự âu yếm nhau.
Giang đi về phía mộ của một người bạn. Những chân hương cũ đã phai màu đứng nghiêng ngã. Cách đây độ bảy tháng, khi đi đưa linh cữu anh bạn đến chôn nơi đây, chàng thương hại thấy người vợ bạn lăn lộn khóc. Phải nhiều người ôm giữ chị lại. Nước mắt vốn dễ lây, chẳng những các người đàn bà đi đưa đám đều ràn rụa nước mắt mà cả chàng đứng cạnh đó cũng bùi ngùi muốn khóc. Chừng năm tháng sau, ngẫu nhiên chàng nghe tin người vợ bạn về quê và lấy chồng. Nhiều người bảo rằng người chồng đó là người tình của chị, chị có khi người chồng trước còn sống. Chàng lặng yên nhìn tấm bia mộ hồi tưởng lại vẻ mặt có duyên, dáng dấp thanh nhã của ngời bạn xưa và tâm hồn nghệ sĩ của bạn. Chàng chưa kịp kết luận thì hai đứa con đã chạy lại đứng cạnh. Thủy nói:
- Ba ơi, con nói với má rồi. Nhưng má ở trên trrời thì làm sao má nghe được?
- Dù má ở đâu đi nữa mà khi mình thắp hương vái thì linh hồn má về ngay với mình.
Hào ngửng mặt lên nghe, miệng há ra và lông mày nhíu lại. Nỗi thắc mắc đọc được trên cái vẻ thẫn thờ suy nghĩ. Chàng nói:
- Hồi ba còn nhỏ, đi học lớp Năm ở một trường làng. Có một anh học sinh lớn đi tắm sông bị chết đuối. Gia đình đem chôn anh ta ở cái trủng, -người ta gọi nghĩa trang của người Tàu là cái trủng- ở gần trường học. Nhiều anh em khi đi học hay ghé lại thăm mộ anh. Một bữa kia anh em tới thăm mộ như thường lệ thì thấy có một bức thư dán trên thành đá ngang hông ngôi mộ. Ðó là một bức thư gới thăm anh Ca (Ca là tên anh bạn bị chết đuối) viết trên một trang giấy học trò, nét gạch xiên xẹo. Bức thư bắt đầu bằng: Thiện đức le (đọc là lơ) 12 tháng 5 năm 1929 và lời lẽ văn hoa theo kiểu thời bấy giờ:
"Nghiên châu bút ngọc, tạm bức thư lan, trước kính thăm quí hữu bình an"... vân vân. Cuối cùng ký tên là Nguyễn Thới. Có cả chữ "nay thơ" nữa.
- Nguyễn Thới là ai vậy ba?
- Là anh học trò lớp tư tác giả bức thư đó.
- Thế anh ta viết để làm chi vậy?
- Anh ta tin rằng dán bức thư vào tường mộ thì tối anh Ca sẽ hiện hồn về đọc thư. Nhiều anh em tin theo như vậy. Và người ta còn hẹn nhau sẽ đến xem thư của anh Ca viết trả lời, cũng sẽ dán lên tường mộ, cạnh thư của anh Thới.
- Anh Ca viết hở ba?
- Ừ. Anh em tin rằng anh Ca sẽ viết trả lời và tự dán cho anh em xem.
- Thế ba có xem không?
- Không có, vì anh Ca không viết trả lới mà cũng không dán.
Hằng nói:
- Cái ý kiến đó cũng hay, hở ba? Một người nhà quê mới học lớp Tư mà có sáng kiến...
Chàng mỉm cười:
- Mới học lớp Tư mà xác to bằng ông xã rồi. Nhưng thôi, đã trưa lắm. Lại lạy má rồi đi về.
Khi trở lại mộ thì hương đã gần tàn. Có gió phe phẩy thổi, ngọn lửa ở đầu hương cháy ngún thật mau. Ba đứa con lần lượt theo thứ tự lớn nhỏ lại đứng chắp tay trước mộ. Chàng thẫn thờ nhìn ngôi mộ vợ rồi lặng lẽ quay đi, bước chầm chậm theo con. Trên đường về, không còn ai muốn nói chuyện nhiều vì trời nắng đã gắt. Tiếng bánh xe lăn bon bon trên đường. Cầu xóm Bống không bị tắt nghẽn lâu nữa. Những bộ com lê giày da đen còn sót lại trên đường đang vội vã rảo tránh nắng. Các cái cổ thắt ca vát phải ngọ ngoạy liên tiếp.
Vượt quá cầu Bống, về đến công trường Cộng hòa, lòng chàng thấy vui vui, coi như đã về đến nhà rồi vậy. Những vẻ mặt quen thuộc tươi cười chào chàng. Áo mới, dép mới, cái đầu tóc chải công phu khiến những khuôn mặt đàn bà trông như mới lại, gần như lạ đi, chẳng khác những ngôi nhà vừa sơn quét. Những người đàn ông chững chạc và nhu mì hơn trong những bộ áo quần thường màu tối. Có lẽ những người chàng gặp đi vào giờ này đều ở trên đường về nhà họ.
Khi xe dừng trước cổng nhà, con Tô nhảy xồ ra sủa vang lên, bị lóa mắt vì bề ngoài chững chạc của bốn người quen. Lúc cởi áo ngoài và cởi giày, cùng với cái thú được thoải mái tay chân, tâm hồn chàng thấy nhẹ nhàng vui vẻ vì cái bổn phận đối với vợ đã trả xong, trả trọn vẹn hơn mọi năm bởi chàng đã chìu con, nhẫn nại đưa con đi thăm mẹ chúng.
Ba đứa con sau khi bỏ mũ, đã lật đật chạy ra nhập bọn chơi với lũ bạn bè. Vừa lúc ấy con Tô lại cất tiếng sủa, đem theo một ông khách đến thăm đầu năm. Ông khách khác tiếp theo ông khách này. Và cứ liên miên như vậy, chàng lo tiếp khách, con lo chơi với bạn bè, cái Tết sum vầy của mọi nhà chịu bất lực không sum họp cái gia đình bé nhỏ của chàng. Những bổn phận riêng tư, những nỗi vui chơi cũng riêng tư, chỉ có vào giờ ăn là cha con quây quần cùng nhau.
Nhưng ngày mùng một Tết bạn bè có quyền ngồi nói chuyện la cà bất chấp thời giờ thành ra các con phải tự ý ăn cơm trước. Vừa tiếp khách vừa bị khách rủ đi thăm nơi này nơi khác, rốt cuộc, bộ quần áo mặc hồi sớm tinh sương phải đến mười giờ tối mới hoàn toàn cởi ra được. Tìm hỏi con thì Hằng đang nhập bọn với con Bốn, con Nga, con Anh quây quần ở bàn đánh cá ngựa.
- Còn thằng Hào? Chàng cất tiếng hỏi.
- Thưa thầy thằng Hào coi đánh "tôm cua" ở ngoài trụ sở Phong trào.. Tiếng con Bốn trả lời.
- Còn Thủy?
Ba cái mặt ngơ ngác nhìn nhau. Hằng nói nhỏ:
- Chết cha! Từ hồi tám giờ đến giờ sao không thấy con Thủy lẩn quẩn ở nhà?
- Hay nó sang bên con Sa?
- Không có đâu - chàng gạt liền. Hôm qua tao đã dặn kỹ, ngày mồng một không được đi sang nhà ai hết, cả nhà của con Sa nữa. Sợ người ta kiêng.
- Thế thì nó ở đâu? - Con Bốn vừa tự hỏi vừa chạy xuống nhà bếp.
Hằng ra đứng ở cửa kêu:
- Thủy ơi.
Không có tiếng trả lời.
Giang mở cửa phòng mình nhìn vào rồi quay ra bảo:
- Thôi đừng tìm em nữa. Em nó ngủ ở trong phòng ba đây.
Chàng bước lại bàn viết. Thủy ngồi ở ghế mà lưng cúi sấp xuống, nghiêng mặt gác lên mặt bàn, mắt nhắm. Tiếng thở đều đặn. Tay trái đè lên một mảnh giấy còn tay phải cầm lỏng lẻo một cây bút. Chàng cúi xuống trang giấy. Những hàng chữ viết ngả nghiêng, chữ to cạnh chữ nhỏ, khoảng cách không đều và bôi xóa, nét mực nhoè nhoẹt. Tuy vậy, chàng cũng có thể đọc được:
Má ơi,
Con đi thăm mộ má mà không có má, má ở trên trời. Con học lớp Năm không có má chải tóc cho con, má con Nguyệt thắt bím cho nó đẹp lắm. Con đi học trời mưa trợt ướt áo đầm anh Hào lấy tờ giấy thấm của con. Má nhớ trả lời cho con rồi dán lên trên mộ.
Xuất Hành Năm Mới Xuất Hành Năm Mới - Võ Hồng