The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 779 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Tối qua, vườn trước một nhành mai.
Mãn Giác Thiền Sư
Tháng bảy. Mưa dầm dề. Mây đầy trời, xám xịt, xốp ẩm, bả lả xoà xuống tận những ngọn tre đang còng xuống, ủ rũ, xác xơ như mái tóc của kẻ chán đời, đầy ứ tâm sự. Nước mắt của vợ chồng nhà Ngâu làm đất đai muốn ủng.
Họ, vợ chồng cái nhà ông bà Ngâu ý, có con không nhỉ? Chắc là có đấy, mà dễ thường cũng đông lắm, họ chăm chỉ với lại thương nhau đến thế kia mà ! - Sinh nằm dài trên chiếc chõng tre bên cửa sổ, hai tay để dưới gáy, nhìn bầu trời màu chì não nề, dõi theo những giọt gianh trông tựa những giọt nước mắt đang tí tách đơn điệu rỏ xuống từ đầu các cuống rạ, làm thành một hàng vết lõm dọc theo mái chảy trên cái sân đất nện, buồn bã nghĩ - Cái ông giời, thà rằng cấm hẳn... cái lối ở đâu lại rẽ duyên nửa vời, sao nỡ ác thế, oái oăm thế? Dưng mà... có khi thế lại hoá ra thắm, chứ lúc nào cũng ở cạnh nhau thì có dễ... cũng như nước lã ao bèo.
- o O o -
Tiếng cười, tiếng tròng ghẹo nhau của lũ trẻ, tiếng quèn quẹt hấp tấp rộn ràng của đôi đũa trong chảo rang, tiếng nổ bụp bụp của những hạt ngô nở mạnh, tiếng khóc của thằng cu Hợi và tiếng cô vợ anh cu Mùi đang hát ru dỗ dành đứa bé mới sáu tháng tuổi vọng sang, ùa vào, sục sạo len lỏi làm đau nhói cõi lòng lạnh trống của Sinh. Chàng đưa mắt nhìn suốt mấy gian nhà: Cái bàn thờ không một vết bụi, vài cái chân hương lơ thơ ngao ngán trong cái bát hương lớn có vẽ hình tròn nửa trắng nửa xanh; bộ tràng kỷ bằng gỗ mít kê ngay ngắn chính giữa, ngay phía trước bàn thờ; phía dưới gậm bàn là cái điếu cày mà ngày nào vợ chàng cũng cọ rửa và thay nước. Gian cuối là khung cửi, xa quay sợi của vợ. Nhài có lẽ không có tay dệt vải, vải đem ra chợ không bán được thành thử chỉ dùng để may áo quần cho hai vợ chồng. Trên bức tường đầu hồi, tấm tranh Đám cưới chuột đã bạc phếch và ngả sang màu vàng xỉn.
Trước đây Sinh còn treo cả tranh mẹ lợn với đàn con và bức thằng bé má phính hồng, tóc để chỏm đào đang ôm con gà sống mào đỏ tươi dựng đứng, nhưng không hiểu sao Nhài bảo trông chán lắm và đã lột xuống từ bao giờ. Mọi thứ, mọi chỗ đều sạch sẽ, ngăn nắp, yên ắng đến quạnh lẽo. Hình như nhà cửa sạch sẽ quá hoặc hôi hám quá thì đều ít có người đến. Cái gì quá cũng làm người ta ngại. "Môn vô khách đáo" thì thà ở đến ở chùa cho xong. Mà quạnh quẽ đến như chùa thì vẫn còn có hương, có hoa, có đèn, có nến, có tiếng mõ khua, có tiếng chuông ngân; Ngày rằm, mùng một vẫn có khối kẻ đến thắp hương, xít xoa khấn vái, cùng mỉm cười chào nhau một câu Mô phật !
Có tiếng hát từ trong buồng vọng ra. Đấy là điệu Vào chùa. Giọng hát của Nhài vẫn mềm, vẫn ngọt. Người làng đi qua nghe thấy, vẫn bất giác dừng chân lắng nghe, tần ngần không nỡ rời bước. Ngày trước Sinh cũng vậy. Chàng đã chết mệt vì giọng hát ấy, đôi mắt lúng liếng ấy. Chỉ có điều, chưa bao giờ Sinh thấy má Nhài ửng hồng như má của Thắm.
Nhài biết chữ và đẹp như một bông hoa. Bông hoa ấy cũng như bông nhài, sinh ra chỉ để phô sắc khoe hương chứ không phải để kết quả. Lấy nhau đã mười mấy năm rồi mà cửa nhà vẫn chưa hề có mùi nước đái trẻ con. Sinh thèm, lắm lúc như phát ngẩn, tiếng choành chọe của những thằng cu con hĩm má phính, mặt mũi nhem nhuốc như tiên đồng trần gian. Nhiều lần, người làng bắt gặp anh cúi xuống nhặt những mảnh bình tích, mảnh bát lũ trẻ nhà Mùi làm vỡ, vứt ra rặng tre ngoài cõi mà mân mê lặng ngắm.
Anh cu Mùi bên hàng xóm vốn bằng tuổi Sinh. Cả hai cùng cầm tinh con dê. Thuở bé cùng chăn trâu cắt cỏ, cùng chơi với nhau, cùng mài mực cắp quyển đến học chữ ông đồ Nghĩa. Rồi loạn lạc, đói kém, cả hai cùng bỏ học. Anh cu Mùi quý Sinh lắm. Khi cả hai đã trở thành những chàng trai vạm vỡ, anh bảo Sinh: "Con cái Thắm nhà tao không đẹp nhưng được cái chăm chỉ mà ít nhời. Ông đồ Nghĩa bảo nó là loại đàn bà vượng phu ích tử. Mà có lẽ thế thật cũng nên. Nom cái dáng của nó, lưng cũng chỉ ong đến thế là cùng, chồng chỉ đi qua đầu giường cũng đủ có chửa. Xem cách ăn cách nói, tao thấy nó có ý thương mày. Lấy nó đi, tao gả cho !".
Nhưng đầu óc Sinh lúc ấy lại dồn cả vào cái nhà cô Nhài này. Biết chuyện, Thắm gầy rộc, ít khi thấy cười. Những lúc rỗi rãi, cô thường ở tịt trong buồng, khâu vá và khe khẽ hát điệu Người đi đâu, nghe buồn và ai oán đến nẫu cả ruột. Thế rồi Mùi lấy vợ. Mấy tháng sau Sinh cũng đốt pháo đưa Nhài về nhà mình. Thắm buồn, gói gém áo quần, xách tay nải lên Niềm ở với ông chú ruột, học nghề bốc thuốc, thỉnh thoảng mới về làng thăm anh chị. Nhiều đám đến hỏi, cô chỉ lắc đầu, buồn bã từ chối. Anh cu Mùi buồn và thương em lắm nhưng cũng không biết làm thế nào.
Trời đã tạnh mưa. Sinh uể oải ngồi dậy, vươn vai, kéo một điếu thuốc lào, nhăn mặt nói vọng vào buồng:
- Đã bảo lâu lâu hãy thay nước một lần mà mình không nghe, ngày nào cũng thay thế này, hút thuốc nó nhạt nhẽo vô vị lắm.
- Dưng mà cái mùi nó hôi lắm, tôi không chịu được - Nhài từ trong buồng nói vọng ra.
- Mình đi thổi cơm đi, tôi thấy đói lắm rồi.
- Tôi đang giở tay khâu lại cái áo lấy cái mặc ngày mai đi lễ chùa, hãy còn ít cơm nguội với muối vừng để trên chạn ấy, mình lấy mà ăn.
Sinh thở dài, đi xuống bếp, bưng nồi cám bèo ra chuồng lợn. Nhìn hai con lợn, chỉ mới bằng quả dưa hấu, áp xườn ẩy nhau, vục mõm vào chậu xúc cám tòm tọp ai mà không thích. Nhưng thật lạ, cám cứ như đổ xuống sông xuống ngòi, lứa nào cũng thấy còi đanh còi đét, nuôi đến gần năm giời mới được bán, khách đến chê ỏng chê eo, phải nói khó người ta mới chịu mua cho.
Sinh đi ra mảnh vườn sau nhà, định bụng nâng những gốc rền tía bị mưa gió làm cho đổ rạp. Nhìn vườn tược xác xơ queo quắt, Sinh lại thở dài. Ngó sang vườn nhà anh cu Mùi, thấy cây cối mướt mát, tốt tươi lạ lùng. Trong chuồng, năm sáu con lợn trùng trục đen bóng đang loay hoay sục mõm vào đống rạ mới, khụt khịt khụt khịt liên hồi. Quái thật, trần lưng ra mà làm, có phải mình lười biếng đâu, cùng trên một rẻo đất mà lại khác nhau đến như thế thì thật vô lý quá ! Một lần, ngồi uống nước với anh cu Mùi, Sinh buồn bã phàn nàn thì anh cu Mùi liền an ủi: - "Cũng chẳng phải tôi chăm chỉ hay tinh khôn hơn bác đâu, âu nó cũng là cái số thôi bác ạ. Thật đấy, tôi chẳng có ý gì, nói bác chớ để bụng, chẳng qua là tôi may mắn lấy được bà vợ có chữ dưỡng trong bản mệnh. Ngày trước, nghe ông đồ Nghĩa nói, tôi không tin. Bây giờ ngẫm lại, thấy cũng phải. Quả là từ ngày có bà ấy, không hiểu sao cây trồng tự dưng cứ xum xuê hẳn lên, lợn gà thì cứ như cho ống đu đủ vào đít mà thổi. Trước đây làm một ăn một, còn bây giờ làm một lại ăn những hai, có khi ba. Chỉ phải cái, bà ấy mắn quá, chậc... tại cái chữ dưỡng ấy đấy, chúng nó cứ thi nhau sòn sòn mà chui ra, lít nha lít nhít, lắm lúc giức cả đầu !"
Đang nghĩ vẩn vơ thì nghe tiếng gọi. Sinh quay lại, nhận ra bên kia bờ rậu cái cười rộng ngoác, thật như hàng cau trước sân của anh cu Mùi: - "Hôm nay giời mưa, không làm gì hết, sang tôi làm tí cay bác Sinh ơi !".
Sinh gật đầu, lấy tay nhẹ rẽ đám rậu cúc tần, lách sang vườn nhà anh cu Mùi. Bước vào nhà, mùi khai nồng nước đái trẻ con thoảng vào mũi, cảnh tượng giường chiếu xốc xếch, rác rơm vương vãi, áo tã tứ tung... khiến anh nhẹ cả người. Lũ trẻ nhận ra Sinh thì reo cả lên, tranh nhau chạy lại ôm chặt lấy chân, đòi hôm nào bác làm diều cho chúng cháu. "Hư nào, để bác ngồi !" - Anh cu Mùi lừ mắt nhìn lũ trẻ, hai tay lẽ mễ bưng cái vò sành đựng rượu: "Con hĩm xuống bếp rang cho thày đĩa lạc !". "Thôi, thày em để tôi làm cho" - Chị cu Mùi, áo sống thốc thếch, từ trong buồng bước ra, vừa đi vừa đưa tay lên sửa lại cái vành khăn quấn tóc, mỉm cười ngượng nghịu: "Bác sang chơi ạ !" rồi đi thẳng xuống bếp. Loáng một cái, đã thấy bưng lên đĩa thịt gà luộc bốc khói nghi ngút.
- Ôi, u em... - Anh cu Mùi ngước mắt nhìn vợ, lòng đầy biết ơn.
- Tiếng là bác với thày em chơi với nhau từ thuở nhỏ, nhà lại cạnh nhau mà có mấy khi ngồi uống được với nhau chén rượu đâu. Thôi, bác với thày em nhắm đi cho nó nóng. Hôm nay giời mưa, tôi thổi cơm sớm, tôi mới các cháu nó ăn cả rồi.
Nói, rồi chị đi vào buồng. Lũ trẻ cũng theo chân mẹ lón són đi vào, rúc rích lục sục với nhau mãi trong ấy như lũ chuột nhắt. Rượu được vài tuần, anh Cu chống đũa xuống mâm, nhìn Sinh:
- Này, tôi nói có gì không phải bác bỏ quá cho, chậc... lấy thêm bà nữa đi !
- Tôi cũng buồn lắm bác ạ. Lắm lúc nghĩ chả nhẽ vợ chồng cứ son mãi đến già sao? “Bất hiếu” thì “hữu tam”, mà “vô hậu” thì “vi đại”... Vẫn biết vậy, nhưng lấy vợ nữa thì tôi lại không đành. Vợ chồng ăn ở với nhau đã ngần ấy năm...
- Bác nghĩ như thế cũng phải, dưng mà... lấy thêm bà nữa... cũng chả phải là bạc bẽo gì. Thiên hạ người ta có mấy vợ là chuyện thường, cốt sao đừng có mới mà ruồng rẫy cũ, bà nào cũng quý hoá cả là được. Rồi ra có con bế con bồng, phúc đức cũng theo về ấm nhà ấm cửa...
Sinh cúi mặt, thở dài, không nói gì.
Kể từ hôm đó, ý nghĩ lấy thêm một vợ nữa cứ lớn dần, luẩn quẩn trong đầu Sinh. Nghĩ cũng phải, các cụ chả bảo “Trai khôn năm thê bảy thiếp” là gì ! Mình thì chả khôn được với ai, dưng mà cái cảnh nhà nó thế.
Rồi một buổi tối, cơm xong, hai vợ chồng ngồi uống nước, Sinh lựa lời bảo vợ:
- Nhà mình vắng vẻ quá, mình xem thế nào...
- Thì có phải là tôi không muốn đâu, chẳng qua... - Nhài có vẻ khó chịu.
- Mình muốn có đứa gọi là u không?
-...
- Tôi thấy chỉ còn một cách.
- Cách gì? - Nhài lạnh lùng nhìn chồng.
- Mình xem … có ai mình thấy ưng ý, hỏi rồi cưới thêm cho tôi !
- Thật hay đùa đấy? - Nhài ngước mắt, ngạc nhiên.
- Thật mà ! - Sinh tròn mắt, thành thực.
- A ! - Nhài đứng phắt dậy, một tay chống lên bàn, thoắt cái, mắt quắc lên nanh nọc, giọng trì miết - Tôi biết mà, biết từ lâu rồi, thể nào rồi cũng đi đến nước này mà ! Dửng mỡ, học đòi thiên hạ... cái thói đứng núi này trông núi nọ, ruồng rẫy vợ, chứ có trung thành gì đâu, tình nghĩa gì đâu ! Muốn bôi gio trát trấu vào mặt tôi à ! Giời ơi là giời... Thôi thì tôi cũng nói một nhời cho mình biết: Muốn tử tế hẳn hoi thì không có thay đổi gì hết ! Chỉ một vợ là đủ, còn không, đừng có trách tôi ác !
- Thôi, giận thì mình nói thế, chứ nhẽ nào... - Sinh xoa dịu.
- Nói thế là thế nào, tôi làm thật đấy. Không thì cái nhà này lộn xộn, không thì mất nghiệp, rồi làng nước người ta lại không cười cho a, bẽ lắm !
- Tôi là tôi lấy thêm bà nữa đấy !
- Đừng có bắt tôi phải xuống tay. Rồi lúc ấy lại bảo tôi ác !
- Thế mình định ác với tôi thế nào? - Sinh bắt đầu cảm thấy máu chảy lên mặt.
- Đã đến nước này, thiết tưởng cũng không còn gì phải úp mở nữa: Cha tôi trước đây đã từng có thời khét tiếng giang hồ. Sau đó không hiểu thế nào quẳng gươm bỏ nghiệp, đưa cả nhà đến vùng này sinh sống, mai danh ẩn tích. Một lần, tình cờ thấy một quyển sách trong cái rương gỗ, tôi giở ra đọc, nhớ được một bài độc dược. Người bị hạ độc, độc tụ ở gan, chỉ hơn nửa năm sau thì chết mà không ai biết được tại làm sao. Nói cho mình hay, trong người mình đang có thứ độc ấy đấy !
Sinh ngớ người, không tin. Lát sau mới hỏi:
- Vậy sao tôi vẫn chưa chết.
- Chết thì tôi sống với ai - Nhài nhếch mép, đôi mắt đã hơi dịu lại, chua chát - Tôi đã ngầm cho mình thuốc bế độc, lẫn trong rượu.
- Bế được bao lâu?
- Nửa năm. Sau đó, muốn sống phải uống tiếp liều nữa, cứ thế.
- Tôi không tin ! Thôi, đừng dọa nữa, tôi đã nhất định như thế rồi.
- Đã nói rồi, ở đâu không biết, chứ ở cái nhà này không thể có cảnh đa thê. Mình tưởng cái mạng của mình là quý lắm hả? - Nhài bỗng thừ mặt -... Ừ, mà cũng quý thật, không có mình thì tôi biết nương vào đâu. Nhưng nếu mình cứ nhất định phá cái nếp này, tôi cũng chả còn cách nào nữa.
Lúc này, Sinh đã ngờ ngợ. Điều Nhài nói có vẻ không hẳn là đùa, chỉ để doạ chơi, cho bõ cái hờn ghen thường tình.
- Mình không sợ tôi đi báo quan à?
- Chẳng có gì làm bằng - Nhài thủng thẳng - chẳng có quan nào tin, mà không chừng mình còn bị phạt trượng vì dám cả gan đùa với phép quan ấy chứ. Mà chết thì cùng chết, đến nước này thì tôi cũng chả thiết sống làm gì. Chỉ có cái là khi tôi còn sống, không có con đàn bà nào được bước vào cái nhà này !
- Tôi sẽ giết mình !
- Mình chả làm thế đâu ! Mình không phải hạng người có thể nhẫn tâm bỗng dưng giết vợ - Nhài bình thản cười nhạt - Mà liền ông nào cũng chỉ muốn thêm chứ có thấy ai muốn bớt vợ. Mấy lại, giết tôi thì lấy ai ra để bế độc cho mình? - Nhài nhìn Sinh, diễu cợt, thách thức.
Nhìn mắt Nhài, bấy giờ Sinh mới thật hiểu đó không phải là chuyện đùa. Thì ra cô nàng đã tính trước từ lâu rồi.
Sau đó, cuộc sống vẫn trôi đi như cũ: bằng lặng, nhạt nhẽo và quạnh lẽo. Sinh buồn và có vẻ như muốn cam phận. Chàng ngày càng buồn bã, trầm ngâm và uống rượu nhiều. Nhài thì trở nên càng lặng lẽ, mặt đanh lại, không chút nhân nhượng. Với Nhài, rõ ràng đây là cuộc đấu hoặc là còn hoặc là mất hết. Anh cu Mùi thỉnh thoảng sang chơi, nhìn gia cảnh chỉ biết lắc đầu ái ngại.
- o O o -
Năm ấy, mùa xuân đến sớm. Mưa bụi giăng một lớp mỏng như sương sa, chỉ vừa đủ để làm con đường đất trở nên mịn màng hơn. Cây cối bắt đầu cựa mình sau giấc ngủ đông dài đằng đẵng; Đó đây, trên lớp vỏ xám xịt xù xì của chúng đã bắt đầu nứt rạn, nhú ra những lộc là lộc. Màu xanh tươi mới của những thửa ruộng lúa cấy mới bén rễ, của những mầm cây xanh non nõn nuột; Những búp hoa gạo nở sớm đỏ rực bên những cánh sáo đồng đang sao xác tìm đôi; Đám khói đặc quánh cuộn lên từ mấy đống lửa đốt chơi ngoài đồng của đám trẻ trâu đưa lên mùi ngái nồng của cỏ khô lẫn với rạ ẩm... hương xuân thoảng ngọt phảng phất từ những chùm hoa xoan li ti tím nhạt khiến Sinh vô cớ thẫn thờ và cảm thấy trong lòng có một cái gì đấy, cũng giống như lớp vỏ xám xịt xù xì của những cây cối kia, đang cựa mình ngơ ngác... Theo con đường phủ đầy hoa xoan, sinh bước đi, như người mộng du.
Con đường ấy là con đường lên Niềm. ở Niềm hôm ấy đang có hội hát. Nam thanh nữ tú của các quan họ trẩy về từng đám, từng đám như nước chảy mùa xuân. Những nếp áo dài the đen, những vành khăn xếp gọn gàng lịch lãm; Những tà áo tứ thân, những mớ ba mớ bảy, những giải yếm đào tươi thắm, những nụ cười nghịch ngợm tươi khoẻ, những cặp môi đỏ thắm sắc cốt trầu, những cặp mắt lúng la lúng liếng như sao trên trời... thấp thoáng sau những vành nón thúng còn thơm mùi lá mới.
Đứng trong đám hội, Sinh chợt nhận ra mình đang lạc lõng trong bộ áo quần ngày thường. Sinh lùi dần, lùi dần ra phía ngoài lúc nào không hay. Rồi, thấp thoáng trong một đám quan họ nữ, chàng nhận ra Thắm, cũng trong bộ trang phục ngày thường như chàng. Thắm không hát. Thắm là người ứng lời cho đám quan họ ấy. Trông cô vẫn như ngày nào, vẫn thắm nhưng đằm và thong thả hơn nhiều. Cô nhận ra Sinh và cúi xuống, má chợt ửng sáng. Sinh cảm thấy chơi vơi, đất dưới chân như chao nhẹ. Chàng muốn hát điệu Con nhện giăng mùng, nhưng đã lâu không hát, sợ lỗi giọng nên lại thôi. Nhưng kìa, Thắm đã bước lên phía trước. Ăn mặc thế mà hát ư? Mà Thắm hát thật. Cô hát, giọng thì buồn mà tình lại đượm: Người (ư) người đi đâu (ấy mấy) người (ư) đi đâu (ờ ớ ơ là) đâu, bỏ vắng (ôi a) tình tang. (Luông ơ lính tang tình linh tình cái tang tang tình ừ hư hừ) nói có (a) đèn dầu (ừ hư hừ). Cái đèn, cái đèn dầu, rằng cũng có (ôi à) ai khêu. Cái đèn, cái đèn dầu, rằng cũng có (ôi à) em khêu. Hát xong, trông cô lại càng buồn và trong ngực Sinh chợt dâng lên một cái gì đấy, nao nao, khắc khoải, buồn bã và vô vọng. Tối hôm ấy, về nhà, Sinh thẫn thờ, bỏ bữa và đi nằm sớm, nhưng cứ trằn trọc mãi, không sao chợp được mắt.
Hôm sau, vẫn theo con đường đó, như kẻ lạc lối nhận ra đường cũ, Sinh lại trôi đến hội, lòng những muốn hát điệu Ngồi tựa mạn thuyền cho vợi bớt niềm khắc khoải dịu ngọt đang đầy dần trong lòng. Nhưng để mắt tìm cả buổi mà không thấy bóng dáng Thắm đâu. Chàng hỏi thăm một cô gái trong đám quan họ đó, cô bảo chị Thắm xin lỗi quan họ chúng em hôm nay mệt không đi được. Sinh thẫn thờ, rồi, như người nhập đồng, đôi chân cứ tự nhiên đưa chàng về nơi Thắm ở.
Ở gian giữa, Sinh thấy chỉ có Thắm. Cô đang cho thuốc vào các ô kéo. Thắm quay lại, nhận ra Sinh... Cái mẹt thuốc buột khỏi tay cô, rơi xuống nền nhà. Thắm khuỵu xuống, bàn tay run bắn, luống cuống nhặt những lát thuốc vàng thẫm rơi tung toé trên nền nhà. Sinh, như có giời khiến, cũng ngồi xuống nhặt giúp. Chưa bao giờ chàng gần Thắm đến thế. Đôi mắt đen láy, cái hương hoi nồng, ấm sực toả ra từ làn da, từ mái tóc trần, từ bên trong lần vải yếm của Thắm khiến Sinh cảm thấy choáng váng. Tay chàng díu lại, không thật nữa. "Anh làm sao thế?" - Thắm nhìn Sinh, thương cảm - "Nước da anh dạo này xấu lắm, khổ !". Rồi cô đứng dậy đi vào buồng. Lát sau, ông chú đi ra, bắt mạch cho Sinh. "Nhà anh can nhược lắm. Tôi cắt mấy thang dưỡng can, chịu khó mà uống, không rồi để quá đi thì khổ".
Uống hết thuốc, Sinh lại đến cắt thêm. Nhưng những lần sau đó chàng không gặp được Thắm. Một lần, từ xa, thoáng thấy bóng Thắm ngoài vườn, trong lòng đã thấy rộn ràng, nhưng khi vào thì chỉ gặp ông chú. Chàng vờ hỏi thăm, nhưng ông cụ bảo Thắm có việc phải đi xa lâu ngày. Sinh biết ý, trong lòng càng thấy buồn bã và từ đấy không đến cắt thêm thuốc nữa. Nỗi buồn bám lấy Sinh như cái bóng, chẳng những không buông tha mà còn lớn dần, nặng trĩu, não nề. Những lúc không có việc, Sinh chẳng thiết đi đâu. Những thang thuốc đem về vứt chỏng trơ, đã lên mốc xanh mốc vàng. Nhìn chồng ngày càng rộc đi, Nhài lạnh lùng:
- "Bệnh của mình không ai chữa được đâu. Phải bỏ cái thói đứng núi nọ dòm núi kia đi thì mới mong khỏi được !". Chàng không nói gì, nhìn Nhài mà cứ như nhìn đi đâu, xa lắm.
Đến cuối thu, Sinh đổ bệnh thật. Anh cu Mùi sang nhà, thấy bạn nằm còng queo, da mặt xám ngoét, võ vàng thì giật mình hốt hoảng. Nhìn Sinh chằm chằm, Mùi lùi dần lùi dần ra cửa, quay lưng, bỏ chạy ra ngoài sân, chật chưỡng lốc thốc như có ma đuổi. Đến quá trưa, Mùi trở về cùng với ông chú và cô em gái. Sinh vẫn nằm im, thiếp đi mê mụ. Bắt mạch xong, ông cụ lật đi lật lại bàn tay Sinh ngắm kỹ rồi quay sang Thắm - khuôn mặt trắng bệch, vẫn đứng như hoá đá từ lúc vào nhà - nói gì đấy. Thắm lập cập đi ra ngoài. Lát sau quay vào với một chén nước màu hồng nhạt trên tay. Ông cụ thận trọng trích đầu ngón tay người ốm, nặn ra một giọt máu, rỏ vào chén nước. Màu hồng nhạt trong chén, thoắt cái, biến thành màu xám chì. Ông cụ ngẩng mặt nhìn Thắm, nhìn anh cu Mùi rồi nhìn Nhài:
- Trong người có độc ! - Ông nói sau một thoáng đắn đo - Đây là loại độc chỉ thấy dùng trong giới quan trường và trên giang hồ chứ không phải là thứ độc thường do ẩm thực bất cẩn. Trong người lại bị suy nhược lâu ngày nên càng nguy lắm.
Ông cụ quay sang Nhài:
- Gần đây thường thấy người bệnh giao du với những ai?
- Dạ, nhà cháu cũng không biết ạ. - Nhài lễ phép trả lời.
- Nhưng thôi, sự ấy bây giờ không phải là hệ trọng.
- Chú ơi - Thắm níu riết lấy áo ông cụ - có cách nào giải được không? - Có đấy, nhưng trong bài thuốc có một vị chủ mà ta lại không có.
- Thưa, vị gì, chú mau nói đi ! - Thắm bồn chồn.
- Huyết của một người nữ...
- Thế thì không thiếu... - Thắm hấp tấp ngắt lời ông cụ.
- Ta nói đã hết đâu - Ông quay sang Thắm, nghiêm khắc - Làm nghề này nhất định không được hấp tấp. Ta nói là huyết của một người nữ, nhưng đó là một người nữ thực lòng yêu thương người bệnh kia.
- Thưa cụ, cháu là vợ của chàng, cụ không lấy huyết của cháu thì lấy ở đâu nữa?
- Tốt ! Uống thuốc rồi, sau hai canh giờ tất thấy hiệu nghiệm.
Rồi ông cụ hài lòng, cầm bút kê vị cho Thắm làm thuốc.
Nhưng hơn ba canh giờ đã trôi qua, Sinh vẫn nằm mê mệt, trì lịm, khí sắc tịnh vẫn không có gì biến chuyển. Ông cụ lắc đầu thở dài, đứng dậy bỏ về bên nhà anh cu Mùi. Thắm cũng đứng dậy, hai bàn tay cứ bện vào nhau, chậm rãi bước theo ông chú.
- Chú ơi - Thắm run run, thì thào - Thử lấy huyết của cháu xem có được không?
Ông cụ dừng chân, mỉm cười:
- Chú cũng đoán ra và vẫn chờ câu này của cháu. Nhưng cháu không sợ người làng dị nghị sao? Đời cháu còn dài, phải lấy chồng nữa chứ?!
- Thì cứ cứu người cho được đã, còn họ muốn nói gì thì nói... cháu mặc kệ !
- Ôi, cái nhà cậu Sinh này mới thật là người tốt phúc !
Rồi, quả nhiên, mọi cái diễn ra thật tốt đẹp. Sinh bình phục nhanh chóng đến kinh ngạc. Nhài vẫn thế, không vui, cũng chẳng buồn. Người làng ai cũng đến mừng cho Sinh. Ai cũng khen cô Thắm là người nết na, phúc đức; Ai cũng bảo cái nhà cô Thắm ấy sao mà kín đáo lạ !
Sau đó không lâu, các bô lão trong làng kéo đến nhà Sinh nói với hai vợ chồng rằng làng sẽ đứng ra làm đám cưới cho Sinh. Cô dâu mới là Thắm. Nhài choáng người, đầu óc sa xẩm. Nhưng làng đã nói vậy, không nghe không được. Không nghe làng thì ở với ai?! Vậy là Nhài cũng buộc phải thuận lòng.
Đám cưới diễn ra suôn sẻ. Trẻ con trong làng đứa nào cũng nhảy chân sáo. Người lớn trong làng ai cũng bận rộn và nói cười râm ran.
Sau đám cưới, Nhài vẫn như cái bóng trong nhà mặc dù Sinh và Thắm, không ai bảo ai, luôn để ý để không làm điều gì khiến Nhài phải nghĩ ngợi.
Năm sau, trong nhà đã có tiếng trẻ con khóc. Mùi nước đái tè dầm của thằng cu như liều thuốc thần diệu, khiến Sinh trở lại hoạt bát, cái tay lúc nào cũng muốn làm, cái miệng lúc nào cũng muốn cười.
Người đời vẫn bảo “Phúc bất trùng lai”. Nhưng, giờ đây, đối với Sinh, điều đó hình như không phải. Nhài tò mò đến bên thằng bé, cô cầm lấy bàn chân hồng nõn của nó, cô sờ cặp má lấm tấm mụn sữa của nó... cô ẵm nó lên; rồi cô thơm tho hít hà, rồi cô "níu nô" cưng nựng ... rồi cô đâm ra nghiện thằng bé, quý nó như thóc như gạo; lắm lúc còn tức giận mắng Thắm vì cái tội lơ đễnh, xuýt làm thằng bé ngã, khiến Thắm nhiều khi không khỏi ngạc nhiên, sững sờ đến ấm lòng. Tiếng khóc, mùi nước đái trẻ, mùi thơm hoi ngọt nồng từ thằng bé toả ra, truyền hơi ấm cho cả nhà, khiến Nhài dần dần biến đổi lúc nào không hay. Cái lạnh lẽo cô quả dần nhường chỗ cho những nụ cười, cho hơi ấm, cho sinh khí của tình mẫu tử đang ngỡ ngàng nảy nở tràn ngập trong cô. Và năm kế sau đó, thật không thể tưởng tượng nổi: Nhài cũng lại có mang !
Rồi, đúng như lời anh cu Mùi nói, vườn ruộng tự dưng cứ tốt bời bời, cây cối quanh nhà thì sum xuê mướt mát... Vải vóc do hai bà vợ dệt ra nhiều thế, cũng chẳng đẹp hơn như thứ vải Nhài đã từng dệt trước đây, mà chưa bao giờ đủ bán; còn lũ trẻ thì cứ thế mà thi nhau chào đời, choành choẹ, trêu chọc, khóc mếu, cười đùa, chạy nhảy, vòi vĩnh, kiện cáo... đến muốn vỡ nhà. Chỉ có một điều anh cu Mùi đã nói không đúng: Sinh chưa bao giờ thấy giức đầu vì lũ trẻ mắt đen láy, lốc nhốc, nhem nhuốc nhà mình cả.
Xuân Tàn Hoa Nở Xuân Tàn Hoa Nở - Nghiêm Lương Thành