Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Anh Đức
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1077 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uồn qua khỏi cụm tràm xơ xác vì bom đạn, đoàn khách chúng tôi dừng lại trên một bờ trâm bầu rậm lá. Sau kẽ hở của những thân cây trâm bầu nhú gai sắc, cánh đồng ngập nước lấp loáng như một tấm gương lớn. Anh giao liên nhấc cái nón sắt Mỹ trên đầu xuống nói:
- Tới chỗ đổi trực rồi, mình nghỉ đợi bên kia qua, mấy anh lo bẻ lá ngụy trang đi. Cánh đồng mấy anh sắp qua đây rộng tới ba bốn cây số, mà trống lắm!
Nói rồi anh vặt một nhánh trâm bầu trước mặt, giơ tay chỉ:
- Đó, mênh mông vậy đó!
Tôi để nguyên ba lô ngồi bệt xuống, dòm ra đồng. Hồi mùa khô năm ngoái tôi có đi qua đây. Vậy mà bây giờ cách đồng ngó coi khác quá. Ông trời đổ mưa chưa đầy một tháng mà nước đã ngập mênh mông như biển. Tôi đặt balô đứng lên đưa mắt trầm ngâm nhìn quãng đồng lát nữa đây mình sẽ phải vượt qua. Giữa trời trưa không hé một tia nắng, đồng nước nhấp nhô những làn sóng nhỏ, mải miết như trẩy về một bến bờ xa xăm nào. Trên cánh đồng nước đìu hiu đó không có gì ngoài những chòm gáo thưa với những khóm điên điển trổ đầy những bông vàng rực giống như sắc lông chim hoàng yến. Bên trên, bầu trời âm âm một màu tro. Đấy chính là bầu trời Tháp Mười tháng Bảy, trông như thấp hẳn xuống và trĩu nặng những nước. Tôi vừa bẻ vội mấy nhánh trâm bầu để ngụy trang vừa nói với anh giao liên:
- Nè, sao không cho tụi tôi đi đêm, có phải tiện hơn không hở ông bạn trẻ?
Anh giao liên bảo:
- Ôi, bây giờ ban đêm thì có khác chi ban ngày. Ban đêm tụi "cá nhái" đi soi còn dữ nữa đa anh!
Tôi lo lắng ngó nhìn đoàn người chúng tôi. Mười ba người. Súng ngắn thời nhiều mà súng dài thời ít, đâu chỉ có hai cây cạcbin của hai anh chiến sĩ cận vệ trẻ. Ngồi xuống bên cạnh một anh cán bộ đeo khẩu "Braonin Canađa" loại bắn mười lăm phát, tôi nói:
- Anh à, mình đi công tác đeo súng ngắn có gọn, nhưng tác dụng đánh trả kém lắm!
Anh gật đầu:
- ờ, tôi cũng tính kỳ này về đơn vị tôi cũng sẽ rán kiếm một cây cạcbin, hễ đi đường đụng biệt kích là mình có thể té xuống quật lại liền. Hay là gặp trực thăng, mình "chiếu" lên, nó cũng phải kiêng!
Anh giao liên đang ngồi vấn điếu thuốc, chợt nói chen:
- Trời đất, người ta kiếm súng ngắn không ra mà mấy anh chê. Mấy anh không nghe phụ nữ họ hát à?
- Hát sao?
- Súng dài súng lớn em cũng chớ có màng.
Dây dù "côn nớp" mới chính là chàng em yêu!
Anh giao liên đọc luôn câu đó rồi nhoẻn cười một cách rất là hóm. Anh xin tôi lửa đốt thuốc và bật đứng lên, ngó qua ven đồng phía bên kia. Anh nói:
- Bữa nay tới phiên chị Ba trưởng trạm đi chuyển qua, bộ mắc còn lo dỗ con hay sao mà tới trễ quá!
Tôi ngẩng lên:
- ủa, lần trước tôi có qua trạm đó thấy trưởng trạm là anh gì đó mà?
- ờ, anh Ba. Nhưng ảnh đã hy sinh. Cũng trên cánh đồng này, hồi tháng nắng. Bữa đó ảnh bắn cây bá đỏ, tả xông hữu đột với mấy con trực thăng cá nhái, giải thoát cho đoàn khách. ảnh là chồng của chị Ba. ảnh chết rồi, chị Ba mới lên thay. Hoàn cảnh gia đình chị có hơi bê bối, có một đứa con còn nhỏ... Tụi tôi vẫn gọi chị là chị Ba Tương Lai.
Anh cán bộ mang khẩu "Braonin" bảo:
- Chị đó có cái tên nghe hay quá. Thời buổi cách mạng này, anh chị em mình ai cũng đặt tên tốt.
Anh giao liên vội thanh minh:
- Không, cái tên đó không phải do chị Ba tự đặt cho mình đâu. Mấy anh cán bộ, bộ đội qua đường đặt đó chớ. Chẳng là cái trạm của chị hấp dẫn, không "hẻo" như trạm của tụi tôi. ở đó thường có nhiều chất tươi, lươn cá dễ kiếm, nhiều khi có cả dừa xiêm, chuối chín, còn trà thuốc kể như dự trữ thừa sức. Cho nên mấy anh khách thường qua lại đây kêu chỉ là chị Ba Tương Lai, nghĩa là tới trạm của chị thì có tương lai lắm. Tôi nói thiệt, chiều nay mấy anh tới đó rồi biết, đám nữ giao liên em út của chị Ba cũng đông, chớ không phải đều là dân đực rựa như bên trạm tụi tôi đâu!
Dứt câu, anh giao liên lại nhoẻn cười cái nữa, nụ cười này cũng không kém phần ranh mãnh. Những điều mà anh giao liên vừa nói dĩ nhiên là khiến cho cả đoàn khách chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Nhưng riêng tôi, cái khiến tôi lưu ý suốt tự nãy giờ chính là chuyện về cái chết của người chồng và sự thay thế của người vợ. Tôi định gợi hỏi thêm, nhưng anh giao liên đã buông chuyện, rướn người đặt ngón tay cái và ngón trỏ vòng quanh mắt ngó qua ven đồng bên kia. Lần này, anh hớn hở reo lên:
- Mấy anh ơi, tôi bỏ ống dòm ngó thấy chị Ba qua rồi. Đó, đó, mấy anh thấy chưa?
Tôi nhỏm dậy, nhìn theo hướng tay của anh giao liên. Quả là thấy có dạng người mặc quần áo đen nhô ra khỏi ven vườn thật. Lát sau, đã thấy nước tóc trắng dưới chân họ. Rõ ràng là họ đã bắt đầu băng đồng. Hình như có hai người. Họ băng ngay về hướng chúng tôi. Lúc ấy chợt có mưa. Mưa rơi nhẹ nhàng, lâm râm khắp mặt đồng nước. Tháng Bảy bao giờ mà chẳng thế. Bầu trời âm âm sũng nước của Tháp Mười rất sẵn sàng mưa. Khi ta nghe hơi gió trở lạnh là sắp mưa đấy thôi. Những cơn mưa nhỏ, những trận mưa to. Trong mưa, cánh cò vẫn bay lả chập chờn từ mặt ruộng nước này tới mặt ruộng nước khác. Và những con le le, bói cá vẫn te rẹt ngoi lặn. Đâu đây nghe vẳng tới tiếng kêu ré của những con trích sống nơi lùm bụi nửa ngập nửa nổi. Cảnh Tháp Mười mưa là cái cảnh quê hương dầm tắm sau suốt sáu tháng ròng chang chang nắng lửa, là cái cảnh lặn lội kiếm ăn miệt mài của con chim ruộng, con cá đồng. Đối với tôi thì cảnh Tháp Mười mưa dễ khơi dậy bao kỷ niệm thấm lòng về những năm tháng gian lao, về những nỗi đắng cay căm uất, về cái thời chúng ta chỉ có trái tim sôi sục mà trong tay chưa có sắt.
Mưa vẫn rơi nhẹ nhàng trên đồng nước. Hai bóng người bên kia mỗi lúc một gần lại. Nếu anh giao liên không nói trước, bây giờ tôi cũng có thể nhận ra họ là phụ nữ. Cả hai đều vén quần lên tới vế, do đó mà tôi biết được nước đồng chỉ lên quá gối một chút. Chốc sau, cơn mưa ngơi ngớt dần, và cánh đồng lại trở nên quang tạnh. Người phụ nữ đi đầu có vẻ cao lớn, còn người đi sau thì thấp bé hơn. Anh giao liên nói:
- Người đi đầu là chị Ba đó.
Dần dà hai người đã hiện rõ trước mặt. Vậy là tôi đã hình dung không đúng cho lắm. Cái chị Ba Tương Lai này cao lớn chớ không nhỏ nhắn như tôi tưởng. Chị ta coi vạm vỡ, tướng đi xốc xáo, và có một cái búi tóc rất to. Còn cách bờ trâm bầu chỗ chúng tôi ngồi nghỉ chừng vài công đất, chị ta đã nói vọng vào nghe oang oang:
- ừ, tới rồi đó hả, mấy ông nhỏ?
Anh giao liên đáp:
- Tới lâu rồi, bộ còn lo dỗ con sao mà tới trễ vậy chị Ba?
- Trễ gì?
Chị Ba Tương Lai bác luôn. Chị hỏi anh giao liên:
- Giấy tờ của mấy ảnh đâu?
Anh giao liên liền giơ cái nón sắt, rút ra một cuộn giấy đi đường đưa cho chị Ba. Chị Ba coi giấy tờ. Đang coi, bỗng chị ngước lên:
- Mấy anh chú ý nghe, tôi xướng danh tánh hễ tôi kêu tên ai, người đó hô "có" giùm!
Thế rồi chị bắt đầu xướng tên chúng tôi, giọng ồ ồ như giọng đàn ông. Anh khách nào đáp "có" thì chị liếc nhìn anh ấy như để nhận mặt. Xong xuôi, chị cuộn mớ giấy nhét vào túi áo, đi lịch phịch từ đằng đầu cho chí đằng đuôi đoàn khách, dòm ngó coi từng nhánh lá ngụy trang. Anh nào ngụy trang kỹ thì chị không nói chi, còn anh nào ngụy trang sơ sài thì chị không chịu:
- Đồng chí làm ơn bẻ ít nhánh trâm bầu giắt thêm cho tôi nhờ coi!
Hoặc chị bác bỏ:
- Ngụy trang như vậy đâu có được!
Bỗng nhiên giọng chị trở nên khe khắt, mà lại có vẻ hơi hách dịch nữa. Tôi cảm thấy thú vị, bởi vì lâu nay tôi thường thấy những cô giao liên năn nỉ thuyết phục khách nhiều hơn, còn ở chị trưởng trạm này chị tỏ rõ chị có cái uy quyền của chị. Nhất là có những anh bạn cùng đi với tôi còn lần chần chưa chịu cải sửa, nên chị ta nói nếu chừng nào tình trạng ngụy trang còn lôi thôi thì chị chưa thể dẫn đi được. ấy, chị dõng dạc nói như thế. Nói rồi còn cười nữa chớ. Nhưng chị chỉ cười mỉm, rồi liền lập nghiêm lại ngay.
Chuyện ngụy trang tất nhiên rồi cũng đâu vào đấy cả. Chúng tôi khoác ba lô lên vai chuẩn bị lên đường. Chị Ba tay cầm trái lựa đạn da láng lận trở vô lưng. Chị nhắc nhở chúng tôi khi đi qua đồng phải cố vượt cho nhanh, càng nhanh càng tốt. Hễ có máy bay cũng cứ bình tĩnh đợi lịnh chị, chớ dứt khoát không được mạnh ai nấy làm theo ý mình. Chị bảo cô nữ giao liên:
- Em dắt mấy anh đi trước, cho giãn cự ly ra chừng hai tầm đất, để chị đi sau.
Đoàn khách chúng tôi lần lượt theo cô giao liên lội xuống đồng nước. Tôi là người đi áp chót, tức là sau tôi chỉ còn có chị Ba. Nước đồng sâu quá gối một chút. Đây là cái tháng vất vả nhất cho những ai ngược xuôi qua Đồng Tháp. Thà như đi sớm hơn một tháng thì còn khô, hay là đi muộn hơn một tháng thì lúc đó sẽ được đi xuồng. Chớ bây giờ cỏ Tháp Mười bị mưa còn chưa đủ chết. Biển cỏ dầm mình trong làn nước nửa chua nửa ngọt bởi phèn xì lên và mưa trút xuống. Nước trên đồng nhờ có chất phèn nên trong veo, có thể ngó thấy rõ từng đàn cá chạy, từ con cá rô đen mun tới con cá sặc anh ánh sắc tím. Trên mặt đồng nổi lềnh bềnh nhiều ốc bưu ốc lát, con ốc nào cũng đóng rêu xanh rờn. Ban nãy cánh đồng còn tĩnh lặng, bây giờ tiếng chân chúng tôi lội bì bõm khua động ỏm cả lên. Mưa đã ngớt hẳn. Tôi đi ngang qua những bụi bông súng nở bông to như hoa quỳ, và những cọng bông súng màu vàng rêu lả lay dưới làn nước bị khuấy động làm cho tôi cứ như ngửi thấy mùi mắm kho từ ven xóm ở bên kia phất tới. Đồng bằng tháng nước thiệt không có gì thân thuộc bằng cái mùi mắm kho, khi mà trên đồng đã rất sẵn bông súng. Ven xóm ngan ngát khói lam phía trước mặt chúng tôi mới thiệt là ấm cúng, thiệt là hứa hẹn làm sao. Tôi háo hức muốn tới đó cho sớm sủa, vì ở đó chắc chắn sẽ có đủ những thứ mà khi ở rừng tôi hằng khao khát: này là tiếng hỏi thăm trìu mến của các mẹ già, này là tiếng đánh vần của các em vang vang từ một ngôi trường, rồi thì mùi rơm mục, mùi hương của những bông cau... Xóm làng giải phóng của chúng ta quả là cái đích chan chứa hy vọng của mỗi chặng đường. Khi chân tôi đã thấy mỏi, thì chính làn khói lam trong xóm kia lại như vẫy gọi tôi đi nhanh tới. Thỉnh thoảng tôi dòm ngoái lại phía sau, nhìn bờ cây trâm bầu chỗ xuất phát ban nãy để ước lượng coi mình đã đi bao xa. Rặng trâm bầu ấy cứ lùi dần, mờ dần. Có lẽ chúng tôi đã đi được nửa cánh đồng, hoặc quá nửa một chút. Tuy vậy, chúng tôi cũng chưa được yên tâm. Khi chúng tôi còn lội sồn sộn giữa đồng nước quang trống thế này thì mọi sự bất trắc vẫn còn có thể xảy đến. Tôi còn lạ gì những cuộc đổ quân chớp nhoáng, hỗn hào của tụi trực thăng, và tôi cũng chẳng lạ gì những chiếc L.19 chúa hay bắn rốc két. Đi giữa đồng nước này, tôi có cảm tưởng giống như đang qua sông Tiền sông Hậu. Nói chung đây là cái cảm tưởng thấp thỏm ở những chỗ căng nhất của những lộ trình.
Chị Ba Tương Lai vẫn đi phía sau, cách tôi chừng một công đất. Tôi biết rõ là chị có thừa sức vượt qua tôi, vì chị là dân đồng nước. Đó là tiếng chân chị bỏ xuống nước nghe tom tõm gọn hơ chứ không khua ầm lên như chúng tôi đâu. Tôi nghĩ chị đã đi rốn chậm lại, bởi tôi không tài nào đi nhanh hơn được nữa. Nhưng giá như tôi có nhường chị lên trước, chắc chắn chị cũng sẽ không lên đâu. Dẫu sao, đó cũng là chỗ đi của chị. Những người công tác đường dây bao giờ cũng đi đúng chỗ của họ. Và hầu hết các chỗ ấy đều là chỗ hiểm nguy.
Ven vườn không còn bao xa nữa. Phía trước, cô giao liên dẫn đầu đi rất nhanh. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng gì ù ù. Ban đầu tôi ngỡ là gió lộng. Nhưng ở đằng sau, chị Ba đã la lớn:
- Có hơi "cá nhái" nhen, chuyến đàng trước vượt mau lên!
Tôi lặp lại:
- Có hơi trực thăng đó, đi mau lên anh em!
Cả đoàn người tức khắc hối hả ra sức vượt nhanh. Lát sau, tiếng trực thăng HU.1B vọng tới rất rõ. Tôi nhìn thấy cô giao liên phía trước đã bắt đầu chạy. Rồi cả đoàn chúng tôi đều chạy theo. Tiếng chị Ba vang lên:
- Nó đi về hướng mình đó. Anh em cố rán chạy mau chút nữa đi!
Tôi chạy, và áo quần đều bị ướt hết. Lúc nào mệt quá, tôi dừng lại thở. Bây giờ tiếng trực thăng đã vỗ nghe phành phạch. Vừa may lúc ấy tốp anh em đi đầu đã vô tới mí vườn. Cô giao liên lẫn vào trước. Rồi những anh khách kế đó cũng nhập vào vườn như cô. Tôi mới đứng lại thở được một hơi, liền lập tức chạy tới nữa. Một chiếc trực thăng cá nhái xuất hiện trên vòm trời. Nó lù lù lủi tới, in hình một đốm đen tròn quay trước mặt. Nhìn thấy nó tròn như vậy, tôi càng thêm lo, vì như vậy chính là nó đi ngay về hướng chúng tôi rồi. Tôi chỉ kịp trông thấy chiếc trực thăng cá nhái đó, và bây giờ tôi chỉ biết dồn sức chạy sao cho thiệt nhanh vào mí vườn. Chợt lại thoáng nghe tiếng chị Ba:
- Nó sà xuống nhen. Coi chừng nó bắn!
Chị Ba vừa la lên xong thì một tràng đại liên đã nổ chát chúa. Loạt đại liên từ trên chiếc "cá nhái" bắn kéo dài tới cả phút. Đạn rơi lỏm chỏm ngay trước mặt tôi. Chiếc trực thăng bắn từ mí vườn bắn ra. Đoàn chúng tôi đã lọt vào vườn được một nửa. Chỉ còn lại trên đồng nước sáu người, bốn anh ở trước tôi, và chị Ba ở sau lưng tôi. Chợt một trong bốn anh phía trước đứng lại. Đó là anh cận vệ trẻ. Anh chĩa khẩu cạc bin nhằm trực thăng mà nổ "đoàng... đoàng". ánh lửa nháng lên phía dưới bụng chiếc trực thăng. Cả hai phát đạn của anh bảo vệ đều bắn trúng. Chiếc trực thăng vọt lên cao hơn. Nhưng nó vẫn bay phành phạch, phành phạch. Cái dạ bọc thép của nó đã chịu được hai phát đạn. Nó bay trờ tới, tiếp tục nã đại liên xuống. Tôi chạy rấn trong cơn mưa đạn. Chạy mấy bước thì đã thoát khỏi tầm đạn của chiếc trực thăng bắn xuống. Năm người chúng tôi đều lần lượt vào được mí vườn, nhảy thót lên bờ mương và chạy dọc theo những gốc dừa lùn. Bấy giờ tôi ngoái nhìn ra sau để coi chị Ba vô tới chưa, thì không thấy chị đâu cả. Tôi ngó quá ra đồng nước, bàng hoàng thấy chị còn ở ngoài, mà chiếc trực thăng thì đang sà xuống ngáng ngay đường chạy của chị. Chiếc chong chóng gỗ ép trên thân máy bay quay chậm lại, bạch bạch. Không nghe chúng nổ súng nữa. Và bóng chị Ba từ từ bị cái lườn to tướng của chiếc trực thăng đang hạ đó che khuất. Máy bay gần như đã đỗ hẳn, nhưng động cơ của nó vẫn gầm vang. Mặt nước cuộn sóng, rập vã vào nhau. Tôi hiểu ngay rằng bọn giặc trên máy bay rắp tâm tính bắt sống chị Ba. Tôi la lên cho mấy anh trước biết. Anh em quay trở lại. Anh nào cũng kêu:
- Trời ơi, chắc tụi nó bắt được chị Ba quá!
Đứng lại ven vườn, chúng tôi nhìn thấy tận mắt bọn Mỹ từ trên máy bay xổ xuống. Anh cận vệ bắn cạcbin chĩa thẳng súng ra đồng:
- Để tôi "giã" nó mấy phát, may ra nó hoảng nó hay lên.
- ừ, bắn đi!
Ba phát "cạcbin" nổ "đoàng đoàng đoàng". Chiếc trực thăng vẫn lì lợm gầm thét. Chốc sau bọn Mỹ túm được chị Ba. Chúng hấp tấp lôi chị đẩy đến cửa hông máy bay. Mấy thằng đứng trên với tay kéo chị Ba lên. Anh cận vệ trẻ lại nổ súng. Anh đứng xổng lưng mà bắn. Bọn Mỹ còn ở dưới rối rít chen nhau nhảy lên. Khẩu đại liên của chúng bắt đầu day họng khạc đạn về phía chúng tôi. Các gốc dừa lùn trên bờ mương bị đạn đại liên cày sướt. Chúng tôi nhảy xuống mương. Đứng dưới mương tôi nghe đạn bay viu víu, và khi tôi chồm lên ghé mắt nhìn ra đồng thì chiếc trực thăng đã từ từ bốc mình lên. Tôi gào:
- Bắn, bắn nó!
Anh cận vệ đã bắn hết một băng đạn, nhưng chiếc trực thăng vẫn không hề hấn gì, nó vẫn cứ ầm ã bay. Tôi thất vọng quá, hai bàn tay cấu nát cả bụi cỏ bờ mương, bất lực nhìn chiếc trực thăng lên cao dần. Tôi nhủ: thôi thế là hết! Chị Ba coi như đã bị chúng bắt đi rồi. Tai tôi tự nhiên váng ù lên, và tiếng chong chóng trực thăng bành bạch quay nhanh kia như đập túi bụi vào giữa tim tôi. Lòng tôi mỗi lúc càng bị vò xé hơn lên vì suốt nãy giờ tôi nhìn thấy cái ý định chị Ba dùng thân chị làm mồi dụ địch bộc lộ rất rõ. Tôi thẫn thờ nhìn chiếc trực thăng quái quỷ đang bay, khi mà đồng nước bên dưới hãy còn cuồn cuộn, dào sóng. Bỗng có anh kêu:
- Cái gì rớt, cái gì rớt xuống kia kìa!
Nghe tiếng kêu, tôi trố mắt nhìn và thấy có một vật gì như một bóng người vừa thoát ra bên hông chiếc trực thăng, rơi xuống. Tôi thét:
- Trời ơi, in như chị Ba nhảy xuống, mấy anh ơi!
Khi tôi vừa thét lên như thế thì phía chiếc trực thăng đang bay bỗng nổ ầm một tiếng, cả chiếc trực thăng vụt chao nghiêng đi. Kế đó chiếc trực thăng bốc khói cuồn cuộn, rồi lửa bùng dậy đỏ rực. Còn cái bóng đen trên không trung giờ cũng vừa rơi tòm xuống đồng nước. Tôi thấy cái bóng đó nhổm ngay dậy, chạy thẳng vào bờ vườn chúng tôi đang núp.
- Đúng là chị Ba rồi!
Tất cả mấy anh em chúng tôi không ai bảo ai đều vọt lên khỏi mương, chạy ngược ra. Chị Ba bươn bươn, vấp ngã, rồi lại bươn tới. Gần đến chúng tôi, chị dừng lại một chút, rồi vừa đi cà nhắc vừa vuốt nước chảy ròng trên mặt. Chị hổn hển hỏi:
- Mấy anh có... có sao không?
- Không. Còn chị?
- Cũng không... chỉ có cái chân nghe hơi đau chút. Lúc nhảy xuống gần tới tôi co dúm chân lại, vậy mà... mà vẫn bị quệt đất... Bộ... bộ mấy anh tưởng tôi bị... bị nó lượt rồi hả?
- Nghỉ một chút đi, chị Ba.
Chị Ba ngừng nói, thở dồn. Lát sau chị tiếp:
- Nó lôi tôi lên, nó đâu dè tôi lận trái lựu đạn ở lưng quần. Máy bay vừa bay lên, tôi lấy lựu đạn ra rút chốt tống vô đám Mỹ trên máy bay rồi nhảy đại ra cửa...
- Trời đất!...
Anh cận vệ trẻ la lớn và nhảy tới trước mặt chị Ba, khom lưng xuống:
- Chân chị đau, vậy lên lưng tôi cõng chị đi!
- Thôi thôi... ai làm kỳ cục vậy mà.
Trong lúc anh bạn trẻ đòi để được cõng chị Ba, tôi ngẩng nhìn chiếc trực thăng. Nó đang cố gượng bay. Thân hình con "cá nhái" Mỹ khốn kiếp đó đang bốc lửa dữ dội, chao qua chao lại. Lết tới được một quãng ngắn nữa, nó nổ thêm mấy tiếng "phùm phùm" rồi lật ngửa bụng rơi xuống mặt đồng nước bấy giờ cũng vẫn lồng bóng cái bầu trời âm âm một màu tro. Mấy anh em chúng tôi sướng quá, đồng thanh kêu "rớt rồi, rớt rồi!" và nhảy tung tóe cả nước lên đầu lên cổ. Riêng có mỗi chị Ba là vẫn đứng yên. Người đàn bà trưởng trạm to lớn đó chống nạnh đôi tay nơi mạn sượn, đăm đăm ngó mãi về phía cái đống đen lù lù ngút khói của chiếc trực thăng vừa rơi. Tôi chợt nghĩ chỗ đó có thể là chỗ anh Ba chồng chị đã ngã xuống hồi tháng nắng. Rất có thể như vậy. Vì anh giao liên chẳng đã nói cho chúng tôi biết là anh Ba đã hy sinh tại quãng đồng này đó sao. Cả mấy anh em chúng tôi đều im lặng. Chắc ai cũng thoáng có ý nghĩ như tôi.
Bỗng chị Ba bảo:
- Thôi mình đi, mấy anh! Đi về đặng còn báo tin cho mấy ông du kích ra phanh thây nó. Nó cháy dữ quá, chẳng biết súng ống có còn được cây nào không?
Xôn Xao Đồng Nước Xôn Xao Đồng Nước - Anh Đức