The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 765 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ó thể tôi đã là một trong những người có tài viết thơ hay nhất thế giới. Chỉ với những lá thơ màu hồng đẫm nữ tính viết vội trong chừng nửa giờ đồng hồ mà mấy bữa trước tôi đã làm cho nhà bà Xí Mèn nườm nượp những đàn ông ra vô.
Người vô gườm gườm nguýt người ra. Người ra, tuy cố tỏ ra lịch sự, song miệng thì vẫn lầu bầu rủa kẻ ngó mình bằng ánh mắt chẳng mấy thiện cảm.
Người ra, là ông Năm Xà Lỏn, chồng cũ của bà Xí, ba ruột của cô Oanh và cô Phượng. Ông Năm về ở với bà Xí Mèn từ năm 1977, chung sống với nhau ba năm. Rồi cho rằng mình bị dồn vô cảnh nghèo khó là do vợ, ông Năm đã bỏ nhà đi tìm cuộc sống mới. Lưu lạc chán, ông dừng chân ở quận 8, sống với một người đàn bà khác. Mười tám năm qua, ông hầu như không hề tới thăm con một lần nào.
Còn người vô là ông Trâu Què, dượng kế của hai cô gái. Ông Năm bỏ đi được vài ba năm thì ông này khập khiễng chống nạng tới sống với bà Xí Mèn. Gần đây, cậy mình trẻ hơn vợ tới mười tuổi, ông Trâu lấy cớ bịnh tật chẳng chịu làm ăn gì ngoài việc tối ngày đi nhậu trong các quán cóc. Dù đã có thêm một bé gái trong lần đi bước nữa, nhưng chán cảnh anh chồng vô tích sự, bà Xí tức giận, đuổi ông Trâu ra khỏi nhà. Nghe nói, hôm bị vợ đuổi, ông Trâu cười hơ hớ, tí tởn biểu tôi rằng ông rất mừng khi thoát được cái nợ đời.
Hai người đàn ông mặc com lê xanh, thắt cà vạt tím, ôm trên tay hai bó hoa thắm đỏ đến nhà bà Xí Mèn hôm ấy là bạn của cô Sáu, em ruột ông Năm, đang cư trú tại Anh. Một người tên là Ming, trạc 30 tuổi. Theo lời giới thiệu trong thơ cô Sáu gởi về trước đó thì Ming đã có vợ, ba con. Vợ Ming là một phụ nữ gốc Xcốtlen đã bỏ anh ta. Qua thơ, anh ngỏ ý rất muốn lấy Oanh. Người đàn ông thứ hai có tên là Pôn. Cứ theo như anh ta từng kể thì trong một lần tới thăm Ming, biết Oanh có một cô em gái khá xinh, Pôn bèn nhờ bạn giới thiệu giùm. Cũng như Ming, mấy tháng nay anh ta đã gởi thơ cho Phượng và nhận được thơ trả lời của cô khá đều đặn, chỉ không hay những lá thơ màu hồng đó đều do một tay tôi viết hộ, thương hộ...
Hai chàng rể ngoại quốc ôm hoa bước vô cửa. Lúc này, tôi bỗng thấy vẻ mặt tươi roi rói của ông Trâu và ông Năm ló ra. Ông Trâu tay đưa ra phía trước, vồn vã:
- Mời hai anh vô chơi. Qúy hoá qúa à!
Nghe ông Trâu kêu ngọt xớt, ông Năm khẽ biểu:
- Ông làm ơn vô coi hai đứa trang điểm xong chưa? Rồi biểu có hai anh đây tới chơi, nghe!
Tuy lộ ý không vui nhưng ông Trâu vẫn cố từ tốn nói:
- Ông Năm rót nước mời hai anh xơi giùm nha! Tui sẽ kêu hai đứa ra liền à...
Lúc ấy, bà Xí Mèn mới từ chợ về. Ông Năm te tái chạy ra, tay đỡ lấy cái giỏ, miệng liến thoắng:
- Má sấp nhỏ vất vả quá! Để tui đỡ cho một tay.
Những lúc khác, chắc hẳn Năm Xà Lỏn đã bị một cái tát tóe máu mắt rồi. Nhưng trong tình thế hiểm này, bà Xí Mèn chỉ còn biết bấm bụng, tươi cười:
- Chào anh Ming, anh Pôn! Chắc vất vả lắm hai anh mới kiếm được nhà chúng tui?
Rồi thấy ông Trâu đang thập thò trước cửa buồng, không biết làm thế nào, bà Xí hạ giọng bảo:
- Cảm phiền ông kêu giùm mấy ly cà phê đá...
Ông Trâu chưa kịp làm theo lời bà Xí thì ông Năm đã chạy sang quán cà phê, lễ mễ bưng về mấy ly cà phê. Hai cặp mắt nhìn nhau nảy lửa. Nhưng tôi biết hoàn cảnh không cho phép họ to tiếng với nhau. Cả hai cùng mỉm cười.
- Mời ông ra dùng cà phê chơi với...chúng tui - Ông Năm thản nhiên nói.
- Dĩ nhiên. Tụi tui... Rất, rất hân hạnh được ông... ghé qua chơi! Ông Trâu cũng vừa cười vừa nói to.
Tôi cảm thấy lo hộ cho bà Xí bởi thấy Ming và Pôn có vẻ hơi ngẩn người ra, lộ rõ vẻ bối rối.
Mời họ ngồi xuống ghế, ông Năm ngầm giới thiệu bằng cách hỏi:
- Cô Sáu nhà tui bển vẫn mạnh chớ anh Ming?
- Dạ, thưa...ba, cô con vẫn mạnh ạ. Cổ có thơ riêng cho ba đây...
- Thôi được, thôi được. Tui mừng quá. Ai ngờ con em tui nó giỏi quá ha. Chọn liền cho tui hai chàng rể đáng mặt rể a!
Bà Xí ngoắc mắt:
- Được rồi. Ông để chuyện mấy đứa nhỏ đó tui lo! Bây giờ, ông về lo chuyện nhà đi...
Ông Trâu cười hi hi nhìn ông Năm bước ra cửa.
Lúc ấy, tôi thấy ông ta chạy vội ra đầu cầu Tân Thuận, chặn ông Năm lại.
Tưởng họ sẽ to tiếng với nhau, tôi vội chạy theo để lựa lời khuyên can. Nhưng tôi đã đoán sai. Khi tới nơi, tôi thấy ông Trâu đang giúi vô tay người chồng cũ bạc tình của vợ hai trăm ngàn và nói:
- Bà ấy biểu ông mà còn qua quậy như thế nữa, một xu lẻ cũng không có phần đâu nghe!
- Giỏi ha! Để coi ai cho ai tiền nào! Không có tui, thử hỏi có ai thèm ngó tới các người? Tui thì...
- Thì làm gì nào? Ông mà quậy, tui sẽ không nể mặt, nói cho thằng Ming, thằng Pôn biết rõ về ông cho bõ ghét a! Nhớ lấy!
Câu đe dọa có vẻ hiệu nghiệm. Ông Năm cười gượng, nháy mắt với tôi rồi đút tọt tiền vô túi, đi về phía một quán nhậu quen thuộc.
Chờ cho ông Năm khuất hẳn, ông Trâu cười nụ, thò tay vô túi nắn nắn xấp tiền hai trăm ngàn đồng mà ông vừa ăn chặn được, rẽ nhanh vô một tiệm ka rao kê.
Hai hôm sau, tôi gặp ông Năm trong lúc ông đang nài nỉ chị tôi cho vay ba trăm ngàn. Vay tiền xong, ông kêu Oanh và Phượng sang, biểu:
- Nghe nói người đẹp vì lụa vì là. Bao năm nay ba chưa may cho các con cái áo nào. Bữa nay ba có chút lòng...
- Nhưng ba kiếm đâu ra tiền? Phượng hỏi.
- Vay nóng cô Hai chị chú Ba đây chớ đâu. Rồi, chờ có tiền các con cho là ba sẽ thanh toán lại cho cổ liền à...
Nghe nói thế, hai cô gái nhìn tôi với vẻ ngượng ngập, xịu mặt xuống, bỏ về nhà.
Ở bên kia, ông Trâu Què đang ngồi trước cửa, thấy Oanh và Phượng, ông bèn đứng dậy, ngọt ngào:
- Dượng đã bớt tiền nhậu mua cho mỗi đứa một cái bóp đầm đây nè, đẹp không? Không có công đẻ nhưng cũng có công nuôi à...
Hình như bà Xí Mèn biết hết mọi chuyện. Nên lúc hai người đàn ông trở lại, tôi nghe rõ tiếng bà la huầy huầy:
- Các ông không xứng là ba sấp nhỏ. Đừng tới đây quậy nữa; để tui yên bề lo cho chúng!
- Bà nói nghe không lọt tai, chúng nó không phải là con tụi tui sao?
Rồi, không nói không rằng, cả hai ngã vật ra nền nhà, đánh một giấc. Ai mà đi chấp với hai thằng say?
Bỏ sang nhà chị tôi, bà Xí nói với tôi và chị tôi rằng bà rất lo lắng. Chiều nay, hai chàng rể tương lai sẽ tới nhà bà để bàn chuyện cưới xin. Bà hỏi, nếu chúng tôi ở địa vị bà thì sẽ phải làm như thế nào đây để hai chàng rể không biết gia cảnh nhà vợ như thế này? Bà biểu chị tôi, nếu bà có tiền thì việc tống Năm Xà Lỏn và Trâu Què chẳng khó khăn gì! Chỉ ngặt một nỗi là, bà vừa rân rấn nước mắt vừa kể, vào ngày hôm trước, Năm Xà Lỏn và Trâu Què đã gặp bà và khăng khăng đòi bà đưa trước cho mỗi người một ngàn đô la. Không thì, họ hù dọa thế, sẽ phá tan đám cưới kép này cho mà coi!
Mọi chuyện tưởng như đã xong và đám cưới của Ming và Oanh được tổ chức khá linh đình.
Sau đám cưới, Ming mua cho Oanh một chiếc xe Dream.
Bữa đôi vợ chồng trẻ đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật, Trâu Què và Năm Xà Lỏn say khướt, cùng một lúc lảo đảo bước vô nhà bà Xí. Kẻ giữ tay lái miệng lè nhè kể công sinh thành, khăng khăng đòi dẫn xe đi. Kẻ níu yên xe leo lẻo nói câu dưỡng dục, cố sức kéo chiếc xe lại. Rồi không ai chịu ai, hai kẻ say lao vào nhau, cái xe đổ nghiêng, đè lên người họ.
Bà Xí Mèn van lơn đủ ngón. Nhưng cả hai người đàn ông cao thượng đều nói, đại để: nếu sau ngày Oanh xuất cảnh, cái xe kia không được chia ra làm ba phần bằng nhau thì chớ có trách tụi này ác, nghe chưa, tụi này đã báo trước rồi đó, nghe chưa!
Riêng Pôn, không hiểu vì lẽ gì, đã chủ động bỏ về nước. Giấc mộng xuất dương của cô Phượng vì thế cũng tắt ngấm theo. Cô chẳng còn lý do nào để mà tơ tưởng tới anh chàng mang tên ngoại quốc xa lạ kia nữa.
Còn tôi, tôi đúng là một người gặp may mắn? Than ôi, ở đời chẳng có cái dại nào giống cái dại nào! Bây giờ thì tôi đã sáng mắt ra. Tôi biết mình sẽ còn phải viết tiếp những lá thơ màu hồng cho ai đó.
Khổ thay là cái nghiệp viết ! Quen tay rồi, biết làm sao bây giờ?
Xí Mèn Xí Mèn - Nguyễn Quốc Văn