When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 866 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Ii: Ấn Độ - Nepal - Chương 44-46
4. Trại trẻ mồ côi ở Kathmandu
Sau chuyến đi xe khách ngày hôm đó, tôi đã rút ra được điều này: Đời người ai cũng nên đi xe khách ở Nepal một lần, nếu không phải vì cảnh đồi núi hùng vĩ thì cũng là vì cái cảm giác mạnh. Đường đèo Himalaya trập trùng, bác tài xế lại có máu phiêu lưu. Đường thẳng thì xe chạy chậm rì mà cứ chỗ nào vách núi cheo leo thì bác lại rú ga phóng vèo vèo. Ngồi trong xe tôi còn có cảm giácmình sắp bị quăng ra ngoài cửa xuống thẳng vực sâu, vậy mà mấy người ngồi trên nóc xe mặt mũi cứ tỉnh bơ như đã quen với chuyện này vậy.
Càng lên cao, không khí càng lạnh. Kathmandu từ xa nhìn lại giống một bức ảnh ai đó chụp với chế độ tilt-shift(*). Những ngôi nhà vuông vức, nhỏ nhỏ đều nhau nhấp nhô như những miếng ghép Lego đứa trẻ nào đó vô tình làm rơi. Lại gần hơn, bức tranh tilt-shift này bất chợt nổ tung ra thành trăm ngàn âm thanh hỗn loạn. Trên núi sao mà có nhiều người thế. Giữa đường đông nghẹt xe cộ. Hai bên đường là hàng trăm sạp quần áo nối tiếp nhau, hàng ngàn người chen chúc nhau xem hàng, bán hàng, nói chuyện, cãi cọ. Ngay cạnh bến xe là một vòng tròn người xúm đen xúm đỏ quanh một gánh diễn rong. Trên xe lúc bấy giờ có hai người khách du lịch khác, chúng tôi bắt chung một taxi đi về Thamel - trung tâm thành phố, thánh địa của tất cả dân du lịch ở Nepal.
(*) Tilt-shift (ống kính trượt) là kỹ thuật dịch chuyển và xoay ống kính để chỉ có một phần bức ảnh được rơ nét, tạo cảm giác chủ thể trong ảnh có kích thước nhỏ hơn nhiều so với thực tế hoặc trông như một món đồ chơi.
Mấy người đi cùng tôi check in vào một nhà nghỉ được gợi ý trên Lonely Planet. Tôi thì đã liên hệ trước được với Menuka, một CouchSurfer xin ở nhờ. Lúc bấy giờ tôi vẫn chưa mua được SIM điện thoại (mua SIM điện thoại ở Nepal cần ảnh và copy hộ chiếu), nên toàn phải hỏi người đi đường dùng nhờ điện thoại của họ gọi cho Menuka. Gọi năm lần bảy lượt tôi mới tìm được đến nhà cô. Bằng tuổi tôi, Menuka thuê phòng trọ ở cùng em trai trên Kathmandu. Hai chị em, lại có thêm bạn trai Menuka và tôi nữa là bốn người ở trong một căn phòng nhỏ xíu. Mặc dù chị em Menuka cực kỳ tốt bụng, ở đấy có vẻ hơi bất tiện nên tôi chỉ ở một đêm rồi xin phép đi đến trại trẻ mồ côi. Tôi muốn đi tình nguyện. Trước khi đến đấy, tôi đã lên CouchSurfing hỏi và được Maya, quản lý một trại trẻ mồ côi ở đó, rủ đến tình nguyện.
Children Wealthfare Home (ChildWH) nằm chênh chếch trên một ngọn đồi cách Thamel khoảng chục cây số. Đáng lẽ chỉ đi hai lần xe bus là tới rồi, tôi phát âm nhầm tên địa danh nên lần xe bus đầu tiên đưa tôi đến tít tận đầu kia thành phố, thành ra tôi phải bắt bốn lượt xe bus mới tới nơi, mất trọn hai giờ đồng hồ. Nhưng cũng nhờ vậy mà ngay ngày đầu tiên tôi đã có dịp đi vòng quanh khắp thành phố. Tình nguyện viên ở ChildWH lúc đó còn có ba mẹ con người Hà Lan. Gia đình này sống như dân du mục vậy. Cô Noah làm việc bán thời gian cho một công ty vận tải bán hàng không. Cái lợi của công việc này là nó cho phép cô sống ở bất cứ đâu cô thích, nên cô chẳng dại gì mà bỏ lỡ. Cô sống nay đây mai đó, dẫn luôn hai đứa con của cô đi theo. Hai bé học chương trình học từ xa với mẹ là người kèm cặp trực tiếp, nộp bài và thi cử qua Internet. Thế giới đúng là rất nhỏ. Con trai lớn của Noah có quen biết một người bạn người Việt Nam của tôi trên một diễn đàn về biến đổi khí hậu. Bạn tôi phục lăn cậu bé này. Theo đánh giá của bạn tôi, tuy mới mười bốn tuổi mà hiểu biết về lịch sử, văn hóa, môi trường cũng như cách tư duy, lập luận của cậu bé này, người tuổi bạn ấy (hai mươi tư tuổi) cũng khó ai bì kịp. Chúng tôi đồng ý rằng tố chất là một phần, nhưng một phần quan trọng khác là môi trường lớn lên của cậu bé. Từ nhỏ đã được theo mẹ đi khắp thế giới, cậu bé có cơ hội trải nghiệm trực tiếp nhiều nền văn hóa và những luồng tư tưởng khác nhau. Sự nhiệt tình của ba mẹ con nhà này làm tôi cũng bị cuốn theo. Chúng tôi hôm thì dạy các bé làm bánh, hôm thì mua sơn về sơn lại phòng ngủ cho các bé, hôm thì mua thùng rác về đặt quanh khuôn viên và dạy các bé về giữ gìn vệ sinh, hôm thì căng dây để mọi người ở đây phơi quần áo: mọi người ở đây toàn phơi quần áo ở ngay dưới mặt đất. Các bé ở đây cũng rất dễ thương. Tôi quyết định về lại Ấn Độ đi lễ hội Chim Mỏ Sừng (Hornbill Festival), rồi sẽ quay lại đây giúp Maya quản lý trại trẻ mồ côi trong ba tháng.
45. Không tiền về lại Ấn Độ
Mọi người có nhớ cặp vợ chồng Asenla và Temsu tôi gặp trên máy bay đi từ Kuala Lumpur xuống Kolkata không? Ban đầu tôi không nghĩ rằng hai người là người Ấn Độ bởi họ nhìn không khác gì người Đông Nam Á. Asenla mới giải thích cho tôi rằng họ đến từ Nagaland - một bang ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Vùng Đông Bắc Ấn Độ có bảy bang, được ví như bảy chị em gái và họ đều có văn hóa rất khác với phần còn lại của Ấn Độ. Đầu tháng mười hai hàng năm, bang Nagaland tổ chức lễ hội Chim Mỏ Sừng rất lớn, trong đó tất cả các bộ tộc địa phương sẽ trổ tài ca hát, nhảy múa, nấu nướng. Asenla nhiệt tình mời tôi lên thăm gia đình cô. Chúng tôi sau này giữ liên lạc trên Facebook và đến gần ngày lễ Asenla giục tôi về. Lúc bấy giờ, Nagaland còn là vùng hạn chế du lịch, ai muốn vào bang phải có giấy phép. Temsu có người quen làm trong chính quyền, anh nhờ họ làm giấy phép này cho tôi. Sau đó anh scan lại gửi cho tôi, tôi chỉ cần in ra mang theo người là được.
Tôi đi xe bus về lại biên giới Kakarvita phía Nepal, đi bộ qua phía Ấn Độ, bắt xe bus lên Siliguri. Đến đây tôi cần phải bắt tàu đi Nagaland, nhưng đến bến tàu hỏi tôi mới phát hiện ra mình không còn đủ tiền mua vé. Tôi quyết định sẽ đi nhờ xe lên Nagaland. Nhưng còn chưa ra đến được đường chính để đi thì tôi bị hai người đàn ông trên rickshaw chặn lại. Sau khi nghe tôi kể, họ mắng tôi bị khùng, muốn bị cướp bị hiếp chết hay sao mà đòi đi nhờ xe ở Ấn Độ.
“Chú làm bảo vệ ở ga tàu. Quay lại đây chú mua vé cho đi Nagaland”. Một người đàn ông bảo.
Mặc cho tôi phản đối, chú kéo tôi lên rickshaw đi ngược về ga. Đến đây chú mua cho tôi platform ticket chuyến tàu sớm nhất. Chú nói tiếng Anh không tốt lắm nên tôi cũng không hiểu chính xác platform ticket là gì. Vé tàu ở Ấn Độ bán hết rất nhanh, nếu không đặt trước thì sẽ không thể nào có vé mà đi được. Để giải quyết vấn đề này, công ty đường sắt Ấn Độ đặt ra platform ticket, có thể mua ngay tại ga, chỉ ghi từ ga này đến ga kia mà không ghi tên tàu, đừng nói tên khoang hay tên ghế. Mình lên kiếm được chỗ nào ngồi thì ngồi thôi.
Bác soát vé nhìn thấy vé này liền chỉ tôi vào một khoang nhỏ xíu nhưng ngập người và hành lý ở cuối tàu. Tôi xí cho mình được một chỗ cạnh cửa sổ, ngồi co ro dựa đầu vào thành tàu ngủ. Trời lúc đấy đã vào đông, càng về khuya càng lạnh. Tôi vẫn chỉ có mỗi cái áo khoác mỏng dính mua ở Kashmir và một cái khăn cũng mỏng dính mua ở Mumbai, cuốn mấy vòng vào người mà vẫn lạnh. Tàu xóc nên cái đầu tôi nó cứ va vào thành tàu lộp cộp. Mùi nhà vệ sinh nồng nặc. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình sống sót được qua đêm trên tàu. Lờ mờ sáng, những người xung quanh lục đục xuống tàu và giục tôi xuống. Tôi hỏi “Nagaland?”, họ gật đầu. Nhưng xuống đến nơi rồi tôi mới phát hiện ra đây mới chỉ là Guwahati, cách Nagaland ba tiếng nữa cơ. Tàu nghỉ một tí rồi chạy tiếp, để lại tôi ngẩn tò te không biết đi tiếp thế nào.
Sau khi nghe tôi giải thích, ban quản lí tàu bảo tôi đợi đến sáng mai có thể lên được một chuyến tàu khác đến Dimapur mà không phải mua vé mới. SIM điện thoại mua ở các khu vực khác ở Ấn Độ đến khu Đông Bắc này đều bị mất sóng, tôi phải nhờ một chị ở ga đấy gọi điện báo cho Asenla là tôi sẽ đến trễ một hôm. Đời có lắm bất ngờ. Tuy chị này không quen biết Asenla, nhưng hai người cùng bộ tộc Ao nên bắt điện thoại một cái là nói chuyện liến thoắng gì đó với nhau bằng tiếng Ao. Tự nhiên chị miệng vẫn còn đang nói chuyện điện thoại, tay đã cầm tay tôi kéo đi, đẩy lên một con tàu khác.
“Là sao ạ?”. Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, ngơ ngác hỏi.
“Không có thời gian giải thích đâu. Ngồi yên ở đấy, sẽ có người đến tìm em”.
Tàu bắt đầu chuyển bánh, chú soát vé đến rồi mà vẫn chưa có ai đến tìm tôi. Tôi lúng túng:
“Cháu xuống nhầm ga chuyến tàu trước, họ bảo cháu phải đợi đến sáng mai mới đi Dimapur được, trong khi cháu có việc gấp phải đến Dimapur ngày hôm nay. Lúc đấy vội quá cháu chưa kịp mua vé”.
Chú nhìn trước nhìn sau rồi nói nhỏ:
“Cháu biết tội trốn vé sẽ bị phạt thế nào không? Bây giờ chú có cách này giúp cháu. Chú có thể bán cho cháu một vé mới ngay trên tàu này với giá 1.500Rs”.
1500 Rs tức là hơn $30. Như thế thì có mà cắt cổ con người ta à? Tôi biết ngay mình đã trở thành món mồi béo bở cho các bác ở đây làm tiền. Tôi trưng bộ mặt hết sức khổ sở của mình ra:
“Cháu không có chừng đấy tiền đâu. Cháu đi lạc bố mẹ. Mọi người ở Dimapur hết rồi. Cháu là học sinh làm gì có tiền”.
“Điện thoại cháu nhìn cũng đẹp đó”.
“Cháu mà không có điện thoại thì đến Dimapur làm sao tìm được bố mẹ cháu. Cháu nói thật, cháu chỉ còn đúng 200Rs thôi”. Tôi giả bộ mở ví, lật túi ra cho chú xem rằng mình hết tiền thật. “Nếu chú không cho cháu mua vé thì chú phải đuổi cháu xuống ở ga tàu tiếp theo rồi”.
Chú đứng đấy nhăn mặt nhíu mày, cân đo đong đếm gì đó. Chắc nhìn tôi cũng có vẻ nghèo thật, nên chú cuối cùng cũng ậm ừ:
“Thôi được, chú sẽ chiếu cố cho”.
Đúng lúc tôi chuẩn bị đưa 200 Rs thì tự nhiên một chị từ đâu tất tả chạy tới.
“Em là Chip phải không?”.
“Dạ vâng ạ”.
Sau đó chị quay ra nói gì với chú soát vé, rồi móc ví đưa cho chú đấy 800 Rs mà chẳng hỏi han gì tôi. Mất công tôi nãy giờ mặc cả.
Chị dẫn tôi về ghế cạnh chị. Hóa ra sáng nay lúc Asenla nói chuyện điện thoại thì chị đang ở nhà một người bạn, mà bạn của chị lại biết một người đang ở trên tàu từ Guwahati về, nên mọi người sắp xếp cho tôi lên cùng chuyến tàu đó.
“Sao trùng hợp thế hải chị?”.
“Ha ha ha, Dimapur nhỏ lắm em ơi, ai cũng biết nhau cả”.
46. Lễ hội Chim Mỏ Sừng
Tàu đến Dimapur đi qua những cánh đồng lúa chín vàng óng ả, lấm tấm đầm hoa sen. Ven cánh đồng, những ngôi nhà nhỏ xinh xắn có vườn, có ao không khác gì phong cảnh làng quê Việt Nam yên bình. Nhà Asenla và Temsu là một căn biệt thự xinh xắn nằm trong một khu cũng toàn biệt thự. Hai người thừa hưởng căn biệt thự này từ bố của Temsu vốn là một Đức Cha đạo Tin lành.
“Nhà cô đẹp quá”.
“Hi hi, đẹp không? Đợi tối đèn lên còn đẹp nữa. Nhà cô cả tuần vừa rồi trang trí mừng Giáng sinh đấy. Deo vừa về nước cũng phải bắc thang lên treo đèn dây”.
Deo là con trai cả cô đang du học ở Singapore, tranh thủ kỳ nghỉ về thăm gia đình. Ngoài Deo ra, cô còn có con gái Leia mới mười lăm tuổi và con trai Arenlong thua tôi hai tuổi.
“Ở Việt Nam mọi người có đón Giáng sinh không?”.
“Ít lắm. Ở thành phố lớn thì các trung tâm mua sắm có trang trí cây Noel. Ở quê con trang trí cũng đẹp vì quê con là quê đạo. Nhưng ở các tỉnh thành khác thì không. Giáng sinh không phải là dịp nghỉ lễ”.
“Con theo đạo gì?”.
“Cơ đốc giáo ạ”. Tôi trả lời mà thầm nghĩ không biết mọi người ở quê tôi mà biết tôi đang đón Giáng sinh với người theo đạo Tin lành thì sẽ nghĩ sao. Ở quê tôi, mọi người còn khá cứng nhắc trong việc nhìn nhận các tôn giáo khác, hay thậm chí là các chi nhánh khác của cùng một tôn giáo. Tôi nhớ có một người họ hàng của tôi đi Mỹ về, cải sang đạo Tin lành đã bị gia đình phản đối kịch liệt.
“Cơ đốc giáo hay Tin lành cũng thế cả. Thiên Chúa chỉ có một mà thôi”.
Người Đông Bắc không chỉ nhìn giống người Đông Nam Á, mà cách họ ăn uống cũng rất giống người Đông Nam Á. Trong khi khắp Ấn Độ người ta kiêng ăn thịt lợn, thịt bò thì ở đây mọi người ăn tất. Họ cũng ăn lòng lợn, ăn măng, ăn đủ các loại lá kỳ quặc. Khi tôi còn ở đấy, Temsu còn mua ong về chiêu đãi tôi. Ong là đặc sản của khu vực này, ngon và cực kỳ đắt. Cách nấu nướng cũng khá gần cách nấu nướng ở Việt Nam mình. Tôi ở Ấn Độ và Nepal sụt cân trầm trọng thì khi đến đây lại tăng cân nhanh chóng.
Lễ hội Chim Mỏ Sừng được tổ chức tại Kohima, thủ phủ bang Nagaland. Kohima nằm tít trên đồi, cách Dimapur gần hai tiếng lái xe. Tôi lên Kohima lần đần tiên là đêm khai mạc lễ hội. Bé Leia, từng được giải nhì Tiếng hát triển vọng bang Nagaland, được mời hát trong đêm đấy. Lần thứ hai lên lễ hội Chim Mỏ Sừng, chúng tôi lên từ sáng sớm để không bỏ lỡ các màn trình diễn. Tôi hơi ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng lễ hội lớn nhất trong năm của khu vực được coi là mảnh đất của những lễ hội này phải đông hơn nữa. Khách du lịch rất rất hiếm. Tôi có lên một số diễn đàn du lịch tìm hiểu trước về lễ hội này thì nhận ra rằng rất nhiều khách du lịch không biết cách đến Nagaland thế nào, hay làm sao để xin được giấy phép. Nói như thế không có nghĩa là tôi thất vọng. Ngược lại, tôi thấy hơi hơi vui vui vì có thể tha hồ lượn lờ mà không phải chen chúc. Mỗi bộ tộc có một khu nhà riêng với kiến trúc đặc trưng, trang trí những hoa văn riêng, phục vụ đồ ăn riêng của khu vực đấy. Ngay trung tâm khu vực lễ hội là nơi biểu diễn các điệu múa, trình diễn ca nhạc đặc trưng của những người con Nagaland. Thực ra với bản thân tôi, được tận mắt nhìn thấy những nét văn hóa khác biệt như thế là một trải nghiệm hết sức thú vị, nhưng nó không phải là những thứ sẽ làm thay đổi suy nghĩ hay tính cách con người tôi. Tôi ấn tượng hơn với những người mà tôi gặp.
Một người trong số đó là người cậu của Asenla. Ông có một ngôi nhà hết sức đặc biệt. Ngôi nhà không phải là ngôi nhà rộng nhất, nhưng là ngôi nhà có thiết kế quái nhất mà tôi từng vào. Nằm trên đồi, phía trước hướng ra mặt đường nhưng mặt phía sau lại chênh vênh hẻm đá nhìn thằng xuống thung lũng. Tường lẫn vào vách núi, phòng khuất trong bóng đá, tầng này so le với tầng kia, hai ba cầu thang lắt léo vào nhau khiến cho người lạ vào đây có cảm giác cứ như bước vào ma trận. Leia bảo hồi nhỏ đến đây cô bé đã từng khóc mấy lần vì bị lạc. Tôi được dẫn đi tham quan mà cũng chóng hết cảm mặt. Nhà có bống phòng khách, hai nhà bếp: một nhà bếp nếu đồ ăn Tây và một nhà bếp nấu đồ ăn truyền thống của người Ấn Độ, hai phòng làm việc, một phòng gym, vô số hành lang, phòng ngủ. Hỏi ra tôi mới biết cậu của Asenla làm cho chính quyền bang. Ông là một trong những người có công lớn trong việc đưa Nagaland ra khỏi cuộc xung đột các bộ tộc.
“Tại sao Nagaland lại là khu vực giới hạn hả ông?”. Tôi đã thắc mắc rất nhiều nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng. Một số người thì nói rằng bởi vì Nagaland là một khu vực có nhiều xung đột nên nguy hiểm với du khách. Nhưng tôi thấy không đúng, vì những khu như Mumbai, New Delhi thỉnh thoảng bị đánh bom mà có bị giới hạn đâu. Hơn nữa, bản thân tôi cảm nhận thì Nagaland là một khu vực vô cùng an toàn, người dân cực kỳ văn minh và thân thiện. Một số người khác thì nói rằng là vì Nagaland cũng như các tỉnh phía Đông Bắc chưa phát triển nên sẽ không tiện cho khách du lịch. Du lịch cũng có nhiều kiểu du lịch, tiện hay không tiện là do khách người ta chọn chứ chính quyền sao phải chọn cho người ta? Hơn nữa, phải có khách du lịch đến mới có tiền mà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chứ.
“Dùng từ giới hạn thì không đúng, mà cháu có thể nói khu vực này là khu vực được bảo vệ”.
“Bảo vệ cái gì khỏi cái gì ạ?”.
“Bảo vệ văn hóa địa phương khỏi văn hóa ngoại lai”.
“Ủa, thế văn hóa các vùng khác không cần hay không đáng bảo vệ hả ông?”.
“Có thể họ coi cái lợi thu về từ du lịch quan trọng hơn”.
“Nagaland có phải là một khu vực tự trị không hả ông?”.
“Nagaland có quyền tự trị cao hơn các bang khác, nhưng nó vẫn là một bang của Ấn Độ. Bộ tộc Naga được trao quyền đặc biệt để giải quyết những vẫn đề nội bộ của họ”.
“Có phải nhiều người ở đây muốn nó thành khu vực tự trị hoàn toàn không ạ?”.
“Ha ha ha, chính trị Nagaland rất phức tạp, chắc chắn sẽ có người muốn thế này và sẽ có người muốn thế kia. Chính vì vậy mới có xung đột”.
Thỉnh thoảng ở Nagaland vẫn có lệnh giới nghiêm do xung đột giữa các bộ tộc với nhau, hay xung đột giữa các tổ chức với chính quyền Nhà nước.
“Ông ủng hộ chính sách nào ạ?”.
“Ha ha ha, ông là người làm Nhà nước, làm sao ông trả lời được câu này”.
Một gia đình khác để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc cho tôi là gia đình Akum Amri. Biết tôi quý trẻ em, Asenla nhờ một người bạn của cô là Robert dẫn tôi đến thăm trại trẻ mồ côi Enbenzer Orphanage Home. Akum là một anh chàng giản dị với nụ cười hiền hậu. Trại trẻ mồ côi là một ngôi nhà hai tầng hết sức đơn sơ. Một phòng cho bố mẹ anh, một phòng cho anh, một phòng cho các bé trai, một phòng cho các bé gái. Phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế bọc nhung đã bạc màu, rách lỗ chỗ. Ly trà vợ chồng anh mời chúng tôi đều đã sứt mẻ, nhưng tôi biết đây là những ly đẹp nhất mà anh có, bởi bản thân anh và bố mẹ chỉ uống ly nhựa đã đen sì như thể đã dùng được mấy chục năm rồi. Cả gia đình anh sinh hoạt luôn ở đây cùng với các bé: Các bé ăn gì, gia đình ăn nấy như một đại gia đình thật sự. Các bé được đến trường. Ngoài giờ học, các bé được dạy giúp đỡ việc nhà như trồng rau, nấu ăn. Tất cả chi phí đều là do gia đình anh và một số người hảo tâm giúp đỡ. Tôi đã đến thăm nhiều trại trẻ mồ côi, nhưng hầu hết ban quản trị ở đó đều là những người làm việc đó như một việc làm công ăn lương. Tự san sẻ những gì mình có trong khi bản thân cũng chưa có gì nhiều như gia đình nhà này thì thực sự bây giờ tôi mới gặp.
Một lần khác, Robert dẫn tôi đến lớp học sáng chủ nhật của trẻ em xóm núi ở nhà mẹ anh. Những bé này không phải là mồ côi mà là trẻ em nghèo. Đói ăn vụng, túng làm liều, nhiều trẻ em nghèo không có điều kiện đi học dễ bị lôi kéo dụ dỗ làm điều xấu. Hàng tuần, Robert cùng một người bạn nữa của anh tổ chức lớp học sáng chủ nhật nhằm giúp các bé định hướng tốt hơn cho tương lai của mình, dạy các bé điều hay lẽ phải. Người bạn của anh sẽ dạy các bé hát, kể chuyện ngụ ngôn cho các bé, tóm tắt qua tin tức mà các bé nên biết. Đấy là những gì tôi đoán chứ thực ra tôi chẳng hiểu tiếng mọi người dùng ở đấy là tiếng gì. Để động viên các bé đến lớp, Robert và bạn bè thỉng thoảng quyên góp quần áo cũ, bánh kẹo, sách vở tặng cho các bé. Tặng quà xong, Robert kêu tôi kể chuyện gì đó cho các bé nghe, anh đứng phiên dịch. Lúng túng, tôi quyết định nói về đề tài mà tôi thích nói về nhất: ước mơ.
“Chị là Chip, đến từ Việt Nam. Các em biết Việt Nam ở đâu không?”
Một bé rụt rè:
“Trung Quốc ạ?”
“Ha ha không. Việt Nam là nước giáp Trung Quốc, nhưng không thuộc Trung Quốc. Việt Nam không giàu. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tương đương Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng như Ấn Độ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với rất nhiều cơ hội mới cho những người dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ. Chị có một ước mơ điên rồ là đi vòng quanh thế giới. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn nếu mình có rất rất nhiều tiền. Chị là một đứa rất rất nghèo, nhưng chị vẫn đang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Chị đã đi qua Đông Nam Á và giờ chị đã đi được kha khá của Ấn Độ. Để theo đuổi ước mơ, tiền không phải là tất cả, ý chí nghị lực đôi khi có thể mang lại những điều mà tiền không thể mua được”.
Tôi kể cho các bé chuyện ngày trước tôi muốn đi học Aptech nhưng lại không có tiền đi học. Tôi đã viết email đến tất cả các công ty tôi quen nói với họ tại sao tôi lại mong muốn học Aptech như thế và xin họ tài trợ. Chỉ có một công ty duy nhất trả lời, đó là FPT, và tôi đã được tài trợ để đi học thế nào. Tôi kể cho các bé chuyện tôi leo núi ở Katra, khi tôi không có tiền nên tôi đã đi bộ, và nhờ thế mà tôi được có được những trải nghiệm thú vị mà nếu tôi đi như người có tiền, tôi đã không có được.
“Đừng nhìn việc không có tiền là một cản trở, mà nhìn nó như một thử thách để phát huy sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của mình”.
Lúc đấy tôi cũng không chắc về những gì mình nói đâu, cũng chẳng biết bản thân mình còn đi được bao lâu nữa, nhưng tôi vẫn giả bộ tự tin hết mức với hy vọng phần nào truyện được động lực cho các bé. Tôi cũng chẳng rõ mình nói thế có xi nhê gì không, nhưng Robert khi ra về có vẻ rất xúc động. Anh bảo, khi Asenla giới thiệu về tôi, anh cũng chưa rõ điều gì ở tôi khiến Asenla quý như vậy. Nhưng đến giờ thì anh đã hiểu: Ở tôi có một nghị lực và một cách nhìn nhận cuộc sống vô cùng khác lạ.
Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chip