Số lần đọc/download: 500 / 3
Cập nhật: 2016-06-02 00:12:49 +0700
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo kinh mà không phải kinh
thơ dtl.
Bóng tối chĩu nặng khi vầng trăng khuya rút lui khỏi bầu trời thấp. Bản tin thời tiết cuối cùng không dự báo trận mưa nào sẽ tới trong đêm, hoặc sáng sớm hôm sau. Những ngày mưa dường đã lùi xa. Nhưng trong thần trí ngầy ngật, mưng mưng cơn sốt mỗi buổi chiều, từ nhiều ngày qua, tôi vẫn cảm thấy rình rập mơ hồ đâu đó, một cơn mưa mưa lớn. Tôi không nghĩ lớp da nhăn nheo, khô cỗi của tôi có một cảm ứng đặc biệt nào với những lớp hơi nước tan, quầng trong không khí. Tôi không nghĩ mấy cành sung gõ, gọi nơi khung cửa sổ phòng Giang, phòng anh chị Cường, tiếng gù gù bất thường của mấy con chim cu trong chiếc chuồng chông chênh giữa vườn, cảnh giác tôi, đêm sắp hết, có liên hệ gần xa nào, với một dự báo thời tiết.
Tôi đã nhọc công dỗ dành giấc ngủ mình nhiều giờ qua. Những con gió mỗi lúc một lạnh hơn; trườn mình qua những khe cửa hư trộm sạch của tôi tất cả những đàn trừu mà, tôi đã đếm được trong trí. Tôi cũng không nghĩ, hơi thở đều, sự rơi sâu xuống triền dốc giấc ngủ bình an, thỉnh thoảng tựa khựng lại giây lát bởi những hồi nghiến răng hoặc nói mớ ngắn của Xù, bên cạnh, cho tôi thấy rõ hơn sự cô đơn, lạc lõng của mình, giữa ngày tháng không chằng rễ này... (Tôi hiểu cô đơn, cảm giác ghẻ lạnh có khả năng làm sai lệch mọi nhận thức thời tiết của ta.)
Tôi hiểu, gió sẽ rạch sâu hơn những đường rãnh vết thương đã khép miệng, để máu tuyệt vọng chảy tiếp. Tôi hiểu đêm sẽ ngấu, nhiễn hơn trên những nhầu nát, một mình, cô quạnh.
Nhưng không. Rõ ràng không phải vì đêm sắp bàn giao lại cho bình minh những vết cứa hoang mang; những chân gió nẻ nứt hơi giá buốt mà, tôi linh cảm lẩn quất đâu đây, một cơn mưa lớn. Đúng hơn, cơn mưa đã rình rập, đã vần vũ trong thần trí ngầy ngật tôi, từ hơn hai tuần trước.
Có dễ từ buổi tối Dụng điện thoại, báo tin Hựu đang có mặt giữa thành phố này.
Tôi không hỏi Dụng, ngày Hựu đến. Tôi cũng không hỏi ngôi nhà hay, số điện thoại Hựu đang ở. Tôi không biểu lộ một cảm xúc nào. Tôi cảm ơn Dụng đã cho tôi tin. Tôi ngỏ lời chào mừng (chân thật,) bày tỏ hân hoan (thực sự,) cuộc gặp gỡ giữa Dụng và Hựu. Tôi nói, đó là người phụ nữ xứng đáng với bất cứ một tình cảm, quan tâm, săn sóc nào có được từ Dụng. Tôi nói, Hựu là người tôi kính trọng trong mỗi nghĩ tới...
Có thể Dụng không chờ đợi nơi tôi, bày tỏ lịch sự kia. Có thể, Dụng chờ đợi nơi tôi một điều gì, tích cực hơn lòng kính trọng. Nhưng liệu tôi có thể bày tỏ được điều gì hơn thế? Khi đường chúng ta đi, đã là đường một chiều. Và, mọi nẻo, ngõ tương thông xưa, đã xóa.
Người ta sống, không phải lúc nào cũng được phép đem tấm lòng trung thực mình tới với kẻ khác. Người ta sống, không phải lúc nào cũng được phép ngó lui, dù chỉ để bảo nhau, hãy ngắt một bông hoa biết ơn trong tâm tưởng, gửi tới những góc phố/ những gốc cây (còn sót lại.)
Mọi ngợi ca / nguyền rủa, biết ơn / oán hận luôn đòi hỏi sự đúng chỗ, đúng thời của nó. Cũng như có những điều, đời sống bảo ta, quên đi, ký ức nhắc nhở ta, đừng gió nữa.
Bài học mới mẻ nhất, tôi học được từ sau chia tay Hựu là bài học: Không chỉ mỗi đời người, mỗi cuộc tình, mỗi tác phẩm..., thường có cho riêng nó một định mệnh. Mà, kỷ niệm, phải rồi, mỗi kỷ niệm, cũng luôn cho có cho riêng nó một định mệnh như chúng ta vậy.
Đúng hơn, cơn mưa đã vần vũ, đã quành bước trở lại giữa thần trí ngầy ngật tôi, từ hơn hai tuần trước. Cơn mưa, như một người bạn thiết, buồn rầu, đã ở cùng tôi suốt tuổi thơ nắng nỏ.
Cơn mưa, như người bạn thiết, buồn rầu, đã ở cùng tôi suốt niên thiếu âm u. Cơn mưa, như người bạn thiết, buồn rầu, đã ở cùng tôi suốt hoa niên sấp ngửa, bất trắc. Tôi không có tên người bạn thiết ấy. Tôi cũng không biết phải gọi cơn mưa đó, tên gì? Mưa tháng hai, nơi góc đường Pasadena, nhìn Hựu quay lưng, những khuya khoắt trở về nhà mình, hồn tôi đèo, dốc?
Mưa tháng ba trên chiếc cầu vắt sau lưng ngôi nhà người đàn bà có đôi mắt lênh đênh những ngọn lửa tàn, đã ở?
Mưa kiếp khác trên vai thang dẫn lên ngang tầm tàn lá nhãn? Mưa đời sau trên bãi xương rồng, dọc theo bờ biển Long Beach, nhấp nhô trong đêm, tựa bầy thiếu nữ nắm tay nhau, lặng lẽ nhẩy múa trong vũ điệu gai nhọn?
Hay đó là cơn mưa trong:
này em bồ tát đi trong gió
không ngại trần ai. Ngại nắng mưa?
Dường như tôi viết mấy câu thơ này, trong những ngày mưa bất thường của tháng hai, 1988. Không hiểu lý do gì, tại sao tôi lại có cái liên tưởng giữa tâm Bồ Tát với trái tim nhân gian của Hựu. Không biết đã có liên ảnh nào giữa sự kiện Hựu sốt sắng nhận lời mời của tôi, tham dự tất cả những buổi họp căng thẳng nhằm tìm cách ứng phó với sự kiện chính quyền Thái Lan, lần đầu tiên, cho tầu hải quân kéo thuyền tị nạn Việt Nam ngược vào biển cả.
Không biết đã có liên ảnh nào giữa sự kiện Hựu cương quyết tham dự đoàn biểu tình trước tòa lãnh sự Thái Lan, ở Los Angeles... Dù, Hựu nhận được rất nhiều tín hiệu ghen tuông, hăm dọa từ phía Ấu... Dù, quan điểm riêng của tôi là, không thấy thuận tiện, cần thiết phải có Hựu trong cuộc biểu tình kia.
Không biết. Tôi không biết. Dường đấy là lần đầu tiên, tôi mang vào thơ hai chữ Bồ Tát. Bài thơ tôi viết trong những ngày chạy đua với thời gian ở Trung tâm TNĐD, đường Số Một. (Bây giờ trụ sở đó trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người nhậu nhẹt.) Tôi nhớ, vì muốn phổ biến trước ngày sinh nhật của Hựu, như một món quà thứ nhất, cho Hựu; kỷ niệm tương lai, cho một hình thành (sóng, gió) nào đó giữa hai đứa, tôi đưa bài thơ cho NXH, đăng trên NV. Khi đưa tờ báo cho Hựu, buổi tối, trước giờ họp, tôi nhận được chút lấp lánh xưa, xưa trên ngọn lửa tàn trong đôi mắt nàng.
Thời gian đó, tôi vẫn còn chung sống với Ấu. Một hôm, do nơi đâu, Ấu có tờ báo. Ấu hỏi tôi, Bồ Tát là ai trong bài thơ kia? Tôi nói dối tỉnh, không ai cả. Và, giải thích thêm cho Ấu hiểu, Bồ Tát, một đẳng cấp tu hành của Đạo Phật. Chỉ những bậc chân tu đã thành chánh quả, những chưa muốn về cõi niết bàn. Mỗi vị còn nuôi giữ trong tâm một lời nguyện cứu độ chúng sinh, nên chọn đầu thai trở lại giữa bể khổ... Tôi không ngờ Ấu đã dễ dàng chấp nhận lời giải thích. Có thể do nơi trước đó khá lâu, Ấu đã tập quen với những giờ khắc tôi dành cho kinh kệ mà, hơn ai hết, Ấu hiểu tại sao.
Ở thời điểm ấy, đêm nào, trước khi đi ngủ, tôi cũng đọc Kinh Địa Tạng. Tôi bước vào Địa Tạng Kinh, ngày đầu tiên, sau cái chết của mẹ tôi. Không biết ai đó (mẹ Ấu?) có lần bảo tôi: Kẻ nào tụng được một nghìn lần Kinh Địa Tạng, kẻ đó có thể cứu được linh hồn mẹ, cha khỏi sa địa ngục.
Tôi không biết mình đọc được bao lần quyển kinh kia. Tôi cũng không nhớ, mình rời những trang kinh ấy, lúc nào. Nhưng tôi nhớ, động lực thúc đẩy tôi đọc tới lui quyển kinh này, là niềm tin: Nơi cõi âm, mẹ tôi sẽ vui lắm.
Tôi hình dung bà sung sướng biết dường nào, khi thấy đứa con út lêu lổng, không biết trời cao đất dầy là gì của bà, bỗng dưng cải tâm, hồi hướng.
Tôi không nghĩ mẹ tôi cần tôi trì tụng đủ nghìn lần Kinh Địa Tạng, để khỏi sa vào địa ngục! Một người như mẹ tôi, sau gần thế kỷ làm người, miếng ngon không ăn, vải đẹp không mặc, việc ác không làm, lời nặng không nói... Nếu không được lên cõi niết bàn, chắc khó ai có thể hưởng được ơn phúc đó. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn đọc. Đọc, như một bày tỏ chuộc lỗi, trả hiếu mẹ tôi, trong thầm lặng.
Khi biết tôi chịu đọc kinh, Hựu rất hài lòng. Nàng mang cho tôi rất nhiều kinh, đủ loại. Ngọn lửa Kinh Phật cùng ngọn lửa tình yêu Hựu, đìu hiu cháy mềm thần trí tôi nhiều ngày, tháng tiếp.
Những ngọn lửa mới mẻ này, mang lại cho tôi một số bài thơ, khác hẳn những bài thơ tôi có trong quá khứ. Những bài thơ sau này đọc lại, chính tôi cũng không biết tôi đã bị tiêm nhiễm triết lý Phật giáo? Hay rốt ráo, đó chỉ là cái cớ, nguồn sữa, chiếc nôi nuôi nấng tình yêu Hựu thêm lớn?
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo kinh mà không phải kinh
thế giới vì em sẽ dịu hiền
biển đời phút chốc bỗng bình yên
cánh chim tịch tịnh miền vô niệm
vô chấp, em ngồi như Quan Âm
ba ngàn thế giới quy về đây
vóc ốm em đi. Ngón rất gầy
thấy trong Địa Tạng em và mẹ
Tam Bảo theo tôi: Có dáng người
muông thú vì em ở với rừng
tôi vì em ở với Kim Cang
thấy nhau là một, đâu còn ngã
thân chẳng riêng thì, tâm đâu còn riêng
phá chấp: Như Lai ở dưới trần
hiện thân Bồ Tát cứu nhân gian
cây oan khuất vẫn nghìn tay vẫy
tôi đã nhìn em là chân kinh
xuống tóc. Theo em khép cửa đời
vào thiền chỉ để thấy viền môi
yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi
vì em tôi biến thành sơn tự
mái đỏ tường rêu. Hoa hổ ngươi
tình tôi là thảm xin em bước
rất khẽ mà nghe đất nhớ trời
nước mắt em trên chánh điện tình
nở hoa siêu độ hóa tâm kinh
đêm đêm tôi thấy bàn tay cũ
và thấy trong kinh một bóng người
vì em tôi đã làm Sa Di
chân đi nhưng ý vẫn quay về
bế quan tọa thị. Tôi và vách
em tụng kinh gì? - Cho tôi nghe đi
hôn em: Bồ Tát. Chuông kinh hãi
rung hoảng vì tôi? Hay cả hai?
8-88
Đó là bài Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di. Khi xuất bản tập Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, vào cuối năm 1989, tôi có cho in lại bài này.
Ba năm sau, một buổi tối, trong căn nhà kho, biến thành phòng vãng lai và, cũng là phòng hút thuốc lá ở ngôi nhà của Trần Duy Đức, Hoàng Thanh Tâm, từ Sydney qua, ghé lại thăm tôi. Tâm hỏi mượn Đức cây guitar, rồi cất tiếng hát:
Thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em / kinh kệ nghìn pho có một tên / viết hoa một chữ không ai hiểu / Phật bảo kinh mà không phải kinh /...
Tôi nghe điếng lặng. Cùng tiếng hát của Tâm, trong tôi, đâu đó, một xó góc nào của trái tim đã nhuốm tàn phai nắng gió của mình, dường lại vần vũ, đục mờ những cơn mưa, cũ. Chia tay Hoàng Thanh Tâm, ngồi lại với Đức, tôi nói với Đức về mối ám ảnh nơi tôi, từ thơ ấu, những cơn mưa…
Tôi biết Đức ngỡ ngàng. Tôi biết, (như Dụng mới đây,) Đức không chờ đợi nơi tôi cái tâm sự bất ngờ và, lạc đề kia. Tôi nghĩ, khi ấy, có thể Đức đã nhìn tôi bằng đôi mắt nghi hoặc. Đôi mắt nhọn hoắt câu hỏi, phải chăng tôi điên?
Phải chăng, tôi đang hiện nguyên hình, kẻ khác? Có thể.
Không ai điên tới mức chờ đợi người điên ý thức được những cơn điên của họ! Riêng tôi, tôi biết rất rõ, trong tôi, cơn mưa nào, đã trở gót. Cơn mưa kia, tôi gặp lại một thêm, nửa năm sau.
Từ Houston trở về, tôi nhận được đĩa nhạc Tay Ngọc của Hoàng Thanh Tâm. Nghe lại bài thơ cũ trong nét nhạc của Tâm, được thâu âm bởi chính giọng Tâm; cũng trong căn phòng vãng lai của Đức, nửa đêm, một mình, tôi nhìn thấy tôi... mưa.
Nửa đêm, một mình, tôi nhìn thấy tôi... cũ.
Nửa đêm, một mình, tôi thấy tôi thèm khát tới nôn nao điện thoại cho Tâm, chỉ để hỏi Tâm, tại sao Hạnh Phúc Buồn? Tại sao không là Hạnh Phúc Vui? Hạnh Phúc Nâu hay, Hạnh Phúc Xanh, nếu thích mầu sắc? Tại sao?
Tại sao? Hựu. Hựu. Hựu.
Nửa đêm, một mình, tôi nghe tôi dặn dò tôi, ngày mai, ra Trung tâm băng nhạc Giáng Ngọc, hỏi xin Lê Bá Chư CD Tay Ngọc. Có rồi, tôi sẽ gửi cho Hựu.
Tôi sẽ kể Hựu nghe với tất cả lòng kính trọng (điều duy nhất tôi còn có thể nói được với Hựu) rằng: Khi cơn mưa đi qua, khi trận bão Tháng Hai đã rút về bên kia một bờ biển, khi Tháng Ba đã là những Tháng Ba bên cạnh cuộc đời ta, tôi học được bài học mới. Bài học dậy tôi hiểu: Không chỉ mỗi con người, mỗi cuộc tình hoặc mỗi tác phẩm..., mới luôn có cho riêng nó một định mệnh. Mà, kỷ niệm, phải rồi, mỗi kỷ niệm cũng luôn có cho riêng nó, một định mệnh, như mỗi chúng ta, hôm qua và, mãi mãi, vậy. Tôi cũng sẽ nhắc nhở Hựu, đừng bận tâm về tĩnh tự buồn mà Hoàng Thanh Tâm đã gắn thêm cho hai chữ hạnh phúc. Đó là cái nhìn của những người trẻ. Chúng ta không còn trẻ nữa. Chúng ta hiểu hạnh phúc là một bên kia của đồng tiền khổ đau... Nên, hạnh phúc / khổ đau, cũng chỉ là cách nói.
Như mỗi điều thi sĩ có một cách nói riêng (trước khi trở thành chung) của họ. Và, những bài thơ mang tính tượng trưng của tôi, nếu có thần thánh hóa nhân vật của mình, âu cũng chỉ là một cách nói. Như một mẫu tự nào đó, ta từng viết hoa, mà, chính ta là người trước nhất, không hiểu.
(3-96)