Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Anh Le
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2023-04-25 21:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
aris mùa đông không độ. Đúng bảy giờ sáng, chiếc điện thoại báo thức vừa rung, vừa reo lên inh ỏi. Như mọi ngày trong tuần. Báo hiệu đã hết giờ đi ngủ. Lần nào sau khi tắt nó đi, tôi cũng uể oải trùm chăn để tránh những tia nắng vàng rọi vào từ cửa sổ không kéo ri đô, rồi ngủ tiếp. Chăn đang êm, nệm đang ấm. Ba cái lò sưởi bên cạnh. Một đàn bà bằng ba lò sưởi. Thoắt cái tôi lại chìm vào giấc ngủ. Và cũng lại giống như mọi ngày, chỉ mấy phút sau, hoặc cũng có lần là mấy chục phút sau bỗng tôi bật dậy như cái lò xo. Lần này không phải do điện thoại báo thức, mà là cái đồng hồ sinh học cũ kỹ trong tôi bừng tỉnh. Tung người ra khỏi chăn, luống cuống kêu trời:
“Chết rồi, sắp đến giờ đưa con đi học!”.
Vợ tôi cũng choàng tỉnh, hai tay dụi gỉ mắt, chắc tối qua lại thức đêm, nói ra trong mơ màng, như đúng rồi:
“Nó còn phải ăn uống, đánh răng rửa mặt nữa đấy”.
Tôi hấp tấp với lấy chiếc áo len để sẵn trên chiếc ghế đôn đầu giường, chui đầu vào rồi lao ra toilette. Ngang qua phòng khách có tiếng tích tắc của cái đồng hồ cổ bằng gỗ anh đào treo bên trên cửa ra vào. Nhìn lên. Mới có 7h15 thôi. Vẫn kịp. Nó giúp tôi giảm tốc độ di chuyển lại.
Thằng cu vẫn ngủ. Hai mắt nhắm nghiền, lông mi cong vút, hai má hồng hồng. Lẽ nào mẹ nó ở Pháp nhìn người Tây nhiều mà sinh ra con đẹp đẽ hơn chăng? Người ta bảo lúc bà mẹ mang bầu mà hay nghĩ về ai, hay nhìn ai nhiều thì sau này đứa con sẽ giống người đó. Việc này tôi không chắc. Nhưng khi gặp những ông bà già Việt kiều sống gần như cả đời ở châu u, họ đều có nét rất Tây cả. Có lẽ có phần đúng. Hoặc một cách cảm tính, ai chẳng khen con mình. Con hát bố khen hay mà. Thằng bé có khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu như một thiên thần. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Sau này người ta lớn lên thành kẻ dữ, hiền nhiều phần do môi trường giáo dục mà ra. Mình chỉ cần giúp con mình thành người tử tế, thế là đã đóng góp cho xã hội rồi. Tôi tự nhủ trong khi đang ngắm nó vẫn ngủ yên bình, hiền dịu, trước khi trở nên cau có, khó chịu vì bị gọi dậy.
Sau khi thơm mấy phát vào má mà nó vẫn chưa chịu mở mắt, tôi đành dùng phương pháp cuối cùng là mang cái iPad vào, bật một bộ phim hoạt hình ưa thích của nó. Chỉ cần nghe nhạc hiệu là nó đoán được ngay phim gì, hai mắt ti hí để xem mình có đoán đúng không. Vậy là nó đã dậy. Lần nào cũng hiệu nghiệm cả.
“Con muốn ăn gì nào?”, tôi dịu dàng hỏi.
“Nhà mình có gì để ăn?”, nó ngước đôi mắt trong veo lên hỏi lại.
“Có bánh mỳ mềm kẹp pa tê này, có xúc xích này, có sữa sô cô la này,..”
“Có thịt gà không, con muốn ăn thịt gà với cơm.”, nó nói ngay khi tôi chưa kịp liệt kê hết tủ lạnh.
Lúc nào nó cũng đòi ăn thịt gà được. Lại ăn với cơm nữa. Đúng chuẩn con nhà nghèo. Nịnh nó bao nhiêu lần uống sữa cho cao lớn mà không được. Giống hệt thằng anh nó hồi bé. Đến tuổi dậy thì, nhận thức được mới vội vàng uống sữa, có ngày đến 5, 6 cốc to. Mỗi lần thấy bố nịnh em uống sữa không được là nó lại bức xúc bảo:
“Bố phải ép em chứ.”
“Em không thích làm sao mà ép được?”
“Thì cứ cạy miệng em ra mà đổ vào.”
“Em khóc thì sao?”
“Kệ em khóc”
“Con dã man thế, ngày xưa mà bố cũng làm thế với con có được không?”
“Vâng, chả sao cả”. Nó trả lời tỉnh bơ, như không.
Thằng lớn đó, có nhiều việc vài năm trước bố khuyên không nghe, giờ mới thấy đúng. Nhưng thế vẫn còn là may, còn sớm. Chứ chúng ta đại đa số chỉ thấy lời bố mẹ khuyên là đúng đắn khi đã qua tuổi tứ tuần.
Thằng bé vừa xem iPad, vừa được bố mang cơm gà vào tận giường xúc cho ăn. Sướng hơn cả ông hoàng. Tốt là nó chịu ăn. Chứ vừa ngủ dậy mắt nhắm mắt mở đã phải ăn vội ăn vàng để đi học cho đúng giờ thì cũng không phải việc đơn giản cho nó. Gọi là chiều con một tí cũng xứng đáng. Mẹ nó đã dậy, chắc là vì ồn ào quá. Sau khi đi toilette, tiện tay, không phải sai cũng tự động lấy khăn mặt nhúng nước ấm cho con. Rửa mặt cho nó tỉnh ngủ. Còn mình thì chui vào chăn ngủ tiếp. Ăn xong thì đến màn thay quần áo. Nó đang trong chăn. Phòng thì lạnh. Không chịu cởi bộ quần áo ngủ đang ấm ra. Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng đến tận giường nhà người ta. Thiếu hụt năng lượng. Tòa nhà chỉ được sưởi có 18 độ. Phải gọi mẹ nó lại phụ giúp. Hò mãi thì cũng dậy giúp chồng. Hai vợ chồng đánh vật. Người giữ tay, người luồn quần. Rồi bê nó vào toilette. Nếu quên, kiểu gì khi đến thang máy nó cũng kêu ầm lên: “Con buồn tè”, rồi cuống cuồng chạy lại vô nhà, mở nắp bệ xí, chưa kịp kéo hết chim ra đã tồ tồ ướt đẫm cả cái quần mới mặc.
Đến lúc phải đi giầy, mặc áo khoác là cả một công đoạn gian nan khác. Nó sẽ mè nheo bài ca muôn thuở, đại loại như:
“Con không thích áo này?”
“Tại sao?”
“Tại vì nó dài nó vướng.”
“Thế mặc áo này nhé?”, tôi chỉ cho nó cái áo khoác khác ngắn hơn.
“Không, cái áo đấy nó xấu.”
“Xấu đâu mà xấu, các bạn còn không có áo đẹp thế này mặc đâu”, tôi nịnh nó.
“Không, xấu mà.”, nó vẫn cương quyết.
“Áo này vậy, không còn áo nào đâu nhé.”, tôi đưa nó xem cái áo khoác thứ ba.
“Không, áo này màu đỏ của con gái”, nó kêu lên, chối đây đẩy.
“Ai bảo con là con trai thì không được mặc áo đỏ, nhìn áo bố màu đỏ đây nào.”, hết cách, tôi phải mang thân thể mình ra bảo đảm để nó chịu.
Mà vẫn chưa xong. Nó tần ngần xem lại một lượt ba cái áo để trước mặt. Để rồi cuối cùng lại chọn cái áo đầu tiên đưa ra. Đến màn chọn giầy cũng không kém phần rắc rối. Ai bảo mẹ nó mua cho nó lắm đồ làm gì. Dậy mà giải quyết đi. Không biết giống ai nữa. Cứ thử chỉ có duy nhất một cái áo, một đôi giày xem có phải mặc không nào. Tôi làu bàu như thế trong khi xỏ giày cho nó.
“Bố phải chỉnh tất đã!”
“Ôi giời ơi. Đây, thế này được chưa ông tướng”. Tôi tháo giầy, kéo lại tất rồi xỏ lại cho nó.
"Bố mới là ông tướng ý."
Lần nào nó cũng phải phản ứng lại thế, không cần biết "ông tướng" là gì. Thằng anh nó biết vậy nên hay trêu em: "Dadu đẹp trai", để được nghe: "Anh mới đẹp trai ý".
Hai bố con bước ra khỏi nhà khi đồng hồ đã chỉ 8h15. Trường học sẽ đóng cửa lúc 8h30. Vội quá, chả kịp còn nhớ chào mẹ nó đang ngủ nướng trên giường.
Bước ra khỏi tòa nhà lạnh thấu xương. Người lớn còn ngại đi làm sớm, huống hồ gì trẻ con. Nó co ro lại không chịu bước tiếp. Trường học cách đó 400m. Bố lại phải bế bổng nó lên tay đi cho nhanh không muộn học. Được một đoạn, nó nhìn thấy bóng dáng bạn gái cùng lớp đi với mẹ ở đằng trước. Thế là vội vàng tụt xuống khỏi tay bố. Cậu ngượng. Còn tôi khi khoan khoái, nhẹ nhõm hẳn. Nó nặng 18kg rồi, có phải ít đâu. Bế nó một tí mà mệt gẫy cả lưng. Đến cổng trường đã thấy cô hiệu trưởng mũi khoằm ló mặt ra, ngó nghiêng xem còn đứa nào đang đến nốt để đóng cửa. Vừa nhìn thấy nó, bà rướn đôi mắt to đùng và cái đồng hồ bé xíu đeo tay về phía bố nó như ý bảo:
“Biết mấy giờ rồi không? Sao chúng mày suốt ngày đi muộn thế?”
Trông bà ý như phù thủy để dọa bố trẻ con thế thôi, chứ bản tính tốt. Xã hội bên này người ta chọn nghề nghiệp theo sở thích, niềm vui chứ không phải vì miếng cơm manh áo.
Nó đến trước cổng trường là chạy tọt vào lớp, xong lại vội quay ra vì quên thơm bố. Thơm ba phát lại vội chạy vào, rồi lại quay ra đưa bố cái khăn cầm về, cứ như con thoi lũn cũn. Bà hiệu trưởng đang cau có cũng phải bật cười. Nó luôn sợ các bạn cầm nhầm khăn của mình nên cứ đến trường là bắt bố cầm về. Thế là xong của nợ. Dù có yêu nó như cục vàng mà phải chăm, phải trông nó suốt ngày cũng phát điên. Nó sẽ ở đó đến chiều tối, khi bố xong việc cơ quan quay lại đón. Lúc đó nó sẽ ào ra như con chó con ngoáy đuôi tít mù, líu lo kể chuyện trường lớp.
Giờ phải tranh thủ ghé vào siêu thị mua thức ăn. Ngày nào cũng đi chợ mà vẫn không hết đồ phải mua. Lúc thì hết giấy vệ sinh, lúc thì hết nước rửa bát. Lúc nãy nó còn dặn bố phải nhớ mua cho con sữa chua sô cô la và quả đào ngâm đường đóng hộp đấy nhé. Chiều đón con phải mang theo cả quả chuối nữa. Được cái siêu thị cũng gần nhà, mưa gió, bão tuyết cũng không phải lo hết đồ ăn. Nhưng cũng chính vì ỷ lại thế, mà mỗi lần tôi chỉ mua đúng thứ thiếu, cần thiết, chứ không kiểu mua một lần dự trữ cho cả tuần, cả tháng như những gia đình sống ở ngoại ô. Siêu thị buổi sáng vẫn còn vắng vẻ, đồ tươi ngon chưa bị chọn hết. Gì gì cũng muốn mua. Bảo chỉ tiện ghé vào mua ít hoa quả làm đồ ăn sáng cho vợ, mà lúc ra khỏi siêu thị đã tay xách, nách mang. Rồi hối hả chạy về nhà cho kịp mở máy tính làm việc từ xa lúc 9h.
Hôm nay là ngày đặc biệt, hoa hồng giảm giá chỉ còn 4,99e mười bông, tôi mua một bó tặng vợ. Nàng đang bị ốm, tối qua trằn trọc không ngủ được vì đau họng. Đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên từ khi có con tôi thức dậy cho con ăn, đưa con đi học, rồi đi chợ mua đồ. Những việc không tên, vợ tôi vẫn làm hàng ngày. Bình thường tôi chỉ thức giấc khi vợ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cà phê và đồ ăn sáng.
Paris 08/02/2023
Việc Không Tên Việc Không Tên - Lê Anh