A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 688 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
rong cái rủi nào cũng có cái may - thật ra mọi việc đối với cô bây giờ đều rất tốt đẹp, thế nhưng bạn bè, đồng nghiệp khi biết chuyện ai cũng ái ngại cho cô; phần cô ngoài miệng làm bộ than thở: “Tối nào cũng phải qua ngủ với bà má, sáng về nhà sớm, chẳng làm được việc gì...” nhưng thật sự trong bụng cô thấy việc về nhà mẹ ngủ sao mà có lý!
Hai nhà cách nhau chưa đến 5 phút đi xe máy, mẹ cô sống một mình từ ngày em gái cô ra riêng, bà vốn hơi khó tính, không muốn phụ thuộc vào con dâu hay con rể nên chẳng chịu theo ai; vả lại, bà còn có nhà để thoải mái đi ra đi vào, có bàn thờ chồng để chiều chiều thắp nén nhang thơm, bà muốn ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ chẳng phải chờ đợi ai, muốn họp mấy bà bạn già gầy sòng tứ sắc chẳng ngại con cái trách móc không chịu giữ gìn sức khoẻ, ngồi chi cho đau lưng... Nói chung bà thích tự do. Người con trai cả ở xa thương mẹ một mình cô quạnh cho thằng cháu nội về ở được một năm, học xong lớp 9 nó về thành phố thì chẳng còn ai ở với mẹ cô, ban ngày không nói làm chi, nhưng ban đêm… người già như ngọn đèn trước gió.
Từ một việc rất phức tạp được mấy anh em lo lắng, đem ra bàn cãi cả tháng trời là ai sẽ lo cho mẹ mỗi đêm thì giờ đây đã được giải quyết đơn giản và gọn nhẹ hết sức. Em gái cô có con nhỏ, cô rãnh hơn, vậy là mỗi tối cô lãnh phần về ngủ với mẹ. Về nhà mẹ ngủ cô thấy nhẹ nhõm, chẳng còn cảnh hóa đá chờ chồng đêm đêm, lúc nào cũng lo ngay ngáy có ai đột ngột mang đến một tin tức không hay nào đó. Cô bàn giao con cho chồng với một giọng điệu chắc nịch: “Anh lo cho tụi nó để tụi nó thương anh!“. Về nhà mẹ cô ngủ thẳng giấc, chẳng gãi lưng cho đứa nhỏ, chẳng mắc mùng cho đứa lớn - khỏe re. Về nhà mẹ luôn có mẹ mắc sẵn cho cái mùng. Đừng nghĩ công việc này nhẹ nhàng à nghe! Thói quen và bổn phận thường làm người ta quên đi nặng nhọc - đối với cô mắc mùng là một công việc hết sức khổ ải. Này nhé, tưởng tượng đi lúc mình buồn ngủ muốn díp cả hai mắt, tay chân nặng trình trịch vậy mà phải nhấc người ra khỏi giường, mở tủ lấy mùng giăng bốn góc, rồi còn phải cài chân cho thẳng thớm nữa, mắc xong cái mùng giấc ngủ bỏ đi luôn, có khi gọi nó mòn mỏi, đếm từ một đến triệu, nghĩ ngợi trăm thứ chuyện đông tây kim cổ mà nó vẫn chảnh choẹ không chịu về làm thức trắng dã con mắt ….
Đừng nghĩ cô vô tâm, tình mẫu tử cô có thừa. Mấy năm làm gà mái nuôi con nhỏ, hết đứa này đến đứa khác bú mẹ 30 tháng, bỏ bú phải ba lần bốn lượt mới xong. Những năm con mọn, cô chẳng chú ý đến thân mình, cô xấu xí, cô xồ xề, cô lôi thôi, tất cả là vì con; bây giờ đã có thể rãnh tay một chút cô chẳng dại gì ôm hoài mấy đứa con nít trong khi chồng cô thật thảnh thơi với cái gánh gia đình nhẹ tâng. Buổi chiều nếu không hẹn hò cùng “chiến hữu” anh về lớt phớt việc nhà (không bằng cô làm ráng) rồi chăm chú vào cái TV hay tờ báo, loay hoay với khoảng xê dịch ngắn củn chưa đầy hai bước chân từ võng qua ghế dựa, cái quạt lúc nào cũng chĩa thẳng vào người, tay chân thừa thãi….; chẳng bù với cô trăm ban vạn sự, tay chân như múa, đôi khi còn thêm cảnh cơm bưng nước rót dù đã tối khuya cho người nói cười phơ phớ ngoài quán cả mấy giờ liền, những quầng thâm trên mắt là bằng chứng rõ nét nhất cho những đêm thức trắng vì giấc ngủ bị mất đấy thôi!
Về nhà mẹ ngủ giải quyết được nhiều vấn đề mà trong đó quan trọng và chủ yếu trước hết là cô thực hiện tốt bổn phận làm con, việc thứ hai cũng quan trọng không kém là gắn thêm cho chồng hai chữ trách nhiệm. Buổi tối cơm nước xong cô nhẩn nha đọc vài tờ báo, hết thời sự trên TV cô đàng hoàng xách xe ra khỏi nhà, cô còn đĩnh đạc cao giọng dặn chồng nhắc đứa này uống sữa, kiểm tra bài đứa kia…. Ở nhà mẹ cô thoải mái coi những bộ phim mà cô thích, chẳng có ai cầm remote hết bấm kênh này đến kênh kia làm cho cô cụt hứng vừa lúc mối tình trên TV đang đến điểm cao trào, chẳng ai dè bĩu cô suốt ngày cứ coi ba cái phim Hàn Quốc, hết cười rồi đến khóc, vẽ ra hết ung thư này đến ung thư kia …, chẳng ai nhờ cô mua giùm điếu thuốc, nấu ấm nước trà, chẳng ai cằn nhằn sao không tắt bớt đèn, sao không chịu mở nước cho đầy thùng trong nhà tắm... Nói chung là cô thấy thảnh thơi còn hơn những ngày son rỗi.
Ở đời người ta thường ỷ lại bởi đã có người khác lo lắng. Khi cô bớt lo một chút thì tức khắc chồng cô sẽ biết quán xuyến việc nhà; buổi tối anh thu vén cũng khéo: cho đứa nhỏ uống sữa, dò bài đứa lớn, mắc mùng cho con, gãi lưng cho đứa nhỏ ngủ, nửa đêm đánh thức nó dậy đi tè… Tất cả mọi việc đều hoàn hảo, anh cố tỏ cho cô thấy anh nuôi con không đến nỗi - Càng hay! Cô càng thoải mái, thơ thới!
“Không có mợ chợ vẫn đông”, thậm chí còn vui hơn khi có “mợ”, buổi chiều chồng cô về nhà sớm, theo dõi đầy đủ tin tức trên TV, coi thêm một vài show ca nhạc, hồi hộp theo vài phim hành động, bày trò chơi với con; bọn trẻ thì tha hồ xả rác đầy nhà để sáng mai cô về dọn, chẳng ai cằn nhằn hay la mắng; cô thì thong thả ở nhà mẹ, chẳng khác gì thời con gái. Nói chung tất cả mọi người trong gia đình cô đều thoải mái. Hai tuần trôi qua nhanh hồi nào không biết!
Một tối chồng cô về muộn, bọn trẻ con nhắc: “Sao mẹ chưa đi nhà ngoại ngủ?”. Bực mình cô cáu: “Ba mày giờ này chưa về mà đi đứng gì!”. Có tiếng chuông điện thoại, đứa nhỏ hấp ta hấp tấp, chụp vội vàng: “Mẹ ơi, bà ngoại hỏi mẹ có qua không để ngoại mắc mùng“. Đứa lớn bỗng dưng sáng suốt: “Mẹ ơi, hay là cả ba mẹ con cùng qua nhà ngoại ngủ”. Ừ nhỉ ! Một giải pháp rất ư là tình thế! Cả ba mẹ con cô khăn gói, đóng cửa đi ra khỏi nhà. Bọn trẻ con được chơi đùa thoải mái, cô có người nói chuyện khỏi thắc thỏm việc chờ chồng. Và như vậy có thể tạm kết luận, ông chồng đối với cô chẳng còn là mối bận tâm: nếu anh về sớm, cô giao mấy đứa nhỏ, nếu anh về muộn, cô gùi con đi, thoải mái một cách hợp pháp, đâu phải là những lần cô giận chồng đem con về nhà mẹ để mẹ cô cằn nhằn, xua đuổi, để chồng cô bực mình khi phải đi năn nỉ đón cô về.
Để giải quyết một vấn đề, người ta phải cố gắng suy nghĩ tìm ra một giải pháp nào đó tối ưu nhất, nhiều khi để tìm ra giải pháp ấy có người mất cả cuộc đời. Bạn bè thường bảo cô có số may mắn, mà điểm lại, cô thấy hầu như cuộc đời mình gặp không ít vận may: học hành thi đâu đậu đó, một tấm chồng với đầy đủ lễ nghi, xe đưa xe rước, pháo nổ đì đùng, áo dài, khăn cưới. Rồi cô sinh con, trai gái có đủ, cuộc sống gia đình cô êm ấm nếu như chồng cô đừng thường xuyên về nhà muộn để cô phải chờ đợi, nếu như thỉnh thoảng không có vài đám mây đen ngáng bầu trời hạnh phúc của cô báo hiệu mưa có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Bây giờ cô chẳng sợ một áng mây đen nào vì cô đã có chỗ về mỗi đêm, không phải đối diện với những bực dọc do chồng gây ra. Cô lại có thêm một kết luận về sự may mắn của mình: lúc bầu trời có quá nhiều mây đen để mưa có thể từ to đến rất to, thì bỗng nhiên gió xuất hiện, xua hết mây đi, trả lại màu trời xanh vĩnh cữu, màu của tự do.
Người ngoài nhìn vào vợ chồng cô bây giờ rất tình tứ: buổi sáng từ nhà mẹ cô về nhà sớm, loáng loáng vài phút bọn trẻ con đã có bửa điểm tâm, cho chúng đến trường xong xuôi đâu đó, hai vợ chồng dung dẻ đưa nhau đi ăn sáng và chia tay ở một ngã ba đường. Chiều về, người nào việc nấy; trong khi cô tạt qua chợ, cô nấu ăn, thì chồng đón con về, vợ chồng, con cái sum họp đông vui. Buổi tối cô về nhà mẹ với khoảng trời riêng tuyệt đối chẳng có ai quấy rầy.
Tánh cô thiệt thà, không có điều gì để bụng được lâu. Một hôm có lẽ vì quá sung sướng với sự tự do vào mỗi cuối ngày, cô bỗng buột miệng nói với chồng:
- Về nhà má ngủ khỏe thật, anh cũng đã tự biết lo hơn.
Chồng cô đáp lại một câu chẳng ăn khớp gì với lời cô vừa nói:
- Hôm qua đi mát xa đã thật, mấy em mặc váy ngắn hết cỡ, em nào cũng xinh, còn tắm hơi nữa chứ! Hèn chi mấy thằng chưa vợ rất khoái đi tắm hơi, có người đấm bóp, có người nói chuyện tâm tình.
Cô tái mặt, lắp bắp:
- Ông …. lúc này ngon?
- Ngon gì đâu, thiếu cái gì tìm cái đó!
Cô ngồi thừ ra với chồng bát đĩa dơ, chẳng muốn đụng tay đụng chân. Suốt buổi chiều cô suy nghĩ, cô lẩn thẩn, cô muốn khóc.
Buổi tối chồng về muộn, cô chẳng gùi con đi như mọi hôm, đầu óc cô linh tinh, đứa con hỏi một câu trong bài học lớp tám mà cô không trả lời được bởi cô còn đang bận tìm cho ra đáp số bài toán của chính cô. Chữ “tình” và chữ “hiếu” chia hai phe giằng co, bên nào cũng muốn kéo bên kia qua khỏi vạch mức để giành phần thắng. Cô nhìn lên trần nhà rồi nhìn xung quanh, hoa văn trang trí trên trần hoàn toàn hài hòa với kiểu dáng chiếc đèn chùm, chậu trường sinh đặt ở chiếu nghỉ cầu thang vươn lên những sợi dây mảnh khảnh đan vào khung sắt tạo thành một khoảng xanh nhỏ bé trong nhà, toát lên một sức sống mạnh mẽ và từ tốn; bức tranh một ngôi nhà thờ cổ có tháp chuông như ẩn mình trong mây, im lìm và trầm mặc, bên cạnh là một lọ hoa khô bằng gốm được cưa thành một nửa gắn vào tường, ở góc cuối căn phòng hai bóng đèn hắt tạo nên một luồng ánh sáng như lụa giao thoa nhau, chính giữa là một bức tranh nhỏ có đoá hoa hồng nổi bật trên nền đen tạo cho căn phòng một điểm nhấn sang trọng và ấm cúng, bất giác cô thấy nhà mình đẹp quá! Trời bên ngoài đang lạnh, dắt xe ra đường giờ này mình sẽ có cảm giác là người ra đi, chắc là cô đơn lắm! Suy nghĩ và quan điểm sống của con người luôn thay đổi theo thời gian cho dù là khoảng cách rất ngắn - mới hôm qua thôi cô vẫn còn ca tụng sự tự do…. Con thằn lằn trên tường bỗng dưng tặc lưỡi mấy tiếng như thay lời muốn nói của cô. Cô lại nghĩ đến mẹ giờ đang ngủ một mình trong căn nhà rộng. Giá mà cô phân thân được nhỉ?
Có tiếng xe dừng ngoài cửa và tiếng khóa mở lách cách. Cô nín thở làm bộ đang chăm chú kiểm tra bài chính tả cho con. Dắt xe vào nhà chồng cô ngạc nhiên nhìn mấy mẹ con vẫn còn đông đủ:
- Giờ này chưa đi sao?
Tự dưng cô có cảm giác chồng cô cũng nôn nóng muốn cô ra khỏi nhà để anh được thoải mái. Cô ngẩng lên, nhìn thấy vẻ mặt tỉnh bơ của chồng, cục tức nghẹn ở đâu dồn lên cổ họng đẩy bật ra câu nói có âm điệu của người muốn gây sự trước:
- Bộ anh muốn em đi ra khỏi nhà lắm hở?
Chồng cô tròn mắt nhìn cô (cám ơn trời là anh có đôi mắt to, tròn và rất đẹp):
- Ủa, chớ hôm nay ai ngủ với má?
- Không ai cả.
- Thế sao không đi?
- Tui đi cho ông thoải mái hả?
- Thoải mái gì? Đói bụng thấy mồ đây nè, không đi thì bới giùm anh tô cơm, TV đang có trận đá bóng….
Một thói quen ngủ quên vừa được đánh thức xui cô bước nhanh xuống bếp. Cô xới cho anh một đĩa cơm và bày trên đó nửa cái trứng kho, ít thịt bò xào, vài lá rau xà lách, mấy lát cà chua; cô còn chu đáo đem cho anh một chén mắm ớt và kèm thêm mấy trái ớt xiêm xanh.
Mắt dán vào TV, anh vừa xúc cơm, vừa nói với cô:
- Giờ qua má đi, anh lo được mà.
Hai đứa nhỏ đã tự động lên lầu ngủ từ hồi nào, “lo” ở đây là anh sẽ biết đem bỏ cái đĩa vào đúng thau rửa chén. Tiếng chuông điện thoại vang lên, tuy có thể chồm tới một chút là với được ống nghe, nhưng cánh tay anh không động đậy và mắt vẫn dính chặt màn hình:
- Chắc má gọi đó, em nghe đi.
Giọng mẹ cô vang bên tai:
- Có dì Bảy xuống chơi ở lại với má mấy ngày, tối nay con khỏi qua nữa, ở nhà lo cho chồng và mấy đứa nhỏ.
Mẹ cô còn kể thật lâu chuyện người dì vừa ở quê xuống và chuyển lời thăm hỏi của mấy người em họ đến cô. Trước khi đặt điện thoại cô nghe mẹ nói thêm một câu với dì Bảy chắc đang ngồi gần đó:
- Tội nghiệp con nhỏ, thương mẹ ở một mình tối nào cũng phải qua ngủ, bỏ nhà cửa, bỏ chồng con không ai lo.
Đặt điện thoại xuống, cô quay sang nhìn chăm chăm vào người mà mẹ vừa xót xa vì không có vợ chăm sóc cả tháng trời. Anh đang ngoẻo đầu trên ghế dựa, mắt nhắm, miệng há, một cánh tay rớt xuống đất, cái chân gác hờ trên ghế salon đang chuẩn bị rớt theo… Trận bóng đá trên TV vừa mở tỉ số sau hơn một hiệp căng thẳng; mặc cho tiếng cổ vũ, reo hò, cờ bay phất phới trên màn hình, ai đá cứ đá, ai ngủ cứ ngủ. Dọn đĩa cơm, chén mắm và lau cái bàn, cô nói một mình: “Cả tháng không có mình, ổng bật TV để đó rồi ngủ, còn quạt nữa tha hồ chạy cả đêm. Kiểu này phải nhờ dì Bảy kiếm coi có đứa nào xuống ở với má, bỏ đi hoài coi bộ không xong”.
Về Nhà Mẹ Về Nhà Mẹ - Đào Thị Thanh Tuyền