Số lần đọc/download: 964 / 10
Cập nhật: 2016-06-03 16:01:36 +0700
T
ôi được tin nhà văn Xuân Vũ từ trần vào buổi sáng ngày Tết Dương Lịch năm nay. Tôi không ngạc nhiên lắm trước cái chết của anh vì gần đây sức khỏe của anh bắt đầu có vấn đề trong khi anh đã lớn tuổi rồi. Nhưng tôi cũng ngẩn ngơ, vô cùng thương tiếc anh, và suốt ngày đầu năm ấy tôi hồi tưởng và sống lại những kỷ niệm với anh.
Tôi đã đọc “Ðường Ði Không Ðến” của nhà văn Xuân Vũ và biết tiếng tác giả từ khi còn ở Việt Nam, nhưng mãi đến năm 1985 tôi mới được gặp anh lần đầu. Năm ấy gia đình tôi và giáo sư Nguyễn M. Quang xuống Corpus Christi thăm anh. Chúng tôi không gặp khó khăn khi đi tìm nhà anh, bởi vì ngay trước cổng nhà anh đã có một tấm bảng rất lớn với những hàng chữ:
Chào Mừng
hai chú Nguyễn M. Quang
và Nguyễn Vạn Lý
(bên dưới ký tên các con của anh.)
Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng chúng tôi không có sự ngỡ ngàng và nói chuyện với nhau như những người bạn cũ. Giáo sư Quang là bạn anh Xuân Vũ và là người giới thiệu tôi với anh, nhưng suồt buổi chiều hôm ấy, hầu như chỉ có tôi và anh nói chuyện với nhau, trong khi giáo sư Quang còn mải mê đọc một tờ báo mới. Tôi và anh có rất nhiều điều để nói với nhau, vì chúng tôi cùng chia xẻ nhiều kỷ niệm.
Chúng tôi sống lại những kỷ niệm về Hànội, quê hương của tôi và là nơi anh sống nhiều năm trong thời gian tập kết. Chúng tôi lại cùng nhau đi qua những cửa ô, những con phố mang những cái tên Hàng này Hàng kia, lại thấy gió heo may Cổ Ngư thở dài trên mặt nước hồ Tây, và cùng nghe sóng sông Hồng vỗ rào rạt trên bãi cát Phúc Xá, nơi chúng tôi đã từng tắm, tôi trước 1954, anh sau 1954.
Rồi chúng tôi trở về với những buổi sáng đi qua Cầu Cá Lóc, để thấy nắng reo trong những vườn dừa, những buổi chiều hóng gió mát bên bờ sông Cổ Chiên, những lúc đứng chờ phà tại bắc Rạch Miễu, nhìn những lượng nước Cửu Long đổ về quấn quýt ôm lấy Cồn Long và Cồn Phụng. Ðây là những địa danh tại Kiến Hoà, quê hương của anh, và cũng là nơi tôi đã từng sống và dạy học tại trường Trung Học Kiến Hoà suốt năm năm trời trong thập niên 1960. Lúc nào anh cũng hồn nhiên chân thật và giản dị, cười nói hào sảng như những nhân vật anh hùng trong những cuốn tiểu thuyết đồng quê miền Nam của anh.
Bữa ăn tối, chị Xuân Vũ đãi chúng tôi một bữa ăn thuần túy miền Nam, gồm có canh chua cá kho tộ, và đặc biệt là những con tôm cực lớn cuốn bánh tráng với rau xà lách và rau thơm chấm mắm. Trong bữa ăn tối có cả cụ thân mẫu và một người chị của anh. Sau bữa ăn, Xuân Vũ bảo cháu gái lớn của anh đàn dương cầm cho chúng tôi thưởng thức. Cháu còn rất trẻ và xinh đẹp, hơi bẽn lẽn trước khách lạ., nhưng cháu đã cho chúng tôi nghe những ngón dương cầm thật tài hoa, điêu luyện. Tôi nghe nói nay cháu đã là một bác sĩ và đã lập gia đình rồi.
Xuân Vũ là một nhà văn viết rất nhiều, khoảng gần một trăm cuốn tiểu thuyết dài. Viết đối với anh không những là một cái nghiệp mà còn là một đam mê nữa. Anh viết không mệt mỏi, bất kể ngày đêm, đến nỗi thân mẫu của anh phải lo lắng và than phiền. Hôm ấy lúc chúng tôi gần ra về, anh nói với tôi:
"Anh Lý ơi, má tôi cứ than phiền sao tôi viết cái gì mà viết ngày đêm như thế. Anh làm ơn nói với má tôi vài lời để má tôi an lòng."
Tôi hơi bối rối và hỏi lại anh, “Tôi nói gì bây giờ?”
“Anh nói thế nào tùy anh, miễn sao má tôi an tâm và không rầy tôi nữa.”
Thân mẫu anh năm ấy khoảng gần tám mươi tuổi rồi, nhưng cụ trông vẫn còn khỏe mạnh, Tôi lại gần cụ đang đứng ngoài hàng hiên, khoanh hai tay và khẽ nói, “Thưa bác, anh Xuân Vũ là một nhà văn lớn. Một nhà văn không bao giờ được nghỉ ngơi thoải mái nếu không viết ra hết những gì đang thôi thúc trong lòng mình. Như vậy việc viết văn rất cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của anh ấy. Anh Xuân Vũ cũng không được phép phụ lòng độc giả, vì có rất nhiều người đang mong chờ những tác phẩm mới của anh. Hơn nữa nếu anh ấy viết nhiều thì sẽ kiếm được nhiếu tiền để dành cho tuổi già. Vậy xin bác cứ an tâm để cho anh ấy được viết cho thỏa thích đi.”
Tôi không biết cụ bà có đồng ý với tôi không, nhưng có lẽ vì muốn chiều lòng khách lạ, nên cụ mỉm cười hiền hòa, gật đầu và nói, “Thôi được, nhưng nó cũng nên viết in ít thôi.”
Rồi anh đưa cho tôi tập bản thảo cuốn The Survivor bằng Anh ngữ, do anh và một giáo sư người Mỹ mới hoàn thành. Anh muốn tôi đọc và có ý kiến. Tôi đem sách về khách sạn đọc hết đêm hôm ấy. Sáng hôm sau tôi điện thoại laị chào từ giã anh và nói cuốn The Survivor của anh quá hấp dẫn, có những chi tiết rất độc đáo trong bối cảnh của rừng núi Trường Sơn. Tôi rất thích truyện này, nhưng vì tác phẩm viết ra cho người Mỹ đọc, nên tôi có một đề nghị nhỏ là những tên nhân vật nên dùng những tên dễ đọc cho người Mỹ. Người Mỹ rất khó đọc tên người Việt với những phụ âm kép, chẳng hạn như Tr, Ngh...
Lần thứ hai tôi gặp anh là năm 1989. Lần này cũng gia đình giáo sư Quang và gia đình tôi xuống thăm anh tại San Antonio. Gia đình anh đã rời thành phố biển Corpus Christi về thành phố San Antonio. Mới có mấy năm không gặp mà trông anh phong độ kém trước nhiều. Anh mới mua một căn nhà khá rộng và rất đẹp, đẹp hơn căn nhà cũ tại Corpus Christi. Sống bằng nghề viết văn mà có thể mua được một căn nhà như thế, thì ở hải ngoại này có lẽ chỉ có nhà văn Xuân Vũ mà thôi.
Bữa ăn trưa ngày hôm ấy, chị Xuân Vũ đãi khách phương xa rất nhiều món ăn và những món bánh rất lạ đối với tôi. Tất cả được làm một cách công phu tỉ mỉ và nhiều màu sắc đựng trong những chiếc đĩa và chén rất nhỏ xinh xinh, trông như những nghệ phẩm, khiến chúng tôi vừa ăn những món ấy vừa tiếc đã nuốt đi những tác phẩm rất đẹp. Nhưng anh Xuân Vũ không ăn, vì anh còn phải bận rộn một mình tiếp chuyện mấy người chúng tôi.
Anh có vẻ trân quý cuộc viếng thăm của chúng tôi lắm, vì khi xe của chúng tôi đi đã xa rồi mà quay lại chúng tôi vẫn trông thấy bóng anh đứng ngoài sân nhìn theo, cho tới khi chúng tôi và anh chìm vào khoảng cách và dòng xe cộ.
Lần cuối cùng tôi gặp anh tại Houston cách đây khoảng năm năm. Anh lên ở nhà một người bạn và cũng là người cùng quê Kiến Hòa với anh. Anh gọi tôi lại chơi. Lần này anh có vẻ yếu lắm. Trong suốt buổi gặp gỡ hôm ấy, anh chỉ nắm dài trên ghế sô pha. Tuy vậy anh nói chuyện liên miên không ngùng, không mệt mỏi. Tôi không ngờ hôm ấy là lần cuối cùng tôi được gặp anh.
Ngoài ba lần gặp riêng, tôi cũng được gặp anh vài lần trong những tiệc cưới hoặc những buổi nói chuyện về văn học hoặc ra mắt sách. Dù gặp nhau ở đâu, anh bao giờ cũng rất cởi mở, vui chuyện. Nói chung anh là một người bạn rất dễ thương, đáng quý mến. Tôi lúc nào cũng coi anh như một bậc đàn anh, vì anh đi trước tôi, cả trong tuổi tác và nghề nghiệp, và tôi chỉ là một người viết tài tử.
Tuy không gặp nhau thường, nhưng anh nhiều lần gọi điện thoại viễn liên thăm hỏi. Anh đã tặng tôi khá nhiều sách của anh. Ðôi khi anh cũng gửi bài viết mới của anh cho tôi đọc trước. Một lần anh gửi cho tôi một số báo Văn trong đó có truyện ngắn “Cái Rác” của anh, và đề nghị tôi dịch sang tiếng Anh. Lúc đó tôi mới đổi sở làm nên rất bận, hơn nữa tôi không biết dịch xong sẽ gửi bài dịch đi đâu để phổ biến, nên lần lữa không dịch, và anh cũng không bao giờ nhắc lại vấn đề này.
Xuân Vũ đã tạo được danh tiếng là một nhà văn chuyên nghiệp hàng đầu trong văn học Việt Nam, và có một số độc giả hâm mộ đông đảo. Rất nhiều tác phẩm của anh đã được tái bản nhiều lần, chứng tỏ anh là một tác giả rất được yêu mến và những gì anh viết ra đáp ứng được lòng mong đợi của người đọc. Anh có tài viết rất nhanh, nhiều khi không cần phải có hứng. Những dòng văn cứ như nước chảy ra miên man bất tuyệt từ ngòi viết của anh. Anh không cần viết nháp, chữ nghĩa tuôn ra là thành văn rồi. Tôi nhiều lần được đọc bản thảo của anh, những hàng chữ nhỏ li ti đều đặn, hiếm hoi lắm mới có một chỗ dập xóa.
Anh viết đủ loại, từ trường thiên tiểu thuyết đến truyện ngắn, tùy bút, kịch, trào phúng; đôi khi anh còn viết cả bình luận chính trị nữa, và về mặt nào anh viết cũng rất nhanh và hay. Nhưng dường như độc giả thích nhất loại tiểu thuyết đồng quê miền Nam của anh, và đấy cũng là sở trường của anh.
Người ta thường tiếc những gì đã mất đi rồi. Và tôi đang ân hận trong những năm quen biết nhà văn Xuân Vũ tôi đã không chịu khó đi thăm anh nhiều hơn, mặc dù tôi với anh chỉ cách xa nhau hai trăm dậm, khoảng ba giờ lái xe thôi. Và bây giờ dù tôi muốn nghe thấy tiếng cười sảng khoái và giọng nói người Bến Tre của anh thêm một lần nữa cũng không được.
Ðiều đáng tiếc lớn hơn là khi từ giã chúng ta, Xuân Vũ đã mang đi theo anh cái kho tàng không bao giờ khai thác hết của văn chương đồng quê miền Nam và những ký ức rất phong phú về người và việc Hà Nội. Từ nay chúng ta, những người yêu mền văn chương Xuân Vũ, sẽ không còn cái hạnh phúc được đọc những dòng chữ mới từ ngòi bút của anh nửa. Ðó là một mất mát lớn của chúng ta!
Hẳn nhiên nhà văn Xuân Vũ không thể ở lại mãi với người đời, nhưng cuộc đời anh đã là một văn nghiệp hiển hách. Anh đã đóng góp cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ, và người đời sẽ đọc và nhớ anh mãi mãi. Suy nghĩ về cuộc đời và sự ra đi của nhà văn Xuân Vũ, cùng với sự nghệp văn học to lớn anh để lại, tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của Văn Thiên Tường, một danh sĩ ái quốc đời Tống của Trung Hoa:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh.
Ðầu tháng 1 năm 2004
Nguyễn Vạn Lý