Số lần đọc/download: 731 / 13
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
T
ừ hôm nghe tin con trai bà trưởng Tín được tha về làng, thì bà cả Hảo lại thương nhớ đến con, lòng bà như đống tro đang tàn bỗng được cơn gió thổi cho lửa lại cháy bốc.
Hỏi ra, bà mới biết Chính phủ Bình dân phóng thích cho rất nhiều chính trị phạm. Những bậc nghĩa sỹ trước kia phải bắt nếu thoát được nhát dao của máy chém, đều lần lượt được về quê gặp cha mẹ vợ con.
Con trai bà Trưởng Tín, bạn thân với con bà, ai chẳng tưởng suốt đời sống cũng như chết ngoài Côn Lôn, gửi xương ở đấy. Thế mà bỗng dưng ngày nay đem được nỗi mừng rỡ về cho mẹ già.
Bởi vậy, hôm thấy cảnh xum họp bên nhà bà bạn láng giềng, nghe tiếng khách khứa ra vào thăm hỏi, bà cả Hảo lại cảm nỗi thân già nhà quạnh, mà thẫn thờ đứng dưới mái hiên.
Cầm lòng không đậu, bà những tự hỏi hiện nay con bà ra sao? Bà ôm mặt khóc, nức lên những tiếng thảm thiết.
Bảy năm về trước, cái hôm bà cả Hảo nghe tin Ích, con bà, phải bắt, bà như bị tiếng sét đánh ngang đầu. Bà vật vã tru tréo. Bà có ngờ đâu Ích có chí ấy. Bây giờ bà đoán con bà bị oan. Nhưng người ta bảo bà biết rằng, Ích bị bắt quả tang trong khi họp hội kín, bà mới vỡ ra rằng cái lần con bà xin tiền bà, nói rằng để chạy việc, và cái đêm Ích cùng năm sáu người bạn về nhà ngủ rồi sáng hôm sau rủ nhau đi sớm, đều là những việc đáng ngờ mà bà đã chẳng ngờ. Bà giận con bà dại dột, trót nghe chúng bạn xui khôn xui khéo đến nỗi mang vạ vào mình. Bà nhờ người làm đơn khiếu oan, lấy cớ ông Ích là con một, xưa nay vốn hiền lành ngoan ngoãn, và trẻ người non dạ, chắc chẳng bao giờ tự ý dám làm càn. Những lá đơn ấy vô công hiệu. Ích đã khai ở phòng dự thẩm nhiều câu rất quan trọng. Chính Ích là tay lợi hại trong đảng. Phen này nhẹ ra cũng đeo án chung thân. Hết cả hy vọng, bà chỉ còn một việc mơ hồ, là mua vàng hương đến lễ bái các đền chùa, để cầu Thần Phật phù hộ cho con bà được nhẹ tội, cho bà còn mong gặp mặt, trước khi bà thở hơi cuối cùng.
Nhưng rồi sau phiên toà họp; quả nhiên Ích bị kết án chung thân. Bà ngất người đi, mấy hôm trời không ăn không ngủ. Như điên, như cuồng, bà gào trời, thét đất. Nhưng đất dầy, trời thẳm, bà thêm mang bệnh vào thân, mà con bà vẫn bị giam, đợi ngày đi biệt xứ.
Họ hàng đến khuyên giải, bà vật mình từ giường trên xuống giương dưới mà kêu:
- Thà nó chết chém, tôi được yên lòng hơn vì đem được thân xác nó về và biết ngày làm giỗ nó.
Rồi bọn lý dịch quen thói gà què ăn quẩn, lợi dụng cảnh bà thân cô thế cô, nay họ doạ nạt, mai hành hạ, coi bà cũng như kẻ có tội. Chẳng biết đối phó thế nào, bà đành chịu hết nỗi cực nhục.
Bà chỉ còn được yên thân ở những lúc chớp ngủ, vì được quên cái đời buồn khổ và họa may mộng thấy cảnh đoàn viên. Nhưng chẳng mấy đêm bà chẳng bồn chồn, và động nhắm mắt một lát là giật mình năm, bẩy bận.
Bà hỏi dò hôm nào người ta giải tù đi đầy để cố lăn vào mà trông mặt con lần cuối cùng. Song, một hôm, người ta trợn mắt, báo cho bà biết một tin dữ dội. Ích đã tìm cách vượt ngục và trốn tuột sang Tầu mất rồi.
Bà lo sợ, giấu rất kín cái tin ghê sợ ấy. Bà run rẩy tháo cái ảnh Ích treo ở tường và cắt mảnh nhật báo đăng những lời khai của Ích nói ở trước tòa. Bà gói hai thứ lại với nhau, cất vào trong tủ. Rồi mỗi ngày, những buổi chiều vàng não lòng người, khi làn khói biếc lìa mái bếp để vẩn vơ lơ láo trên không, bà thương như con lưu lạc thì lại mở tủ ra, lấy ảnh Ích để ngắm và nhắc lại những câu đối đáp của Ích. Rồi nghĩ đến tương lai thăm thẳm, bà âm thầm khóc một mình.
Nhưng khốn nạn, bà cả Hảo còn đáng thương hơn người mẹ già mong con trở về. Vì con bà chẳng bao giờ trở về với bà nữa.
Ngày Ích nghe toà tuyên án được ít lâu, một hôm Ích ốm, được đi nhà thương điều trị.
Ai ngờ một đêm, không hiểu làm cách nào, Ích ra lọt ngoài buồng giam, và trèo tường, nhẩy xuống đường phố.
Ích trốn thoát.
Hôm sau, lập tức, Ích cải trang đi xe lửa xuống Hải Phòng, đáp tàu thủy ra Móng Cái, rồi qua cầu sang Đông Hưng. Ở địa phận nước Trung Hoa, Ích được người đưa đường, lẩn lút men những lối kín đáo trong rừng rậm, chịu ăn đói, uống khát, chịu gối đất nằm sương, rồi một buổi sáng, Ích đạt tới mục đích. Ích đến được những nơi định đến, gặp được những người định gặp.
Nhưng một tối, khi Ích đi với hai người bạn chí thiết đến một con đường vắng vè, thình lình hai người kia chĩa hai miệng súng lục đen ngòm vào thái dương Ích và thốt ra những lời thóa mạ. Rồi hai tia đạn toé ra, Ích nằm sóng soài trên vung máu. Hai người bạn vẻ mặt sung sướng rút dao sáng quắc trong túi ra, cúi xuống rạch chữ thập vào mặt, và để lại tờ giấy: thằng này bị địch mua chuộc, lập mưu trốn khỏi nhà thương, để làm ra việc phản đảng, phản Tổ quốc. Đảng quyết định xử tử hình.
Tin cái chết tàn khốc ấy bay về nước một cách rụt rè, yếu đuối. Vì vậy, nó chẳng thể lách qua luỹ tre xanh vây kín quanh làng và lọt vào tai bà cả Hảo được. Cho nên bà vẫn yên trí con bà còn sống, đem nắm tay sắt đá đi đấm chuông nước người. Bởi thế bà chỉ khóc.
Với bà, khóc tức là giải phiền. Trong bẩy năm trời, trận khóc dài đã vắt hết nước mắt, khiến cho mặt người mẹ khốn nạn ấy thành khô đét, thân hình choắt chịu, đôi lòng đen bạc dần, bà không còn trông thấy gì nữa. Rồi mối sầu thiên cổ lại nhuộm mau chóng mái tóc bà một vẻ phơ phơ và vẽ chằng chịt trên mặt bà những nét dăn dúm. Năm qua tháng lại, vết thương lòng như cố tật. Ngày ngày sờ soạng, bà lần sang bên bà trưởng Tín than thở với bà bạn láng giềng. Hai bà cùng cảnh ngộ như nhau nên cùng hy vọng giống nhau. Chẳng thể gặp mặt đứa con thân yêu, hai bà chỉ dám hy vọng sao cho tật bệnh nó làm phúc để hai bà sớm được lìa những tháng ngày não nùng.
Nhưng hôm con trai bà trưởng Tín về đến làng, thì bà cả Hảo như bị gợi đống tro lòng đã hồ nguội. Bà tiếc cho con bà sao trước kia chẳng đành chịu tội chung thân, mà còn đem thân lưu lạc sang đất nước người, để đến nay, người tuyệt vọng đã về, mà người tưởng sớm về thì tuyệt vọng.
Đứng dưới mái hiên chán, bà lần bực cửa, bức vách, hàng rào, rồi sang nhà bà trưởng. Bà ngồi trên phản, đưa hai tay khẳng khiu ra sờ lên đầu, lên vai, và hai cánh tay người con trai may mắn. Rồi lại cảm động quá, bà ngã vật xuống và òa lên khóc:
- Con ơi!
Thấy bà đau đớn, ai nấy thở dài, lắc đầu yên lặng nhìn nhau.
Nhưng từ hôm sau, bà cả Hảo lại có một hy vọng mới. Cứ đến chiều chiều, ăn xong cơm, bà lại sờ soạng ra cổng, đứng tựa lưng vào cột cho đến lúc hai con ngươi bà thấy đen ngòm. Mỗi khi trong khoảng quạnh hiu, có tiếng gót chân người sắp đến, thì trên bộ mặt chất phác của bà bỗng hiện ra những nét vui mừng. Bà cố giương to hai mắt trắng dã, nhìn theo tiếng động và hồi hộp khẽ hỏi: Ai?
Nhưng rồi bà thấy tiếng lạ đáp lại thì bà thở dài ngay. Tiếng đáp ấy chẳng phải tiếng con bà, từ đất nước Tàu về. Bởi vì nếu phải con bà về nước thật, bà sẽ cố khuyên rằng chịu để Nhà nước bắt và chịu cho tòa kết án chung thân.
Như thế, tuy con bà phải sống khổ cực ngoài Côn đảo, nhưng tuổi già của bà còn có chút hy vọng là một ngày kia, chẳng chóng thì chầy, mẹ con lại được đoàn tụ.
Bà có biết đâu rằng, con bà đã bỏ kiếp người để cam tâm làm kiếp chó. Nó giống người nữa đâu mà bà mong nó về với người!
1937