Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Stefan Wolf
Thể loại: Trinh Thám
Upload bìa: admin
Số chương: 615 - chưa đầy đủ
Phí download: 21 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 16979 / 165
Cập nhật: 2017-09-23 17:37:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ba - Màn Kịch
ao tối nay lạnh và tối thế không biết! Caroline rùng mình trong khi đạp xe về nhà.
Cô bé nghĩ đến ông nội thời gian gần đây tiếc rằng hay ốm yếu, và nghĩ đến Andy. Hôm nay bạn ấy có vẻ gì là lạ. Cứ như mang trong người một điều bí mật đen tối nào đó.
Caroline quyết định mai sẽ hỏi cho ra nhẽ.
Về đến nhà, cô bé xuống xe, dắt xe vòng ra sau nhà xe ở mé bên cạnh. Vài cửa sổ ở tầng một của tòa biệt thự sáng đèn. Nghĩa là ông bố dượng Oswald Muller có nhà. May ra mình không phải chạm mặt ông ta, cô bé nghĩ.
Dựa xong chiếc xe đạp vào tường sau ga-ra, cô bé toan quay vào nhà thì bị tóm từ phía sau. Một bàn tay bịt lấy miệng cô. Mùi hóa chất khó chịu xộc vào mũi. Đó là do tấm giẻ ấp lên mặt cô. Caroline lặng người sợ hãi. Nhưng nỗi sợ đem đến cho cô gái mảnh khảnh này sức mạnh không ngờ.
Cô gái quay người, đá chân ra sau, với tay qua vai, quờ được mặt một gã đàn ông. Caroline cào cấu như một con mèo rừng. Nhưng vùng vẫy sao cho thoát, tiếng kêu cứu tắc nghẹn sau tấm giẻ tẩm Chloroform! Caroline còn kịp nghe một tiếng xuýt xoa đau đớn sau lưng mình trước khi lịm đi.
Gã đàn ông rên rỉ. Mặt gã bỏng rát. Những vết cào sâu hoắm trên da. Gã giữ cho cô bé bất tỉnh khỏi gục xuống. Khi thấy máu chảy từ má xuống cằm mình, gã choáng váng vì sợ.
Tên bố dượng Oswald Muller chợt hiểu: Thế là hỏng bét! Gã chống chọi với cơn hoảng hốt, cảm thấy tim khua loạn bên sườn, đoạn nghiến chặt răng. Nhà xe lớn có một cánh cửa hậu.
Oswald tha Caroline vào nhà xe. Gã trải một tấm chăn vào sau chiếc Kombi của mình, đặt cô bé nằm đó. Đợi cho mình bớt run, gã tiêm vào bắp Caroline một liều thuốc mê, đủ để cô bé bất tỉnh hàng giờ.
Đoạn gã soi mặt vào gương xe. Gã kinh hoàng nhắm nghiền mắt lại, trước khi định thần dám nhìn mình lần nữa. Theo kế hoạch, gã sẽ lập tức đưa Caroline đến nơi giấu đã chuẩn bị sẵn. Nhưng… Không! Không lập tức được! Giờ đây gã không được phép phạm sai lầm…
Mình phải nói chuyện với Petra, óc gã chợt lóe lên. Cô ta… cô ta mình tin được. Mà mình làm việc này cũng chỉ vì cô ta. Lạy Chúa, cốt sao không được phạm sai lầm gì!
Gã rời nhà xe, chạy vào nhà, đến chỗ để điện thoại. Gã 39 tuổi, cao lớn, tóc đen như mun, cặp mắt xanh lục mà chỉ những nữ thủy thần mới có nổi. Nét mặt gã đều đặn dễ coi. Duy cái mũi hơi nhỏ, và đôi dái tai vừa dài vừa dày thịt.
Oswald Muller bấm số.
- Petra Dalmig nghe. - Ả bồ của gã cất giọng khàn khàn như phát thanh viên bị viêm họng.
- Petra, anh đây.
- Ôi Oswald, anh yêu! Chắc là anh muốn chúc em một bữa tiệc vui vẻ ở nhà cậu em Wendy của em chứ gì. Quả thật cậu ấy rất tài mở tiệc. Sẽ tuyệt phải biết! Tất nhiên em thích nhất là được cùng anh dự ở đó. Nhưng chừng nào anh chưa li dị, thì dại gì để bàn dân thiên hạ biết được tụi mình yêu nhau tới mức nào. Vì vậy…
- Petra, xin em! Anh… anh đang chết dở đây này.
- Sao anh yêu, có chuyện gì vậy?
- Petra, anh vừa tóm đứa con riêng của mụ vợ anh từ phía sau, đánh thuốc mê nó. Trong bóng tối ngoài vườn, sau nhà xe. Anh định bắt cóc nó, giả như một vụ bắt cóc tống tiền mụ vợ anh, dĩ nhiên của một hung thủ vô danh. Em biết tình trạng hôn nhân giữa anh và mụ rồi đấy. Vì khi cưới mụ, anh chẳng có gì, nên khi li hôn cũng sẽ ra đi tay trắng. Không một xu! Barbara thừa hưởng ở cha mụ toàn bộ số tiền. Mụ giàu ghê gớm. Vì vậy, cũng là lẽ công bằng, nếu anh hớt đỡ của mụ nửa triệu mark. Làm cách nào đây? Mụ chẳng bao giờ tự nguyện nhả cho anh một cắc. Vì vậy anh buộc lòng bắt cóc con bé. Anh đã chuẩn bị sẵn một nơi giấu nó ở ngoại ô, tại Packebusch. Thật ra không thể hỏng việc được, nhưng bây giờ…
Gã tạm dừng để nghe ả nói gì đã. Thế nào cô ta cũng trách móc.
Gã sửng sốt khi nghe ả bảo:
- Anh yêu, em ngạc nhiên đấy. Anh đúng là một người hùng! Bấy nhiêu can đảm… Ồ, em vẫn biết là anh tuyệt mà. Nếu không em đã chẳng yêu anh. Nhưng nói thật là em cũng cứ nghĩ anh lười cơ. Thế mà bây giờ anh ra tay tìm cách kiếm tiền. Em chỉ còn biết bái phục anh.
- Ồ, Petra! Cũng vì anh có em đấy! Nhưng tiếc là anh không làm chủ được tình hình nữa. Con ranh đã chống cự như một con điên, vòng tay ra sau cào cấu vào mặt anh. Trông anh như vừa bị một con báo tát vậy.
Gã trân trối nhìn vào vết máu loang trên ống tay áo, mỗi phút một thêm sợ hãi. Cặp môi xinh đẹp của bồ gã buột ra một câu chửi thề.
- Mặt anh đầy máu, Petra ạ. Hỏng rồi. Khi anh thả Caroline ra, cảnh sát sẽ biết hung thủ liền.
- Hừm, hừm, hừm, để em nghĩ cách xem! Tối nay mụ vợ anh đã từ nơi an dưỡng trở về.
- Phải, Barbara đã bình phục hoàn toàn rồi.
- Con bé ấy giờ ở đâu?
- Trên xe. Hoàn toàn mê man.
- Anh hãy đưa nó đến chỗ cất giấu của anh ngay. Hãy thận trọng, anh yêu! Rồi sau đó… Chú ý nghe em dặn đây!
Ả bày cách cho gã. Gã chẳng hăm hở gì. Nhưng còn biết làm sao nữa?!
- Em còn kịp làm chuyện đó trước khi đến dự tiệc của Wendy, chúng ta sẽ…
- Tiệc của ai? – Oswald không hiểu ngay.
- Của cậu em Wendy của em. Ừ nhỉ, em nãy giờ chỉ gọi cậu ấy là Wendy. Tên đầy đủ của cậu ấy là Wendelin Wiegand.
*
Có khách, Tarzan nghĩ. Nhưng là khách khó chịu. Một chiếc đèn pin sáng lóe lên. Luồng sáng chói gắt của nó chĩa vào Tarzan và Tròn Vo. Giọng lè nhè cất lên phía sau đèn, rõ ràng là của Achim:
- Đúng hai thằng thật, Friedhelm ạ. Một thằng tròn đến nỗi tao tưởng đó là ba thằng gộp lại.
Tròn Vo thở phì phì tức giận. Nhưng thằng mập không đủ can đảm phản ứng gay gắt hơn. Friedhelm, tên to béo giọng trầm cười giễu cợt:
- Nếu đem quay nó, Achim, sẽ ngang quay một con bò mộng đấy.
Tarzan kéo vành mũ sụp xuống mặt cho khỏi chói mắt.
- Tắt đèn pin đi! – Hắn nói.
Achim làm như không nghe. Gã cùng thằng bạn Friedhelm đứng xoay nghiêng người, còn gã chỉ thò đầu và cánh tay soi đèn pin vào.
- Chúng ta ném chúng xuống sông. – Friedhelm nói - Rồi chúng hiểu ra căn lán này là của chúng ta. Hay theo mày có cách nào khác để mở mắt cho chúng? Hoặc dùng chúng vào việc gì khác?
- Có thể lắm. – Achim lầm bầm - Ồ phải, có thể lắm. Thằng cao lớn trông săn chắc, còn thằng lùn mỡ màng ra trò.
Chúng bình luận về tụi mình như xem lợn thịt! Tarzan nghĩ. Chúng toan dọa dẫm bằng cách đó chăng?
- Căn lán này không phải của các người, mà tôi đoán của Sở xây dựng thành phố. Vậy thì các người cũng không có quyền. Chúng tôi đang ở đây, và vẫn sẽ như vậy. Đi ra và đóng cửa lại, trước khi tôi nổi giận.
- Để tao cho nó một trận! – Friedhelm rít lên qua hai hàm chắc chắn là rất khỏe, và xông vào.
Gã bay ra còn nhanh hơn nữa, gạt văng cả Achim như người ta gạt bay một chồng sách. Friedhelm rơi đập lưng xuống đất, trước cửa lán khoảng năm mét. May mà đầu gã rơi trúng một búi cỏ dày. Achim nằm sát lán, chỉ bị ngã nhẹ. Dẫu vậy, giờ đây gã vẫn rú lên như bị chọc tiết.
- Friedhelm! Tao… cánh tay của tao! Ôi, cánh tay của tao! Friedhelm, mày làm sao thế? Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Đó là cú đá điệu nghệ của tôi. – Tarzan nói và bước ra ngoài trời – Friedhelm phải mừng rằng tôi đã đá vào ngực anh ta chứ không phải đầu. Nếu không, mặt anh ta giờ đã biến dạng.
- Uuuuaaahhh! - Friedhelm kêu như bị sặc nước. Gã hớp không khí, cố thử đứng lên nhưng không nổi.
Achim thận trọng đứng dậy. Gã chẳng cao hơn Tròn Vo bao nhiêu, nhưng hẳn đã 30 tuổi. Chiếc đèn pin lăn lóc cạnh gã, vẫn sáng.
- Tôi nghĩ chúng ta đã hiểu nhau. – Tarzan nói – Chúng tôi ngủ trong lán này. Chỉ chúng tôi thôi. Nếu các người còn mon men lại gần chúng tôi lần nữa, sẽ bay xuống sông đấy.
Cả hai gã lang thang đều mặc áo măng-tô dày, đi ủng và đội mũ len. Friedhelm có bộ râu xồm màu hung đỏ. Còn Achim trông gầy gò, thảm hại, khi gã đi đến chỗ thằng bạn, ra sức xốc Friedhelm dậy. Mãi rồi cũng được.
Lúc này Friedhelm Bị Thịt đã nói được:
- Cả hai chúng mày còn được tin chúng tao. Chúng tao sẽ trở lại!
- Chúng tôi tiếp khách từ thứ hai đến thứ sáu. Nhưng chỉ vào buổi sáng. Cuối tuần nghỉ. – Tarzan đáp.
Hắn đá chiếc đèn pin đến chỗ chân Achim. Nó tắt ngóm.
Hai gã lang thang bỏ đi. Friedhelm chửi rủa. Achim định dìu bạn, nhưng bị hẩy tay ra. Một kẻ lang thang chân chính có niềm kiêu hãnh của mình, Friedhelm tự đi lấy được.
- Ôi trời! – Tròn Vo rên rỉ sau lưng Tarzan – Không có mày thì bây giờ tao đang ở trong nồi rồi. Sao mà chúng tàn bạo thế!
- Vớ vẩn! Mày sẽ thắng cuộc, Willi. Không có tao, mày sẽ ra đi nhường cái lán này cho chúng là xong. Tao cứng đầu cứng cổ chẳng qua vì tao đủ sức tống cổ chúng đi. Tao đã không uổng công luyện võ năm giờ một tuần.
- Còn tao cũng dùng ngần ấy thời gian để ngốn sô-cô-la. – Thằng mập thở dài não ruột – Tarzan ơi, cái dạ dày của tao sẽ réo lên tiếng kêu cứu duy nhất. Chỉ hai giờ nữa, nó sẽ gào réo đến điếc tai cả thành phố này. Chậm nhất là tới nửa đêm, tao sẽ lìa đời.
- Phải phải. Thì tụi tao đã có lời ghi trên bia mộ của mày rồi.
Tarzan quay lại. Có cái gì sột soạt trong bụi cây gần đó. Một con vật. Nó lao tới, qua cánh cửa bỏ ngỏ.
- Cứu với, một con ma! - Tròn Vo thất thanh. Con vật xông vào cạnh chân Tarzan. Rồi đứng lại, nghển cổ nhìn.
- Ồ, mày là ai vậy? - Tarzan cúi xuống.
- Không phải ma à? – Tròn Vo hỏi.
- Thử nhìn nó xem! Một con chó nhỏ giống Boxer. Nhiều lắm là sáu tháng tuổi. Tao chưa bao giờ thấy con cún nào xinh đẹp như nó.
Con cún run rẩy toàn thân. Bốn chân nó lông trắng, ngực cũng trắng, cả quanh mõm và mũi nữa. Còn lại màu nâu thẫm và nâu nhạt, vằn vằn như hổ.
Tarzan vuốt nhẹ một lúc thì con cún bình tâm lại.
- Nó đeo một vòng cổ rất quý, Kloesen ạ. Con cún bị lạc.
- Lại còn đeo nợ thêm nữa! - Tròn Vo ngồi xổm xuống, xoa xoa cổ con cún - Nó không được ăn nhiều để giữ cho người thon thả. Chắc nó đói đấy. Nhưng cún ơi, ngay chúng tao cũng chẳng có gì để bỏ vào miệng!
- Tụi mình phải giữ nó lại chăm sóc. Nếu không Gaby sẽ nghiền cho một trận. Hơn nữa, tụi mình nguyện là những người bạn của loài vật đến giọt máu cuối cùng cơ mà, hả? Willi, trong túi nhựa của tao có một đoạn dây. Tụi mình sẽ buộc con cún lại.
- Nghĩa là giữ nuôi nó?
- Không. Trên phố Wiland có một bến xe ta-xi. Tụi mình sẽ trao nó cho một người lái xe ta-xi. Ông ta có thể đưa nó đến chỗ cảnh sát. Hoặc đưa thẳng đến trại thú lạc.
- Có khi chủ nó đang treo thưởng cho ai tìm ra nó rồi cũng nên. – Ông Địa cười - Thế là ông tài xế sẽ lĩnh thưởng. Tarzan, tụi mình là những kẻ lang thang chẳng thông minh tí nào.
- Sao lại không! Tụi mình chỉ không tham tiền thôi. Nhưng vấn đề bây giờ là lo cho con chó đã.
Hai quái gọi con cún là Beppo. Buộc dây cho nó xong, cả ba lên đường.
- Khi tụi mình quay lại, – Tròn Vo tuyệt vọng nói – thì những kẻ khác đã chiếm mất giường êm nệm ấm rồi. Đã đói, lại rét, tao không chịu đựng nổi!
- Nếu cái lán bị chiếm, tụi mình sẽ giải phóng nó. – Tarzan đáp - Ở đây là luật rừng. Luật nằm trong tay kẻ mạnh. Tao đã hiểu được như vậy.
Khi chúng đến gần chỗ bậc thang đi lên phố, Beppo bắt đầu cất tiếng sủa.
Tarzan đẩy vành mũ lên, căng mắt nhìn.
Ba thằng đang đứng bên chân các bậc thang: Friedhelm Bị Thịt, Achim và một gã rất lùn, tuy to ngang. Gã có đôi chân vòng kiềng kinh khủng, và cái đầu trọc lốc bóng loáng kể cả trong đêm tối. Gã đang bị Achim và Friedhelm xô tới xô lui.
- Ê, các người hãy dừng tay lại, tôi đi đây mà… - Gã van vỉ.
Cũng là một kẻ lang thang, Tarzan nghĩ. Một đối tượng để hai tên kia trút giận. Mà tụi mình biết gã Trọc Đầu này! Có phải chính là “siêu người mẫu” đi qua hàng rào nhà ông Etzel Farber?
- Siêu người mẫu đấy. – Tròn Vo rỉ tai hắn.
- Đừng lo. Gã không nhận ra tụi mình đâu.
Giờ đây Trọc Đầu bị Achim đá văng vào kè sông.
- Dừng lại! - Tarzan ra lệnh.
Hai tên quay ngoắt lại. Rõ ràng chúng không nhận thấy có người đến gần.
- Hãy để ông ta được yên. – Tarzan nói - Ông ta quá thấp bé. Không ai đi đánh người thấp bé cả.
- Xem ra chuyện gì mày cũng thọc mũi vào! – Friedhelm gầm gừ.
- Chí phải. Tôi can thiệp vào mọi chuyện chướng tai gai mắt.
- Cảm ơn, ân nhân của tôi! - Trọc Đầu kêu lên.
Gã nhặt cây gậy bị rơi lên và vội vã lủi vào bóng tối dưới gầm cầu.
- Nếu bây giờ gã gặp Paula, - Achim nhăn nhở - mụ sẽ cho gã ra bã.
- Gã là ai vậy? – Tarzan hỏi.
Friedhelm nhổ bọt khá gần chân Tarzan. Achim giật thót người. Rõ ràng gã không khoái một trận đụng độ nữa.
Beppo sủa ăng ẳng đầy giận dữ về phía Friedhelm. Nó đã coi Tarzan là chủ của mình, và bênh vực chủ. Bị Thịt nhấc một chân toan đá con cún.
- Cứ thử đụng vào nó, – Tarzan rít qua kẽ răng – anh sẽ nằm nhà thương đến Tết sang năm.
- Đó… đó… đó là Thêo Weber. - Achim vội vã trả lời câu hỏi ban nãy của Tarzan - Chúng tôi gọi gã là Trọc Đầu.
Tarzan gật đầu, ra hiệu cho Tròn Vo bỏ đi.
- Bây giờ căn lán trống rồi chứ? – Friedhelm ồ ồ hỏi.
- Không. Chúng tôi quay lại ngay. Và tôi không muốn thấy kẻ nào nằm trên giường của mình đâu đấy.
Rồi Tarzan, Tròn Vo và Beppo lên mặt đường. Cả một thế giới khác: xe cộ nườm nượp, đèn nhấp nháy muôn màu. Cái thế giới hạnh phúc và no đủ.
Một chiếc BMW to tướng, sang trọng, màu nhũ bạc sáng loáng - giấc mơ của bao người - đỗ két bên cạnh chúng. Cửa xe bật mở.
Con Beppo nhảy cẫng lên mừng rỡ, tiếng sủa hân hoan, nồng nhiệt. Vì sợi dây Tarzan buộc nó rất dài, nó nhảy tót lên lòng bà chủ của mình.
- Ôi, Ben yêu quý của ta!
Rõ ràng người đàn bà định hôn nó, nhưng kìm lại được.
Ơn Chúa! Tarzan nghĩ. Chí ít con chó đã tìm được tổ ấm của nó.
Tròn Vo đến đứng cạnh Tarzan.
Bây giờ người lái chiếc BMW mới mở cửa xe bên kia bước xuống.
Thật là một bức tranh thú vị! Tarzan tự nhủ. Giữa hai thế giới giàu nghèo là một con cún!
Người đàn bà mặc một chiếc áo dài dạ tiệc quét đất màu tím biếc, bên ngoài khoác chiếc áo lông cực đắt tiền. Trên người đầy kim cương, vàng bạc lấp lánh. Bà ta cao lớn, còn khá trẻ, hông hơi quá nở. Gương mặt dài dài, cặp mắt nâu đôn hậu.
Chồng bà, hoặc người quen của bà, mặc bộ smoking bằng lụa màu lam sẫm như trời đêm, trông giống một nhà uốn tóc. Mái tóc và hàng ria đen tỉa gọn gàng.
- Olaf! – Người đàn bà reo lên – Chúng ta tìm thấy con Ben rồi.
- Chính chúng tôi đã tìm thấy nó. – Tròn Vo nói luôn.
- Chúng tôi đang định ôm nó đến bến xe ta-xi để trao cho một tài xế đem nộp nó cho cảnh sát, hoặc trại thú lạc. – Tarzan giải thích - Nếu Ben hay chạy khỏi nhà, bà nên deo vào cổ nó một tấm biển nhỏ ghi rõ địa chỉ của bà. Và nhớ đề sẽ có hậu tạ. Như vậy, sẽ tránh được bọn chuyên bắt thú đem bán cho các cơ sở thí nghiệm. Biết sẽ được thưởng hậu hơn tiền bán con chó, chúng ắt mang Ben trả lại cho bà.
- Sáng kiến hay quá! – Người đàn bà kêu lên – Olaf, chúng ta sẽ làm đúng như thế.
Olaf đi vòng quanh xe đến bên họ. Ông ta giở ví ra, những ngón tay vê vê các tờ giấy bạc. Rõ ràng ông ta chỉ có những tờ bạc lớn.
- Các… các cậu nghĩ tiền thưởng sẽ là bao nhiêu?
- Chúng tôi không nhận tiền vì một việc thiện. – Tarzan nói. Nhưng Tròn Vo huých hắn, và thủ lĩnh TKKG sực nhớ đến hoàn cảnh hiện tại của hai đứa - Thế nhưng đã lâu quá rồi chúng tôi không được ăn uống gì. Cậu bạn Willi của tôi rất đỗi khổ sở. Giá có vài mark, chúng tôi có thể qua được đêm nay.
Olaf quay sang người đàn bà:
- Katharina, thế nào…
- Không ai chăm lo cho các em sao? – Ánh mắt Katharina đầy ái ngại - Trông các em… tiều tụy quá.
Tarzan nhún vai:
- Không cha mẹ, không gia đình. Chúng tôi lang thang ngoài phố từ hai năm nay. Dĩ nhiên chúng tôi phải cảnh giác để cớm không đưa về trại mồ côi, vì chúng tôi còn ít tuổi. Nhưng chúng tôi thích tự do. Tuy nhiên cái giá của sự tự do rất đắt. Willi không biết đọc biết viết. Mùa đông năm ngoái tôi bị cóng rụng ngón chân. Dẫu vậy, tôi tự hào nói rằng chúng tôi không trở thành gánh nặng cho nhà nước. Chúng tôi chưa từng nằm viện, không nhận trợ cấp xã hội, chưa bao giờ bước chân vào tù, và sẽ tránh để một ngày nào đó không chiếm một chỗ trong nghĩa địa dành cho những người nghèo. Đúng thế chứ, Willi?
- Tao hoàn toàn nhất trí với mày, Tarzan ạ. - Tròn Vo nói qua hai hàm răng nghiến chặt.
- Bây giờ các em sống ở đâu? – Katharina hỏi - Tôi muốn nói đêm nay, giữa thời tiết lạnh như thế này?
- Từ giờ cho tới sáng thứ ba, có thể tìm chúng tôi ở trong căn lán nhỏ dưới bờ sông kia. – Tarzan đáp, tay chỉ về phía lán.
- Rồi sau đó?
- Chúng tôi chưa biết.
- Olaf, hãy đưa tiền cho họ đi!
- Nhưng tối đa là năm mark thôi, - Tarzan nói - chúng tôi không lấy hơn. Ông bà đừng làm tổn thương lòng tự hào của chúng tôi!
Quả thật Olaf chỉ có những tờ bạc lớn. Trong khi Katharina lục lọi trong xắc tay, ông ta mất cả nhẫn nại:
- Em yêu, chúng ta còn phải đưa Ben về nhà. Mà Wedelin Wiegand thì cứ dặn đi dặn lại anh đừng đến muộn quá. Anh ta muốn giới thiệu với chúng ta cô chị gái Petra Dalmig. Quỷ tha ma mắt, chúng ta bỏ phí nhiều thời gian quá đấy, em yêu.
- Ông bà đi dự tiệc ạ? – Tarzan hỏi.
- Phải.
- Tôi không hề biết trên đời này vẫn còn tiệc tùng. – Tròn Vo trố mắt lên - Khi nhìn ông bà, tôi cứ tưởng đã đến mùa Hội Hóa Trang vào tháng hai cơ đấy.
Olaf nhăn trán. Katharina tìm được một đồng năm mark.
Tarzan cắn thử, gật gù:
- Có vẻ là tiền thật. Cảm ơn bà.
- Các em sẽ không dùng tiền này mua rượu chứ? – Người đàn bà lo ngại hỏi.
- Ồ không. – Tarzan đáp – Willi có thời kì suýt nghiện rượu, nhưng đã kịp cai. Bây giờ chúng tôi chỉ còn uống nước suông, và đến dịp lễ Giáng sinh thì húp canh thịt mà thôi. Xin bà hãy lưu ý đến con Ben! Chúc ông bà dự tiệc vui vẻ!
- Nếu lúc nào cần giúp đỡ, - Katharina nói nhanh – các em cứ gọi điện cho chúng tôi. Chúng tôi có tên trong cuốn danh bạ điện thoại. Tôi là Katharina von Hippe, người quen của tôi đây tên là Olaf Praht. Ông ấy là chủ của 11 tiệm uốn tóc trong thành phố này đấy. À, mà chắc chắn các em sẽ có lúc cần hớt tóc. Olaf sẵn sàng giúp các em. Phải không, anh Olaf nhỉ?
- Katharina, anh xin em! – Olaf thì thào - Khách hàng của anh thuộc giới sang trọng nhất trong xã hội. Thêm nữa… ờ… anh hầu như chỉ có tiệm uốn tóc nữ thôi.
- Đừng lo. – Tarzan cười - Chúng tôi sẽ không bén mảng đến chỗ ông đâu. Kẻo giới sang trọng của ông lại bực mình. Willi biết chỗ có kéo tỉa cây. Khi cần, chúng tôi tự xén tỉa cho nhau. Ông thấy đấy, bốn tai của chúng tôi vẫn còn nguyên.
Olaf cười gượng:
- Các cậu phải thông cảm. Tôi không thể để những người lang thang vào tiệm của mình.
- Thông cảm quá đi chứ ạ. - Tròn Vo cười – Mà một bà tên là Erna Sauerlich, vợ nhà sản xuất sô-cô-la lừng danh, có ngẫu nhiên là khách hàng của ông không ạ?
Olaf nhướn mày:
- Dĩ nhiên. Đó là một bà khách tôi hết sức kính trọng. Sao cậu lại hỏi thế?
- Bà ta từng tặng tôi năm mark. Sau đó tôi thấy bà ta bước vào tiệm uốn tóc của ông ở phố Effilier. Xin chào!
Tarzan và Tròn Vo quay gót, trở lại phía cầu.
*
Tối nay, ở đồn cảnh sát trên phố Abhold không có mấy việc. Rồi một cô nàng xinh đẹp ở đâu bỗng xồng xộc chạy tới.
Cảnh sát Hartwig, vốn rất sốt sắng lịch sự với phái đẹp và ít quan tâm đến đám tội phạm hay những kẻ vi phạm luật lệ giao thông, tiếp cô ta.
Petra Dalmig trẻ trung, chừng 28 tuổi, xinh đẹp khác thường với mái tóc đen cắt ngắn và cặp mắt lóng lánh như than đá. Cô ta mặc chiếc áo dài dạ tiệc như dòng bạc chảy trên người, vai khoác chiếc áo lông thú sang trọng. Hartwig lắng nghe cô ta giãi bày.
- … Thưa ông cảnh sát, tôi chưa bao giờ gặp chuyện như thế. Không tưởng tượng nổi! Chẳng lẽ con người ta không được an toàn ở đâu nữa? Nhưng tôi đã cho gã một trận. Và gã sẽ còn biết tay tôi. Thế đấy… Bên ao vịt trong công viên Kreydmeier gã đã xán đến tôi. Tên khốn đó! Gã đẹp mã, nhưng say khướt. Gã đã xán đến tôi, miệng hét: “Đồ phù thủy! Đồ phù thủy!”. Tôi xin hỏi ông: Trông tôi giống một mụ phù thủy chăng? Gã đàn ông đó hoặc là loạn trí, hoặc rượu đã làm gã mất hết trí khôn. Gã còn tìm cách giật tóc tôi và…
- Cô cho phép tôi ngắt lời chứ ạ, thưa cô Dalmig? – Hartwig nói – Trông cô như sửa soạn đi dự tiệc. Vậy cô đã làm gì trong công viên Kreydmeier chứ?
- Đúng vậy, thưa ông cảnh sát. Cậu em Wendelin Wiegand mở tiệc. Tôi đang trên đường tới đó. Nhưng tiếc là đôi lúc tôi lại bị một cơn khó thở. Một dạng hen suyễn. Phần lớn tôi lại vượt qua được. Thế nhưng thi thoảng tôi thật sự nghĩ rằng giờ tận số của mình là đây. Thế là tôi phải ra ngoài trời. Với tôi, khi ấy trong nhà, trong máy bay, trên ô-tô, trong thang máy… đều quá ngột ngạt. Đang lúc lái xe đi ngang công viên thì tôi bị cơn khó thở. Thế là tôi xuống xe chạy vào công viên. Ở đó tôi có thể thở sâu, và đâu lại vào đấy, bên cái ao vịt. Cho tới lúc gã nọ xán đến bên tôi. Nhưng tôi đã cào vào mặt gã.
- Cào vào mặt gã? - Cảnh sát Hartwig hỏi lại.
- Bằng những móng tay này. - Petra Dalmig xòe những móng tay sơn đỏ như những cái vuốt mèo - Ông hãy nhìn đây! Chỗ này, chỗ này, chỗ này nữa… chỗ nào cũng bị gãy móng.
Hartwig chẳng thấy gì cả.
- Rồi sao?
- Có hiệu quả. - Ả mỉm cười, mắt lóng lánh.
- Hiệu quả thế nào?
- Gã buông tôi ra.
- Và cô đã chạy thoát được?
- Tôi chạy ra phố. Ơn Chúa khi ấy tôi lại thở được.
- Cô có thể tả hình dạng người đó chứ?
- Được ạ. Nhưng sẽ chẳng cần thiết. Vì… thế là tôi lao lên xe, chốt cửa lại, chúi người xuống thật thấp. Tôi không thể lái xe được vì run quá. Tôi không biết mình đã nấp như vậy bao lâu. Đột nhiên kẻ ấy đi đến. Gã không trông thấy tôi. Gã lên xe của gã, lái đi.
- Tôi tưởng khi ấy gã say?
- Chứ sao, say bí tỉ! Gã chạy bộ cũng chật vật. Vậy mà gã lái xe rất chuẩn. Không hề chạy ngoằn ngoèo nữa kia.
- Cô có nhớ được số xe không? – Viên cảnh sát vội hỏi.
Petra gật đầu:
- Nhớ rất chính xác ạ.
*
Sau hồi chuông thứ chín, Oswald Muller mới ra mở cửa.
Gã ngất ngưởng trong khung cửa. Áo sơ-mi mở phanh. Tóc tai rối bù. Hơi thở nồng nặc mùi rượu. Giả sử có ai đánh diêm ở gần gã, khéo gây hỏa hoạn.
- Chính gã đây rồi. – Petra bảo viên cảnh sát Hartwig – Ông hãy nhìn mặt gã thử xem! Tên khốn kiếp!
- Ông là Oswald Muller? – Cảnh sát Hartwig bèn hỏi.
- T… t… t… ôi… đâ… â… y. - Bố dượng của Caroline líu lưỡi đáp.
- Ông có nhớ việc xảy ra vừa rồi không?
- V… v… việc… gì?
- Vậy là ông không nhớ hả?
- C… c… có… nh… nhớ! T… tôi… đang ngồi vui vẻ với tôi. Hoàn toàn một mình với tôi.
- Tôi buộc lòng mời ông theo tôi về đồn, thưa ông Muller.
- Tạ… tại sao?
- Vì chuyện vừa rồi.
Oswald gật đầu. Dường như tỉnh ra vì sợ. Gã lảo đảo đến bên tủ áo treo nhiều áo măng-tô. Từ trên tầng hai, nhạc Pop mở oang oang. Oswald lấy một áo từ mắc xuống.
- Vặ… vặn… khẽ đi, Caro… Caroline! - Gã gào lên trên gác.
Loa vẫn oang oang.
Oswald khật khưỡng ra cửa. Petra ghê tởm né sang bên. Còn Hartwig để ý để Oswald không ngã sấp mặt xuống. Gã vất vả tìm cách thò tay vào ống tay áo măng-tô.
- Ông… thấy đấy, thưa ông cả… cảnh sát. – Hắn lè nhè - Co… con gái tôi… không nghe lời tôi. Cái con… ranh!
- Mời ông đi cho! – Hartwig ra lệnh.
*
Gaby đã mặc quần áo ngủ, nhưng chưa đánh răng, vì mẹ còn đem lên cho một đĩa bánh thật ngon.
- Trông con có vẻ tư lự. Con nghĩ gì vậy?
- Con lấy làm lạ, sao gọi điện mà Caroline không nhấc máy.
- Hay cô bé còn ở chỗ ông nội?
- Con đã gọi điện đến đấy. Caroline về nhà từ lâu rồi, ngay sau khi bọn con ra về thôi.
- Con thử gọi lại cho bạn ấy xem.
Sau hai hồi tút dài, đầu bên kia có người lên tiếng:
- Muller đây.
Giọng bố dượng của Caroline như người đang sau cơn say rượu.
- Gaby Glockner đây ạ. Xin chào ông Muller. Cháu có thể nói chuyện với Caroline không ạ?
- Chờ một lát, để tôi gọi nó.
Một lát sau.
- Caroline không có nhà. – Oswald Muller nói - Kì quặc. Ban nãy khi tôi đến đồn cảnh sát… ờ… rõ ràng nó còn ở nhà. Chà, có lẽ lại hẹn hò gì với cái thằng ranh bạn trai nó rồi.
- Có phải ông muốn nói đến Andreas Bernholt? – Gaby lạnh lùng hỏi.
- Nó tên thế đấy.
- Đó không phải là một thằng ranh, thưa ông Muller, mà là một thiếu niên rất dễ mến.
- Cô chắc chứ? Tôi nghĩ cậu ta có ảnh hưởng xấu đến Caroline. Dẫu thế nào, một giờ nữa mẹ Caroline, bà vợ tôi sẽ đi an dưỡng về. Đáng lẽ cô con gái phải ở nhà mà đón mẹ chứ.
- Caroline rất yêu quý mẹ bạn ấy. – Gaby nhấn mạnh – Thôi được, cháu sẽ gọi điện đến nhà Bernholt. Xin chào ông Muller.
Cô bé gác máy. Trong lúc cô đang tra danh bạ điện thoại để tìm số máy nhà Bernholt thì căn hộ mở, thanh tra Glockner đã về.
Con Oskar rối rít mừng ông chủ. Bà Margot hôn chồng. Gaby ôm chầm lấy bố nũng nịu.
- Ba có hai tin mới sẽ khiến con quan tâm đây. Một tin liên quan gián tiếp đến cô bạn Caroline của con, đó là về ông bố dượng Oswald Muller. Ba tình cờ đọc được báo cáo qua telex của đồn số 31 trên phố Abhold; theo đó thì ông Muller này đã gây một chuyện khá ngu ngốc tối nay. Cụ thể là ông ta đã quấy nhiễu một người phụ nữ trong tình trạng say bét nhè, tại công viên Kreydmeier. Người phụ nữ buộc phải tự vệ, cào cấu vào mặt Oswald Muller. Căn cứ vào số xe của ông ta, cảnh sát xác định được ngay thủ phạm. Sự việc đã rõ ràng. Và nghe nói Muller không nhớ nổi đã gây chuyện gì.
- Con nghĩ Caroline sẽ chẳng thèm buồn vì chuyện này. – Gaby nói – Mẹ bạn ấy sẽ li dị. Đằng nào Caroline cũng chưa bao giờ chịu nổi ông bố dượng. Nhưng có điều này lạ lắm: suốt cả giờ nay, con thử gọi điện cho Caroline mà không được. Bạn ấy không có nhà. Con vừa gọi cho ông bố dượng. Giọng ông ta vẫn lè nhè như chưa tỉnh hẳn. Nhưng cũng không ra say. Và… ồ phải, con nhớ là ông ta có nhắc đến cảnh sát.
Glockner ngồi vào bàn ăn món thịt gà trộn và uống bia, những thứ bà Margot vừa bưng ra.
- Caroline có hay đi chơi tối không?
- Không bao giờ ạ.
- Hi vọng chuyện này không liên quan gì đến vụ bê bối của ông bố dượng.
- Ba muốn nói là Caroline biết chuyện, nên xấu hổ ấy ạ?
Ông thanh tra gật đầu.
- Nếu thế, Caroline đã gọi điện cho con rồi.
- Con nói tối nay mẹ của Caroline sẽ trở về phải không nhỉ? – Bà Glockner hỏi xen.
- Đúng thế ạ.
- Về bằng ô-tô hay tàu hỏa?
- Con nghĩ là bác ấy đi tàu.
- Thế thì nhất định Caroline đang ở ngoài ga để đón mẹ rồi. – Bà Margot dịu dàng nói.
Gaby vỗ tay lên mái tóc vàng óng:
- Lẽ ra con phải nghĩ đến chuyện ấy!
Con Oskar chạy vào, mõm ngoạm một cái bánh.
- Ba mẹ nhìn tên kẻ cắp kìa! – Gaby cười vui vẻ, đoạn quay sang bố - Thế còn tin mới thứ hai là gì hả ba?
- Tin này có liên quan đến dự định giả làm dân lang thang của Tròn Vo và Tarzan…
- Các bạn ấy đã bắt đầu rồi mà ba. - Gaby xen vào.
- Từ hôm nay rồi à, thế mà ba không biết.
- Ôi, giá mà ba mẹ trông thấy hai bạn ấy nhỉ! Chủ nhật Karl và con sẽ ra cầu Cầu Vồng, có thể trông thấy họ.
Glockner ngả người ra ghế:
- Ba đã kể với con về sự mất tích khó hiểu của những thiếu niên bỏ nhà đi lang thang. Ngoài ra, con còn biết về những vụ bắt cóc ở Amsterdam và Barcelona. Ba ngờ rằng mọi chuyện này có liên quan với nhau, và phía sau nó là cả một tổ chức. Tại đây, và ở khắp châu Âu. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao những thiếu niên lại bị bắt cóc? Chúng bị đưa đi đâu? Ai là kẻ tội phạm? Tiếc rằng sự ngờ vực của ba lại có thêm căn cứ. Vừa rồi, cảnh sát quốc tế thông báo rằng đêm qua, người ta vớt được ở cảng Marseille ba xác chết là ba thiếu niên tuổi mười bốn, mười lăm và mười bảy. Trong đó thì Franz – Otto Kehrtzsamma là người thành phố chúng ta, mất tích từ năm tuần nay, vốn lang thang đây đó. Cũng tương tự như vậy là hai cậu bé Esteban Corriente người Barcelona và Willem Tilshoven người Amsterdam. Cả hai cũng bị mất tích từ bốn, năm tuần rồi.
- Và bây giờ họ chết đuối ở càng Marseille?! – Gaby bàng hoàng.
Ông thanh tra gật đầu:
- Người ta đoán rằng chúng đã ở trên một con tàu rời cảng cách đây vài hôm. Có lẽ cả ba đã nhảy xuống biển khi tàu rời đất liền khá xa. Chúng định bơi vào bờ, nhưng không nổi, bị chết đuối. Và sóng đã đánh dạt xác chúng vào cảng.
Cả bà Margot cũng xúc động mạnh:
- Thế nhỡ có kẻ ném chúng xuống biển thì sao?
- Ý em nói là vì chúng lên tàu lậu ấy à? Có thuyền trưởng nào lại nỡ và dám làm thế. Hơn nữa, ba thành phố của ba cậu bé ở cách xa nhau, làm sao chúng cùng nhập bọn để cùng trốn lên một con tàu được? Anh thì anh nghĩ rằng bọn tội phạm có hệ thống bắt cóc ở đây, ở Amsterdam và Barcelona. Rồi chúng đưa các nạn nhân đến một nơi tập trung, có thể chính là Marseille, để từ đấy tống lên tàu chở đi đâu đó. Tất nhiên là cưỡng bức. Nếu không lũ trẻ đã chẳng nhảy xuống biển.
Tất cả im lặng hồi lâu, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình.
- Không thể xác định được đó là con tàu nào ạ? – Gaby hỏi.
- Có hàng trăm con tàu. – Glockner lắc đầu - Ngoài ra còn phải tính thêm vô số du thuyền ra khơi xa. Làm sao biết ba đứa trẻ từng ở trên con tàu nào.
- Bọn buôn người chăng? – Bà Margot hỏi.
- Có vẻ như vậy. – Ông thanh tra gật đầu – Các cô cậu thiếu niên bị bắt cóc. Để làm gì? Chúng đưa nạn nhân đi đâu? Kẻ nào nấp đằng sau tội ác này?
- Con đã kể cho Tarzan và Tròn Vo những gì con biết trước đây rồi. – Gaby nói - Theo ba, các bạn ấy đang bị nguy hiểm chăng?
Ông thanh tra nhún vai:
- Ba còn biết quá ít để trả lời câu hỏi của con, Gaby ạ. Nhưng thận trọng bao giờ cũng vẫn hơn.
Cô bé gật đầu:
- Ngày mai con gặp Karl. - Cô bé gật đầu – Tụi con sẽ cùng ra bờ sông để báo động cho Tarzan và Willi.
Tứ Quái TKKG Tứ Quái TKKG - Stefan Wolf Tứ Quái TKKG