Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 419 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
i đi Hà Nội, sao chẳng đến thăm một cái làng nhỏ kia, ở bên Hồ Tây, ngoảnh lưng ra đê sông Nhị, gọi là làng Nghi Tàm, mà hỏi chuyện ông Lý Chắm, hay ông Lý Râu, vì sinh thời ông có lắm râu, cho nên người làng quen gọi. Tên bộ1 ông là Nguyễn Hữu Khang. Ông đã có công đức thế nào, mà nay đã nên một đấng thần phúc ở làng ấy?
Làng Nghi Tàm là một làng cố cựu ở hoàng thành Thăng Long là chỗ cổ đế đô, thiếu gì là khoa hoạn, thiếu gì là anh hào, mà công cả, tiếng thơm nghìn thu hương hỏa, lại về một tay lý dịch, còn những kẻ quyền cao thế mạnh tưởng đã đỏ rực một phương trời, nóng rẫy một khu đất, đến bây giờ cũng khói lạnh hương tàn, có khi tên họ cũng không còn ai nhắc đến nữa.
Thế mới biết chí thành ấy là thần thánh, thiên lý2 vốn ở lòng người; có hạnh phúc cho xã hội mới gọi là công danh, có danh tiếng để đời sau mới gọi là sự nghiệp. Và biết cái cảm tình của dân xứ ta hay trọng về đường báo đáp; thù ai một chút cũng mong trả, ân ai trăm năm cũng chưa quên. Cái cảm tình ấy lại là một cái nguyên chất để gây dựng nên dân tộc, cố kết lấy nhau, bênh vực lấy nhau, dù sóng lở núi mòn cũng không bao giờ biến đổi.
Câu chuyện này là chép sự thực. Những người đồng thời với kẻ quan hệ trong câu chuyện này hãy còn đó, đủ làm chứng là sự thực; đây tôi kể được tường tận, là vì có người đã thuật lại cho tôi nghe.
1. Tên trong sổ. Bộ hay bạ là sổ sách.
2. Lẽ trời.
Cứ theo trong điển lệ1, mỗi năm đến kỳ tháng Chạp, tháng Giêng và tháng Hai làng Nghi Tàm phải có tiến chim sâm cầm mỗi kỳ là hai đôi. Xét sâm cầm mỏ sẻ, chân vịt, là một thứ chim ở nước. Người ta tương truyền rằng chim ấy hay ăn sâm ở Trung Quốc, hay uống nước ở Hồ Tây, thịt nó ăn bổ như sâm nên gọi là sâm cầm, mỗi năm đến mùa đông, ở Hồ Tây hay có, và việc tiến chim ấy mỗi năm đã làm phí tổn cho dân nhiều lắm.
Năm Tự Đức thứ 25, Lý Chắm đang làm lý trưởng. Tháng Mười một có một tờ tỉnh sức2 cho làng đánh chim, bấy giờ làng họp tại đình mà bàn định: trừ sáu đôi chim chính tiến, còn phải lễ các quan, các thầy phần việc có 50 con mới đủ, giá rẻ cũng phải 100 quan tiền, vì năm nay hiếm chim, những nhà quen đánh giò lưới3 đều bắt bí mà bán cho thật đắt; tiền trình, tiền lệ4 các sở mỗi sở phải 50 quan; tiền phụ cấp cho lý trưởng phải 50 quan; cả thảy là 300 quan; cứ chiếu sổ hương ẩm5 mà bổ rồi giao cho lý trưởng nhận biện.
Lý Chắm ra về, nói với người làng rằng:
- Sáu con chim tiến mà tổn phí cho dân đến ba trăm quan tiền, một tang tiết bao nhiêu là ngoại6, điển lệ đặt ra để tỏ ý tôn quân thân thượng7, chớ không phải sinh sự mà nhiễu dân. Chẳng qua, từ xưa tại mấy người kỳ dịch đã ngu lại tham, chỉ mong đục nước cho được béo cò, không nghĩ gì đến sự nặng nề về sau cho con cháu. Nay mình đã là người đàn anh trong một xã, cũng phải tính thế nào mà bảo hộ lấy con em; nếu thịt không còn thì lông bám vào đâu. Huống chi danh là thờ vua mà thực là hại dân, lại là một điều tội lỗi.
1. Những quy định do Nhà nước ban bố, được ghi vào sách vở.
2. Tờ thông tri của tỉnh.
3. Giò hay gio: dụng cụ đánh chim bằng sợi dây thòng lọng gắn vào những thanh tre mảnh và nhỏ như cây cỏ may, chim giẫm chân vào sẽ bị thòng lọng siết lại.
4. Tiền ra mắt và tiền lệ phí.
5. Sổ ghi chép việc ăn uống trong làng.
6. Một vụ hối lộ mà có bao nhiêu là đòi hỏi ngoại lệ.
7. Tôn vua, thân bề trên.
Có người nói:
- Thói tham nhũng bây giờ như thiên tai lưu hành, đã truyền nhiễm khắp cả mọi nơi, không đâu là tránh cho khỏi. Vả dân chịu khổ mãi cũng đã quen, như người đau đã thành tật.
Lập lệ thì dễ mà phá lệ thì khó; mình thương kẻ dưới, nào người trên có thương chi mình; nếu cứ giữ đường thẳng mà đi đã không xong việc cho làng, mà mình lại mang tiếng là điêu là ngạnh.
Lại có người nói:
- Làm nghề gì kiếm ăn nghề ấy, xé mắm thì phải mút tay, của "bách gia chi sản"1 là quyền lợi của đàn anh, thịt kẻ yếu để cho kẻ khỏe ăn, cũng là cái lệ công trong thiên diễn2. Ông ra làm việc không có lẽ lấy của nhà mà bù; miễn là không xâm phạm của dân thì thôi, lại còn giữ cả người ta sao được.
Nghe nói biết là những người yếu đuối hèn dại, không trách mà dân sự mỗi ngày một tồi tàn. Người đã không có lương tâm, không có thể nói chuyện công ích. Ông Lý Chắm nghĩ đi nghĩ lại trong làng, chỉ còn có ông Tổng Khải và ông Cựu Thuyên, là người có kiến thức, có can đảm, sau lại tìm đến mà bàn. Ông Lý Chắm nói:
- Hai ông xem tình cảnh làng ta mười nhà thì chín nhà đói, làm ăn đã khó nhọc, đóng góp lại nặng nề, kẻ thì lưu lạc mà đi bốn phương, kẻ thì trộm cắp mà phải tù rạc. Như việc nộp chim năm nay, quan trên đã không có lòng điều tễ3, lại dưới còn lắm nỗi mè nheo, nếu không lo mà gỡ cho ra, thì con cháu mình biết đến bao giờ cất đầu lên cho nổi. Tôi là Lý trưởng, nghĩa phải nhận lấy trách nhiệm, hai ông phỏng có mưu kế gì giúp tôi chăng?
1. Của trăm nhà.
2. Những cảnh biến đổi trong tự nhiên, xã hội.
3. Điều hoà các vị thuốc, chuyển nghĩa: điều hoà, điều phối.
Tổng Khải nói:
- Muốn tránh một sự thiệt hại cho kẻ này, ắt phải có điều bất lợi cho kẻ khác; lợi hại cứ tranh nhau, sẽ sinh ra nhiều điều biến cố. Cho nên làm việc, trước phải suy xét tình thế, tính nước trước sau, nếu theo máu nóng thì làm chẳng những là vô công, mà lại còn lắm điều nguy hiểm nữa. Trước hết xin hỏi ông: Nhân sao mà làng không gửi thẳng chim tiến, còn phải nộp chim cho tỉnh quan để phiền phí1?
- Vì tỉnh quan mới có quyền phát trạm mà đệ công văn công hóa.
- Trong một tỉnh việc phát trạm thuộc về ai?
- Về quyền quan án sát.
- Vậy ông có biết quan án sát của tỉnh ta là người thế nào không?
- Nghe nói là người nghiêm nhặt, về việc văn án lại càng thâm hơn.
- ấy đó là điều ta phải chú ý, vì quan đã dữ thì dân không dám gần, dân ngu thì lại dễ hống hách; nay dân đã ngu lại dữ, phép nào những tay gian nhũng lại không thừa thế mà độc2 dân. Nay chỉ còn một cách này là cách để chế3, là giữ phép luật mà gan chịu đòn.
Ông Lý Chắm nói:
- Nếu việc có lợi cho làng ta và con cháu mình về sau, thì tính mệnh tôi cũng không từ, huống chi là đòn vọt. Nay tôi đã nghĩ một phương pháp thật có thế lực, chỉ thiếu chưa có người làm. Phương pháp này có quyền thuật, có cơ quan, nghĩa là mình có chịu dấn vào đám chông gai, thì mới cứu được người ta ra nước lửa. Hai ông có chịu lời giúp tôi, thì tôi sẽ nói.
1. Phiền nhiễu, phí tổn.
2. Hại.
3. Chế ngự, chống chế.
Hai ông kia nói:
- Hễ trượng phu thấy nghĩa thì làm, huống chi là việc cũng là việc lợi ích chung, chúng tôi có phải phường tranh thịt tranh xôi đâu mà ông sợ. Phương pháp ông thế nào ông cứ nói.
Ông Lý Chắm nói:
- Đức Kim Thượng1 thực là đứng thánh minh, xem những lời chỉ dụ khuyên bảo thần công2, thì tấm lòng chu tuất3 lê dân thực như trời che đất chở. Nếu tình u uẩn của dân ta có thể lọt đến tai trời, thì cái gáng nặng trăm năm có lẽ một ngày cất khỏi.
Nói rồi ghé tai hai ông mà nói: "Như thế... như thế...". Hai ông nghe nói cứ gật đầu tắc lưỡi rồi đưa nhau đến cửa đình mà phát thệ với nhau rằng: "Phải tay tham bạo, bác tước4 con em; nếu để thân tàn, thần sao an sở; chúng tôi kỳ dịch, nghĩa phải giúp dân; đã quyết một lòng, thần minh chứng giám".
Ngày 25 tháng Mười một năm ấy lý dịch đem tiền chim lên tỉnh mà nộp. Trước hết làm đơn bẩm nạp vào trình quan tổng đốc. Tiền trình tiền lệ nộp đã đủ rồi, quan phê hai chữ:
Kiểm thụ. Phần việc khám chim rồi, cũng cho chữ: Thừa khám mao vũ tề bị, nghĩa là khám chim đủ lông đủ cánh. Rồi sang trình bên bố5. Trình lệ cũng đủ như bên quan thượng6.
Quan phê rồi, phần việc lại cho chữ: Thừa khám cơ nhục tiên phì, nghĩa là khám chim đều được béo tốt. Hôm sau sang trình bên niết1, là nơi sẽ nhận chim mà phát đệ. Lý dịch vào phòng sở trình quan kinh lịch2 trước. Quan kinh lịch bắt nộp tiền cho đủ, rồi mới cho lên hầu quan.
1. Đức vua đương kim.
2. Bề tôi.
3. Thương xót rộng khắp.
4. Bóc lột.
5. Bố: bố chánh, thi hành chính sách.
6. Thượng: tổng đốc, quản đốc một hoặc hai tỉnh.
Lý Chắm ra khỏi phòng sở, đi thẳng lên công đường. Tổng Khải, Cựu Thuyên mang lồng chim đi theo sau. Linh sở hầu trông thấy vừa thét: "Lui ra" thì Lý Chắm đã đến trước mặt quan án; tay đưa tờ bẩm miệng nói:
- Chúng tôi là dân Nghi Tàm đem chim tiến vào nộp.
Bấy giờ ông Lý mặt càng đỏ, mắt càng tròn, bộ râu săm cứng, thẳng lên như cái chổi thép. Quan án thấy bộ đường đột, ngoảnh lại mà hỏi:
- Ai là phần việc? Dân Nghi Tàm nộp chim có đúng lệ không?
Nghe có người thưa:
- Tiền lệ chưa có và chim năm nay cũng xấu.
Quan án nổi cơn lôi đình lên mà quở rằng:
- Chim xấu tao chặt cổ bay đi. Lính đâu sao cho dân vào đó?
Lý Chắm liền đưa đơn bẩm cho Tổng Khải, đưa mắt cho lui ra. Mình cầm lấy lồng chim, mà giằng co với tên lính.
Bỗng thấy chim trong lồng vừa kêu vừa giãy, lông rụng ra tơi bời. Lý Chắm la lối mà kêu lên rằng:
- Chim của chúng tôi tốt, hiện có chữ quan làm bằng, vì không tiền ngoại lệ mà bẻ chân của chim chúng tôi; của tiến vua là của hệ trọng, tôi xin chết theo chim, ai đã làm sự khi quân3 thì người ấy sẽ chịu tội.
1. Niết: án sát, chức quan coi về án tụng.
2. Kinh lịch: chức quan thu phát công văn, giấy tờ.
3. Khinh vua.
Nói rồi gieo đầu xuống thềm đá, nằm vật xuống đất, máu người chan chứa lẫn máu chim. Quan lại đông mặt cung đường trông thấy đều tối tăm con mắt.
Dưới trại lính còn đang hoảng hốt, nghĩ là giặc, cứ đánh trống ngũ liên. Quan Thượng, quan Bố nghe tin cũng sang ngay hội đồng; trước sai điều hộ cấp cứu cho đứa bị thương, tạm tống giam trong khám, rồi sức bắt dân Nghi Tàm lên mà hỏi.
Sau có người mách: ấy là cái mưu Lý Chắm đập đầu gieo vạ, để cho bọn Tổng Khải chạy thẳng về bộ, đánh trống đăng văn1 mà quỳ. Quan Thượng nghe nói, ngẫm nghĩ giờ lâu rồi bảo quan Bố rằng:
- Việc nhỏ này có lẽ thành ra việc lớn; vì đức Hoàng thượng vốn đã tin rằng quan lại hay ngược đãi lương dân. Nếu việc này không điều đình cho xong, để động đến tai vua, giao cho đình nghị, thì các quan đồng thành2 thế nào cũng phải xử phân. Chi bằng ta cứ lấy sự thực mà tấu; hãy xin đình tiến chim kỳ này, còn cái án kết nghĩ ra làm sao, nhờ lượng trên tài quyết3.
Nói như thế liền làm như thế. Nhất diện4 tạm tha cho Lý Chắm ra ngoài mà phục dược, và cắt người dỗ bảo cứ cơm ăn thuốc uống, để các quan hội đồng mà chạy sớ cho. Nhất diện cho người rượt theo bọn Tổng Khải vừa đến Nghệ An thì gặp, có thủ thư5 quan Thượng nhận đem tường tình mà tập tấu6 cho dân, lý dịch cứ về ở làng mà chờ chỉ.
1. Trống kêu oan, đặt ở trước cửa Ngọ môn nơi cung điện ai có oan ức đến đấy đánh lên để vua ra mà kêu.
2. Quan cùng hàng.
3. Phân xử.
4. Một mặt.
5. Thư tay.
6. Đem tình thật rõ ràng mà tấu thay cho dân.
Từ ngày tỉnh quan phát sớ về bộ, cả làng còn lo đêm lo ngày, chẳng những nguy cho tính mệnh mấy người đàn anh, còn sợ dân làng lại thêm tai hoạ nữa!
Đến tháng Hai năm sau là năm Tự Đức thứ 26 vừa có chỉ bộ ra, vâng lời châu điểm1 rằng: "Trẫm thấy chim sâm cầm không ngon gì là mấy mà tỉnh thần sinh sự nhiễu dân, tình thực đáng tách. Nghĩ viên Niết thần tỉnh ấy giáng hai cấp, điều đi tỉnh khác, và từ nay về sau, chuẩn cho làng Nghi Tàm không phải tiến sâm cầm nữa. Khâm thử2!".
Khi lục chỉ về đến làng, nào già, nào trẻ, nào gái, nào trai, đều mừng rỡ reo hò; thiết hương án ra tại đình mà lạy tạ ơn vua, rồi thiên nhân tán vạn nhân y3, kéo nhau lên tỉnh mà tạ quan và rước lấy ông Lý Chắm về làng mà mừng rỡ. Bấy giờ kẻ chào người chuyện, kẻ vái người hôn, kẻ nắm áo người ôm đầu, cũng có kẻ vừa cười vừa lau nước mắt. Ông Lý Chắm ứng tiếp không xuể, tưởng hôm nào gieo đầu thềm đá hãy mơ hồ như giấc chiêm bao.
Vẻ vang thay! Ông Lý Chắm! Hào kiệt thay! Ông Lý Chắm! ý khí mạnh hơn oai quyền, mưu cao đã nên công lớn, hương khói để nghìn thu, thơm tho trong một xứ, thế mới đáng sống ở làng, thế mới gọi sang ở nước. Nào những kẻ ăn lận4 con em, ỷ quyền cha chú, lại hay cõng rắn cắn gà, lại hay bới bèo ra bọ, thế cũng gọi là hào, thế cũng gọi là mục, sao chẳng đến Nghi Tàm mà hỏi thăm ông Lý Chắm?
1. Lời vua ghi thêm vào.
2. Hai tiếng "khâm thử" thường đặt cuối các đoạn chiếu văn của vua, ý nói: kính vâng theo đấy.
3. Nghìn người tán vạn người theo.
4. Ăn gian.
Truyện Ông Lý Chắm Truyện Ông Lý Chắm - Nguyễn bá Học