You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Nguyên tác: Hương Tình Yêu 7 Dặm
Dịch giả: Mai Hương
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 67 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 16
Cập nhật: 2020-10-27 20:20:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
ủng Kiều
Lão Thần
Củng Kiều[1] là một người chứ không phải là một cây cầu.
Nghe cái tên này bạn có thể hình dung ra dáng vẻ của thầy, ví dụ cây cung hoặc con ếch, hoặc cầu Triệu Châu gì đó.
Khi tôi biết thầy thì thầy đã già, lưng đã rất còng, đang ở trong căn nhà đá cũ kỹ phía đông thôn. Thầy đã làm hiệu trưởng nhiều năm. Nói hiệu trưởng là để tỏ lòng tôn vinh thầy, vì thầy chỉ quản có mỗi một giáo viên, đó là chính thầy.
[1] Nghĩa là cầu cong.
Mặt thầy vô số nếp nhăn, lúc nói thì đầy biểu cảm vui, buồn, phấn khích... Râu thầy mọc kín hai bên má và cằm dưới, nhất là cằm dưới, và đều cứng kinh khủng. Học sinh nam nào phạm kỷ luật, thầy không đánh vào bàn tay mà hạ giọng: “Duỗi bàn tay ra, úp xuống”. Bàn tay to tướng của thầy túm chặt lấy, xát mu bàn tay bé nhỏ và run bần bật của đứa học trò vào cằm dưới mình một hồi, khiến nó vừa đau vừa buốt ngứa như bị lông nhím đâm.
Vì vậy chúng tôi hay nhìn cái cằm rậm râu của thầy mà sợ hãi.
Tôi lúc ấy học lớp ba, rất hay gây rối. Có lần bảo với Nhị Thanh ngồi gần tôi rằng: “Cằm dưới của thầy hiệu trưởng nếu giống như gót chân thầy thì có phải hay không?”. Nhị Thanh nghe xong cười sằng sặc, sau đó làm cái việc phản bội là mách lẻo.
Thầy nhìn tôi bằng đôi mắt đùng đục của người già, bảo: “Anh có thật sự sợ cằm dưới của thầy không?”.
Tôi nhìn khuôn mặt rộng rãi của thầy mà kính nể gật đầu. Thầy xoa xoa cằm dưới làm cho nó phát ra tiếng, nói: “Sợ thì đừng quấy phá nữa nghe, ranh con!”. Bàn tay to tướng của thầy vỗ vào cái đầu nhẵn thín như quả dưa của tôi, cười khà khà: “Đây chả phải gót chân, nhưng lông của nó mềm không đâm vào người. Thôi, đi đi”. Tôi chạy biến.
Thầy lúc đó đã về hưu năm năm, nghe nói con trai thầy mấy lần đón thầy về quê ở Liêu Tây nhưng thầy đều từ chối. Thầy đi thì ai dám về đây dạy lũ quỷ sứ này. Chỉ có thầy.
Vì rụng mất hai răng cửa nên thầy phát âm nhiều từ không rõ. Ví dụ thầy đọc chữ em thành chữ a. Khi chúng tôi cũng đọc là a thì thầy nhăn khuôn mặt màu tương lại và bảo: “Thầy đọc là a các con không được đọc là a”. Chúng tôi đồng thanh. “Vâng, thưa thầy. Thầy đọc là a chúng con không được đọc là a”. Nhưng chúng tôi không sao đọc khác được. Thầy đành cười: “Già rồi, cái hồi dạy bố mẹ các con, thầy không phát âm như thế này đâu, già rồi. Bảo già là già rồi”. Lúc đó thầy già hơn ông của bất cứ đứa nào trong lớp.
Ngoài cái việc dùng râu ở cằm dưới xát vào mu bàn tay học trò, thầy rất tốt với chúng tôi. Ví dụ trời mưa, cái lưng cong của thầy trở thành cái cầu cong của chúng tôi.
Nhà trong thôn thưa thớt, lớp học ba mặt dựa núi, một mặt áp mương. Tôi và mười đứa khác đi về đều phải qua cái mương này, rộng tới hơn bốn trượng, tuy mùa đông khô cạn song tới mùa mưa thì cuồn cuộn. Tất nhiên, nước chỉ tới đùi thầy nhưng đối với bọn trẻ mười tuổi chúng tôi thì nó là sông Hồng Cầu2, khó mà vượt qua. Không có cầu gỗ, cầu đá, cầu sắt, chỉ có cầu cong làm bằng xương thịt của thầy hiệu trưởng.
2 Sông Đào thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Tôi được leo lên Củng Kiều duy nhất một lần, không lâu sau vụ oán trách cằm dưới thầy hiệu trưởng chẳng phải là gót chân.
Nước to đã ngăn chúng tôi lại bờ bên này. Thầy hiệu trưởng bèn từ bờ bên kia lội sang cõng từng đứa qua. Không có ai thay thầy. Một trường ba lớp học mà chỉ có một thầy giáo. Thầy đã cõng tám đứa kia qua mương, chỉ còn tôi, không muốn nhưng cũng chưa nghĩ ra cách nào thoái thác. Thầy đã chìa cái lưng cong ra, dưới chân nước chảy ào ạt. Khắp người thầy ướt sũng hơi thở, nghe như kéo đàn gió. “Đến đây!”, thầy ngồi xổm, chìa cái lưng cong về phía tôi.
“Không!”, tôi từ chối, “tự con sẽ qua được”.
Nhưng đó là nói dối, nước chảy cuồn cuộn, ngọn sóng đuổi theo nhau, chỉ nhìn cũng đủ chóng mặt. Huống hồ nước lại ngập đến rốn tôi.
“Lên đây, con trai”. Thầy giục, cái lưng cong của thầy không động đậy, đợi tôi trèo lên.
Tôi rân rấn nước mắt, làm thế nào đây?
“Đừng xấu hổ, như ông cõng cháu ấy mà, các bạn đang đợi kìa”.
Thầy đã không chấp nhận lời từ chối ngầm của tôi. Nhắm mắt lại, tôi run rẩy bò lên cái lưng còng ấy. Tiếng sóng ào ào bên tai. Tôi nằm sấp, bám chặt vào lưng thầy.
Lúc sắp lên bờ, thầy như loạng choạng nhưng bàn tay to rộng của thầy vẫn giữ chặt tôi.
“Đến bờ rồi phải không?”. Thầy hỏi.
“Vâng, đến rồi”. Tôi từ trên lưng thầy tuột xuống bờ đất cứng đứng lặng.
Thầy thì như không đứng dậy nổi, mệt mỏi ngồi bệt xuống, cái miệng thiếu hai răng cửa thở phì phò. Thầy cười cay đắng: “Già rồi! Già rồi. Khi còn cõng cha mẹ các con thầy không như thế này đâu”. Dáng của thầy thật giống cái cầu cong sụp đổ. Thở một lúc thầy đứng dậy, chúng tôi đỡ thầy đi vào lớp. Nhị Thanh bảo tôi: “Thầy hiệu trưởng cõng cậu qua sông, không phải đi mà là bò”. Từ “bò” ở vùng tôi dùng để chỉ người với ý chê bai. Tôi ghét nó nói thầy hiệu trưởng bò, cố nén để không đạp cho nó một cái.
Mùa thu năm đó tôi chuyển trường, đi học nơi khác. Thầy cũng đã ra đi, và cũng không dạy học nữa. Chẳng mời được ai về thay thầy. Bây giờ thì quê tôi đã xây trường tiểu học mới, mang tên Hy vọng. Nhị Thanh giờ làm trưởng thôn, nói: “Xây cả một cái cầu cong đây!”. Thế là có môt cái cầu để học sinh dễ dàng đến trường.
Nhiều năm trôi qua, những cái cầu tôi đã đặt chân lên so với quãng đường thời niên thiếu thì nhiều hơn, dài hơn, hoành tráng và đẹp đẽ hơn ngàn vạn lần, nhưng tôi vẫn không thể quên cái cầu cong ấy, cái cầu dày rộng, chắc chắn, ấm áp bằng xương thịt của thầy, mà suốt đời tôi có đi cũng không hết.
Kim Nhuệ bàn: Theo “tôi” thì Củng Kiều có vẻ mệt mỏi, già nua, ốm yếu, nếu có nói thêm Củng Kiều thô lậu một chút thì cũng chẳng oan uổng gì. Nhưng chính ông già ấy, đã hưu mà không nghỉ ngơi, vẫn dùng toàn bộ sức lực còn lại để gánh vác trách nhiệm tưởng như không thể hoàn thành, là mang tới ánh sáng văn hóa cho đám trẻ vùng núi sâu heo hút. Trước dòng sông cuồn cuộn nước, ông đã biến tấm thân già nua của mình thành cây cầu, cõng từng học sinh qua sông.
Ai là anh hùng bình thường, là tuấn kiệt trong dân? Hiện tượng Củng Kiều đã giải thích rõ, gợi ý sâu sắc và đầy đủ cho chúng ta.
Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay - Dương Hiểu Mẫn – Quách Lâm Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay