A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Nguyên tác: Hương Tình Yêu 7 Dặm
Dịch giả: Mai Hương
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 67 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 16
Cập nhật: 2020-10-27 20:20:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
anh Dưa
Triệu Tân
Thuở tôi còn nhỏ, gia đình sống bằng nghề trồng dưa, vì vậy tôi cũng phải đi canh. Ruộng dưa nhà tôi gần đường lớn, nếu không trông coi cẩn thận, người đi đường vừa mệt vừa khát sẽ tiện tay hái luôn.
Ruộng dưa nửa mẫu này có thể nói là sinh mệnh của ba miệng ăn nhà tôi. Đêm thì cha và anh tôi canh, ban ngày do tôi quản. Cha luôn quắc mắt với tôi: “Nghe rõ này, mất một quả dưa thì cẩn thận cái đầu của mày đấy!”.
Trong ruộng là vô số dưa hấu vỏ xanh xanh đen đen mà đầu tôi thì chỉ có một. Vì vậy, vừa đến ruộng dưa tôi đã liên tưởng: Bất kể quả dưa to, dưa nhỏ, dưa chín, dưa xanh trong cái ruộng này đều là cái đầu của tôi, phải yêu quý và bảo vệ chúng như yêu quý và bảo vệ cái đầu của mình. Tôi rất sợ anh tôi, tính anh rất nóng và hay lấy chân đạp tôi, lấy tay cốc vào đầu tôi, không đánh cho đã thì không chịu ngưng lại...
Hôm đó, một trưa tháng Sáu âm lịch, trời rất nóng. Tôi đến ruộng dưa, vứt cái hộp nhỏ đựng nước giếng vào lều canh rồi ngối xuống nhổ những túm cỏ sam màu hồng tía, những mầm rễ đậu xanh xanh... Nhổ mãi, một cái gai của cây tật lê bỗng đâm vào bàn chân vì đế giày của tôi đã thủng do mòn vẹt lâu rồi. Tôi bèn vứt đôi giày rách này dưới gốc liễu đầu bờ ruộng.
Trên đường lớn chợt vang lên tiếng chuông lạc đà trong trẻo. Tôi ngẩng nhìn. Một ông lão khoảng trên năm chục tuổi đang dắt con lừa nhỏ mồ hôi nhễ nhại đi qua, trên lưng lừa là một phụ nữ ăn mặc sạch sẽ nhưng sắc mặt bủng beo nhợt như sáp, môi tím tái, cái chuông trên cổ con lừa sáng lấp lánh, rung lên từng hồi.
Họ dừng ở dưới gốc liễu đầu bờ ruộng. Ông già sợ giẫm vào ngọn dưa bò trên mặt đất, cẩn thận lách tới, khom lưng và cười với tôi: “Người anh em bé nhỏ, chúng tôi muốn ăn dưa được không?”.
Tôi lắc: “Không được, dưa này bán đấy!”.
Ông già nói: “Chúng tôi đi thăm con gái, không mang theo tiền, ghi sổ nợ được không?”.
“Ông ơi, chúng tôi không bán chịu đâu”.
Ông lão nói: “Người anh em bé nhỏ, xin cứu mệnh, trời nóng quá, vợ tôi bị trúng nắng trên đường, họng vừa khô vừa khát, đầu vừa đau vừa căng ra...”.
Tôi vào lều lấy chai nước đưa cho ông. “Ông ơi, cho bà ấy uống đi! Đây là nước giếng vừa mát vừa ngọt, vừa tinh khiết vừa giải nhiệt...”.
Ông ta xua tay. “Vợ tôi không uống được nước lạnh, uống vào thì ho hen mất!”.
Đang nói thì người phụ nữ kia bỗng rên lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. May mà con lừa không cao, đường lại toàn đất mềm nên không sao, chỉ làm cho mọi người sợ hãi. Ông lão hét lên, chạy tới. Tôi vội vàng hái một quả dưa ôm đến trước mặt họ. Ăn dưa xong, nằm nghỉ dưới gốc liễu một chút, người phụ nữ dần dần tỉnh táo, sắc mặt đã bừng lên, ánh mắt đã tươi trở lại, sau đó nhìn tôi cười.
Ông lão hỏi: “Cháu bé, cháu mấy tuổi?”.
Tôi trả lời: “Tám tuổi”.
Ông lão lại hỏi: “Gia đình có mấy người?”.
“Ba người, cha, anh và cháu”.
Người phụ nữ chau mày cầm đôi giày nát mà tôi vứt ở đó xem đi xem lại rồi nói. “Đứa trẻ không có mẹ, đôi giày rách thế này cơ mà!”.
Trời đã gần trưa, tôi sợ anh tôi đến kiểm tra việc canh dưa nên giục: “Chú ơi, thím đã khỏi rồi, mọi người hay đi nhanh cho cháu, nếu không...”.
Ông lão hình như biết điều tôi sắp nói, xoa cái đầu quả dưa của tôi, sau đó dìu người phụ nữ lên lưng lừa, hô “Jia” leng keng leng keng ra đi. Họ vừa đi khỏi thì anh tôi đến. Sau một hồi đi đi lại lại trong ruộng dưa, anh tôi hét lên: “Quả dưa chỗ này đâu?”.
Tôi nói: “Anh, chỗ này vốn không có dưa”.
Anh tôi giơ bàn tay to tướng lên bốp vào đầu tôi một cú đau điếng. “Láo! Mọi quả dưa lớn nhỏ xanh hay chín trong ruộng này tao nhớ như in, mày hãy nhanh lấy ra đây”.
“Anh, quả dưa này không lấy ra được nữa, em cho người đi đường ăn rồi, người ta bị ốm...”.
Anh tôi lại đá cho tôi một cái: “Cho người đi đường ăn à? Người đi đường nhiều thế, mày đều cho à? Ai ốm? Quả dưa này mày ăn vụng chứ gì?
Thật nhục nhã...”. Nói đoạn, anh đá vào mông tôi lia lịa.
Trưa hôm đó anh không cho tôi ăn, cha tôi đưa bát cơm vào tay tôi, anh giằng lấy. Cha tôi mắng anh: “Thằng cả, mày hơn nó mười bốn tuổi, cũng bằng nó sao?”.
Anh tôi bảo: “Nó ăn dưa no rồi còn ăn cơm làm gì? Đói một bữa mới hay, không thì nó sẽ chẳng nhớ đâu!”.
Tôi bảo: “Bố ơi, con không đói, con đã uống nước ở ngoài ruộng rồi, bụng con đang no...”.
Sau đó khoảng nửa tháng, một hôm gió nhẹ mưa lất phất, tôi đang đứng canh dưa thì trên đường cái lại vang lên tiếng chuông đồng. Tôi ngẩng đầu nhìn. Ông lão và người phụ nữ đi thăm người con gái trở về, đang đứng ở ruộng dưa, người phụ nữ xuống lừa, vẫy tay gọi tôi.
Tôi vẫn còn nhớ cái mông đau như dần của mình. Chẳng phải họ lại muốn ăn dưa đó sao? Thấy tôi hơi ngần ngừ, ông lão và bà vợ tươi cười đi tới, bà ấy cầm đôi giày mới dúi vào lòng tôi:
“Con trai, cháu đi thử xem có vừa không?”.
Ông lão đặt một đồng tiền vào tay tôi: “Cháu bé, trả cho cháu, đây là tiền ăn dưa lần trước”.
Tôi không hề khóc khi bị anh đánh, song lần này tôi lại ôm lấy người phụ nữ ấy khóc rống lên, nói: “Mẹ, con không cần, cái gì con cũng không cần”.
Mắt ông già rưng rưng: “Con trai, đây là tình nghĩa, sao lại nói không cần? Cô ấy là thím cháu, không phải là mẹ cháu, đã được cháu cứu sống.
Nay cô ấy tặng cháu đôi giày thì đáng gì đâu? Đi vào cho cô ấy vui nào!”.
Trong sự xúc động, tôi không biết họ đã rời khỏi ruộng dưa như thế nào, cũng không thấy tiếng chuông đồng reo leng keng. Trời đầy mây, mưa bắt đầu nặng hạt.
Buổi tối, tôi đưa đôi giày mới vừa khít chân và đồng tiền cho cha, bảo: “Cha ơi, con hôm nay ngượng quá. Mẹ đã chết năm năm con còn gọi người ta là mẹ...”.
Cha thở dài: “Con, không ngượng đâu, hãy kể đầu đuôi chuyện này cho anh con nghe đi!”.
Lời bàn: Thuở nhỏ tôi rất nghịch, thích trộm dưa, chỉ hơi sợ người canh dưa một chút. Nhìn chung, người canh dưa ở đâu thì cũng lim dim hoặc nằm trong lều ngủ say tít... Người Trung Quốc rất hay đề cao chữ NGHĨA.
Trông dưa là để giảm bớt việc mất dưa. Nhưng thấy người bị nạn lại cho không người đó quả dưa mà không ngại, thà mình bị đánh, bị đói. Ôi! Cậu bé canh dưa, nghe xong chuyện của cậu, lòng tôi cũng sảng khoái, mát lạnh như được ăn quả dưa hấu ngon vậy.
Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay - Dương Hiểu Mẫn – Quách Lâm Truyện Ngắn Trung Quốc Cực Hay