Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Con Gái Hà Nội Có Khác - Phan Văn Khuyến
em người yêu về ra mắt bố mẹ, An lo nhiều hơn mừng. Không biết bố mẹ có chấp nhận Hương Liên không? Còn Hương Liên - một cô gái Hà Nội chính cống, con nhà trí thức, có chịu nhận hai ông bà nông dân nơi tỉnh xa làm bố mẹ chồng không? Càng gần về đến quê, lòng An càng chộn rộn như sắp bước vào canh bạc một ăn một thua.
Dù Hương Liên hiền lành, được sự chăm sóc, giáo dục chu đáo của hai ông bà là giáo sư và bác sĩ, thương yêu mình thực sự nhưng trước thực tế của một vùng quê xa nghèo khó, toàn những con người chất phác, sống thật như đếm, cô sẽ nghĩ gì? Cảnh thơ mộng mà mình có chút tô vẽ thêm cho quê hương những lúc ngồi tâm sự bên công viên có khác xa với những gì Hương sẽ cảm nhận không?
Còn bố mẹ nữa. Đã mấy lần An viết thư về trình bày nhưng bố mẹ đều lắc đầu. Đem gái thành thị về giữa cái làng này không hợp đâu. Có mấy đứa người làng làm giáo viên dạy gần nhà sao con không yêu mà lại thích của lạ làm gì, cả bố và mẹ đều nói vậy.
Lần về nghỉ hè gần đây nhất, An thưa cặn kẽ:
- Con hiểu, bọ mạ rất thương con. Nhà ta nghèo, mấy năm con học Đại học, bọ mạ dành dụm tiền của, chịu cực chịu khổ vì con. Nay con đã tốt nghiệp và được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Đó là điều may mắn của con mà cũng là điều vui mừng của bọ mạ. Còn việc xây dựng gia đình thì con xin tự định đoạt lấy.
Nghe An trình bày, ông Lành - bố An bảo:
- Định đoạt chi thì định đoạt nhưng phải có phép tắc gia phong. Con không yêu được người trong làng thì tùy con, nhưng yêu ai cứ đem về đây cho bọ mạ xem mặt xem mũi, nghe lời ăn tiếng nói cái đã. Con gái Hà Nội không phải vừa đâu. Những đứa yêu con chắc cũng loại phế phẩm ngoài đó, người ta loại ra, mà vớ lấy. Thế thì khổ thôi con ạ! Thời buổi ni, thứ chi cũng có loại giả hết, con người cũng vậy. Người ta mua trâu cày cũng phải xem tướng "sừng cánh ná, dạ bình vôi", con người "ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp gái buôn chồng người", có tướng số cả, con ạ. Đừng lầm mà chết. Người ta con giáo sư, bác sĩ sao không yêu một đứa môn đăng hộ đối ngoài đó mà đi vớ một thằng nghèo kiết xác như mi? Tao nghi lắm.
Mẹ An thì nói:
- Thời ni, ngăn con cũng không được. Con có học hành hiểu biết hơn bọ mạ. May thì nhờ, rủi thì chịu, bọ mạ biết làm sao được. Nói rồi bà ngồi lau nước mắt. An thấy mủi lòng nhưng tình yêu đối với Hương Liên thì không sao dứt bỏ được. Dù tin chắc là bố mẹ sẽ chấp thuận nhưng An vẫn thưa lại có vẻ như đánh bài liều:
- Lần này ra, con sẽ xin phép ông bà cho Liên về để bọ mạ xem mặt. Nếu bọ mạ chấp thuận thì con sẽ cưới, nếu không thì... An nói chưa xong, ông đã gắt:
- Nếu không thì sao? Thì không hỏi vợ sinh con để nhà này tuyệt tự phảt không?
An ngồi im lặng để nghe bố tiếp tục giảng giải.
Trước khi dẫn Hương Liên về, An có điện cho bố mẹ biết. Không biết ông bà Lành có loan báo hay không mà hai anh chị mới về đến đầu làng đã thấy người đón đông như đi hội. Người ta kháo nhau:
- Ông Lành thế mà có phúc. Nhà nghèo khó sinh được thằng con khôi ngô, học giỏi, nghe nói vừa thi tốt nghiệp Đại học, đậu đầu mới ghê chứ! Ngày xưa ông nghè, ông tú về làng là phải đi rước chứ có bỡn đâu! Con gái Hà Nội mê cũng phải. Bây giờ chẳng cần môn đăng hộ đối mà trai gái đều tài sắc là quý lắm rồi.
Bọn trẻ kéo nhau đi coi, trầm trồ:
- O Hà Nội ăn mặc như con gái làng mình, có khác chi! Anh An con ông Lành, mấy năm trước còn đi chăn bò với bọn mình trên đê làng, mặt mũi lấm lem thế, giờ đẹp trai ra phết. Trẻ con chạy lăng xăng. Các cụ, các mẹ thì hớn hở, giành xách túi, xách giỏ và dẹp đường cho anh chị đi. Tiếng chào hỏi, tíếng đáp lời liên tục suốt đầu xóm đến cuối xóm. Hai anh chị, nhất là Hương Liên chưa bao giờ được sống giữa không khí đón tiếp nhiệt tình như thế này. Má cô nóng rần, mồ hôi chảy thành giọt. Cô thấy lúng túng trước những người xa lạ. Đáp lại những câu hỏi với ngữ điệu địa phương miền Trung hơi nằng nặng, cố chỉ "dạ, dạ, vâng, vâng" cho phải phép. Hai ông bà Lành ở nhà lo dọn dẹp, sai con Lệ - em gái An đi đón anh chị.
Chưa về đến ngõ đã thấy ông bà hớt hải chạy ra. Ông nhìn Liên rồi hỏi An một câu: "Hai đứa đi đường có nhọc lắm không?". Còn bà ôm chầm lấy Liên: "Cháu có mỏi chân không?" Liên lắp bắp "Dạ, dạ, cháu đi bộ cũng quen rồi ạ".
Căn nhà ba gian của ông Lành bỗng đầy ắp người. Người lớn bu lấy An hỏi chuyện Hà Nội, chuyện học hành, chuyện cô người yêu, nói cười vui vẻ. Còn bọn trẻ con, số thì chạy nhảy ngoài sân, số thì lấm lét nhìn vào nhà trong nơi các bà đang xúm quanh Hương Liên, người thì quạt, người thì đem khăn cho cô lau mặt. Trong bọn trẻ con có đứa bình phẩm:
- O ấy nước da trắng chứ có đẹp chi hơn O Me con ông Mẹo ở xóm dưới - Đứa khác chen vào:
- O người Hà Nột chắc hát hay lắm bay ơi!
Ông Lành cả buổi cùng với cô con gái đem nước mời bà con, nghe bọn trẻ con nói lung tung, sợ để lâu không tiện, vội đứng dậy có vẻ trịnh trọng:
- Xin cảm ơn bà con và các cháu đã đến thăm. Vì hai đứa đi đường xa về đang mệt, xin cho chúng nó nghỉ ngơi một chút, còn chuyện gì mai mốt lại nói tiếp.
Nghe ông nói vậy, mọi người lục tục kéo nhau về và gọi lũ trẻ cùng về theo. Tối lại, cơm nước xong, An lấy trong túi xách ra ba cái áo lót dệt kim, hai hộp bánh đậu xanh Hải Dương, hai gói bánh gai mật bọc lá chuối khô và mấy cuốn sách chuyện, nói là quà của Liên đem về biếu bọ mạ và em Lệ. Ông Lành buột miệng:
- Quà chi mà nhiều thế, tốn kém của cháu quá!
Hương Liên đỡ lời:
- Thưa hai bác, có gì đâu ạ!
Nói xong, cô xin phép ông bâ theo Lệ ra giếng trước sân tắm giặt.
Còn An vẫn ngồi trên phản, bên cạnh ông bà để thưa chuyện về người yêu và xin phép tối nay dẫn Liên đi chơi mấy nhà quanh xóm. Ông Lành bảo:
- Nó về đang mệt, để nó nghỉ ngơi cho lại sức đã. Có gì mai hãy hay. Mà hai đứa xin nghỉ được mấy ngày? Giọng ông ồm ồm, nói chuyện trong nhà nhưng Liên ở ngoài giếng cũng nghe rõ mồn một.
- Dạ, ba ngày. An trả lời.
- Ba ngày thì chán sức mà thăm viếng.
Bà có ý chiều con nói chen vào:
- Ông ơi, chúng nó đi đâu thì đi, lớn rồi chứ còn nhỏ dại chi nữa mà lo hở ông!
Ông đáp lại ngay:
- Con người ta từ ngoài Thủ đô, vô đây lạ nước, lạ cái, có chuyện chi mình phải lo chứ ai lo nữa bà! Ông bà ngoài đó làm to, làm lớn, có tin mình mới cho con vô đây thân gái dặm trường. Rồi ông hạ giọng:
- Tôi giao cho bà, tối nay ngủ, bà nằm một bên, con Lệ một bên cho nó nằm ở giữa, nghe không?
Nghe ông nói đến đó, bà nguýt một cái:
- Ai bảo ông lo bò trắng răng!
- Không đen răng, trắng răng chi cả. Con người ta như ngọc như ngà, mình phải giữ gìn cho nguyên vẹn. Mình nghèo nhưng không được để ai khinh. Còn thằng An, bọ dặn: Không được vội vàng. Cơm chưa ăn còn đó. Nên nhớ mày là thằng có học.
Câu chuyện trao đổi trong nhà, Hương Liên nghe rành rọt cả. Cô tự nghĩ: Sao những lời ông bà răn dạy An lại giống những điều ba mẹ mình căn dặn đến thế!
Tiếp hai ngày sau, khi đi thăm bà con quanh xóm, với thái độ chân tình của những người ở đây, ai cũng vồn vã, nhà thì nải chuối, quả cam, nhà củ khoai, bát lạc luộc cô thấy họ sống thật lòng, đáng yêu thương quá. Những hình ảnh đó đã để lại trong lòng cô một ấn tượng đẹp, không phô trương hình thức mà dễ xúc động. Liên càng thấm thía hơn câu nói của ai đó trên sách báo: Người có văn hóa không hẳn là người có bằng cấp cao. Rồi cô cảm thấy mình đã hòa nhập vào cuộc sống ở đây một cách tự nhiên, không còn ám ảnh về một vùng quê hẻo lánh, lạc hậu với những con người sống thô thiển. Trái lại, đây là nơi còn nguyên chất của cuộc sống hồn nhiên, cởi mở khác với thành thị sống với nhau bề ngoài mang vẻ lịch sự, văn minh nhưng bên trong còn lắm đố kỵ, giữ kẽ với nhau, ai biết nhà nấy.
Và cô càng thấy thương yêu An hơn bao giờ hết. Cách đây ba năm, ngay từ hôm gặp An đang phục vụ ở quán cơm bình dân trên đường Hai Bà Trưng, cô đã cảm thấy mến người bạn cùng lớp. Khi cô gọi thêm món, An ngượng ngập bưng ra, vô ý đụng bàn, đổ thức ăn vào áo. An xin lỗi cuống quýt, cô nhìn ứa nước mắt. Giờ đây cô càng hiểu thêm: Một con người sinh ra trong một gia đình như vậy, một quê hương như vậy, khi đi học xa thì chịu khó làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình, học hành lại giỏi giang, con người đó đáng quý trọng lắm. Được người yêu như vậy còn gì hơn!
Trước lúc hai đứa trở về Hà Nội, ông Lành bảo bà thịt con gà vừa nhảy ổ làm bữa cơm. Bà hơi chần chừ vì tiếc mái gà mắn đẻ, định đi quanh xóm hỏi mua con khác. Ông bảo:
- Nhà mình có phúc nên gặp may rồi bà ơi! Còn tiếc chi nữa. Mười vạn cũng không tiếc, tiếc chi con gà. Con người ta như rứa, làm vẻ vang cho nhà mình. Mới đến nhà mình mà thức khuya dậy sớm, việc chi cũng biết, giỏi giang thiệt! Hắn ăn mang có khác chi gái quê mình, không sơn móng tay móng chây lòe loẹt như con gái nhà hàng. Coi bộ hắn và con Lệ hợp tính nhau lắm, cứ chị chị em em nghe mát gan mát ruột. Tôi thích nhất là cái giọng Hà Nội, thưa gửi, nói năng ngọt lịm như mấy o trên đài. Soi đuốc mà tìm ở đâu ra giữa cái làng này! Y' mạ mi thế nào chứ tao thì ưng hung rồi đó. Ông nói một thôi có vẻ hả dạ lắm.
Đợi ông nói xong, bà mới nói như chất vấn ông:
- Tính ông cũng lạ. Mới vài tháng trước, thằng An gửi thư về nói có yêu một cô Hà Nội, ông đã quát tháo ầm nhà "trâu nào ăn cỏ đồng nấy", không được tha con nào về đây hết. Dù có vàng đeo đầy người ông cũng không chấp nhận, cũng đuổi ra khỏi nhà. Sao giờ lại thế?
- Thôi bà ơi! Tôi tưởng con mình ngu ngơ, vớ phải đĩ điếm thành phố về thì khổ, chứ thế ni thì ai nói làm chi!
Bà im lặng như biểu thị thái độ đồng tình với ông.
Cơm nước xong, hai anh chị chuẩn bị lên đường. Con Lệ lo túi xách, giỏ quà cáp cho anh chị. Ông Lành vào trong bồ lúa, xách ra một chai mật ong lâu năm đem cho Hương Liên bảo gửi biếu ông bà ngoài đó. An đỡ chai cho vào túi xách.
Hương Liên xúc động, đứng lặn một chút như để tăng thêm nghị lực, để thưa được mấy tiếng như biểu lộ hết tấm lòng của mình. "Thưa bọ mạ! Về Hà Nội con nhớ bọ mạ và em lắm". Rồi cô ôm chầm lấy ông hôn một cái, quay sang hôn bà và hôn Lệ mỗi người một cái. Bà và Lệ hơi ngượng, quay mặt đi, bà thấy dâng trào tình thương, khóc thút thít.
Còn ông, nhận cái hôn của cô con dâu tương lai một cách quả đột ngột, đứng ngây người, trong lòng lâng lâng khó tả. Tay ông mân mê lên má nơi Liên vừa hôn như cố giữ lại một dấu tích không muốn để mất và ông tự ngẫm: cách chia tay của con gái Hà Nội có khác.
Báo Người Hà Nội số 24/2001 Số 24
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc