If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cô Gái Bán Sầu Đâu - Nguyễn Quang Sáng
à nội tôi nói: "Người ta đi làm ăn ở Nam Vang, người ta không mang vàng thì cũng mang bạc về, còn cha bây chỉ mang về một món ăn: sầu đâu". Lá sầu đâu trộn với khô hay cá lóc nướng, anh chị em tôi chẳng ai ăn được. Tôi thò đũa gắp một miếng khô hoặc ruột cá, không dính một chút lá mà sao nó đắng, đắng hơn khổ qua và đắng hơn cả cái loại rau mang tên đắng là rau đắng nữa kia. Má tôi ráng ăn cho cha tôi vui, bà nội tôi vừa ăn vừa ngẫm chỉ có cha tôi là ăn ngon lành. Sau vài lần, bà tôi gật gù: "Đắng mà ngọt như vị thuốc, mát gan, tụi con tập ăn cho quen, được!". Thương bà, muốn nghe lời bà, nhưng tôi không tập nổi. Nhưng nhờ cái món sầu đâu này mà tôi biết được cô gái bán sầu đâu. Cô gái bán sầu đâu vừa bán ở chợ vừa mang đến tận nhà người mua. Cô gái ấy lớn hơn tôi độ hai ba tuổi, năm ấy tôi tới tuổi mười ba sau khi lấy bằng Settifica. Nhà cô ở trong kinh cách chợ độ một cây số. Chỉ cách chợ có một cây số mà phải mang tiếng gái nhà quê. Nhà quê nhưng trắng trẻo và đẹp với đôi mắt long lanh, đẹp trong chiếc áo bà ba mầu hột gà, chẳng thua con gái chợ chút nào. Điều tôi ngạc nhiên lần đầu gặp cô khi cô mang hai bó sầu đâu cho cha tôi, cỡ tuổi chị tôi mà gọi cha tôi bằng anh Hai. Té ra cô có bà con với tôi từ đời ông sơ ông cố, tôi đành phải gọi cô là cô. Chắc chẳng ai trùng tên với cô, cô tên Sào, cô Hai Sào. Con Hai Sào bán sầu đâu, sầu nói trệch qua một chút là "sào", vì vậy mà dân ở chợ không nói con hai Sào bán sầu đâu, mà là con Hai Sào Đâu.
ở chợ ai cũng biết cô không phải vì cô đẹp hay có gì đặc biệt mà vì các hàng ở chợ như hàng rau, hàng cá, hàng thịt, hàng gạo, hàng nào cũng nhiều người bán, sầu đâu thì chỉ có một mình cô. Cô ngồi lẫn trong hàng rau, nổi bật lên với chiếc áo mầu hột gà với vài chục bó sầu đâu trong một cái nia. Chợ chưa tan thì cô đã xách nia về rồi. Thời gian như đi tắt qua trước mắt tôi và mọi người, cô Hai Sào Đâu cũng hiện lên thật lộng lẫy. Tuổi dậy thì, hình dáng nhan sắc bỗng đổi thay không có lời báo trước, như được lột xác trở thành tiên sau một giấc ngủ.
- Sào đâu nở rồi! - Tôi nghe nhiều anh con trai trầm trồ nói với nhau.
Chợ làng tôi có một anh con trai nổi bật lên giữa trai làng - anh Hai Thể, anh nổi bật không vì con chủ tiệm vàng mà nổi bật vì trình độ học vấn của anh. Anh đậu đíp-lôm. Làng tôi duy nhất có một người đậu tú tài, còn đíp-lôm đếm không đầy một bàn tay. Trở về làng, anh không làm thầy thông thầy ký, chỉ chơi với bạn bè cùng lứa. Anh biết đàn ghi-ta, măng-đô-lin và thổi acmônica. Anh không phải là người con trai vạm vỡ, cũng không có vẻ thư sinh, với mái tóc dày, nước da đậm, người tầm thước, anh có vẻ phong trần.
Anh không làm việc cho Tây nhưng ngày nào anh cũng vào bót đàm đạo với tên cò Tây. Thằng cò Tây cô đơn, thiếu người nói chuyện, nó rất cần anh. Từ ngày anh về làng, thằng cò Tây có một cái tên mới - thằng Tây bán thịt heo, chính anh đặt cho nó. Anh kể:
- Là Tây mà nói tiếng Tây trật lất. Mình kể chuyện nói tiếng Pháp, miệng nó cứ há ra, chẳng biết trời đất gì. Học hành chẳng tới đâu, sách vở thì không đọc, như người bán thịt heo.
Người nghe ai cũng ngạc nhiên. Tưởng cái gì nó cũng hơn mình, bây giờ mới biết nó chỉ khác mình ở chỗ to lớn, mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng và ác.
Dân chợ không ai gọi cò Tây là ông cò nữa mà gọi "Tây thịt heo", không nể cũng không sợ nữa.
Nhà tôi sát bên tiệm nước chú Khùi. Sáng nào dân chợ cũng ngồi đầy bàn, bánh bao, hủ tiếu, cà-phê với đủ thứ chuyện.
Có một anh con trai nói:
- Trong tụi bây tao đố đứa nào chim được con Hai Sào Đâu!
- Được thì mày tính sao? - một anh có vẻ ngon trai hỏi lại.
- Một chầu.
- Một chầu thì nhằm nhè gì!
- Được thì mày sướng chứ tao sướng đâu, chẳng qua thưởng cái tài của mày thôi chớ!
Một anh khác:
- Thôi đi mấy cha, đừng có khoác lác - rồi anh nhắc cho tôi nhớ. ấy là một chiều gió bấc non thổi về, và bầu trời chim én xòe cánh cắt dọc cắt ngang trên bầu trời ở sân chợ. Cái sân chợ tráng nhựa sạch sẽ và mênh mông, hàng quán nào chè, cháo, mì, hủ tiếu, thuốc lá xếp hai hàng, bán chiều, bán đêm. Trai gái ăn dọn qua lại dập dìu.
Hai Thể ngồi trên chiếc ghế hàng chè, chơi đàn. (Nhớ lại, mấy chục năm sau tôi không gặp được ai như anh). Vừa thổi kèn ac-mô-ni-ca vừa đánh đàn măng-đô-lin. Kèn ac-mô-ni-ca anh kẹp giữa hai đầu gối, cúi đầu xuống thổi; cây đàn măng-đô-lin thì lòn dưới hai chân; miệng thổi, tay đánh đàn, hòa vào nhau nghe đã ôi là đã. Không ai là không thán phục. Cái hôm đó có cả cô Hai Sào Đâu của tôi lộng lẫy với chiếc bà ba mầu hột gà.
- Tao thấy hai đứa nhìn nhau mê mẩn, nó hớp hồn nhau rồi. Sau đó, ngày nào mà Hai Thể không chạy xe vô trong kinh. Ông bà mình nói "trai tài gái sắc", đừng chen vô. Có thèm thì nuốt nước miếng. Chuyện kể nãy giờ xảy ra hồi năm 1944.
*
* *
Năm 1944 - 1945, một năm mà bao biến cố. Quân Nhật vào Đông Dương đến tận làng, đảo chánh, bắt cò Tây. Quân Nhật đầu hàng Đồng minh, Cách mạng Tháng Tám thành công, mọi người nô nức với cờ đỏ sao vàng bay phất phới. Rồi quân Pháp đưa tàu chiến, nã đại bác, đổ quân chiếm lại làng. Bót cò lại có một thằng Tây.
Nhiều trai làng ra đi, chợ làng cũng vắng mặt anh Hai Thể. Nghe nói anh đi Vệ quốc đoàn, làm chỉ huy. Chợ làng với chợ quận cách nhau 12 cây số, đường bộ là con đường rải đá, đi xe đạp, xe ngựa và xe hơi, đường thủy thì đi dọc theo sông Tiền. Quân Pháp tưởng đã dồn hết Việt Minh về rừng U Minh, vùng này chúng đi lại nghênh ngang.
Thế là một buổi sáng đầu năm 1946, hai chiếc ca-nô chở một trung đội lính Pháp cùng với thực phẩm nào rượu, nào sữa, nào thuốc... đi từ chợ quận về chợ làng, con sông mênh mông nhưng hai chiếc ca-nô lại chạy cặp bờ, trong tầm súng. Súng từ trên bờ bất thần rải xuống. Bọn chúng không kịp trở tay, nhảy ùm xuống sông. Không chỉ có Vệ quốc đoàn mà cả dân chúng dùng chèo và dầm lên xuồng băng ra, diệt từng tên.
Trong ba đơn vị từ U Minh đã bí mật trở về, ba đơn vị kết thành một liên quân đánh một trận mở màn giòn dã, trong đó có đơn vị anh Hai Thể. Rồi cũng ngay tối hôm đó, quân Pháp đưa đại quân tới, đốt sạch, gặp bất cứ ai, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, chúng cũng bắn. Chúng giết hơn trăm người. Đêm khủng bố thật thê lương (sau này mỗi năm đều có một ngày giỗ cho cả trăm gia đình, gọi là giỗ hội).
Dân làng sợ chúng trả thù, lần lượt bỏ nhà ra đi, vượt sông Tiền về phía kia sông dẫn vào Đồng Tháp Mười, là vùng giải phóng. Ngay cù lao Siêng ngang làng tôi cũng không có đồn bót. Nhà tôi đi, gia đình anh Hai Thể cũng đi và cả nhà của cô Hai Sào Đâu cũng đi.
Mọi người theo kháng chiến trong không khí tưng bừng. Ba trung đội là một đại đội có Ban chỉ huy đại đội hẳn hoi, nhưng mỗi trung đội đều hoạt động độc lập, mỗi đơn vị mỗi vùng, đơn vị nào cũng có số nhưng mọi người đều gọi đơn vị bộ đội theo tên của người chỉ huy.
Tôi cũng vào bộ đội, bộ đội anh Hai Thể, làm liên lạc cho anh.
Cô Hai Sào Đâu thì lại làm cán bộ huyện. Trên đường hành quân hoặc những lần Hội phụ nữ và Hội mẹ chiến sĩ mang quà cáp ủy lạo chiến sĩ, hai người thường gặp nhau. Cái mối tình "trai tài gái sắc" hình như ai cũng biết. Nhưng những năm đầu kháng chiến, dù yêu, dù đã hứa hay đã dạm hỏi, không ai nghĩ đến ngày cưới, ai cũng bảo chờ đến ngày độc lập. Ngày độc lập luôn luôn hiện ra trước mắt mọi người, không biết là ngày nào, nhưng không sao, ngày mai, ngày mốt hoặc sang năm... chẳng vội gì.
Rồi đến năm 1947, đơn vị lên đường hành quân. Cả ba đơn vị xuồng nối theo xuồng dài dằng dặc trong buổi chiều mùa nước lớn. Tưởng như bao cuộc hành quân, đi rồi sẽ trở lại, có ngờ đâu càng đi càng xa, có người đi mãi mãi không về. Đơn vị chúng tôi vượt sông Tiền, qua sông Hậu, về U Minh rồi vượt lộ Cái Sắn về chiến trường Bảy Núi. Từ Bảy Núi về làng tôi bên sông Tiền, thời bình thì đi không quá một ngày, sáng đi chiều tới, nhưng chiến tranh thì "cách xa ngàn trùng".
Đơn vị chúng tôi vừa đi vừa đánh, phải mất đến nửa năm trời, bao nhiêu đồng đội nằm lại dọc đường và thêm nhiều lính mới.
Anh Hai Thể là người chỉ huy nhưng vẫn giữ vẻ hào hoa phong nhã. Dù cướp được nón sắt của giặc, anh vẫn đội chiếc nón bàng thời Thanh niên Tiền phương như anh chăn bò người châu Mỹ, khi ra trận vẫn chiếc nón bàng, tay lăm lăm cây súng ngắn, thẳng lưng trên khắp trận địa, không hề thấy lom nhom dù đạn bay veo véo ngang đầu. Đúng là người chỉ huy đi giữa làn tên mũi đạn. Trong đại đội không ai có trình độ học vấn như anh, anh càng được nể trọng.
Đến chỗ dừng quân, chiều chiều anh thường mang cây đàn ghi-ta cùng với năm ba chiến sĩ trong đó có tôi, ngồi vào quán bên bờ sông.
Anh uống, anh đàn và anh hát. Anh nhớ cô Hai Sào Đâu của tôi. Dù chưa cưới nhưng anh vẫn xưng với tôi bằng dượng và gọi tôi bằng "mầy Năm!".
Năm 1948, tôi được cử đi học, anh vỗ vai tôi: "Mầy mới 16 tuổi, thấy mầy lóc thóc đi theo tao không đành. Dượng cử mầy học thêm, mầy đừng phụ lòng đồng đội với cô dượng mầy!".
Suốt bao nhiêu năm sau, tôi biết đơn vị anh đang hoạt động ở đâu, đánh chiến dịch nào, nhưng không bao giờ gặp, cũng không thư từ, nhưng vẫn nghĩ, vẫn nhớ anh và mối tình của anh với cô Hai Sào Đâu của tôi. Mãi đến năm 1960 sau bốn năm tập kết ra Bắc, nhân chuyến đi viết một phóng sự về bộ đội miền nam đi xây dựng nông trường, tôi mới gặp anh.
Chiều chiều hai anh em thường ngồi trong túp lều bên bờ suối dưới chân núi Ba Vì, khi uống trà, khi uống rượu, nhắc bao nhiêu chuyện đời.
Một buổi chiều anh ra suối, trong tay một nhành lá. Đơn vị anh là đơn vị chăn bò, tưởng anh tiện tay bẻ, không ngờ anh bẻ với nhành lá khác:
- Nhớ cô Hai mầy là nhớ sầu đâu. Miền bắc không có sầu đâu, không ai biết cái món gỏi sầu đâu. Cây này cùng một hệ sầu đâu nhưng không ăn được, nó là xoan. Nhìn qua hao hao giống nhau.
Anh cầm nhành xoan lên:
- Xoan tên khoa học là Melia azedarach, còn sầu đâu trong mình thì tên Azadiractaindica.
Anh ngắt một chiếc lá trước mắt tôi:
- Năm! Mầy thấy rõ chưa, lá hai lần kép. Còn sầu đâu trong mình thì là một lần kép, thứ diệp đáy hơi bất xứng, bìa có răng tà. Chùm tu tán ngắn hơn lá, mười tiểu nhị gắn trước một phiến đầu lõm, nuốm phù có ba gai và một vòng nông; ba buồng, mỗi buồng hai noãn. Quả nhưn cứng giống trái cà na, Năm có nhớ không?
Anh nói về đặc điểm cây sầu đâu như một ông thầy giảng về cây cỏ. Tôi nói:
- Hồi ở nhà, đắng quá không biết ăn mà cũng chẳng biết cây sầu đâu ra sao.
- Hồi còn đi học, môn này dượng giỏi nhứt. Dượng thích đọc về cây cỏ với chim muông. Mỗi lần dượng vào chơi nhà cô Hai mầy, dượng nhìn cây sầu đâu đến thuộc lòng. Nếu mà ở miền bắc có cây sầu đâu thì nhứt định dượng sẽ trồng một cây. Cây xoan đẹp nhưng không phải cây sầu đâu. Có gì tiếc rẻ trong giọng nói của anh.
*
* *
Ai vậy cà? Tôi tự hỏi khi thấy một người đàn ông tóc bạc phơ nhưng vạm vỡ từ trên chiếc tắc-xi bước xuống đi vào nhà tôi. Người đàn ông mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm, bước đi của ông còn nhanh nhẹn lắm. Nhà tôi là nhà tập thể nên không biết ông tìm ai. Ông đến gần, trí nhớ tôi bừng lên và tôi chạy xô tới:
- Dượng Hai Thể phải không?
Người đàn ông dừng lại, toét miệng cười:
- Còn ai vô đây nữa!
Hai chúng tôi ôm nhau và tay anh vỗ bồm bộp lên vai tôi:
- Lâu, lâu quá. Dượng về hưu rồi, còn chút thời gian thăm anh em. Dượng vô nhà thăm vợ con mầy, rồi mầy lên xe đi với dượng...
Hai chúng tôi ngồi trong một cái quán xa trung tâm thành phố, một cái quán nằm trong hẻm, không ồn ào tiếng xe cộ, quán lá và trước sân quán có một hàng cau kiểng dễ gợi nhớ đến quê nhà. Quán có tên là "Leng Keng quán", 43/6 đường Nơ Trang Long.
Lần cuối gặp anh bên bờ suối dưới chân núi Ba Vì từ năm 1962 mà nay là ngày giữa tháng 11 năm 1998, ba mươi sáu năm rồi còn gì. Tôi sắp bảy mươi, còn anh thì quá bảy mươi, hai ông già. Anh nói:
- Điểm lại đơn vị mình ngày đầu kháng chiến, hơn bốn mươi anh em cùng một xứ sở bây giờ chỉ còn ba thằng: dượng, mầy với một thằng đang ở chợ. Từ ngày giải phóng đến giờ, hễ đến ngày 23-9 thì dượng làm một mâm cúng tất cả anh em.
Gương mặt, tầm mắt và cả giọng cũng xa xôi:
- Cuối đời ngẫm lại có mấy điều không ngờ. Cuộc hành quân buổi chiều mùa nước không ngờ là hành quân về Bảy Núi. Không ngờ đến đi tập kết không gặp được cô Hai Sao Đâu của mầy. Không ngờ một thằng giao liên chạy lon ton bây giờ là một nhà báo lão thành. Cái không ngờ lớn nhứt là mình còn sống, còn ngồi với nhau.
Cô phục vụ trình cái thực đơn cắt ngang câu chuyện của anh. Anh lật từng tờ thực đơn, nhìn từng món ăn rồi như giật mình:
- Còn gỏi sầu đâu à?
- Dạ có nhưng chậm một chút.
Anh đùa:
- Bây giờ đi trồng hay đi hái?
Cô phục vụ lịch sự tươi cười:
- Dạ, vừa mới hết, nhưng gọi điện thoại thì họ mang đến ngay.
Anh Hai Thể nhìn cô phục vụ ngạc nhiên:
- Gọi điện thoại thì họ mang tới?
- Dạ thưa phải. Là vựa, chỗ đó là chỗ cung cấp sầu đâu cho toàn thành phố.
- Hiện đại quá ha! Cô có điện thoại đó không?
- Dạ có.
Anh Hai Thể rời ghế bước theo cô phục vụ. Anh trở lại bảo tôi:
- Mầy Năm ngồi đây chờ dượng.
Anh gọi tắc-xi. Ngồi chờ, tôi cảm nhận chuyến đi của anh. Nhìn đồng hồ, 20 phút, anh trở về với ba bó sầu đâu, một bó bằng nửa cườm tay.
Anh ngồi xuống:
- Mầy Năm biết sao dượng tự đi mua không?
Tôi hỏi lại anh bằng một cái nhướng mắt. Anh nói:
- Dượng về Nam từ năm 1963, đi, không gặp ai, cũng không ai chia tay với ai. Nửa năm ròng mới đến Bảy Núi. Việc đầu tiên của dượng là tìm hỏi cô Hai của mày. Một năm sau mới dò ra tin tức. Chưa kịp mừng thì tin buồn đến. Mừng là cô Hai vẫn chờ, vẫn tiếp tục công tác nhưng lại hy sinh, bị trực thăng bắn trên đồng nước Tháp Mười. Không còn gì nữa, dượng lao vào trận, nhưng lạ, đạn nó tránh, không chết cũng chẳng có một viên đạn nào đụng đến lông chân. Năm 1967, bốn mươi tuổi rồi ai cũng phải có một gia đình, dượng lấy vợ, làm đám cưới dưới bom đạn ở đồi Tức Dụp.
- Chị và mấy cháu khỏe?
- Khỏe.
Tại sao dượng tự đi lấy sầu đâu, mầy Năm có biết không? Nghe nói chỗ vựa sầu đâu, tự dưng trong lòng dường như thức lên một ngọn lửa hy vọng. Biết đâu cô Hai còn sống, chiến tranh mà, có người gia đình đã thờ rồi lại lót tót trở về. Biết đâu bây giờ cô Hai là chủ vựa sầu đâu ở đất Sài Gòn này? Dượng trở lại đây tất nhiên là không phải. Nhưng nếu dượng không đi là cả đời dượng không yên. Cô Hai của mầy mất nhưng chính cô đã giúp cho gia đình đỡ khó khăn.
Tôi lại nhìn anh tỏ ra không hiểu. Như đoán ý nghĩ của tôi, anh hỏi:
- Không hiểu phải không? Tôi cười, gật đầu.
- Mấy năm trước, sau khi về hưu với cấp đại tá, dượng xây nhà trên một mảnh đất ngoài ngoại ô thị xã. Sẵn có một công đất, dượng trồng cây ăn trái, nào mận, nào mãng cầu, nào nhãn; sẵn đất dượng trồng mấy cây sầu đâu, trồng cây sầu đâu để nhớ cô Hai. Vài năm sau không ngờ có người đến hỏi mua, mua mão cả năm. Vậy là vợ chồng dượng phải đốn hết cây ăn tạp, trồng ba mươi cây, trồng kín cả miếng đất sau nhà. Năm nay đã có người mão hết, mầy Năm có biết họ mua mão một cây là bao nhiêu không?
- Chuyện này tôi dốt.
- Một triệu một cây. Hễ có lá non thì họ tuốt đúng một năm.
- Một triệu một cây? - Tôi hỏi lại.
- Dượng nói dóc làm gì. Bây giờ một năm nằm chỏng gọng cũng được ba mươi triệu. Như vậy có phải cô Hai phù hộ dượng không? Họ vừa ứng cho dượng 10 triệu, dượng lên đây mua cây "ọt" cho con út, nó giống dượng nó mê nhạc.
Gỏi sầu đâu đặt lên bàn. Trong đời của con người, một câu thơ hay một câu hát đều gợi lên cho ta một kỷ niệm bị vùi lấp trong tâm trí. Một món ăn cũng vậy. Cái vị đắng và ngọt của sầu đâu gợi tôi nhớ đến bà, nhớ cha mẹ, anh em và trong tưởng tượng của tôi, hình ảnh của cô Hai Sào Đâu với chiếc áo mầu hột gà nằm lại vĩnh viễn trên chiếc xuồng lênh đênh đồng nước dưới tầm bay của trực thăng.
N.Q.S
(Công an TP Hồ Chí Minh Tết Kỷ Mão)
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc