Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 64
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Duyên Số - Vũ Tú Nam
Ông Tùng dẹp mấy cái xe đạp khách gửi lau dầu, lấy chỗ cho anh con trai dắt chiếc Vespa ra cổng đi làm. Ông băn khoăn hỏi:
- Sao mấy hôm nay không thấy bà đưa sữa đậu nành đến nhỉ. Hay là bà ấy làm sao?...
Anh con trai khẽ gắt:
- Bố việc gì phải lo. Có khi bà ấy xoay ra bán thứ khác lãi hơn. Mà không có sữa đậu nành thì con sẽ mua sữa hộp cho bố, ngon và bổ hơn nhiều. Bố cứ yên tâm.
Xe máy anh con trai đã êm ro chạy ra khỏi ngõ, ông Tùng ngả chiếc xe đạp số 36 ra lau, vẻ vẫn bần thần. Ông thấy lo lo cho bà đưa sữa đậu nành, và tự trách sao mình lại không biết tên và nơi ở của bà ấy. Chỉ nhớ có lần bà ấy kể là đã sớm góa chồng. ừ, mình vô tâm thật. Đã trên ba năm bà ấy đưa sữa cho các gia đình trong xóm này. Sớm nào trước bảy giờ cũng nghe lanh canh tiếng chai lọ, bà ấy gõ cửa từng nhà đưa sữa. Một chai 0,7 lít bà chỉ lấy có năm trăm, mãi gần đây mới tăng lên sáu rồi bảy trăm; sữa bao giờ cũng nóng, béo và thơm phức. Bà ấy nhỏ người, gầy nhưng lanh lợi; những hôm gió mùa đông bắc, nhìn bà ấy khoác tấm vải mưa nặng nhọc đẩy chiếc xe đạp cũ chở lặc lè mấy chục chai đầy sữa, thật thương. Mấy tháng hè, đứa cháu gái, đang học phổ thông, có đi đỡ cho bà; hai bà cháu lúi húi lo phân phát sữa, đứa cháu thường tranh phần leo lên gác hai gác ba, để bà khỏi mỏi chân. Thế nhưng bước vào năm học mới, bà lại đi đưa sữa một mình... Sao mấy hôm nay không thấy bà ấy nhỉ?
Ông Tùng có nhiều điều nghĩ khác cậu con trai, ông vốn là bộ đội công binh, đã nghỉ hưu. Ông góa vợ sớm, tằn tiện nuôi dạy đứa con duy nhất học xong đại học, nay nó làm việc tại một doanh nghiệp lớn, thu nhập mỗi tháng trên hai triệu. Hồi mới nhận sổ hưu, ông Tùng dựng cái quán chữa xe đạp ở gốc cây bàng đầu phố, và sớm sớm đi bán bánh mì. Bánh ông nóng giòn, ủ trong bao, ông đạp xe đến từng nhà, bán bánh mì kẹp giò, chả hoặc pa-tê, tùy theo ý khách. Học theo các doanh nghiệp đặt tên tắt để quảng cáo trên thị trường như Vinataba, Haihaco, ông bóp chuông xe kính coong và rao bán bánh mì nóng bằng ba tiếng "Ba mi no! Ba mi no!" thế là người từ các nhà tức cười chạy ra, mua một lúc hết veo. Các cụ trong tổ hưu biểu dương ông Tùng là người biết cải tiến dịch vụ bán hàng.
Sau đó, khi con trai đã học đại học, ông xoay ra chữa thêm xe máy. Ông cải tiến một mô tơ máy lạnh cũ thành máy bơm, có lắp bánh xe để dễ di động. Gần đây con ông mắc được điện thoại, ông trở thành người chữa xe máy xe đạp "theo yêu cầu". Ai có xe máy xịt lốp chỉ cần phôn cho ông, lập tức ông hẹn giờ đẩy máy bơm đến chữa tận nhà. Xe đạp cần lau dầu, đại tu, cứ việc dắt đến, ông ghi sổ phát số như bác sĩ khám bệnh, hẹn ngày đến trả tiền nhận xe. Ông sửa xe rất cẩn thận, chu đáo, lấy giá rẻ so với ngoài phố, nên được cả xóm tín nhiệm. Xe của các nhà quen quanh đó, ông nắm lý lịch, ghi chép bệnh trạng từng chiếc một, nhìn đến là nhớ ngay. Các loại mini Nhật, mini Tàu, Mi-pha và Vĩnh Cửu, ông có đủ phụ tùng thay thế.
Khách chữa xe đông, ông làm không hết việc, có hôm chủ nhật, anh con trai phải lăn vào giúp bố để trả xe cho khách đúng hẹn, phàn nàn:
- Nhà ta giờ đã khá rồi, bố tham công tiếc việc làm gì. Mỗi ngày bình quân bố chỉ kiếm được trên dưới mười ngàn, số tiền ấy con có thể lo được. Bố nghỉ đi cho khỏe, xe cộ đồ nghề bày ra lộn xộn quá. Để bố ăn mặc lôi thôi, áo quần đầy dầu mỡ, thiên hạ lại chê con...
Ông Tùng bất ngờ nổi khùng lên:
- à ra điều cái nhà này do tiền của anh xây dựng, tôi không được bày bừa phải không? Nếu thế, tôi lại ra gốc bàng tôi ngồi!
Anh con trai phải đấu dịu, xin lỗi bố, chiều hôm ấy mua về cho bố một tờ Cựu chiến binh và một tờ Người cao tuổi. Ông Tùng vốn rất ham đọc báo.
Có lần một người bạn cùng đơn vị cũ với ông ở tỉnh xa về chơi, sau bữa cơm rượu vỗ vai ông bảo:
- Tùng này, cậu tuổi Thìn phải không? Cậu vất vả về đường thê thiếp. Bà ấy mất là do duyên số. Còn cái cô đang theo đuổi cậu thì đừng có bập vào, cô ta chỉ lợi dụng cậu chữa xe không công cho cô ấy mà thôi...
Ông Tùng cau mặt:
- Cô nào, cậu nói cô nào?
Khách cười xòa:
- ấy là mình đoán thế, không đúng thì thôi. Nhưng dù sao thì cậu cũng nên có một người làm bạn lúc về già, con thương cha không bằng bà thương ông. Sẽ có một bà tự tìm đến với cậu, người ấy là người tốt đấy, đừng từ chối. Rồi cậu xem, tớ nói không sai đâu.
Ông Tùng hơi đỏ mặt, ngồi im. Khách lại nói:
- Cậu có đôi tai đẹp quá, tha hồ mà thọ. Ví như cậu mất vào tuổi 87 thì vẫn còn là chết non!
Ông Tùng giật mình. Ông bỗng nhớ lời cha ông từng nói: "Họ nhà ta không ai chết trước 86 tuổi". Thì ra cái thằng cha này biết xem tướng số thật! Ông nghĩ bụng.
Bạn ra về đã một tuần, trong đầu ông vẫn vương vất câu chuyện hôm ấy, tự nhiên ông đâm ra xét nét với các bà các cô đem xe đến nhờ ông sửa. Ai nhỉ? Ai thế nhỉ? Nó đoán về ai thế nhỉ?...
Anh con trai sửng sốt thấy bố mình có lúc thẫn thờ như ốm. Chiều hôm ấy, anh mang về biếu bố hai hộp "Hoàn lục vị":
- Thuốc bổ đây, bố chịu khó uống mỗi ngày hai viên. Con thấy bố có vẻ không được khỏe, bố ham làm nhiều quá!
Nhận thuốc từ tay con, ông Tùng hỏi:
- Bao nhiêu một hộp?
- Có tám nghìn thôi bố ạ.
Ông tặc lưỡi:
- Chà, bằng cả một ngày công của tao.
Ông cẩn thận cất hai hộp thuốc vào tủ và hằng ngày vẫn chữa xe đều đều. Mọi việc dường như không có gì thay đổi, nếu buổi sớm hôm đó không xuất hiện trở lại bà bán sữa đậu nành.
Tiếng lanh canh chai lọ đụng nhau như đưa ông Tùng trở về một giấc mộng cũ. Ông vội chạy ra ngõ. Đúng rồi, đúng bà ấy rồi. Nhưng hình như có hơi đẫy ra.
Bà đến gần ông, nói;
- Hôm nọ cô em tôi đón vào chơi trong Sài Gòn, không kịp báo cho các bác, các bác bỏ quá cho. Từ hôm nay, lại xin đưa sữa cho các bác. Bác vẫn lấy một hay hai chai ạ?
Ông Tùng bỗng lúng túng:
- Bà cho tôi hai chai...
Nhận sữa rồi, ông chợt nghĩ. "Uống làm sao cho hết? Thôi được, cứ biết thế". Ông lăng xăng lấy ra hai vỏ chai bia Vạn Lịch ông đã súc sạch sẽ, đưa cho bà hàng và nói:
- Bà cầm thêm mà dùng... Bà có cần bơm xe hay chữa xe, cứ đưa tôi giúp cho. Chắc bà ở xa lắm nhỉ?
Bà sữa đậu nành thẽ thọt đáp:
- Em ở tận Khương Đình cơ bác ạ.
Ông Tùng bị ám ảnh mãi vì câu trả lời và cái giọng ngọt ngào ấy. Đến tận khi con ông mở cổng đánh rầm, dắt xe máy đi làm, ông mới tỉnh ra.
Hôm nay, ông phải hoàn thành việc lau dầu chiếc xe Mi-pha số 49.
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc