He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Trung Hoa
Dịch giả: Sưu Tầm
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: hieu ngoc
Số chương: 51 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2766 / 118
Cập nhật: 2019-08-24 16:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
75-76
ẠI CHIẾN CÔN DƯƠNG
Sau khi Canh Thủy Đế Lưu Huyền lên ngôi, liền phái Vương Phượng, Vương Thường, Lưu Tú đem quân đánh Côn Dương (nay là huyện Diệp, Hà Nam). Họ nhanh chóng chiếm được Côn Dương, sau đó lại chiếm được Yên Thành (nay là huyện Yên Thành, Hà Nam) và Định Lăng (nay ở tây bắc huyện Yên Thành, Hà Nam) ở gần đó.
Vương Mãng nghe tin quân khởi nghĩa đã lập Lưu Huyền lên làm hoàng đế đã rất lo lắng, nay nghe tin mất liền mấy tòa thành lại càng sợ hãi, vội phái hai đại tướng Vương Tầm, Vương Ấp dẫn 43 vạn quân xuất phát từ Lạc Dương tiến thẳng tới Côn Dương. Để hư trương thanh thế, quân Vương Mãng không biết kiếm từ đâu được một người rất to lớn, tên là Cự Vô Bá. Cự Vô Bá có thân hình đặc biệt cao, lại to khỏe như một con bò mộng. Anh ta còn có tài huấn luyện thú dữ như hổ, báo, tê giác, voi. Vương Mãng phong anh ta làm hiệu úy, sai anh ta dẫn đám mãnh thú ra trận trợ uy.
Hán quân giữ Côn Dương chỉ có tám, chín ngàn người. Có tướng lĩnh đứng trên thành quan sát, thấy quân Vương Mãng đông như thế, sợ không đối phó nổi, chủ trương bỏ Côn Dương, lui về cứ điểm cũ. Lưu Tú nói với mọi người: "Hiện nay binh mã và lương thảo của chúng ta đều thiếu thốn, chỉ dựa vào sự đồng tâm hiệp lực để đánh địch. Nếu mọi người rời rã để Côn Dương thất thủ thì các cánh Hán quân khác cũng bị tiêu diệt, sự nghiệp của chúng ta sẽ thất bại".
Mọi người thấy Lưu Tú nói có lý nhưng lại thấy lực lượng quân Vương Mãng quá mạnh, tử thủ Côn Dương cũng không phải là biện pháp hay. Sau khi bàn bạc, liền để Vương Phượng, Vương Thường giữ Côn Dương, Lưu Tú đem một số binh mã phá vây, chạy về Định Lăng và Yên Thành để điều cứu binh tới. Đêm đó, Lưu Tú đem theo 12 dũng sĩ cưỡi ngựa tốt, lợi dụng đêm tối xông ra khỏi cửa nam thành Côn Dương. Quân Vương Mãng không phòng bị, để họ thoát khỏi vòng vây. Thành Côn Dương tuy không lớn nhưng rất kiên cố. Quân Vương Mãng tưởng rằng có nhiều binh lính và vũ khí, sẽ dễ dàng hạ thành. Họ chế tạo các lâu xa cao 10 trượng (= 33m), từ trên đó bắn tên vào thành như mưa. Người trong thành ra giếng lấy nước đều phải mang mộc che tên. Quân Vương Mãng còn dùng xe chở gỗ húc cửa thành và đào đường hầm toan xuyên dưới chân thành. Nhưng Hán quân dùng mọi biện pháp hữu hiệu để chống lại, nên thành vẫn được giữ vững.
Lưu Tú đến Định Lăng, toan điều toàn bộ binh mã ở Định Lăng và Yên Thành đi cứu Côn Dương. Nhưng một số tướng lĩnh Hán quân tham tiếc của cải, không chịu rời hai tòa thành trên. Lưu Tú khuyên họ: "Ta nên tập trung mọi lực lượng ở đây đến cứu Côn Dương để đánh bại địch, hoàn thành sự nghiệp lớn. Nếu cứ tử thủ ở đây, địch đánh xong Côn Dương, sẽ đánh tới đây, chúng ta không giữ được, thì ngay tính mạng cũng không còn, chứ đừng nói tới của cải nữa".
Các tướng lĩnh được thuyết phục, liền đem toàn bộ binh mã theo Lưu Tú đến Côn Dương. Lưu Tú thân tự dẫn hơn 1000 bộ binh và kỵ binh, tổ chức thành đội quân tiên phong tiến tới Côn Dương bày thành thế trận cách Côn Dương khoảng 4, 5 dặm. Vương Tầm, Vương Ấp thấy số lượng quân Hán ít ỏi, chỉ phái mấy ngàn binh sĩ đối phó. Nhân lúc quân địch chưa dàn xong trận thế, Lưu Tú tranh thủ tiến công trước, thân dẫn bộ đội tiên phong xông lên, giết được mấy chục lính địch. Đại đội binh mã cứu viện vừa tới kịp, thấy đội quân tiên phong của Lưu Tú đang chiến đấu dũng mãnh, cũng hăng hái nhất tề xông vào chiến đấu. Vương Tầm, Vương Ấp buộc phải lui quân. Hán quân thừa thắng tràn sang, càng đánh càng mạnh, một người có sức địch lại mười kẻ địch.
Quân cảm tử do Lưu Tú chỉ huy có 3000 người, xông thẳng vào đội quân chủ lực của Vương Mãng. Vương Tầm thấy Hán quân ít ỏi, có ý coi thường, đưa một vạn quân ra toan đè bẹp, nhưng không ngờ một vạn quân vẫn không nổi 3000 quân cảm tử của Lưu Tú. Sau một thời gian giao chiến, quân đội của Vương Tầm bắt đầu rối loạn. Hán quân càng đánh càng hăng, nhằm thẳng phía Vương Tầm xông tới, giết được Vương Tầm. Vương Phượng, Vương Thường chỉ huy quân Hán trong thành Côn Dương, thấy quân cứu viện đánh thắng, liền mở cửa thành xông ra, đánh ép lại, tiếng hô "giết" vang trời dậy đất. Quân Vương Mãng nghe nói chủ tướng bị giết, thì tất cả hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau trốn chạy. Suốt dọc đường hơn 100 dặm, phơi đầy thi thể quân Vương Mãng.
Lúc đó, trời bỗng tối sầm, sấm sét vang rền, gió thổi mạnh rồi mưa như trút xuống. Đàn mãnh thú do Cự Vô Bá đưa ra trợ chiến cũng run rẩy sợ hãi, không những không xông lên, mà lại quay đầu xông bừa vào đám quân Vương Mãng. Quân Hán bám sát truy đuổi, khiến quân Vương Mãng như nước trào ra sau cơn đê vỡ, chạy về phía Trĩ Thủy (nay là Sa Hà, ở Lỗ Sơn, Hà Nam), hàng ngàn hàng vạn quân chết đuối trên sông Trĩ Thủy, hầu như làm ứ tắc cả dòng sông. Khi viên đại tướng còn lại là Vương Ấp chạy về tới Lạc Dương thì 43 vạn đại quân Vương Mãng chỉ còn lại mấy ngàn. Hán quân thu dọn chiến trường ngổn ngang thi thể, binh khí, khôi giáp, xe cộ, lương thảo của quân Vương Mãng. Việc thu dọn phải làm hơn một tháng, những thứ còn lại phải châm lửa thiêu hủy.
Tin tức về trận đánh tiêu diệt quân chủ lực Vương Mãng ở Côn Dương lan truyền đi khắp nước, đã động viên dân chúng các địa phương nổi dậy hưởng ứng quân khởi nghĩa. Nhiều nơi tự động giết quan lại ở địa phương, chờ đợi quân khởi nghĩa tới. Canh Thủy Đế phái đại tướng Thân Đỗ Kiến và Lý Tùng dẫn Hán quân thừa thắng tiến công Trường An. Vương Mãng cuống cuồng sợ hãi, vội tha các tù phạm trong ngục ra, tổ chức chắp vá một đội quân phòng giữ. Nhưng một đội quân như thế làm sao có thể chiến đấu vì Vương Mãng? Vừa tiếp xúc với Hán quân, họ đã lần lượt tan chạy.
Không lâu sau, Hán quân tiến công vào Trường An, nhân dân trong thành sôi nổi hưởng ứng, phóng hỏa đốt cháy cửa lớn cung Vị Ương. Mọi người lớn tiếng đòi Vương Mãng ra đầu hàng. Vương Mãng hoảng hốt, dẫn một số tùy tùng chạy vào Tiệm Đài là một tòa lầu xung quanh là nước, lửa không cháy tới được. Hán quân vây chặt Tiệm Đài, đợi cho quân trên đó bắn hết tên mới xông lên, giết chết Vương Mãng. Triều Tân của Vương Mãng tồn tại được 15 năm, cuối cùng sụp đổ trước cuộc khởi nghĩa nông dân.
LƯU TÚ DỰNG LẠI VƯƠNG TRIỀU HÁN
Sau đại chiến Côn Dương, tiếng tăm của anh em Lưu Dần, Lưu Tú càng lớn. Có người khuyên Canh Thủy Đế trừ bỏ Lưu Dần, Canh Thủy Đế liền mượn cớ Lưu Dần chống lệnh, xử tội chết. Lưu Tú nghe tin anh bị giết, biết lực lượng mình chưa địch nổi Canh Thủy Đế liền đến ngay Uyển Thành (nay là thành phố Nam Dương, Hà Nam) gặp Canh Thủy Đế tạ tội. Có người hỏi Lưu Tú về trận Côn Dương, ông khôn khéo không nhận công về mình mà nói đó đều là công lao của tướng sĩ. Ông cũng không dám để tang anh mà vẫn vui vẻ cười nói bình thường, không để lộ tình cảm xót thương, oán giận.
Canh Thủy Đế cho rằng Lưu Tú không hận thù mình, lại cảm thấy không nỡ trị tội, còn phong Lưu Tú làm Phá Lỗ đại tướng quân nhưng cuối cùng vẫn không trọng dụng. Sau này khi hạ được Trường An về giết được Vương Mãng, Canh Thủy Đế về Lạc Dương mới giao cho Lưu Tú một ít binh mã, sai đi chiêu dụ các quận huyện Hà Bắc. Lúc đó, cường hào quí tộc các nơi có vũ khí, kẻ tự xưng làm tướng, kẻ tự xưng làm vương, còn có kẻ tự xưng hoàng đế, đua nhau cát cứ. Canh Thủy Đế cử Lưu Tú đi Hà Bắc lại chính là tạo cơ hội cho Lưu Tú mở rộng thế lực. Ông phá bỏ mọi luật lệ hà khắc thời Vương Mãng, tha cho các tù phạm, một mặt tiêu diệt các thế lực cát cứ, một mặt trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở vùng Hà Bắc. Toàn bộ vùng Hà Bắc hầu như bị Lưu Tú chiếm lĩnh.
Năm 25 công nguyên, Lưu Tú và các thủ hạ thấy thời cơ đã chín muồi, liền tự xưng làm hoàng đế ở đất Hào (nay ở phía bắc huyện Bách Hương, Hà Bắc). Đó là Hán Quang Quang Vũ Đế. Canh Thủy Đế lúc đầu đóng đô ở Lạc Dương, sau lại chuyển về Trường An. Sau khi về Trường An, ông ta cho rằng giang sơn đã nằm trong tay, liền bắt đầu cuộc sống hủ bại. Ông lạm phong quan tước, không hề chăm lo đến chính sự, suốt ngày uống rượu vui chơi trong hoàng cung, còn dung túng binh lính hoành hành cướp bóc. Số tướng lĩnh của quân Lục Lâm cũ rất bất mãn với Canh Thủy Đế.
Phàn Sùng, thủ lĩnh quân Xích Mi thấy Canh Thủy Đế như vậy, liền dẫn 20 vạn quân tiến công Trường An, Canh Thủy Đế đem quân chống lại, liên tiếp bị đánh bại, vô cùng sợ hãi. Một số tướng lĩnh quân Lục Lâm khuyên Canh Thủy Đế rời Trường An, lại bị Canh Thủy Đế ngờ vực, giết hại. Một số tướng lĩnh khởi nghĩa chạy theo quân Xích Mi. Nội bộ lực lượng Canh Thủy Đế rối loạn, quân Xích Mi liền dễ dàng đánh vào Hàm Cốc quan. Quân Xích Mi quyết định phế bỏ Canh Thủy Đế. Nhưng Phàn Sùng và những người lãnh đạo vẫn chưa thoát khỏi quan niệm chính thống của quí tộc cũ triều Hán, cố tìm một người họ Lưu để tôn làm hoàng đế. Lúc đó, trong quân Xích Mi có tất cả hơn 70 người họ Lưu, trong đó có một cậu chăn bò 15 tuổi tên là Lưu Bồn Tử, nghe nói có huyết thống gần gũi nhất với hoàng tộc Tây Hán. Thế là họ lập Lưu Bồn Tử lên làm hoàng đế.
Quân Xích Mi đánh vào Trường An, Canh Thủy Đế chạy ra ngoài thành. Phàn Sùng phái sứ giả đến gặp Canh Thủy Đế, yêu cầu phải đầu hàng trong kỳ hạn 20 ngày. Canh Thủy Đế cùng đường, đành phải đem ngọc tỉ đến đầu hàng quân Xích Mi. Quân Xích Mi tiến vào Trường An, thanh thế lừng lẫy. Nhưng mấy chục vạn quân không có nguồn cung cấp lương thực. Bọn phú thương và địa chủ nhân cơ hội đầu cơ tích trữ, thành Trường An hôm nào cũng có người chết đói. Cứ như vậy, tình hình hỗn loạn ở Trường An không có cách nào dẹp yên được.
Phàn Sùng dẫn quân rời Trường An đi sang hướng tây, nhưng ở hướng này cũng không giải quyết được khó khăn về lương thực. Đến Thiên Thủy (tên quận, nay ở Cam Túc), lại bị bọn địa chủ cường hào địa phương chặn đánh, Phàn Sùng lại phải dẫn quân sang hướng đông. Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú nhân lúc Xích Mi vào Trường An liền chiếm lấy Lạc Dương. Nghe tin quân Xích Mi chuyển sang phía đông, liền dẫn 20 vạn đại quân chia làm 2 cánh mai phục chờ đợi. Quang Vũ Đế phái đại tướng Phùng Dị đến Hoa Âm nhử quân Xích Mi sang phía đông. Phùng Dị dùng kế bao vây một đội quân Xích Mi ở dưới núi Hào Sơn. Ông đưa chiến thư, hẹn quân Xích Mi quyết chiến với thời gian và địa điểm đã định. Phàn Sùng thật thà, không hiểu rõ mưu kế của đối phương, nên phái hơn một vạn quân Xích Mi tiến công. Phùng Dị cử một số ít quân đối địch. Quân Xích Mi thấy Hán binh ít ỏi nên đem toàn quân tiến đánh. Không ngờ, phục binh đổ ra, ăn mặc và tô vẽ giống như quân Xích Mi, hai bên hỗn chiến không phân biệt nổi ai là quân lính của bên nào.
Quân Xích Mi đang bối rối thì số Hán binh giả trang làm quân Xích Mi hô lớn: "Đầu hàng! Đầu hàng!". Binh sĩ Xích Mi thấy nhiều người bên mình kêu đầu hàng như vậy thì hoang mang nao núng. Toàn bộ cánh quân đó bị tước vũ khí. Tháng giêng năm 27 công nguyên, Phàn Sùng dẫn số quân Xích Mi còn lại di chuyển về Nghi Dương (nay là huyện Nghi Dương, Hà Nam). Phùng Dị sai người báo cáo hỏa tốc cho Quang Vũ Đế. Quang Vũ Đế thân dẫn 2 cánh quân đã chuẩn bị sẵn đánh chặn, vây chặt quân Xích Mi lại. Đến bước này, Phàn Sùng đành phái người đến gặp Quang Vũ Đế xin hòa. Hán Quang Vũ Đế dẫn Lưu Bồn Tử và hàng binh Xích Mi về Lạc Dương, phân cho nhà cửa đất đai và giữ họ ở Lạc Dương. Nhưng chỉ mấy tháng sau, liền ghép Phàn Sùng vào tội mưu phản và sát hại.
Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1 Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1 - Khuyết Danh Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1