Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Trung Hoa
Dịch giả: Sưu Tầm
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: hieu ngoc
Số chương: 51 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2766 / 118
Cập nhật: 2019-08-24 16:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
9-10
HƯƠNG THÁI CÔNG CÂU CÁ
Sau khi Bàn Canh chết, còn truyền được 10 đời vua nữa. Vua cuối cùng tên là Trụ. Trụ vốn là người khá giỏi giang và có sức khỏe. Những năm đầu, ông đích thân cầm quân, tiến hành các cuộc chiến tranh lâu dài với Đông Di. Trụ rất có tài về quân sự, liên tục đánh thắng, cuối cùng bình định được Đông Di, đưa văn hóa của triều Thương truyền bá tới lưu vực Hoài Thủy và Trường Giang. Trong sự kiện này, Trụ đã có vai trò quan trọng. Nhưng do chiến tranh lâu dài, thiệt hại rất lớn, nhân dân phải đóng góp nặng nề, nên đời sống này càng khổ cực.
Trụ giống như Hạ Kiệt, chỉ biết hưởng lạc, không quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông ta không ngừng xây dựng cung điện nguy nga, nhất là cung "Lộc đài" rất lớn ở biệt đô Triều Ca (nay là huyện Kỳ, tỉnh Hà Nam), chứa đầy vàng bạc châu báu. Ngoài ra, còn cho dựng một nhà kho cực lớn, gọi là Cự Kiều để chứa lương thực. Trụ còn cho đổ rượu đầy ao và treo thịt đầy rừng cây gọi đó là ao rượu, rừng thịt. Trụ cùng sủng phi Đát Kỷ sống cuộc sống cực kỳ xa xỉ. Ngoài ra, còn dùng nhục hình tàn bảo để trấn áp nhân dân. Nếu chư hầu hoặc nô lệ nào chống đối, Trụ đều cho bắt và nướng cháy trên cột đồng nung đỏ. Hành động tàn bạo của Trụ đã đẩy nhanh sự sụp đổ của triều Thương. Lúc đó, ở phía tây có một bộ lạc đang hưng thịnh. Đó là bộ lạc Chu.
Chu vốn là một bộ lạc lâu đời. Vào cuối triều Hạ, bộ lạc này sống ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc ngày nay. Về sau, do bị các bộ lạc Nhưng, Địch quấy phá, thủ lĩnh bộ lạc Chu là Cổ Công Đản Phụ mang dân dời đến Kỳ Sơn (nay ở đông bắc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây) và định cư ở đó.
Đến đời cháu của Cổ Công Đản Phụ là Cơ Xương (sau là Chu Văn Vương) kế vị, bộ lạc Chu đã rất lớn mạnh. Chu Văn Vương là một nhà chính trị tài giỏi. Cuộc sống của ông hoàn toàn ngược với Trụ. Trong khi Trụ thích uống rượu, săn bắn và lạm dụng hình phạt thì Chu Văn Vương cấm uống rượu, không cho phép quý tộc săn bắn, giẫm đạp lên hoa màu của nhân dân. Ông khuyến khích nhân dân nuôi nhiều bò dê và trồng nhiều lương thực. Ông còn khiêm tốn tiếp đãi những người có tài, vì vậy thu hút được nhiều nhân tài đi theo. Sự lớn mạnh của bộ lạc Chu là mối uy hiếp lớn với triều Thương. Một đại thần là Sùng Hầu Hổ nói xấu Chu Văn Vương với Trụ, nói: "ảnh hưởng của Chu Văn Vương rất lớn, nếu cứ để như thế sẽ nguy hại cho triều Thương."
Trụ liền hạ lệnh bắt Chu Văn Vương, giam ở Dĩu Lý (nay ở huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam). Các quý tộc ở bộ lạc Chu phải đưa nhiều gái đẹp, ngựa tốt và châu báu đến dâng cho Trụ Vương và biếu các đại thần. Trụ Vương thấy gái đẹp và châu báu liền cười tít mắt, nói: "Những thứ này đủ để chuộc Cơ Xương" liền ra lệnh tha Chu Văn Vương về.
Chu Văn Vương thấy Trụ Vương ngu tối, bạo ngược, không được lòng dân, liền quyết định đánh đổ triều Thương. Nhưng bên cạnh ông thiếu một người có tài năng quân sự để chỉ huy tác chiến. Ông ra sức kiếm tìm.
Một hôm, Chu Văn Vương ngồi xe, dẫn theo con và một số quân lính đi săn ở bờ Bắc sông Vị Thủy. Ông nhìn thấy một ông già đang ngồi bên bờ sông câu cá. Đoàn người ngựa đi tới, nhưng ông già đó làm như không nhìn thấy, vẫn lặng thinh ngồi câu. Thấy lạ, Văn Vương liền xuống xe, đi tới, nói chuyện với lão già nọ. Sau khi nói chuyện, được biết ông già tên là Khương Thượng (còn gọi là Lã Thượng, Lã là vùng đất phong của tổ tiên ông), là một người tinh thông binh pháp.
Văn Vương vô cùng phấn khởi, nói: "Khi ông nội ta còn sống, từng nói với ta là sau này sẽ có một người rất giỏi giúp đỡ tộc Chu ta hưng vượng lên. Ngài chính là người đó. Ông nội ta từng trông mong ngày rất lâu rồi". Nói xong, liền mời Khương Thượng lên xe cùng về cung. Ông già vuốt râu, rồi cùng Văn Vương lên xe.
Vì ông nội của Văn Vương được gọi là Thái Công từng mong đợi Khương Thượng từ lâu nên về sau, người ta gọi Khương Thượng là Thái Công Vọng. Thái Công Vọng là trợ thủ đắc lực của Chu Văn Vương. Ông vừa khuyến khích sản xuất, vừa thao luyện binh mã, khiến thế lực của bộ tộc Chu lớn mạnh vượt bậc. Một lần, Văn Vương hỏi Thái Công Vọng: "Ta muốn đánh đổ bạo quân. Vậy nên đánh nước nào trước?".
Thái Công Vọng nói: "Nên đánh Mật Tu trước".
Có người phản đối: "Thủ lĩnh Mật Tu rất lợi hại, sợ không đánh nổi".
Thái Công Vọng nói: "Thủ lĩnh Mật Tu ngược đãi dân chúng, mất lòng người từ lâu. Dù hắn ra lợi hại thế nào, cũng không đáng sợ".
Chu Văn Vương đem quân đến đánh Mật Tu, còn chưa khai chiến, nhân dân Mật Tu đã nổi dậy, bắt trói Mật Tu đem nộp cho Văn Vương. Ba năm sau, Chu Văn Vương lại đem quân đánh đất Sùng (nay là huyện Bạng Thủy, tỉnh Thiểm Tây), là một thuộc quốc lớn nhất ở phía tây triều Thương. Sau khi diệt nước Sùng, Văn Vương liền xây đắp thành trì, xây dựng kinh đô ở đây gọi là Phong Ấp. Mấy năm sau, bộ tộc Chu dần dần chiếm lĩnh đại bộ phận đất đai dưới quyền thống trị của triều Thương, ngày càng có nhiều bộ lạc qui phục Văn Vương. Nhưng Chu Văn Vương không kịp hoàn thành sự nghiệp diệt Thương. Trong khi đang sự tính tiến đánh triều Thương thì ông bị bệnh mất.
NÔ LỆ KHỞI NGHĨA
Sau khi Chu Văn Vương mất, con trai là Chu Phát lên nối ngôi, tức là Chu Vũ Vương. Chu Vũ Vương tôn Thái Công Vọng (còn gọi là Khương Tử Nha hay Lã Vọng) làm thầy và yêu cầu các em là Chu Công Đán và Chiêu Công Thích làm trợ thủ cho mình, tiếp tục chỉnh đốn nội trị, mở rộng thế lực để chuẩn bị đánh Trụ.
Năm sau, Chu Vũ Vương dẫn quân đến Minh Tân (nay ở đông bắc Mạnh Tân, tỉnh Hà Nam) tổ chức duyệt binh, có hơn tám trăm nước chư hầu không hẹn trước cũng mang quân đến hội họp. Mọi người đều đề nghị Vũ Vương cầm đầu cuộc diệt Thương. Nhưng Vũ Vương nhận thấy thời cơ chưa chín, nên sau khi duyệt binh, lại đem quân trở về Phong Kinh.
Lúc đó, Trụ Vương ngày càng bạo ngược. Các Vương tử, quý tộc triều Thương là Tỷ Can và Cơ Tử, Vi Tử hết sức lo lắng, ra sức khuyên can Trụ Vương không nên tiếp tục như vậy. Trụ Vương không những không nghe, còn nổi giận, giết chết Tỷ Can và sai mổ phanh bụng Tỷ Can, moi gan ruột ra ngoài để xem lá gan to thế nào. Cơ Tử phải giả điên mới thoát chết, bị giáng làm nô lệ, giam giữ trong lao tù. Vi Tử thấy triều Thương không còn hy vọng, liền bỏ trốn khỏi biệt đô Triều Ca.
Vào khoảng thế kỷ XI trước Công nguyên, Vũ Vương nhận được báo cáo của thám tử, biết Trụ lâm vào cảnh bị chán ghét cùng cực, cho rằng thời cơ đã chín muồi, liền cử năm vạn quân, do Thái Công Vọng, người rất tinh thông binh pháp làm nguyên soái, vượt qua Hoàng Hà tiến về phía đông. Đến Minh Tân, tám trăm nước chư hầu lại hội họp. Chu Vũ Vương tiến hành đại hội thệ sư, tuyên bố tội trạng của Trụ, động viên mọi người đồng tâm đánh Trụ.
Trên đường tiến quân của Vũ Vương, một hôm có hai ông già ngăn đường, đòi gặp Vũ Vương. Có người nhận ra, đó là hai người con của vua nước Cô Trúc (nay ở huyện Lư Long, tỉnh Hà Bắc). Người anh có tên là Bá Di, người em tên là Thúc Tề. Vua nước Cô Trúc yêu mến Thúc Tề, muốn truyền lại ngôi vua cho Thúc Tề, Bá Di biết ý cha, liền chủ động rời nước Cô Trúc; Thúc Tề không chịu nhận ngôi vua mà anh nhường cho mình, cũng bỏ đi ẩn náu. Khi Chu Văn Vương còn sống, hai người đều đến trú tại nước Chu. Bây giờ nghe tin Vũ Vương đi đánh Trụ, cả hai đều ra can ngăn.
Khi Chu Vũ Vương ra tiếp kiến họ, cả hai nắm chặt dây cương, nói: "Trụ Vương là thiên tử, ngài là bày tôi. Bày tôi đánh lại thiên tử, là việc đại nghịch bất đạo".
Những người xung quanh Vũ Vương nghe nói, đều vô cùng nổi giận. Có người rút kiếm toan giết. Thái Công Vọng thấy hai người chẳng qua là phường mọt sách, dặn tả hữu không được làm gì, chỉ kéo họ ra. Ai ngờ, cả hai vẫn không hiểu ra, rủ nhau lên núi Thú Dương (nay ở Tây Nam Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây) tuyệt thực đến chết.
Đại quân đánh Trụ của Chu Vũ Vương sĩ khí cao ngút, thế như chẻ tre, chẳng mấy chốc đã tới Mục Dã (nay ở Tây Nam huyện Kỳ, tỉnh Hà Nam), chỉ cách kinh thành Triều Ca bảy mươi dặm. Trụ nghe tin, vội thu thập chắp vá được bảy mươi vạn người ngựa, tự mình chỉ huy, đến Mục Dã nghênh chiến. Trụ nghĩ: "quân của Chu Vũ Vương có không tới năm vạn, sao chống lại bảy mươi vạn quân của mình". Nhưng số quân đó quá nửa là những nô lệ và tù binh bắt từ Đông Di về, được tổ chức vội vàng. Ngày thường, họ bị Trụ Vương áp bức và ngược đãi, đã căm giận Trụ từ lâu, không ai muốn bán rẻ sinh mạng cho Trụ. Trên chiến trường Mục Dã, khi quân Chu dũng mãnh tiến công, họ liền cùng nhau quay ngược ngọn giáo, cùng quân Chu đánh vào quân của Trụ Vương, bảy mươi vạn quân Thương trong phút chốc bị tan tành tơi tả tháo chạy. Thái Công Vọng chỉ huy quân Chu lập tức truy kích, đuổi tới tận kinh đô Triều Ca.
Trụ Vương chạy về Triều Ca, thấy tình thế không còn cứu vãn được nữa, ngay đêm đó, đã trốn vào Lộc Đài, phóng hỏa, tự sát trong biển lửa. Chu Vũ Vương diệt xong triều Thương, liền rời quốc đô từ Phong Kinh đến Hạo Kinh, xây dựng nên vương triều Chu. Để củng cố nền thống trị của triều Chu, từ đời Chu Vũ Vương, liền phân phong cho anh em họ hàng và công thần đi cai trị các vùng, xây dựng các nước chư hầu, như Thái Công Vọng được phong ở nước Tề, Chu Công Đán được phong ở nước Lỗ, Chiêu Công Thích được phong ở nước Yên. Theo truyền thuyết, từ đời Vũ Vương đến đời con là Thành Vương, đã phong tất cả hơn bảy mươi nước chư hầu.
Triều Thương tuy bị diệt vong, nhưng những quý tộc và chủ nô còn lại của nó vẫn còn thế lực nhất định trong xã hội. Để vỗ về những kẻ đó, Vũ Vương liền phong cho Vũ Canh, con của Trụ Vương làm Ân Hầu, lưu giữ Ân Đô, lại sai ba em của mình là Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc đến giúp Vũ Canh. Danh nghĩa là giúp đỡ,nhưng thực tế là giám sát, vì vậy, ba người trên được gọi là "tam giám".
Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1 Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1 - Khuyết Danh Truyện Lịch Sử Trung Quốc 5000 Năm Tập 1