There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Hoàng
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 996 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ể nhớ thuyền nhân cựu Trung Tá Nguyễn Văn Tăng
* Họa sĩ ETC Nguyễn Quang Trường, cùng những thuyền nhân trại Normol, Banthad, Panat Nikkhom, Thái Lan 10/88 - 6/90
* Ba tôi là người quyết định cho việc vượt biên, ông nói 13 năm học tập cải tạo trải dài qua những trại tù Nam Bắc...cùng 20 năm làm lính chiến đấu với Cộng Sản từng ngày, ông có đủ kinh nghiệm xương máu để phải ra đi. Ba tôi quyết định, có nghĩa là mọi việc đã xong, không cần bàn cãi, thật ra bên ngoài nhà tù ba tôi đang ở, chúng tôi cũng đang ở trong cái nhà tù hình chữ S mang tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Một buổi chiều Sài Gòn tháng mười vẫn còn nóng bức, ngột ngạt. chúng tôi giã từ những người thân yêu, bàn bạc thêm đôi điều với người dẫn đường vượt biển, và ra đi. Những chuyến đi xa đầy trắc trở, không có tiễn đưa, hoan hỉ, mà chỉ có cúi mặt buồn tủi, dấu giếm chuyện ra đi.
Bến xe đi Hồng Ngự ngày ấy nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, chúng tôi lên một chiếc xe "chạy dù" nhiều hơn xe trong bến. Người không hộ khẩu buôn bán không có giấy phép, v v...Được sống tự do đầy đủ hiểu theo nghĩa nào đó ở quê hương cũng chỉ là chui...
Chúng tôi ngồi trên chiếc xe khá cũ kỹ và chật trội, đầy người và hàng hóa. Điều này khá quen thuộc với mọi người, chung quanh tôi hầu hết hành khách là con buôn, và những kẻ chạy trốn. Những câu chuyện mà chúng tôi nghe được là những câu chuyện mưu sinh thoát hiểm từ những bạn hàng, họ thông báo cho nhau tin tức, mánh khoé mới nhất để qua sông, vượt trạm...Xe chạy qua một quãng đường. Tôi cảm giác như mất đi môt phần đất...Những Bình Chánh, Long An, Mỹ Tho...Những khuôn mặt người đêm nay tôi bắt gặp đã như là một bỏ lại vĩnh viễn. Biết làm sao hơn, làm người vào lúc này trên quê hương tôi không có nhiều điều để lựa chọn, tôi chọn "đi" may ra...
Xe chạy với tốc độ của chiếc xe đạp chạy nanhh bởi quá tải, những trạm gác liên tục trên một con đường, những món tiền, những gói thuốc lá được trao đổi lại sự dễ dãi, người tài xế không hề phạm lỗi vẫn phải chi trả. Mà chính ông ta cũng không hề kêu than...quen rồi..Vâng! tất cả đã quá quen thuộc trên đất nước này, những điều buồn cười nhất cũng đã xảy ra mỗi ngày. Bên tôi Ba tôi đang gật gà ngủ, những cái ổ gà trên đường đi không cho ba tôi ngủ say, người lại thức giấc, đốt thuốc lá, những vòng khói bay tản mác trong lòng xe đêm. Bên ngoài đã tối lắm, những con đường thiếu đèn chiếu sáng đã không cho tôi nhìn thấy nhiều hơn những vùng đất đã bỏ lại. Tôi nhớ đến vợ con tôi, những đứa trẻ đang lớn dần, đang ở tuổi cần sự chăm sóc hướng dẫn của tôi, thì tôi lại ra đi. tôi nhớ lại lời nói dối với con tôi " Bố chỉ về quê thăm nội vài ngày rồi bố trở về. Con phải ngoan nhé! " Tội nghiệp những đứa trẻ, tôi đã dạy chúng nói dối. Bên cạnh tôi ba vẫn còn thức, ông trừng mắt nhìn vào đêm và đốt thuốc, tôi hiểu không dễ dàng lắm để rời bỏ một quê hương mà ba tôi đã từng sống gần 60 năm. Từ một cậu bé rồi làm người lính, và nhiều năm tù đầy, một "quê hương khó" ở lại thì khó khăn, mà đi thì vẫn không nỡ...
Vẫn đêm, xe chạy chậm, rồi những trạm gác cũng bị bỏ lại, những vùng đất cũng vẫn đi qua, những con buôn chung quanh tôi đã ngủ say với những chuyến đi quen thuộc, xe dừng lại cũng ở một bến xe bất hợp pháp trên phần đất khô cháy ven sông người ta gọi là Hồng Ngự, đó là nơi tôi chưa hề đặt chân đến.
Không kịp nghỉ ngơi chốc lát, sau hơn tám giờ xe chạy, người dẫn đường lại dẫn chúng tôi chạy vào những ngôi làng ven sông tìm người chèo ghe để qua sông. Người dẫn đường là một người thành thạo nhiều năm trong nghề, bà ta thuộc lòng những ngõ ngách, những nơi chốn ở đây. Chúng tôi mau chóng tìm được một chiếc ghe nhỏ để qua sông, người tài công chiếc ghe nhỏ có gắn máy đuôi tôm cùng ba chúng tôi luồn lách qua những con sông rạch chạy băng trong đêm mịt mùng. Tiếng ghe máy quá lớn làm tôi lo sợ, tôi không hiểu tại sao những người đưa đường lén lút lại xử dụng phương tiện máy nổ. Nhưng khi đi qua một đoạn chúng tôi lại thấy rất nhiều ghe khác cũng chở rất nhiều người, họ chào hỏi nhau hối hả, thông tin cho nhau nghe những nơi cần tránh. Những chiếc đèn pin trong tay quét thành từng vùng sáng trên sông nước Hồng Ngự, đêm nay những chiếc ghe qwua lại vội vã vẫn không quên chào hỏi nhau thân tình, họ họp nhau thành một chợ đêm huyên náo.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng qua sông, con sông mà chúng tôi vừa vượt qua đã là con sông ở phần cuối của quê hương, tôi cảm nhận được những cơn gió lạnh của đêm về sáng. Đốt cho mình một điếu thuốc, vĩnh biệt quê nhà, chúng tôi đang ở phần đất đầu tiên của Cam Bốt, vẫn là một quốc gia Cộng Sản, là nơi mà chúng tôi sẽ chạy thêm lần nữa. Tôi không hiểu cảm giác của những người đã rời xa đất nước như thế nào, với tôi đó là một cảm giác kỳ diệu khi vừa biết mình rời khỏi biên giới tổ quốc, bâng khuâng vô tả. Nhìn lại, vẫn đêm chưa sáng, mà thôi, tôi đã chọn lựa "đi" cơ mà!
Vừa qua sông, chúng tôi lại vất vả nhiều giờ liền đi bộ, ở nơi đó không hề có một phương tiện nào để di chuyển. Những vùng đất biên giới thường giống nhau, khô cằn, ít sức sống và nghèo nàn. Lầm lũi đi, những nơi chốn đã không còn thích thú để ghi nhận là quê hương. Hết đi bộ rồi lại đi xe, rồi đi bộ. Trời đã sáng hẳn, chúng tôi đã mất nhiều giờ cho cuộc vượt thoát mà vẫn chưa đi đến đâu. Rồi thì chúng tôi lên một chiếc tầu lớn, một loại phà như Phà Bắc Mỹ Thuận ở quê nhà, lại qua sông, những hành khách trên tầu cũng như những hành khách mà chúng tôi đã từng gặp trên quê hương. Họ cũng đều là những người tự nguyện làm người bất hợp pháp. Tôi vẫn tự hỏi nếu không có họ, có lẽ ngành giao thông vận tải nước tôi, nước bạn sẽ tê liệt, chết cứng. Đời nhiễu nhường ai mà nghĩ đến chuyện du lịch, thăm viếng nhau mà làm gì? Vài giờ qua sông, qua vài trạm gác nữa chúng tôi xuống tầu và đi xe ôm vào Nam Vang. Cuộc hành trình đã đi qua phân nửa.
Chúng tôi có vài ngày nghỉ ngơi, dò hỏi, chuẩn bị thêm vài thứ. Thời gian ở Nam Vang khá lâu, mất gần nửa tháng. Người dẫn đường phải liên lạc với tài công và thu xếp nhiều thứ trước khi đưa chúng tôi đi xa. Trong thời gian này chúng tôi đi lại khá thoải mái ở Nam Vang. Phải nói Nam Vang là một thành phố lộn xộn và vô trật tự. Nhiều rác và đĩ điếm...Chúng tôi đến các quán hủ tiếu Nam Vang để ăn những tô hủ tiếu Nam Vang chính gốc với những chén đường cát, chén bột ngọt la liệt trên bàn ăn, và tôi hiểu rằng những tô hủ tiếu Nam Vang không còn chính hiệu, đã tệ hơn trăm ngàn lần những tô hủ tiếu ở Sài Gòn quê tôi. Tôi đã đi thăm đền Vua, một vài danh lam thắng cảnh trong thành phố này, đây đó những kiến trúc hình tháp nhọn, cong vút, như là những biểu tượng độc đáo của dân chùa tháp, điều này làm chúng tôi cảm phục nét văn hóa của xứ xở này, nhưng qua chung sống, tiếp xúc với nhiều người trong thời gian ở đây, tôi nhận ra một điều người dân Cam Bốt quá thật thà, dễ mê tín, họ cam chịu bị trị hơn là được trị, và sự cuồng tín có thể dễ dàng dẫn đến sự diệt vong. Người dân Cam Bốt là một viên ngọc quí mà người ngoại quốc là những thợ mài giũa và tạo hình, họ là cục bột mà người láng giềng anh em muốn làm nên loại bánh nào tùy ý, và ở Nam Vang người ta có thể mua mọi thứ với đồng tiền...
Sau nửa tháng ở Nam Vang, chúng tôi di chuyển lần nữa đến một vùng biển khác ở cuối Cam Bốt. Ở đây có bến cảng mang tên nhà Vua còn dược thần dân mến mộ là Shianook, đó là cảng Kongponsom. Lúc đến đây mọi người không còn được tự do đi lại nữa, chúng tôi bị giam lỏng trong một ngôi nhà dân. Lúc này ai ai cũng mệt mỏi, sợ hãi tăng lên và hoang mang, lo lắng, càng gần hơn đích đến. Nỗi căng thẳng càng tăng dần lên. Ba tôi hốc hác thấy rõ, người hay thở dài dè dặt, ít nói hơn, tôi cũng chẳng khá hơn. Lo lắng, dù là nỗi lo không giải quyết được. Chúng tôi bàn bạc nhiều hơn về những khả năng phòng thủ những tình huống xấu nhất có thể đến, chúng tôi cũng dự đoán cho những tương lai rạng rỡ ngày mai, hy vọng thật ít cũng loé lên trong những ngày tuyệt vọng này. Tôi cũng thường cầu nguyện Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng cảm nhận ra rằng khi yên vui, hạnh phúc, tôi ít nghĩ đến Ngài. Đêm chúng tôi thường ít ngủ, một tiếng động nhỏ, tiếng chó sủa cũng là một nỗi lo bất trắc. Trong lòng chúng tôi nỗi hồi hộp theo từng giờ phút. Những đêm sâu ba tôi thích hút thuốc và suy nghĩ, mắt người thường bất động nhìn trừng vào đêm, cả một quãng đời đã qua có lẽ tái hiện ra, những ngày tháng gian nan trong quân ngũ vẫn là thời gian ba tôi trân quí nhất, quân đội chiến hữu với ông là cả một gia tài. Ông sinh ra để làm lính, ngoài lính ra ông không hề có một nghiệp nào khác, sẽ làm gì trong tương lai trong tuổi xế chiều trên một quê hương xa lạ. Đó vẫn là nỗi ưu tư không rời trong suy nghĩ của ba tôi.
Lại một buổi sáng cũng lén lút, ẩn nấp như những buổi sáng đã qua, chúng tôi xuống môt, chiếc ghe câu có chiếc máy đuối tôm như chiếc ghe mà tôi đã rời bỏ Hồng Ngự. Chiếc ghe có chiều dài 3m, bề ngang 1m. Một chiếc máy nổ đã cũ kỹ, một vài can nước, một vài gói mì ăn liền. Chúng tôi vượt biển. tôi và ba tôi nằm dưới lòng thuyền, trên đầu che một tấm bạt loại Poncho, che kín bên ngoài. Người ta chỉ nhận thấy một chiếc ghe chài đang thong thả buông lưới và chạy chầm chậm. Ghe chạy được một, hai giờ ra biển mênh mông, không có ghe tầu qua lại. Chúng tôi được ngoi đầu lên để hít thở, trò chuyện, đó là những thời khắc hiếm hoi và vô cùng sung sướng đối với chúng tôi, bởi vì ba tôi và tôi đều là những người cao trên 1m75 mà phải bó gối trong khoang thuyền có bề ngang 1m thì quả là bị biệt giam. Chúng tôi nhìn bầu trời, hít thở, hút thuốc lá và trò chuyện, nhưng rồi một chiếc ghe khác chạy qua, những chiếc ghe tuần tiễu, chúng tôi lại ém kỹ ở trong khoang thuyền.
..Chiếc ghe chạy trốn với tốc độ chậm, biển êm ả, bỗng nhiên mây đen kéo tới, rồi mưa xối xả, mưa như hận thù trút nước lên đầu những thuyền nhân tội nghiệp. Bên trong khoang thuyền người tài công vẫn vững tay lái, anh không hề có chọn lựa để quay về, chúng tôi đã cách bờ quá xa, cũng không có một nơi an toàn để ẩn núp. Mưa lớn hơn, biển động mạnh hơn. Chúng tôi mở tấm poncho trùm mặt ra để mưa xối xả lên mặt, lên người, mưa lớn làm biển xanh đẹp bỗng đen ngòm đến rợn người. Thuyền lắc lư, chao đảo, chúng tôi bị xô ngã nhiều phía theo nhịp lắc lư của con thuyền với những cơn ói mửa, ói đến không còn một thứ gì trong cơ thể. Những viên thuốc say sóng đã không còn hiệu lực, bởi có lẽ những người bào chế thuốc say sóng chưa từng là người vượt biển Việt Nam. Tôi nhắm mắt lại, cái chết như đến gần hơn, sự mệt mỏi cơ thể khiến tôi như không thể di chuyển theo ý muốn được nữa. Con thuyền như người say rượu. Ba tôi trợn mắt ra, đôi mắt lạc thần, tôi bỗng sợ điều không may...
Người tài công vẫn nhìn về phía trước, anh chỉ có một con đường cùng phía chúng tôi, anh không phải là người vượt biển tìm tự do, anh vượt biển vì tiền, và anh sẽ trở về lại khi chúng tôi đến nơi an toàn, anh ta còn quá trẻ, sự liều lĩnh chính là cái vốn để anh ta đi buôn, khi mà anh ta không hề có thêm một thứ của cải nào nữa. Biển vẫn động, thỉnh thoảng những đàn cá lớn bắn mình lên khỏi mặt nước lại làm chúng tôi thêm lo sợ, xa xa không một bóng chiếc thuyền nào, bến bờ mù mịt không thấy đâu. Nỗi lo sợ tăng lên lên từng phút. Đêm sâu mưa lớn, chúng tôi mệt lả rồi thiếp đi...Biển êm lại lúc nào tôi không biết, khi tỉnh dậy ba tôi đang hút thuốc, những vì sao trên bầu trời lại loé lên niềm hy vọng mới. Đêm vẫn âm u, chiếc ghe một mình chầm chậm trôi vào đêm. Lúc này tôi nghĩ đến hai chữ tự do, tôi nghĩ đến những năm tù đầy của Ba tôi, tôi nghĩ đến những người đã và đang mỗi một ngày tranh đấu cho tự do của con người. Tôi hiểu rằng tôi phải sống, tôi hiểu hơn cái giá phải trả cho hai tiếng tự do. Cuối cùng thì chiếc ghe đã chạm vào bờ cạn nước. Gần 24 giờ đồng hồ chiếc ghe chở tôi đến một bờ biển khác của Thái Lan.
Chúng tôi sung sướng bật khóc. Tự Do rồi ư? Chiếc ghe đã chênh vênh trên biển, trong bão, ra khỏi bão, chiếc ghe đã không thể vỡ tan được, nên chiềc ghe phải cập bến an toàn. Ba tôi và tôi xiết chặt tay người tài công tỏ dấu cảm ơn. Chúng tôi không có cùng ngôn ngữ nên không thể trò chuyện được. Tuy nhiên có những tín hiệu mà con người trao cho nhau không có rào cản ngôn ngữ. Đó là khi mà tấm lòng đã trào ra, nước mắt đã chảy xuống, mím môi, gật đầu...Tôi muốn nói cám ơn người tài công thật nhiều nhưng không nói được. Tôi cảm phục anh ta biết bao, anh ta là người đã đưa tôi một chặng đường cho một bắt đầu khác. Ôi! cái nghề nguy hiểm của những người tài công thầm lặng như anh đã làm mới đi bao nhiêu cuộc đời, hạnh phúc thêm cho bao nhiêu người đi tìm tự do. Chia tay nhau, không cần lắm lời trao đổi, chúng tôi trao cho anh những vật còn giá trị mang theo, cùng những đồng tiền còn sót lại, những món vật đó sẽ là tiền trả công cho anh khi anh bình an trở về...
Tôi dự định đi sâu vào một ngôi làng chài ven biển, nhưng Ba tôi ngăn lại, ông nói nên đợi trời sáng. Lúc ấy là một ngày cuối tháng 10 năm 1988, chúng tôi nằm vật ra trên bãi biển, mặc dù đêm trên bờ biển thật nhiều muỗi nhưng chúng tôi mệt lả và ngủ vùi mau chóng. Ba tôi là người thức sớm ở một ngày mới trên phần đất tự do. Chúng tôi mỉn cười hân hoan, mệt mỏi tan biến, và dự định di chuyển. Lạy Chúa! Chung quanh chúng tôi là một bãi mìn, nếu đêm hôm qua ba tôi không ngăn cản thì có lẽ...Kinh nghiệm chiến trường của ba tôi trong quá khứ đã xử dụng được việc. Đêm đến, chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng nổ, rồi vài người lính mặc đồ rằn ri chạy đến, họ dẫn chúng tôi vào một đồn lính che chắn tạm bợ. Họ có vẻ giống những tên cướp bóc hơn. Chúng tôi bị trấn lột hết những quần áo mang theo và một ít vàng bạc. Sau đó họ chỉ cho chúng tôi đi về một hướng khác ( về sau này tôi được biết học là lính Para hay Khmer Đỏ gì đó...họ lưu ngụ trên phần đất Thái và hành động tự tiện như thổ phỉ )
Đi một đoạn đường ngắn, chúng tôi bị chặn lại bởi một đồn biên phòng Thái Lan. Họ là những người lính biên phòng. Họ bịt mặt chúng tôi xét hỏi, lục soát, sau vài giờ thẩm vấn, chúng tôi chứng minh được không phải là bộ đội cụ Hồ, họ mới đối xử với chúng tôi tốt hơn, cho thức ăn và thuốc lá, cho xe chở đến một trại tạm giữ khác có tên gọi là Normol. Vừa đến trại, chúng tôi bị lục xét lần nữa. Những tên lính Thái ở đây hung dữ, tàn bạo, tôi bị đánh đập tàn nhẫn khi vừa gặp mặt. Tôi không hiểu mình có tội gì, tôi lại không phải là kẻ thù của họ, món quà gặp mặt đầu tiên trên xứ sở tự do quả là thiếu công bằng với tôi, với những người Việt tị nạn đang bị giam giữ ở đó. Từ lúc đó, tôi hiểu thêm một điều là người ta có thể hành hạ nhau mà không cần là kẻ thù của nhau. Chúng lục xét và lấy thêm những gì còn lại của chúng tôi được coi là tốt nhất. Chúng tôi không quan tâm lắm những gì đã mất, quá nhiều thứ chúng ta đã mất, thêm một ít có sao đâu...
Khi chúng tôi đến trại Normol đã có khoảng hơn 40 người đàn ông đang bị giam giữ ở đó. Họ lại là đàn ông, đàn bà, trẻ con, có một vài người lớn tuổi. Họ im lặng nhìn nhau, chịu đựng nỗi gian khổ từng giờ. Trại Normol lúc đó là một địa ngục trần gian cho những người kém may mắn cư ngụ. Những cái tên hung thần cai trị như anh Bao Thơ, anh Ba Một, anh Đon...những dòng chữ vội vàng ghi lại của những người đã đến trước, họ viết lại bằng than, bằng máu của họ trên những bờ tường. Tôi hiểu những ngày địa ngục đã bắt đầu. Mỗi ngày chúng tôi, nhũng người trai trẻ phải vào rừng đốn củi mang về cho chúng. Đàn bà, người già ở lại làm vệ sinh chung quanh trại và nấu ăn. Những thức ăn của Cao Ủy Tị Nạn mang đến cho chúng tôi gồm gà cá, chúng tôi chỉ được ăn đầu gà, những phần ngon nhất là phần của những tên lính Thái.
Đánh đập hành hạ người tị nạn là chuyện xảy ra mỗi ngày. Mỗi đêm vào lúc cao hứng anh Bao Thơ tập họp anh em lại và bắt hút cần sa, nửa đêm đang ngủ say, chúng dựng mọi người dậy và bắt nấu chè cho chúng ăn...Chúng là những con thú đội lốt người tàn bạo, mất nhân tính, hút cần sa, ma túy nên hành động của chúng quái ác và hung hãn vô chừng. Tôi đã từng thấy chúng bắt một anh vào phòng chúng. Bắt anh ta há miệng ra để cho chúng nhổ vào miệng. Chúng bắt những thanh niên trẻ vừa hít đất vừa la lên " Việt Nam ngu ". Chúng bắt họ nằm xuống hồ rau muống để cho đỉa hút máu. Tội nghiệp nhất vẫn là các cô gái xinh đẹp, chúng muốn ai làm gì thì phải phục tùng. Những ngày địa ngục dai dẳng, ngày lại ngày vẫn có nhiều người Việt tị nạn đến trại và chúng bắt làm công cụ cho chúng. Thù hận ngút ngàn, người Việt vốn thâm trầm và biết nhìn xa, nhẫn nhục nên không xảy ra sự phản kháng nào.
Trong những ngày tháng này tôi quen với môt tên bạn trẻ, hắn là họa sĩ, hắn thích vẽ tất cả những gì hắn thấy ở chung quanh, hắn vẽ cả nỗi phẫn nộ lên giấy. Hắn có cái tên đầy đủ Nguyễn Quang Trường, dễ thương, can đảm tuy hơi nhỏ con. Hắn được những tên lính Thái khoái bởi cái tài vẽ của hắn, lắm khi hắn vẽ cả những tranh dâm ô theo yêu cầu của bọn lính Thái. Hắn cũng vẽ cả hình quốc vương Thái Lan trên một tấm tôn xi măng nhân ngày sinh nhật vua Thái. Nhờ ân sủng đặc biệt này, hắn giúp đỡ khá nhiều người trong trại lúc đó, kể cả tôi. Chúng tôi dễ dàng thân nhau vì có nhiều điểm chung là yêu thích văn học nghệ thuật. Những ngày khó khăn trôi qua để sống dễ hơn khi bạn có những người bạn thân cùng chia lửa...
Mỗi ngày vẫn có thêm người tới nhập trại làm cái bia cho bọn lính Thái hành hạ. Ba tôi có lần nói:" Chúng nó có sức mạnh bây giờ nhưng chúng ta không ở đây mãi, sẽ có lúc..." Thằng bạn trẻ họa sĩ âm thầm vẽ nhiều hơn những điều chướng tai gai mắt xảy ra, kể cả những nơi chốn chính xác, hắn ghi chép cẩn thận chuyện gì, ở đâu...Thủa ấy tôi vẫn không hiểu hắn làm cái quái gì với những bức vẽ đó...Tôi cũng có anh bạn thân vốn là một sĩ quan tình báo VNCH trước 1975, anh vốn là kẻ ít nói, chừng mực, vậy mà có lúc anh phải thốt lên "tao sẽ trở về giải phóng Thái Lan trước khi giải phóng Việt Nam!" Sự nhẫn nhục nào cũng có giới hạn.
Rồi ngày vui cuối cùng cũng phải đến, nỗi chịu đựng phải được đền bù, trại Normol lúc ấy đã gần 70 người đến theo nhiều đợt cách nhau một vài ngày, người ở lâu nhất là 45 ngày, người ít nhất cũng 15, 20 ngày. Chúng tôi được Cao Ủy Tị Nạn đưa đến một trại tị nạn khác. Sau 5, 6 tiếng xe chạy chúng tôi đến trại tị nạn mới mang tên Banthad. Ở đây mọi thứ có vẻ qui củ hơn, chúng tôi được cấp phát vận dụng để làm nhà, cấp phát lương thực, đồ dùng cần thiết để ổn định cuộc sống chờ ngày định cư.
Trại Bathad vào cuối năm 1988 đã khá hoàn chỉnh, có bệnh xá, có bác sĩ, có bưu điện, có nhà thờ, chùa chiền, và càc trung tâm dạy sinh ngữ. Có chợ búa mua sắm khá rộn rịp, những ngôi nhà tranh, tre sắp hàng thằng tắp thành từng lô, từng khu, có cộng đồng, có ban đại diện, có văn phòng cao ủy...Cuộc sống của chúng tôi đã được đền bù, không còn cảnh bị hành hạ ngược đãi...Chúng tôi yên tâm vui sống, học hành sinh hoạt và chờ đợi. Ba tôi gặp lại những chiến hữu cũ, những người lính năm xưa lại đứng ra gánh vác chuyện cộng đồng, khu xóm. Những người lính cũ gặp lại nhau ồn ào ôn lại quá khứ. Họ lập những hội đoàn, giữ gìn an ninh trật tự cho mọi người. Họ lại là những người lính như năm xưa canh giữ quê nhà lần nữa.
Trại Banthad vào thời điểm đó người ta sống chờ đợi và hy vọng định cư, chúng tôi mau chóng hội nhập xã hội tị nạn mới, học sinh ngữ, hội họp sinh hoạt và thành lập một nhóm gồm những người yêu thích văn học nghệ thuật, nhóm mang tên "Hương Việt ", gồm những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...chuyên và không chuyên có chung một ngọn lửa tâm huyết, một thân phận tha hương...Chúng tôi sáng tác đều đặn, làm những tờ báo nhỏ trong trại, những tập thơ, tập nhạc...Đó là những điều bổ ích giúp chúng tôi vui sống và chờ đợi.
Thời gian này ba tôi làm việc ở cộng đồng trại, ông quen biết một vài nhân viên Cao Ủy Tị Nạn và nghĩ đến việc khởi tố những tên lính Thái Lan ở trại Normol. Sự việc khá thuận lợi với sự ủng hộ của những nhân viên cao ủy. Các tranh vẽ, ghi chép của anh bạn Nguyễn Quang Trường đã trở thành vật chứng, tôi là người thảo đơn kiện, nhân chứng là những đồng bào tị nạn Việt Nam.
Đến một ngày giữa tháng 6 năm 1990, gần hai năm sau ngày vượt biển, qua bao nhiêu khó khăn thử thách, đến lượt tôi ra đi, bạn bè đến từ giã khá nhiều, buồn vui lẫn lộn, ở thì khổ mà ra đi vẫn không nỡ. Tên họa sĩ bạn tôi ở lại, hắn già đi, tóc tai rũ rượi, những cuộc tình hư hao qua những trại tị nạn khiến gương mặt hắn méo xệch đi...Hắn vẫn còn ở lại trại Panat, bởi vụ kiện đã đi vào hồi kết thúc, người ta cần hắn như một nhân chứng chủ yếu. Hắn nói với tôi rằng "Ông ráng sống cho ra trò nhé!" Sống làm sao cho ra trò đây Nguyễn Quang Trường...?
Những người lính năm xưa đến đưa tiễn ba tôi khá nhiều, bao giờ cũng ồn ào tâm sự, cũng niên trưởng, cũng chiến hữu, cũng cấp bậc gọi thưa, tôi không hiểu kỷ luật nào đã giữ lại điều đó mãi trong lòng họ, cuộc chiến đã kết thúc lâu lắm rồi mà?
Từ giã Panat, xe chạy đến phi trường Bangkok đưa tôi đi qua những khu đô thị trù phú của Thái Lan, những xa lộ chồng chất ở trên cao, tôi chợt nhận ra là Bangkok đã bỏ xa Sài Gòn...quá xa rồi...! Rồi Seoul Đại Hàn, mỗi nơi chốn đi qua đều đã lại một nỗi xấu hổ về quê nhà. Quê người văn minh hiện đại quá! Con người họ đối sử với nhau tốt đẹp lại lịch thiệp hơn quê nhà mình. Rồi đến phi trường Los Angeles, tôi như một thằng nhà quê lần đầu ra tỉnh, chóa mắt bởi hào nhoáng quê người, tôi cúi mặt, cái vòng tròn tị nạn đã khép kín, từ quê nhà đến quê người tôi đã mất gần hai năm.
Đến Mỹ không bao lâu, tôi nhận được tin vui từ thằng bạn họa sĩ còn ở lại Panat, hắn đã cho tôi biết vụ kiện đã kết thúc. Một bản án nhiều năm tù đã chia đều cho những tên lính Thái.
Tôi bật khóc vì sung sướng, tôi không quan tâm đến bản án, nhưng quan trọng hơn cả là công lý đã được thực thi một cách công bằng với người tị nạn Việt nam...Ngày ấy tôi nhắm mắt lại, trong tâm tưởng tôi mơ thấy một đài tưởng niệm thuyền nhân, to lớn, sừng sững. Tôi đã là người may mắn, đã đi và đến, nhưng còn biết bao nhiêu đồng bào thuyền nhân quê tôi đã đi mà không bao giờ đến, họ chết trên hoang đảo, giữa biển sâu, trong rừng vắng... Họ là những nhân chứng nghiệt ngã cho đất nước trong một thời kỳ đen tối nhất, không ai có thể thống kê đầy đủ về họ, có lẽ chúng ta là những thuyền nhân may mắn hơn nên làm môt tượng đài cho họ.
Ở Mỹ tự do, dân chủ trong một cuộc sống mới, cuộc đời tôi bước qua một chương khác không kém bi thương, tha phương, hội nhập không dễ dàng gì với tôi, với bạn... Nhưng có làm sao đâu, chúng ta đã từng sống cùng khó khăn, học từ đó những bài học kinh nghiệm và tôi tin không còn khó khăn nào có thể làm khó được những người tị nạn Việt Nam. Ngày nay, có dịp đi qua những thành phố lớn trên thế giới, nhìn thấy những thành công của những người tị nạn năm xưa tôi không hề ngạc nhiên, họ xứng đáng được nhận nhiều hơn những điều như vậy. Âu cũng là lẽ bù trừ vậy! Chúng ta đã mất khá nhiều nhưng chúng ta đã làm được không ít, ngày nay thuyền nhân đã là cái vốn lớn về tri thức của cải...
Mười lăm năm qua câu chuyện dường như đã trở thành cổ tích...Tôi viết lại những kỷ niệm của riêng tôi để chia xẻ cùng bạn đọc, mong rằng chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu đó với những kỷ niệm còn vương trong các trại tị nạn, trên biển, trong dòng đời lưu lạc quê người. Chúng ta đã là thuyền nhân của ngày hôm qua, nhưng chính chúng ta đã bắt được một nhịp cầu cho ngày mai, cho những thế hệ nối tiếp không còn làm...thuyền nhân
* Xin bạn đọc thứ lỗi cho các sai sót về những địa danh trong chuyện kể, bởi vì người viết ghi lại theo tên gọi, có thể khác biệt với phiên âm.
:::Nguyễn Hoàng:::
*Họ tên: Christopher Nguyễn
* Bút hiệu thường dùng: Nguyễn Hoàng
* Tuổi: Qua 40 một chút.
* Trình độ văn hóa: Đại học (Việt, USD)
* Công việc hiện tại: Chủ nhân cơ sở thương mại ở Salibury, MD. Vượt biển năm 1988 đến Thái Lan. Thành lập nhóm văn bút Hương Việt ở trại tị nạn Thái Lan (Panatnikhom và Banthad) từ năm 88 đến 90.
* Đã xuất bản: Hương Việt 1, Hương Việt 2.
* Tuyển tập thơ "Phượng"
* Tuyển tập truyện ngắn:" Ngày Mai" (1988-1990 trong trại tị nạn)
* Cộng tác với báo Đường Sống (từ 1989- 1992) từ trại tị nạn đến khi báo đình bản.
Thành lập nhóm Âu Lạc (1991-1992 tại Orange Country CA) In "Tuyển tập Âu Lạc 1" năm 1992
* Viết cho Hoa Lư (Houston), Đại Việt (Fall Church từ năm 1997 đến 2000) Hiện đang sống ở thành phố Salisbory, tiểu bang Maryland.
**Viết lách như một sự gởi gắm, làm cân bằng cuộc sống vốn không như ý lắm.
Truyện Cổ Tích Viết Lại Truyện Cổ Tích Viết Lại - Nguyễn Hoàng