Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: An Cương
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Phạm Kiều Anh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 6
Cập nhật: 2021-07-20 19:13:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
TRƯỚC LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG*
(*)Trích trong ‘’Người nô bộc của vua Quang Trung’’ của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tiêu đề do chúng tôi đặt.
_An Cương_
[…]Giữa lúc đó, trong lăng của hoàng đế Quang Trung, Thái hậu Ngọc Hân cùng hoàng tử Quang Đức và công chúa Ngọc Bảo đã đứng bên người lão bộc thân tín, chờ đợi lúc lên đường. Bóng của họ nhòa trong bóng đêm mờ mờ, bên các lùm cây đen sẫm. Phía ngoài, cánh cổng lăng nặng nề mở hé một bên, kín đáo chờ đón những bầy tôi thân tín của vị hoàng đế lừng danh đã mất.
Thái hậu Ngọc Hân quấn lại chiếc khăn trùm đầu cho Ngọc Bảo, nói khẽ với ông già:
-Không hiểu sao thị nữ lại lén trốn đi như vậy. Ta cũng đã định sẽ cho nó về nhà với cha nó, nhưng còn muốn đợi đến lúc lão tới đón, mới cho nó biết… Từ chiều đến giờ, ta đã mấy lần định đi tìm lão, để cùng bàn tính xem sao, nhưng lại e giữa ban ngày ban mặt, đi lại không tiện…
Từ lúc tới chùa đón mẹ con Ngọc Hân đến lăng Quang Trung, không thấy cung nữ đâu, ông già cũng đã giật mình hốt hoảng, và cũng thấy chung một mối lo ngại như vậy. Nhưng không còn biết xử trí thế nào, lão bộc đành lựa lời nói cho Ngọc Hân yên lòng:
-Chắc là nó nhớ nhà nên trốn đi đấy thôi…
Ngọc Hân cũng nói:
-Ta cũng nghĩ như vậy! Tuy nhà nó có bị Cảnh Thịnh ức hiếp thật đấy, nhưng ta đã hết lòng che chở cho nó, đối đãi với nó như người thân tình ruột thịt. Cha nó nghe đâu cũng đã trốn được khỏi ngục. Chẳng lẽ như vậy mà nó còn phản ta?
Yên lặng một lát, Ngọc Hân lại khẽ hỏi ông già:
-Quái, đã đến giờ chưa nhỉ? Sao Phan Huy Vân và Lê Thành mãi vẫn chưa tới?
Ông già trả lời, giọng chắc chắn:
-Xin thái hậu cứ yên lòng. Giờ đã sắp sang canh ba. Quan Đại học sĩ và Lê Thành chắc cũng sắp tới bây giờ đó!
Như để đáp lại ông già, mấy tiếng gà eo óc cất lên, rồi từ mạn kinh thành Phú Xuân hồi trống điểm canh văng vẳng vọng lại, Ngọc Hân liền quay về phía các con:
-Quang Đức, Ngọc Bảo! Hai con làm lễ cáo biệt phụ vương đi. Ta sửa soạn lên đường thôi!
Công chúa Ngọc Bảo ngước mắt ngây thơ nhìn mẹ, rồi chầm chậm bước ra ngôi mộ vua cha, quỳ xuống. Hoàng tử Quang Đức bước nhanh theo chị, mạnh bạo đi vượt lên, tới sát trước bệ đá. Không để ý đến mẹ và lão bộc đang mở to mắt ngạc nhiên nhìn theo, Quang đức thò tay vào trong ngực áo, rút nhanh con dao bằng gỗ xù xì - công lao cả một ngày lén mọi người hì hục đẽo gọt - đặt lên mộ. Xong đâu đấy, Quang Đức lùi lại, quỳ xuống bên cạnh chị. Ngọc Hân đưa mắt nhìn lão bộc, nét mặt bừng lên một vẻ âu yếm và kiêu hãnh. Thái hậu nhẹ nhàng quỳ xuống bên các con. Lão bộc cũng chớp chớp mắt, đoạn vội vàng thắp mấy nén hương, cắm vào hai chiếc lư đồng, rồi kính cẩn quỳ xuống ở phía sau.
Khói thơm quấn quýt bay nhè nhẹ. Trong đêm tối, bên những luống huệ thẳng tắp, những chấm hương đỏ lừ, soi sáng lờ mờ mấy bóng người đang kính cẩn quỳ lễ. Ngọc Hân rưng rưng nước mắt, nói thì thầm:
-Bệ hạ có khôn thiêng, xin hãy về phù hộ cho mẹ con thiếp đêm nay lên đường được bình yên. Ra Bắc gây dựng lại được cơ đồ, đuổi xong bọn giặc Nguyễn kia, lúc ấy thiếp sẽ xin về đây sống vĩnh viễn bên bệ hạ…
Lửa hương bỗng bốc ngọn, sáng bừng lên một loáng. Mắt Ngọc Hân nhòa hẳn đi. Lòng dào dạt tin yêu, Ngọc Hân như đã nhìn thấy cảnh tượng nay mai Phú Xuân rợp bóng cờ, tưng bừng đón đạo quân chiến thắng quay về thu phục kinh thành. Lúc ấy, Ngọc Hân sẽ…
Đột nhiên, bên ngoài lăng, hàng trăm ngọn đuốc bùng lên, sáng rực và tiếng ngựa hí, quân reo rầm trời, cắt đứt những điều đang mơ ước của Ngọc Hân. Cả mấy người cùng hốt hoảng chồm dậy. Ngọc Hân ôm choàng lấy hoàng tử và công chúa vào lòng. Còn ông già thì chạy xổ ra phía cổng lăng.
Trước cổng lăng, một đạo quân đang ầm ầm xốc tới, dẫn đầu là Nguyễn Ánh và cố đạo A-lếch-xăng, ngất ngưởng trên mình ngựa. Mấy tên lính tiền vệ háo hức lập công đã hăm hở lách mình qua ngách cổng lăng mở hé.
Ông già vụt hiểu rõ tình thế. Không nghĩ ngợi một giây, ông rút thanh đoản kiếm giắt trong người, lao vụt ngay tới. Thanh kiếm lợi hại phóng thẳng về phía trước, lia bên trái, phạt bên phải, đâm gục ngay lập tức mấy tên lính dại dột. Nhanh như cắt, ông già giắt vội thanh kiếm vào thắt lưng, nghiến răng kéo mạnh cánh cổng nặng, đóng sập lại, hạ chốt, cài then hết sức mau lẹ. Bên ngoài liền có tiếng phá cổng ầm ầm. Tiếng Nguyễn Ánh vọng vào:
-Bắt lấy chúng, không được để đứa nào chạy thoát nghe!
Ông già hộc tốc chạy như biến về chỗ mẹ con Ngọc Hân đang ôm nhau, lo lắng. Vừa thở hổn hển, ông già vừa nói nhanh:
-Nguy rồi, ta bị nội phản mất rồi! Quân giặc kéo tới đông lắm. Xin Thái hậu theo thần mau!
Nói đoạn, ông già liền ôm xốc lấy hoàng tử Quang Đức và công chúa Ngọc Bảo lên tay, quay người lao về phía lăng. Ngọc Hân vội vã chạy theo. Vừa lách mình qua những hàng cây rậm rạp, ông già vừa nói với Ngọc Hân:
-Thần sẽ đưa Thái hậu cùng hoàng tử và công chúa thoát ra đằng cổng sau này, rồi tìm đường ra thẳng bờ sông, sau phủ Đại đô đốc. Ở đó đã có thuyền đợi sẵn…
Một chiếc cổng con xây khéo, ăn lẩn vào tường, cây cỏ phủ kín bên ngoài, đã đợi sẵn mấy người ở đó. Ông già đặt Quang Đức và Ngọc Bảo xuống đất, rút chìa khóa trong người, vừa mở cổng, vừa nói vội:
-Cánh cổng này chỉ có thần với Phan đại học sĩ Lê Thành, cùng mấy người thân cận của tiên đế biết mà thôi…
Cánh cổng rít lên, hé mở. Mấy người vừa toan lách ra thì bỗng dưng sững ngay lại. Ông già mù Đại học sĩ Phan Huy Vân cùng đứa con nhỏ, đã đứng yên lặng đợi sẵn bên cửa từ lúc nào rồi. Chiếc bóng cao lớn của viên phó tướng của Trần Quang Diệu cũng đã đứng vững vàng liền ngay đó, bên cạnh hai con ngựa chiến đang gõ móng thở phì phì. Nghe tiếng mở cửa, Phan Huy Vân mừng rỡ nói:
-Thần biết là trong lúc nguy cấp này, lão bộc thế nào cũng nhớ tới cái cửa kín này, nên tới đợi ở đây. Qủa nhiên đúng như vậy!
Người lão bộc gặp được Phan Huy Vân, cảm thấy nhẹ hẳn người, nhưng vẫn băn khoăn hỏi:
-Quái, sao đô đốc Thành không thấy tới? Chẳng lẽ lại bị chúng bắt mất rồi à? Hay là - lão bộc dằn giọng, răng nghiến vào nhau kèn kẹt - nó đã dám phản cả ta? Mà nó cũng biết là lăng tiên đế có cánh cổng xây kín này…
Nhưng Phan Huy Vân đã nhẹ nhàng cất tiếng giục:
-Xin Thái hậu cùng hoàng tử và công chúa lên đường ngay cho! Tình thế gấp lắm rồi!
Lão bộc vụt nhớ ngay đến nhiệm vụ. Lão vội vã tháo nhanh chiếc nhẫn của Lê Thành trao cho Phan Huy Vân:
-Không có Lê Thành, xin quan Đại học sĩ lo giúp cho việc đưa Thái hậu và hoàng tử, công chúa lên đường. Ra tới bến sông, xin cứ giơ chiếc nhẫn này cho đội nhất Nguyễn Di Hưng thấy. Hắn sẽ phải làm đúng theo ý muốn của quan Đại học sĩ. Còn tướng quân thì… - Lão bộc quay sang phía viên phó tướng của Trần Quang Diệu - sau khi giúp quan Đại học sĩ hộ giá Thái hậu và hoàng tử, công chúa xuống thuyền yên ổn, hãy lên đường về Quy Nhơn…
Miệng nói tay làm, ông già bế thốc ngay Quang Đức và Ngọc Bảo đặt lên yên một con ngựa, rồi dắt Ngọc Hân lại gần con ngựa thứ hai, đỡ cho trèo lên. Viên phó tướng của Trần Quang Diệu và Phan Huy Vân vội nắm lấy cương hai con ngựa, vừa toan dắt đi, thì Ngọc Hân đã quay người nói với lại:
-Lão bộc, lão cùng đi với chúng ta chứ?
Ông già vội vòng tay vái, giọng nghẹn ngào đáp:
-Xin chúc Thái hậu và hoàng tử, công chúa lên đường bình an. Thần không thể đi được, vì còn phải đối phó với lũ giặc, khi chúng kéo vào lăng. Có thế thì chúng mới không đuổi theo Thái hậu được. Thần xin ở lại đây với tiên đế và cản lũ giặc lại…
Ngọc Hân vừa toan nói thì ông già đã quay ngoắt người trở vào trong lăng. Nấp sau cánh cổng con, người lão bộc nhìn theo hai con ngựa đang ngập ngừng đi xa dần, đoạn gạt nước mắt, cài lại cổng, rồi chạy về trước lăng. Qua mộ Quang Trung, ông già quỳ xuống, bình tĩnh thắp thêm nén hương rồi khấn to:
-Tiên đế ơi! Xin hãy phù hộ thần, để thần làm tròn được công việc Người giao phó cho. Thái hậu và hoàng tử, công chúa đã lên đường rồi. Chỉ nay mai là quân ta sẽ kéo về khôi phục lại cơ đồ của tiên đế thôi.
Ông già đứng thẳng dậy, bước ra trước cổng lăng. Bên ngoài đám quân của Nguyễn Ánh đang dùng gỗ cả cây, lao ầm ầm vào cổng lăng. Tấm cửa gỗ lung lay, sắp đổ sụp. Ông già liền tuốt thanh đoản kiếm, cầm lăm lăm trong tay, đợi sẵn.
Cánh cổng lăng vừa đổ sập xuống, quân Ngyễn Ánh vừa hò reo toan xô vào, thì bỗng đứng sững cả lại. Giữa hai hàng cột đá cao vút, ông già đứng choãi chân, vững như bàn thạch, thanh kiếm tuốt trần cầm lăm lăm trong tay. Dưới ánh đuốc bập bùng, ông già, mái tóc bạc dựng ngược, cặp mắt long sòng sọc trợn tròn, trông hệt như một thiên thần vừa giáng hạ.
Đám quân sĩ của Nguyễn Ánh và người lão bộc của vua Quang Trung gườm gườm giữ thế đối diện nhau như vậy khá lâu. Bỗng có tiếng Nguyễn Ánh quát to:
-Quân, xông cả vào! Đứa nào bắt được lão già ấy, ta sẽ phong cho chức đội trưởng!(2)
(2)đội trưởng: Chức quan đứng đầu một đội lính khoảng hơn trăm người.
Đám quân sĩ ào lên, hò reo ầm ĩ. Một trận đánh dữ dội diễn ra ở ngay trước cổng lăng. Dưới ánh đuốc bập bùng khi mờ khi tỏ, một bên đánh thí mạng để cản giặc, một bên ham bắt người để lập công. Gươm, giáo, kiếm, dao, vung lên chói lòa. Tiếng binh khí chạm nhau kêu xoang xoảng. Những tia lửa thấp thoáng bật ra từ đầu ngọn kiếm của lão bộc. Tiếng hò reo, quát tháo náo động cả khu lăng yên tĩnh…
Người lão bộc của vua Quang Trung vung rộng đường kiếm, mang hết sức bình sinh và tài nghệ lão luyện, đâm bên tả, chém bên hữu. Một tên, hai tên, rồi hàng chục tên giặc đã ngã gục trước mũi kiếm lợi hại của ông già. Nhưng bọn giặc cậy thế đông, hết lớp này đến lớp khác vẫn xô tới. Một mình quần thảo với đám đông, ông già cũng đã trúng vài vết thương, máu chảy ướt đẫm cả áo quần. Nhưng không đếm xỉa gì tới thương tích, nắm chặt thanh đoản kiếm của vua Quang Trung trong tay, tựa như được tiếp thêm sức thần, ông già vẫn lồng lộn đâm chém, không chịu lùi một bước. Mãi về sau, một ngọn giáo đánh trộm của một tên tùy tướng Nguyễn Ánh mới đâm được vào cạnh sườn ông già, làm máu phun ra như suối.
Người lão bộc của vua Quang Trung nghiến chặt răng, không kêu một tiếng. Ông già giật mạnh chiếc khăn thắt lưng, ấn vào vết thương, bịt chặt lại. Rồi đó, vừa trừng trừng nhìn vào kẻ địch, ông già vừa loạng choạng lùi dần về phía ngôi mộ của hoàng đế Quang Trung ở giữa lăng. Tới bên mộ, kiệt sức, ông già lảo đảo ngã vật xuống, ấp người lên ngôi mộ của chúa cũ. Mấy giò hoa huệ đổ rạp xuống theo ông già. Con dao gỗ của Quang Đức vừa đặt ở trên mộ, rơi nhẹ xuống đất…
Vừa lúc ấy, từ mạn thành Phú Xuân, có tiếng ngựa phi rất gấp vọng tới. Một bóng người thúc ngựa phi như bay tới trước cổng lăng. Đó chính là Lê Thành.
Hồi nãy, trong cung điện của chúa Nguyễn, cơn xúc động đột ngột làm Thành ngã ngất, đã giúp Thành thoát ra được khỏi tình trạng hết sức nguy ngập, khó xử. Sau đó, Thành đã mượn hơi rượu, vờ ngộ gió, trúng độc để làm kế hoãn binh. Trong đầu óc rối bời của Thành, những ý nghĩ lộn xộn, dồn dập lướt qua: "Phải làm gì bây giờ? Liệu có còn kịp đến lăng cứu Thái hậu Ngọc Hân và các bầy tôi trung thành của hoàng đế Quang Trung trong đó có cả lão bộc, bố nuôi của Thành nữa không? Nếu chẳng may bị bại lộ thì sao?’’ Ý nghĩ cuối cùng này vụt đến như một bóng ma khủng khiếp, làm Thành lạnh buốt cả người. Thành đã nằm lặng đi một hồi lâu trên giường. Cuối cùng, Thành tự nhủ: “Dù sao thì cũng cứ phải đến lăng đã! Rồi sẽ liệu sau!’’ Và đột nhiên, trước sự ngạc nhiên của lũ quan hầu, Lê Thành vùng ngay khỏi giường bệnh, chạy vụt ra tàu ngựa. Tháo lấy một con ngựa tốt, Thành cướp đường phóng như bay đến lăng.
Đám quân sĩ của Nguyễn Ánh đang xúm xít trước cổng lăng mở rộng đã khiến Thành hiểu rõ ngay sự thể. Một ý nghĩ hiện ngay ra trong óc Thành: “Dù sao thì ta cũng giúp được một tay cho những người thân cận nhất của tiên đế rồi. Bây giờ phải hành động cho thật khéo thì mới mong thoát được khỏi tội…’’ Vừa lúc ấy, con chiến mã đã đưa Thành lướt qua đám lính, đến thẳng trước mặt Nguyễn Ánh và cố đạo A-lếch-xăng. Trước vẻ mặt ngạc nhiên pha lẫn với nghi ngờ của Nguyễn Ánh, Thành nhảy khỏi lưng ngựa, còng lưng cúi đầu trước ngựa của Nguyễn Ánh, nói nhanh:
-Thần bị ngộ gió nên đến hộ giá chậm trễ, xin chúa thượng tha tội!
Thành chưa dứt lời thì A-lếch-xăng bỗng thúc ngựa tiến lên một bước, nhìn chằm chằm vào mặt Thành, rồi chẳng nói chẳng rằng, cho ngựa quay ngoắt đi. Nguyễn Ánh cũng lạnh lùng nhìn Lê Thành từ đầu đến chân, rồi dằn giọng nói:
-Tướng quân thật khéo chọn lúc mà ngộ gió quá!
Nói đoạn, Nguyễn Ánh quay người, cùng cố đạo thúc ngựa, hô quân tiến vào lăng.
Lũ quân của Nguyễn Ánh hấp tấp kéo ùa vào trong lăng Hoàng đế Quang Trung. Bọn chúng ra công sục sạo khắp các ngả, nhưng chẳng tìm thấy một ai. Mẹ con Thái hậu Ngọc Hân đã đi thoát! Những bầy tôi trung dũng hết lòng lo gây lại sự nghiệp của Quang Trung cũng đã đi thoát! Mối đe dọa lớn nhất của nhà Nguyễn thế là vẫn không dứt được! Thất vọng, lũ quân sĩ nhà Nguyễn ngơ ngác nhìn nhau. Thất vọng, Nguyễn Ánh và A-lếch-xăng cũng ngơ ngác nhìn nhau. Như người mất hồn, Lê Thành cũng đưa mắt nhìn xung quanh. Đột nhiên, trong óc Thành bỗng lóe lên một tia sáng. ''Chiếc cổng kín!’’ Thành kêu thầm trong bụng như vậy. Bất giác, Thành liếc mắt nhìn nhanh về phía sau lăng rồi lại nhìn Nguyễn Ánh và cố đạo. Tất cả lũ chúng đang kéo nhau tới bên mộ vua Quang Trung. Bỗng nhiên, Thành quả quyết cắn chặt răng, im bặt. Nhìn theo hướng đi của bọn Nguyễn Ánh, Thành vừa thoáng nhận thấy bóng lão bộc nằm gục bên ngôi mộ của Hoàng đế Quang Trung. Lặng người, Thành đứng sững như chôn chân xuống đất…
Bên mộ Quang Trung, ông già vẫn nằm đó. Người lão bộc trung thành của vua Quang Trung vẫn nằm yên lặng ở đó, mắt mở to nhìn trời cao.
Đêm ấy, bầu trời lồng lộng, không trăng nhưng rất nhiều sao. Những vì sao lấp lánh trên cao tít, và ánh lửa hương lập lòe bên cạnh mộ, soi sáng mờ tỏ khuôn mặt đẹp lồng lộng của ông già.
Khói hương và mùi hoa thơm ngát quấn lấy mái tóc trắng, chòm râu bạc vủa người lão bộc của vua Quang Trung…
Trước Lăng Mộ Vua Quang Trung Trước Lăng Mộ Vua Quang Trung - An Cương