Số lần đọc/download: 1261 / 10
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
H
ồi còn thực dân Pháp thống trị, không biết nịnh hót giỏi thế nào, mà thằng Mai, từ là một chú bé con kéo quạt ở trong trại binh, nó làm được đến tuần phủ một tỉnh. Chắc hẳn nó phải phản dân, phản nước ghê gớm đến thế nào mới được. Để thưởng mỗi thành tích của nó, quan thầy nó gắn cho nó một cái mề-đay. Nó có cả thảy bảy chiếc, đeo choáng cả ngực.
Cái dấu hiệu nhục nhã nhất của đời làm quan nó, là cái bắc đẩu bội tinh, thì nó lại cho là vinh dự nhất. Nó khoe mãi, đó là phần thưởng cao quý nhất của "chính phủ" đền công cho các quan "An Nam", mà chỉ từ hàng Tổng đốc trở lên mới được. Sở dĩ nó được thưởng mề-đay đó, là vì năm đó nó ở Thái Nguyên, đã có công dẹp cộng sản rất đắc lực.
Thường nói chuyện với bạn đồng liêu, nó tiếc sinh không hợp thời. Giả sử nó sinh sớm hay muộn bốn mươi năm, thì nó còn làm to hơn "Cụ Hoàng Cao Khải…", cụ Hoàng Cao Khải của nó là loại Việt gian bán nước số một, được Tây cho làm Kinh lược Bắc Kỳ và được thưởng hàm Quận công.
Năm 1930, sau ngày khởi nghĩa Yên Bái, nó nghe chuyện giặc Pháp đem máy bay đến triệt hạ làng Cổ Am, vì làng ấy chứa cách mạng. Một tên Tổng đốc về hưu, ở làng, lo sợ bom đạn giội xuống nhà mình, bèn mặc mũ áo đại triều, đeo tất cả mề-đay, ra ngồi ở sân.
Khi thấy máy bay liệng đến gần, thì nó nâng cái mề-đay bắc đẩu trên gan bàn tay, giơ lên cao, để các quan ở trên trông rõ. Thằng Mai phục và khen mãi bạn và thông minh, nhanh trí khôn.
Cho nên sau ngày Tổng khởi nghĩa, người ta khuyên nó đốt mẹ cả mũ áo lẫn mề-đay đi, thì nó không nghe. Nó giấu tất cả lên trần nhà. Bởi vì nó tiếc sự nghiệp làm giàu, làm sang của nó, nên giữ lại để kỷ niệm, làm gương cho con cháu. Biết đâu sau này không có lúc lại dùng.
Trong thời kỳ kháng chiến để thúc đẩy tính lưu manh của quân lính, thỉnh thoảng giặc Pháp kéo đến các làng gần vị trí để cướp của và hiếp phụ nữ. Đối với ngụy binh, thì chúng đặt ra ba hạng vé để bán. Hạng 20đ, hạng 50đ và hạng 100đ. Đứa nào mua hạng nào phải trả tiền trước, mới được đi. Và tùy theo giá vé, chúng được chia nhiều hay ít, hoặc hiếp những người đẹp hay xấu. Cũng có thằng mua vé mà về không được gì, hoặc vớ phải cái váy đụp, thì chửi nhặng cả cấp chỉ huy. Rồi bất kể cả kỷ luật, nó ra phố, xông bừa vào nhà người ta, để ăn lường, chơi qụyt.
Vì quanh miền này luôn luôn bị giặc đến tàn hại, nên nhân dân sống như cá nằm trốc thớt. Du kích làm vọng gác ở tận trên ngọn cây đa cao để canh. Suốt đêm, họ cắt lẫn nhau ngồi trên cái viễn vọng tiêu ấy. Ai không phải lượt gác, thì lúc nào lựu đạn, dáo, mác cũng cạnh mình, để sẵn sàng bảo vệ xóm làng. Nhưng nhiều người chỉ dám ở làng ban ngày. Từ xẩm tối trở đi, họ phải tải cư đến một nơi khác, cách chừng năm cây số. Họ sợ giặc tới bất thần thì chạy không kịp. Bởi vì chúng có thói đến ngày từ mờ sáng.
Đến lượt làng thằng Mai ở vào tình trạng bị đe dọa.
Một buổi sáng, có tiếng súng liên thanh ở đằng xa. Giặc đến. Người ta chạy rầm rập, gọi nhau đi lánh nạn ời ợi. Cả làng tức tốc gồng gánh, dắt díu nhau sang bên kia sông.
Người không kịp chờ thuyền thì bơi cố. Có chết đuối cũng còn hơn chết trong tay giặc.
Nhưng thằng Mai bình tĩnh như thường. Nó đã nghĩ và định trước cả rồi. Nó theo gương thằng Tổng đốc Cổ Am. Nó quát con cháu, cấm không được chạy. Nó bảo: Đã có tao. Không việc gì mà sợ.
Nó đội mũ dát vàng, mặc áo cổ đồng, đi hia nhung và cầm cái hốt ngọc. Nó đeo đủ mề-đay trên ngực. Nó bắt vợ nó mặc áo mệnh phụ, tay bưng hòm sắc. Nó đứng ở cổng, chắp tay sẵn. Giặc tiến đến. Nó khom lưng, vái một cái thật dài.
Thằng chỉ huy người Pháp, mặc quần cộc ống, áo cộc tay, lông lá xồm xoàm, râu ria hung hung, tua tủa như bàn chải, thấy có thằng ăn mặc ngộ nghĩnh, thì cau cái mặt tím như quả bồ quân lại, long đôi mắt lên để nhìn, như nhìn một cái quái vật. Nó sai một thằng tùy tùng nắn người để khám khí giới.
Thằng Mai nói tiếng Pháp với thằng Pháp. Rồi gọi vợ mang hòm sắc ra. Nó mở, lấy bằng, sắc, và rất nhiều ảnh chụp chung với bọn Toàn quyền, Thống sứ, và những thằng mũi lõ khác.
Nó dẫn thằng chỉ huy và bọn tùy tùng vào nhà. Nó mời uống rượu và thết cơm chúng nó. Rồi nó xin một đặc ân:
- Tôi vốn là một tên đầy tớ rất trung thành với Chính phủ bảo hộ. Suốt ba mươi năm làm quan, tôi lập được rất nhiều công trạng. Những mề-đay, những bằng sắc đây, chứng thực cho những thành tích của tôi. Cho nên, tôi tin rằng lính Pháp nhân đạo, và tôi chắc rằng các quan không nỡ xử với tôi như với dân thường. Vì vậy, không làm như người làng tôi, tôi cấm gia đình chạy trốn. Các quan đến đây thì tôi mừng, cho nên tôi phải mặc phẩm phục, ra đón tiếp. Nếu bận sau, các quan đến làng này, xin cứ vào nghỉ ở nhà tôi, muốn gì cũng có.
Thằng chỉ huy nốc cốc rượu thứ hai xong nó gật đầu khen tốt:
- Tốt thì các quan để cho yên. Dân làng không chống lại các quan, thì các quan cũng để cho yên.
- Vâng, chúng tôi hiểu lắm. Quan lớn nhân đức, thế là phúc cho tôi. Nhưng tôi có một điều e ngại. Là nếu quan khác đến đây, thì sợ không được như quan lớn. Cho nên tôi muốn xin quan lớn một cái giấy cấm bận sau quân lính không được vào nhà này. Lấy lý do là nhà của một tên đầy tớ cũ rất trung thành của nước Pháp.
Thằng chỉ huy gật đầu. Nó vặn bút máy và lấy giấy để viết rồi nó đưa cho thằng Mai và nói.
- Ông cứ yên trí là từ nay không ai được vào nhà này để quấy nhiễu. Đây là lệnh của cấp chỉ huy, quân đội Pháp rất kỷ luật. Nhưng ông còn phải bảo du kích không được chống lại các quan, nghe chưa?
Thằng Mai khúm núm, giơ hai tay ra đỡ, và cúi rạp lưng xuống để cám ơn. Nó coi mảnh giấy như đạo bùa hộ mệnh. Trong khi ấy, thằng chỉ huy cùng bọn lính kéo nhau đi sục làng.
Độ một giờ sau, lợn, gà, mâm nồi, bát ra, và những chiếc bồ nặng, không biết trong đựng những gì, bị gánh kĩu kịt đi. Từng chòm nhà tranh, khói bốc lên ngùn ngụt.
Thằng Mai tiễn giặc lên đường, thấy làng mạc xơ xác, nó nghĩ đến nhà nó nguyên vẹn, càng tự đắc là khôn ngoan.
Một tháng sau, lại có toán giặc đến làng. Nhân dân lại bị một mẻ chạy. Nhưng thằng Mai vẫn bình tĩnh. Nó mặc áo thụng xanh, đeo mề-đay, đứng ở cổng đón. Bọn giặc này là bọn giặc khác, chứ không phải bọn trước. Lính đi qua, đọc tờ giấy thì vùng vằng đi thẳng.
Thằng Mai cũng mời được thằng chỉ huy vào nhà thết cơm rượu, để tỏ tình chó ngựa trung thành.
Sau khi bọn giặc cướp bóc xong, ra khỏi đầu làng thì thằng Mai sung sướng cười với vợ con:
- Dân mình còn ngu dốt thế không trách chết cũng phải. Tao đã bảo chúng nó không phải chạy đâu. Cứ vào đây, gửi đồ đạc vào đây, có phải được yên lành không. Còn chỗ trú ẩn nào chắc hơn nhà này nữa? Tao thấy là đánh tại các quan là một, chạy trốn các quan là hai, thì thế nào cũng chết. Cho nên làng nào còn du kích, thì làng ấy còn bị tai hại.
Muốn tỏ cho mọi người biết cái đời làm quan với Pháp của nó còn có ảnh hưởng tốt cho cả nhân dân thời Dân chủ Cộng hòa, nên nó bảo các tá điền của nó, rồi nó bảo cả người làng, có gì quý thì cứ gửi nó. Đến khi có báo động, thì cứ vào nhà nó, nó sẽ nhận là con cháu, đầy tớ thì được nguyên vẹn cả người lẫn của. Nó khuyên tá điền đừng vào du kích, trả vũ khí cho ủy ban. Bởi vì đã có nó bảo vệ làng.
Một buổi sáng, có tin giặc tới. Một số người tản cư sang bên kia sông. Một số người chạy tọt vào nhà thằng Mai. Thằng Mai súng sính cái áo gấm. Cái giấy lệnh cấm được đóng khung kính, để giữ nguyên vẻ mới, treo ở cánh cổng. Thấy toán tính đến, thằng Mai vái chào, và nâng cái khung bằng hai tay giơ lên. Một thằng giặc đọc xong, nó bĩu môi, nhún vai.
Rồi, không biết nghĩ thế nào, nó quật cái khung xuống đất, và hất hàm gọi nhau.
Cả toán giặc kéo ồ vào trong nhà. Không phải mất công tìm, tất cả phụ nữ đã tập trung cả ở đây, tất cả của cải đã bầy sẵn cả ở đây. Tha hồ chúng nó hành động dã man.
Chúng nó bắt thằng Mai ra đứng ở sân. Một tốp khuân vác đồ đạc. Một tốp hãm hiếp phụ nữ. Và hai tốp thay đổi nhau làm việc. Cả vợ lẽ, con dâu, con gái thằng Mai cũng bị giặc thay nhau làm nhục hàng giờ.
Giặc được món bở. Người đã đẹp, của lại nhiều. Nguyên những đồ dùng của thằng Mai cũng đáng giá hàng vạn, hàng triệu. Tất cả những sập gụ, tủ chè, ngà voi, đồ thờ đồng, cốc chén bạc, nữ trang vàng ngọc và kim cương vân vân, là những thứ nó vơ vét của mấy tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Đông, Hải Dương trong đời làm quan của nó, đến nay, theo chân giặc tếch ra khỏi nhà, chồng chất lên mấy xe ô tô cao vòi vọi. Thằng Mai chết điếng. Vừa tiếc của, vừa ức với lũ lính vô kỷ luật, nó lại sợ người làng oán thù.
Cho nên khi bọn lang sói sắp trở ra, thì nó đi theo, tìm thằng chỉ huy.
Tưởng nó phản kháng, thằng chỉ huy đuổi nó quầy quậy. Nhưng nó nói:
- Tôi xin các quan cho tôi theo ra Hà Nội. Tôi không thể ở làng được, vì người ta sẽ giết để báo thù tôi. Tôi mất tín nhiệm rồi. Tôi xin các quan bảo vệ cho tôi.
Thằng chỉ huy nhún vai, quay đi. Thằng Mai cứ lẽo đẽo đằng sau. Nó van lạy những thằng lính để xin một chỗ trong ô tô. Rồi cứ trèo bừa lên một chiếc.
Xe ấy chất đầy những đồ đạc. Lại còn lính và phụ nữ nữa. Một thằng thấy sống áo thằng Mai thùng thình, thì càu nhàu văng tục để chửi. Thằng Mai nghe hiểu, nhưng cố bám chặt lấy cửa xe.
Đi được ba cây số, lũ lính thấy thằng Mai vướng víu quá, nên đuổi xuống. Thằng Mai nằn nì. Một thằng lính giơ báng súng vào ngực nó để dọa. Không ăn thua. Thì một thằng khác, thực tế hơn, gỡ tay thằng Mai víu ở cửa, đẩy mạnh nó xuống đường. Xe đương chạy, thằng Mai ngã còng queo. Bốn chân tay co quắp. Cái khăn xếp nhiễu tây lăn lông lốc, méo xệch. Cái áo gấm rách lỗ chỗ thành hoa thịt. Mặt mũi nó bị bụi đá bám hết vào với máu, thành trắng xoá, lẫn cả với màu tóc, màu râu.
1955