Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 584 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hốt nhiên tôi cảm thấy ngực đau nhói giống như một bàn tay nào bóp chặt chỗ trái tim làm tôi muốn ngộp thở. Tờ báo trên tay tôi rơi xuống đất. Tôi muốn lấy lên nhưng ngay cả một động tác đơn giản là cúi xuống, tôi cũng không thể làm ngay được. Tôi cứ đứng sững, nhìn ra ngoài giống như bị thôi miên bởi nắng trưa từ sân cát trước nhà hắt vào. Mắt tôi nổ hoa. Các màu hoa lung bung nhảy múa trước mắt tôi.
- Sao vậy, anh Tư?
Kim Hoa đang soi gương, tay cầm cục son gió phớt nhẹ trên môi, vội chạy tới, hỏi dồn. Bàn tay có những ngón nhọn sơn nhũ giơ ra nắm tay tôi. Khuôn mặt tròn trịa, hai má bầu phính hồng, hàng mi chuốt cong, ghé sát vào tôi:
- Mệt hả, cưng? - Tiếng nói nhẹ cùng mùi thơm mát của nước hoa ập vào tai vào mũi tôi - Ngồi nghỉ chút, em kêu bia uống, nghe!
Những cử chỉ thân mật ấy không phải là lần đầu tiên cô thể hiện với tôi. Nhưng sao lần này tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu. Tôi bỏ đi ra ngoài. Tiếng sột soạt của tờ báo được Kim Hoa lấy trải lên bàn. Không nhìn lại đằng sau nhưng tôi biết rõ cô đang cúi đọc. Đó là một tờ báo địa phương ra hàng tháng, giấy xấu khổ nhỏ, phát hành trong nông trường X. Chủ yếu đăng tin tức thi đua, và có in cả hình. Một trong những bức hình đó tôi nhận ra là Bình. Ôi, Bình! Cái dáng đứng nghiêng nghiêng dưới gốc cây cao su, ánh mắt quen thuộc không thể nào lẫn. Bên thân cây cao su to lớn lừng lững, trông em thật bé nhỏ. Tóc chải ngôi giữa, cặp lại phía sau gáy bằng cái cặp đồi mồi to bản nom em hiền hậu làm sao! Tôi nghe một tiếng "xì" và tờ báo bị lia cái xoạt vào trong hộc bàn. Tiếng nói đuổi theo tôi:
- Gì mà khổ dữ vậy?
Rồi tiếng hớt hải:
- Anh Tư! Anh Tư!
Tôi không quay lại, không dừng lại, chân tôi bước nhanh qua vỉa hè lát đá ra cái sân cát. Bụi mù lên trong nắng và gió. Những hàng cây cao su đứng thắng, lá chĩa ba xoè từng chùm kết vào nhau thành tán xanh sẫm. Tiếng lá lào xào và nắng ngợp vào trong lá, rộm lên trong lá. Giữa các thứ màu gộp lại chao động vào nhau ấy, tôi thấy hiện ra một khuôn mặt thuôn dài, đôi mắt sâu đen đầy nước mắt ngước nhìn tôi, nhìn chăm chú. Bàn tay đầy đặn có những ngón chai rám, những móng tay cắt ngắn, bàn tay cũng như gương mặt chân thành có thể xoá hết những nghi ngờ ở ta trong chốc lát - bàn tay của một người lao động. Bàn tay ấy đã nắm tay tôi, run rẩy:
- Anh Tư, em thương anh. Gặp anh, em thấy mình sống lại. Em muốn làm lại cuộc đời. Sao anh không nói gì vậy? Anh ghét, anh sợ em sao? Trời ơi!
- Đâu có ghét. Nhưng mà dầu sao… Giữa chúng ta có nhiều cái khó, em biết đó. Ba má anh có bốn người con mà giờ chỉ còn một. Tất cả đã ngã xuống vì giặc Mỹ, vậy mà giờ… Anh không thể, anh không muốn chịu sự dày vò của lương tâm. Anh chỉ còn có một mình má. Anh không muốn để má sầu khổ khi biết rằng trước đây, em đã… Tôi nói vậy. Thật không ngờ mình đã nói những điều mà trước đây tôi nguyện không bao giờ hé răng. Vì tôi biết những điều ấy sẽ làm Bình đau khổ. Vậy mà tôi đã nói rồi đó, cứ như là tiếng nói của định mệnh.
Bàn tay Bình giật lại vội vã như chạm vào nước sôi. Da mặt Bình tái nhợt, đôi môi run lên, nhìn thẳng vào mặt tôi bằng đôi mắt không chớp. Cái nhìn trân trối như muốn ghi nhận một điều gì hoặc giữ lại một cái gì ở nơi tôi. Đôi môi nhỏ mấp máy những tiếng nói không thành lời. Tôi thấy nóng mắt, mí mắt bên trái giật liên hồi, nghe đau nhức. Chỗ đó một mảnh đạn M19 đã ghim vào, chỉ chệch một chút xíu thì cuộc đời tôi chìm vào bóng tối. Mà đâu phải chỉ có một mảnh đạn nơi mí mắt, mà còn sức ép của hơi bom, mảnh pháo, những vết thương ở phần mềm và những nỗi đau không bao giờ quên… Thế là một cơn giận dữ đột ngột choán ngập, vò xé tôi. Tôi quay ngoắt đi, bỏ ra ngoài lô cao su. Giá lúc ấy Bình chạy theo tôi bằng những bước chân gấp gáp và tiếng nói thiết tha van vỉ:
- Đừng bỏ em! Đừng bỏ em! Anh Tư! Anh nghĩ lại đi! Lỗi lầm đó đâu phải tại em, mà tại xã hội… Chỉ cần vài tiếng nói có tình có lí đó sẽ làm dịu đi, sẽ thổi tan đi bóng tối trong tôi. Tôi biết rằng như thế là tôi sẽ bỏ qua quá khứ, sẽ chấp nhận cái làm tôi giận dữ, thậm chí tôi còn ân hận nữa. Chỉ cần sự nín chịu chờ đợi một chút khi cơn bốc hoả tan lắng đi, tôi sẽ trở lại con người hàng ngày. Và lúc đó, tôi sẽ nắm lấy tay Bình, cái bàn tay bắt đầu có những vết chai ấy mà xin lỗi. Nhưng thực tế lại không như thế.
Tôi đi thật nhanh và trốn vào dưới những gốc cây cao su. Ở đó, dưới những chùm lá chẻ ba, lớp nọ chồng lên lớp kia tạo thành một vòm trời màu lục đó là nơi che chở và an ủi tôi. Nhưng cao su lại đang mùa rụng lá. Đan lên trời là những cành gầy trơ trụi, một vài chiếc lá còn sót lại màu sáp đung đưa lay động khe khẽ. Lá ngập đầy dưới đất. Những chiếc lá vàng lá đỏ khua lao xao dưới chân tôi, gợi nhớ những mùa cao su rụng lá những năm tôi còn là chú bé gác lửa. Suốt ngày nằm trên chòi, mắt nhìn suốt bốn phía rừng cao su. Cành đan cành làm thành những giàn cây chạy thẳng tắp đến tận chân trời. Rồi tôi lớn dần lên dưới những gốc cao su. Bàn tay trẻ non mềm dễ quen với công việc cạo mủ giây, rửa chén, mở miệng cạo, trút mủ, và cả những cái roi của chủ. Chủ ta, chủ tây… Rồi tôi trở thành người công nhân. Tôi vun trồng những cây cao su và cũng chính tôi tàn phá những cây cao su đó. Tôi gạt lá ra làm thành hố nhỏ. Đốt một nén nhang cắm xuống hố. Ba que diêm chụm lại trên nén nhang. Rồi tôi quơ nắm cỏ khô phủ lên trên. Đó là trò chơi nghịch ngợm của trẻ con chớ có gì đâu. Tôi bước đi, tay nắm những cành cao su khô tôi quơ được giữa các lô, miệng huýt gió. Chất củi vào đống tôi trèo lên chòi cao, căng mắt nhìn. Bắt đầu ở mỗi chỗ là một sợi khói nhỏ rồi sau đó là ngọn lửa đỏ. Lúc đầu lửa thoi thóp bé nhỏ sau bùng lên, lan rộng ra thành một đám cháy đỏ rực một vùng. Tôi vừa kêu cứu vừa chạy khỏi chòi canh. Còn bọn chủ đồn điền thì la hét, cuống cuồng lao vào chữa cháy. Và chúng đi tìm tôi. Chúng làm sao có thể tìm thấy tôi. Chúng không thể biết được ở sâu dưới đất, dưới gốc cao su có hầm bí mật. Bàn tay tôi làm quen với khẩu súng từ hôm ấy. Và từ hôm ấy, tôi trở thành người lính. Đêm đêm tôi vẫn ở trong rừng cao su. Những người công nhân nuôi tôi, che giấu tôi… Cái chòi gác lửa giữa những lô cao su vẫn còn đứng chơ vơ ở ngã ba đường đến hôm nay như một vật kỉ niệm. Những mái lá dừa nước được lợp lại sau những mùa mưa dầm dề, mặc dù hàng ngày không có ai lên chòi ngồi canh lửa nữa. Chân tôi bước tới chòi như một sự vô tình. Rồi tôi trèo lên chòi. Tôi nhận thấy những bước chân tôi không còn nhanh thoăn thoắt như ngày nào và cái chòi cũng đã cũ và yếu lắm rồi, cứ run lên dưới những bước chân tôi. Tấm phản gỗ trên chòi hình như cũng nhỏ lại bởi khi tôi nằm xuống thì chân thừa cả ra ngoài và lúc đứng lên tôi lại phải cúi lom khom. Hơn một chục năm rồi tôi mới trở lại với cái chòi canh ấy. Mùi mốc hoang vắng từ các góc chòi toả ra khiến tôi có cảm giác vừa xa lạ vừa có cái gì thân thuộc và gần gũi. Có lẽ do sự vắng mặt của tôi lâu nay mà nó trở thành như vậy. Tôi nằm xuống miếng ván và lúc đó đột nhiên giật mình. Tôi thấy một bầu trời xanh thẫm mở ra rộng lớn chói loà ánh nắng. Gió thổi lộng. Những cành cao su nhỏ đập vào nhau. Tiếng lắc rắc của cành khô gãy làm tôi buồn ngủ. Tôi như quên đi tất cả. Trong giấc ngủ chập chờn tràn ngập nắng và gió, tôi cảm thấy cái chòi rung lên. Tiếng chân người và tiếng nói chuyện rì rầm. Có ai đó cúi sát xuống để nghe hơi thở trong ngực tôi.
- Sao giám đốc lại lên đây nằm vậy?
- Chắc ở trong nhà ồn ào quá. Thôi cứ để cho chú ấy ngủ!
Tiếng chân người và tiếng nói chuyện lặng hẳn. Tôi ngồi dậy, nhìn suốt bốn phía. Những cây cao su nhìn từ ngọn xuống nom thấp và lạ hẳn đi, tất cả xoè ra những cành gai góc, đã chết khô dưới bầu trời nắng nung. Bỗng nhiên trong người tôi bừng lên một nỗi khao khát được nhìn thấy một đốm lửa đỏ, được thấy lại tuổi thơ trong sáng và khuôn mặt có những giọt nước mắt của Bình. Thế là tôi vội vã xuống khỏi chòi, đi như chạy trở lại trụ sở nông trường. Tôi tưởng rằng Bình vẫn cứ đứng đó, dưới gốc cây cao su đầu lô 12 chờ tôi trở lại. Nhưng chỉ có cây cao su cao lừng lững và gió chạy quấn dưới gốc. Tôi nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ chiều. Tôi chạy vội về văn phòng của đội. Đến cái nơi mà mỗi lần sau cuộc họp, Bình thường nấn ná quanh quẩn chờ tôi. Tất cả vắng ngắt. Tôi tạt sang nhà trẻ, nơi Bình hay lui tới chơi với các cháu. Chỉ có những người mẹ đang lần lượt đón con về, gật đầu chào tôi. Tôi băng qua lô cao su mới trồng đến nhà tập thể nữ. Nếu bình tĩnh thì tôi sẽ không đến đây tìm Bình nhưng lúc ấy tôi không còn tự chủ được nữa. Chân tôi không đi mà chạy, vấp váp trên sân bóng chuyền bằng phẳng. Linh tính báo cho tôi biết có gì không lành xảy ra.
- Bình có nhà không? - Tôi hỏi một người đứng trước nhà chải tóc. Không kịp nghe trả lời, tôi chạy thẳng vào góc nhà, nơi có cái giường một và chiếc bàn nhỏ - chỗ ở của Bình. Cái giường và bàn trống rỗng. Cái gối trắng thêu, cái màn một không còn nữa, cả cái va li và đôi guốc nhỏ… - Cô Bình đi đâu rồi? - Tôi quay ra hỏi người vừa gội tóc vừa đi vào nhà.
- Em mới ngoài lô về, đâu có biết!
Cô gái vuốt tóc, đứng ngẩn ngơ trước góc nhà trống rỗng.
Tôi trở về phòng làm việc của mình.
Trên bàn để một chiếc phong bì nhỏ. Tôi xé toạc ra và cầm lên một tờ giấy mỏng manh:
“Kính gởi ông Giám đốc nông trường.
Thưa ông, Vì hoàn cảnh, tôi không thể làm ở nông trường ông được nữa. Tôi xin ông cho phép tôi được thôi việc từ hôm nay. Trước khi đi, tôi đã giải quyết mọi vướng mắc và không để lại nợ nần gì. Còn với ông, trong hai năm qua, nếu như tôi có những thiếu sót gì đó không phải, mong ông rộng lòng tha thứ. Xin chân thành biết ơn ông về những ngày qua.
Vĩnh biệt.
Vũ Thị Châu Bình kí."
- Chú Tư, chú Tư dậy chị biểu - Chị Cổn đến bên tôi lúc tôi đang ngồi gục đầu trên bàn với những chữ nhàu nát của Bình. Bàn tay chị đập lên vai tôi. - Anh Hai biểu chị qua mời chú vào nhà chơi, có việc. Đi chút cho khuây khoả, chú.
Miệng nói, tay chị cầm tay tôi, kéo ra ngoài.
Gia đình anh Hai Cổn là cơ sở hoạt động của tôi những ngày đen tối. Anh Hai là công nhân cao su thời Tây. Những năm đánh Mỹ, anh là cơ sở của tôi. Sau ngày giải phóng, nông trường cao su bên phục hồi lại, họ mời anh ra làm tổ trưởng một tổ sản xuất. Còn tôi lúc đó làm trên công ty. Khi tôi được cử về thành lập nông trường này thì anh cũng tình nguyện xin qua đây với tôi. Ai cũng ngạc nhiên trước quyết định ấy bởi lẽ ở nông trường cũ đã ổn định, mức sinh hoạt cao, còn nông trường tôi mới thành lập, có trăm nghìn khó khăn, thiếu thốn. Nghe tôi phân tích, anh Hai chỉ cười hề hề:
- Có vất vả mới cần đến anh em, bè bạn chớ. Hồi đánh Mỹ, chú cũng đánh Mỹ với tôi, gian khổ hi sinh chú đâu có ngại. Bây giờ tôi đâu nỡ để một mình chú chịu khó khăn. Phải chia sẻ chớ.
Anh giúp tôi nhiều việc rất quan trọng. Tuổi đời và kinh nghiệm sống với cây cao su anh đã gánh đỡ tôi từ việc sắp xếp xây dựng chỗ ăn ở của công nhân đến tổ chức lao động và đi tìm thợ. Anh như một chính ủy của tôi. Có anh ở bên, tôi tránh đỡ được nhiều sai lầm vấp váp. Hôm nay, chắc anh có điều gì muốn nói nên mới bảo chị Hai đi tìm tôi. Đang lúc bối rối, tôi còn biết làm gì hơn là đi theo chị.
Một chồng bánh tráng, mấy xắp thịt nướng, cá thu chiên, dưa leo, bạc hà và cải ngọt được bày đầy ắp trên những đĩa to đĩa nhỏ cùng chén đũa lúp xúp trên bàn cạnh hai chai bia. Một tô canh mướp đắng nhồi thịt bốc hơi nghi ngút. Anh Hai nắm tay tôi kéo vào bàn, rồi rót bia ra li lớn đặt vào tay tôi:
- Uống đi chú. Chiều nay có chút thức ăn, mời chứ qua cho vui.
Tôi uống hớp bia mà cảm thấy họng mình đắng ngắt. Vừa tiếp thức ăn vào chén tôi, anh vừa hỏi chuyện về công việc nông trường. Anh nhắc tôi điều máy về làm cỏ cho lô cao su non mới trồng, rồi việc vỡ hoang đất bên bờ hồ và việc tập hợp thợ học kĩ thuật đợt mới. Tôi ầm ừ cho qua chuyện. Nể anh, có lúc tôi lấy quyển sổ trong túi con ra ghi chép nhưng đầu óc tôi vẫn để ở đâu đâu. "Bây giờ biết tìm Bình ở đâu?" Đó là điều tôi lo nghĩ. Khi những tia nắng bên ngoài nhạt dần và bóng tối lờ mờ lan ra rồi đen thẫm trong những vòm lá cao su và ngọn đèn giữa nhà đã bật sáng, tôi thấy nóng cồn trong ruột. Tôi buông đũa, xin cáo từ.
- Chú về thế nào được. Tôi đã nói hết chuyện với chú đâu! - Anh Hai giữ tay tôi kéo lại đẩy ngồi xuống ghế.
- Chú định đi tìm cô ấy ở đâu? - Anh Hai bỗng hỏi và nhìn tôi.
- Trong việc này em có lỗi. Em thật không ngờ Bình lại bỏ đi như thế!
- Cô ấy có đến tìm tôi và tôi vội chạy đi tìm chú. Thấy chú ngủ trên chòi gác lửa, tôi cũng tưởng chẳng có chuyện gì gấp, chú mệt cứ để chú ngủ, anh em sẽ nói chuyện sau. Nào ngờ… Bây giờ chú phải bình tĩnh, thật bình tĩnh. Ta bàn nhau xem nên đi tìm cô ấy ở đâu? Tôi sẽ đi thay chú. Tôi tin tôi nói cô ấy sẽ nghe và việc dẫn cô ấy trở về đây không phải khó. Có điều tôi muốn hỏi thiệt chú, chú có thương cô ấy không? Chú phải nói thiệt với tôi, tôi mới biết cách mà gỡ… Tôi gục đầu xuống bàn không biết nói sao ngoài một nỗi buồn đau tê dại.
- Có, phải không? - Anh Hai hỏi nhỏ.
Tôi gật đầu và ngước nhìn anh:
- Em chưa thương một người con gái nào như Bình. Có điều, khi cô ấy nói rằng cô ấy thương em thì không hiểu sao em lại như thế?
- Nếu cô ấy về lại đây, chú có cưới cô ấy không, hay lại làm khổ người ta?
- Việc cưới nhau, em nghĩ cũng phải cân nhắc, nhưng có điều không thể để cô ấy bỏ đi như vậy. Một người con gái lang thang trong lúc này sẽ gặp bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm. Cốt sao cho cô ấy trở về đây, mọi chuyện sẽ tính sau.
- Thế nghĩa là tình cảm chú vẫn chưa có quyết định dứt khoát, mặc dầu chú cũng thương cô ấy?
- Em sẽ suy nghĩ thêm. Nhưng dù sao cô ấy cũng cứ nên về đây.
Khuôn mặt anh Hai chìm xuống trong nghĩ ngợi.
Anh uống ào một hơi hết li bia rồi ngẩng nhìn tôi:
- Theo chú, tôi phải đi đâu để tìm cô ấy?
- Em nghĩ có lẽ ta nên tìm cô ấy ở nơi ta đã gặp cô ấy.
- Tôi sợ mọi thứ sẽ không trở lại như kiểu đó đâu. Nhưng dầu sao, đó cũng là một khả năng. Sớm mai tôi sẽ đi xe đò về Sài Gòn. Chỗ ấy là đường gì, chú?
- Đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi.
* * *
Đường Tự Do… Hai năm trước đây, tôi đã gặp Bình ở đó. Đi nhiều đã mệt, tôi dừng nghỉ trên một vỉa hè rộng có mái hiên và đưa mắt nhìn một nhóm người ngồi nằm la liệt trên mảnh chiếu. Một cặp vợ chồng ngoài năm mươi, vóc dáng khỏe khoắn, da đỏ với hai đứa con nhỏ đang thu dọn lại chén đĩa. Họ vừa ăn cơm xong. Trên đất còn vuông ny lông bằng tờ báo. Đứa gái nhỏ hãy còn cầm trên tay chén cơm trộn mì. Bên cạnh đó, trên một mảnh chiếu khác, một cô gái chừng hai mươi, hai hai đang sục tay trong cái túi vải to chọn tìm những mảnh vải vụn đủ các màu sắc và can lại với nhau. Thấy có người nhìn, cô ngẩng lên. Tôi ngạc nhiên trước một khuôn mặt xinh xắn và trong sáng đến thế, mặc dù bộ quần áo cô đang mặc bằng vải thô có nhiều chỗ vá. Thấy có người lạ nhìn, cô hơi lúng túng, cây kim cứ đâm vào tay và đôi lông mày nhíu lại. Tôi bất chợt cúi nhìn mình: Cái quần gin cũ của cậu bạn cho tôi mặc về Sài Gòn lem luốc dầu máy với cái áo kẻ sọc đỏ đã sờn, mái tóc lâu chưa cắt hơi dài làm tôi có vẻ như một "bụi" lạc trên vỉa hè Sài Gòn. Nhưng có lẽ một "bụi" không có cách đứng nhìn thế, nên người đàn ông chợt hỏi tôi:
- Có chuyện gì vậy, chú?
Tôi ngồi ghé xuống cạnh ông già và thân mật kéo em gái nhỏ vào lòng, cầm muỗng xúc cơm cho nó ăn:
- Gia đình mình ở đâu lên đây, hả bác?
Hai ông bà già đưa mắt nhìn nhau rồi lại nhìn cô gái. Chừng như họ hơi lạ trước câu thăm hỏi như vậy giữa Sài Gòn này. Có lẽ thấy cũng không có gì đáng ngại nên người đàn ông trả lời:
- Chúng tôi ở tận dưới Rạch Gốc. Đất cát ở đó quá chật, người thì đông. Chánh quyền vận động bà con đi khai phá đất hoang mãi tận khu kinh tế mới. Bà con cũng chịu khó nhưng làm riết mà không thấy kết quả, đất cứng queo hà. Cây lúa cấy xuống cứ khô như cây rơm. Cây cối cũng chết vì nắng. Cực quá chịu không xiết nên một số gia đình lại kéo nhau lên ở đây, nhờ có công việc gì sẽ xin vô làm, nhưng kẹt chưa xin được đành cứ ở lại đây. Chú đi tìm người nhà hay sao?
- Dạ không. Nhà mình có mấy người, hả bác? - Tôi hỏi và chợt thấy cô gái quay nhìn ông già, đôi mắt chớp chớp như muốn nói điều gì đó.
- Cô thứ mấy? - Tôi hỏi cô gái đang cúi may.
- Dạ em thứ năm. - Giọng cô gái ngọt ngào với nụ cười hiền hậu dễ thương đến xiêu lòng.
- Cô Năm chắc cũng chưa có công ăn việc làm? - Tôi lại hỏi và nhìn cô.
- Dạ chưa! Xin việc bây giờ đâu phải dễ, anh Hai… - Tôi thứ Tư… - Dạ anh Tư. Vậy anh Tư làm ở đâu? - Cô gái đã mạnh dạn hơn sau những câu chuyện.
- Tôi làm ở xa lắm. Hai bác và cô có nghe nói về những nông trường cao su không? Tôi làm công việc ở tận đó.
- Có nghe mà chưa thấy. Làm cao su cực lắm phải không anh Tư? - Cô gái đon đả nói, bàn tay ngừng may.
- Ngày trước, có hồi tôi cũng tính đi làm cao su nhưng rồi sợ "đi dễ khó về, trai đi mất vợ, gái về mất con" nên không dám. Từ ngày cách mạng về, không biết có gì khác không? - Ông già nói.
- Dạ khác nhiều chớ bác. - Tôi nói và rút bao thuốc lá trong túi ra mời ông già và cô gái. Cô lắc đầu từ chối.
- Từ ngày cách mạng về, mọi thứ được tổ chức sắp xếp lại ai thạo việc gì làm việc nấy. Những nông trường cũ thì khôi phục lại và xây thêm nhiều nông trường mới.
- Người làm ở đâu đến, chú? - Ông già sôi nổi bắt chuyện.
- Công nhân cũ còn lại và thu nhận người mới ở các nơi về. Có người ở các xã ấp lân cận vào, có người ở trên thị trấn Dầu Tiếng xuống.
- Vậy đã đủ người chưa chú?
- Vì công việc ngày càng mở rộng nên còn thiếu nhiều. Những lô cao su mới trồng cần chăm sóc. Những lô cao su cũ cần bảo dưỡng. Ngay cả việc xây dựng nhà ở cho công nhân cũng phải làm lại chớ không thể ở tạm bợ như hiện nay được. - Tôi nói thao thao về công việc và tương lai nông trường mới của tôi. Cô gái ngừng làm, nghe chăm chú. Hai vợ chồng ông già mắt cứ sáng lên. Ông đứng vụt dậy:
- Nghe chú nói về nông trường cao su của chú tôi thấy hay lắm, muốn xem và xin vô làm liền. Nhưng kẹt không có tiền đi xe đò lên.
- Tôi sẽ bao, bác khỏi lo.
Hai ông bà già bàn bạc với nhau rồi nói với tôi:
- Bây giờ chú ngồi đây chờ hoặc đi đâu một chút rồi trở lại, để tôi đi kêu thêm người lên cho vui.
Ông già đi một lúc về dẫn theo một gia đình nữa gồm sáu người.
- Chuẩn bị đi Năm! - Bà già gọi. Cô gái có vẻ nghĩ ngợi. Cô nhìn tôi với ánh mắt dò xét rồi đến gần tôi:
- Anh Tư, em đi cũng được chớ?
- Thanh niên lên đó là đúng nhứt! Vui lắm cô Năm à.
Tôi nói và cười. Có lẽ thấy nụ cười của tôi chân thật nên cô gái đứng dậy và thu xếp gọn gàng những mảnh vải vụn. Khi cô đứng gần, tôi thấy rõ mặt cô xanh xao và thân hình gầy yếu. Mọi thứ của riêng cô chỉ có một cái túi vải cũ đeo trên vai.
Sau một ngày đến nông trường lo thu xếp ổn định chỗ ăn ở, mọi người bắt tay vào làm việc. Tôi thấy cô gái không quen nhưng tỏ ra rất cố gắng. Hai gia đình mới lên cũng vậy. Họ nhanh chóng làm quen với công việc và chí thú xây dựng tổ ấm mới. Họ như khác đi khi ở dưới những mái nhà. Một buổi, ông già, cha cô Năm lên gặp tôi, xin về Sài Gòn:
- Có mấy gia đình chờ nhà tôi lên xem thế nào, nếu khá thì về nói cho họ lên. Chú cho về đón kẻo chậm.
Ông già về Sài Gòn hai ngày lên đem theo tám gia đình nữa. Mấy hôm sau, sáu gia đình khác tự động lên. Tất cả những người mới đến này tôi xếp vào một tổ. Cô Năm như đổi khác sau một thời gian về đây, da cô đỏ người cô khỏe, vui. Cô lao động cần cù, chịu khó, hiền lành nên ai cũng quý mến. Đối với tôi, cô như có một cảm tình khá đặc biệt. Tôi hay bắt gặp ánh mắt cô nhìn trộm tôi một cách trìu mến. Đôi khi tôi cảm thấy nơi tôi ở luôn có bàn tay cô chăm chút vào một việc gì đó. Lúc đầu tôi hơi khó chịu, vì từ lâu tôi đã quen sống độc thân và tự lực. Nhưng lâu dần, sự chăm sóc ấy trở nên cần thiết và tôi cảm thấy như thiếu một cái gì khi cô tỏ vẻ lơ là với tôi. Việc tổ chức sản xuất đi dần vào nề nếp. Các tổ cần có những người tin cậy phụ trách. Tôi đề nghị Bình là tổ trưởng một tổ hơn mười người nữ.
Điều này chẳng phải vì tôi cảm tình với cô mà vì cô có tinh thần lao động và khả năng làm việc. Thăm dò, tôi cũng thấy cô được tín nhiệm. Nhưng không ngờ, quyết định chưa công bố thì đã nghe phản ứng. Chị Hai Cổn đến gặp cho tôi biết điều quan trọng: Bình không phải là con gái ông bà già mà tôi vận động lên đây. Bình, một cô gái không có quê hương và gia đình, một cô gái có quá khứ không trong sạch, từng bán bar trong các tiệm rượu những ngày còn Mỹ, và đã ở trong trại phục hồi nhân phẩm những ngày đầu mới giải phóng. Trước khi lên nông trường, có người đã thấy cô "đi" với khách. Những miếng vải vụn mà cô khâu trên vỉa hè chỉ là để che mắt thế gian mà thôi. Với một người như thế tất nhiên không thể làm lãnh đạo họ, chưa nói là nếu nghiêm khắc thì cô ta có thể không được nhận vào làm công nhân nông trường mới đúng.
Tin ấy làm tôi tê dại. Tôi không biết, không tin vào tai mình nữa. Người con gái xinh đẹp, thuỳ mị và cần cù chịu khó đó lại có lúc là một cô gái làm tiền ư? Cái gì là giả cái gì là thật ở người con gái ấy.
Tôi tìm ông già, người mà bấy lâu nay tôi tưởng là cha Bình, người mà tôi tin rằng sẽ hiểu về cô gái nhất, yêu cầu ông nói cho tôi nghe sự thật về Bình.
- Té ra đã đến tai chú rồi sao? Chà, miệng lưỡi thiên hạ! - Ông già ngồi lặng im một lúc rồi kêu lên, nhìn tôi chăm chăm. - Mà chú hỏi làm gì hả?
- Hỏi để biết thôi, bác ạ.
- Chuyện cũ đã qua, bỏ đi. Hiện tại mới là cốt yếu chú à.
- Nhưng họ nói nhiều điều tôi không biết thật hư… - Cái chính là họ ganh tị khi con nhỏ được tín nhiệm. Thật ra con nhỏ chỉ là nạn nhân thôi. Thiệt bụng với chú, tôi rất thương nó. Hoàn cảnh đưa nó vào con đường nhơ nhớp đó là do xã hội ngày trước. Tôi không biết những ngày trước đó, nhưng khi gặp con nhỏ đi trên vỉa hè và nghe nó kể chuyện thì thấy tội nghiệp quá!
- Có bao nhiêu con đường cho người ta sống chứ đâu chỉ có vào sở Mỹ? - Tôi nói.
- Chú kì thiệt! Chú làm cách mạng mà chú nói vậy thì còn biết trông cậy vào ai? Phải nghĩ khác đi, chú à! Tôi nói thiệt đó, chú là người lãnh đạo cao nhứt ở đây, ai nghĩ sao kệ họ, còn mình đừng để họ cho là thành kiến, hẹp hòi.
Rồi ông nói cho tôi biết. Bình mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa. Dượng của Bình là người tốt bụng nhưng ốm yếu, lại đông con. Một lần, má Bình lâm bệnh nặng. Tiền không có, Bình lên Sài Gòn mượn tiền bà con không được, cô đi lang thang và gặp con mụ dắt mối dỗ dành đưa cô đi với một tên đại úy già ra Vũng Tàu. Số tiền kiếm được lần ấy chưa đủ mua thuốc cho má. Thế là cô phải dấn thân vào con đường bán thân nuôi miệng giúp má nuôi em. Ngày Sài Gòn giải phóng cô được đưa vào trường phục hồi nhân phẩm. Học tập tốt, cô được đi xây dựng nông trường trên Củ Chi. Làm ăn cực mà kết quả không có là bao, nhiều người bỏ đi. Không chịu đựng nổi cảnh thân gái nơi xa, Bình bỏ về Sài Gòn làm nghề khâu thuê vá mướn kiếm ăn. Chưa được một tháng thì cô gặp tôi và lên đây.
- Vậy trong một tháng đó, cô ta có đi với khách không? Bác nói thiệt xem? - Tôi hỏi.
- Tôi nói thiệt đó! Con nhỏ tốt lắm. Nó nhận vợ chồng tôi là ba má và nhờ che chở dưới mái hiên chính là để khỏi sa vào cạm bẫy đồng tiền. Nó chịu cực giỏi lắm. Nói thiệt, người như nó mà chơi bời thì khác kia, chớ không chịu bận những quần áo rách thế kia đâu. Người tốt đó!
Mặc dù nghe ông già khen ngợi và bênh vực Bình nhưng tôi vẫn thấy có cái gì chợn gợn day dứt mỗi khi nghĩ về Bình. Cái đó như một vật cản ngang giữa đường tôi đi đến với Bình.
Không được bầu là tổ trưởng, chuyện cũ lại bị đem phơi ra cho mọi người biết và thái độ của tôi với cô ấy tuy rất giữ gìn nhưng có lẽ Bình cảm thấy có khác, cô buồn và trầm lặng. Hàng ngày, cô là người ra lô cạo mủ cao su sớm nhất. Lô cao su cô chăm sóc sạch sẽ không một ngọn cỏ. Giờ thu mủ, bao giờ cô cũng vượt năng suất. Tối tối cô còn đi rất xa để học văn hoá. Tôi thấy thương và quý trọng Bình hơn. Tôi hi vọng thời gian sẽ xoá đi những ấn tượng không đẹp về quá khứ của cô trong đầu tôi. Mọi thứ cần có thời gian. Những vết thương ở trong tôi cũng nhờ thời gian mà lành lại, mà bớt đau. Tôi nghĩ như thế. Không ngờ một sự việc đã xảy ra. Bình bị bịnh sau một tai nạn lao động, phải đi nằm bệnh viện. Tôi đấu tranh mãi, cuối cùng không đến thăm cô. Anh Hai Cổn bảo tôi: "Chú làm vậy không đúng đâu. Nó luôn nhắc đến chú trong lúc mê sảng đó". Khi cô ấy vừa lành bệnh về nhà, tôi đến thăm và ngồi lại hơi lâu để nghe cô ấy nói mấy sáng kiến vừa nghĩ ra trong lúc đau bịnh về cải tiến cạo mủ cao su. Nếu sáng kiến đó mà thực hiện tốt thì một ngày không chỉ vắt được 90 đến 100 lít mủ mà có thể nâng lên đến 130, 140… Thú thật rằng, lâu ngày không gặp, Bình lại mới bịnh dậy, người ốm nhưng cô sao xinh xắn và dễ thương quá trong bộ quần áo màu sáng bận ở nhà. Tôi đã không tự chủ được, đã cầm tay Bình, chúc cô mau mạnh. Tôi không ngờ Bình nắm chặt tay tôi, vừa khóc vừa nói rằng cô đã thương tôi, rằng chính nhờ tôi mà cô đã sống được như thế, rằng tôi chính là cái đích cho cuộc sống và hi vòng của cuộc đời cô. Rằng có tôi, vì tôi, cô sẽ làm được tất cả… Tôi rất xúc động khi nghe những lời Bình nói. Nhưng rồi chỉ một thoáng qua, một con người khác trong tôi đã lấn lên khiến tôi nói với cô những câu tàn tệ và tôi bỏ chạy để mặc cô đứng giữa ngã ba đường. Và rồi mọi chuyện xảy ra như vậy đó.
* * *
Bây giờ tôi lại đi trên đường phố Tự Do. Đi trên đường Tự Do mà lòng tôi đâu còn được tự do nữa. Tôi nhìn tất cả các gương mặt. Tôi lắng nghe những câu chuyện và đuổi theo những bóng dáng quen thuộc, những vành nón. Nhưng vô ích. Cuối cùng, tôi trở lại nông trường vừa mệt mỏi vừa chán nản. Lúc ấy tôi mới hiểu tôi đã yêu Bình. Tưởng như nếu gặp lại em lúc này, tôi sẽ xin em tha thứ và báo cáo với đoàn thể xin cưới em ngay.
Nhưng Bình đã không bao giờ trở lại nữa, mặc dù tôi đã tìm kiếm em khắp nơi.
Năm tháng qua.
Nông trường ngày một đổi mới. Những cây cao su do tay em trồng ngày đó, giờ đã cao ngang gối, chẳng bao lâu nữa sẽ cao ngang đầu và vào mùa thu hoạch mủ. Nhiều người mới được đưa về. Các phòng ban mở thêm ra. Một cô đánh máy về nông trường. Cô là con một cán bộ trong công ty. Cô xấu người mà cũng chẳng được nết, ăn diện và son phấn. Tôi không ưa cô nhưng cô lại tỏ ra chú ý đến tôi. Cô nhằm vào tôi và chỉ ít ngày sau khi đến làm việc, cô tung tin là cô thương tôi và tôi cũng thương cô. Lúc đầu tôi khó chịu và thanh minh với mọi người. Nhưng dần dà tôi cũng chẳng để ý đến dư luận làm gì. Mọi người xung quanh vẫn tưởng rằng tôi và cô thư kí thương nhau thiệt và đang chuẩn bị thành hôn như lời cô nói. May sao, đúng lúc này tin Bình đến với tôi.
"Tất cả gần 2000 công nhân cao su công ty X ghi tên thi đua với nữ công nhân Vũ Thị Châu Bình, người có nhiều sáng kiến nhất trong việc cạo mủ cao su… Chị Bình đã cạo được từ 140 lít đến 145 lít mủ trong một ngày, năng suất chưa từng có…"
Tôi đi như chạy vào nhà anh Hai Cổn. Anh Hai rất vui khi thấy tôi, anh kêu lên:
- Tôi cũng đang định ra chỗ chú.
- Có chuyện chi anh?
Anh cười không nói nhưng đôi mắt anh nhìn tôi thật lạ Anh lấy nước cho tôi uống rồi bỗng hỏi:
- Chú với Kim Hoa lúc nào cưới?
- Đâu có anh Hai!
- Chuyện hệ trọng mà! Tôi hỏi thiệt, chú có thương con nhỏ đó không?
- Con nhỏ nào?
- Chú có nhiều cô vậy sao? Chà, đào hoa dữ! Nè, còn cô này thì sao? - Anh Hai nói và mở ngăn kéo lấy đưa cho tôi tờ báo của nông trường X - bây giờ thì chú hết lo cô ấy quay trở lại con đường cũ rồi nghe! Thiệt không ngờ, mừng cho chú đó!
- Muộn quá rồi, anh Hai! - Tôi buồn bã nói.
- Hai con đường chứ gì? Bây giờ đã đến lúc chú phải tính xem lòng chú để ở đâu?
- Nói thiệt với anh, từ lúc coi hình Bình trên tờ báo với những dòng chữ người ta viết về cô ấy tôi như người sống lại.
- Vậy thì chú phải đến nông trường X… Việc cô Kim Hoa tôi sẽ lo cho chú. Tôi biết cô này. Cô ấy mê chú có mục đích lắm, và cũng không phải mình chú là người nó dự định.
- Chuyện cô Hoa thì tôi có gì đâu mà lo hả anh Hai? Cái quan trọng tôi nói chuyện về Bình kia. Làm sao biết được hai năm qua, Bình có còn là cô Bình ngày trước nữa không, anh Hai? Với một người con gái như vậy có bao nhiêu người quý mến… - Ờ, chú có lí… Vậy chú cứ ở nhà, để tôi đi xem sao. - Anh Hai Cổn nói.
Tôi nhìn ra ngoài lô cao su đẫm nắng trước nhà. Cao su đang mùa đậu lá. Những vòm lá che rợp trên đầu tôi như một vòm trời màu lục. Bình yêu cây cao su, đau khổ cũng không bỏ thì Bình chẳng dễ quên tôi. Ý nghĩ đó an ủi tôi nhưng cũng chẳng làm tôi bớt lo buồn, ân hận. Lẽ ra dưới vòm trời xanh đẹp như thế này, người ta phải được sung sướng và hạnh phúc, sao cứ làm khổ nhau?
Gương mặt Bình hiện ra với đôi mắt đẫm nước.
- Anh Hai ơi!
Tôi kêu lên và quay trở lại. Tôi cảm thấy không nên để anh Hai Cổn đi tìm Bình mà chính tôi, tôi phải đi tìm em, cho dù rằng em đã có chồng và đang hạnh phúc!
Trong Vòm Trời Màu Lục Trong Vòm Trời Màu Lục - Nguyễn Thị Ngọc Tú