Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Kỳ Lam
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 437 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi dòng tiểu sử Tên thật Nguyễn Đình Hà sinh năm 1940 tại làng Kỳ Lam quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam cựu giáo chức, cựu sĩ quan VNCH (lực lượng đặc biệt) đến Hoa Kỳ năm 1981, hiện định cư tại New Jersey USA khởi viết năm 1991 tác phẩm đã xuất bản:
Vùng Đá Ngầm (truyện, Thế Kỷ 1994, USA) Núi Vẫn Xanh (truyện, Thế Kỷ 1999, USA) ** *** (Tặng Võ Đình Tuyết như đã hứa ) Cuốn sổ tay nhỏ vừa bằng cỡ túi áo trên, với một lỗ đạn dùi xuyên suốt gần gáy, bìa cứng màu xanh nhạt đã sờn nhiều chỗ, góc các trang bên trong bị xoắn lên. Trang trong của tờ bìa dán một tấm ảnh trắng đen nhỏ xíu, bằng khổ hình căn cước. Điều may mắn khá mỉa mai là ảnh còn nguyên vẹn, không bị đạn cày nát - còn chủ nó thì sao? Người trong ảnh khoác áo âu­ phục trắng kiểu cổ bẻ, để lộ chiếc áo bên trong cũng màu trắng, và một chiếc cà vạt đen, đầu đội mũ kết trắng. Không đoán nổi tuổi tác, chỉ có thể nói người ấy không thể tới bốn mươi, mặc dù khuông mặt xương xương. Cũng không thể nói lính gì, và cấp bậc gì. Không thấy ghi tên họ trong cuốn sổ.
Chủ nhân của cuốn sổ tay dường như thích ghi lại những sự việc, những niềm riêng tây. Có vẻ như một nhu cầu cần bộc bạch trên giấy cho chính mình đọc. Những điều ghi chép phần lớn liên quan đến cuộc sống trong rừng, không nói gì về quê hương, gia đình đương sự ngoài Bắc, ngoại trừ mấy hàng nhật ký cuối cùng viết trong ngày của đêm đụng trận - nhóm ngày tháng ghi ở đầu giòng cho Quang biết như thế.
Mở đầu, cuốn nhật ký viết:
" Trên đường Trường Sơn ngày 29 tháng 8 năm 1968.
Mấy hôm nay cứ lên cơn sốt mãi, nhưng cứ gắng bám theo đơn vị không dám khai bệnh. Nếu nằm lại trạm xá điều trị, đơn vị sẽ bỏ lại, và phải chờ để bổ sung vào một đoàn khác ngoài Bắc vào. Ra đi từ quê nhà có anh có em, nương tựa, đỡ đần nhau, nếu phải sung vào một đơn vị lạ thì buồn quá!
Cách khoảng gần một tháng, những giòng nhật ký tiếp tục:
Ngày 20 tháng 9 năm 1968.
" Thời tiết đây khác quá, chiều nào cũng mưa rả rích."
Với giòng chữ này có lẽ chủ nhân của cuốn nhật ký đã đặt chân lên vùng " Tây Nguyên" - tên họ gọi vùng Cao Nguyên - và là ma mới chưa quen nước quen cái vùng này, vì nếu không thì anh ta đã biết mùa mưa của Cao Nguyên kéo dài từ tháng năm đến tháng mười, trùng với mùa mưa miền hạ lưu sông Đồng Nai. Rồi lướt qua các trang ghi những sinh hoạt nội bộ đơn vị như học chính trị, đi lãnh gạo, thuốc men, nghỉ dưỡng quân, t¡m giặt v.v., Quang lại chú ý tới mấy giòng vắn tắt nhưng khá đặc biệt:
" Ngày 30 tháng 11 năm 1968.
Sáng nay tắm dưới suối lên thấy cuốn sổ đặt sai vị trí cũ. Thế là không tốt, có ai xem lén nhật ký rồi."
Rồi kế tiếp, có lẽ cùng trong ngày đó vì không thấy ghi ngày tháng, tác giả buông một câu nghe như cung đàn lạc điệu, " Cái tình của người thủ trưởng thật quí hóa."
Ngày 17 tháng 12 năm 1968.
Trong lúc đang điều nghiên và vẽ lại vị trí đóng quân cũ của Mỹ trên đồi, đói quá, nom thấy một hộp thịt mình đã mở ra chén hết. Ăn xong thì đã đến giờ phải về. Thế là không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng chỉ tại cái hộp thịt!
Quang thấy mấy hàng nhật ký trên vừa ngộ nghĩnh vừa có một giá trị nào đó. Đây là chi tiết đầu tiên từ nãy giờ giúp anh biết tác giả là một trinh sát viên. Rồi người đọc lại nhảy bỏ một số trang không hay ho l¡m. Đầu giòng một trang mới, với nhóm ngày tháng mới, người đọc thấy:
" Ngày 10 tháng 4 năm 1969.
Đêm nay đi kích đường 14. Chiếc L 19 cứ bay rà rà trên đầu, loa cứ lãi nhãi chiêu hồi, chiêu hồi. Mẹ kiếp, ông hồi cho mấy quả bây giờ."
Quang vẫn dõi theo những trang nhật ký chảy miên man, không chủ định, không tuần tự, như những con đường mòn ngoằn ngoèo của núi rừng Trường Sơn. Anh bỗng khựng lại, như một người đi rừng bỗng dừng bước vì con đường mòn đột ngột chấm dứt, và rừng cây um tùm chắn lối:
" Ngày 15 tháng 7 năm 1969.
Cả tháng nay không ghi nhật ký. Giờ này không biết Hoàng hay Thúy Ái đã ra đời. Nhớ đêm cuối cùng trước khi đi B, Thu đã tìm đến nơi đơn vị tập trung. Một người bạn cho mình biết cô ấy cần gặp mình. Mình đã trốn trại, trèo rào ra gặp vợ. Mình biết như thế là không đúng, là mềm yếu. Thu báo tin đã có thai. Hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau, nếu là con trai thì đặt tên Hoàng, gái thì là Thúy Ái."
Và con đường Trường Sơn ngoằn ngoèo trong tâm tư của chủ nhân cuốn sổ tay đến đây bị nghẽn lối. Một phần ba cuốn sổ còn lại là những trang giấy trắng sẽ vĩnh viễ­n không còn nhận được một chữ nào của chủ nó nữa...
* Quang bước vào trung tâm hành quân một lần nữa để nhìn mớ chiến lợi phẩm mà toán phục kích đêm qua vừa mang về căn cứ lúc nãy. Tất cả gồm có ba chiếc ba lô, hai khẩu tiểu liên AK 47, mấy quả đạn B 40, mấy quả lựu đạn chày. Anh nhìn thật lâu mớ đồ vật đó, vẻ mặt thoáng nét đăm chiêu. Nhưng thật ra, nếu ai tinh ý có thể thấy anh không nhìn toàn thể đống chiến lợi phẩm, anh chỉ nhìn chăm chú một món đồ, chiếc ba lô có một lỗ đạn xuyên từ hông này sang hông kia, hay nói cho chính xác, từ hông bên phải sang hông bên trái, một điều sơ đẳng nhất mà người lính chiến nào cũng nói được khi nhìn lỗ bên phải nhỏ bằng đầu đũa, và lỗ bên kia lớn bằng cái nút phéng chai bia. Anh lại nhấc cái của đáng tội kia lên, xem xét tứ phía rồi đặt lại chỗ cũ. " Không có lấy một vết máu," anh khẽ nói với chính mình. Hai chiếc ba lô còn lại thì lành lặn nhưng bê bết máu.
Ba lô lủng như thế thì viên đạn đã đi song song với thân người, chứ không thể cắt một đường thẳng góc với thân thể anh tạ Quang thấy d­ễ chịu. Nhưng anh bỗng khựng lại: Tại sao lại vứt ba lô lại? Anh ta bị trúng đạn ở chỗ khác trên thân thể chăng. Có thể đạn trúng ngực, trúng vào đầu, hay trúng vào chân làm gãy xương. Quang thích nghĩ đến điều sau cùng: vâng, chắc đồng đội lại dìu anh ta đi; vứt ba lô để bôn tẩu cho nhẹ nhàng. Và chiếc ba lô không nhất thiết phải vấy máu.
Quang ôn lại những chi tiết cuộc đụng độ mà tiểu đội trưởng Thanh đã báo cáo với anh. " Như đại úy đã căn dặn: ở hoàn cảnh phục kích đêm không thể thấy được chiều dài của mục tiêu, nên cách tốt nhất là đánh khúc đuôi, và tôi đã làm như thế, nổ súng ngay khi cái bóng đen nhờ nhờ sau cùng di chuyển qua trước mặt một đoạn. Tôi phải đợi một đoạn, để chắc ăn đoàn người đã dứt. Chúng chỉ vào khoảng một trung đội. Thành phần đi trước bắn trả dữ dội. Tôi cho tiểu đội dạt ra xa con đường mòn, đổ dốc xuống bờ suối, bố trí thành hình cánh cung, hướng về phía vừa chạm địch, và " trụ" qua đêm. Chúng tiếp tục bắn cầm chừng về phía chúng tôi. Rồi hỏa lực bỗng rộ lên, mưa đạn xối xả bay ngang đầu chúng tôi cả mấy phút. Chúng tôi biết đối phương đang bắn phủ đầu để kéo xác và di tản thương binh... Tờ mờ sáng, tiểu đội bò đến gần con đường, quan sát chẳng thấy động tĩnh gì cả. Rải rác trên đường là mớ vũ khí, ba lô, đạn dược như thế. Có điều vết máu chạy dài khoảng vài trăm thước về hướng Tây, lên các đồi cao, rồi mất dấu... "
Tất cả chỉ có thế, không giúp gì cho giả thuyết của anh. Đôi lần Quang định gọi trung sĩ Thanh lên để hỏi xem hắn có biết loạt đạn đầu tiên của mình - cũng là hiệu lệnh cho tiểu đội khai hỏa - có trúng vào " cái bóng đen nhờ nhờ" đi sau cùng đó không. Rồi anh quyết định không nên làm thế. Chẳng rọi được tia sáng nào vào điều muốn biết, cho dù biết chiếc bóng đen kia trúng đạn, và lại có thể gây thắc mắc cho thuộc cấp.
Quang không lạ gì với hiện tượng viết nhật ký trong hàng ngũ cán binh miền Bắc tại chiến trường miền Nam. Anh cũng biết được vì sao có hiện tượng kia, qua các câu chuyện với tù binh và hồi chánh viên. Cần thổ lộ để giải tỏa, nhưng chỉ dám trút nỗi niềm vào giấy thôi. Cứ mỗi lần chiến lợi phẩm thu được có cả ba lô thì những thứ đó luôn luôn được anh " chiếu cố" trước tiên, vì ngoài mục đích tìm những tài liệu của đối phương, anh còn có cái thú là đọc những gì riêng tư thầm kín được ký thác trong những cuốn sổ tay nho nhỏ. Đối với Quang chiếc ba lô là gia tài của người lính ở mặt trận, chứ không phải khẩu súng. Chiếc ba lô nói nhiều về chủ nhân của nó. Anh đã đọc khá nhiều nhật ký lấy từ trong các ba lô đã vượt cả nghìn cây số đường Trường Sơn.
Nhưng lần này lạ quá, những hàng chữ sau cùng trong cuốn nhật ký của một kẻ đối phương bỗng làm bận tâm viên sĩ quan từng dày dạn chiến trận, từng được chiến tranh dạy cho cái nguyên lý của nó. Quang có một bức ảnh nhòa nhạt của một người lính Bắc Việt, nhưng không biết danh tính. Và anh lại biết tên một người phụ nữ ngoài Bắc nhưng không biết mặt. Một đôi vợ chồng kẻ Bắc người Nam. Họ vừa có một đứa con, chắc lên vài tháng. Những gì còn lại về họ, Quang không sao biết được. Anh chỉ biết phó thác tất cả cho sự an bài của số mệnh. Chị Thu, tôi muốn gửi đến chị một ước mong, mà xét cho cùng nó phi lý không kém những điều phi lý vẫn đầy dẫy trong mọi cuộc chiến tranh, là mong rằng anh ấy chỉ bị thương xoàng để nhận được thư chị báo tin cháu Hoàng hay cháu Thúy Ái đã ra đời, và để còn có cơ may sống sót qua cuộc chiến này, dù bên nào thắng.
Trang Nhật Ký Trang Nhật Ký - Hà Kỳ Lam