Số lần đọc/download: 827 / 16
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
M
ột loạt truyện ngắn của ông viết vừa rồi về quan trường, tôi có đọc hết. Tôi nhận thấy có truyện ông bịa thêm nhiều, có truyện ông bịa thêm ít, nhưng những cốt truyện đều có thực cả. Tôi không oán trách gì ông, trái lại, nhân tiện hôm nay gặp ông đây, tôi xin hiến ông thêm một tài liệu để ông viết.
Ngày ấy, tôi mới ra làm quan, ngồi ở huyện T.V., một huyện rất còm cõi, với năm mươi bảy xã, rặt một giống dân cò trắng. Bọn chúng tôi, anh nào lép vế, ít tiền lễ mới phải nhận cái hạt khốn nạn này. Vì quanh năm chỉ làm đầy tớ dân. Thế mà đến vụ nước lớn, còn mất ăn mất ngủ nữa. Con sông Nhị Hà nó như một bà lão cay nghiệt, lại chảy qua huyện tôi những hai mươi cây số.
Tôi về T.V. được năm tháng, thì cố cày cục để được đổi trước mùa nước về Nam Định, hoặc Thái Bình chẳng hạn, ở những hạt béo bở và ít đê. Song, vì các phủ huyện như của bán đấu giá, nên người ta thách tôi một món tiền cao quá, mà tôi không đủ vốn để xuất ra buôn lấy lãi. Vì vậy, tôi đành miễn cưỡng ở lại T.V.
Năm ấy nhãn sai, và kiến ra nhiều. Theo kinh nghiệm, quyết là lụt to. Nhất là tôi nghĩ đến những ông huyện trước tôi, một ông vì chểnh mảng đê điều đến nỗi phải triệt hồi, một ông vì quá mẫn cán đến nỗi bị dòng nước lôi đi, thì tôi càng lo lắng cho công danh và số phận tôi quá.
Tính tôi thích chơi bời. Từ ngày mua được ô tô, không mấy chiều thứ Bảy tôi vắng mặt ở xóm Khâm Thiên. Vợ tôi ghen tuông đã dữ dội, nhưng con đầu Trà, nhân tình tôi, lại khéo chiều chuộng tôi quá lắm, khiến tôi không tài nào thật bụng với vợ được. Những ngày nghỉ, nếu tôi không lẻn được về với nó, tôi tưởng có thể phát điên phát cuồng lên. Cho nên những trận tam bành, những đêm giày vò, những lời đay nghiến của người đàn bà, đối với tôi, chẳng có công hiệu gì. Tôi vẫn liều lĩnh đi Hà Nội để được nghe những lời nỉ non, ỏn thót, để được bỏ ra hàng cuộn bạc giấy, vun đắp cho người yêu được ấm no.
Bởi cần kiếm thêm nhiều tiền, nên tôi phải bớt nhiều sự liêm chính. Vả làm quan mà không ăn tiền, bạn đồng nghiệp chúng tôi sẽ chê là gàn, là ngốc, là không biết làm quan. Cho nên, ngoài những món tự thằng dân ngu dại đem hiến cho tôi, tôi còn phải vẽ việc để khoét chúng nó một cách thậm bất công và thậm vô lí.
Tháng Bảy năm ấy, mưa ngâu sùi sụt suốt nửa tháng trời, không tạnh. Mà nước các ngả dồn về, mặt sông càng ngày càng dâng cao. Lí trưởng xã Thượng Vệ làm giấy bẩm xin tôi về khám khúc đê làng nó, bị mưa dầm làm bủng đất, và nếu nước cứ to mãi, hoặc có một trận bão nhỏ, khúc đê ấy khó lòng đứng vững được.
Nhưng không hiểu làm sao, tôi lại coi khinh lời báo của tên lí trưởng. Phải, nếu tôi bận về đê, ngày nào cũng phải đi vắng, thì không thể làm hết được tất cả các việc ở huyện. Tôi sẽ phải giao cho ông trợ tá hoặc bọn thừa phái, lục sự giúp tôi. Như vậy, tôi thiệt rất nhiều lợi. Tôi bèn lấy lệ, sức cho lí trưởng sở tại phải trông nom đê cho cẩn thận, và phải khẩn trình, khi thấy có nguy cấp. Tôi biết như vậy, là làm một việc rất vô lí Một người lí trưởng chẳng có quyền hành gì, mà phải chịu một trách nhiệm nặng nề như vậy, thì làm thế nào được. Nhưng lệnh trên đã ra, lí trưởng Thượng Vệ không dám cưỡng nên đêm ngày phải cho người nằm trên mặt đê để canh.
Đáng lẽ tôi nên ra tận khúc đê xung yếu để được mắt nhìn thấy nỗi nguy hiểm, rồi liệu cách mà đề phòng. Nghĩa là sức các làng lân cận lấy phu phen, tre pheo, để phụ rộng thêm, hoặc be con chạch, hoặc cùng lắm, đắp một con đường quai chảo để chắn cho nước khỏi lan vào đồng, nếu đê ngoài có vỡ. Hay nếu thế mình có yếu, thì trình quan trên xin sở Lục lộ phái người về, cùng lấy sức ủng hộ của các phủ huyện bên cạnh. Nhưng không làm thế, tôi cứ nằm lì ở nhà. Và chiều thứ Bảy, theo thói quen, tôi chuồn về Hà Nội.
Cho nên trời quả báo, nổi ngay một cơn bão cực lớn. Và khi trông thấy lí trưởng Thượng Vệ phi ngựa đến huyện, tôi biết ngay là có chuyện lôi thôi to.
Quả vậy, khúc đê làng hắn nguy quá. Nếu mưa gió không ngớt, thì chỉ đêm nay là đi đời. Tôi tức tốc đến nơi. Mặt sông đỏ ngầu, rộng mênh mông, nước cuồn cuộn chảy, xoáy rất mạnh; những con sóng lớn xô nhau vào bờ, vỡ ra, kêu uồm uồm, toé như mưa rào. Gió gào ù ù, giật lên từng hồi, đánh những hạt nước vào mặt, rát như roi quất.
Tôi lo quá. Nhìn xung quanh, tôi thấy mù mịt một cách ghê sợ.
- Bẩm bây giờ gió mới quay sang Đông, xem chừng Đông này còn dai, chưa thể đổi sang Nam được.
Nghe lí trưởng nói, tôi thở dài. Nghĩ đến hôm sau là thứ Bảy, đáng lẽ tôi được đúng hẹn với con Trà, lên hú hí với nó, thành ra đã chẳng được hưởng sự sung sướng với tình nhân, tôi lại phải dầm mưa dãi gió. Và nếu khúc đê này có thế nào, tôi chắc không thể yên được với quan trên. Bất giác tôi sụt sùi, hai hàng nước mắt lã chã.
Hương lí và nhân dân đứng cạnh, chẳng hiểu tâm sự tôi, nên ai cũng dạt dào. Ý hẳn họ thấy tôi quay mặt về phía đồng ruộng xanh rờn và làng mạc sầm uất mà khóc nên họ cảm động lắm.
Biết rằng thế nước đã mạnh, lại thêm sức sóng gió giúp thêm, tôi đoán trước là khúc đê này, tuy có chút ít công người gìn giữ, nhưng gìn giữ quá muộn, thì thể nào cũng vỡ. Nhưng không lẽ tôi lại mần ngơ. Nên muốn che lỗi mình, tôi phải nằm suốt đêm ở đình Thượng Vệ, để đốc thúc dân phu, và để có mặt tại đó khi đê vỡ, ngõ hầu che sự lười biếng trước mắt quan trên.
Thì quả nhiên, hồi bốn giờ sáng, khúc đê lở, rồi vỡ. Nước chảy ào ào như thác. Tiếng trống, tiếng chó, tiếng tù và, tiếng người nổi dậy lên một góc trời. Chỗ vỡ bị cuốn lở to dần, và thác nước chảy réo rất dữ dội
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió lặng, sóng yên. Nhưng cả một cánh đồng trắng xoá những nước, mênh mông như biển. Gò đống, mồ mả ở gần bị bật lên, trôi phẳng cả đi. Làng mạc chỉ còn như những hòn đảo.
Những cảnh thảm vì lụt mà tôi được nghe người ta kể đến tai, nào những nhà trôi, người chết, nào những của cải tan tành, làm tôi ân hận vô cùng. Nhìn biển nước càng bát ngát, tôi càng thấy tội tôi to. Và nghĩ đến những oan hồn nó báo oán sau này, thì tôi và con cháu tôi tránh sao cho khỏi bại hoại.
Song, cái kết quả ác hại ngay trước mắt, thì là chỉ trong tháng này thôi, tôi sẽ bị triệt hồi. Hoặc nhẹ ra, cũng bị đổi lên thượng du. Sự trừng phạt về kỉ luật để làm gương cho các ông quan khác trễ nải công việc, tất tôi không thể lấy tiền mà giãy được. Sao trăm nghìn tiếng oán chả thấu đến tai quan trên? Thì dù tôi có tốt thầy tốt thợ, song, tội trạng hiển nhiên ra đó, ai bênh vực nổi?
Bởi vậy tôi phải lập kế.
Tôi bèn gọi tên người nhà tâm phúc đến để buồn rầu mà dặn nhỏ nó:
- Thao ơi, tao tự tử đây.
Thằng Thao kinh ngạc, run lên, đáp:
- Lạy quan lớn, xin quan lớn chớ liều quá thế. Đê vỡ là do giời làm, chứ có phải lỗi riêng ai mà quan lớn lo sợ?
- Tao không lo sợ, tao chỉ thương dân thôi. Mày cho tao mượn cái thắt lưng, tao treo cổ tao lên xà đình này, để tạ tội cùng bao nhiêu sinh linh chết oan uổng.
Nghe những lời can đảm, quả quyết của tôi, thằng Thao ngỡ thật. Nó lạy van, khóc lóc mãi. Vì vậy, tôi càng làm ra cương quyết. Nó không dám cho tôi mượn thắt lưng, chối rằng không có. Tôi mắng nó tàn nhẫn những là ích kỉ, là vô lương tâm. Tôi bắt nó mua một cuộn thừng mới.
Nó ngậm ngùi, cầm tiền đi ra. Thấy vẻ mặt băn khoăn của nó, tôi đoán ăn kẹo nó cũng chẳng dám để tôi liều mạng. Tất nó báo cho nọi người biết tin dữ dội này để đề phòng. Ý tôi cũng chỉ định có thế. Nếu tự tự thật, tôi cứ lẳng lặng mà chết, dại gì lại sai người giúp, để việc vỡ lở ra.
Tôi chờ thằng Thao đi khỏi, mới lấy bút giấy, thảo thư tuyệt mệnh. Tôi chỉ viết một bức gửi cho dân mà thôi. Ý là tôi chỉ thương dân, chứ không nghĩ gì đến vợ con cả. Trong thư, tôi dùng hết những lời nhân đạo của một vị phụ mẫu, vì thấy dân đói khổ mà xót xa, đến nỗi chẳng thiết sống.
Có đoạn tôi đặt được những câu thống thiết, đến nỗi chính tôi cũng cảm động. Một ông Công sứ Thái Bình, vì để đê vỡ, lo phải cách, nên tự tử bằng súng lục. Một ông tướng ở Quy Nhân, vì không giữ nổi thành mà tự thiêu bằng thuốc đạn. Hai vị đó được bọn nịnh thần ca tụng, lập đền kỉ niệm. Thì tôi tự tử, dẫu không chết, song, tất được ít nhiều tiếng khen. Mấy tờ báo hàng ngày đang đói tin mà vớ được việc này, thì tha hồ mà phóng đại. Vậy tuy toà án lương tâm có trừng phạt tôi nghiêm ngặt, nhưng toà án dư luận sẽ tha bổng tôi. Và biết đâu, lại khen ngợi tôi là khác nữa. Và do thế, có lẽ tôi sẽ cũng vô tội với kỉ luật của quan trường chăng.
Thằng Thao mua dây về đưa tôi. Mặt nó xám ngoẹt và rưng rưng nước mắt. Nó can ngăn một lúc nữa, vô công hiệu, nên phải lui ra. Còn tôi, cứ ngồi rũ tên ghế, gục đầu xuống ngực như một người ăn năn tội thật. Một lát, tôi để bức thư ở ghế, đứng lên bàn, vòng dây vào xà nhà.
Quả nhiên, khi tôi vừa thò cổ vào thừng, đã có hàng chục người chạy ồ vào, rú lên, ôm lấy tôi, giấu thừng đi, không cho tôi liều mạng. Người ta van lơn tôi. Người ta khuyên giải tôi. Người ta an ủi tôi. Có người ngây thơ quá, sụt sịt khóc.
Kết quả việc làm của tôi đúng như ý định. Các báo hàng ngày đăng tin, phỏng vấn, in ảnh tôi, và gây nên một dư luận thật xôn xao để cảm lòng bác ái của tôi.
Rồi quan trên không lấy chứng cớ gì mà buộc tội tôi được.
Nhờ việc tự tử, tôi thoát nạn. Và sự gian dối ấy có lợi cho tôi trong những lần thăng thưởng về sau. Bởi thế, trong có ngót mười hai năm trời, tôi đã thăng đến bố chánh, giàu có, sung sướng và nhàn hạ. Bây giờ, đến tuổi về hưu, tôi nhớ lại việc cũ, cho là có nói thật cũng không hại gì cho bước công danh của tôi. Cho nên tôi kể lại cho ông viết câu chuyện tự tử này…
1938