Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Maxim Gorki
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Vu Van Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1539 / 14
Cập nhật: 2015-10-05 14:34:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ồi tôi lên sáu - bảy tuổi, ông tôi bắt đầu dạy tôi học chữ. Việc đó diễn ra như thế này.
Có lần, vào buổi tối, ông tôi lấy đâu được quyển sách mỏng, đập quyển sách mỏng vào lòng bàn tay, vào đầu tôi và vui vẻ nói:
- -Nào, thằng bé Can mức, ngồi vào học vần chữ cái đi! Thấy cái hình này chứ? Đây là Az(1). Nói đi: azơ(1)! Đây là buki(1), đây là vedi. Hiểu chứ?
-Hiểu à.
-Nói dối.
Ông chỉ tay vào chữ thứ hai.
-Đấy là cái gì?
-Buki.
-Còn cái này?
-Vedi.
-Thế còn cái này? - Ông chỉ vào chữ thứ năm.
-Cháu không biết.
-Khá. Thế đây là chữ gì?
-Azo.
-Đúng rồi! Nói đi: động từ, việc tốt, ăn, sống!
Ông quàng cánh tay vững chắc, nóng hổi ôm lấy cổ tôi, chỉ ngón tay vào những chữ cái ở ngay dưới mũi tôi, và hét lên, mỗi lúc một cất cao giọng:
- Đất! Người!
Tôi vui thích thấy rằng những từ quen thuộc - việc tốt, ăn, sống, đất, người - được vẽ trên giấy thành những dấu hỏi đơn giản, và tôi ghi nhớ hình dạng của chúng một cách dễ dàng. Ngót hai tiếng đồng hồ, ông tôi lùa tôi đi trên bảng vần chữ cái, và cuối buổi học, tôi dã gọi đúng được hơn chục chữ cái, tuy vẫn hoàn toàn không hiểu phải đọc như thế để làm gì và biết tên các chữ cái rồi thì làm thế nào có thể đọc được.
Bây giờ học chữ dễ hơn nhều, vì người ta dạy theo âm, a đọc đúng là a, chứ không phải là azơ, v thì đúng là v chứ không phải là vedi. Những người thông thái nghĩ ra cáh dạy vần chữ cái theo âm đáng được cám ơn muôn phần: nhờ cách đó đã gìn giữ được bao nhiêu sức lực của trẻ em và việc học chữ nhanh hơn biết bao! Thế đấy: ở đâu khoa học cũng cố gắng làm giảm bớt sự khó nhọc của con người, để con người khỏi phí sức, vô ích.
Trong ba ngày, tôi đã nhớ tất cả các chữ cái và đã đến lúc học vần: ghép các chữ cái thành từ. Bây giờ, theo lối ghép âm, việc đó thật đơn giản, chỉ việc đọc các âm: ô, k, n, ô là lập tức được nghe thấy mình nói một từ nhất định, quen thuộc: ôknô(2).
Tôi học theo cách khác: muốn nói từ ôknô, tôi phải thốt lên một tràng dài vô nghĩa: ôn - kakô - nasơ - ôn-nô-ôknô. Những từ nhiều vần ghép càng khó và kỳ quặc hơn.
Sự rắc rối đó của những vần vô nghĩa làm tôi mệt ghê gớm, óc mau mỏi, trí tưởng tượng không hoạt động. Tôi nói một câu vớ vẩn buồn cười và phá lên cười vì câu nói đó của mình. Mỗi lần như thế ông tôi bợp vào gáy tôi hay vụt tôi bằng roi. Nhưng không thể không phá lên cười khi nói một câu vớ vẩn như: buki - azơ - ba = ba. Cũng dễ hiểu là tôi thường đánh chữ nọ ra chữ kia. Vì những sai lầm ấy, ông vụt tôi không tiếc tay hay nắm tóc tôi kéo đến đau buốt cả đầu.
Không thể nào tránh khỏi sai lầm, vì với lối đọc từ như thế thì khó mà hiểu được, phải đoán ra nghĩa của chúng và không được nói cái từ giống nó về âm thanh.
Một thời gian dài - chừng một tháng hay lâu hơn - từ ốm mòn về học vần, nhưng tình hình còn khó khăn hơn khi ông tôi bắt tôi đọc thánh thi viết bằng tiếng Xlavơ cổ. Ông tôi đọc thứ tiếng dó nghe hay và lưu loát, nhưng chính ông không hiểu rõ nó khác với vần chữ cái thường như thế nào. Đối với tôi, đã xuất hiện những chữ cái mới: pxa, kxi(1), ông không thể giải thích được chúng ở đâu ra, mà cứ đấm vào đầu tôi và thốt lên:
- Không phải là pôkoi, đồ quỷ ranh ạ, mà là pxa, pxa, pxa (3).
Thật là một khổ hình, nó kéo dài chừng bốn tháng cuối cùng tôi đã biết đọc cả “theo lối thường” cũng như đọc “theo lối nhà thờ”, nhưng tôi đâm ra thù ghét viết đọc sách và thù ghét sách ghê gớm.
Mùa thu, tôi được đưa vào trường học, nhưng mấy tháng sau, tôi mắc bệnh đậu mùa và việc học phải bỏ dở, điều đó làm tôi rất vui sướng. Một năm sau, tôi lại bị tống vào trường. nhưng đây là trường khác.
Tôi đến trường với đôi giày của mẹ, với chiếc bành-tô nhỏ may lại bằng chiếc áo ngoài của bà, với chiếc sơ-mi màu vàng và chiếc quần “buông chùng”. Tất cả những cái đó lập tức bị chế nhạo, vì chiếc áo sơ-mi vàng mà tôi được tặng biệt hiệu “thằng tù khổ sai”. Tôi dàn xếp với những thằng bé một cách nhanh chóng, nhưng thầy giáo và cha cố không ưa tôi.
Ông giáo mặt vàng ệch, đầu hói, thường xuyên chảy máu cam. Ông ta lên lớp, hai lỗ mũi nút bông, ngồi xuống bên bàn, cất giọng mũi lè nhè hỏi bài, và nửa chừng bỗng im bặt, rút bông trong mũi ra, nhìn kỹ miếng bông, lắc đầu. Mặt ông ta dẹt phẳng, màu đồng xỉn, ỉn xịu, giữa các nếp nhăn có một màu xanh rêu không rõ là cái gì. Khuôn mặt ấy đặc biệt xấu đi vì đôi mắt trắng dã hoàn toàn cứ nhìn dính vào mặt tôi, làm tôi hết sức khó chịu, đến nỗi lúc nào cũng muốn đưa tay lên xoa má.
Tôi ngồi ở dãy đầu, bàn trên cùng, gần sát bàn thấy giáo - điều đó thực không thể chịu đựng được, dường như ông ta không nhìn thấy ai ngoài tôi, ông ta luôn luôn nói giọng mũi lè nhè:
- Peskô-ôp, thay áo sơ-mi-i đi! Peskô-ôp, không được ngọ nguậy chân dưới bàn! Peskô-ôp, giày của trò lại chảy vũng nước ra rồi.
Tôi trả thù ông ta bằng một trò nghich ngợm man rợ: có lần, tôi kiếm được nửa quả dưa hấu, khoét hết ruột và lấy dây buộc vào cái ròng rọc của căn phòng tranh tối tranh sáng. Khi cửa mở, miếng dưa hấu bị kéo lên cao, khi ông giáo khép cửa, miếng dưa hấu chụp thẳng xuống cái đầu hói của ông ta như cái mũ. Người gác trường đưa tôi về nhà, mang theo mẩu giấy của thầy giáo. Vì cái trò tinh nghịch ấy, tôi bị một trận đòn nên thân.
Lần khác, tôi rắc thuốc lá ngửi vào ngăn kéo bàn ông ta, ông ta hắt hơi đến nỗi phải bỏ lớp, cho con rể là một sĩ quan đến thay. Gã này bắt cả lớp hát bài “Lạy Chúa xin Chúa che chở cho Sa hoàng” và “Ơi ý chí, ý chí của ta”. Những đứa hát sai bị gã giọt thước kẻ vào đầu, giọt kêu đặc biệt và khá buồn cười. Nhưng không đau.
Thầy dạy giáo lý là một giáo sĩ trẻ đẹp, tóc dày, không ưa tôi vì tôi không có “Thánh sử cựu ước và tân ước”, và vì tôi hay nhại lối nói của ông ta.
Khi đến lớp, việc đầu tiên là ông ta hỏi tôi:
- Peskốp, có mang sách đến không? Đúng, sách ấy mà?
Tôi đáp:
- Không. Con không mang. Đúng.
- Đúng cái gì?
- Không đem đến ạ.
- Thế thì xéo về nhà! Đúng. Về nhà. Bởi vì ta khong có ý định dạy con. Đúng. Ta không có ý định.
Điều đó không làm tôi buồn phiền lắm, tôi ra và lang thang qua các con phố ngoại ô bẩn thỉu, để ý xem xét đời sống ồn ào của nó.
Mặc dù tôi học khá, ít lâu sau người ta bảo rằng tôi bị đuổi khỏi trường vì hạnh kiểm xấu. Tôi chán nản, điều đó đe dọa đem đến cho tôi những chuyện rầy rà lớn.
Nhưng cứu tinh chợt xuất hiện: giám mục Crixanfơ đột nhiên tới trường.
Ông ta người nhỏ bé, mặc bộ áo đen rộng thùng thình, đến ngồi bên bàn, rút tay ra khỏi những ống tay áo và nói:
“Nào, ta nói chuyện với nhau đi, các con!” Không khí trong lớp lập tức trở nên ấm áp, vui vẻ, mọi người dều cảm thấy dễ chịu khác thường.
Ông gọi tôi đến gần bàn, sau khi đã gọi nhiều đứa khác, và hỏi một cách nghiêm trang:
- Con lên mấy? Có thế thôi à? Sao dài người thế, chú bé. Hay bêu mưa lắm, phải không?
Ông ta đặt bàn tay khô gầy, với những móng tay to và nhọn lên bàn, nắm lấy chòm râu thưa, nhìn chằm chằm vào mặt tôi bằng đôi mắt hiền từ, và bảo tôi:
- Nào kể cho ta nghe một đoạn trong thánh sử, con thích đoạn nào?
Khi tôi nói rằng tôi không có sách và tôi không học thánh sử, ông ta sửa lại chiếc mũ giáo sĩ và hỏi:
- Sao lại thế? Cái đó cần phải học chứ? Nhưng có thể con cũng biết đôi chút chăng, có nghe nói đến không? Có biết thánh thi không? Thế thì tốt! Cả những bài cầu nguyện nữa à? Đấy thấy chưa! Lại còn sự tích của thánh nữa à? Bằng thơ à? Chú bé của ta biết nhiều đấy.
Giáo sĩ của chúng tôi tới, mặt dỏ, thở hổn hển. Giám mục ban phước cho ông ta, nhưng khi ông ta bắt đầu nói về tôi thì giám mục giơ tay nói:
- Xin cha một lát... Nào, kể về Alêchxây người của Chúa đi.
- Những vần thơ tuyệt diệu phải không, chú bé? - Giám mục nói khi tôi dừng lại vì quên một câu thơ nào đó.... - Còn gì nữa không?... Về vua Đavit hả? Ta chú ý nghe đây.
Tôi thấy rằng quả thực ông ta nghe và ông ta thích thơ. Ông hỏi tôi một lúc lâu, rồi bỗng ngăn tôi lại, hỏi nhanh:
- Con học theo thánh thi à? Ai dạy? Ông có hiền không? Ác à. Lẽ nào? Nhưng con nghịch lắm phải không?
Tôi ngập ngừng, nhưng rồi tôi đáp: Vâng. Thầy giáo và giáo sĩ nói rất nhiều để chứng tỏ rằng lời thú nhận của tôi là đúng. Giám mục nghe họ, nhìn xuống, rồi thở dài nói:
- Các thầy nói về con thế đấy, con nghe thấy chứ? Nào, lại gần đây!
Giám mục đặt tay lên đầu tôi - bàn tay thoang thoảng mùi gỗ bách và hỏi tôi:
- Tại sao con nghịch ngợm?
- Con chán học lắm.
- Chán à? Không hẳn thế đâu, chú bé ạ. Con mà chán học thì con sẽ học kém, nhưng các thầy đều bảo con học khá. Như vậy là ở đây có nguyên nhân gì khác.
Ông ta rút ở trước ngực ra một quyển vở con, viết: - Peskốp, Alecxây. Nhưng dù sao con cũng nên bớt nghịch đi nhé, đừng nghịch nhiều quá. Ít ít thôi thì được, còn nghịch quá thì mọi người bực mình! Ta nói đúng không các con?
Có tiếng lao xao, vui vẻ trả lời:
- Đúng ạ.
- Chính các con cũng nghịch in ít thôi phải không?
Những thằng bé tủm tỉm cười, thốt lên:
- Không. Cũng nghịch nhiều ạ! Nghịch nhiều ạ!
Giám mục ngả người lên lưng ghế, ôm chặt tôi vào lòng, nói với vẻ ngạc nhiên, làm cho cả lớp - ngay cả thầy giáo và cha đạo - cũng phải bật cười:
- Quả có thế, các con ạ, hồi bằng tuổi các con, ta cũng nghịch gớm lắm! Vì sao thế, các con nhỉ?
Những đứa trẻ cười, giám mục hỏi chúng, lôi cuốn cả lớp một cách khéo léo, khiến đứa nọ phản đối đứa kia, làm cho không khí mỗi lúc một vui thêm.
Cuối cùng ông đứng lên và nói:
- Ở đây với các con thú lắm, các chú bé nghịch ngợm ạ, nhưng đến lúc ta phải đi rồi!
Ông giơ một tay lên, tay áo tụt tới vai, khoa rộng tay làm dấu và ban phước:
- Nhân danh Cha, và Con và Thánh thần, ta ban cho các con mọi sự tấn tới! Tạm biệt.
Tất cả đều thét lên:
- Tạm biệt đức ông! Mong đức ông lại tới.
Giám mục gật gù cái mũ cao, nói:
- Ta sẽ đến, thế nào ta cũng đến! Ta sẽ đem sách đến cho các con!
Và khi ra khỏi lớp, ông nói với thầy giáo:
- Cho các trò về đi!
Ông dắt tay tôi vào phòng ngoài và ở đấy, ông cúi xuống gần tôi, khẽ nói:
- Thế con bớt nghịch đi nhé, được không? Ta thì ta hiểu tại sao con nghịch ngợm! Thôi tạm biệt, chú bé.
Tôi rất xúc động, một tình cảm đặc biệt rộn rực trong ngực tôi, và ngay cả khi thầy giáo đã cho cả lớp về nhưng giữ tôi lại và nói rằng bây giờ tôi phải lặng hơn nước, thấp hơn cỏ thì tôi vui lòng chăm chú nghe từ đầu đến cuối.
Giáo sĩ vừa mặc áo choàng vừa cất giọng ồm ồm, dịu dàng nói với tôi:
- Từ nay con phỉa đến học các giờ của ta! Đúng. Phải đến học. Nhưng phải ngồi yên. Đúng. Ngồi yên.
Tình cảnh của tôi ở trường có khá hơn trước, nhưng ở nhà lại xảy ra một chuyện tệ hại: tôi sưn cắp một rúp của mẹ. Một buổi tối, mẹ tôi đi đâu không rõ, để tôi ở nhà trông em. Buồn tình, tôi giở cuốn sách của dượng - Nhật ký người thầy thuốc của Đuyma-cha, và giữa các trang sách, tôi thấy hai tờ giấy bạc, từ mười rúp và tờ một rúp. Cuốn sách khó hiểu, tôi gập sách lại và bỗng nghĩ ra rằng với một rúp, chẳng những tôi có thể mua được cuốn “Thánh sử” mà còn có thể mua được cả cuốn sách về Rôbinxơn. Trước đó ít lâu, ở trường, tôi được biết rằng có một cuốn sách như thế: vào một ngày giá rét, trong giờ ra chơi, tôi kể cho những thằng bé một câu chuyện cổ tích, bỗng một đưa trong bọn chúng nói với vẻ khinh bỉ:
- Truyện cổ tích là truyện nhảm nhí, còn Rôbinxơn mới là truyện ra truyện.
Còn mấy thằng nữa đã đọc Rôbinxơn, tất cả đều khen ngợi cuốn sách ấy. Tôi bực mình vì truyện cổ tích của bà không được ưa thích, thế là tôi quyết định đọc Rôbinxơn để cũng có thể nói rằng nó truyện vớ vẩn!
Hôm sau, tôi mang đến trường cuốn “Thánh sử” và hai tập truyện cổ tích của Anđecxen - hai cuốn sách nhỏ nhàu nát - ba funtơ bánh mỳ trắng và ba funtơ xúc xích. Ở cái cửa hàng nhỏ, tối tăm cạnh hàng rào nhà thờ Vladimia có cả Rôbinxơn, cuốn sách mỏng bìa vàng, trang đầu có vẽ một người râu xồm đội mũ lông thú, vai khoác da thú - tôi không thích hình vẽ đó, còn tập truyện cổ tích thì cái bề ngoài nom cũng đáng yêu, tuy đã nhàu nát.
Trong giờ ra chơi lâu tôi chia xẻ bánh mỳ và xúc xích với những thằng bé và chúng tôi bắt đầu đọc câu chuyện cổ tích tuyệt diệu. Con chim họa mi. Câu chuyện lập tức làm cho tất cả chúng tôi hồi hộp.
“Ở Trung Quốc, mọi người dân đều là người Trung Quốc và chính hoàng đế cũng là người Trung Quốc” - tôi nhớ, câu đó đã làm tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú như thế nào vì sựu giản dị của nó, vì nhạc điệu tươi vui và một cái gì tốt đẹp lạ thường.
Tôi không kịp đọc hết truyện Con chim họa mi ở trường vì không đủ thời giờ còn khi tôi về đến nhà, mẹ tôi đứng bên cạnh bếp lò, hai tay cầm cái lập là đang tráng trứng, và hỏi tôi bằng mọt giọng lạ lùng, gần như tắt hơi:
- Mày lấy một rúp phải không?
- Vâng, con lấy! Sách đây này...
Mẹ tôi dùng chiếc lập là nện cho tôi một trận nên thân, còn những quyển sách của Anđecxen thì mẹ tôi lấy mất và giấu biệt đi đâu không rõ, điều đó còn đau đớn hơn cả trận đòn.
Tôi học ở trường gần suốt mùa đông, rồi mùa hè mẹ tôi mất, và ông tôi lập tức cho tôi đi “ở với người đời” - vào học việc ở xưởng vẽ. Tuy tôi đã đọc được mấy cuốn sách hay, nhưng tôi vẫn không ham đọc sách lắm, vả chăng cũng không có thời giờ. Nhưng chẳng bao lâu, sự ham thích đó xuất hiện và lập tức trở thành một khổ hình dịu ngọt của tôi - điều đó tôi đã kể tỉ mỉ trong cuốn ở với người đời của tôi.
Tôi biết đọc một cách có ý thức năm tôi 14 tuổi. Trong những năm ấy, tôi đã không chỉ say mê tình tiết của sách - tức là sự phát triển của ít nhiều lý thú của những biến cố được đưa ra - mà tôi bắt đầu hiểu được về vẻ đẹp của những đoạn văn miêu tả, bắt đầu suy nghĩ về tính cách các nhân vật, lờ mờ đoán được mục đích của tác giả cuốn sách và lo ngại cảm thấy sự khác nhau giữa cái mà sách nói đến với cái mà cuộc sống khuyên bảo.
Hồi ấy tôi sông chật vật: các ông chủ của tôi là những kẻ tiểu tư sản chính cống, khoái lạc chủ yếu của họ là bữa ăn thịnh soạn, niềm say mê duy nhất của họ là đi nhà thờ, và khi đi nhà thờ, họ diện sang như người ta diện khi đi nhà hát hay đi dựu cuộc vui chơi công cộng. Tôi làm việc nhiều, gần như mê mụ cả người, ngày thưòng cũng như ngày hội đều chồng chất hàng đống công việc lặt vặt, vô nghĩa, không có kết quả gì.
Ngôi nhà các chủ tôi ở là nhà của viên thầu khoán công việc “thợ đấu và thợ làm đường”, một tay mu-gích nhỏ bé vạm vỡ, người Kliazơma. Râu nhọn hoắt, mắt xám, gã là kẻ độc ác, thô lỗ và tàn nhẫn với vẻ điềm tĩnh khá đặc biệt.
Gã có mười ba công nhân, tất cả đều là những nông dân Vlađimia. Họ sống trong căn hầm nhà tối tăm sàn xi măng, cửa sổ thì nhỏ và thấp hơn mặt đất. Tối tối, mệt lử sau một ngày làm lụng ăn xong bữa cháo nấu với dưa cải khú và lòng hay thịt lợn muối khét lẹt, họ bò ra mảnh sân bẩn thỉu và nằm lăn trên sân - vì trong căn hầm nhà ẩm ướt, không khí ngột ngạt và nhiễm đầy thán khí do các bếp lò lớn nhả ra. Gã chủ thầu xuất hiện trong cửa sổ phòng hắn và gào lên:
- Này, lũ quỷ, lại bò ra sân đấy hả? Nằm ngổn ngang cả ra, đồ lợn! Những người nhà tao toàn là người đứng đắn tử tế cả, trông thấy chúng mày liệu họ có đẹp lòng không?
Công nhân ngoan ngoãn chui vào hầm nhà. Bọn họ người nào cũng buồn rầu, ít khi cười, hầu như không bao giờ hát, họ nói vắn tắt, miễng cưỡng, người bao giờ cũng lấm như chôn như vùi, khiến tôi có cảm giác rằng họ là những người chết được làm cho sống lại trái với ý muốn của họ để tiếp tục bị hành hạ suốt đời.
“Những người đứng đắn” là các sĩ quan, những kẻ cờ bạc và rược chè, họ đánh lính hầu đến đổ máu, đánh nhân tình - những người đàn bà y phục sặc sỡ, hút thuốc lá. Bọn đàn bà cũng uống rượu và tát những người lính hầu. Cả những người lính hầu cũng uống rượu, uống rất nhiều, uống bạt tử.
Những ngày chủ nhật, viên chủ thầu ra bậc tam cấp và ngồi xuống thềm, một tay cầm quyển vở mỏng dài và hẹp, tay kia cầm mẩu bút chì. Những người thợ đấu xếp hàng một, lần lượt tới gần như những kẻ hành khất. Họ nói khẽ, van nài và gãi đầu gãi tai, còn viên chủ thầu quát tháo ầm cả sân:
- Thôi đủ rồi! Cầm lấy một rúp! Sao? Muốn ăn quả tống vào mõm hả? Các người làm ta ngấy lắm rồi! Xéo đi... Cút!
Tôi biết rằng trong số thợ đào đất có không ít những người cùng họ hàng của y, nhưng y đối xử với tất cả bọn họ tàn nhẫn và thô bạo như nhau. Và những người thợ đấu cũng tàn nhẫn và thô bạo với nhau, đặc biệt là đối với cánh lính hầu. Gần như chủ nhật nào trên sân nhà cũng nổ ra những cuộc ẩu đả đẫm máu, tiếng chửi mắng tục tĩu, hàng thôi hàng thốc vang lên ầm ĩ. Những người thợ đào đất đánh nhau, song không có vẻ gì thù hằn nhau, họ đánh nhau như làm một nhiệm vụ chán ngán. Kẻ bị đổ máu lánh ra chỗ khác hay bò sang bên và lẳng lặng ngắm nghía những vết xước, những vết thương, thọc ngón tay bẩn thỉu vào những chiếc răng lung lay. Khuôn mặt rách toạc, những cặp mắt bị đánh sưng vù không bao giờ làm cho các bạn thương xót, nhưng nếu chiếc sơ- mi bị xé rách thì tất cả đều tiếc, còn chủ nhân của chiếc áo, kẻ bị đánh, thì tức giận hầm hầm, đôi khi còn khóc. Những cảnh tượng ấy gây cho tôi cảm giác nặng nề khôn tả. Tôi thương họ, nhưng đó là thứ tình thương lạnh lùng. Tôi không bao giờ muốn nói với người nào trong bọn họ một lời âu yếm, muốn giúp những kẻ bị đánh một việc gì - dù là đưa nước cho họ để họ rửa sạch vết máu đông gớm ghiếc lẫn với bùn và bụi. Thực ra tôi không yêu họ, tôi hơi sợ họ, và nói đến tiếng “mu-gích”, tôi có thái độ khinh bỉ giống như các ông chủ của tôi, như các sĩ quan, như viên giáo sĩ của trung đoàn, như anh đầu bếp láng giềng và thậm chí như những người lính hầu nói tiếng đó: tất cả bọn họ đều tỏ vẻ khinh miệt khi nói đến bọn “mu-gích”.
Phải thương hại con người thật là đau lòng, bao giờ tôi cũng muốn gửi gắm tình yêu sung sướng vào một người nào đó, nhưng chẳng có ai để mà yêu. Tôi càng yêu sách nồng nàn hơn.
Còn có nhiều cái bỉ ổi, tàn bạo, làm tôi chán ghét ghê gớm. Tôi sẽ không nói về điều đó, chính các bạn cũng biết cuộc sống địa ngục ấy, sự nhạo báng không ngớt ấy của người đối với người, niềm say mê bệnh tật ấy, niềm say mê làm khổ nhau, thứ khoái lạc của những kẻ nô lệ. Và chính trong hoàn cảnh đáng nguyền rủa như thế, lần đầu tiên tôi bắt đầu đọc những sách hay nghiêm túc của căn học nước ngoài.
Có lẽ tôi không thể truyền đạt đủ rõ và đáng tin cậy để các bạn thấy sự ngạc nhiên của tôi lớn lao như thế nào khi tôi cảm thấy hầu như mỗi cuốn sách đều mở ra trước mắt tôi cánh cửa sổ nhìn vào một thế giới mới, chưa từng biết, đều kể với tôi về những con người những tình cảm, ý nghĩ và những quan hệ mà tôi chưa từng biết, chưa từng thấy. Thậm chí tôi còn có cảm giác rằng cuộc đời xung quanh tôi, tất cả những gì khắc nghiệt, bẩn thỉu và tàn bạo hằng ngày diễn ra trước mắt tôi đều không phải là cái có thực, đều là thừa. Cái có thực và cái cần thiết chỉ ở trong sách, nơi mà mọi cái đều hợp lý hơn, đẹp kơn, nhân đạo hơn. Trong các cuốn sách cũng có nói về sự thô bạo, về sự ngu xuẩn của người đời, về những đau khổ của họ, cũng miêu tả những kẻ độc ác và đê tiện, nhưng bên cạnh họ có nhhững người khác, những người mà tôi chưa từng thấy, thậmchí chưa từng nghe nói đến: những người chính trực, cương nghị, chân thật, bao giờ cũng sẵn sàng phục vụ thắng lợi của sựu thật, lập nên chiến công đẹp đẽ, dù có phải hy sinh tính mạng.
Thời gian đầu, say sưa vì cái mới và vị trí tinh thần lớn lao của cái thế giới mà sách đã mở ra trước mắt tôi, tôi bắt đầu coi sách tốt đẹp hơn, lý thú hơn, gần gũi hơn mọi người, và dường như hơi bị lòa, tôi nhìn cuộc đời thực qua sách. Nhưng cuộc đời khôn ngoan, khắc nghiệt đã quan tâm chữa cho tôi cái bệnh mù dễ chịu ấy.
Câu nói vắn tắt, khôn ngoan ấy có ý nghĩa mạnh mẽ lạ thường đối với tôi! Tôi càng nghe câu ấy nhiều lần thì nó càng thức tỉnh tinh thần phấn chấn và tính bướng bỉnh của tôi, khơi lên trong lòng tôi niềm mong muốn mãnh liệt: “Giữ vững mục đích của mình”. Vì nếu “mọi cái đều có thể xảy ra” thì cái mà tôi mong muốn cũng có thể thành sự thật. Tôi nhận thấy trong những ngày mà cuộc sống đem đến cho tôi những điều buồn bực nhất, trong những ngày nặng nề đầy rẫy trong đời tôi mà tôi đã phải chịu đựng, chính trong những ngày ấy, tinh thần phấn chấn và tính kiên trì đạt tới đích đặc biệt được nâng cao trong con người tôi. Trong những ngày ấy, niêm mong muốn trẻ trung của Hécquyn xâm chiếm tâm hồn tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết: tôi muốn dọn sạch những chuồng ngựa Ôgya(4) của cuộc sống. Giờ đây, tôi đã năm chục tuổi, nhưng vẫn còn giữ được niềm mong muốn ấy và nó sẽ còn cho đến lúc tôi từ giã cuộc đời. Tôi có được đức tính ấy là nhờ kinh thánh của tinh thần con người - nhờ những cuốn sách phản ánh những nỗi đau khổ và dày vò vĩ đại của tâm hồn đang trở thành của con người, nhờ khoa học - thơ ca của trí tuệ, nhờ nghệ thuật - thơ ca của tình cảm.
Sách tiếp tục mở ra trước mắt tôi những điều mới mẻ. Hai loại họa báo Tranh ảnh thế giới và Tạp chí hội họa giúp tôi hiểu biết thêm rất nhiều. Tranh ảnh của chúng miêu tả những thành phố, những con người, những biến cố của đời sống nước ngoài và ngày càng mở rộng thế giới trước mắt tôi, khiến tôi cảm thấy thế giới đang phát triển, to lớn, thú vị, đầy những sự nghiệp vĩ đại.
Những đền thờ và cung điện không giống nhà thờ và nhà ở của chúng ta, những con người ăn mặc khác, mặt đất được con người tô điểm khác, những máy móc thần tình, những vật phẩm kỳ diệu - tất cả những cái đó gợi cho tôi một tình cảm phấn chấn khó hiểu và khiến tôi cũng muốn làm một cái gì, xây đắp một cái gì.
Mọi cái đều khác nhau, không giống nhau, nhưng tôi lờ mờ nhận ra rằng tất cả đều tràn đầy cùng một sức mạnh: sức sáng tạo của con người. Và tôi quan tâm đến mọi người hơn, kính trọng họ hơn.
Tôi rất đỗi bàng hoàng khi được thấy chân dung nhà bác học nổi tiếng Farađây(5).Trong một tờ tạp chí, khi đọc một bài mà tôi không hiểu về nhà bác học ấy và được biết rằng Farađây là một công nhân bình thường. Điều đó đập mạnh vào trí óc tôi, tôi tưởng như đó là chuyện hoang đường.
“Thế là thế nào nhỉ - Tôi nảy ra ý nghĩ ngờ vực - như vậy là một người thợ đào đất cũng có thể trở thành nhà bác học? Cả ta cũng có thể thành bác học ư?”.
Không thể tin được. Tôi bắt đầu tìm kiếm xem còn nhưng danh nhân nào lúc đầu là công nhân nữa không? Trong các tạp chí, tôi không tìm thấy ai: một học sinh trung học quen biết nói với tôi rằng có rất nhiều người nổi tiếng lúc đầu là công nhân, và nêu lên với tôi mấy cái tên, trong đó có Xtêfenxơn, nhưng tôi không tin anh học sinh ấy.
Tôi càng đọc nhiều sách thì sách càng làm cho tôi gắn bó với thế giới, cuộc đời càng trở nên rực rỡ, có ý nghĩa đối với tôi. Tôi thấy rằng có những người sống khổ cực hơn, khó khăn hơn tôi, điều đó an ủi tôi phần nào, tuy vẫn không làm tôi thỏa hiệp với cái hiện thực ô nhục. Tôi cũng thấy rằng có những người biết sống một cách vui thú và sung sướng mà không một người nào xung quanh tôi biết sống như thế. Và hầu như trong mỗi quyển sách đều có cái gì đáng lo ngại, như một tiếng chuông nhè nhẹ lôi cuốn tôi đi: đi tìm những cái chưa từng biết làm tôi xúc động tâm tình. Mọi người đều thay đổi thế này thế khác, mọi người đều không bằng lòng với cuộc sống, đều tìm kiếm một cái gì tốt đẹp hơn, và họ trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Sách làm cho khắp trái đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi buồn nhớ cái tốt đẹp hơn, và mỗi cuốn sách dường như đều là tâm hồn được ghi lại trên giấy bằng những dấu hiệu và những từ, những dấu hiệu và những từ ấy lập tức trở nên sống động, hễ mắt tôi, trí tuệ tôi tiếp xúc với chúng.
Nhiều lần tôi khóc khi đọc sách: sách kể chuyện hay biết bao về con người, họ trở nên đáng yêu và gần gũi biêt bao. Là một thằng bé bị công việc ngu độn làm cho kiệt lực, luôn luôn phải hứng lấy những lời chửi mắng đần độn, tôi trịnh trọng hứa với mình là lớn lên, tôi sẽ giúp đỡ mọi người, hết lòng phục vụ họ.
Như những con chim kỳ diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về việc cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lòng tôi càng tràn đầy tinh thần lành mạnh và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lý hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống.
Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để tiến gần tới con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy. Khi trong đầu chồng chất những điều đã đọc được, cảm thấy mình là cái bình tràn đầy một chất lỏng hồi sinh, tôi đến với những người lính hầu, những người thợ đào đất, kể cho họ nghe những chuyện khác nhau vừa kể vừa sắm vai các nhân vật.
Điều đó làm họ thú lắm.
- Này, chú bé tinh quái - Họ nói - Chú đóng trò như một tay hề thực thụ! Chú nên vào rạp hề kịch ở hội chợ đi thôi!
Cố nhiên, tôi không mong chờ điều đó mà mong chờ một cái gì khác kia, nhưng tôi cũng bằng lòng với kết quả ấy.
Tuy nhiên, đôi khi - dĩ nhiên không phải là thường xuyên - tôi đã làm cho những người Mu- gích Vlađimia phải chăm chú hồi hộp nghe tôi kể và nhiều lần tôi đã làm cho một số người hoan hỉ, thậm chí ứa nước mắt, những hiệu quả ấy càng làm cho tôi vững tin vào sức kích thích sinh động của sách.
Vaxili Rưbakốp là một gã trai cau có, khỏe như vâm, thích lẳng lặng dùng vai huých mọi người khiến họ văng đi như quả bóng, và có lần, anh chàng tinh nghịch thầm lặng ấy kéo tôi vào một góc sau chuồng ngựa, bảo tôi:
- Lecxây, cậu dạy tớ đọc sách, tớ sẽ cho cậu năm mươi kô-pếch. Nếu cậu không dạy, tớ sẽ nện cho một trận, tớ sẽ đưa cậu về chầu Diêm Vương, thật đấy, đây này, tớ làm dấu thề cho mà xem.
Và anh ta khoa rộng tay làm dấu thánh.
Tôi sợ thói tinh nghịch cáu kỉnh của anh ta và bắt dầu dạy anh, lòng phấp phỏng sợ hãi, nhưng công việc lập tức có đà tiến triển tốt. Rưbakốp tỏ ra kiên trì trong công việc khó nhọc không quen thuộc này và rất mau hiểu. Chừng năm tuần sau khi đi làm về, anh gọi tôi đến nhà, vẻ bí ẩn, và rút trong mũ cát két ra một mẩu giấy nhàu nát, lẩm bẩm, xúc động:
- Xem này! Tớ bóc ở hàng rào đấy, ở đấy nói gì, hả? Khoan đã - “Bán nhà” - đúng không? đây là chữ “bán” phải không?
- Đúng.
Rưbakốp trợn mắt tròn xoe, trán toát mồ hôi, anh im lặng một lát rồi chộp lấy vai tôi, vừa lắc vừa khẽ nói:
- Cậu hiểu không: tớ nhìn hàng rào và tưởng như có ai thì thầm vào tai tớ: “Bán nhà”! Lạy chúa. Đúng như có người nói thầm vào tai, thật đấy! Này, Lecxây chẳng lẽ tớ biết đọc rồi sao, thế nào?
- Cứ đọc tiếp đi!
Anh ta chúi mũi vào tờ giấy và lẩm nhẩm
- “Hai - Đúng không? - tầng, nền đá...”
Anh ta toác miệng cười, nụ cười che lấp cả khuôn mặt, rồi lắc đầu, văng câu chửi tục và cười khanh khách cẩn thận cuộn mẩu giấy lại.
- Tớ giữ lại làm kỉ niệm, đây là tờ giấy đầu tiên... A. Lạy chúa... Cậu hiểu chứ? Như có ai nói thầm vào tai, thế là thế nào? Lạ thật, chú em ạ. A...
Tôi cười sằng sặc, cười như điên khi thấy niềm sung sướng đậm đà, nặng nề của anh, vẻ băn khoăn trẻ con, đáng yêu của anh trước cái bí mật đã lộ ra với anh, cái bí mật của việc hiểu được ý nghĩ, lời nói, và tâm hồn người khác nhờ những ký hiệu nhỏ bé màu đen.
Tôi có thể kể nhiêu chuyện chứng tỏ rằng việc đọc sách - quá trình hòa hợp tinh thần của con người với những trí tuệ vĩ dại của tất cả các thời đại và các dân tộc, cái quá trình quen thuộc đối với chúng ta, diễn ra hằng ngày, nhưng thực chất là bí ẩn - cái quá trình đọc ấy đôi khi rọi sáng cho con người thấy ý nghĩa của cuộc sống và vi trí của con người trong cuộc sống. Tôi biết vô số những hiện tượng diệu kỳ, đầy vẻ đẹp gần như hoang đường.
Tôi không thể không kể về một trong những trường hợp như thế.
Tôi sống ở Aramax dưới sự theo dõi của cảnh sát. Người láng giềng của tôi là Khôtainsep, trùm trưởng hội đồng zemstvô(6). Ông ta đặc biệt ghét tôi, ghét tới mức thậm chí cấm người đầy tớ của mình chiều chiều không được nói chuyện với chị bếp của tôi ở cổng. Người ta cắt một viên cảnh sát đứng ngay dưới cửa sổ nhà tôi, và viên cảnh sát này, với thói sỗ sàng ngây thơ của y, thường ngó vào các phòng khi y thấy cần thiết. Tất cả những cái đó làm cho dân phố rất hoảng, và trong một thời gian dài, không ai dám ghé thăm tôi.
Nhưng có lần, vào ngày hội, có một người chột mắt đến nhà tôi. Anh ta mặc chiếc áo bành tô bó sát thân, nách cắp cái bọc, và mời tôi mua đôi ủng của anh ta. Tôi nói rằng tôi không cần ủng. Thế là người chột mắt nhìn vào căn phòng bên cạnh với vẻ nghi ngờ, khẽ nói:
- Ủng chỉ là cái cớ để che đậy nguyên nhân thực, ông văn sĩ ạ, chứ tôi đến là để hỏi xem ông có quyển sách nào hay để đọc không?
Con mắt thông minh của người đó không làm tôi nghi ngờ lòng mong muốn thành thực của anh, và tôi hoàn toàn tin ở sự thành thực ấy khi nghe anh trả lời câu hỏi của tôi là anh muốn có quyển sách gì. Người chột nói một cách chín chắn, giọng rụt rè và vẫn đưa mắt nhìn quanh:
- Một quyển gì về các quy luật của cuộc sống, nghĩa là quy luật của thế giới. Tôi không hiểu các quy luật ấy: phải sống như thế anò, và nói chung là như thế. Cách đây không xa, có một giáo sưu toán học Kazan sống ở nhà nghỉ mát, tôi chữa giày và làm vườn cho ông ta, tôi cũng là người làm vườn, và được ông ta dạy toán, nhưng toán học không giải đáp được cho tôi, còn bản thân giáo sư là người lầm lì...
Tôi cho anh ta quyển sách mỏng của Đrâyfux - Sự tiến hóa của thế giới và xã hội - Quyển sách độc nhất mà tôi có về vấn đề đó.
- Cám ơn ông lắm lắm! - Người chột nói, trân trọng nhét cuốn sách vào ống ủng - Xin ông chho phép tôi đến để thưa chuyện với ông khi tôi đọc xong cuốn sách này... Nhưng lần này, tôi sẽ đội lốt người làm vườn, giả đò đến để tỉa bụi phúc bồn tử trong vườn, không thì ông biết đấy, cảnh sát bao vây ông kỹ lắm, và nói chung là bất tiện cho tôi...
Khoảng năm ngày sau anh ta tới, mặc chiếc tạp dề trắng, tay cầm chiếc kéo của người làm vườn với một túm vỏ gai, vẻ mặt sung sướng của anh làm tôi ngạc nhiên. Con mắt độc nhất của anh lấp lánh vui vẻ, giọng nói sang sảng và rắn rỏi. Hầu như ngay từ những lời đầu tiên, anh ta dã đập tay vào quyển sách của Đrâyfux và nói một cách hối hả:
- Qua đây tôi có thể rút ra những “kết luận” vội vã như thế, cho nên tôi bắt đầu hỏi anh ta một cách thận trọng xem tại sao chính cái “kết luận” ấy có sức thu hút đối với anh.
- Đối với tôi, đây là cái cốt yếu nhất! Anh ta nói một cách sôi nổi, nhưng không cất cao giọng - Tôi cũng lý luận như mọi trường hợp tượng tự: nếu có chúa và mọi cái đều theo những quy định cao cả nhất của Chúa. Tôi đã đọc vô số sách thánh: kinh thánh, tất cả các tác phẩm của Tikhôn Zađônxki, Zlatônx, Efren Xirin và nhiều sách khác. Nhưng tôi muốn biết: tôi có chịu trách nhiệm về bản thân tôi và cả về cuộc sống hay không? Theo sách thánh thì té ra là không, người hãy sống như đã định trước, và mọi khoa học đều vô ích. Thiên văn học chỉ là sự giả dối, bịa đặt. Cả toán học và mọi cái khác nói chung cũng thế. Chắc hẳn ông không đồng ý là phải ngoan ngoãn tuân lời chứ?
- Không - tôi nói.
- Thế thì vì lẽ gì tôi lại phải đồng ý? Như ông chẳng hạn, vì không quy thuận mà ông bị đưa đến đây để cảnh sát theo dõi, như vậy tức là ông dám chống lại kinh thánh, bởi vì theo tôi hiểu thế này,: mọi sự không quy thuận nhất định là chống lại khinh thánh. Tất cả các luật lệ phục tùng đều do kinh thánh mà ra, còn các quy luật của tự do là do khoa học, nghĩa là do lý trí của con người mà có. Bây giờ lại bàn tiếp: nếu có Chúa thì tôi chẳng có việc gì làm, nhưng nếu không có Chúa thì tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi cái, về toàn bộ cuộc đời và tất cả mọi người! Tôi không muốn chịu trách nhiệm theo gương các cha đạo, nhưng chịu trách nhiệm bằng cách khác: không phải bằng cách phục tùng, mà bằng cách chống lại cái ác trong đời.
Rồi anh ta lại đập tay vào cuốn sách, nói thêm, biểu lộ niềm tin rõ ràng là không gì lay chuyển được.
- Mọi sự phục tùng đều là cái ác, vì nó củng cố cái ác! Ông thứ lỗi cho tôi, tôi tin cuốn sách này! Đối với tôi, nó như con đường mòn trong khu rừng rậm rạp. Tôi đã quyết định như thế cho bản thân tôi: tôi chịu trách nhiệm về tất cả mọi cái!
Chúng tôi nói chuyện thân mật cho đến đêm khuya và tôi thấy rõ rằng cuốn sách nhỏ tầm thường là đòn cuối cùng biến những tìm kiếm khởi loạn của con người thành niềm tín ngưỡng vững chắc, thành sự sùng phục sung sướng trước cái đẹp và sức mạnh của lý trí thế giới.
Con người dễ thương, thông minh ấy quả thực đã ngang nhiên chống lại cái ác trong cuộc sống và chết một cách bình tĩnh năm 1907.
Cũng như với anh chàng cau có Rưbakốp, sách thì thầm với tôi về một cuộc sống khác, nhân đạo hơn cuộc sống tôi biết. Cũng như với người thợ giày chột, sách chỉ cho tôi thấy vị trí của tôi trong đời, sách chắp cánh cho trí tuệ và trái tim, giúp tôi vươn lên khỏi cái đầm lầy thối ruỗng mà nếu không nhờ có sách, có lẽ tôi đã chìm nghỉm, chết ngạt về sự ngu xuẩn và ti tiện. Sách ngày càng mở rộng thế giới trước mắt tôi, nói với tôi rằng con người vĩ đại và đẹp biết bao trong khát vọng mưu cầu cái tốt đẹp hơn, con người đã làm được nhiều biết bao trên trái đất, và để làm được như thế, nó đã phải chịu những đau khổ ghê gớm biết nhường nào.
Và trong tâm hồn tôi, sự quan tâm đến con người - bất cứ con người nào, dù người ấy là ai - lớn mãi lên, lòng kính trọng lao động của con người, lòng yêu mến tinh thần sôi nổi của con người được tích lũy dần dần. Sông trở nên nhẹ nhõm hơn, sung sướng hơn. Cuộc đời đầy ý nghĩa vĩ đại.
Cũng như với người thợ giày chột, sách giáo dục cho tôi ý thức trách nhiệm cá nhân về mọi cái ác trong đời và gây cho tôi thái độ tín ngưỡng trước sức sáng tạo của lý trí con người.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng niềm tin của tôi là xác thực, và tôi xin nói với tất cả các bạn: hãy yêu sách, nó sẽ làm cho cuộc sống của các bạn bớt khó khăn, nó sẽ thân ái giúp bạn hiểu được những ý nghĩ, tình cảm và những sự biến rắc rối, hỗn độn và sôi nổi, nó sẽ dạy các bạn biết kính trọng con người, tôn trọng chính bản thân mình, nó sẽ đem cho bạn tình yêu thương thế giới, yêu thương con người, chắp cánh cho trí tuệ và trái tim các bạn.
Cho dù nó thù địch với tín ngưỡng của các bạn, nhưng nếu nó được viết một cách chính trực, vì lòng yêu thương mọi người, vì mong muốn điều tốt cho họ thì đó là cuốn sách tuyệt diệu!
Mọi hiểu biết đều có ích, cả hiểu biết những sai lầm của trí tuệ, những sai lầm của tình cảm cũng có ích.
Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có nó mới có thể làm cho chúng ta thành những người cương nghị, chính trực, khôn ngoan, có khả năng thành thật yêu mến con người, tôn trọng lao động của con người và thành tâm khâm phục những thành quả tuyệt vời do công trình lao động vĩ đại, liện tục của con người làm nên.
Trong tất cả những gì mà con người đã và đang làm ra, trong mỗi đồ vật đều chứa đựng tâm hồn con người cái tâm hồn thuần khiết và cao quý ấy có nhiều nhất trong khoa học, trong nghệ thuật, nó lên tiếng hùng hồn nhất và dễ hiểu nhất trong sách.
1) Tên các chữ cái: azơ = a, buki = b, vedi = v
(2) Cái cửa sổ.
(3). Trong tiếng Nga cũ, tên của chữ p là pôkoi, còn trong tiễng Xlavơ của nhà thờ, tên chữ p là pxa (N.D).
(4) Chuồng ngựa Ôgya: ý nói nơi rất bẩn thỉu, bừa bộn “theo thần thoại Hy Lạp, sân nuôi gia súc của vua Ôgya đã 30 năm không dọn, và dũng sĩ Hécquyn dọn sạch trong một ngày”.
(5) Nhà bác học và vật lý học Anh (1761-1867).
(6) Chức quan địa phưong ở thời Nga hoàng nắm cả quyền hành chính và quyền tư pháp đối với nông dân địa phương (N.D).
Tôi Đã Học Tập Như Thế Nào Tôi Đã Học Tập Như Thế Nào - Maxim Gorki