Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4: Thực Tế Thi Cử Chữ Hán Trong Thơ Tú Xương.
ừ vua Minh Mạng (1820-1840) trở đi, toàn quốc có bảy trường thi. Tính từ trong ra, tính từ Nam đến Bắc, thì bảy trường thi đó là những trường:
1 Trường thi Gia Định (Sài Gòn).
2. Trường thi Bình Định.
3. Trường thi Thừa Thiên.
4. Trường thi Nghệ An.
5. Trường thi Thanh Hóa.
6. Trường thi Nam Định.
7. Trường thi Hà Nội.
Mỗi trường thi coi như một khu vực chiêu sinh chiêu hiền, bao gồm nhiều tỉnh. Ví dụ trường Hà Nội thì chiêu sinh những sĩ tử gồm trong tám tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn Tây, Ninh Bình và Hà Nội. Ví dụ trường Nam Định thì gồm học trò bốn tỉnh Quảng Yên, Hải Dương, Hưng Yên và Nam Định.
Những lúc bình thường thì trọng điểm địa điểm của nhà vua xưa tuyển mộ nhân tài là như vậy, và học trò của tỉnh nào thì thi ở khu vực trường thi đó. Nhưng từ khi Pháp đánh Hà Nội, đánh Nam Định, và nói chung là mưu chiếm Bắc Kỳ Trung Kỳ, thì một số trường thi cũng "trải qua một cuộc bể dâu".
Ví dụ như chuyện mất trường thi Hà Nội. Ví dụ như chuyện sĩ tử bị treo giò (bút), học trò Bắc Kỳ mất thi năm Nhâm Ngọ 1882 (cứ những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa thi; nhưng năm Ngọ 1882 đó, Tây đánh thành Hà Nội lần thứ hai). Tất cả sĩ tử thuộc hai trường Hà Nội Nam Định nghĩa là học trò mười mấy tỉnh Bắc Kỳ, phải chờ mất thêm hơn hai năm nữa mới được triều đình Huế cho vào Thanh Hóa phụ thi vào trường Thanh Hóa. Lý do của sự thứ ghép đó? Là vì Hà Nội thất thủ, thì trường thi Hài Nội cũng "thất thủ", và sĩ tử thủ đô bị chiếm hãy đi tìm nơi khác mà thi... Hà Nội mất trường thi, thế còn trường thi Nam Định thì sao? Thì lính Tây cũng vừa đốt cháy rụi cả trường thi Nam Định vào năm 1883 đó.
Trường thi Nam Định cũng là một trường đặc biệt. Lúc thi, vì cháy trường thi, mà sĩ tử trường Nam phải lưu vong mãi vào trong Thanh Hóa mà ghé ống quyển thi nhờ. Đến lúc Nam Định đã dựng lại được trường thi, thì từ đó lại được nhận cả học trò Hà Nội dồn về. Cũng như mấy khoa trước, khoa Đinh Dậu đó (1897), anh Hà Nội bị Tây đuổi trường, lại vẫn phải chạy xuống Nam Định, chuyển cái không khí kinh kỳ xuống vùng quê hương Tú Xương, "trường Nam thi lẫn với trường Hà".
Riêng cái trường thi Hà Nội cũng đã bị đóng trường thi, ngay từ trước cái năm 1882 Hà Nội mất thi đó, lính Tây chiếm trường thi làm trại lính trong bốn năm (theo lời ghi của Mát xông). Trường thi Hà Nội lúc đó tự nhiên thành ra một cái địa điểm tập kết của lính Tây từ đó tấn công thẳng vào mấy mặt thành Thăng Long, trong dịp Hà Nội thất thủ lần I (1873). Bọn lính kéo tất cả đi đánh thành, và chỉ để có tám tên ở lại trong trường thi trông coi đồ đạc hậu cần.
Nó chiếm xong thành, nó lại trở về cái trường thi chiếm đóng. Liền mấy năm, cái chỗ trang nghiêm thi đua giấy bản mực tầu tứ thư ngũ kinh đó, nay làm chỗ chuồng phân ngựa Tây, hố tiêu lính đen lính trắng. Bọn lính Pháp giặt giũ quần áo trước trại họ, và đào rất nhiều giếng ăn. Xưa kia là hố cọc trồng cột nhà thập đạo và cột nhà các quan chấm trường, thì nay là hố giặt và giếng ăn của bọn lính kiết lỵ.
Trường thi bị chiếm làm trại lính Tây, cũng như nửa thế kỷ sau, trường học Pháp Việt con gái con trai đều trở thành bản doanh lê dương, đạo binh thuộc địa, và trại lính Nhật. Võ cứ giẫm vào văn, hồ như đã sẵn cái nếp cũ đó của trường thi Hà Nội xưa chăng? Giữa bãi trường thi, kéo lên chiếc cờ tam tài. Ông quan Huế làm chức kinh lược Bắc Kỳ trọ trẹ xun xoe dàn ra một ngàn lính áo nẹp, nón dấu, đón ông lãnh sự Pháp vào trường thi. Trường thi lại trở thành hành dinh của lãnh sự Pháp.
Ta vẫn cần trường thi Hà Nội, mà Tây thì ì ra giữa trường thi, lấy cớ là khu Đồn Thủy hai mẫu rưỡi ta cắt cho họ, thì chưa xong gì cả. Nó vòi ta, vừa vòi vừa áp lực, đòi tăng diện tích nhượng địa Đồn Thủy phía bờ sông lên thành mười tám mẫu lẻ mấy sào mấy thước gì đó. Ta cần lấy trường sớm, nên nó có bắt bí hơn thế nữa, cũng phải nhận. Bấy giờ nó mới chịu giả trường thi, vào ngày 16-10-1876.
Một tháng sau đó, ta mở lại khoa thi. Khoa thi trường Hà Nội năm 1876 có năm nghìn thầy khóa. Khóa thi sau 1879, có bảy nghìn sĩ tử (dân số Hà Nội lúc ấy là năm mươi sáu nghìn ở sổ đinh). Trong suốt thời gian chấm trường, quan ta cấm bán rượu, nhưng rượu bán cân vẫn lũ lĩ xuyên các cửa ô mà vào. Khóa thi 1879, người đi thi, người không thi cử gì, tất cả Hà Nội trí thức năm ấy đều uống rượu nhiều hơn những năm thi cũ. Vì khóa thi 1897 đó là khóa thi cuối cùng của trường thi Hà Nội. Từ đó trở đi, anh học trò Hà Nội mất trường thi, lưu lạc đi các địa phận khác mà trổ tài. Và trường thi Hà Nội dùng vào việc khác. Những năm đói năm loạn, đến mấy chục vạn ăn mày tứ tỉnh đàng ngoài đều kéo về Hà Nội, và trường thi biến thành nơi ăn mày lĩnh chẩn. Chín cửa trường thi trước đây mở ra cho học trò len vào, thì nay lại mở ra để đổ gạo phát chẩn vào những bàn tay xòe ra nhận nửa cân gạo một. Sau đó, thì Tây dùng nền trường thi làm nền cho Nha Kinh lược Bắc Kỳ, làm nền cho nhà Đấu xảo đầu tiên của Pháp. Nói về trường thi Hà Nội hồi đó, Tây còn giở giọng ba rọi mà bí bơ viết trong Tạp chí địa dư năm 1883 rằng "... Trường thi bị coi như ô uế đi vì chúng ta đóng tại đó, và nó không xứng đáng mà đón tiếp những cử tử và quan trường sau này. Có thể vì lẽ đó, có thể vì họ cho rằng nhà nho sẽ bị hư hỏng vì xúc tiếp với chúng ta, có thể vì họ muốn hạ giá đi một thành thị nay có đại diện chính quyền Pháp, mà từ đó trở đi, thi cử đều chuyển về Nam Định...".
Ấy là chuyện râu ria về trường thi Hà Nội. Thủ đô Hà Nội đã có lúc mất trường thi, thì kinh đô Huế cũng đã có lúc vỡ trường thi.
Năm 1885 đó (năm Trần Tế Xương lều chõng lần đầu tiên trong đời cử tử của mình tại trường thi Nam Định), cũng là năm vỡ khóa thi hội thi đình, vỡ ngay giữa sân rồng triều đình Huế. Khoa thi ở sân rồng năm mở đầu đời vua Hàm Nghi đó, nhà thơ Nguyễn Thượng Hiền (sau này làm Đốc học tỉnh Nam Định) đỗ hụt tiến sĩ. Loa vua sắp xướng danh thì đại bác lính Tây nổ vào kinh thành Huế thất thủ năm Dậu đó. Các vị tiến sĩ hụt đều hoang mang ly loạn, và nhân dân tỉnh Thừa Thiên thì làm giỗ tập thể. "Ngày quảy cơm chung" đó không ai là không có thân nhân chết trong binh lửa vỡ thành.
Cờ quạt rải rác bỏ khắp đường.
Bên đường xương chất quạ bâu đặc
Sông Hương bóng xế nước ùn ùn
Mùi máu xông, người không qua được...
(Bài từ của Nguyễn Thượng Hiền do Lê Thước và Vũ Đình Liên dịch)
Ở dọc phố Lãn Ông Hà Nội, nơi đống giấy lộn trong thúng một bà đồng nát bán rong sách báo Tây cũ làm giấy gói hàng, thấy có những tờ sách cũ Bắc Kỳ cố sự của Bua ranh nói về khóa thi hương Giáp Ngọ (1894):
"Trường thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ. Năm 1891, Nam Định chỉ có chín ngàn sĩ tử, năm 1894 con số người đi thi lên tới mười một ngàn. Từ giữa trường thi, chỗ đường thập đạo trông ra, trùng trùng điệp điệp những mu rùa bằng tre, những tấm mui luyện nhà đò (ý nói những thi cụ lều chõng). Kỳ đệ nhất vào ngày 25-10- 1894, kỳ đệ nhị, ngày 15-11. Kỳ đệ tam 25-11. Và kỳ phúc hạch đệ tứ là ngày 2-12-1894. Ngày 8-12-1894 là lễ xướng danh những người đỗ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm lanh lảnh. Tiếng í ới gọi nhau lạc đường của người nhà các thầy khóa, của tiểu đồng lão bộc quản gia nhổ lều đội chõng ra về trong đêm tối lập lòe ánh đuốc. Đám đông lên tới hai mươi nhăm ngàn người. Lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Ghế bành của các quan chấm trường dự lễ tại ghế cao đến bốn thước mét. Quan Toàn quyền bận không đến, có quan cai trị Moren thay mặt dự lễ. Cứ xong mỗi tên ông tân khoa xướng lên là mất năm phút - tính từ lúc cất tiếng loa gọi tên, xoáy sang phía phải xoáy sang phía trái, cho tới lúc người trúng thi thích cánh lách được lên chỗ đệ trình căn cước. Khoa thi 1894 lấy sáu mươi cử nhân và hai trăm tú tài (lệ triều đình đặt ra thường lấy theo tỷ lệ nhất cử tam tú, cứ chấm lấy một cử nhân thì lấy được ba tú tài). Xướng xong tên sáu mươi ông cử tân khoa, mất ba tiếng đồng hồ, thì quan sứ Moren về. Các ông tân khoa phục xuống lạy. Ở tỉnh đường quan Tổng đốc, quan Kinh lược Bắc Kỳ ban mũ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn nó là những huân hiệu cụ thể của người men chân lên cái thang hoạn lộ vân vân...".
Ngày yết bảng ấy được kết thúc nhốn nháo la đà ở tòa sứ Nam Định bằng một tiệc rượu nhảy đầm đủ mặt các thứ tai họng tai mũi thực dân nứt mắt cũng như xồm xoàm.
Những đoạn sách Tây nói về khóa sinh ta thi chữ Hán, lại có kèm cả ảnh, ảnh chụp trường thi Nam Định. Một chu vi hàng rào tre đánh đai lấy một diện tích lều và chõng. Lều, trong ảnh, toàn hình mui luyện. Không nhìn cước chú dưới ảnh, cũng dễ lầm với một bến đò cạn nước, hoặc một cánh đồng lổm ngòm những mu rùa.
(Truyện ngắn Báo oán trong Vang bóng một thời (1940) của Nguyễn Tuân cũng có dựng lại phần nào về những khóa thi của trường thi Nam Định).
Thơ và đời Tú Xương dính liền khít với thiết chế trường thi và sự thi cử ở trường Nam Định. Có thể nói một cách khác: Tú Xương là một sự đi thi; hoặc: thơ và phú Tú Xương là những hồi quang tê tái về sự thi cử lúc nó sắp tàn cục.
Tính lại mà xem về cả đời Tú Xương vẻn vẹn có ba mươi bảy tuổi, thì Tú Xương đi thi liền một hơi suốt hai mươi hai năm, không khóa nào không lận đận trường ốc.
Mới mười lăm tuổi, đã đeo lên người một cái ống quyển và không ngoa ngoắt tí nào, khi chúng ta nói rằng cái người Tú Xương ấy lều chõng từ khi còn để chỏm.
Này nhá:
Tú Xương sinh năm 1870, đến năm 1885 đã bắt đầu làm quen với cái tiếng loa kinh hãi nơi cửa trường, nơi nhà thập đạo giữa trường. Khoa Ất Dậu 1885, không đỗ.
Và chúng ta cũng không lấy làm lạ vì cái sự hỏng thi của cậu Xương mười lăm tuổi đó. Mà chỉ coi đấy như là một cuộc thực tập của cậu khóa Xương, đi chuyến đầu đó, chưa đặt ra thi là phải đỗ, mà chỉ coi lần đó như là đi cho nó quen đi đã.
Năm Mậu Tí 1888, lại đi thi. Cái lều và cái chõng ai đóng ai phất cậy cho Trần Tế Xương khá lắm, không mọt không rách gì cả. Lều chõng năm xưa, chỉ phủi đi lớp bụi dày, Tú Xương nhập trường lần thứ hai, với cái tâm lý là thi thật, chứ không thi thử như năm 1885 nữa. Nhưng lại hỏng, khoa Tân Mão 1891 lại đi và lại vẫn hỏng.
Khoa Giáp Ngọ 1894, mới đỗ. Nhưng chỉ đỗ Tú tài.
Trần Tế Xương năm đó hai mươi bốn tuổi, và từ đó, đã chính thức thành tên là Tú Xương.
Thời bấy giờ khối người hỏng hoài hỏng mãi, mà vẫn đi thi suốt đời. Huống chi đã đỗ Tú tài, lại càng đi thi mạnh. Có người đỗ hai lần Tú tài gọi là Tú kép. Nếu đỗ Tú tài lại đến những ba lần, thì gọi là Tú mền, Tú đụp, vân vân. Có những ông Tú đi thi trọn đời mà chung thân chỉ là Tú tài, không bao giờ trở nên cử nhân, hoặc hơn nữa, đại khoa đại khiếc.
Từ sau khoa Ngọ 1894, đỗ Tú tài rồi, Tú Xương còn lều chõng một lèo mười hai năm nữa, tức là bốn khoa thi nữa: khoa Đinh Dậu, (1897), khoa Canh Tí, (1900) khoa Quý Mão, (1903) và khoa Bính Ngọ (1906). Thế rồi Tú Xương mất vào đầu năm sau. Tức là Tú Xương thi chết thôi, thi cho đến chết mới thôi.
Nếu Tú Xương không mất vào năm 1907, tôi tin rằng Tú Xương còn lều chõng cho đến cái năm 1915 bỏ hẳn chữ Hán. "Nhà nước còn thi, hãy cứ thi" kia mà! Với một người như Tú Xương, còn sống mà lại không đi thi nữa, thì là một việc không thể quan niệm như thế được. Tôi vẫn cho rằng nếu Tú Xương còn sống quá cái năm 1907 ông mất, thì ông còn thường trực có mặt nơi cửa trường và có lều trong vi thi. Và chí ít, thể nào khoa thi vào lớp cuối chầu chữ Hán là khoa năm 1912 đó, thể nào Tú Xương cũng lại đi. Để mà được xem nốt những chuyện lạ lúc giao thời Tây. Toàn quyền Pháp là Xarô tự tay phát mũ áo cho những ông cử nhân khoa thi sắp thi vét. Chỉ một chút nữa thôi, thì toàn quyền Xarô đã tan xác nổ giữa trường thi Nam Định do một trái tạc đạn của chiến sĩ Quang Phục hội. Bom này đưa từ Trung Quốc về, cốt để giết thực dân cao cấp Pháp tại giữa trường thi Nam Định, và kích động thêm giới trí thức nhà nho yêu nước chống Pháp mạnh hơn nữa. (Theo Cách mạng cận đại Việt Nam của Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo). Không tạo được điều kiện khách quan để nổ đúng vào tháng 11-1912 tại giữa trường thi Nam Định, tạc đạn ấy đầu năm sau đã nổ tại phố Tràng Tiền thủ đô Hà Nội, giết một số võ quan cao cấp Pháp tại khách sạn Hà Nội. Tạc đạn nổ giữa Hà Nội, và nổ luôn ở phố tỉnh Thái Bình, cho ngoẻo luôn một tên quan ta đại nịnh Tây. Về cái chết của tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn đó, thời nhân (tôi xin lỗi chưa tìm được ra tên họ nhà thơ nhân dân này) đã ',vịnh" rằng:
Bỗng đâu riêng sét đánh ngang trời
Tỉnh Thái quan tuần mất mạng toi
Bia tạc ngàn thu từ đấy nhỉ
Sấm kêu một tiếng ối giời ôi
Mề đay Bắc Đẩu đeo chưa đoạn
Tập án Đông Du kết chửa rồi
Cậu Kép là tay trinh thám giỏi
Thám ra cho kỹ nó là ai.
Bài thơ này hay ở chỗ "nhất điểm lưỡng diện" đánh luôn một lúc cả hai bố con thằng nịnh Tây. Câu Kép (câu thơ thứ 7) là con thằng chết bom, và nó đã sớm noi gương bố nó mà làm mật thám rồi.
Tóm lại, trong cuộc đời 37 năm của mình, Tú Xương đã đi thi liền tám khoa, như Tú Xương đã tự mỉa rằng "tám khoa chưa khỏi phạm trường quy".
Hầu hết những phú và thơ Tú Xương có dính đến chủ đề thi cử, thường thấy trùm lên một màu ảm đạm của những cảnh ngộ nửa buồn nửa bực.
Thoát ra cái thông lệ đó có lẽ là bài Đi thi nói ngông 7:
Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông tớp rượu vào, ông nói ngông
Trên bảng năm mươi thầy cử đội
Bốn kỳ mười bảy cái ưu thông
Xướng danh tên gọi trên mình tượng
Ăn yến xem ra có thịt công
Cụ xứ có cô con gái đẹp
Lăm le xui bố cưới làm chồng
Bài này không rõ Tú Xương làm vào năm tháng nào, nhưng có thể khẳng định được rằng nó được hình thành ra vào thời kỳ thi đỗ năm hai mươi bốn tuổi. Trước khóa thi đỗ năm Giáp Ngọ, Tú Xương khó mà có được cái giọng tự tin đó, mặc dầu đây cũng chỉ là một kiểu ngông đùa của một thi sĩ ngông. Trước đó, cũng không được, và sau thời kỳ hai mươi bốn tuổi tin mình tin đời đó cũng không được; bởi vì càng về sau này, càng thi càng cay cú về lều chõng, hơi thơ Tú Xương càng nẫu đi, màu thơ Tú Xương càng úa sắc, chất thơ Tú Xương có nhiều gia vị hơn, nhưng cũng có mất nhiều đi cái hồn nhiên đó.
Cái hồn nhiên của một người tân khoa trẻ tráng, tin rằng có tài có học có thi thì phải có đỗ, khoa này đỗ tú tài thì khoa sau khắc đỗ cử nhân, và càng thi càng đỗ cao, cao cho tới tiến sĩ ông nghè thì có chăng mới chịu buông tay bút và ống quyển ra. Cái tự tin của thời hồn nhiên đó tạo cho Tú Xương một nhỡn quan an lạc về trường ốc và cuộc đời sĩ tử.
Ừ, thiên hạ giỏi lắm thì bốn ký chỉ đến tổng cộng mười sáu điểm, thông luôn mười sáu chấm ưu, vậy mà mình lại được những mười bảy? Bên cái ngông, còn nổi nhọn lên cái tâm lý của một nhà nho trẻ sung sức yêu hiện tại và tin hẳn vào bản mệnh mình, tự cho mình phải đột xuất lên trên cái số năm mươi vị cử nhân thường lệ của mỗi khoa thi hương. Lĩnh mũ lĩnh áo vua ban giữa một cái sân đá hoa mênh mông có ngựa có cờ "phụng chỉ cầu hiền". Có tàn vàng, có lọng tía, có voi ngà bít bạc nạm vàng. Và người ta lại phải nghển trên bành voi mà loa đi thật cái họ cái tên mình, nghĩ mà thấy cũng đã "thỏa lòng mẹ cha", trong đạo hiếu. Thế rồi nhà vua tứ yến. Cỗ yến ban xuống có nhiều hương vị mà ở mâm giữa đình làng Vị Xuyên phong vận nhiều quan cũng không bao giờ biết tới. Chả phượng thịt công. Bất nhẫn mà hưởng thụ lấy một mình, phải kín đáo bọc những miếng chín đó vào vuông khăn điều, lấy phần đem về trao cho bố mẹ già đã có công sinh dưỡng mình!
Tất cả hào quang vinh quang đó quý thì quý thật, nhưng vẫn chưa quý bằng cái cặp mắt xanh của cô con gái thầy học, của con gái cụ đầu xứ tỉnh mình, của người giai nhân đã ngấp nghé mình, dám phá cả công thức luân lý một thời mà "lăm le xui bố cưới làm chồng". Đại đăng khoa như thế. Tiểu đăng khoa như thế! Gọi bài thơ đó là ngông cũng được, và gọi đó là một cái mộng lành mộng đẹp của tất cả những người học trò chân phương thời cũ, cũng là đúng vậy thay.
Cái lòng yêu đời ấy, tự tin về tài học ấy, Tú Xương đem nó cả vào trong văn tế bạn: "... dễ văn hay, làm cho thị táo chết tươi... " ý nói rằng đời phải ngả gỗ xuống nhiều hơn nữa đi, phải cưa xẻ gỗ thị gỗ táo nhiều nữa đi, phải khắc nhiều mộc bản nữa đi, cho những bài thơ Tú Xương có tài này.
Lòng tin cậy của một thời hồn nhiên như nắng sớm mai ấy, còn lóe hẳn trong một đôi câu đối Tết, lồng vào một bài ca trù hát ả đào:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
- Rằng hay thì thực là hay,
Không hay sao lại đỗ ngay tú tài!
vXưa nay em vẫn chịu ngài!.
Trước khi hạ những câu tự tin trên, dưới hình thức đối thoại với một người đàn bà yêu mình trọng tài mình, Tú Xương đã tủm tỉm một cách mãn nguyện hơn bao giờ hết "huống chi mình đã đỗ tú tài!' (?) Ngây thơ một cách biết bao dễ thương! Và từ đó trở đi, cái hồn nhiên ấy đối với khoa cử cứ mỗi ngày mỗi giảm sắc đi. Nó giống như cành hoa cứ úa nẫu dần trên án thư. Thực tế khách quan của thi cử lúc giao thời thêm mãi vào thơ Tú Xương đủ các vị mặn, chát, chua, cay, và biến hẳn đi cái hương vị tươi mát buổi sơ đầu..
Lúc đầu, Tú Xương ngông vì đỗ một lần tú tài, về sau, chẳng khoa nào đỗ thêm gì nữa, Tú Xương vẫn ngông và càng ngông nghênh. Đúng như cái kiểu Tản Đà (người đồng thời với Tú Xương, tuy không đồng tuổi) đã làm thơ tự trào:
(...) Bởi ông hay quá! Ông không đỗ
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông!
Ngờ vực dần dần thay thế hẳn cho tấm lòng hồn hậu trai trẻ, theo với cái đà thi hỏng về sau:
Thi là thế, học hành là thế
Trò chuyện cùng ai!
Sách vở mập mờ.
Văn chương lóng ngóng (...)
(...) Khăn khăn áo áo thêm rày chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng...
Buồn về thi hỏng, Tú Xương lồng nó vào cái đời thầy đồ dạy học, và đưa cái bực ấy vào hơi phú:
Vài quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh
Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía
Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh
(...)
Lại còn tủi mình và thấy thương cho chữ hiếu:
Đeo tiếng văn chương cho thế mỉa
Cực lòng cha mẹ đẻ con ra
Buồn bực, rồi tự an ủi:
(...) Đỗ đành may khỏi tiếng cha cu...
Rồi trở nên tiêu cực:
(...) Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì...
Vào cuối thời chữ Hán tàn cục ấy, có một người hỏng thi khác cũng chán chường với khoa cử. Ấy là một nhà thơ nữa: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cũng thi ở trường Nam (những khoa Hà Nam hợp thi gộp cả học trò Nam Định và học trò trường thi Hà Nội đã bị giải tán trường thi). Trường Nam năm đó mưa bão to, bãi trường thi úng nước, nhiều chiếc lều thi phất cậy rách bục, nhiều chiếc chõng thi bị ngập nước, phải lấy tráp mà kê quyển lên; nhiều anh quyển bị tì ố không đổi kịp. Và có anh học trò phục trên bản nháp mà chết gục, tay cứng vẫn không rời cái bút thủy, và cả khu trường ấy nồng lên mùi tử khí của khói chổi xể và bồ kếp. Tản Đà hỏng thi và bị tình phụ, đã mượn lời anh xẩm mù mà hát về Kiếp học trò rằng:
(...) Văn không hay, chẳng đỗ thì đừng
Gió mưa (anh) khỏi chết, nửa mừng (anh lại) nửa thương.
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường.
Bảng vàng mũ bạc (thôi) anh nhường mặc ai.
Muốn lên bà (mà) khó lắm! Em ơi!
Tú Xương ngán mỏi cho mình, và trông ra chung quanh, càng thấy mệt mỏi thêm vì những diện mạo và tâm địa các vị tân khoa đương thời. Có những anh dốt một cách thật là quá công khai, mà lại đỗ tiến sĩ. Vịnh những thứ tiến sĩ oan ấy, Tú Xương thay mặt cho những con người "học tài thi phận", đã phải kêu lên rằng:
Nghe văn mà gớm cho ông mãi
Cờ biển vua ban cũng lạ đời
(Những câu thơ Tú Xương về ông tiến sĩ đương thời, sao nó như là họ hàng dáng dấp với thơ vịnh Tiến sĩ giấy của Yên Đổ:
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi
Đi thi, trúng thi, không lấy tài học làm tiêu chuẩn chính. Thi đỗ lại sở cứ vào những thứ không tiện nói (thẳng) ra, mà Tú Xương tạm liệt nó vài cái tiêu chuẩn phúc (đức) rất là co giãn:
Người ta thi chữ ông thi phúc,
Dù dở dù hay ông cũng vào.
Cửa trường mở ra không khác gì rạp tuồng lúc tháo khoán. Mà đã như thế thì:
Nhà nước còn thi hãy cứ thi
Việc gì mà chẳng rủ nhau đi.
Cho đến cái "đức vua" Minh Mạng là người đã bày ra các tổ chức bảy trường thi từ Sài Gòn ra Hà Nội đi qua Huế, cũng đã tầng phải nói rằng: "Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo (...) Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi" (Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim).
Cái điều mà ông vua đó phải nói đến, lại vẫn chưa nguy hiểm bằng những cái điều Tú Xương phải thấy bằng đôi mắt đôi tai mình hằng ngày. Thấy gì? Thấy những đứa dốt đặc dốt lỏng, và nghe người ta đọc tên đám dốt đó trúng tuyển "phụng chỉ cầu hiền", đúng như cờ vua thêu chỉ kim tuyến đang phe phẩy ở sân và cổng trường thi gọi loa. Kết quả của một khóa thi, hai khóa thi, ba khóa thi, chỉ là sự hoành hành của cái dốt đã được trâng tráo đề cao bằng mũ và áo cờ biển nhà vua ban cho và đậy lên. Những tâm hồn ngay thẳng ở phố Nam Định ở làng tỉnh Nam, không thể không đồng tình với những câu hỡi ơi của Tú Xương:
Ới thi ơi là thi!
Ới khỉ ơi là khỉ!
Than sự thi, đến thế là đã hết cả chữ, ráo hết cả mực và cạn cả nghĩa cho rồi. Câu thứ tư của bài thơ ngũ ngôn vần trắc, khác chi một chữ xoẳn cộc lốc của thể thơ yết hậu nó đánh đánh chát một cái vào những cái điều tiêu lên mà vịnh mà đề. "Ới khỉ ơi là khỉ!". Buồn cười như anh không biết bơi bị uống nhiều ngụm nước mùn thớt! Đồ con khỉ nhe răng cười khi bị giội nước sôi! Khi mà công lý công luận bị nhục mạ thì hay sằng sặc lên cái hơi cười uất ức đó. Giữa bài thơ mình đọc cho chung quanh, chẳng nhẽ lại văng ra đấy một con gì tục tĩu hơn cả mọi sự lõa lồ? Con khỉ đây là một biểu tượng thế phẩm cho cái (cái hay là con?) hình tượng mà một nhà nho tự trọng đã vừa kìm nó lại kịp thời. Con khỉ đây chính là muốn nói cái con đó mà lại không chịu dùng cái tiếng đó! "ôi khỉ ơi là khỉ!". Vừa cười, vừa chửi, vừa thét gào, vừa mếu cho mọi trò bú dù đang xảy ra chung quanh những cuộc đánh giá văn chương của một thời bố láo lợm mửa. Cần phải nôn thốc vào, cần phải cho ọe ọc ra cho kỳ hết.
Trong bấy nhiêu khoa thi mà Tú Xương đã đưa lều đưa chõng và đưa tâm trí mình vào, phức tạp nhất, có lẽ là khoa thi năm Đinh Dậu 1897. Chưa khi nào lại ba lăng nhăng, lại nhốn nháo đến thế. Đúng là một khóa thi của buổi giao thời xáo ngầu cả ba món ta (học trò), Tàu (văn bài chữ Hán) và Tây (sự có mặt quan Pháp chủ lễ, và các bà đầm vợ họ). Quan văn, quan võ, lính ta lính Tây, súng đại bác, tàu chiến, mật thám, đầm thật, me Tây. Thôi thì đủ cả. Cả hàng mấy ngàn học trò giữa trường thi, quanh trường thi, cả nhân dân khắp phố thành Nam và các làng ngoại vi thị xã Nam Định, đều như chờ đợi một biến cố gì sắp xảy ra. Một không khí khủng bố trùm lên cả một cái tỉnh văn học. Cho đến nỗi:
Câu văn đắc ý đừng ngâm ngợi
Chén rượu mềm môi chớ gật gù
Tú Xương dặn thế chưa cho là đủ lắm rồi, lại còn dặn thêm người đi thi "ra phố khăn quàng quá trán". Nhưng, bất chấp cả sự cẩn thận giữ gìn kiểu làm thơ ẩn dụ, bất chấp cả sự bao vây theo dõi bịt mồm bịt miệng của thống trị Pháp, những tin tức về phong trào khởi nghĩa Kỳ Đồng vẫn được xì xào trong bóng tối, và bàn tán trong những nhóm lẻ tẻ kín đáo.
Kỳ Đồng, tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, thông minh từ nhỏ. Nhiều thứ "thần thoại" hồi đó loan đi khắp nơi rằng Kỳ Đồng có tài đi trên mặt nước, và đạn bắn không xuyên được vào người Kỳ Đồng. Người trẻ tuổi kỳ dị đó bỗng chốc trở thành lá cờ tập hợp những người sẵn óc ghét Pháp và đánh Pháp. Pháp liền cho tàu bể đưa luôn Kỳ Đồng sang Bắc Phi. Nghị định Thống sứ Bắc Kỳ năm 1887 đưa Kỳ Đồng sang học trường trung học An giê. Kỳ Đồng ở An giê chín năm và vẫn có dịp lui tới chỗ vua Hàm Nghi đang bị an trí ở đó.
Kỳ Đồng trở về nước năm 1896. Thời Toàn quyền Đu me đó, Kỳ Đồng vờ mở chung đồn điền ở Bắc Giang với Tây thực dân. Nhưng cốt là để gần với Đề Thám ở vùng Nhã Nam - Yên Thế. Kỳ Đồng liên lạc khắp nơi và mộ người nhiều tỉnh lên làm đồn điền. Có đến ba ngàn người lên lập ấp, ai cũng mang theo tiền lên góp cho Kỳ Đồng. Đông nhất là người Hải Dương, Thái Bình, Nam Định. Họ đi phu gì mà lại không mang gia đình theo? Tây đâm nghi và theo sát (theo tài liệu của PaulChack trong cuốn sách y viết về Hoàng Hoa Thám). Thiếu tá Pháp đóng quanh vùng Yên Thế, một đêm ập tới bắt Kỳ Đồng đưa về Phủ Lạng Thương, đưa luôn thẳng xuống thuyền đi Hải Phòng. Còn quản ấp và hương lý quanh vùng thì đưa xuống đồn Nhã Nam mà phạt tù.
Từ Hải Phòng, Kỳ Đồng bị đưa ra giữa Thái Bình Dương. Chuyến đi lần thứ hai này, cũng là chuyến đi bể dài ngày, nhưng không phải là đi học như chuyến trước mà là đi đày.
Theo Georges Reyer (đăng bài ở tuần báo Paris Match) thì Nguyễn Văn Cẩm (Kỳ Đồng) lúc bị đày ở đảo Tahiti, đã là bạn thân của họa sĩ nổi tiếng thế giới Gôganh (Gauguin) từ lúc họa sĩ mới tới đảo năm 1901. Lúc ấy Kỳ Đồng đang làm công ở mấy hiệu cao lâu bánh mì của Hoa kiều mở ở đảo. Vẫn theo Georges Reyer thuật lại, thì Kỳ Đồng là một người nhiều tài năng, và có óc làm lớn. Kỳ Đồng có làm giúp cho họa sĩ Gôganh cái nhà sàn - xưởng họa. Gô ganh vốn là một người Pháp ghét thực dân ra mặt.
Khoa thi Giáp Ngọ cách đây ba năm trước, cũng có Tây về chủ lễ. Nhưng chỉ là Tây xoàng. Lần này lại có Tây to về kia. Toàn quyền Đu me về thị oai (một số nhà nho bài Pháp hồi ấy còn gọi là thằng Đù mẹ). Toàn quyền "Đù mẹ" đang bắt đầu bòn rút đủ cách. Bày ra đủ mặt sưu thuế nặng. Muối đánh nặng. Thuế thuốc phiện, ai nghiện thì mới tức. Chứ muối thì tỉnh nào cũng chửi.
Không ai không chửi. Cờ bài rượu lại đề là RA. Ông thông ngôn Sài Gòn lại còn đi dịch đùa ra là "Cộng hòa An Nam mít viết tắt đó? Đù mẹ!". Có cả công sứ Đặc cũng tới dự lễ. Công sứ Darles này là một trong số bốn tên quan cai trị Pháp loại hiểm ác mà thời nhân vẫn gọi là "Bắc Kỳ tứ hung". Pháp điều động một số pháo thuyền về bờ sông Nam Định, ca nông đã lấy sẵn góc độ bắn cầu vồng vào những mục tiêu định sẵn. Trường thi Nam Định được nằm trong tầm súng đại bác.
Thành và phố Nam Định đông ăm ắp hẳn lên. Không phải cái đông đúc của tháng mở hội, cũng không phải cái đông đảo bình thường của những năm vua mở khoa thi để chọn hiền tài mọi lần. Cái đông đúc này được người phố phường thấp giọng xuống mà nhận định là "hình như sắp có loạn gì". Đường hoa thị xóm Mỹ Trọng, người như kiến cỏ. Chẳng ai biết ai. Sao tự nhiên ùn về nhiều người lạ mặt đến thế, đông đến thế, mà phu cáng phu thuê lại mất cả làm ăn, không ai dám nghênh ngang cái đòn ống.
Khám kỹ lắm, xem có giấu súng đạn dao mác gì không xuể, họ cấm. Khố xanh khố đỏ đầy đường. Mật thám như rươi. Nhà hát ả đào Hàng Thao lúc nào cũng kìn kìn người ra vào như gian hàng hội chợ đấu xảo, nhưng chẳng ra cái chầu hát gì cả. Các thầy khóa trường Hà Nội xuống thi chung với các thầy khóa Nam Định khăn áo vẫn có vẻ nền hơn bất cứ nơi nào. Nhưng cũng khó mà phân biệt người buồn tình đi nghe đàn hát thật sự với kẻ nào giả vờ đi nghe hát cốt để mong tin. Một số đào nương nhởn nhơ quen, nay cũng trở thành người ít nhiều có suy nghĩ, vừa suy nghĩ vừa chửi thầm quan Tây và lính Tây. Tỉnh Nam Định, những gốc hòe ra hoa vàng, năm ấy hình như xuống sắc, và vàng nẫu, nó không tươi như những mùa thi trước.
Trường thi Nam Định khoa Đinh Dậu đó, cái mà các thầy khóa hay bàn bạc nhiều nhất với nhau, chính là mấy cái món thay đổi mới, mấy cái món mới thêm thắt vào. Ví dụ như rồi sẽ bỏ hẳn chữ Hán (thực ra việc này Tây định làm ngay đấy, nhưng mãi đến mười tám năm sau, họ mới bỏ được chữ Hán). Ví dụ như món bốn bài toán viết bằng con chữ số A Rập. Nhất là cái món chữ quốc ngữ. Ngữ âm vẫn như tiếng nôm ta, nhưng văn tự thì lại dùng cho La Mã (nay gọi là La tinh hóa) thứ chữ viết của những người nước ngoài đến đánh chiếm nước ta. Và từ khóa thi này, chữ gọi là quốc ngữ đó sẽ dần dần thay thế hẳn chữ Hán.
Chao ôi, việc thi cử thì rắc rối bày trò như thế, mà việc nước việc thời thế thì như thế! Bụng người đi thi thật là một mớ bòng bong. Lại còn vọng ra, từ trường thi hương Nghệ An, cái tin Phan Bội Châu bị án chung thân không được thi cử bất cứ ở đâu 8.
Bài tám câu dưới đây của Tú Xương không đem tất cả ngột ngạt và nhốn nháo khoa Đinh Dậu đó vào thơ nhưng, dưới một góc độ nhỡn quan cũng thật là hiện thực kiểu Tú Xương, cũng đã khắc lại cho đời sau những nét tranh gỗ đặc biệt của cái năm thi đặc biệt đó.
Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà
Tú Xương, ngậm ngùi mà thương cho cả cái trường thi, thương cho cả đám sĩ phu đang bị một nhục hình chưa bao giờ xảy đến cho họ. Những con người đạo nho vốn trọng nam miệt nữ đó, thì lại bị một lũ đàn bà, một lũ đầm ngoại lai tới thi mà xúc phạm lăng mạ thẳng vào chính cái nhân sinh quan của họ. Không đỗ cũng cực, mà đỗ để phải phủ phục xuống mà lạy Tây, lạy cả đầm, thì càng quá là nhục. "Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà " và "Một đàn thằng hỏng đứng mà trông", thì đã trông thấy thêm những gì nữa? Thấy thêm:
Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng
Những mụ đàn bà đó - mặc dù nó là bà đầm, mặc dù nó là toàn quyền phu nhân, là công sứ phu nhân hoặc là gì gì phu nhân đi nữa - hỏi xem ai cho phép nó bén mảng đến cái chỗ trường thi tôn nghiêm của nhà vua cầu hiền, và phép nước, từ thượng cổ, chỉ dành riêng cho nam nhi? Ai dám cho nó vào đây? Không, chả ai cho cả. Nó là sự bắt buộc phải mời họ tới, mời vợ chồng họ tới. Cũng là sự bất đắc dĩ cả đấy thôi. Mà không mời, họ cứ ập vào, phỏng thử ta ngăn nổi được chăng? Đại bác ca nông pháo thuyền nó đã hếch cả mũi lên thành tỉnh lên trường thi kia kìa. Khi mình đã là người thua ở lịch sử, khi đã mất nước, thì còn khối là cái sự nhục. Đến vua thiên tử đấy, mà còn phải mở cửa chính Ngọ Môn cho nó, nó mới chịu lộp cộp giày săng đá đi vào nữa là. Còn là nhiều sỉ nhục chả riêng gì việc Tây đầm lọt vào trường thi. Cơn nó lên, chả thấy nó đốt béng cả trường thi Nam Định, nó đuổi bắn mất cả trường thi Hà Nội đi đấy ư? Người ta mạnh, thuốc đạn đấy, người ta muốn gì, mặc cho họ; khi mà ta chưa đủ thuốc súng, hẵng mặc kệ họ! Mụ đầm "váy kéo lê quét đất", "trên ghế, ngoi đít vịt", thôi nó muốn đến, nó muốn vào, nó muốn ngồi ghế, thôi thì nó muốn gì thì nó cứ việc làm cái việc nó muốn. Chứ còn mình, sao mình lại đi mà lạy đàn bà!
Những mụ đàn bà vợ nọ vợ kia của đám Tây xâm lăng? Mà lại đội mũ mặc áo tân khoa vào mà lạy! Ô kìa, chữ nghĩa và nhân cách, đem vứt cho lợn cho chó cả rồi sao? Từ thuở khai thiên lập địa trên đất ta, chưa có những sự đó bao giờ. Trước mặt Tú Xương, quả là một cuộc lộn phèo giá trị, đúng là loạn, loạn đến sau lưng rồi, loạn ở trước mặt rồi.
Thôi thì có đứa lạy, nhưng cũng phải có người biết đường mà bảo họ đừng có lạy thối nữa. Không cầm được quả nổ vứt đoàng được vào trường thi, thì Tú Xương làm thơ vậy, và vẫn làm cái thứ thơ nửa cười nửa mếu đó.
Đương thời, hiệu lực bài thơ hiện thực phê phán đó ra sao và được bao nhiêu kết quả, tôi không rõ. Nay chỉ biết rằng trường thi đã xa vắng như cái mùi ẩm mốc của thứ giấy bản chưa rách cháy hết. Và trên những trang giấy bản ẩm nhòe ấy, thơ nói về trường thi của Tú Xương giống như những lời thanh nghị của một lớp sĩ phu thời đó. Không đánh được ai bằng khí giới, thì ít nhất cũng phải lấy bút ra mà vẩy cái mực sĩ khí vào những nghè những cử bịt mũi xu thời! Vẩy vào, và than một đôi lời.
Thời đại của ta hôm nay ngồi luận bình về thơ Tú Xương, là một thời đại khoa học mà cách mạng đã rõ cái khí thế của sự tất thắng (ở trong nước cũng như ở trên thế giới), thời đại hôm nay chỉ có hứng chứ không than, và nó không dung thứ những người ngồi than suông bàn vã về thời cục. Nhưng cũng không nên quên rằng cách đây trên nửa thế kỷ, cuộc sống trên khắp sông núi Việt Nam hầu như là chỉ có tiếng than. Có người vừa than vừa chống Pháp. Có người chỉ than không thôi. Tiếng nói Tú Xương cũng là nằm trong cái bối cảnh chung đó của than thở, và nó đòi có sự cảm thông của hậu sinh, hơn là sự thương hại hoặc sự buộc tội rẻ tiền và đơn điệu của một kiểu người hãnh tiến.
Cái tiếng than ấy của Tú Xương về trường thi xưa, cũng không ngoài cái đau buồn về một đạo học đã nhạt dần sức hấp dẫn cuối chầu của nó:
(...) Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học