I've never known any trouble that an hour's reading didn't assuage.

Charles de Secondat, Baron de la Brède et de Montesquieu, Pensées Diverses

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thạch Lam
rong văn học Việt Nam trước Cách mạng 1945, Thạch Lam là một trong số những nhà văn được nhiều cảm tình của người đọc. Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Dưới cái hình thức không những thoát ra khuôn sáo cũ của cách hành văn đương thời mà lại có rất nhiều đức tính sáng tạo ấy, văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày. Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước sự sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học. Mặc dù in ra ít, sách Thạch Lam có đánh dấu lại được cái tâm hồn súc tích, rộng rãi và tiến bộ của một nhà văn xuôi chân chính.
o O o
Thạch Lam sinh năm 1909, mất năm 1942, sự nghiệp văn học gồm truyện ngắn, truyện dài, truyện thiếu niên, và những bài bình luận văn học. Tác phẩm đầu tay là một tập truyện ngắn in năm 1938, tập Nắng trong vườn. Và sau đó, tiếp theo luôn hai tập truyện ngắn Gió đầu mùa và Sợi tóc.
Thạch Lam có viết sách cho trẻ em. Cuốn Quyển sách và cuốn Hạt ngọc tả cảnh thôn quê cốt giới thiệu cảnh làm lụng nông thôn với một chú bé quen sống ở thị thành.
Tiểu thuyết dài của Thạch Lam in năm 1939, và Thạch Lam cũng chỉ viết có một truyện dài Ngày mới.
Nhưng nói đến Thạch Lam người ta vẫn nhớ đến truyện ngắn nhiều hơn là truyện dài. Ngoài các tập truyện, Thạch Lam có viết một tác phẩm xinh gọn duyên dáng để riêng ca ngợi những phong vị và sắc thái của thủ đô. Tập Hà Nội ba mươi sáu phố phường này, được truyền tụng nhiều, nhất là đối với những người có ít nhiều quan hệ trực tiếp với cuộc sống vật chất và tinh thần hồi đó của thủ đô Hà Nội. Hà Nội ba mươi sáu phố phường có giá trị của một tác phẩm văn học giúp ta nhận thức thêm về những khía cạnh nhiều màu nhiều vẻ của "Tổ quốc ta tươi đẹp" Thạch Lam còn có một số bài báo luận văn học, sau gộp lại in ra năm 1941, với tên sách Theo giòng.
Nói đến nghệ thuật của Thạch Lam, tức là nói cụ thể đến nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam. Một số truyện ngắn của Thạch Lam có thể coi như là mẫu mực được. Có những truyện ngắn Thạch Lam, ở cái thời bấy giờ, đọc xong thấy nó đọng lại trong người ta như một câu hỏi bức thiết của tác giả, như là một lời trách móc kín đáo của nhân vật truyện. Những vi phạm vào quyền sống của hạnh phúc tuổi trẻ, những nỗi cay đắng oan uổng của cảnh bị ép duyên, đâm đầu xuống sông mà không chết ngay được, để sau đó phải mòn chết oan trái trong truyện Hai lần chết. Những cuộc sống phụ nữ hết lo cho em lại đến lo cho chồng, cứ chìm chìm xám xám như thế quanh một cái chợ. Những "cô hàng xén" tuy không lên tiếng đòi quyền sống trong truyện nhưng qua kẽ dòng truyện, vẫn như hỏi thầm người độc giả rằng ý nghĩa cuộc sống có phải là như thế không?
Truyện Hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác.
Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn ở trong tương lai. Đây là một mẩu sinh hoạt hàng ngày và kéo dài của hai chị em đứa trẻ thay mẹ trông nom một gian hàng vặt ở một cái phố huyện, gần một cái ga xép. Đêm đêm có những bóng người bình thường lù mù đi qua trước gian hàng. Những bóng người ấy cũng lù mù như nhiều chấm lửa ở những nguồn ánh sáng quanh quất nơi phố huyện. Trong cái bốn bề chìm chìm nhạt nhạt, bỗng có những tiếng động mạnh và những luồng sáng mạnh của một chuyến xe lửa kéo qua hàng ngày. Hai chị em đứa trẻ ngày nào cũng chờ một chuyến tàu đêm kéo qua rồi mới chịu đóng cửa hàng. Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và của ước vọng. Đọc Hai đứa trẻ, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín.
Trong cái tấm lòng quê hương mát mẻ của Thạch Lam, đôi lúc vẩn lên cái bóng dáng một vài con người thực dân Pháp, cái bóng dáng một Người đầm. Mặc dù chỉ là vài nét chân dung chấm phá, lồng vào khuôn khổ hẹp của một câu chuyện kể lại theo thể thức một truyện ngắn, truyện Người đầm gợi nhiều. Nó không dám công khai hô hào cổ võ, nó chỉ nói thầm, nhưng lại nói thầm một cách rành rọt. Dưới cái thời Tây còn làm chủ nước ta, Thạch Lam bỏ nhỏ vào tai bạn đọc mình những điều ghê gớm mà Tây thuộc địa không muốn một người "bản xứ" nào bàn đến, hoặc là đặt ra đặt lại bằng bất cứ cách nào.
Lòng yêu âm trầm đất nước quê hương ông bà đã luyện cho Thạch Lam một cách nhìn ý nhị về người đầm xâm nhập trái phép vào ta. Thạch Lam đã lễ phép mà trình bày một hình tượng của cái sự kiện lịch sử đó. Có người bảo lối viết hàm dưỡng kín đáo ấy, cũng là một cách để lọt lưới kiểm duyệt thời xưa. Có thể có cái khía ấy nữa, nhưng theo tôi nghĩ, đây chính vẫn là cái phong cách im ả thâm thúy của Thạch Lam. Qua cái hơi văn càng bình thản bề ngoài ấy, ta thấy thực dân cái (cũng như thực dân đực) càng trở nên kệch cỡm, nó dị dạng tới cái mức phải cho nó cút đi khỏi cái chân trời chung của cả tác giả lẫn độc giả.
Truyện Người đầm xem như là lối truyện không nặng về cốt câu chuyện. Nó nặng về biểu hiện mặt trong của suy nghĩ, hơn là diễn tả cái bên ngoài. Hầu hết là bút pháp của độc thoại nội tâm, trừ một vài chặng đối thoại, như chỗ bà đầm nói chuyện với chú bé bán kẹo vừng bên Hồ Kiếm. Đọc truyện, tôi thích những tác giả có cái bút lực dựng đám đông tấp nập, ồ ạt nhiệt náo, quát thét, vận động nhiều, hành động nhiều hơn là bàn bạc. Nhưng tôi lại thích cả những cách diễn đạt trầm trầm mà chuyển, đêm dài một bóng một đèn, một nhân vật đó và mình, thấy cũng thấm đáo để. Nhà văn Thế Lữ có kể lại rằng câu chuyện này là do họa sĩ Nguyễn Gia Trí thuật lại và Thạch Lam đã viết ra theo một cách diễn tả riêng.
Nếu thật là như vậy, thì càng thấy rõ việc sáng tác chính là ở chỗ vận dụng được kinh nghiệm sự sống, vận dụng được cái vốn suy nghĩ và tưởng tượng của bản thân mình.
Còn như có sống trực tiếp hay chỉ là gián tiếp cái cốt truyện cái khung truyện dựng ra kia, thì đó chưa phải là mặt quan trọng trong sáng tác văn học. Cái chủ yếu vẫn là cái cơ sở nhân sự thực tế, cái vốn thực tế đã tầng trải, đã thể nghiệm, đã tích lũy. Chuyện của người khác được sống lại một cách sinh động trong truyện kể hấp dẫn của mình, ấy là nhờ có cái sự tích lũy quý báu đó vậy.
Truyện Nhà mẹ Lê viết cách đây khoảng hai chục năm mà đọc đến thấy đâu như chuyện năm ngoái năm kia gì đó. Đọc Nhà mẹ Lê, có lúc cứ lầm tưởng đâu như là Thạch Lam có đi theo một đội phát động nào? Cũng cảnh đi làm thuê ở mướn. Cũng địa chủ tàn bạo. Cái thảm kịch của những người nhà quê sống những năm khủng hoảng kinh tế 1930-1935 dưới thời đế quốc. Cũng cảnh nhà nghèo mà lại đông những mười một mụn con, đến nỗi người cùng xóm phải nhắc "thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất". Người mẹ muốn lao động mà không có quyền lao động. Kẻ giàu đã không cho vay gạo nuôi con, lại còn xùy chó Tây cắn chết. Bao nhiêu đoạn khổ tình thương.
Để thấy rõ thêm con người và thái độ của tác giả Nhà mẹ Lê xin dẫn ra đây một đoạn văn Thạch Lam ghi vào lời nói đầu tập truyện ngắn Gió đầu mùa: "... Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
Trong bài phê bình Người nhà quê trong văn chương, Thạch Lam còn có những mong muốn rất là cụ thể:
" Sự thực người nhà quê chỉ yêu quý ruộng đất chừng nào mà họ là chủ ruộng đất...".
" Chúng ta phải đợi có một nhà văn nguồn gốc ở đồng ruộng, tự cày bừa lấy trang sách nói về người nhà quê, vạch một luống thẳng thắn và mạnh bạo trên đất
o O o
Thạch Lam hay đi vào những cảnh ngộ nghịch trái, mà đồng thời cũng là đi sâu vào những tâm trạng, tâm tình, cảm xúc cảm giác. Truyện Tối ba mươi dựng lên cái tâm trạng đau thương của những người đàn bà phải lấy thể xác ra làm hiện vật buôn bán trong một cái xã hội mà tiếng nói của đồng bạc là tiếng nói quyết định. Họ chịu đựng sự rẻ rúng của xã hội tiền bạc, nhưng đôi lúc, - như cái lúc hết một năm để sang năm khác của đời con người ta, - trong cái tâm hồn đọa lạc và đùng đục ấy, vẫn sáng lên những ý nghĩ và tình cảm trong lành. Truyện Sợi tóc ghi lại một cơn bão phút giây trong một tâm tư, ghi lại những cái tinh tế của một cuộc giao tranh luân lý giữa cái thiện và cái ác, giữa chính và tà, mà "chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên". Không dùng những chữ to tát, giọng Thạch Lam điềm tĩnh pha mỉa mai nhẹ nhàng nó cũng là cái lối nói quen thuộc của tác giả. Với giọng đó, Thạch Lam trình bày một trường hợp về nhân phẩm con người, và ghi lại một chiến thắng của một cuộc đấu tranh tư tưởng trong cái bản thân một người. Trong cuộc sống phức tạp hàng ngày, con người đạo đức trong chúng ta, ở thời cũ đó, đã có dịp dẹp tan biết bao vụ ăn cắp ăn trộm xảy ra trong ý nghĩ chúng ta như thế, mà chúng ta, vì bận rộn quá, hay quên đi đó thôi! (Trong con người, vốn lại hay có những cái vĩ đại bị vệt ố của hèn hạ). Nhìn qua Sợi tóc, vượt lên cái bề ngoài những đoạn văn hoài nghi, người bạn đọc sâu sắc sẽ tìm thấy thực chất của truyện Sợi tóc là một truyện đem lại sự yên tâm cho ta hơn là ngờ vực.
Dưới bóng hoàng lan, nhân vật có bà và cháu, cháu đi làm trên tỉnh. Một cô thôn nữ Nga vẫn chờ đợi xây dựng với cái anh Thanh đi làm việc trên tỉnh kia. Cái bóng cây có hoa thơm ở đây, dưới ngòi bút Thạch Lam, cũng đóng một vai nhân vật. Nhân-vật-cây-cỏ-hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm thơm lành, và mát dịu, và giúp thêm cho tác giả định nghĩa về danh từ quê hương nó là "một nơi mát mẻ và sung sướng để thường về nghỉ sau việc làm". Bóng hoàng lan đây, là một cái bóng mát ở một chốn quê cũ của tuổi thơ trẻ, nó giúp cho người bộ hành nghỉ chân trên đường đời, trước khi tiến lên nhiều chặng nhiều quãng mới. Những cái bóng mát này, rất cần, mặc dù trong thực tế cuộc sống nhỡn tiền, có nhiều chặng nghỉ, có nhiều cách nghỉ không hoàn toàn giống hẳn như trong truyện "có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đây, khiến chàng vương phải".
Đi sâu vào sở trường của mình là tả những tâm trạng, Thạch Lam đã dựa trên một sự việc nhỏ bé hàng ngày như cái việc đi xe và mặc cả xe kéo hồi trước đây, mà dựng nên truyện Một cơn giận để nêu lên một cái sự thật thường xảy ra luôn luôn trong cuộc sống tình cảm:
"Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ". Và "người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng". Một cơn giận đây có giá trị của một sự kinh nghiệm về cuộc sống hay bày vẽ ra một số oan khiên vô ích. Cái kinh nghiệm ấy được kể lại với sự chân thành nhiệt ái và lòng hối lỗi. Nó có cái tác dụng của những lời ân cần nhắc cuộc sống hàng ngày hãy coi chừng với bản thân mình, tỉnh táo hơn, tỉnh táo trong xúc động, trong phản ứng để cuộc sống mọi người bên mình thêm nhiều công bằng và nhịp nhàng hơn.
o O o
Đọc Thạch Lam, có người chê câu văn Thạch Lam và nói chung văn phẩm Thạch Lam là ít động tác ít hành động, và kết luận: "Cho nên Thạch Lam viết truyện dài không thành công". Tôi đồng ý là truyện dài Ngày mới của Thạch Lam không thành công, nhưng rất dè dặt về cái điểm "câu văn và văn phẩm nhất thiết phải có động tác phải nhiều hành động" bởi vì nhiều khi, nhiều động tác quá thì lại hóa ra túi bụi. Cái chính trong truyện là nhân vật có làm, phải làm cái này cái kia, nhưng nhân vật còn phải có cảm có nghĩ, có suy nghĩ nữa. Và cái thế giới bên trong đó của một nhân vật của những nhân vật rất là cần cho sinh khí tiểu thuyết. Cái phần ấy mới đem đến cho nhân vật một cái chiều sâu và do cái thâm thúy đó, mới thỏa mãn được người bạn đọc và giúp gì cho người bạn đọc.
Về Thạch Lam và đọc truyện ngắn Thạch Lam, tôi cứ nghĩ như đó là một người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải sự sống ở một số mặt sống, vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cùng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên ngoài bên trong mình. Rồi trang trọng đề nghị với mọi người cùng bàn về điều hơn lẽ thiệt, mặc dù cái điều hơn thiệt đưa ra bàn bạc có khi chỉ nhỏ như một sợi tóc... Nhưng đứng về mặt góp phần vào việc xây dựng một nền văn xuôi Việt Nam hãy còn trẻ tuổi, đứng trên chỗ đó mà bàn về Thạch Lam thì cũng dễ có sự đồng tình của tất cả, để cùng thấy cái chỗ đóng góp của nhà văn xuôi Thạch Lam. Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là cái tiêu chuẩn chung cho các thể các ngành văn nghệ, thì đây là một cái chuẩn quan trọng - nếu không là duy nhất - để nhận định giá trị của một nhà văn, nhà văn ấy dù qua đời rồi hoặc còn đang làm việc cho văn học. Và đánh giá một nhà văn, đứng về nghề nghiệp chuyên môn mà bàn, thì giá trị một nhà văn xuôi, cụ thể còn là những công đức lập ngôn của nhà văn đó mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào, và đã góp được phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ Việt Nam như thế nào.
10-1957
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học