Số lần đọc/download: 1156 / 2
Cập nhật: 2015-08-10 15:43:51 +0700
K
hông hiểu tại sao mọi người khi chưa ưa nhau thì bảo người kia “sủa như chó”. Có thể có một số trường hợp chó hư như vậy nhưng không gọi là chó, mà gọi là “con má”. Tôi thấy hầu như các con chó đều rất đáng yêu, rất tình cảm và rất trung thành. Nếu khéo huấn luyện, thì nó rất biết nghe lời. Bên tây phương, thứ hạng đàn ông còn được xếp sau loài chó.
Mấy hôm trước trời mưa, có chú chó nhà bên sủa mấy tiếng, tiếng của nó rất dền và vang. Chẳng hiểu sao, tôi cũng tập sủa như nó và dần dần tiếng sủa của mình cũng khá giống. Rất có lực và vang. “Tập”để sủa giống được như vậy không dễ tí nào.
Hôm nọ, có anh trai sang nhà chơi, tôi khoe “Anh ơi, em sủa giống chó cực”. Hít một hơi vào bụng dưới cho căng phồng, tôi đẩy hơi lên vòm họng và sủa một cách ngon lành. Cô con gái 10 tháng thấy vậy cũng “âu âu”, mắt tròn xoe như hòn bi ve, trông thật đáng yêu.
Tần Thủy Hoàng là một nhân vật lẫy lừng trong lịch sử, nhưng trong những lúc cô quạnh, ông đứng từ trên đỉnh núi cao vắng vẻ, cất lên những tiếng tru của loài chó sói. Chỉ có như vậy ông mới cảm thấy dễ chịu..
Cường Ba, cũng là nhân vật chính trong tác phẩm “Mật mã tây tạng” của nhà văn Hà Mã. Một người vô cùng hảo sảng, sống hết mình vì bạn bè. Một ông chủ lớn trải qua đầy phong ba bão táp của cuộc đời. Cường Ba có một người cha trí tuệ vĩ đại và trong lúc cô đơn ông cũng cất lên tiếng tru của loài chó. Khi thấy một tấm ảnh chụp con chó Ngao Tạng ai đó bí mật gửi. Ông cũng bỏ tất cả cơ nghiệp của mình để lao vào hành trình lên dãy Hy Mã Lạp Sơn tìm kiếm.
Hôm nọ, tôi đùa với vợ: “Em thấy anh sủa giống chó không?” Vợ nhìn tôi cười mà chẳng biết nói câu nào. Tôi nghĩ thầm “Chắc nghĩ ông này làm sao, chứ hết con gì rồi hay sao mà đòi làm chó”.
Với một con mắt “tương tức” để nhìn cuộc đời thì tôi thấy muôn loài nương tựa vào nhau mà sống, mà có, mà “biểu hiện”. Biểu hiện của cái này sẽ tác động đến sự biểu hiện của cái khác. Nên chẳng có “thấp hèn”, chẳng có “xấu hổ” gì khi ai đó bảo mình “là chó cả”. Nếu chó mà biết tiếng người, có lẽ nó lại sợ khen nó “Mày khôn như người”, chẳng biết đâu mà lần.
Một ai đó nói “sủa như chó”, mà mình ý thức, biết được mình đang nói câu đó, thì có lẽ chẳng bao giờ mình nói câu đó cả.
Oan cho loài chó quá..