Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Sắc
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Chi Chi
Upload bìa: Alibaba
Số chương: 73 - chưa đầy đủ
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 503 / 4
Cập nhật: 2020-11-27 19:56:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Quyển 4 - Chương 3: Thiên Như Ý
Năm 1390, dốc Trích Lưu, huyện Câu Dung, phủ Ứng Thiên.
Lý Định Viễn được đại nha hoàn Tì Bà ôm trong lòng mơ mơ màng màng đi qua hoa viên của phủ quốc công, đến Tuyên viên nơi ông nội cậu đang ở.
Mặc dù chưa tỉnh ngủ đã tới thỉnh an ông nội, có phần thất lễ, nhưng Lý Định Viễn trước giờ luôn được chiều chuộng, đương nhiên không có ai dám nói cậu nửa lời.
Lý Định Viễn năm nay mới mười tuổi, mặc dù chưa thực sự hiểu chuyện nhưng cũng biết ông nội mình là một người không hề tầm thường. Người đầu tiên đứng dưới hoàng đế triều Minh chính là ông nội Lý Thiện Trường của cậu, trước đây được phong làm Tả tướng quốc, đứng đầu trong bách quan. Dùng câu "dưới một người trên vạn người" để nói về ông nội cậu thật không sai một chút nào.
Chuyện trong triều đình Lý Định Viễn không rõ, nhưng cậu biết ông nội mình có chín con trai, mười lăm cháu trai, mười hai cháu gái, nhưng ông quý nhất chỉ có mình cậu. Ngay cả nhị thúc lấy vợ là công chúa cũng chưa từng đòi hỏi đãi ngộ gì đặc biệt trước mặt ông nội. Ngoài cả nhà nhị thúc sống trong phủ công chúa ra, các thúc bá và anh chị em họ đều sống trong nhà chính của Lý gia ở Cửu Giang Giang Tây, chỉ có mình cậu được nuôi dưỡng bên cạnh ông nội.
Một mình được chiều chuộng vô cùng, ngoài việc cảm thấy phiền não vì ít được gặp cha mẹ ra, Lý Định Viễn cũng an tâm hưởng thụ thứ cuộc sống hủ bại của con em nhà quyền quý. Ngay cả việc tới thỉnh an ông nội mỗi sáng cậu đều thực hiện trong lúc nửa tỉnh nửa mơ cho có lệ.
Ông nội cậu sống trong phủ Quốc công chính tông, quy chế của sảnh đường là sảnh đường của quan nhất, nhị phẩm, năm gian chín giá, khí thế hùng mạnh. Lý Định Viễn hơi hé mắt, lập tức bị ánh sáng phản chiếu trên ngói pha lê rọi vào chói mắt, lại uể oải nhắm lại.
Đi thêm một lúc nữa, cảm nhận được hơi thở của Tì Bà cố tình thả lỏng, Lý Định Viễn cũng ngửi thấy mùi hương an thần nồng đậm nên biết là đã tới thư phòng của ông nội. Cậu dụi mắt, vốn định làm nũng ông nội như mọi ngày, ông nội sẽ ôm lấy cậu với vẻ mặt bất lực, thậm chí ngay cả khi cậu giật râu của ông, ông cũng sẽ chiều chuộng để mặc cho cậu nghịch.
Chỉ là vòng tay ấm áp quen thuộc mọi ngày không hề xuất hiện, Lý Định Viễn hồ đồ mở to mắt nhìn, thấy ông nội đang sầm mặt lại, tay đang cầm cốc trà men đỏ, ngồi trên ghế quan mạo bằng gỗ sưa có lưng tựa và tay vịn, ánh mắt nghiêm nghị nhìn cậu.
"Nhìn bộ dạng hư đốn của cháu xem, có ra thể thống gì không?".
Lý Thiện Trường là nhân vật cấp nguyên lão từ những năm Chí Chính thứ mười ba dưới thời Nguyên Thuận đế đã bắt đầu ở bên Chu Nguyên Chương đánh dẹp thiên hạ, mặc dù làm những việc bình thường như khi Tiêu Hà làm cho Lưu Bang thời Hán, đều là phụ trách công tác hậu phương như việc quân chính nội vụ chung chung, tốt xấu gì cũng đi qua vô số chiến trường biển máu. Mặc dù hai mươi hai năm trước đã sáng suốt phòng thân cáo lão rút khỏi quan trường, nhưng vẻ uy nghiêm vẫn không hề thua kém năm xưa. Bình thường ở nhà trước mặt cháu yêu của mình, ông thường có ý cất giấu tính cộc cằn khó chịu của mình đi, nhưng bây giờ lại chẳng có tâm trạng để che giấu, cái nhìn uy nghiêm bức khí như sóng thần, đang đổ dồn về phía Lý Định Viễn.
Tì Bà đang ôm Lý Định Viễn cũng sợ hãi, cả người run lên, suýt chút nữa không bế nổi thập tam thiếu gia trong lòng, biết ý liền quỳ xuống đất.
Vì đại nha hoàn quỳ xuống nên Lý Định Viễn thuận theo thế đứng thẳng trên mặt đất. Cậu lại chẳng hề bị sợ hãi trước vẻ mặt của ông nội, tự mình chỉnh trang lại y phục trên người cho gọn gàng, chỉnh tề, lúc này mới bước lên trước vài bước, biết phép tắc quỳ xuống trước mặt Lý Thiện Trường, miệng nói thỉnh an rồi bái lạy.
Bài lễ nghi này Lý Định Viễn nắm rất rõ, mỗi lần đón Tết hoặc có lễ cậu đều nhìn thấy các thúc bá cùng anh chị em họ mỗi người mỗi ngày đều làm một lần. Mặc dù cậu thực sự chưa từng nghiêm túc làm thế này bao giờ, nhưng nhìn thấy người khác làm nhiều lần như vậy dù sao cũng có thể học được điệu bộ. Sở dĩ Lý Định Viễn được Lý Thiện Trường nhìn nhận và đối xử khác biệt, đương nhiên không chỉ vì cậu rất đáng yêu, Lý Thiện Trường thích thú hơn cả chính là con mắt nhanh nhẹn của cậu, cảm thấy cậu bé giống mình nhất. Vì vậy ngay cả khi đặt tên cho cậu, ông cũng không tuân theo quy tắc cái tên phải là chữ đơn thuộc bộ thảo đầu, mà đặt ra cái tên phóng khoáng này.
Lý Định Viễn ngoan ngoãn dập đầu, cũng không đứng dậy, cứ ngoan ngoãn quỳ trước mặt Lý Thiện Trường, ngẩng đầu nhìn ông với ánh mắt vô tội.
Lý Thiện Trường nhìn đôi mắt long lanh trên khuôn mặt non nớt của cháu mình, chẳng được bao lâu đã phải đầu hàng, khí thế tích trữ bao lâu giống như vỡ đê sông Hoàng Hà, ào ào chảy hết. Ông thở dài, kéo đứa cháu lên, xoa trán cậu bé với vẻ yêu thương: "Viễn Nhi, là do hôm nay tâm trạng ông không tốt, không đập đầu vào đâu đấy chứ? Ông nghe thấy "bốp" một tiếng đấy". Trong mắt người ngoài Lý Thiện Trường là một Tuyên Quốc công nói một là một nói hai là hai, chỉ cần ông sầm mặt lại thì cả đám người đều phải lục tục quỳ xuống, nếu đám người ấy nhìn thấy cảnh vị công khanh hàng đầu này cúi mình như thế e rằng sẽ trợn tròn mắt lên mất.
Đôi mắt to tròn của Lý Định Viễn đảo đảo, trong lòng thầm ghét tính khí của ông nội, mấy hôm trước vừa giày vò đám hộ vệ bên cạnh mình, bây giờ lại bắt đầu giày vò cậu sao? Thế này không được rồi, ngày mai phải gọi cả tứ ca và lục ca tới đồng cam cộng khổ, dù sao bọn họ cũng ở ngay phủ công chúa bên cạnh đây thôi.
Lý Thiện Trường hiểu rõ cháu mình như lòng bàn tay, chỉ cần nhìn biểu cảm của cậu là đoán được tên nhóc này đang nghĩ cái gì: "Lại định đi giá họa cho Tiểu Tứ và Tiểu Lục hả?". Về những đứa cháu khác, Lý Thiện Trường từ trước tới giờ luôn gọi thẳng thứ tự, thậm chí còn không thể nhớ được tên của một số cháu. Vì vậy đối với Lý Định Viễn mà nói, quả thực ông đối xử rất khác.
Tứ ca và Lục ca của Lý Định Viễn đều là anh họ, tên là Lý Phương và Lý Mậu, đều là con của người con trai thứ Lý Kỳ và công chúa Lâm An, năm nay đã là thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi rồi, làm sao có thể cùng kiến thức, suy nghĩ như Lí Định Viễn mười tuổi được. Mẫu thân của họ - Lâm An công chúa là trưởng nữ của Chu Nguyên Chương, trước đây Lý Thiện Trường vô cùng an tâm vì cô con dâu công chúa này, ông cảm thấy Chu Nguyên Chương dù có tàn hại công thần nguyên lão thế nào đi nữa, thì tuyệt đối không thể ra tay với thông gia, vì vậy cũng rất gần gũi hai đứa cháu này. Đương nhiên, mức độ gần gũi cũng khác biệt với Lý Định Viễn.
Lý Thiện Trường xoa xoa cái trán ửng hồng của cậu, trái tim mềm nhũn, giọng nói cũng mềm mỏng hơn: "Đều là do ông không tốt, Viễn Nhi muốn gì nào? Ông đền cho cháu". Giọng nói chan chứa sự xót thương và nỗi đau khó nói nhưng lại được che giấu rất tốt.
Trong lòng Lý Định Viễn không có gì để nói, thầm nghĩ biết ngay là như vậy mà! Ông nội quả là không biết xấu hổ! Chỉ thích lấy đồ vật ra nịnh cho cậu vui! Có điều cậu hẹp hòi tính toán một hồi, vẫn quyết định thử xem sao: "Ông ơi, cháu muốn cái tráp đồng kia".
Cái tráp đồng kia là món bảo vật Lý Định Viễn mong muốn có từ lâu rồi. Trước đây cũng từng nịnh nọt thử rất nhiều lần, nhưng ông nội chỉ cho cậu mượn xem chứ không hề tặng cho cậu. Những bảo vật khác thì cậu muốn gì ông cũng tặng cho, lâu dần cái tráp đồng này trở thành chấp niệm trong lòng Lý Định Viễn, cậu cũng không biết mình thực sự thích cái tráp đồng này hay chỉ vì giận dỗi mà muốn có cho bằng được.
"Được".
"Nếu ông nội không muốn cho thì thôi... Sao cơ? Ông đồng ý rồi?". Lý Định Viễn mở to mắt ngạc nhiên.
"Không Hầu, đi lấy cái tráp đồng lại đây cho Viễn Nhi". Khó mà bắt gặp biểu cảm kinh ngạc thế này của cậu bé nên Lý Thiện Trường rất vui. Ông giơ tay một cái là lập tức có người vào thư phòng mang cái tráp đồng ra, đặt vào tay Lý Thiện Trường.
Lý Định Viễn nhìn chằm chằm vào chiếc tráp đồng mà mình đã mong muốn từ lâu, không rời mắt được. Cái tráp đồng này không giống tráp đồng bình thường, mặc dù chỉ to bằng lòng bàn tay nhưng nhìn trên bề mặt hoa văn khắc tinh xảo vẫn còn một lớp gỉ đồng dày là biết vật này có niên đại không hề nhỏ. Nắp của tráp đồng được làm bằng ngọc lưu ly, dưới nắp lưu ly màu xanh lục nửa trong suốt kia có thể nhìn thấy lờ mờ bên trong tráp đồng đặt cố định một miếng ngọc Như Ý màu trắng. Điều khiến Lý Định Viễn mê mẩn chính là cái tráp đồng này không thể mở ra được! Cái nắp ngọc lưu ly được gắn khít hoàn toàn, nếu muốn cầm miếng ngọc Như Ý trên tay để chơi đùa chỉ có cách đập tan cái nắp ngọc lưu ly đáng giá kia đi mà thôi.
Cho dù Lý Định Viễn có là người coi tiền bạc như bùn đất đi chăng nữa thì cũng biết tuyệt đối không thể làm cái việc hủy hoại bảo vật như thế được. Cậu vẫn không hiểu tại sao lại có người đặt miếng ngọc Như Ý vào trong tráp đồng rồi gắn lại, lẽ nào có cách khác mở cái tráp đồng này sao? Nhưng các chỗ khác cũng đều gắn kỹ không có kẽ hở, mỗi lần Lý Định Viễn lấy chơi đều phải trả lại mà không tìm được cách nào thành công, càng khiến cậu tò mò muốn mở bằng được cái tráp này.
Nhưng khi ông nội đích thân đặt cái tráp đồng vào trong lòng cậu, Lý Định Viễn lại chẳng hề vui sướng phát cuồng như cậu tưởng tượng, mà ánh mắt lại chuyển từ cái tráp đồng sang nhìn ông nội, cậu hỏi ông với vẻ nghiêm túc chưa từng thấy: "Ông nội, đã xảy ra chuyện gì thế?".
Nét mặt hiền từ của Lý Thiện Trường hơi sững lại, sau đó cười nói: "Không sao, chỉ là gần đây ta khá bận, Viễn Nhi tới biệt thự Thang Sơn chơi vài ngày được không? Cái tráp đồng này cứ tạm thời để ở chỗ cháu mấy hôm, đợi cháu về rồi ta sẽ lấy lại nó".
Lý Định Viễn phùng hai cái má béo múp lên, ôm chặt cái tráp đồng với vẻ mặt không cam tâm. Cậu biết ông nội không nói thật với mình, cũng biết mặc dù ông yêu chiều mình nhưng tuyệt đối không cho phép cậu phản bác lại chuyện ông đã quyết định.
Lý Thiện Trường lưu luyến vỗ đầu cậu bé, điềm tĩnh quay sang dặn dò người bên cạnh: "Luật Địch, ta giao Viễn Nhi cho ngươi đấy". Chàng thanh niên gầy gò bên cạnh lập tức quỳ xuống dưới đất.
Lý Định Viễn thấy chàng thanh niên đáp lời xong liền đứng dậy bế cậu lên, khiến cậu bất ngờ quay lại nhìn. Đại nha hoàn Tì Bà không đi cùng cậu sao? Chỉ có Luật Địch đi cùng? Mặc dù cậu biết ở bên cạnh ông nội Luật Địch có địa vị rất cao, nhưng toàn bộ chuyện này có điều gì đó kỳ quái khó nói nên lời.
Tì Bà đã đưa bọc đồ thu dọn sẵn cho Luật Địch, sau đó chân tay nhanh nhẹn cởi bỏ bộ đồ lụa là gấm vóc trên người cậu như là áo lót vạt đối xứng hoa văn hoa cỏ, thay bằng áo vải nâu xám như đứa trẻ bình thường. Còn tháo hết các loại trang sức quý báu cậu đeo trên người, chỉ để lại miếng ngọc bội Tí Thìn màu trắng không bắt mắt đeo ở bên hông.
(Ngọc bội Tí Thìn là loại ngọc bội trang sức ngụ ý may mắn cát tường điêu khắc hình con chuột (Tí) và con rồng (Thìn) đan xenlẫn nhau)
Lý Định Viễn trợn mắt há miệng, đến lúc phản ứng lại cậu định mắng Tì Bà thì đã bị Luật Địch ôm vào lòng, nhanh chóng rời khỏi theo lối hậu viện. Tì Bà cũng cung kính hành lễ với Lý Thiện Trường sau đó cầm quần áo của Lý Định Viễn rời đi.
Lý Thiện Trường nhắm nghiền mắt lại, thở một hơi dài: "Động Tiêu, ngươi nói xem nếu lão phu chết sớm hơn liệu có thể đảm bảo an toàn cho cả nhà không?".
"Quốc công gia....". Một người đàn ông trung niên bước ra từ sau bình phong, bi thảm quỳ gục xuống dưới đất.
"Quả nhiên con người luôn tham lam, ai chẳng muốn sống yên ổn chứ?". Lý Thiện Trường thở dài: "Lúc Viễn Nhi ra đời, ta cũng muốn sống thêm vài năm, đợi nhìn nó trưởng thành. Nhưng hết năm này tới năm khác, càng nhìn nó ta càng không nỡ ra đi. Haizz, lão phu chẳng sợ chết nhưng lão phu chết bây giờ hoàng thượng cũng sẽ cho rằng lão phu tự sát vì sợ tội. Gia đình Kỳ Nhi có thể được giữ mạng, nhưng Viễn Nhi... lão phu thực sự không nỡ....".
"Quốc công gia, người còn có đan thư thiết khế được ban tặng, có thể miễn chết hai lần cho người, miễn chết một lần cho con cái....". Động Tiêu không cam tâm nhắc nhở.
"Đan thư thiết khế? Là người nào đã ban cho lão phu? Nếu người ấy đã có thể ban tặng đương nhiên cũng có thể thu hồi". Lý Thiện Trường chẳng cảm thấy may mắn chút nào, ông đã quá hiểu ông bạn già ngồi trên ngai vàng kia, giống như người kia cũng thấu hiểu mình như vậy thôi.
Động Tiêu đang định khuyên thêm một hai câu thì nghe thấy có tiếng hỗn loạn ngoài tiền viện, lờ mờ vang lên tiếng bước chân đều tăm tắp.
"Không ngờ còn điều động cả ngự lâm quân, thật là đánh giá cao lão phu quá". Lý Thiện Trường cười khinh miệt, điềm nhiên chỉnh sửa lại mũ áo. Còn Động Tiêu cũng đứng thẳng người ngay sau lưng ông, thần sắc hoảng hốt ban nãy đã mất đi thay vào đó là vẻ mặt lạnh lùng không chút biểu cảm.
2
Lý Định Viễn được Luật Địch ôm trong lòng, vừa rời khỏi Tuyên Quốc công phủ theo lối cửa ngách, đã nhìn thấy từng đội ngự lâm quân rảo bước tiến vào. Từng đám giáp trụ và giáo sắt hừng hực tỏa ra sát khí khiến Lý Định Viễn rùng mình, nỗi sợ hãi từ trong lòng dâng lên khó mà kiềm chế được.
Bởi vì cậu phát hiện ra hướng đám ngự lâm quân này đi chính là tiến vào Tuyên Quốc công phủ.
"Đừng nhìn". Luật Địch ấn cái đầu nhỏ của Lý Định Viễn, hạ giọng nhắc nhở.
"Không nhìn càng khiến người khác nghi ngờ". Lý Định Viễn thẳng thắn phản bác lại. Cậu đã vô cùng quen thuộc đám thị vệ nha hoàn bên cạnh ông nội, đương nhiên sẽ không khách khí với chúng.
Luật Địch sững sờ, trận thế lớn thế này mặc dù dân chúng đi qua đều cúi đầu câm như hến, nhưng ai cũng tò mò len lén nhìn. Dù sao nơi xảy ra chuyện cũng là Quốc công phủ, đó là một nơi dường như không thể nào sụp đổ được.
Ngay giây sau Lý Định Viễn sợ hãi suýt chút nữa kêu lên thành tiếng, bởi vì cậu nhìn thấy Tì Bà lén la lén lút chạy ra từ cửa ngách, trong lòng ôm một đứa bé chừng bảy tám tuổi. Quần áo trên người nó rõ ràng là vừa được cởi ra từ người cậu, thoạt nhìn giống hệt cậu. Tì Bà hoảng sợ nhìn đám ngự lâm quân cách đó không xa, sau đó lập tức ôm đứa bé chạy về hướng ngược lại, còn đám ngự lâm quân cũng phát hiện ra Tì Bà, nên nhanh chóng phái một tiểu đội đuổi theo.
Lúc này cho dù Lý Định Viễn có ngu ngốc đến mấy cũng hiểu ra được rằng ông nội đã xảy ra chuyện, nếu không làm sao có thể để Tì Bà làm chuyện "lấy mắt cá giả hạt ngọc" thế này được?
"Ta phải quay về". Lý Định Viễn nghiến răng giãy giụa. Nhưng Luật Địch ôm chặt lấy cậu, cố gắng nhanh chóng rời khỏi khu này mà không bị ai phát hiện, len lỏi trong từng con phố to ngõ nhỏ của Ứng Thiên phủ.
"Thập tam thiếu gia, đây là ý của Quốc công gia". Luật Địch vừa đi vừa hạ giọng khuyên bảo: "Lần này e rằng Quốc công gia lành ít dữ nhiều".
Ngón tay Lý Định Viễn bấu chặt vào cái tráp đồng, lực mạnh đến nỗi sắp bật cả móng tay cậu ra. Cậu hy vọng mọi chuyện chỉ là do ông nội nghĩ nhiều, nhưng đám ngự lâm quân dáng điệu vội vã trên phố và đám cẩm y vệ mặc áo Phi Ngư, eo giắt Tú Xuân đao, đều khiến sắc mặt Lý Định Viễn càng lúc càng trắng bệch. Ở Ứng Thiên phủ này đám cẩm y vệ chính là ma quỷ khiến trẻ em ngừng khóc trong đêm. Mặc dù ba năm trước đã xóa bỏ cẩm y vệ, nhưng trên thực tế đó chỉ là văn bản bề ngoài mà hoàng đế dùng để xoa dịu đám đại thần mà thôi. Ngoài triều, đám cẩm y vệ vẫn mặc cẩm y dạ hành, ngấm ngầm thu thập các loại tin tình báo.
Lý Định Viễn nghiến răng dùng hết sức lực bản thân mới miễn cưỡng lên tiếng: "Ngươi cũng đừng gọi ta là thập tam thiếu gia nữa, cứ gọi thẳng là...Tiết Nhi đi". Lý Tiết vốn là tên phụ thân đặt cho cậu dựa theo quy tắc bộ thảo đầu. Nhưng sau đó ông nội lên tiếng, dùng cái tên Lý Định Viễn đưa vào gia phả, vì vậy không ai biết cái tên này.
Luật Địch gật đầu, trong lòng thầm khen ngợi không hổ danh là thập tam thiếu gia mà Quốc công gia yêu chiều nhất, cổ thể nhanh chóng điều chỉnh tâm trạng, còn chỉ ra được điểm sơ hở. Luật Địch rẽ trái rẽ phải trong ngõ rồi không biết kiếm đâu ra một cỗ xe ngựa, đặt Lý Định Viễn vào trong. Không nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài, tuổi nhỏ như Lý Định Viễn càng hoảng hốt hơn, nhưng cậu vẫn kiềm chế không làm ồn. Luật Địch vòng vo trong thành như vậy đến tối mịt mới tới một căn nhà rách nát.
Nghe Luật Địch nói đây là căn nhà dân do ông nội cậu mua từ lâu, nhiều năm rồi không sửa chữa gì, cũng vì sợ người ta nghi ngờ. Sau khi Lý Định Viễn ăn qua loa chút thức ăn, Luật Địch nói ra ngoài nghe ngóng tin tức của Quốc công phủ, Lý Định Viễn cũng rất lo lắng nên nổi cậu ở một mình cũng không sao và để Luật Địch đi. Mặc dù Luật Địch không yên tâm nhưng cũng biết nếu tùy ý tìm một người tới chăm lo thập tam thiếu gia thì sẽ có nguy cơ bại lộ. Anh ta cũng biết bây giờ ở bên cạnh Lý Định Viễn là trách nhiệm của mình, nhưng lòng trung thành với quốc công gia bao năm qua khiến anh ta đứng ngồi không yên.
Cuối cùng Luật Địch vẫn đi, còn Lý Định Viễn ôm cái tráp đồng ngồi co ro run rẩy trong căn nhà rách nát tối om.
Cậu không dám châm đèn, vì nếu lúc này căn nhà rách nát bao năm không có người ở bỗng nhiên có bóng người, chắc chắn khiến đám cẩm y vệ sục sạo khắp nơi kia cảm thấy lạ lùng.
Cậu cứ lặng lẽ ngồi trong bóng đêm, nhớ tới ông nội nhớ tới bố mẹ, nhớ tới thúc bá, nhớ tới huynh đệ tỉ muội, nhớ tới những tháng ngày hạnh phúc trước đây, con tim dần dần trở nên lạnh lẽo.
Nhìn mặt trời mọc lên rồi lặn xuống mấy lần như vậy, Lý Định Viễn biết rằng Luật Địch mãi mãi không quay trở về nữa rồi.
"Đừng....đừng bỏ ta lại một mình". Cậu lẩm bẩm, cuối cùng trước mặt tối sầm, cậu chìm vào hôn mê.
Chiếc tráp đồng rơi xuống dưới giường, cái nắp lưu ly đáng giá liên thành va phải nền đá xanh, tiếng vỡ giòn tan vang lên thành nghìn mảnh. Bạch ngọc Như Ý trong tráp lăn ra, tỏa ra thứ ánh sáng trắng dịu dàng dưới ánh trăng.
"Lý Thiện Trường bị định tội tòng phạm với Hồ đảng, thân là nguyên huân quốc thích, biết mưu phản nhưng không báo, nghi ngờ quan sát, trong lòng mưu đồ hai mặt, đại nghịch bất đạo, liên lụy tới vợ, con, em, cháu tổng hơn bảy mươi người phải chết. Hoàng đế tự tay thảo chiếu thư luận tội, truyền lời như vậy, nay bố cáo thiên hạ "Chiêu thị gian đảng tam lục"..."
(Hồ đảng tức là bè phái của thừa tướng đương triều Hồ Duy Dung. Tháng Giêng năm Hồng Vũ thứ mười ba (1380) Hồ Duy Dung bị tố cáo mưu phản, Minh Thành Tổ lập tức giết cả nhà Hồ Duy Dung, truy cứu và giết hại đến hơn một vạn người. Mười năm sau có người tố cáo Lý Thiện Trường có quan hệ trong vụ mưu phản của Hồ Duy Dung, lúc đó dù đã 77 tuổi, đã nhiều năm cáo lão về quê cũng không thoát, cả nhà hơn 70 mạng người đều bị giết)
Giọng nữ trong veo vang lên trong căn nhà rách nát, một nữ đồng chừng mười tuổi tóc búi kiểu sừng dê, đang nghiêng đầu đọc từng chữ trên bản bố cáo trong tay. Trên chiếc giường bên cạnh cô bé là một nam đồng mặt mũi tiều tụy đang đắp chiếc chăn cũ nát, ngồi dựa lưng vào tường, đôi môi khô nứt đã mím chặt thành một đường thẳng.
Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi Lý Định Viễn đã gầy rộc đi, đôi má phính đã hóp lại, cằm cũng nhọn hơn, hoàn toàn biến thành bộ dạng khác, cho dù là người thân cũng khó mà lập tức nhận ra được đây là thập tam thiếu gia được Quốc công gia yêu chiều nhất.
Nghe nói hôm đó ông nội của cậu bị hoàng đế ban cho tấm lụa trắng tự thắt cổ, người thân của cậu bị bắt từ tận Giang Tây Cửu Giang về, ba hôm trước đã bị chém đầu thị chúng, cậu gắng gượng đi xem toàn bộ quá trình, nhìn những người thân của mình lần lượt rơi đầu xuống đất, máu chảy thành sông. Hơn bảy mươi người? Đâu chỉ hơn bảy mươi người? Các đại thần và hầu tước có liên quan tới gia đình cậu đều bị liên lụy, nghe nói hoàng thượng mượn cớ này nhổ cỏ tận gốc, các công thần và người thân bị giết tổng cộng hơn ba vạn người. Ứng Thiên phủ giống như được bao bọc bởi làn sương mù âm u màu máu, cả kinh thành tản mát mùi máu tanh khiến người ta khó thở, hồi lâu cũng không tan đi được.
"Tiết Nhi, cậu có phải lại đói rồi không? Chỗ ta có bánh bao đó". Nữ đồng đặt bản bố cáo xuống, tiện tay xoa xoa cái bụng nhỏ của Lý Định Viễn.
"Như Ý, ta không đói". Lý Định Viễn gượng cười với nữ đồng, trong ánh mắt lạnh lẽo lóe lên một tia ấm áp. Vì đợi Luật Địch nên cậu đã hôn mê mấy ngày liền trong căn nhà này, lúc tỉnh dậy thì gặp Như Ý. Cô bé xinh xắn đáng yêu và trắng như ngọc, nhưng trên người lại mặc bộ đồ nam nhi bình thường, tuy vậy cử chỉ ăn nói đều toát lên phong thái. Lý Định Viễn cho rằng Như Ý cũng giống như mình, đều là hậu duệ nhà quan nào đó bị liên lụy mà bỏ trốn, nếu không một nữ đồng mười tuổi con nhà dân thường làm sao có thể biết chữ? Hơn nữa cậu hỏi cô họ gì nhưng cô không trả lời, có lẽ họ của cô không phổ thông như họ Lý của cậu.
Cậu ốm mấy ngày qua may mà có Như Ý ân cần chăm sóc, cứ nghĩ tới gia đình cô bé vì gia đình mình mà tan cửa nát nhà, Lý Định Viễn càng nghĩ càng cảm thấy áy náy. Nhưng nỗi áy náy ấy rất nhanh chóng biến thành thù hận.
Đúng thế, ông của cậu không làm sai bất cứ chuyện gì! Người sai chính là người ngồi trên ghế rồng kia.
"Tiết Nhi, có phải cậu không vui vì cái tráp đồng bị vỡ không?". Như Ý đưa chiếc tráp đồng tới trước mặt Lý Định Viễn, e dè hỏi.
"Không phải". Lý Định Viễn đưa mắt nhìn cái tráp đồng mình mang từ nhà đi, nhưng chẳng còn chút yêu thích như trước đây nữa. Cái nắp lưu ly đã bị vỡ, bạch ngọc Như Ý bên trong không biết đã đi đâu, cũng không rõ đã lăn vào chốn nào, hay là lúc họ không ở nhà đã có người vào lấy cắp. Cậu nhớ mang máng lúc mình bệnh nặng cái tráp bị cậu đánh rơi xuống đất, nhưng những chuyện này đã không còn quan trọng nữa. "Như Ý, đọc lại bố cáo cho ta nghe".
Như Ý gật đầu, lén lút cất cái tráp đồng vào một góc khuất, khuôn mặt để lộ nụ cười đắc ý.
Lý Định Viễn không chú ý tới động tác nhỏ của Như Ý bởi vì giọng nói trong vắt của đối phương lại vang lên.
"Lý Thiện Trường bị định tội tòng phạm với Hồ đảng, thân là nguyên huân quốc thích, biết mưu phản nhưng không báo, nghi ngờ quan sát, trong lòng mưu đồ hai mặt, đại nghịch bất đạo..."
Lý Định Viễn nắm chặt tay, đôi mắt đỏ ngầu.
Đại nghịch bất đạo... đại nghịch bất đạo... không ngờ lại nói ông của cậu đại nghịch bất đạo! Vậy cậu sẽ đại nghịch bất đạo cho ông ta xem!
3
Năm 1398.
Lý Định Viễn chắc chắn mình đã cắt đuôi được đám cẩm y vệ phía sau, lại cố tình đi lòng vòng vài vòng nữa, lúc này mới trèo tường vào một căn nhà vắng lặng.
Đây sớm đã không còn là căn nhà rách nát mà Luật Địch sắp đặt cho chàng hồi đầu nữa, tám năm trước khi mới bắt đầu chàng và Như Ý sống rất vất vả, hai đứa trẻ trên người không có tiền, ngay cả đồ ăn thức uống quần áo cũng không có. Miếng ngọc bội Tí Thìn trên người chàng đem đi đổi cũng chỉ được một chút ngân lượng rồi nhanh chóng tiêu hết. Sau đó may mà Như Ý đào được một cái hòm ở sân sau của căn nhà nát, bên trong chứa đầy ngân phiếu và vàng lá, nhờ vậy tình hình mới khá hơn. Tám năm qua, cả hai người cải trang làm những đứa trẻ tới Ứng Thiên phủ cậy nhờ người thân nhưng không có kết quả, chuyển đi chuyển lại mấy nơi. Mặc dù biết rõ kinh thành đã trở thành nơi chết chóc nhưng Lý Định Viễn không hề có ý định rời xa nơi này.
Tám năm trước, chàng đã biết người thân của mình không không phải toàn bộ đều bị giáng tội chết, nhị bá và hai vị đường huynh của mình do là người thân của Lâm An công chúa nên được hoàng đế mở cho con đường sống, nhưng bọn họ không được ở lại trong kinh thành, chỉ có thể sống ở Giang Phố ngoại ô Ứng Thiên phủ, không lâu sau bị ép di cư tới huyện Nam Xương, Giang Tây. Lâm An công chúa cũng đi theo, nhưng Lý Định Viễn biết nhị bá và công chúa chắc chắn đồng sàng dị mộng, cả gia đình nhỏ cũng bằng mặt nhưng không bằng lòng. Chuyện giận cá chém thớt cho dù biết là không khôn ngoan nhưng về chuyện tình cảm khó mà nhẫn nhịn được.
Chàng không dám đi nhận gia đình nhị bá, bởi chàng biết bên ấy chắc chắn có cẩm y vệ theo sát, dù cho tướng mạo của chàng bây giờ đã khác hoàn toàn với vẻ mũm mĩm xưa kia. Đứa trẻ cũng đã biến thành thiếu niên, nhưng chỉ cần gia đình nhị bá có thái độ khác lạ với chàng thì kết cục sẽ dẫn tới họa sát thân mà thôi.
Huống hồ, chàng còn phải ở lại Ứng Thiên phủ, báo thù cho gia đình mình!
Nhớ tới hành động ám sát đêm nay không thành, Lý Định Viễn lại nổi sát khí phừng phừng. Không nóng vội, lần này đã tiến bộ hơn lần trước rồi, lần sau sẽ cố gắng hơn. Chàng ôm vết thương ở eo, dưới ánh trăng sáng nhanh nhẹn đi tới dưới bóng cây, chỉ nghe thấy một tiếng ""kẽo kẹt" vang lên, cửa sổ sáng ánh đèn được mở ra, giọng nữ giới lạnh lùng cất lên: "Vào đi".
Lý Định Viễn rụt cổ, chắc là Như Ý giận rồi, bây giờ mà còn làu bàu cái gì mà nam nữ thụ thụ bất thân thì e rằng Như Ý sẽ nổi giận lôi đình ngay lập tức... Sát khí trên người chàng thiếu niên bay biến hết, chàng cúi đầu khom lưng không chút chí khí đẩy cửa đi vào phòng.
Đây là một khuê phòng vô cùng đơn giản, trong phòng không có nhiều đồ đạc bày biện gì cả, điểm sáng duy nhất chính là thiếu nữ đang một tay chống cằm ngồi trước bàn. Dung nhan nàng đẹp như tranh, ngũ quan thanh tú, mặc dù cài trâm gỗ mặc váy vải thô nhưng chẳng thể che giấu nổi sắc đẹp của nàng, đặc biệt là làn da trắng mịn màng như ngọc, dưới ánh đèn dầu hoàng hôn càng khiến chàng hoa mắt.
Cho đến khi thiếu nữ trợn trừng đôi mắt xinh đẹp như muốn đâm xuyên chàng một nhát, Lý Định Viễn mới phát hiện ra mình lại ngây người nhìn Như Ý rồi, chàng lập tức cúi đầu che giấu, đúng lúc nhìn thấy đôi chân thiếu nữ lộ ra dưới gầm bàn.
Đó là đôi chân trời ban, thiếu nữ mấy năm qua cùng chàng bôn ba khắp đông tây, nên không bó chân. Nhưng đây cũng là điểm khiến Lý Định Viễn hài lòng nhất, vì Như Ý không bó chân nên cho dù nàng rất xinh đẹp cũng rất ít người tới cầu thân. Nếu có người cứ bám mãi không dứt thì chiêu cuối cùng chính là chuyển nhà. Đương nhiên chàng tuyệt đối không chê gì Như Ý cả, thỉnh thoảng cũng vô ý nhìn thấy đôi chân trời ban của nàng, đôi chân ngọc ngà hoàn mỹ ấy thực sự đẹp tới mức khiến người ta rung động tâm hồn.
Lý Định Viễn cũng không biết mình xuất phát từ tâm lý gì, bắt đầu từ tám năm trước, từ giây phút giới thiệu Như Ý với người ngoài, chàng không hề muốn đóng giả làm huynh muội chút nào.
Bọn họ cũng đâu phải huynh muội chứ.
Chàng đã nhìn chân trần của nàng, thì chàng phải chịu trách nhiệm chứ nhỉ? Đợi mối thù của chàng báo xong, chàng nhất định sẽ trịnh trọng tới hỏi cưới!
Như Ý nheo mắt nhìn khuôn mặt Lý Định Viễn đang từ từ đỏ ửng trước mặt nàng, bỗng dưng cảm thấy cái tên tiểu tử này chẳng hề hối lỗi gì cả. Nàng đứng dậy trực tiếp lột áo dạ hành trên người chàng ra, xé toạc băng vải trước ánh mắt kinh ngạc của chàng, đến khi nhìn thấy vết thương nghiêm trọng, nàng bất chợt sững sờ.
"Ta đã tự xức thuốc xử lý rồi". Lý Định Viễn biết Như Ý lo lắng cho mình nên khẽ giọng giải thích. Nếu vẫn còn chảy máu thì e rằng không thể tránh được đám cẩm y vệ.
Như Ý chậm rãi cài áo lại cho chàng, cúi đầu nói: "Tại sao cứ như vậy? Ông ta đã bảy mươi tuổi rồi, không sống được bao lâu nữa. Huynh còn trẻ, ông ta không thể sống hơn huynh được".
Đôi mắt Lý Định Viễn trở lên sắc lạnh, chàng nắm chặt tay: "Điều đó không giống nhau".
"Báo thù... quan trọng như vậy sao?". Như Ý ngẩng đầu lên, trên khuôn mặt xinh đẹp như hoa của nàng là thần sắc mơ hồ bất định.
"Rất quan trọng".
"Rất quan trọng". Lý Định Viễn nói từng tiếng một. Mỗi một tiếng nói ra đều chậm rãi và nặng nề, giống như đang thuyết phục Như Ý, cũng giống như đang thuyết phục chính bản thân mình. "Ta không thể nào tham gia thi cử bởi vì tất cả sĩ tử tham dự đều phải điều tra hộ tịch tổ tông ba đời, thậm chí ngay cả tư cách tham gia thi ta cũng không có, muốn vào cung làm thị vệ cũng không được. Tòng quân cũng là một cách nhưng ta vào quân đội để có được chút danh vọng cũng cần rất nhiều năm. Ta vốn định quan sát thế cục của Ứng Thiên phủ một thời gian, giúp những đại thần có ý đồ khác, nhưng ba năm trước ngay cả vị khai quốc cuối cùng là Lục công tước Phùng Thắng cũng bị giết rồi, triều đình trên dưới đều nhu nhược hết đỗi, ta thấy bọn họ ngay cả đánh một cái rắm trong buổi lên triều có lẽ cũng không dám".
Như Ý chau mày, cũng không biết có phải vì cách so sánh thô thiển của Lý Định Viễn hay bởi vì bao năm qua chàng không hề thay đổi quyết tâm.
Đôi mày thanh tú của thiếu nữ khẽ chau lại dưới ánh đèn, cả khuôn mặt là thần sắc bất an bao trùm càng khiến trái tim Lý Định Viễn mềm nhũn. Chàng và Như Ý cùng nhau lớn lên, mặc dù không biết thân phận thật của nàng nhưng chàng cũng có thể đoán ra thân thế của nàng nhất định rất hiển hách. Năm mười một tuổi, chàng phát hiện ra con đường học hành thi cử không khả thi chút nào, vì vậy đã đi khắp nơi tìm cao nhân bái sư học võ. Sau khi Như Ý biết được nguyện vọng của chàng, nàng đã đưa cho chàng một bộ bí kíp võ công và giải đáp từng chút một vào những lúc chàng thấy bế tắc, sau đó còn tìm cho chàng thanh kiếm Thanh Minh vô cùng sắc bén. Các tướng lĩnh theo Chu Nguyên Chương chinh phạt Nam Bắc cũng không thiếu các võ lâm cao thủ, Lý Định Viễn thấy Như Ý không muốn nói, chàng cũng không hỏi kỹ về thân thế của nàng.
"Nguyện vọng của huynh vẫn là báo thù sao? Cụ thể tới mức độ nào? Người đó bị huynh đích thân ra tay giết chết? Hay là... Đại Minh hoàn toàn sụp đổ?" Như Ý khẽ mấp máy đôi môi đỏ, ngữ khí thản nhiên, nhưng những lời nói ra đủ khiến nàng phải chịu cực hình.
Mặc dù Lý Định Viễn biết xung quanh phòng không còn ai khác nhưng vẫn căng thẳng tới mức khiến chàng rùng mình. Chàng tưởng tượng một lúc rồi lẩm bẩm: "Tự tay giết ông ta còn quá nhẹ cho ông ta, ông ta đã giết cả nhà ta, ta càng muốn con cháu đời sau của ông ấy tự tàn sát lẫn nhau.... Điên đảo vương triều này, ta biết lượng sức mình chắc chắn không thể làm được, nhưng nếu có thể khiến sự thống trị của ông ta xuất hiện những tên loạn tử khó xơi... ha ha, quả là hoang tưởng".
"Mặc dù nói là hoang tưởng nhưng trên thực tế trong lòng huynh rất muốn phải không?" Như Ý bực mình cười nhạo chàng.
Lý Định Viễn trịnh trọng gật đầu, điều này quả thực là nguyện vọng của chàng.
Ông nội chàng, phụ mẫu song thân, thúc bá huynh đệ tỉ muội... tất cả đều chết oan chỉ trong một đêm, tám năm qua hầu như chàng chưa từng được ngủ một giấc yên ổn, mỗi lần nhắm mắt lại là dường như nhìn thấy những oan hồn người thân đang la hét với chàng, mỗi lần đều tỉnh dậy trong cơn ác mộng giữa vũng máu. Chàng vẫn còn sống, nhưng lại chịu giày vò trong đau khổ, thù hận giống như độc trùng đang gặm nhấm xương cốt chàng, bất cứ lúc nào cũng gặm nhấm linh hồn chàng, mãi mãi chẳng thể nào an bình được.
Trong tám năm qua chàng đã từng nghĩ vô số lần, nếu như ông nội không để Luật Địch đưa chàng đi vào giây phút cuối, để chàng cùng chết với gia đình, không chừng sẽ hạnh phúc hơn một chút.
Nhưng chàng không thể chết đi một cách yếu đuối như thế được, ông nội bảo vệ để chàng trốn thoát, mặc dù không muốn chàng làm gì, chỉ đơn giản là tiếp tục sống mà thôi, nhưng chàng không thể giả vờ bình yên như chưa từng có chuyện gì xảy ra cả.
Cho dù những ngày tháng sau này phải chìm đắm trong vũng bùn hận thù không thể nào rút ra được, chàng cũng phải nghiến răng mà tiếp tục kiên trì.
Nghĩ tới đây Lý Định Viễn thấy lạnh sống lưng giống như rơi xuống hố băng, ban nãy chàng còn nghĩ đợi mình báo thù xong rồi sẽ hỏi cưới Như Ý. Nhưng thù hận ấy có thể dễ dàng báo được sao? Như Ý của chàng có thể đợi được mấy năm? Làm sao chàng nỡ, làm sao chàng nhẫn tâm kéo nàng xuống vũng bùn nhơ nhớp này chứ....
Trái tim Lý Định Viễn giống như có một lưỡi cưa sắc, cứ cưa đi cưa lại, đau đớn thấu tâm can.
Tại sao tối nay Như Ý lại hỏi chàng rõ ràng như vậy, có phải nàng đã chán ghét cuộc sống thế này rồi không? Có phải nàng đã suy nghĩ tới việc buông bỏ chàng, để đi tìm cuộc sống mới cho riêng mình?
Lý Định Viễn trong lòng trăm mối tơ vò, ngẩng đầu lên đúng lúc bắt gặp Như Ý đang nhìn chàng chằm chằm.
Khóe môi thiếu nữ nở nụ cười lưu luyến, tay đưa lên nhẹ nhàng vuốt má chàng, cười nhạt: "Nguyện vọng của chàng sẽ thực hiện được..."
Lý Định Viễn cúi mặt cụp mi, che đi ánh mắt không nỡ của chàng.
Nàng nói câu này chắc là hoàn toàn tuyệt vọng với chàng rồi...
4
Lý Định Viễn trở về phòng mình như người mất hồn chàng không ngủ mà ngồi trong bóng đêm, nhìn ánh đèn phát ra từ căn phòng chếch đối diện của Như Ý, cứ ngây người ngồi đó.
Nàng cũng không ngủ...
Lý Định Viễn không dám nghĩ nhiều, sợ rằng bản thân mình không chịu nổi cảm giác giày vò này mà làm ra những chuyện khiến bản thân mình hối hận cả đời. Bất kể Như Ý quyết định thế nào chàng cũng phải chấp nhận mới đúng.
Chân trời đã nổi lên những vệt trắng như bụng cá, cho đến khi cảm giác tê mỏi từ hai chân truyền tới Lý Định Viễn mới phát hiện ra mình đã ngồi không suốt một đêm, chàng đứng dậy vận động cơ thể đã cứng đơ, vừa thay được bộ dạ hành trên người thành quần áo bình thường, chuẩn bị ra ngoài lấy nước vệ sinh rồi làm bữa sáng thì thấy Như Ý đẩy cửa bước ra, sau đó rời khỏi nhà bằng cửa sau.
Phản ứng đầu tiên của chàng là lo lắng cho sự an toàn cho Như Ý, mặc dù trời đã lờ mờ sáng nhưng trên phố vẫn vắng người qua lại, nơi họ sống cũng là nơi tốt xấu lẫn lộn, nên chàng không do dự gì mà đi theo nàng ngay.
Có thể hồi nhỏ Như Ý thường xuyên mắt thấy tai nghe vì vậy biết các huyệt vị, có hiểu biết về võ công, nhưng chưa từng đích thân rèn luyện, do vậy Lý Định Viễn bám theo rất dễ dàng.
Từ xa nhìn theo bóng hình yểu điệu của Như Ý lúc ẩn lúc hiện trong làn sương sớm, Lý Định Viễn không tránh khỏi hồ nghi trong lòng.
Sáng sớm mỗi ngày Như Ý đều nhân lúc chàng chưa tỉnh mà ra ngoài sao? Kéo dài bao lâu rồi? Đi làm gì? Hay là... đi gặp ai?
Sự nghi ngờ của Lý Định Viễn chưa kéo dài bao lâu đã có đáp án, sắc mặt chàng trắng bệch khi nhìn thấy Như Ý đi về phía một nam nhân trong góc phố.
Chàng đứng cách khá xa, nghe không rõ Như Ý nói gì Với gã nam nhân kia, nhưng có thể nhìn thấy gã ấy mặc áo Phi Ngư, eo dắt Tú Xuân đao.
Không ngờ là cẩm y vệ!
Lý Định Viễn tưởng rằng mình đang nằm mơ, nên dùng sức cấu mạnh vào đùi mình, chàng tuyệt vọng phát hiện ra mọi thứ đều là thật.
Cẩm y vệ... ngay cả tư cách đứng ra tranh giành hay chất vấn, thậm chí kiểm tra đối phương cũng không có tư cách.
Lý Định Viễn vẫn ôm hy vọng, có lẽ tên cẩm y vệ đó sẽ làm điều bất lợi với Như Ý, nhưng thấy hai người giao tiếp rất thân thuộc, chàng biết chắc chắn họ không phải lần đầu gặp nhau.
Lý Định Viễn loạng choạng bước đi trong lòng đã chết lặng, chàng không hề chú ý tới vào lúc chàng quay người bước đi, tên cẩm y vệ đã nhìn thẳng về phía chàng, ánh mắt như đang suy nghĩ điều gì.
"Cô quyết định rồi chứ?". Gã cẩm y vệ thu ánh mắt lại, giọng điềm tĩnh hỏi.
Như Ý mỉm cười yếu ớt, xót xa nói: "Chẳng có cách nào khác... đó là nguyện vọng của huynh ấy..."
"Thật là một kẻ si tình..."
Lý Định Viễn đờ đẫn đứng trong sân, cũng không bước vào phòng, chàng muốn đợi Như Ý về để hỏi cho rõ ràng.
Nhưng chàng đứng từ sáng sớm cho tới hoàng hôn, cũng không nghe thấy tiếng mở cửa vang lên nữa. Tiếng huyên náo ồn ào từ chợ bên ngoài lại trở về yên tĩnh khi mặt trời lặn xuống, Lý Định Viễn bỗng nhiên có linh cảm.
Giống như tám năm trước chàng đợi Luật Địch, Như Ý mãi mãi chẳng quay về nữa.
Từng đợt gió đêm lạnh thấu xương thổi qua, cả ngày chẳng có lấy một giọt nước vào bụng khiến Lý Định Viễn dường như bị gió thổi lung lay nhưng cũng khiến chàng tỉnh táo vài phần.
Không đúng, chắc chắn Như Ý đã xảy ra chuyện rồi, nếu không không thể có chuyện nàng biến mất không một lời từ biệt với chàng thế này.
Lý Định Viễn hối hận sáng nay mình đã bỏ đi như vậy, nếu Như Ý xảy ra chuyện gì cả đời này chàng không thể nào tha thứ cho mình được.
Nhanh chóng vào trong phòng thay bộ đồ dạ hành, vừa cầm kiếm Thanh Minh lên chàng nghe thấy ngoài sân có động tĩnh. Chàng tưởng Như Ý về rồi nên lập tức phi thân ra, nhưng khi thấy người vừa tới chàng lập tức rút kiếm ra cố thủ.
Người vừa đến chính là gã cẩm y vệ chàng nhìn thấy sáng nay, dưới ánh trăng áo Phi Ngư càng hoa lệ và quý giá, nhưng lại toát ra vẻ lạnh lùng. Trước đó chưa từng nhìn rõ mặt gã, bây giờ Lý Định Viễn nhìn với thành kiến trong lòng, nhưng không thể không thừa nhận gã nam tử trẻ tuổi này có dung mạo thanh tú, chẳng hề giống với cẩm y vệ tâm địa tàn độc, ngược lại giống những gã công tử phong lưu hơn.
"Như Ý đâu?". Sau lưng gã không có ai, trái tim Lý Định Viễn chùng hẳn xuống. Nhưng chàng cảm thấy gã không phải đến bắt mình, nếu không sao lại tới một mình?
"Ta đến lấy cái tráp đồng". Gã không trả lời mà nói thẳng mục đích đến đây của mình.
"Tráp đồng?" Lý Định Viễn sững người, ngập ngừng một hồi mới nhớ ra cái tráp đồng gã nói là thứ gì, chính là cái tráp đồng năm xưa chàng mang đi từ Lý gia. Chàng đã không thích nó từ lâu, nhưng Như Ý lần nào chuyển nhà cũng mang theo, hơn nữa còn yêu quý nó lắm, nhưng rất ít khi để chàng bắt gặp.
"Ngươi cần thứ ấy để làm gì?". Lại một trận gió đêm thổi tới, tà áo Phi Ngư của đối phương bay lên phấp phới, Lý Định Viễn nhìn thấy vạt áo dài màu đen gã mặc bên trong áo Phi Ngư, lờ mờ còn nhìn thấy thân rồng màu đỏ tía, những tấm vảy rồng trên đó còn đang phát sáng...
Chắc chắn là do chàng hoa mắt, nếu không còn ai dám mặc long bào nữa? Cho dù là cẩm y vệ cũng không được.
Gã kia lạnh lùng cười nhạt, sau đó thở dài một câu: "Không ngờ ngươi lại không biết... không ngờ lại không biết...".
"Ta không biết cái gì?". Lý Định Viễn giật thót trong lòng, cố ý truy hỏi cho rõ.
"Vào thời Thủy Hoàng đế đời Tần, có chuyện kể rằng: Đông Nam có khí thiên tử, vì thế ghét du ngoạn phía Đông. Thủy Hoàng đế du ngoạn đến Kim Lăng, quan sát thấy nơi này có địa thế long mạch, rồng cuộn hổ ngồi, địa hình hiểm trở, vương khí rất thịnh, nên đã đào sông Tần Hoài để xả long khí, đây chính là nguồn gốc chữ "Tần" trong sông Tần Hoài của phủ Ứng Thiên".
Chuyện gì với chuyện gì thế này? Lý Định Viễn không hiểu gã nhắc tới chuyện này có dụng ý gì, nhưng từ nhỏ chàng được yêu chiều, ông nội cũng không hy vọng chàng xuất chúng hơn người vì vậy cũng không ép chàng đọc sách, luyện chữ. Sau khi tan cửa nát nhà, càng không có điều kiện học hành, cuộc sống của chàng đều bị lấp đầy bởi việc luyện võ báo thù. Người này lẩm bẩm vài câu đã khiến chàng có hứng thú, mặc dù cảm thấy chuyện này không liên quan gì tới Như Ý, nhưng cũng khó mà kiềm chế được việc dỏng tai lên nghe.
Gã cẩm y vệ trẻ tuổi liếc nhìn chàng một cái, tiếp tục điềm nhiên nói: "Thực ra năm đó Thủy Hoàng đế không chỉ đào sông Tần Hoài, mà còn gọt núi Thiên Ân, chôn một bảo vật dưới chân núi".
"Bảo vật?". Lý Định Viễn chau mày, trong tiềm thức bắt đầu cảm thấy bất an.
"Thời Tam quốc, Tôn Quyền đào đất ở Kim Lăng, vô tình đào được một cái tráp đồng, dài hai thước bảy, đậy bằng nắp lưu ly. Trong đó có một viên bạch ngọc Như Ý, cán cầm đều được khắc hình rồng, hổ và ve, không biết được nguồn gốc từ đâu. Sai người đi hỏi Hồ Tông, Hồ Tông nói: "Tần hoàng đế cho rằng Kim Lăng có khí thiên tử, san bằng núi đồi, chôn bảo vật này, để cắt đứt vương khí, nắp này là như vậy chăng?".
"Tráp đồng!" Lý Định Viễn sững sờ, lẽ nào cái tráp đồng của chàng có nguồn gốc như thế này? Kiếm cầm trong tay đã rơi xuống, đầu mũi kiếm cắm xuống đất, đỡ cho chàng vẫn đứng được ở đây.
Khóe môi gã cẩm y vệ trẻ tuổi nhếch lên cười khinh miệt: "Như Ý.... Ngươi biết vì sao là Như Ý không? Như Ý, tên Phạn là Aniruddha, thời Tần gọi là Như Ý. Thân có thể dài ba thước, nếu lưng có vết ngứa tay không với tới, thì dùng để gãi, đúng như ý người, cổ xưa gọi là "Như Ý". Nhưng thiên Như Ý do vương khí ngưng tụ thành có thể thực sự làm theo ý người, bao năm qua những ước nguyện ngươi nói với Như Ý, có điều nào không được như ý nguyện?".
Lý Định Viễn giống như bị người ta đánh vào đầu một gậy, loạng choạng lùi về sau mấy bước, suýt chút nữa đã ngã vật xuống đất.
Ký ức xa xưa dần hiện lên trong đầu chàng.
Tám năm trước trong căn nhà rách nát đó, một cậu bé trước khi chìm vào hôn mê đã nhìn thấy cảnh tượng cuối cùng đó là chiếc nắp lưu ly của cái tráp đồng rơi xuống đất vỡ tan. Cậu bé lẩm bẩm đừng bỏ rơi cậu một mình với miếng bạch ngọc Như Ý đang tỏa ra ánh sáng óng ánh kia... và khi cậu tỉnh lại thì nhìn thấy một bé gái.
Cảnh tượng thay đổi, vẫn trong căn nhà rách nát ấy cô gái thương xót xoa đầu chàng trai: "Tiết Nhi, cậu muốn gì?".
Cậu bé xoa cái bụng nhỏ đang sôi lên, mặt mày nhăn nhó: "Ta không muốn đói bụng..."
"Ta biết ở đâu có ngân lượng rồi". Cô gái nở nụ cười, dẫn cậu bé đi đào hòm tiền mà ông nội để lại cho cậu trong căn nhà rách nát, hai đứa trẻ ngồi thừ người ra nhìn từng cọc ngân phiếu và vàng lá.
Khung cảnh lại thay đổi, khi cô bé và cậu bé lớn thêm một tuổi, cậu bé đang giận dữ xé nát "Tứ Thư", "Ngũ Kinh" trong tay, cô gái đứng bên ung dung nhìn hành động của cậu, đợi tâm trạng cậu bình tĩnh lại, mới bước tới vỗ vai, dịu giọng hỏi: "Tiết Nhi, huynh muốn gì?".
Cậu bé vuốt mặt, hậm hực nói: "Đọc sách không ổn, ta không có hộ tịch chính đáng, ngay cả đăng ký thi đồng sinh cũng không được. Nhưng nếu luyện võ ta lại không tìm được sư phụ giỏi, những thứ mà võ quan dạy chẳng qua chỉ là mấy chiêu hù dọa tăng cường sức khỏe mà thôi".
Cô bé mỉm cười: "Chỗ ta có bí kíp võ công, có thể tìm cho huynh một thanh kiếm khiến huynh hài lòng...". Cô bé dẫn cậu bé đi vào trong rừng, tới một hang động đào được một cuốn bí kíp võ công tuyệt thế và thanh kiếm Thanh Minh chém sắt thành bùn.
Những cảnh tượng trong hồi ức cứ lướt qua đầu từng khung cảnh một, những thứ lớn như tiền bạc hay bí kíp võ công, những thứ nhỏ như tấm áo mới hay bữa ăn ngon miệng, tám năm sống bên nhau chỉ cần Lý Định Viễn mở miệng Như Ý sẽ luôn nở nụ cười thản nhiên trên môi, nhẹ nhàng hoàn thành tất cả những việc chàng yêu cầu.
Trước đây chàng luôn cho rằng Như Ý thực sự quá thông minh, hiền thục... nhưng bây giờ... người này lại nói Như Ý là cái chuôi bạch ngọc Như Ý? Vì thế mới hoàn thành mọi nguyện vọng của chàng?
Chuyện này thực sự quá vớ vẩn!
Nhưng... thực sự chàng không hề có chút hoài nghi nào sao?
Như Ý chưa bao giờ nói chuyện của nàng, chưa bao giờ yêu cầu hay có bất cứ lời oán thán nào với chàng, chưa bao giờ... chưa bao giờ khiến chàng thất vọng...
Lẽ nào... những chuyện này là thật?
Lý Định Viễn đột nhiên nhớ tới tối qua, nhớ tới nụ cười đầy vẻ quyến luyến của Như Ý, chàng bất chợt kinh hãi.
Chàng lại mong muốn điều gì với Như Ý?
Đúng rồi, chàng kiên trì muốn báo thù... bao nhiêu năm qua, bất kể Như Ý hỏi bao nhiêu lần chàng đều một mực muốn báo thù...
Lý Định Viễn ném thanh kiếm Thanh Minh trong tay xuống, không để tâm tới thanh kiếm sắt chàng vô cùng yêu thương rơi xuống bùn đất. Chàng điên cuồng túm lấy vạt áo của gã kia, lòng như lửa đốt truy hỏi gã: "Như Ý đâu? Nàng ở đâu? Ngươi muốn cái tráp đồng làm gì?".
Gã kia không để tâm tới việc bị chàng cưỡng ép, chỉ thản nhiên nói: "Như Ý thấy ngươi bị thương nên không thể nhẫn nhịn được nữa. Tối qua ta đã ngầm bảo vệ ngươi, ngươi ngốc nghếch như vậy cô ấy sợ lần sau ngươi không thể quay về được nữa. Cô ấy luôn bị phong ấn trong tráp đồng, được ngươi vô tình đánh vỡ nắp lưu ly mở phong ấn ra, vừa khôi phục vương khí vừa cùng ngươi trưởng thành. Chỉ đáng tiếc, cái chuôi bạch ngọc Như Ý tốt như vậy".
"Ý ngươi là....?" Lý Định Viễn nghe như sét đánh ngang tai.
"Ngươi định làm cho ai xem cái vẻ mặt như vậy?". Những lời của gã này đầy mỉa mai châm biếm: "Dạng người như ngươi ta đã gặp nhiều rồi, cho dù Như Ý có nói với ngươi sự thật thì e rằng ngươi cũng không thay đổi sự lựa chọn của mình. Không chừng còn đưa ra những nguyện vọng khó xử hơn cho cô ấy. Sao? Lẽ nào ta nói không đúng à?".
Lý Định Viễn vẫn nắm chặt vạt áo của đối phương, cánh tay nổi cả gân xanh vì dùng sức, nhưng chàng không thốt lên nổi một câu phản bác.
Đúng vậy, chàng có tư cách gì mà giận dữ?
Một nỗi hoảng sợ dâng lên trong lòng Lý Định Viễn, lẽ nào bản thân chàng thực sự như lời gã kia nói, sau khi biết thân phận thực sự của Như Ý sẽ càng lợi dụng nàng?
Thù hận... Như Ý... rốt cuộc bên nào quan trọng hơn...
Một quả cân cứ lắc qua lắc lại bất định trong tim chàng, những người thân chết thảm và nụ cười cụp mi của Như Ý cứ thay nhau xuất hiện trong đầu, Lý Định Viễn sợ hãi phát hiện ra bản thân chàng thực sự không biết lựa chọn ra sao.
Nội tâm của chàng, Như Ý đã nhìn thấu rồi sao?
Vì vậy nàng mới quyết định như thế này?...
"Như Ý nàng ấy....". Lý Định Viễn khó khăn tìm lại giọng nói của mình, nhưng chỉ nói được bốn tiếng rồi lại chẳng biết phải nói thêm gì nữa.
"Ta tới lấy cái tráp đồng, là muốn cho cô ấy một nơi ngủ ngon". Gã cẩm y vệ trẻ tuổi giơ tay đẩy Lý Định Viễn đang đơ như khúc gỗ ra, chau mày chỉnh lại áo Phi Ngư trên người, sau khi chắc chắn tấm áo bên trong không bị lộ ra ngoài mới gẩy gẩy những hạt bụi vốn không tồn tại trên áo đi, thản nhiên nói: "Ngươi đã mong muốn điều gì ta không biết, nhưng cô ấy tự nguyện làm gãy thân mình, long khí của Ứng Thiên phủ hoàn toàn bị đứt gãy. Mặc dù triều Đại Minh này có thể vẫn còn tiếp diễn nhưng vài năm tới nơi này sẽ không còn là kinh đô nữa". Gã lướt nhìn xung quanh một lượt, cuối cùng nhìn về một nơi nào đó, miệng tiếp tục nói: "Hơn nữa sau này, cũng sẽ không còn là đô thành nữa".
Nói xong gã cũng mặc kệ Lý Định Viễn đang ngã ngồi ra đất, đi thẳng vào phòng của Như Ý lấy cái tráp đồng đã vỡ nắp, nhanh nhẹn rời đi.
Hoàn toàn không thèm để ý đến tiếng gào khóc xé ruột xé gan vọng ra từ trong sân.
5
"Hóa ra, Nam Kinh không thể làm thủ đô chính là như thế này à?". Bác sĩ nhìn chàng thiếu niên trong sân đau đớn sống không bằng chết, liền nói nhỏ với Lục Tử Cương bên cạnh mình. Bọn họ đến không sớm nhưng những gì cần nghe cũng đã nghe được tương đối. Cảm thấy xót thương không ngớt cho chàng thiếu niên khổ mệnh và Thiên Như Ý cố chấp kia. Ai đúng ai sai vốn chẳng thể nào phân định được, xét cho cùng mối thù diệt môn cũng không thể một câu nói đơn giản là có thể xóa đi được. Tính cách của Thiên Như Ý cũng cứng cỏi như vậy, thà làm ngọc vỡ chứ không làm ngói lành. Thà dốc sức hoàn thành nguyện vọng của chàng thiếu niên chứ không chịu ở bên cạnh chàng nhìn chàng mạo hiểm hết lần này tới lần khác.
"Từ góc độ khoa học thì không thể nói như thế được, nhưng rất tà môn. Nam Kinh từ thế kỷ III tới nay trước sau đã có mười triều đại hoặc chính quyền như Đông Ngô, Đông Tấn, nhà Tống của Nam Triều, Tề, Lương, Trần, Nam Đường, Minh, Thái Bình Thiên Quốc, Trung Hoa Dân Quốc lập quốc ở Nam Kinh, nhưng không có thời nào lâu dài cả. Chúng ta bây giờ đang ở thời đại triều Minh Chu Nguyên Chương, không lâu sau con trai ông ta là Chu Lệ sẽ dời đô về Bắc Kinh rồi". Lục Tử Cương rờ cằm, cảm khái nói: "Có lẽ thực sự do Tần Thủy Hoàng đã xả long khí chặt đứt long mạch, nếu không một nơi rồng cuộn hổ ngồi thế này không có lý do gì mỗi triều đại xây dựng ở đây đều rất đoản mệnh giống như bị lời nguyền vậy. Đương nhiên trừ triều Minh ra, có điều nếu Chu Lệ không dời đô thì không chừng cũng nguy hiểm".
Bác sĩ nghe Lục Tử Cương nói mà lạnh cả sống lưng, vội vã thúc giục: "La bàn lại sai thời gian, chúng ta mau về đi. Mà này sao gã chủ tiệm còn làm cả cẩm y vệ vậy? Mặc bộ Phi Ngư đẹp trai thế! Có điều sao tôi cảm thấy ban nãy gã chủ tiệm hình như phát hiện ra chúng ta rồi?".
"Chắc là chưa phát hiện ra đâu... nếu không anh ấy có lẽ đã tới đây xem xét", Lục Tử Cương nói nhưng cũng không tự tin, anh cúi đầu nhìn la bàn trong tay, phát hiện ra kim la bàn chuyển động không nhanh, có lẽ một lúc nữa mới về vị trí được.
"Còn bao lâu nữa? Tôi không muốn tiếp tục bám cửa sổ ở đây đâu, nhỡ may tên nhóc kia đi vào đây thì chúng ta phải giải thích thế nào?... A?".
Bỗng dưng bác sĩ hạ giọng kêu lên khiến Lục Tử Cương ngẩng đầu lên, đúng lúc nhìn thấy chàng thiếu niên đang cầm ngang thanh kiếm sắc, định tự tử. Bác sĩ không chịu được những cảnh tượng coi thường mạng sống như thế này nên lập tức định lao ra ngăn cản, còn Lục Tử Cương lại kéo chặt tay anh lại, trầm giọng nghiêm túc nói: "Anh quên rồi à? Trước khi xuất phát tôi đã nói với anh như thế nào? Không được can thiệp vào lịch sử đã xảy ra".
"Nhưng...", bác sĩ cuống tới mức mặt mày đỏ gay, anh muốn cao giọng ngăn cản hành vi tự sát của chàng thiếu niên, nhưng lời còn chưa dứt đã thấy chàng thiếu niên múa thanh kiếm trong không trung, ngay lập tức lao nhanh ra khỏi cửa. Bác sĩ sững sờ, không hiểu: "Cậu ta làm sao vậy?".
"Đuổi theo hỏi cho rõ ràng. Cậu ta có lẽ cảm thấy gã chủ tiệm đang nói dối cậu ta, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì những lời chủ tiệm nói chắc chắn là sự thật". Lục Tử Cương nhún vai,thả lỏng người. Bất kể cậu thiếu niên này sau cùng có tự sát hay không, nhưng ít nhất điều ấy cũng không xảy ra trước mặt họ. Hơn nữa, nói thật là cậu thiếu niên này đã trở thành lịch sử cổ xưa rồi, bọn họ chỉ là người đứng xem thôi.
Lục Tử Cương nhìn sắc mặt lo lắng trùng trùng của bác sĩ, trong lòng có nhiều nỗi lo ẩn giấu.
Anh hoàn toàn có thể coi mỗi lần xuyên không giống như đang xem một bộ phim Holography, nhưng bác sĩ có thể làm được điều này không?
"Cậu nói xem, cậu thiếu niên kia sau này sẽ thế nào?" Bác sĩ đẩy gọng kính trên mũi với vẻ băn khoăn khó xử.
Ánh sáng trắng trên la bàn đã bắt đầu, Lục Tử Cương bình thản nói: "Dù sao đối với chúng ta mà nói cậu ta đã chết từ lâu rồi".
Tiệm Đồ Cổ Á Xá - Quyển 1 Tiệm Đồ Cổ Á Xá - Quyển 1 - Huyền Sắc Tiệm Đồ Cổ Á Xá - Quyển 1