Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Không Rõ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Lê Nhân
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 111 / 0
Cập nhật: 2018-09-04 12:24:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
òng đời thì cứ trôi miên man, chẳng có bến dừng. Nhiều lúc sóng gió, tôi tưởng chừng mình sẽ mãi ngã gục trên dòng đời ấy. Nếu như không có tía…
- Má à, tuần này con đi du khảo với lớp. Chắc cũng phải hơn bảy trăm ngàn đồng đó má.
Má không nói một lời nào, trầm ngâm ngồi giữa bốn bề lộn xộn bao với lưới. Tuần trước về nhà, tôi đã có nói với má về chuyến đi du khảo thực tế ở Huế. Nhưng lần đó trong nhà bộn bề công chuyện nên má chỉ ừ cho qua rồi không bàn thêm một tiếng nào. Phải chi mà má nói thêm một tiếng, một tiếng thôi để tôi biết được lòng má. Còn đằng này má cứ im lặng mãi. Mà má không nói thì tôi cũng biết được phần nào. Nhà lúc rày cũng ngặt lắm, nhiều khi về nghe má than mà đứt từng đoạn ruột chứ chẳng chơi. Má nói nay mai gì đây người ta lại lấy tiền công xịt thuốc, ngày kia phải đi đám cưới nhà chú ba Thứ, rồi ngày mốt nọ phải đóng tiền bảo hiểm cho tía bây. Một trăm thứ tiền, một ngàn thứ nợ, rồi thì tiền đâu mà cho bây đi chơi. Nghĩ má đã khổ nhưng nghĩ tía lại càng thấy khổ hơn. Thôi thì tôi cũng chả buồn đi.
Tôi vô lẹm ngồi may bao với má. Nghĩ cũng nhanh, mới đó mà đã gần cắt lúa, tôi nghe má nói năm nay lúa tốt, chắc được mùa. Trong xóm, nhà nào nhà nấy đều thủ nhiều bao hơn mọi năm để chờ hứng lúa. Mà nghĩ cũng phải, không được mùa sao được, năm rồi lũ thiệt lớn, chỉ còn một chút nữa là bằng đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Lũ lên cao thì phù sa nhiều. Những hạt phù sa đỏ nặng chan đầy trong từng lớp đất. Những hạt phù sa mà tía với má đã tích góp nuôi lớn anh em tôi trong những năm dài gian khó. Tất cả đều nhờ vào nó cả.
Có tiếng kêu của người nào đó ngoài cửa. Căn nhà tuy rộng nhưng thông từ đằng trước ra đằng sau, chỉ cần kêu nhẹ một tiếng thì dù ngồi tuốt sau bếp cũng nghe rõ mồn một.
- Chị Sáu ơi! Có đồ từ Cà Mau chuyển về nè chị.
Má lật đật bỏ hết công chuyện, chạy ra đằng trước. Không cần phải đoán mò lung tung, má biết ngay đó là thuốc của tía. Đâu xa gì, chính tuần rồi má đích thân gọi điện thoại nhờ anh Tám hốt giùm đó thôi. Mà cũng tội nghiệp anh Tám, hết hốt thuốc cho má bị thoái hóa cột sống, giờ lại tiếp tục hốt thuốc cho tía nữa. Làm thì làm chứ chưa bao giờ nghe đòi tiền công. Bởi vậy mà má cũng quý thằng cháu này lắm.
Má đem thuốc để trên bàn rồi quay lại với công việc ban nãy. Tôi ngước nhìn ra cửa, trời chiều phủ một màu trứng gà vàng tươi. Khuất sau hàng bạch đàn, cánh đồng lúa chín cũng ánh lên một sắc vàng rực rỡ như báo trước một vụ mùa bội thu. Tiếng đài phát thanh vang lên trên cây cột điện trước cửa nhà. Năm giờ rồi chắc tía cũng sắp về…
- Ông coi rửa tay, rửa chân rồi lên ăn cơm. Tui biểu thằng Nam đi mua dầu rồi đó, tối ông đi coi chạy nước lúa nghe.
Vậy là tối nay tía không ở nhà, tía phải đi canh nước. Mấy ngày cuối vụ là vậy, sai một chút là tiêu ngay. Mình làm cực cả vụ mà mấy ngày này lại lơ là thì chỉ có nước đổ nợ. Biết thế nên dù đi làm đồng mệt suốt từ sáng, tía vẫn không bỏ việc canh nước đêm này.
- Tía à, tối nay con đi với tía nghe.
- Bây đi chi? Ở nhà ngủ đi, sáng còn đi Long Xuyên.
- Thôi tía cho con đi với tía đi. Lâu rồi không có đi làm đồng đêm nên thấy nhớ nhớ.
- Nhớ tổ cha mày. Cực gần chết luôn mà nhớ nỗi gì. Mà thôi, đi thì đi.
Cơm nước xong, hai cha con ra nằm vắt chân lên võng nói chuyện đời xưa. Chuyện xưa thì dài, dài đến nỗi suốt hai mươi hai năm ròng, từ lúc tôi lọt lòng cho đến nay mà tía vẫn còn chưa kể hết. Hồi đó tía xấu như “ma”, đen thui, thành ra đâu có ai ưng. Rồi người này làm mai, người kia làm mối, trời xui đất khiến rồi cũng gặp được má bây. Mà hồi đó bả đâu có chịu tía, cậu bây thúc ép dữ lắm bả mới chịu. Rồi cũng ở chung một nhà, cũng có ba đứa con như ai. Lắm lúc chuyện đời thăng trầm, tía kể mà tôi tưởng chừng như trong lòng tía đang rưng rưng từng giọt nước mắt. Tôi chợt chạnh lòng nghĩ về những ngày tháng cũ, những năm tôi còn rất bé với cái cảnh trong nhà thiếu trước hụt sau. Còn bây giờ thì…
- Bảy giờ mấy rồi đó. Ông coi đi là vừa.
Tía quay qua lấy can dầu với cái tay quay để sẵn bên hông nhà rồi mặc cái áo làm đồng vào. Nhìn tía tôi tưởng chừng như thấy đâu đó bóng dáng một người lính oai hùng sẵn sàng xông pha trận mạc. Chiến tích chính là những vết chai tay, những dấu ốc cắt và cả những nét nhăn hằn sâu trên khuôn mặt hay cười.
Tôi với tía bước ra đồng, gió thổi hiu hiu, hơi lạnh tràn vào người như những mảnh ve cắt vào da thịt. Nhưng không hề gì, tía quen rồi và tôi cũng vậy, một thói quen được trui rèn qua bao nhiêu năm tháng cùng ăn cùng ở với cánh đồng quê này.
Miếng đất của gia đình tôi nằm ở gần cuối cánh đồng. Nó lọt thỏm giữa một vùng trũng mà chung quanh toàn là gò cao. Chạy nước ở đây không phải là chạy nước vào ruộng như ta vẫn thường nghĩ mà là tháo ra ngoài để lúa khỏi úng chân. Làm đất lung là vậy, lắm lúc muốn bán quách đi cho đỡ cực, nhưng bán rồi thì lấy gì mà sống, rồi ăn bằng cái gì. Bởi vậy lúc nào tía cũng bám đất…
Ra đến nơi tía đổ dầu vào máy bơm nước, quay cho nó chạy rồi hai cha con chui vô trại ngồi nói chuyện.
- Tía nè, con coi đêm nay trời không êm nghe. Hổng chừng mưa đó.
- Tía thấy nãy giờ rồi. Bởi vậy tía cũng rầu thúi ruột đây nè. Ổng mà mưa thì mình tiêu.
- Mà chắc không sao đâu tía ơi. Đừng lo mần chi.
Tôi chui ra khỏi trại lá, đưa mắt dõi theo bầu trời đêm không một ánh sao. Con trăng mờ mờ khuất sau một màn mây đen kịt. Lâu lâu còn có những đợt sấm sét xẹt qua xẹt lại như cắt ngang bầu trời đêm. Rầu chết đi mất.
Có tiếng mấy con ếch ộp kêu vang ở góc bờ ruộng. Nó nghiến răng gọi nhau một cách ồn ào làm cho thời gian dường như cũng chẳng dám trôi đi. Tôi chợt quay sang hỏi tía:
- Hồi chiều anh Tám có gởi thuốc cho tía. Mà tía bệnh gì vậy? Sao con hổng hay biết gì hết?
- Đâu có gì! Chỉ tại tía dạo này hay đau lưng. Cái bệnh nhức xương sống của mấy người già đó mà.
- Hèn gì con nghe dặn pha thuốc với tám lít rượu để dành uống. Mà tía uống rượu đâu có được phải không tía?
- Ừ…
Tiếng ừ của tía nhẹ tênh làm tôi điếng cả người. Vậy rồi sao tía uống được? Tía mà uống rượu là tía lên huyết áp. Chết như chơi. Tôi chợt nhìn tía, ánh đèn măngsông soi sáng cả trại lá. Tía vẫn vậy, không khác mấy với ngày xưa, chỉ có điều dường như mắt tía đang long lên từng miếng cườm già. Tôi biết được mắt tía có cườm từ lúc tía đi khám mắt. Và cũng từ sau ngày đó tía không còn đọc được sách báo. Hôm tôi mang tấm bằng khen về cho tía, tía chẳng biết nó ghi gì. Tía phải nhờ thằng An đọc hộ thì mới biết. Vậy mà nhiều khi tôi còn chê tía là làm cái này không được, làm cái kia không xong, chuyện gì cũng sai sai, biểu biểu. Nghĩ thật tội thân tía!
Ngoài trời gầm những tiếng dữ dội. Mưa bắt đầu rơi những hạt đầu tiên. Trong trại thì khô nhưng ngoài trời, lúa thì ướt. Cái máy bơm chạy dầu chạy từ ban nãy vẫn nhịp tực tực những tiếng đều đặn. Tía quay qua kêu tôi:
- Lên ga đi Nam. Mưa mà lớn là mình tiêu luôn đó!
Tôi chạy lại lên ga cho cái máy. Nó bắt đầu nhịp những tiếng nhanh hơn. Mưa cũng nặng hạt hơn và rơi nhiều hơn. Cầu trời mưa nhỏ thôi ông ơi, ông mà mưa lớn là con chết. Tía chạy ra xách cây len be mấy cái bờ cho cao lên để khỏi bị tràn nước, tôi cũng vậy. Hai tía con hì hục dích từng len đất một đặt lên trên bờ mẫu. Trời mưa ướt hết hai người. “Con lên ga máy chút nữa rồi vô trại ngồi nghỉ đi, tía làm cho”. Tôi chạy lại lên ga máy nhưng không vào trại mà tiếp tục dích đất đắp lên bờ. Cái máy bơm chạy nhanh hơn, tiếng nước tuôn nghe óc óc. Mưa vẫn cứ rơi mỗi lúc một to hơn. Dường như ông trời không thương xót người nông dân thì phải. Chưa bao giờ tôi có cảm giác những cơn mưa trái mùa lại to như thế này. Hồi chiều, nghe dự báo thời tiết đài kêu bão số ba mà. Ai dè nó tới nhanh thật.
Hai tía con đang lui cui làm chẳng biết từ bao giờ má đã đứng đó. Người má cũng ướt sũng. Má cầm cái thùng trên tay chạy ngay lại chỗ nước đầy múc từng thùng nước tát đi. “Tui biết mà, thế nào hai tía con ông cũng làm không xuể”. Ba con người quần quật đương đầu với mưa to gió lớn. Tía ra sức dích từng len đất để cứu lúa, chưa bao giờ tôi chú ý đến việc đó mặc dù tía đã làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. Tía thở hổn hển. Trên cái áo làm đồng bạc phếch những giọt mưa xô nhau chảy dài như vết cắt. Bất chợt tía dích vài len đất nữa thì đứng liêu xiêu.
- Tía nghỉ đi. Con với má làm được rồi.
Tía không chịu. Tôi chạy lại giựt cây len trên tay tía quăng đi.
- Tía nghỉ đi.
Tía vẫn chạy đi lấy cây len nhưng chưa được ba bước thì ngã quỵ xuống. Tôi hoảng loạn chạy đến bên tía, má cũng buông thùng chạy đến.
- Ông ơi!
Tía nằm im, thở từng nhịp yếu ớt. Trong phút chốc tôi chỉ còn biết xốc tía lên vai mà chạy. Má cầm đèn măng sông chạy trước. Nước mưa lạnh lẽo trộn lẫn với nước mắt mặn chát chảy tràn vào miệng tôi. Nhanh lên, phải nhanh nữa. Mày vẫn còn chậm lắm. Trong lòng tôi rối bời, chỉ còn biết cắm đầu mà chạy. Trời mưa tầm tã, ba con người vất vả đang đương đầu với số phận nghiệt ngã.
Tía ơi! Đừng có sao nghe tía!
Tía Ơi! Đừng Có Sao Nghe Tía Tía Ơi! Đừng Có Sao Nghe Tía - Không Rõ