No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Toni Morission
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Beloved
Dịch giả: Hồ Như
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 868 / 20
Cập nhật: 2016-02-29 20:21:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
a ngoài tầm mắt của con Mister, xa khỏi đứa xếp sòng của bọn gà trống đang mỉm cười, vinh danh Chúa, Paul D bắt đầu run. Không phải ngay lập tức và không để cho ai biết. Khi anh quay đầu, định nhìn cây Anh Em lần cuối, quay đầu cho đến khi sợi thừng đang buộc cổ anh vào trục bánh của một chiếc xe kéo bị căng hết mức, và sau đó khi họ siết lại vòng sắt quanh cổ chân anh và khóa luôn cổ tay, không có dấu hiệu gì là anh đang run. Cũng không có dấu hiệu anh đang run khi anh nhìn thấy những đường hào đất mười tám ngày sau đó: ba trăm mét đất - sâu một mét bảy rộng một mét bảy, bên trong lắp những cái cũi gỗ. Một cánh cửa chấn song có thể mở ra bằng những bản lề như một cái cửa chuồng mở vào ba bức tường và nóc bằng gỗ xẻ trát đất đỏ. Nóc cũi cách đầu anh sáu mươi phân. trước mặt anh là một mét dài đường rãnh cạn với bất cứ thứ gì bò hoặc chạy được tha hồ chia sẻ một ngôi huyệt mộ tự nhận mình là khu nhà ở. Ngoài anh còn bốn mươi lăm người nữa. Anh bị đưa đến đấy sau khi mưu sát Brandywine, ông chủ mới thay thầy giáo đã bán anh. Brandywine đang dẫn anh đi trong một đoàn xích chuỗi với mười người khác qua Kentucky vào Virginia. Anh không biết chính xác tại sao anh muốn giết hắn - nếu không phải là vì Halle, Sixo, Paul A, Paul F và con Mister. Nhưng khi anh biết mình run, cái run đã thành cố định.
Vẫn không có ai biết anh run, vì cái run bắt đầu từ bên trong. Một thứ xao xuyến trong lồng ngực, rồi hai xương bả vai. Nó như một gợn sóng dần lan - đầu tiên nhè nhẹ rồi cuồng loạn. Như thể họ càng dẫn anh về phía nam, máu anh đã đông lại như mặt hồ đóng băng hai mươi năm rồi, càng tan chảy, vỡ ra từng mảnh, những mảnh băng chỉ có thể tan thành những xoáy nước cuốn. Đôi khi cái run ở trong cẳng chân anh. Rồi nó lại chuyển đến cuối cột xương sống. Đến lúc bọn chúng tháo anh ra khỏi chiếc xe ngựa và anh không còn nhìn thấy gì khác ngoài những con chó và hai cái lán giữa lớp cỏ mênh mông xào xạc, dòng máu hỗn loạn đang khiến anh lắc lư. Nhưng không ai biết được. Tối hôm đó hai cổ tay anh giơ ra để đeo xiềng cũng vững vàng như hai chân khi anh đứng để họ xích vào xiềng chân.
Nhưng khi họ xô anh vào cái cũi và để cửa cũi rơi xuống, hai bàn tay anh không chịu nghe lời nữa. Chúng tự chuyển động.
Không một điều gì có thể làm chúng dừng lại hay để ý. Chúng không chịu giữ dương vật của anh trong lúc anh tiểu tiện hay giữ một cái thìa để múc những mảng đậu đóng cục cho vào miệng. Sự vâng lời thần diệu của chúng đến cùng với cây búa vào lúc bình minh.
Tất cả bốn mươi sáu người đàn ông thức dậy theo tiếng súng trường. Tất cả bốn mươi sáu người. Ba tên da trắng đi dọc theo đường hào mở khóa từng cánh cửa một. Không ai bước qua cửa. Khi cái khóa cuối cùng đã mở, ba tên da trắng trở lại và nhấc từng cái cửa song lên. Và những người đàn ông da đen từng người một hiện ra - nhanh chóng và không cần cú thúc của một cây súng trường nếu họ đã ở đấy hơn một ngày; nhanh chóng và kèm theo một cú thúc nếu, như Paul D, họ mới đến. Khi tất cả bốn mươi sáu người đã đứng thành hàng ở trong hào, một phát súng khác ra hiệu cho họ leo lên mặt đất bên trên; nơi trải dài ba trăm mét dây xích được rèn tốt nhất ở Georgia. Mỗi người cúi xuống và đợi. Người đầu tiên nhặt đầu dây xích và luồn nó qua vòng xiềng sắt ở chân anh ta. Rồi anh đứng dậy, và bước hơi lê chân, mang đầu xích đến cho người tù kế tiếp, và người này cũng làm y như thế. Trong lúc sợi xích được chuyền đi và mỗi người đứng thế vào chỗ của người kia, hàng người xoay lại, đối diện những cái cũi họ vừa rời khỏi. Không ai nói vì với ai, ít nhất là không nói bằng lời.
Đôi mắt phải nói thay lời điều muốn nói: "Giúp tôi sáng hôm nay; mệt lắm." "Tôi sẽ vượt qua," "Người mới," "Bình tĩnh, bình tĩnh lại."
Khi họ đã xích vào thành một hàng, họ quỳ xuống. Lúc ấy thường sương sớm đã biến thành sương mù. Đôi khi sương mờ mịt và nếu lũ chó im lặng và chỉ thở thôi người ta có thể nghe thấy tiếng chim bồ câu. Quỳ trong sương mù họ đợi một, hoặc hai, hoặc ba tên gác nổi hứng bất chợt. Hoặc tất cả bọn chúng cùng muốn. Muốn một tên tù nào đó hoặc không muốn tên nào hết - hay là tất cả bọn họ.
"Bữa điểm tâm? Muốn ăn điểm tâm không đồ đen?"
"Dạ muốn."
"Đói hả, đồ mọi đen?"
"Vâng."
Thỉnh thoảng thằng đàn ông đang quỳ có thể chọn cái giá phải trả là một phát súng vào đầu để mang một chút da đầu cùng hắn về với Chúa. Lúc ấy Paul D không biết thế. Anh đang nhìn hai bàn tay tê liệt của mình ngửi thấy mùi tên lính gác, lắng nghe những tiếng gừ từ nho nhỏ của hắn rất giống tiếng chim bồ câu, trong lúc hắn đứng trước mặt người đàn ông đang quỳ trong sương mù bên tay phải của anh. Tin chắc rằng anh sẽ là người kế đến, Paul D đã nôn mửa - nhưng không nôn ra được gì. Một tên lính gác đang đứng nhìn, đập mạnh khẩu súng trường vào vai anh và tên đang bận rộn quyết định bỏ qua thằng mới đến vì sợ quần và giày của hắn sẽ bị vấy dơ đồ mửa của bọn da đen.
"Chàooo!"
Ngoài tiếng "dạ, thưa ngài," đấy là âm thanh đầu tiên một người đàn ông da đen được phép nói mỗi sáng, và người dẫn đầu sợi xích kêu to hết sức mình.
"Chàooo!"
Paul D chưa bao giờ biết rõ làm sao anh ta biết khi nào thì nên hét lời ân sủng ấy. Họ gọi anh ta là ông Chào và lúc đầu Paul D nghĩ bọn lính gác đã bảo anh ta khi nào ra hiệu cho bọn tù đứng dậy và nhảy điệu hai bước trong tiếng nhạc của chuỗi dây xích rèn. Sau đó anh ngờ rằng không phải như thế. Cho đến ngày hôm nay, anh vẫn tin rằng "Chàooo!" lúc rạng đông và "Hooo!" khi chiều tối đến là trách nhiệm ông Chào đã tự nhận lấy vì chỉ có mình anh ta biết thế nào là đủ, thế nào là quá đáng, khi việc đã xong, khi giờ đã điểm.
Họ nhảy điệu dây xích qua những cánh đồng, qua những khu rừng đến một con đường mòn dẫn tới mỏ đá khoáng Feldspar đẹp đến kinh ngạc, và ở đấy hai bàn tay của Paul D không tuân theo những gọn sóng cuồng dại trong máu anh, và để ý đến anh. Với búa tạ trong tay anh và ông Chào dẫn đầu, bọn đàn ông vượt qua. Họ hát ca về công việc và dời đổi điệu nhạc; cắt lời để chúng thành khó hiểu, uốn lưỡi để âm tiết của từ tạo thành những nghĩa khác. Họ hát về những người đàn bà họ biết, những đứa trẻ ngày xưa là họ, những con thú chính họ thuần hóa hoặc thấy người khác thuần hóa. Họ hát về những gã cai và ông chủ và bà chủ, về những con la và chó và sự trơ trẽn của cuộc sống. Họ âu yếm hát về những nghĩa trang và chị em đã mất. Về thịt lợn ở trong rừng, bột trong chảo cá trên dây câu, mía, mưa và ghế đu.
Và họ đập. Những người đàn bà đã biết họ rồi quên, quên đi trẻ con đã từng là họ và sẽ không bao giờ là họ lần nữa. Họ giết một tên cai thường xuyên và hoàn chỉnh đến nỗi họ phải làm cho hắn sống lại để đập nát hắn thêm một lần nữa. Nếm bánh nóng giữa rừng thông, họ đập. Hát tình ca cho Tử Thần, họ đập vỡ đầu hắn. Hơn tất cả, họ giết con mụ lẳng lơ người ta gọi là Cuộc Đời vì đã dẫn dụ họ. Làm họ tưởng bình minh kế tiếp sẽ đáng để cố gắng rằng một tiếng điểm giờ nữa rốt cuộc sẽ là đủ. Chỉ khi nào mụ chết đi họ mới được yên ổn. Những người thành công - những người đã ở đấy đủ lâu để đánh què, cắt xẻo thậm chí có thể chôn vùi mụ - canh chừng những kẻ khác vẫn còn trong vòng ôm gợi hứng của mụ, ân cần và mong ngóng, nhớ lại và nhìn lại. Những kẻ khác ấy là những kẻ có đôi mắt nói. "Giúp tôi đi, mệt lắm," hoặc "Coi chừng," có nghĩa là hôm nay có thể là ngày tôi hí lên như ngựa hay ăn cứt của mình hay chạy trốn, và điều cuối cùng này phải được canh chừng vì nếu một người lao mình chạy - tất cả bốn mươi sáu người xích vào nhau sẽ cùng bị kéo giật và không thể nói trước được người nào hay bao nhiêu người sẽ bị giết. Một người đàn ông có thể liều mạng của chính mình, nhưng không thể liều mạng anh em của hắn. Vì thế, đôi mắt nói, "Bình tĩnh nào," và "Ở cạnh tôi."
Tám mươi sáu ngày và thế là xong. Cuộc Đời đã chết. Paul D đánh đít mụ suốt mỗi ngày, cho đến khi mụ không còn rên được tiếng nào. Tám mươi sáu ngày và hai bàn tay anh yên lại, bình thản đợi mỗi đêm sột soạt tiếng chuột cho đến tiếng "Chàooo!" lúc bình minh và cái siết tay náo nức quanh cán búa tạ. Cuộc đời đã lăn ra chết. Hay anh đã nghĩ thế.
Trời mưa.
Rắn bò xuống từ những cây thông lá ngắn và cây độc cần.
Trời mưa.
Cây bách, cây dương vàng, cây tần bì và cây cọ lùn rũ xuống sau năm ngày mưa đổ nhưng gió lặng. Đến ngày thứ tám không còn thấy những con bồ câu nữa ngày thứ chín ngay cả bọn tắc kè cũng biến mất. Lũ chó cụp tai và nhìn đăm đăm xuống chân mình. Bọn đàn ông không làm việc được. Xích thành hàng diễn ra chậm chạp, điểm tâm bị bỏ qua, điệu nhảy hai bước biến thành những bước lê chậm chạp qua lớp cỏ ngập nước và mặt đất không còn vững chắc.
Lũ lính gác quyết định khóa mọi người ở trong cũi cho đến khi mưa tạnh hay ngớt xuống để người da trắng có thể bước đi mà không bị nước vào súng và lũ chó thôi run rẩy. Sợi xích luồn qua bốn mươi sáu vòng xiềng rèn tốt nhất Georgia.
Trời mưa.
Trong cũi những người tù nghe tiếng nước dâng lên trong đường hào và phòng hờ lũ rắn nước. Họ ngồi chồm hổm trong bùn, ngủ bên trên nó, tiểu vào nó. Paul D nghĩ rằng anh đang gào thét, miệng anh há ra và có một tiếng hét toác họng - nhưng có thể đấy là ai khác. Rồi anh nghĩ anh đang khóc.
Một cái gì đấy đang chảy xuống má anh. Anh giơ tay chùi những giọt lệ và nhìn thấy một chút nhờn màu nâu đen. Trên đầu anh những giọt bùn đang len qua những tấm ván trên nóc cũi. Khi bùn chảy xuống, anh nghĩ, nó sẽ đè bẹp mình như một con rệp. Chuyện xảy ra nhanh đến nỗi anh không có thì giờ suy nghĩ. Người nào đấy giật dây xích - một lần - đủ mạnh để khiến hai chân của anh chéo vào nhau và hất anh ngã xuống bùn. Anh chưa bao giờ hiểu được tại sao anh biết - làm sao bất kỳ ai cũng biết - nhưng anh biết - anh biết - và anh dùng hai tay giật mẩu xích về phía trái mình, để người kế tiếp cũng biết. Nước ngập lên quá cổ chân anh, chảy tràn trên tấm ván gỗ anh dùng để ngủ. Và rồi không còn là nước nữa. Đường hào đang sụp và bùn rỉ qua từ dưới những song sắt.
Họ đợi - mỗi một người trong bốn mươi sáu người. Không la hét, mặc dù vài người chắc phải cố gắng ghê gớm để không hét lên. Bùn ngập lên đùi anh và anh bám chặt vào những chấn song Rồi một cái giật nữa đến - lần này từ bên trái và không mạnh bằng cái giật đầu tiên vì phải truyền qua lớp bùn.
Chuyện bắt đầu như xích thành hàng nhưng sự khác biệt là sức mạnh của dây xích. Từng người một từ ông Chào dọc theo hàng họ lao người xuống. Qua lớp bùn dưới những chấn song, không thấy gì, quờ quạng. Vài người đủ tỉnh táo để bọc đầu mình lại trong áo sơ mi, che mặt bằng giẻ, mang giày. Những người khác chỉ lao xuống, chỉ co người xuống và đẩy ra, vùng vẫy để ngoi lên tìm không khí. Vài người lạc hướng và hai người bên cạnh, cảm thấy cái kéo không rõ hướng của dây xích, giật nó quay ngược lại. Nếu một người không qua được, tất cả không qua được. Dây xích buộc họ cùng với nhau có thể cứu tất cả hay không cứu ai, và ông Chào là Người Truyền Lệnh. Họ nói chuyện qua dây xích như Sam Morse 8 và, lạy Chúa cao cả, họ đều lên được. Như những kẻ chết chưa xưng tội những xác chết sống lại đi vẩn vơ, họ cầm sợi xích trong tay, tin vào cơn mưa và bóng tối, đúng thế, nhưng phần lớn họ tin vào ông Chào và họ tin lẫn nhau.
Quá mấy cái chuồng nơi lũ chó nằm trong nỗi chán chường sâu đậm, quá hai lán lính gác, quá chuồng của mấy con ngựa đang ngủ, quá lũ gà mái đang vùi mỏ vào lông, họ lội bì bõm.
Mặt trăng không giúp được gì vì nó không có ở đấy. Cánh đồng là một vùng đầm lầy, đường mòn là một máng ăn. Tất cả Georgia dường như đang trượt đi, tan ra. Rêu quét ngang mặt họ khi họ tìm cách qua những cành sồi chắn trên lối đi. Lúc ấy Georgia gồm cả Alabama và Mississippi, vì thế không có ranh giới tiểu bang để vượt qua và dù sao đi nữa chuyện ấy cũng không quan hệ gì. Nếu họ biết chuyện, không những họ sẽ tránh Alfred và mỏ đá khoáng Feldspar xinh đẹp, mà sẽ tránh cả Savannah và hướng về Sea Islands 9 trên dòng sông Oconee chảy xuống từ rặng núi Blue Ridge. Nhưng họ đã không biết.
Rạng đông đến và họ co ro trong một bãi cây hoa mận. Đêm đến và họ vội vã leo lên chỗ đất cao, cầu cho mưa sẽ tiếp tục che giấu họ và giữ mọi người ở trong nhà. Họ mong tìm ra một cái lán, đơn độc xa căn nhà chính, nơi một người nô lệ có thể đang bện thừng hay nướng khoai tây trên vỉ lò. Thay vì thế, họ tìm thấy một trại của người da đỏ Cherokee bị bệnh, tên trại được đặt cho một giống hoa hồng.
Dân số đã bị giảm sút nhưng vẫn bướng bỉnh, những người Cherokee ấy thuộc số những kẻ chọn một cuộc đời trốn chạy hơn là Oklahoma 10. Cơn bệnh cuốn lấy họ bây giờ từa tựa cơn bệnh đã giết đi nửa số dân của họ hai trăm năm trước. Trong thời gian từ tai họa ấy đến tai họa này, họ đã thăm viếng vua George Đệ Tam ở London, phát hành một tờ báo, đan giỏ, dẫn Oglethorpe 11 qua rừng, giúp Andrew Jackson 12 tranh chấp với dân Creek, nấu ngô,viết hiến pháp, thỉnh nguyện vua Tây Ban Nha, bị Dartmouth dùng để thí nghiệm, thành lập viện cứu tế, viết ngôn ngữ của mình, chống dân định cư, bắn gấu và dịch Kinh Thánh. Tất cả đều vô dụng. Bị ông tổng thống họ giúp trong cuộc chiến với dân Creek bắt dời đến sông Arkansas. Dân số vốn ít ỏi của họ giảm thêm một phần tư nữa.
Thế là đủ rồn họ nghĩ, và li khai ra khỏi nhóm người Cherokee đã ký hiệp ước, để rút vào rừng đợi ngày tận thế. Bệnh dịch họ mắc phải bây giờ chỉ là một điều bất tiện nho nhỏ so với sự tàn phá họ vẫn nhớ. Dù vậy, họ hết sức bảo vệ lẫn nhau. Kẻ khỏe mạnh được đưa đi xa vài dặm, người bị bệnh ở lại với người chết - cho đến khi sống sót hoặc nhập bọn cùng người chết.
Những tù nhân từ Alfred, Georgia ngồi xuống thành nửa vòng tròn gần trại. Không ai đến nhưng họ vẫn ngồi. Nhiều giờ trôi qua và mưa tạnh bớt. Cuối cùng một người đàn bà ló đầu ra khỏi nhà. Đêm đến vẫn không có gì xảy ra. Lúc rạng đông, hai người đàn ông đến gần những người tù, làn da đẹp của hai người phủ kín những vảy cứng 13. Một lúc không ai nói gì, rồi ông Chào giơ tay lên. Hai người Cherokee nhìn thấy dây xích và bỏ đi. Khi họ trở lại mỗi người mang theo một cái rìu nhỏ. Hai đứa trẻ theo sau với một nồi cháo đang nguội và loãng dần trong mưa.
Họ gọi những người tù là người Bò Tót và nói chầm chậm với những người tù đang múc cháo và gõ đứt dây xích. Không ai trốn cái cũi ở Alfred, Georgia màng đến chứng bệnh mà người Cherokee đã cảnh báo họ. Vì thế họ ở lại, tất cả bốn mươi sáu người, nghỉ ngơi, tính toán bước đi kế tiếp của mình. Phút D không biết phải làm gì và dường như ít kiến thức hơn cả.
Anh nghe những bạn tù nói về sông ngòi, tiểu ban thị trấn và lãnh thổ với vẻ hiểu biết. Nghe người Cherokee diễn tả thế giới bắt đầu và tận diệt ra sao. Nghe chuyện về những người Bò Tót khác mà người Cherokee biết - ba người đàn ông trong trại của những người khỏe mạnh ở cách đấy vài dặm. Ông Chào muốn nhập bọn với ba người đó. những người khác muốn theo anh ta. Vài người muốn đi, vài người muốn ở. Nhiều tuần sau Paul D là người Bò Tót cuối cùng - không có kế hoạch gì. Anh chỉ có thể nghĩ đến bọn chó săn, mặc dù ông Chào nói rằng cơn mưa lúc họ ra đi đã khiến mấy con chó thành vô dụng. Một mình, là người cuối cùng có tóc Bò Tót giữa những người Cherokee bệnh hoạn, cuối cùng Paul D thức tỉnh và thừa nhận sự ngu dốt của mình, anh hỏi đường đi về miền Bắc. Miền Bắc Tự Do. Miền Bắc Thần Kỳ. Miền Bắc rộng lượng và đón chào. Người Cherokee mỉm cười và nhìn quanh. Mưa lũ từ tháng trước đã biến tất cả thành hơi nước và hoa nở.
"Hướng ấy", hắn vừa chỉ tay vừa nói. "Đi theo hoa ở trên cây," hắn nói. "Chỉ theo hoa ở trên cây. Khi nó rụng anh đi. Anh sẽ đến nơi anh muốn khi nào hoa đã hết."
Thế là anh chạy đua từ cây sơn thù đu đến cây đào đang nở hoa. Khi hoa thưa dần anh hướng đến hoa anh đào, rồi cây mộc lan, cây dâu, cây hồ đào, cây sồi và cây xương rồng. Cuối cùng, anh đến một cánh đồng táo nơi những đóa hoa vừa trở thành quả trông như những nút thắt nho nhỏ. Mùa xuân nhẩn nha lên miền Bắc, nhưng anh phải chạy như điên để vẫn còn là bạn đồng hành của nó. Từ tháng Hai cho đến tháng Bảy anh đi tìm hoa. Khi anh mất dấu chúng, và thấy mình không có cánh hoa nào dẫn đường, anh dừng lại, leo lên một cái cây trên một ngọn đồi nhỏ và dõi mắt tìm ở chân trời một vệt màu hồng hay trắng trong những chiếc lá bao phủ xung quanh. Anh không sờ chúng hay ngừng lại để ngửi. Anh chỉ đi theo dấu chúng, một hình dáng rách rưới đen đúa được những cây mận trổ bông dẫn lối.
Cánh đồng táo hóa ra là ở Delaware nơi bà thợ dệt sống. Bà ta vồ lấy anh ngay sau khi anh ăn xong miếng dồi thịt bà cho, anh ăn và anh bò vào giường của bà và khóc. Bà nhận anh là người cháu trai từ Syracuse đến bằng cách gọi anh bằng tên của người cháu trai ấy. Mười tám tháng trôi qua và anh lại đi tìm hoa một lần nữa, chỉ khác là lần này anh đi tìm trên một chiếc xe bò.
Phải mất một thời gian anh mới có thể đặt từng thứ một, Alfred, Georgia, Sixo, thầy giáo, Halle, các anh em của mình, Sethe, Mister, vị sắt, hình ảnh bơ, mùi gỗ mại châu, giấy cuốn sổ và lon thuốc lá nằm trong ngực anh. Khi anh đến 124 không còn thứ gì trên thế gian có thể nạy nó mở ra nữa.
Thương Thương - Toni Morission Thương