Số lần đọc/download: 556 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
M
ùa hè, ngày kéo dài, kéo dài tưởng phát điên lên được. Đó là ý nghĩ của người lớn, của vợ chồng ông Cự Lợi. Trẻ con chúng vẫn cứ chơi nghịch như thường. Chúng cần gì mồ hôi chảy ướt đẫm áo xống. Chúng cần gì quạt?
Hai đứa con ông Cự Lợi vẫn đùa, như quỷ suốt ngày ngoài vườn nắng.
Chứ lại gì? Mùa nắng là mùa của trẻ con. Sâu bọ ở trong mùa nắng. Chim chóc đẻ nhiều trong mùa nắng. Dế mèn cũng vậy, ở gốc cây nào chả có?
Thằng Hanh và con Yến cứ đi đi lại lại, từ chum nước trong sân nhà ra vườn, đến trăm lần. Chúng đổ, chúng đổ rất nhiều nước vào trong tổ dế, như người ta thù ghét một giống gì muốn bắt hết cho tuyệt chủng.
Tóc con Yến dính hết vào má nó. Má nó đỏ ửng, còn thàng Hanh cởi áo ra, đũng quần và lưng đầy bụi đất.
Nghỉ hè rồi, nghỉ hè đã được một tuần rồi! Nhưng chúng có được chơi suốt kỳ nghỉ này đâu.
Bà Cự Lợi hôm trẻ nghỉ học, đã bàn với ông chồng bắt chúng lại phải đi học hè với ông giáo dạy từ đầu phố. “để ở nhà chúng lêu lổng hư thân” bà bảo thế. Và ông chồng đồng ý: “với lại, ở cái phố ngoại ô khốn nạn này, nhiều trẻ “ma cà bông” lắm, tôi chỉ sợ chúng rủ rê con mình đi tắm ao, tắm hồ, rồi chết mất xác”.
Cái phố ngoại ô của ông bà Cự Lợi nhiều trẻ, nhiều bụi,và nhiều người tứ tiếng thực. Thế nhưng chính cái phố này đã làm giàu có cho vợ chồng ông. Ngày mới đến ông chỉ có gánh hàng phở, rồi đến một cái tủ thuốc phiện bán cho bọn nghèo kiết, sau cùng ông mới có một hiệu tạp hóa to nhất phố. Như bây giờ vợ chồng ông bắt con đi học phải đi bằng xe nhà. Không được đi đất như trẻ nhà khác đến lớp, nhà Cự Lợi đã tậu được vườn, ruộng ở quê để sau này về làng còn phải có chức tước gì, chứ không phải về tay trắng như một thằng mõ. Cho nên vợ chồng ông khiếp nhất thấy con mình đánh bạn với những trẻ lem luốc, “khả nghi” trong phố. Họ bắt chúng chỉ được chơi ở vườn sau. Vậy là yên ổn.
Ông Cự lợi đã nhầm. Chính ở trong cái vườn ấy đã xảy ra chuyện ông không ngờ được.
Thằng Hanh, con Yến chơi mãi với dế mèn củng chán. Những bao diêm của chúng đã chứa đầy những con vật nâu đen. Bắt thêm mãi chúng cũng chẳng thú gì. Chúng đang nghỉ tới những trò chơi khác. Ngày hè dài như vậy nhưng đối với chúng quá ngắn. Chúng đã nghĩ tới cái trường tư đầu phố rồi. Ông giáo năm trước dạy chúng lúc nào cũng có cái thước trên tay.
Thằng Hanh thì nhìn cây bằng rậm lá vươn cành sang bên hàng xóm. Nó đang nghỉ cách trèo để tìm những quả bàng chín. Về những con bọ quýt cánh xanh biếc. Nhưng cây bàng lớn quá, lại nhiều sâu róm. Lúc có gió mạnh, giống sâu rất tởm kia đã rụng xuống, bò lổm ngổm trên mặt đấtvới thân hình đốm vàng, đốm đỏ, lại có sừng ghớm chết!
Con Yến chơi đã thấm mệt, ôm hộp dế trên tay muốn thiu thiu ngủ. Trời xanh ngắt. Lá bàng rung động trong gió nồng. Những đám mây hình tròn như quả trứng không hiểu từ đâu cứ đùn ra, đẩy nhau liên tiếp như vội vã đi về một chốn nào. Bỗng, giữa không khí oi ả trưa hè khiến người ta muốn thiểu ấy, vang lên một tiếng rền rỉ, não nùng, uể oải, nghe như phát ra ở cuối vườn. Con Yến vùng tỉnh hẳn. Hai đứa trẻ chạy về phía có bức tường ngăn cách với bên hàng xóm. Chúng áp tai vào đấy nghe ngóng. Tiếng rền rỉ nấc lên, có lúc nghẹn lại, rồi chảy đều đều như nước suối. Hay chính bức tường rêu mốc, cũ kỹ kia đương hát lên nhỉ? Hay bên hàng xóm có ai đang khóc?
Hai đứa trẻ nhìn nhau:
Làm thế nào sang bên ấy?
Thằng Hanh chợt nhìn lại cây bàng.
Con Yến tìm dưới chân tường một hòn gạch để có thể ném sang bên ấy. Tiếng rè rè trong tường im bặt.
Chỉ còn tiếng ve sầu ngân lên ở xa. Thế rồi, đương lúc chúng dỏng tai cố đoán xem sự gì, thì một giọng hát cất lên, giọng trẻ con, của người xứ khác, bây giờ đã rõ hơn. Nhưng nghe thật kỳ, thật khó hiểu:
“… Đương độ xuân thì Số lao đao Hay là Cái nợ duyên gì…” Hai đứa trẻ không kìm hãm tò mò được nữa. Chúng reo lên cùng lúc:
“Ai hát thế?” Tức thì tiếng hát ngừng ngay. Một giọng trong trẻo cất lên phía bên kia vường: “Tui hát đó, hỏi chi?” Thằng Hanh và con Yến vui sướng, xúc động quá. Chúng vừa khám phá ra một sự lạ. Một giọng hát trẻ, có thể một đứa bằng trạc tuổi chúng, ở ngay cuối vườn nhà.
Không hiểu từ đâu nó đã lạc vào đất mình. Con Yến ghé sát bức tường hét to lên: “Hát nữa đi!”. Bên kia tường tiếng hát lại nối lên, sau một nhịp cười hớn hở:
“… Khúc ca ly Sao còn Mường tượng nghe gì Thấy chim hồng nhạn bay đi…” Hai anh em thằng Hanh chưa bao giờ thích thú như thế. Tiếng hát có cảm tình của một kẻ gần gũi, nhưng không trông thấy mặt.
Chúng hỏi:
“Ban nãy, ai làm cái gì nghe cò kè thế?” Tiếng trả lời:
“Nãy là tui, tui kéo nhị”.
Kéo nhị? Một đứa bằng mình biết kéo nhị như người lớn? Bên kia vườn người ta sống thật lạ?
Thế thì bố mẹ nó ở đâu, làm gì lại để mặc con vừa hát, vừa kéo nhị tự do khác nhà mình?
Chắc chắn bố mẹ nó chết cả rồi, còn sống thì phải nghiêm khắc như bố mẹ mình chứ?
Chắc nó buồn! Nhưng dù sao nó cũng được chơi thả cửa không ai ngăn cản… Con Yến, bao giờ cũng nhanh hơn thằng anh, lại hỏi: “Nhà không có ai à?” Tiếng đáp:
“Có chớ, ba má đi vắng, chiều về”.
Thằng Hanh hỏi tiếp:
“Ba, má làm gì?” Tiếng đáp:
“Ba, má mới ở Huế ra thuê nhà đây. Má ca, ba thì đờn, kéo nhị”.
Ồ, một cái gia đình khó hiểu, không bán phở, không đi học, chỉ ca hát và kéo nhị.
“Thì lấy tiền đâu mua gạo ăn?” Con Yến hỏi liền.
“Ca, đờn có tiền chớ, mấy thầy mần việc thiếu chi, họ nghe ca, học đờn, và họ trả.” Ở chân tường vẫn có một lỗ hổng gà nhà thường chui lọt. Thằng Hanh bỗng nhớ ra, mắt sáng lên, nó gọi con em rối rít:
“Vào tìm cái thuống!” Và nó chỉ cho em nhận ra cái lỗ gà chui.
Con Yến hiểu ngay tức khắc. Cũng như thằng anh, nó muốn được trông thấy “đứa bạn” bên kia, xem mặt mũi nó thế nào, nó kéo nhị và đàn hát thật không?
Cái lỗ hổng ở chân tường đã được khơi ra.
Vôi gạch cũ bắn tung lên. Bây giờ có thể chui đầu qua cũng được. Nhưng công việc hủy hoại bức tường đang làm dở khiến hai anh em thằng Hanh bỗng lại hối và thấy sợ. Chúng ngừng lại, nhìn lỗ tường rộng hoác, như nhìn một tai vạ không được phép gây ra.
Trong đám vỡ nát kia, qua lỗ hở bức tường bỗng hiện ra một bàn tay nhỏ đầy bụi đất đang cựa quậy, dò dẫm, như một con chim bị thương. Bàn tay đã rụt về. Thằng Hanh, con Yến vội vàng phục xuống chân tường. Chúng tranh nhau ghé mắt vào lỗ hổng.
Ở chỗ bàn tay vừa biến mất, bây giờ hiện ra một con mắt trong xanh, mắt trẻ con, với một bên má căng đầy như má búp bê. Con Yến hỏi anh:
“Con gái hay con trai?” Tiếng bên kia đáp: “Con trai chớ” Giữa phút kỳ thú, mừng rơn, làm cho tim đập đến ngạt thở ấy… bỗng bất ngờ vang lên tiếng ông Cự Lợi:
“Bà nó đâu rồi, ra mà xem con cái thế này có khiếp không?” Ôi! Khiếp thực, khiếp thực! Hai đứa trẻ đứng phắt dậy, như điện giật. Chúng hiểu ngay:
Thật hết rồi! Sự nhiệm màu chúng vừa tạo ra, vừa chứng kiến không thể xảy ra lần nữa.
Chúng bẽn lẽn đi vào nhà, như những con chó cụp tai vừa bị bắt quả tang làm việc xấu.
Cả đêm, hai anh em con Yến trong mê ngủ, vẫn như nghe văng vẳng có tiếng hát tiếng đàn, tiếng nhị cò cưa, có cả tiếng chim vỗ cánh như trong câu hát: con chim Hồng nhạn nào kia bay đi không trở lại.
Thằng Hanh thấy mình cũng có một cái đàn xinh xinh đứng dựa vào tường, làm ngân lên những tiếng nhạc hưởng ứng tiếng đàn của người bạn chỉ mới trông thấy mỗi bàn tay và nửa mặt.
Sáng hôm sau, hai đứa vẫn chạy ra vườn, đứng xa xa, buồn thiu nhìn cái lỗ gà chui đã bị ông Cự Lợi gọi thợ về lếp kín, từ chiều hôm trước. Chúng buồn thiu, tấm tức tưởng như ở chỗ chân tường kia người ta vừa chôn mất của chúng những gì thật thân ái, thật quý giá.
Con Yến như muốn khóc. Nó hỏi anh: “Nó… nó còn đấy không anh?” Thằng Hanh cáu kỉnh, ngước nhìn cây bàng to lớn sững đầy sâu róm: “Ai biết được, chắc nó còn ở đấy, nhưng… cái tường! Lớn lên ông sẽ trèo qua”.