Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Dịch giả: Phong Đảo
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5422 / 135
Cập nhật: 2016-02-21 17:43:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21: Triều Đình Nhà Kim Dâng Gái Cầu Hòa, Quân Mông Cổ Lại Tấn Công Trung Đô
au khi rời khỏi ngôi thành nhỏ nói trên, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy quân đội tiếp tục kéo về hướng Trung Đô của nước Kim. Trên đường hành quân Thành Cát Tư Hãn hỏi Minh An:
- Tiên sinh biết anh ta không?
Minh An không hiểu Thành Cát Tư Hãn muốn hỏi ai, nên hỏi lại:
- Đại Hãn muốn nói ai?
- Anh chàng biết dùng búa để chẻ củi đó!
Minh An đáp:
- Dạ, không biết!
- Thế tại sao tiên sinh muốn cứu anh ta?
- Vì tôi thấy anh ta là một thư sinh. Với cái tài của Đại Hãn, chắc là ngài không chỉ muốn báo thù cho tổ tiên, bắt hoàng đế nước Kim đóng lên con lừa gỗ rồi thôi chứ? Mai sau chắc chắn ngài sẽ trở thành một vị đế vương trong thiên hạ, như vậy, những người có tài trị quốc so với những người thợ khéo, nhưng người thợ giỏi quan trọng hơn nhiều. Mà những người có tài trị quốc đều xuất thân từ những người thư sinh trí thức cả.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một chốc, hỏi:
- Này Minh An tiên sinh, ông có phải là người có tài trị quốc hay không?
- Tôi ư? Không, tôi mà đáng gì? Nhân tài ở Trung Nguyên đông lắm!
- Nhưng họ có bằng lòng góp sức góp tài với tôi không?
- Nếu Đại Hãn thực sự có thái độ tìm người hiền tài như tìm nước để uống trong cơn khát, thì tôi có thể tiến cử với Đại Hãn mấy người.
- Tiên sinh cứ nói.
- Người thứ nhất là người Khiết Đan, tên gọi Gia Luật Sở Tài; người thứ hai là người Hán tên gọi Quách Bảo Ngọc; còn người thứ ba là một nhân vật tu hành, truyền nhân của phái Toàn Chân thuộc Đạo giáo, tên gọi Khưu Xứ Cơ.
Thành Cát Tư Hãn quay lại hỏi hai anh em Gia Luật và Trấn Hải đi ở phía sau:
- Các ông có biết mấy người đó không?
Gia Luật A Hải đáp:
- Tôi có nghe đại danh của họ từ lâu.
Trấn Hải nói:
- Họ là những người tài cao tám đấu, học thức năm xe!
Thành Cát Tư Hãn có vẻ rất ao ước được những nhân tài này, nói:
- Được tôi nhất định phải giành cho được các vị cao nhân đó. Tôi phải giành tất cả họ!
Vào một đêm tối tại bên trong phủ Thừa tướng ở Trung Đô, Hoàn Nhan Thừa Huy và Đồ Thiện Dật đang cùng ngồi đánh cờ tướng.
Đồ Thiện Dật đi một con cờ của mình. Hoàn Nhan Thừa Huy khỏ nhẹ lên bàn cờ, nói:
- Này Thừa tướng, đưa nó cho tôi ăn phải không?
Đồ Thiện Dật giật mình, nói:
- Hả? À... à.... - Dứt lời ông ta lấy con cờ trở lại.
Hoàn Nhan Thừa Huy chụp lấy bàn tay của ông ta, nói:
- Ông bốc con cờ của tôi làm chi vậy? Chính là con cờ này mới phải! Tại sao ngay đến trắng đen mà ông cũng không phân biệt vậy?
Đồ Thiện Dật thở dài, đáp:
- Không phân biệt được trắng đen, không phân biệt được phải trái, có lẽ trời cao muốn phái ông ta đến để hủy diệt nước Đại Kim này chăng?
Hoàn Nhan Thừa Huy hỏi:
- Ngài nói ai?
- Hoàng thượng!
- Ôi! Nhắc đến chuyện đó thì tôi không còn lòng dạ nào đánh cờ nữa - ông ta xóa bàn cờ, nói tiếp - Tôi đi đây, ngài hãy ngồi một mình ở đó mà rầu! Hoàn Nhan Thừa Huy vừa định bước ra thì gia nhân từ ngoài đi vào báo:
- Bẩm Thừa tướng, Gián nghị Đại phu Trương Hạnh Tín xin vào ra mắt.
- Mời vào! - Đồ Thiện Dật ra lệnh cho gia nhân. Người này quay lưng đi ra ngoài. Ông và Hoàn Nhan Thừa Huy trao đổi nhau bằng ánh mắt.
Trương Hạnh Tín bước vào cửa, vòng tay nói:
- Bẩm Thừa tướng, Hoàn Nhan huynh, Hoài Lai đã mất rồi!
Hai người cả kinh, hỏi:
- Cái gì?
Đồ Thiện Dật buồn bã ngồi xuống. Hoàn Nhan Thừa Huy vội vàng hỏi:
- Thế còn Cư Dung Quan thì sao?
Trương Hạnh Tín đáp:
- Hồ Sa Hổ có vẻ rất quyết tâm cố thủ Cư Dung Quan, ra lệnh cho binh sĩ nấu sắt đúc cửa thành, đồng thời, cho rải chông sắt khắp cả một vùng rộng đến hai trăm dặm, chận đứng bước tiến của kỵ binh Mông Cổ. Ông ta rêu rao ải Cư Dung là "ải cửa sắt". Hoàng thượng xem qua bản tấu trình của Hồ Sa Hổ, tỏ ra rất hài lòng.
Đồ Thiện Dật gượng cười, nói:
- Tỏ ra hài lòng ư?
Trương Hạnh Tín hỏi:
- Thế nào?
Đồ Thiện Dật nói:
- Hắn ta nhốt mình trong một cái thùng sắt chỉ nhằm bảo vệ lấy thủ cấp của hắn, chứ hoàn toàn không có ý đánh nhau với giặc!
Hoàn Nhan Thừa Huy cả giận nói: - Cái gã Hồ Sa Hổ đúng là một thằng sợ chết! - Ông ta chụp lấy nghiên mực định đập mạnh xuống đất nhưng chợt nhớ ra nghiên mực này là của người ta chứ không phải của mình, nên lại dằn mạnh trở xuống.
Đoàn quân của Thành Cát Tư Hãn dựng lều Mông Cổ cái lớn cái nhỏ chung quanh thung lũng. Các binh sĩ nhóm thì chơi trò đấu vật, nhóm thì chơi trò kéo tay, nhóm thì ca hát, nhóm thì nhảy múa. Anh Râu Đen đang luyện tập sử dụng cánh tay trái. Thoát Hổ giúp anh ta luyện tập.
Nạp Nha A dẫn Đóa Đãi đi vào đại trướng của Thành Cát Tư Hãn.
Nạp Nha A lên tiếng bẩm:
- Thưa Đại Hãn, Đóa Đãi đã tới.
Đóa Đãi dập đầu, nói:
- Tham kiến Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn gọi anh ta:
- Lại đây, hãy ngồi bên cạnh ta cùng uống trà sữa.
Đóa Đãi quì hai đầu gối đi lần đến trước Thành Cát Tư Hãn, đưa hai tay ra nhận chén trà sữa do người khác trao cho, rồi đưa lên cao để ngỏ ý đa tạ.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Thương thế đã khỏi hẳn chưa?
Đóa Đãi đưa một cánh tay ra nói:
- Đã mạnh khỏe như con bò mộng rồi!
- Tốt! - Thành Cát Tư Hãn hỏi tiếp - Nhà ngươi có biết từ đây đi đến Trung Đô, ngoài con đường phải đi ngang Cư Dung Quan, còn có con đường nào khác không?
- Thưa có, tôi từng ở chăn cừu cho chủ tại khu vực này, được biết có một con đường mòn trong núi, có thể đi vòng để tránh Cư Dung quan.
Thành Cát Tư Hãn sốt ruột hỏi:
- Con đường đó đi tới đâu?
- Tới Nam Khẩu.
- Ngựa có thể đi được chăng?
- Những nơi hẹp nhất có thể đi qua từng con ngựa một.
Thành Cát Tư Hãn lẳng lặng suy nghĩ một lúc lâu, bỗng hỏi:
- Nếu đi ban đêm nhà ngươi có nhớ đường không?
- Tôi nghĩ là nhớ.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Tốt! Ngươi ở lại đây, còn Nạp Nha A hãy đi gọi Mộc Hoa Lê tới!
Nạp Nha A bước ra khỏi đại trướng. Thành Cát Tư Hãn vui vẻ nói:
- Này Đóa Đãi, ngươi đã lập công to như vậy, nên tội chết của ngươi đã được xóa bỏ. Từ đây về sau, ngươi luôn ở bên cạnh ta nhé!
Đóa Đãi dập đầu đáp:
- Đa tạ ơn cứu mạng lần thứ hai của Đại Hãn!
Mộc Hoa Lê từ ngoài bước vào đại trướng, lên tiếng chào:
- Thưa Đại Hãn!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Này Mộc Hoa Lê, ngươi và Tứ Kiệt lưu lại đây để giằng co với quân địch - Ông ta cười nói tiếp - Hồ Sa Hổ đã đúc cửa thành bằng sắt chắc là ông ta không còn nghĩ tới việc tấn công ngươi đâu. Tất cả lều trướng các ngươi đừng gỡ bỏ, tất cả lò nấu các ngươi đừng tắt lửa, để cho Hồ Sa Hổ tưởng đâu những cây chong sắt và tấm cửa sắt nơi quan ải này đã gây được khó khăn cho chúng ta. Hãy để cho ông ta đắc ý thêm ít ngày. Riêng ta sẽ chỉ huy một cánh quân đi vòng để đánh chiếm Tử Kinh Quan và Nam Khẩu trước, rồi sau đó sẽ từ hai mặt bao vây để săn con cọp Hồ Sa Hổ không mọc răng để ăn thịt người, mà chỉ mọc giò để bỏ chạy nầy?
Mộc Hoa Lê đáp:
- Thưa vâng!
Được sự che chở của màn trời đêm, đoàn quân Mông Cổ đi theo con đường núi bằng cách dẫn ngựa đi bộ.
Thành Cát Tư Hãn quay sang Minh An đi ở phía sau lưng hỏi:
- Này Minh An, Quách Bảo Ngọc mà tiên sinh nói đó là người gì?
Minh An đáp:
- Là người Hán.
- Ở đâu?
- Ở Phần Dương.
- Ông ta làm gì?
- Làm Quận công Phần Dương kiêm chức Mãnh An.
Thành Cát Tư Hãn tỏ ra sốt ruột, nói:
- Tại sao ông nói ít thế? Ông hãy nói tường tận cho tôi nghe nào?
Minh An lấy tay vỗ trán, cười đáp:
- Sao ngài nôn nóng quá vậy? Quách Bảo Ngọc mà tôi nói đó, là hậu duệ của Quách Tử Nghi, một danh tướng trong đời nhà Đường, văn thao võ lược đều tinh thông, tuy làm quan cho nước Kim, nhưng lúc nào cũng hy vọng sẽ có ngày thay đổi triều đại.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Còn cái ông Gia Luật?...
- Gia Luật Sở Tài phải không?
- Ờ! - Thành Cát Tư Hãn cười đáp.
Minh An nói nhanh như bắp rang:
- Gia Luật Sở Tài là hậu duệ quí tộc người Khiết Đan, cháu tám đời của Đông Đơn Vương thuộc nước Liêu. Cha ông làm quan tới chức Kim Chương Tông, Thượng Thư Tả Thừa. Đến năm 60 tuổi ông mới sinh được con trai tức là Gia Luật Sở Tài. Cha ông đã dùng điển cố trong Hán học "Sở tuy hữu tài, Tấn thực dụng chi" để đặt tên ông là: "Sở Tài" và lấy tự là "Tấn Khanh", có ngụ ý là sau nay ông sẽ được một quốc gia khác trọng dụng. Ngay từ lúc nhỏ Gia Luật Sở Tài đã đọc không biết bao nhiêu sách vở, thuộc làu kinh sử, lại hiểu cả thiên văn, địa lý, lịch pháp, toán học, Phật học, Lão Trang học, y học, chiêm bốc...
Bỗng nghe "ào" một tiếng, Thành Cát Tư Hãn quay đầu nhìn lại không còn thấy Minh An đâu nữa, mà chỉ nghe phía dưới sườn núi có tiếng rên rỉ. Nạp Nha A nhìn xuống dưới, gọi to:
- Bớ Minh An tiên sinh!
Ở phía dưới có tiếng người đáp:
- Tôi ở đây này!
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Có bị thương không?
Phía dưới trả lời:
- Hai cánh tay và hai chân đều cử động được, chỉ riêng có bàn tọa là đau quá!
Dã Lặc Miệt lên tiếng trêu chọc:
- Bàn tọa có gì cũng không sao, chỉ cần giữ thủ cấp cho tốt là được!
Thành Cát Tư Hãn vừa nạt vừa ra lệnh:
- Người ta té như vậy mà nhà ngươi còn pha trò được sao? Mau, hãy xuống dưới kéo ông ấy lên! - Nói đến đây, Thành Cát Tư Hãn nói lớn xuống dưới - Bớ Minh An tiên sinh, ông đừng quá sợ hãi...
Qua sự chỉ huy đứng đắn của Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ lần lượt đánh chiếm được Hoài Lai và Cư Dung Quan, rồi tiến binh bao vây thủ đô của triều đình nhà Kim là thành Trung Đô.
Hoàn Nhan Cương sau khi chiến bại chạy trở về Trung Đô đã cùng Hồ Sa Hổ quì trước bệ rồng. Hoàng đế Vĩnh Tế đôi mắt trào lệ, nói:
- Quân Thát Đát đã tiến tới chân thành rồi, chả lẽ cơ nghiệp trăm năm do Thái Tổ xây dựng, sẽ phải tiêu tan trong tay của quả nhân hay sao?
Văn võ bá quan trong triều đều im lặng.
Hoàn Nhan Cương ngước đầu lên nói qua giọng bi phẫn:
- Tâu hoàng thượng, thần lãnh trọng trách của hoàng thượng, giữ nhiệm vụ chủ soái tại tuyến Hoài Lai. Nhưng đáng tiếc là không nghe lời Thừa tướng, nên bị hao binh tổn tướng lại phải bỏ thành mất đất. Cái tội của thần đã quá rõ ràng, xin hoàng thượng nghiêm khắc trừng trị!
Trương Hạnh Tín bước ra khỏi hàng, tâu:
- Tâu hoàng thượng, Hoàn Nhan Cương là một trung thần của nước Kim mà ai ai cũng biết, từng lập nhiều công lao hiển hách, vậy không thể chỉ dựa vào sự thành bại mà luận anh hùng được.
Vua Kim Vĩnh Tế khoát tay nói:
- Trẫm biết rồi. Hoàn Nhan Cương, khanh cũng đừng quá tự khiển trách. Đồ Thiện Dật cũng bước ra khỏi hàng tâu:
- Tâu hoàng thượng, trong khi đất nước đang xảy ra nguy biến, thì việc thưởng phạt lại càng phải nghiêm minh. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, bằng không thì lấy gì để nâng cao sĩ khí, đẩy lui quân Thát Đát. Thần nghĩ rằng Hoàn Nhan Cương, nhất là Hồ Sa Hổ đều phải trừng trị!
Hoàn Nhan Thừa Huy và mấy đại thần khác cũng bước ra tâu:
- Lời nói của Thừa tướng hết sức đúng!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói tiếp:
- Hoàn Nhan Cương có thể chỉ huy hai vạn Võ Vệ Quân ra thành đẩy lui quân địch, nếu thắng thì lấy công chuộc tội, nếu bại thì kết hợp cả hai tội lại làm một. Riêng Hồ Sa Hổ nếu lại chiến bại, thì tội đáng chém không còn dung tha nữa!
Hồ Sa Hổ dập đầu òa lên khóc, nói: - Tâu hoàng thượng, thần đã vì giang sơn nhà Kim đánh đông dẹp bắc, nay hai mái tóc đã bắt đầu điểm sương rồi, vậy xin hoàng thượng khai ân, cho phép thần cáo lão về quê để an hưởng tuổi già!
Vua Kim Vĩnh Tế cũng sụt sùi trước tiếng khóc bi thương của Hồ Sa Hổ, nói:
- Các khanh chớ nên tranh cãi nữa. Hoàn Nhan Cương sẽ làm theo kiến nghị của Hoàn Nhan Thừa Huy, đẩy lui quân địch để lấy công chuộc tội. Riêng Hồ Sa Hổ thì trẫm chuẩn y lời xin, cách chức đuổi về quê. Bãi trào!
Đồ Thiện Dật vội vàng tâu:
- Tâu hoàng thượng, việc phòng thủ Liêu Đông là việc rất cấp bách, vậy xin hoàng thượng mau phái đại thần thành lập hành tỉnh...
Hoàng đế Vĩnh Tế tức giận, nói:
- Đừng nói nữa! Hiện nay lòng dân trong thành hết sức hoang mang, nếu lại phái quan viên đi thành lập một hành tỉnh mới ở Liêu Đông, thì không phải càng làm cho lòng dân, làm cho sĩ khí hoang mang chao đảo thêm hay sao? - Nhà vua dừng lại một chút, nói tiếp - Có người tội càng nặng hơn Hoàng Nhan Cương và Hồ Sa Hổ nữa, nhưng trẫm vì lòng nhân ái mà không truy cứu đó thôi. Trẫm tin rằng ai đó phải tự biết tiến thoái! - Dứt lời, nhà vua giận dữ bỏ đi.
Hồ Sa Hổ đứng lên nói mỉa:
- Xem ra rồi sẽ có người không tìm được con đường rút lui như tôi!
- Dứt lời, ông ta cũng bỏ đi.
Đồ Thiện Dật cảm thấy choáng váng. Hoàn Nhan Thừa Huy vội vàng đỡ lấy ông, nói:
- Xin Thừa tướng hãy trở về phủ là hơn.
Đồ Thiện Dật cố thoát khỏi cánh tay của Thừa Huy, nói:
- Không! Tôi phải đi tiễn đưa Hoàn Nhan Cương.
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Ôi! Sao ngài lại tự hành hạ mình như thế?
Đồ Thiệt Dật đáp:
- Tôi tuy không có tài như Khổng Minh, nhưng tôi phải có đức như Khổng Minh. Tôi là Thừa tướng của đương triều, vậy phải đem hết sức mình ra để đóng góp với triều đình cho tới chết mới thôi!
Hoàn Nhan Thừa Huy không còn cách nào khác hơn, chỉ nói:
- Thôi được, tôi cũng đành phải đi theo một con đường với ngài, dù chết cũng cam!
Trong thành Trung Đô, tiếng phèng la đánh từng hồi.
Một đội quân Kim đang đi tuần tiễu. Người đi đầu của toán quân Kim này cao giọng loan báo:
- Quân Thát Đát đang có mặt dưới chân thành, vậy mong bá tánh nghe cho rõ, nếu ai không có kim bài của hoàng đế, thì cấm không được ra vào cửa thành!
Trên tất cả đường đi và tất cả chợ búa đều vắng ngắt, nhà nhà đều cửa đóng then gài.
Bên trong cửa thành, Hoàn Nhan Cương tay cầm kim bài đứng trước đoàn quân do ông chịu trách nhiệm chỉ huy. Ông cởi áo để trần cánh tay trái, vừa đưa cao tấm kim bài lên vừa nói lớn:
- Thành còn thì ta còn, thành mất thì ta chết. Thà là chiến đấu tới chết chứ tuyệt đối không thối lui!
Ông dùng thanh đao vạch một đường trên trán. Các tướng sĩ đều quỳ xuống, cũng dùng thanh đao trong tay họ vạch một đường trên trán rồi hò hét lên như trời long đất lở:
- Thành còn thì ta còn, thành mất thì ta chết! Thà là chiến đấu cho tới chết, chứ tuyệt đối không bao giờ rút lui!
Bá tánh vây chung quanh xem đều rơi lệ.
Hoàn Nhan Cương quát:
- Lên ngựa!
Tất cả Võ Vệ Quân đều lên ngựa. Cửa thành mở to. Cứ bốn Võ Vệ Quân chia thành một đội, cùng tiến bước ra khỏi cửa thành.
Đứng trên đầu thành để theo dõi cuộc hành quân là Đồ Thiện Dật, Hoàn Nhan Thừa Huy, Trương Hạnh Tín và một số bá tánh có cả nam lẫn nữ. Tất cả mọi người đều rửa mặt bằng nước mắt!
Tất cả Võ Vệ Quân, mỗi người đều cởi trần để lộ cánh tay trái, siết chặt thanh đao tiến về phía trước.
Bên ngoài thành Trung Đô, tại doanh trại của quân Mông Cổ, Giã Biệt nghe tin liền chạy ra xem, thấy dưới trận mưa tên, quân Kim vẫn im lặng tiến lên. Các tay cung nỏ của quân Mông Cổ thấy vậy đều sững sờ.
Tốc độ tiến lên của quân Kim càng nhanh, trên trán của mỗi người đều chảy máu, trông họ thật là rùng rợn. Quân Mông Cổ không khỏi hỗn loạn. Giã Biệt la to:
- Đừng có rối, hãy lên ngựa nghênh chiến!
Bên trong đại trướng của trung quân Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đang chuyện trò với Quách Bảo Ngọc. Mộc Hoa Lê và Minh An cũng có mặt.
Giã Biệt khôi lệt giáp thủng, từ ngoài chạy đâm sầm vào nói:
- Thưa Đại Hãn, Hoàng Nhan Cương trông như một con bò điên, quyết tử chiến chứ không thối lui, vậy tại sao chưa tăng viện cho chúng tôi?
Thành Cát Tư Hãn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, hỏi:
- Ngươi đã rút lui rồi chưa?
Giã Biệt đáp:
- Đã rút lui rồi! Hoàn Nhan Cương trông chẳng khác gì một gã điên...
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Hãy ngồi xuống đây nghe những lời luận bàn sâu xa của Quách tiên sinh.
Giã Biệt hỏi:
- Thế còn Trung Đô...
- Nhà ngươi không cần để ý tới. Này Quách tiên sinh, ngài tiếp tục nói đi.
Quách Bảo Ngọc nói:
- Bây giờ nói về Trung Đô nhé. Lời tục thường bảo: con rết trăm chân dù chết vẫn còn nhúc nhích. Trung Đô tường cao hào sâu, vốn rất khó đánh chiếm, hơn nữa, bước đường cùng của một con thú dữ là hết sức nguy hiểm. Vậy hiện nay chưa phải là thời cơ để đánh chiếm Trung Đô.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Tôi chẳng qua để cho Giã Biệt xua quân thăm dò hư thực đó thôi, nhằm rung cây nhát khỉ, để dọa anh chàng đẹp trai kia chơi!
Quách Bảo Ngọc hỏi:
- Anh chàng đẹp trai là ai vậy?
Mọi người đều cười. Quách Bảo Ngọc bừng hiểu ra:
- Ồ! Tức đương kim hoàng đế đấy hả?
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Tiên sinh thấy tôi có thể đánh bại ông ta không?
Quách Bảo Ngọc đáp:
- Tất nhiên! Vì Đại Hãn chẳng những là người giỏi dụng binh, tướng sĩ dũng cảm, muôn người một lòng, cho nên đánh đâu thắng đó. Hơn nữa, lại do nước Kim kể từ vua Hy Tông trở về sau, ông vua nào cũng u mê, việc hành chính hoàn toàn rối loạn, bọn quan lại tàn ác tham lam, bất chấp pháp luật, làm cho người Hán, người Khiết Đan ở Trung Nguyên, thậm chí người Nữ Chân đều oán ghét, ai ai cũng mong muốn thay đổi triều đại. Một khi mất nhân tâm là sẽ mất thiên hạ, đó là chuyện tất nhiên.
- Thế thì tôi có thể nhất thống Hoa Hạ không?
- Chỉ cần có một chính sách thích đáng.
- Nói thế nghĩa là sao?
Quách Bảo Ngọc nói:
- Thứ nhất, phải thu phục nhân tâm, được nhân tâm có nghĩa là được cả thiên hạ. Thứ hai, trước đánh chiếm tây nam, rồi mới liên minh với Tống để diệt Kim.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Trước đánh chiếm tây nam, rồi mới liên minh với Tống để diệt Kim ư? Đúng vậy! Thế lực của quân Kim tại Trung Nguyên rất to, không thể xem thường, tinh thần dũng cảm của các phiên thuộc ở tây nam mình có thể lợi dụng được. Đại Hãn nên trước tiên đánh chiếm tây nam, rồi sau đó mới liên minh với Tống để diệt Kim, chừng đó việc chiếm Trung Nguyên cũng dễ như lấy đồ trong túi!
Thành Cát Tư Hãn phấn khởi đứng lên, nói:
- Đúng lắm! Nói rất đúng!
Quách Bảo Ngọc nói:
- Liêu Đông là đất dấy nghiệp của người Nữ Chân. Một khi Đại Hãn tiến đánh Trung Đô, thì Liêu Đông sẽ cử binh tiếp ứng, khiến Đại Hãn lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch, vậy Đại Hãn nên phái người đi chiếm Liêu Đông trước!
- Ồ! Sự nhắc nhở của tiên sinh thật hết sức quan trọng. Này, Mộc Hoa Lê, ngươi hãy lập tức phát binh đánh chiếm Liêu Đông!
Dứt lời, ông quay lại Minh An nói tiếp - Này, Minh An tiên sinh, ông nói thật đúng, người trí thức (Đọc thư nhân) so với những người thợ càng có tác dụng quan trọng hơn! - Tiếp theo đó là một chuỗi cười rất vui.
Tại Hoa sảnh bên trong Tử Cấm Thành ở Trung Đô, vua Kim đang bày tiệc để mừng công.
Hoàng đế Vĩnh Tế, hết sức vui mừng nói với các triều thần:
- Này các ái khanh, tướng quân Hoàn Nhan Cương đã đẩy lui được người Thát Đát, bảo vệ được Trung Đô, từ ngày khai chiến tới nay, ông ấy là người anh hùng Nữ Chân đầu tiên đánh bại Thiết Mộc Chân. Nay trẫm mở tiệc đề mừng công, vậy xin mọi người hãy uống cạn ly.
Văn võ quần thần đều nâng ly uống cạn. Một toán ca nữ vừa cất tiếng hát vui tươi vừa múa những điệu múa dịu dàng.
Thừa tướng Đồ Thiện Dật ngồi đó mà trong lòng đang rối bời, không biết bao nhiêu tâm tư. Hoàn Nhan Thừa Huy lên tiếng hỏi Đồ Thiện Dật:
- Tại sao ngài không uống rượu?
Đồ Thiện Dật đáp:
- Mất nước tới nơi rồi, thế mà ông ấy còn tổ chức ca múa như những ngày thanh bình yên ổn!
Một thái giám hối hả bước tới gần vua Vĩnh Tế, kề miệng vào tai nhà vua nói nhỏ mấy câu. Vua Vĩnh Tế kinh hoàng thất sắc. Thái giám khoát tay ra hiệu ngưng múa hát.
Đồ Thiện Dật đứng phắc dậy, hỏi:
- Liêu Đông đã thất thủ rồi ư?
Vua Vĩnh Tế đưa tay bụm mắt. Đồ Thiện Dật ôm ngực cuối đầu và phun ra một bún máu tươi. Người ông lảo đảo sắp té, Hoàn Nhan Thừa Huy vội vàng bước tới đỡ lấy ông, gọi:
- Bớ Thừa tướng?
Đồ Thiện Dật nói qua giọng yếu ớt:
- Mau phái người...đánh chiếm trở lại... Liêu Đông! - Dứt lời thì ông ngất lịm.
Vua Vĩnh Tế ra lệnh:
- Mau! Mau phái người đi giảng hòa với Thiết Mộc Chân!
Tại đại doanh của quân Mông Cổ ở Bắc Khẩu, bên ngoài đại trướng nóc vàng từng hàng Khiếp Thiết Quân đứng nghiêm chỉnh đón khách. Đội nhạc cũng đang tấu lên những nhạc khúc để mừng khách.
Hoàn Nhan Thừa Huy được sự hướng dẫn của Nạp Nha A, dẫn hai vị phó tướng cùng bước vào đại trướng, Thành Cát Tư Hãn ngồi ngay ghế giữa, các tướng lãnh Mông Cổ chia nhau đứng hai bên. Hoàn Nhan Thừa Huy quỳ lạy, nói:
- Sứ thần Kim Quốc là Đô Nguyên Soái kiêm Bình Chương Chính Sự Hoàn Nhan Thừa Huy xin bái kiến Thành Cát Tư Hãn của nước Mông Cổ!
Thành Cát Tư Hãn vội vàng rời chỗ ngồi, đỡ Hoàn Nhan Thừa Huy, nói:
- Xin nguyên soái hãy đứng lên. Tôi biết ngài khác hơn bọn Hồ Sa Hổ, Truật Hổ Cao Kỳ, ngài là một kẻ thù đáng kính trọng hiếm có của nước Kim. Xin, mời ngồi.
- Đa tạ Khả Hãn! - Hoàn Nhan Thừa Huy ngồi xuống.
Thành Cát Tư Hãn đã trở về đến bên cạnh chiếc ghế của mình, nói:
- Vì việc giảng hòa tôi đã ba lần phái người tới Trung Đô, hôm nay được Hoàn Nhan Nguyên Soái đích thân đến đại trướng của tôi, vậy chắc là có tin vui chứ?
- Bá quan trong triều đình của chúng tôi đã bàn bạc và được thánh thượng định đoạt, nay muốn cùng nước đại Mông Cổ ký kết hòa ước, vĩnh viễn trở thành hai nước liên minh tốt đẹp với nhau!
Thành Cát Tư Hãn cười, nói:
- Đến nay thì các vị đã có lời phúc đáp. Người Nữ Chân các vị từ lâu sống ở Trung Nguyên đã quen ngồi kiệu, cho nên khi làm việc gì cũng không thể nhanh chóng dứt khoát như những người quen cưỡi ngựa chúng tôi! Hả hả...
- Vì vấn đề này có tương quan đến giang sơn xã tắc, nên tất nhiên phải cân nhắc kỹ lưỡng.
- Tôi hiểu. Chắc các vị có ý nghĩ là ba năm trước đây binh lực của các vị còn mạnh, nhưng tôi lại từ chối giảng hòa. Ba năm sau, binh lực của các vị đã suy yếu, còn binh lực của chúng tôi từ mười vạn đã tăng lên mấy chục vạn, thế mà chúng tôi lại chủ động giảng hòa, cho nên các vị nghi ngờ trong việc giảng hòa này có điều gian trá không đáng tin, phải không?
Hoàn Nhan Thừa Huy đáp:
- Mọi người đều có những ý kiến khác nhau, vậy xét về tình cũng nên tha thứ.
Thành Cát Tư Hãn tươi cười, ngồi trở xuống ghế, nói:
- Tôi xin tiết lộ một cơ mật này cho ngài biết, ấy là tôi đã mệt mỏi lắm rồi! - Nói dứt lời, Thành Cát Tư Hãn lại cười. Hoàn Nhan Thừa Huy vẫn ngồi một cách nghiêm túc.
Thành Cát Tư Hãn ngưng tiếng cười, nói:
- Người Nữ Chân vào làm chủ Trung Nguyên, từng tiêu diệt nước Liêu, đánh nước Tống, trong khi đó thì người Mông Cổ chúng tôi vẫn tiếp tục làm nghề chăn nuôi trên đồng cỏ, không hề gây trở ngại gì đến các vị. Thế mà vua Hy Tông của các vị đã vô cớ giết chết tổ tiên của chúng tôi, bắt ép chúng tôi phải thần phục, rồi lại theo định kỳ ba năm một lần, tiến hành việc "giảm đinh", tàn sát bá tánh người Mông Cổ của chúng tôi. Riêng Vệ vương Vĩnh Tế còn rêu rao là sẽ nhân lúc tôi đi nộp thuế, bắt tôi đóng đinh trên con lừa gỗ, những hành động đó chứng tỏ các vị hiếp đáp người ta thái quá, cho nên tôi mới cử binh phục thù. Bây giờ hoàng đế nước Kim đã bằng lòng giảng hòa, rất tốt, vậy hãy nói điều kiện đi!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Thánh thượng xuống chiếu đưa Kỳ Quốc công chúa dâng cho Thành Cát Tư Hãn làm phi, học theo cái lệ trước kia của người Kim đưa Chiêu Quân ra biên tái để xây dựng mối tình hòa hiếu Tấn - Tần.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Đó là con gái của người đẹp trai phải không? Như vậy đúng là do trời cao đã sắp xếp!
Các tướng đều cười. Có người nói:
- Thế là có một hoàng hậu công chúa!
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Thế thì đối với những tướng lãnh đã khổ chiến trong ba năm của tôi quý quốc làm gì để xoa dịu lòng căm phẫn của họ, an ủi cho sự lao khổ nhọc nhằn của họ đây?
Hoàn Nhan Thừa Huy đáp:
- Tôi có mang theo năm trăm đồng nam, năm trăm đồng nữ để chúng lo việc hầu hạ các tướng sĩ, đồng thời, còn có ba nghìn chiến mã để bù đắp lại sự tổn thất của quý quân đội. Ngoài ra lại còn một trăm xe đủ thứ đồ vật gồm gấm vóc, lụa là, vàng bạc, để cung cấp cho nhu cầu của quân đội quí quốc trên đường trở về nước.
- Tốt lắm! - Thành Cát Tư Hãn đứng lên thân mật choàng vai Hoàn Nhan Thừa Huy nói tiếp - Chuyện công đã xong rồi, vậy bây giờ chúng ta hãy cùng thoải mái một tí!
Phía trên điểm trướng đài có đặt sẵn một chiếc bàn, trên mặt bàn cũng đã bày sẵn tiệc rượu. Thành Cát Tư Hãn cùng Hoàn Nhan Thừa Huy bước lên đó cùng đối ẩm.
Mộc Hoa Lê cưỡi ngựa chỉ huy cuộc duyệt binh ở phía dưới. Các tay kỵ sĩ đều cố ý phô trương thuật cưỡi ngựa của mình cho Hoàn Nhan Thừa Huy xem.
Thành Cát Tư Hãn tươi cười nói với Hoàn Nhan Thừa Huy:
- Này Đô Nguyên Soái, ngài thấy binh sĩ của tôi thế nào?
Hoàn Nhan Thừa Huy đáp:
- Kể là dũng cảm gan dạ nhưng...
- Nhưng thế nào?
- Nghe đâu trong số người đó có những người quen tính háo sát, thích lấy việc giết người làm trò vui, tôi không thích những tay đồ tể như vậy. Vũ lực có thể giết người, nhưng không thể phục người!
- Thế ư? Xin mời Đô Nguyên Soái hãy nhìn các vị đang cưỡi ngựa ở phía bên kia, đó là Minh An, Thạch Mạt Dã Tiên, Quách Bảo Ngọc, Gia Luật A Hải, Gia Luật Bất Hoa, Lưu Bá Lâm, Sử Bỉnh Trực, Sử Thiên Nghê... Họ toàn là quan viên cũ của nước Kim cả. Chính họ vì ngưỡng mộ uy danh của tôi, nên mới tìm tới quy thuận!
Hoàn Nhan Thừa Huy cất tiếng cười to. Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Ngài cười chi thế?
Hoàn Nhan Thừa Huy đáp:
- Tôi vui mừng vì trong số người đó không có người Nữ Chân.
Thành Cát Tư Hãn không khỏi chưng hửng, nhưng cũng cất tiếng cười to và nói:
- Người Hán, người Khiết Đan vì không quên mối thù diệt tộc, không quên mối hận vong quốc, đó chính là cái họa nằm ngay trong ruột của quý quốc đấy?
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Tôi chỉ mong Khả Hãn đừng đi vào vết xe đổ cũ!
Thành Cát Tư Hãn lại chưng hửng, nói:
- Đúng là người có lòng dũng cảm, là người có tài ăn nói! Tôi tiến quân vào Trung Nguyên lần này, chỉ nhằm để báo thù rửa hận, để nêu cao chính nghĩa, chứ không có ý định tiêu diệt quốc gia của ai khác, cho nên tôi mới chủ động đề xuất việc giảng hòa với quý quốc!
Hoàn Nhan Thừa Huy hỏi:
- Vậy Khả Hãn định bao giờ rút quân?
- Tôi vẫn còn chưa thấy mặt Kỳ Quốc công chúa kia mà!
- Tại hạ sẽ tức khắc trở về Trung Đô để đưa Kỳ Quốc công chúa đến Bắc Khẩu hoàn thành hôn lễ với Khả Hãn và sau đó đích thân tôi cũng sẽ tiễn Khả Hãn kéo quân ra khỏi Cư Dung Quan.
- Ồ! Tôi đâu dám làm nhọc Đô Nguyên Soái phải đích thân đưa tiễn chúng tôi!
Hoàn Nhan Thừa Huy với một thái độ không kiêu căng mà cũng không tự ti, đáp:
- Không! Hoàn Nhan Thừa Huy tôi nhận trách nhiệm nặng nề của hoàng thượng, nhất định sẽ tiễn đưa Khả Hãn sớm rời khỏi quan ải!
Thành Cát Tư Hãn đưa mắt nhìn Hoàn Nhan Thừa Huy, nói:
- Có phải ngài sợ chúng tôi không thi hành hòa ước chăng?
- Không dám! Lời nói của Khả Hãn nặng như chín đỉnh đồng, Hoàn Nhan Thừa Huy tôi chẳng qua thay mặt hoàng thượng để tỏ tình chủ nhân mà thôi!
- Thôi được! Tôi muốn nói rõ mọi việc trước, ấy là nếu quý quốc phản phúc vô thường, có ý chà đạp lên hòa ước, thì cá nhân tôi có thể nhẫn nhịn, nhưng thanh mã tấu của tôi thì không nhịn được đâu!
Nói dứt lời, ông tuốt mã tấu chặt đứt một góc bàn.
Sau mấy hôm, Hoàn Nhan Thừa Huy dùng ngựa đứng bên ngoài Cư Dung Quan, trong khi quân đội Mông Cổ dẫn từng đoàn tù binh, những tay thợ giỏi, cũng như đánh từng cỗ xe chứa đầy chiến lợi phẩm lần lượt rút lui khỏi cửa ải này.
Mùa xuân năm 1214, Thành Cát Tư Hãn sau khi nhận xét kỹ thời thế, đã chủ động giảng hòa, mang Kỳ Quốc công chúa và bao nhiêu tù binh, tiền của rút lui trở về thảo nguyên để nghỉ ngơi chờ đợi thời cơ. Trong khi đó, thay vì nước Kim có thể chụp lấy cơ hội đó để chấn chỉnh mọi mặt, thì họ lại phát động những cuộc tranh giành quyền lực giữa nhau!
Quân đội Mông Cổ vừa rút lui thì Hồ Sa Hổ được vua Vĩnh Tế phục chức trở lại, đã lợi dụng quân đội nắm trong tay phát động một cuộc chính biến. Hắn bắt vua Vĩnh Tế là ngươi từng khoan dung cho hắn nhiều lần đem nhốt vào thiên lao.
Hồ Sa Hổ và đồng bọn đứng trước cửa thiên lao, trong khi binh sĩ dẫn vua Vĩnh Tế tóc tai bỏ xõa để đưa vào nhà ngục.
Vua Vĩnh Tế vừa khóc vừa nói:
- Hồ Sa Hổ ơi! Hồ tướng quân ơi! Trẫm đối xử với ngươi đâu có bạc! Đã mấy lần trẫm bác bỏ ý kiến của số đông không giết ngươi, thế mà ngươi lại lấy oán báo ân như thế này! Bớ Hồ tướng quân! Hãy thả trẫm ra, trẫm bằng lòng chia một nửa giang sơn này cho tướng quân. Xin tướng quân hãy mau thả trẫm ra!
Hồ Sa Hổ phun một bãi nước bọt vào mặt vua Vĩnh Tế, nói qua giọng hung hăng:
- Một nửa giang sơn của ông đã lọt vào tay của người Mông Cổ rồi, vậy không còn phần nào của ông đâu! Một người không có đức lại không có tài như ông, nếu không thoái vị thì thần dân của nước đại Kim này sẽ chết không có chỗ chôn thây! Nếu ông là người sáng suốt, thì chính ông phải tự đi tìm lấy cái chết. Ông làm như vậy mới xứng đáng là con cháu của A Cốt Đả! - Hồ Sa Hổ nói dứt lời, thì quay lưng bỏ đi.
Vua Vĩnh Tế la lớn:
- Bớ Hồ tướng quân!.. Hồ... Hồ... Hồ Sa Hổ nhà ngươi là một tên phản thần tặc tử, ta thật hối hận vì không nghe theo lời khuyên vàng ngọc của Đồ Thiện Dật! Đúng là ta đã nuôi ong tay áo, vậy chuyện ta làm thì ta tự chịu! Nhưng, Hồ Sa Hổ ngươi cũng sẽ không có được cái chết tốt đâu!
Hồ Sa Hổ ra hiệu cho bọn tả hữu, tức thì một tướng lãnh bước tới rút kiếm ra đâm thẳng vào ngực vua Vĩnh Tế. Vua Vĩnh Tế đứng bên trong song sắt, chỉ biết trừng đôi mắt ra nhìn, rồi ngồi bẹp xuống mặt đất, trông giống như ông ta đang cười!
Tại kim điện ở Trung Đô, văn võ quần thần đang đứng xếp hàng, phía sau họ là quân đội của Hồ Sa Hổ và đồng bọn, tên nào tên nấy sát khí đằng đằng, quần thần mặt mày tái mét, có người run cầm cập.
Hồ Sa Hổ tay đè lên chuôi gươm, bước thẳng lên điện đường. Ông ta quắt mắt nhìn quần thần nói:
- Vệ vương Vĩnh Tế là kẻ vô đạo, khiến nước Đại Kim sắp sửa tiêu vong. Hồ Sa Hổ ta đứng ra cứu vãn tình thế, buộc hắn phải thoái vị. Nhưng, thiên hạ không thể một ngày không có vua, vậy ta bằng lòng thụ mệnh giữa tình thế hiểm nguy này, tạm đứng ra giữ chức Giám quốc Đô Nguyên Soái, nắm hết đại quyền quân quốc trong tay. - Nói dứt lời, ông ta bước thẳng lên ngai vàng ngồi xuống.
- Nhà ngươi hãy đứng lên! - Tiếng quát của Hoàn Nhan Cương vang rền như tiếng đại hồng chung, đôi mắt của ông trợn to như muốn tét khóe. Hồ Sa Hổ đứng lên theo bản năng. Hoàn Nhan Cương bước tới mấy bước, chỉ thẳng vào mặt Hồ Sa Hổ nói tiếp:
- Nước Đại Kim sắp mất chỉ vì các tướng soái chẳng ra chi. Hồ Sa Hổ ngươi đã mấy phen chiến bại, tội trạng của ngươi không kém hơn Vệ vương. Vệ vương thoái vị, nhà ngươi có tài có đức gì, còn mặt mũi nào dám tự xưng là Giám quốc?
Hồ Sa Hổ trấn tĩnh trở lại, nói:
- Thiên tử thiếu sáng suốt, làm cho tướng soái có tài cũng không thể thi triển được, dẫn tới hao binh tổn tướng, đó là cái lỗi của một mình Vệ vương!
- Ngươi chỉ nói bậy! - Hoàn Nhan Cương không hề nhường bước, nói tiếp - Nhà ngươi giữ chức Lưu thủ Tây Kinh, chưa đánh nhau với giặc đã vội bỏ chạy, đấy cũng là cái lỗi của Vệ vương hay sao? Tiếp đến, nhà ngươi giữ Cư Dung Quan lại để cho người Mông Cổ hạ được quan ải này, kéo thẳng vào Kinh đô. Chả lẽ đó cũng là cái lỗi của Vệ vương hay sao?
Một đồng bọn của Hồ Sa Hổ bước tới xô Hoàn Nhan Cương, nói:
- Này tên lão thất phu kia! Tự cổ chí kim không ai lại lấy một sai sót nhỏ để phủ nhận cái đức lớn. Giám quốc Hồ Sa Hổ trừ một hôn quân, công lớn trùm thiên hạ và sẽ lưu danh thiên cổ!
Hoàn Nhan Cương phun một bãi nước bọt, nói:
- Một tên thí quân soán ngôi, thì đó chỉ là một tên loạn thần tặc tử. Hồ Sa Hổ nhà ngươi chỉ có thể để tiếng thối muôn đời mà thôi!
Hai tên đồng bọn của Hồ Sa Hổ từ phía sau lưng rút kiếm đâm Hoàn Nhan Cương. Hoàn Nhan Cương té quị xuống đất. Bá quan văn võ thấy thế đều sợ hãi. Hồ Sa Hổ quát to:
- Tất cả đứng yên đừng lộn xộn! Ai dám đứng ra minh oan cho Vệ vương Vĩnh Tế chống lại Giám quốc ta, thì cuộc đời sẽ kết thúc như thế đó! Hãy lôi xác hắn ra ngoài ngọ môn phơi thây ba ngày!
Quân Kim nắm chân Hoàn Nhan Cương kéo lết ra ngọ môn. Bá tánh nhìn thấy đều khiếp đảm.
Thành Cát Tư Hãn mặc dù đã rút quân trở về đầu nguồn của ba con sông, nhưng vẫn chưa bỏ ý định tiêu diệt nước Kim. Nhằm đảm bảo cho cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Kim tiến hành được thuận lợi, Thành Cát Tư Hãn phái Khoát Nhi Xích đi sứ sang triều đình nhà Tống, chuẩn bị thực hiện chiến lược liên minh với Tống để tiêu diệt Kim như Quách Bảo Ngọc đã đề xuất.
Ngày hôm ấy Thành Cát Tư Hãn tiễn sứ đoàn của Khoát Nhi Xích lên đường. Ông nói:
- Lời nói của Quách Bảo Ngọc rất có lý, vậy phải liên minh với Tống để tiêu diệt Kim. Lần này nhà ngươi sang triều đình nhà Tống để hòa thân, là có mục đích thuyết phục triều đình nhà Tống kềm chế triều đình nhà Kim ở phía nam, được như vậy, khi chúng ta tiến quân đánh nước Kim, sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Khoát Nhi Xích nói:
- Tôi hiểu!
Thành Cát Tư Hãn lại nói:
- Khi từ phía nam trở về, ngươi nên trực tiếp về vùng thảo nguyên và trước hết nên quan tâm bá tánh của nhà ngươi ở trong rừng rồi mới về đây gặp ta.
Khoát Nhi Xích gật đầu và dẫn sứ đoàn đi mỗi lúc càng xa.
Sự thất bại và sự diệt vong của một quốc gia hoặc của một dân tộc là do kẻ địch quá mạnh và có những hành động chính xác, nhưng nó cũng có nguyên nhân nội tại của các quốc gia đó. Lời tục thường nói: Tự tạo oan nghiệt thì không thể sống được! Giữa lúc Thành Cát Tư Hãn đang tiến hành kế hoạch liên minh với triều đình nhà Tống để tiêu diệt nhà Kim, thì trong nước Kim, vị hoàng đế mới lên ngôi lại chỉ biết an hưởng thanh bình trong rượu chè ca nhạc.
Trời đã khuya lắm rồi, thế mà tại ngự hoa viên trong tử cấm thành tại Trung Đô, tiếng đàn tiếng sáo vẫn còn rộn rã, tiếng ca điệu múa vẫn còn yểu điệu du dương.
Nhà vua mới có vẻ rất vui sướng, trong khi Hồ Sa Hổ cũng uống từng ly rượu này đến ly rượu khác một cách hài lòng.
Đồ Thiện Dật rõ ràng là đã già đi rất nhiều. Ông ta dùng một ánh mắt khác thường để nhìn bọn người đang ăn uống vui chơi đó, hoặc để nhìn những cặp mắt đỏ gay vì say rượu. Trương Hạnh Tín và Hoàn Nhan Thừa Huy bưng ly rượu bước tới. Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Thưa Thừa tướng, tại sao ngài không uống rượu vậy?
Trương Hạnh Tín nói:
- Đã hơn ba năm trôi qua rồi, dù sao trong khoảng thời gian đó vẫn là những ngày thái bình yên ổn. Này, chúng ta hãy cạn ly nào!
Đồ Thiện Dật mỉm một nụ cười buồn thảm, nói:
- Trong khi tôi giữ chức Thừa tướng, đã đứng ra tiễn đưa công chúa Kỳ Quốc, một nghìn đồng nam, đồng nữ, một số lớn vàng bạc lụa là và những con chiến mã có thể cung cấp cho người Mông Cổ quay trở lại đánh chúng ta, để đổi lấy những tiếng ca điệu hát thanh bình ở ngự hoa viên, rõ ràng là công đức của ta thật to lớn.
Đôi mắt của Đồ Thiện Dật lóng lánh ánh lệ. Trương Hạnh Tín lên tiếng an ủi:
- Thưa Thừa tướng, ngài cần chi phải tự trách mình như vậy! Việc hòa thân là việc ngay từ xưa đã có, chứ không phải đến triều đại chúng ta mới sáng tạo ra. Nếu việc làm đó có lợi cho nước, có ích cho dân, thì cũng không gọi là sỉ nhục.
Đồ Thiện Dật vỗ tay xuống mặt bàn, nói:
- Cho dù như vậy, thì cũng phải rút tỉa bài học trong mười năm qua, tiến hành phủ dụ lê dân lo cho nước giàu dân mạnh, để đề phòng bất trắc, chứ không phải chỉ hưởng an nhàn như vầy!
Lúc đó ca nhạc đã chấm dứt, nên tia mắt của nhiều người cùng hướng về chỗ Đồ Thiện Dật. Một quan viên nói:
- Thừa tướng Đồ Thiện lại đang hùng biện điều gì vậy?
Đồ Thiện Dật không trả lời. Vị tân hoàng đế hỏi:
- Các khanh đang bàn bạc điều gì vậy?
Hoàn Nhan Thừa Huy lên tiếng đáp thay:
- Thừa tướng Đồ Thiện Dật có ý nói là nước ta nên lợi dụng thời cơ này để lo việc trung hưng, lo việc lâu dài.
Nhà vua mới cười, nói:
- Lời nói của Đồ Thiện Dật rất đúng, trẫm và Tả phó Nguyên soái Hồ Sa Hổ cũng đã nghĩ ra kế sách vẹn toàn. Thứ nhất, nhanh chóng phái Tuyên úy sứ đi lo việc phủ dụ và tập họp lê dân ở cúc Lộ, ra lịnh cho các địa phương lập danh sách con em của những người trận vong để triều đình sử dụng họ, đồng thời, trẫm cũng sẽ đại xá trong thiên hạ để thu phục nhân tâm.
Quần thần đồng thanh nói:
- Hoàng thượng thánh minh.
Hồ Sa Hổ đề nghị:
- Các vị hãy cạn ly! - Quần thần đều đứng lên uống cạn ly rượu trong tay mình.
Vị hoàng đế mới làm ra vẻ là người nhân đức:
- Thứ hai, nhân lúc người Mông Cổ rút quân, buông bỏ Trung Đô, thì chúng ta nên dời đô về Biện Kinh, để lợi dụng địa thế hiểm yếu của sông Hoàng Hà che chở, tiến hành đối địch với người Mông Cổ sau này!
Hồ Sa Hổ nói:
- Hãy cạn ly vì sự thánh minh của hoàng thượng!
Ngay lúc đó, ly rượu trong tay Đồ Thiện Dật bỗng rơi đánh "xoảng" xuống đất. Ông ta bước những bước khấp khểnh đến trước mặt nhà vua quì xuống, vừa khóc vừa nói:
- Tâu hoàng thượng, tuyệt đối không thể dời đô! - Ông cúi mình dập đầu, nhưng lại té sấp xuống mặt đất. Mọi người đều kêu rú lên một tiếng hốt hoảng.
Nhà vua mới của nước Kim đến phủ Thừa tướng để thăm Thừa tướng Đồ Thiện Dật đang lâm trọng bệnh. Đồ Thiện Dật nhóng người lên, nhưng nhà vua mới liền đè ông trở xuống, nói:
- Hãy nằm yên, đừng cử động.
Đồ Thiện Dật tựa lưng vào gối, nói:
- Xin tha thứ cho lão thần không thể tham bái hoàng thượng.
Nhà vua mới ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường, nói:
- Thừa tướng nên chú ý bảo trọng.
Đồ Thiện Dật lắc đầu:
- Lão thần tuổi đã gần 70, dù chết cũng được rồi, nhưng chỉ còn một điều chưa an tâm.
Nhà vua mới nói:
- Khanh cứ nói đi.
- Hôm nay chúng ta đã chịu nhục để cầu hòa, vậy nên biết quý trọng cơ hội này nhanh chóng tập trung binh lực, tích lũy gạo thóc, cố thủ kinh sư... đó chính là thượng sách. Liêu Đông nguyên là đất cơ bản của triều đình ta. Đó là nơi dựa lưng vào núi, ngó mặt ra biển, được sự che chở của địa hình, đúng là nơi dự bị khi chúng ta cần lui một bước... đó là trung sách. Còn việc thiên đô đến Khai Phong, mặt dù có dòng sông Hoàng Hà chảy thao thao, nhưng ở phía nam có triều đình nhà Tống, ở phía bắc có Mông Cổ, ở phía tây có Tây Hạ, tức ba bên đều có kẻ thù, cũng tức được mặt này thì mất mặt nọ... đó là hạ sách. Thần mong hoàng thượng không nên chọn hạ sách đó!
Nhà vua mới có vẻ bực mình, nói:
- À, trẫm đã biết rồi!
Đồ Thiện Dật ho một tràng dài, rồi sau đó bắt đầu thở hổn hển.
Nhà vua mới bước chân ra khỏi phòng bệnh, nói với Hồ Sa Hổ:
- Ta xem tinh thần của ông ấy còn khá lắm, chưa đến đổi nào.
Hồ Sa Hổ nói qua giọng tàn nhẫn:
- Hoàng thượng không thấy khi ông ta ngước đầu lên, những nếp nhăn trên trán đều nở rộng ra đó sao? Ông ta đang hồi dương đấy! Đến đêm, Hoàn Nhan Thừa Huy vội vàng đến phủ riêng của Đồ Thiện Dật. Ông vạch đám đông đang kêu la bước đến sát giường bệnh nói:
- Bớ Thừa tướng! Bớ Thừa tướng! Tôi là Hoàn Nhan Thừa Huy đây, ngài có gì cần nói nữa không?
Đồ Thiện Dật từ từ mở mắt ra, nói đứt quãng:
- Hãy đưa nắm xương tàn của ta.. trở về Hội Ninh Phủ ở Thượng Kinh, trao lại cho người nhà của ta... - Hoàn Nhan Thừa Huy gật đầu rất mạnh, hai dòng lệ cũng đã trào ra.
Đồ Thiện Dật mỉm một nụ cười héo hắt nói:
- Đừng có buồn. Tôi vẫn may mắn hơn ngài, vì tôi chưa nhìn thấy cảnh nước Kim bị diệt vong... Cảnh tượng đó chắc là thê thảm lắm!
Người nhà cũng như Hoàn Nhan Thừa Huy, Trương Hạnh Tín đều òa lên khóc rất đau đớn.
Trước mắt của Đồ Thiện Dật đã xuất hiện ảo ảnh: Đoàn xa giá dời đô của hoàng thượng đang từ xa đi lại. Ông đưa hai cánh tay ra cố chặn giữ đoàn xe, nhưng bị các võ sĩ xô ngã xuống đất và bánh xe đã lăn qua ngực ông...
Đồ Thiện Dật "ụa" một tiếng, vừa trở người vừa phun ra một búng máu và chiếc đầu đã gục xuống.
Trên vách tường Trung Đô có dán một tờ cáo thị, bá tánh đang đứng vây chung quanh để xem. Có người hỏi:
- Tờ cáo thị nói gì thế?
- Hoàng thượng sắp sửa dời đô xuống phía nam!
- Cái gì? Bộ buông bỏ Trung Đô hay sao?
- Thế bá tánh chúng ta làm sao đây?
- Ôi! Có ai nghĩ tới chuyện sống chết của bá tánh!
Trong đám đông có một thư sinh chen ra, đó là Triệu Phương, một thái học sinh, nét mặt có vẻ tức giận.
Triệu Phương trở về Quốc Tử Giám, khởi thảo một tờ tấu chương, mấy chục thái học sinh khác vây quanh anh ta bảo:
- Hãy đọc lên nghe thử đi Triệu Phương.
Triệu Phương một tay cầm bút, to tiếng đọc:
- Kính dâng hoàng đế bệ hạ, người Thát Đát đang xâm chiếm xuống phía nam, quốc nạn đang xuất hiện trước mắt, vậy nên có sự hợp sức giữa nhà vua và nhân dân để cùng lo đối phó với quốc nạn. Nay bệ hạ dời xuống phía nam, bỏ rơi bá tánh trong nước sôi lửa bỏng, như vậy bá tánh nhất định sẽ ly tán, tinh thần quân đội nhất định sẽ tan rã và ngày mất nước cũng không còn xa! Kẻ thù địch đang ở phía bắc mà xa giá của nhà vua lại dời xuống phía nam, vậy làm sao có thể lo việc chống giặc được? Trung Đô không giữ thì đất miền bắc sẽ mất, tông miếu xã tắc sẽ tan tành. Chúng tôi là thần dân không nở nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan, nên tha thiết mong bệ hạ thu hồi mạng lệnh, lo cố thủ Trung Đô, thì đó là cái phúc của quốc gia, mà cũng là cái phúc của vạn dân! - đọc xong, Triệu Phương múa bút ký tên.
Mọi người chung quanh đều bị kích động, ai nấy đều cầm bút ký tên mình vào bản thỉnh nguyện sắp gởi cho nhà vua.
Tại một gian phòng nhỏ trong một ngôi chùa Phật, Gia Luật Sở Tài đang xem tờ thỉnh nguyện của Triệu Phương, đứng bên cạnh đó là Triệu Phương và hai thái học sinh khác. Tiếng mõ tiếng đọc kinh luôn văng vẳng bên tai.
Gia Luật Sở Tài đặt tờ biểu chương xuống, nói qua giọng bình thản:
- Văn chương viết khá hay, chứng tỏ tài học của anh Triệu Phương đã có sự tiến bộ nhiều!
Triệu Phương nói:
- Có ai bảo ông phê bình văn chương đâu. Tôi đến đây là để ông ký tên mình vào hàng thứ nhất trong bảng thỉnh nguyện.
Gia Luật Sở Tài khoát tay, nói:
- Không! Không! Tại hạ đã quy y cửa Phật, nhận làm đệ tử của Vạn Tùng Lão Nhân, tách rời tam giới và cũng không còn ở trong ngũ hành nữa!
Triệu Phương kinh ngạc:
- Sở Tài huynh!
Gia Luật Sở Tài nói:
- Tôi... Tôi là Trạm Nhiên cư sĩ, pháp danh gọi là Tùng Nguyên.
- Anh! - Triệu Phương hết sức tức giận, nói tiếp - quốc nạn đang ập xuống đầu mà anh lại làm lơ, đến chui rút vào đây để ăn cơm chay và đọc kinh ư? Phật Như Lai ở phương Tây cũng như phép thuật của Quan Thế âm có thể ngăn chặn được Thiết Mộc Chân đánh vào đây không?
Gia Luật Sở Tài hết sức bình tĩnh đáp:
- A di đà phật!
Hai người thái học sinh tức giận nói:
- Đi thôi! Này Triệu Phương, chúng ta tự mình đi xin yết kiến hoàng thượng!
Triệu Phương cuốn tờ giấy lại, nói:
- Hứ! Gia Luật Sở Tài anh là một thằng sợ chết!
Ba người cùng bước ra khỏi cửa, Gia Luật Sở Tài cất tiếng niệm phật:
- A di đà phật!
Tại văn phòng ký tên lăn tay, Hoàn Nhan Thừa Huy nói với mấy thái học sinh:
- Hoàng thượng đã xem qua bản tấu chương của các vị rồi đối với tinh thần yêu dân yêu nước của các vị, hoàng thượng tỏ ra hết sức tán thưởng.
Triệu Phương hỏi:
- Nếu vậy, việc dời đô xuống phía nam sẽ không tiến hành nữa phải không?
Hoàn Nhan Thường Huy đáp:
- À, hoàng thượng thì đi thị sát xuống phía nam, còn thái tử và tôi thì ở lại giữ Trung Đô, chứ không phải bỏ rơi Trung Đô đâu!
Số người của Triệu Phương hỏi:
- Nếu không bỏ rơi Trung Đô thì tại sao hoàng thượng lại phải xuống phía nam?
Một học sinh bực tức nói:
- Đó là bụm tai để trộm chuông, là tự dối gạt mình và dối gạt người khác!
Một học sinh khác nói:
- Mạng sống của hoàng thượng là một mạng sống, còn mạng sống của bá tánh là đất cát hay sao?
- To gan! - Mạt Niệp Tận Trung vỗ bàn đứng dậy nói tiếp - Tôi khuyên các anh nên nói với bá tánh giải tán đi, bằng không thì binh sĩ của tôi tuy đánh không thắng người Mông Cổ, nhưng có thể đánh thắng các anh đấy!
Triệu Phương không hề sợ hãi, đáp:
- Anh thực oai phong ghê! Này, Mạt Niệp Tận Trung đại nhân, chúng tôi đã dám dâng thư lên hoàng thượng, thì chúng tôi không sợ chết đâu!
Hoàng Nhan Thừa Huy lên tiếng khuyên:
- Các vị nên bình tĩnh! Mọi người chúng ta đều vì nước vì dân vậy hà tất phải đem đao tên cung kiếm ra? Này Triệu Phương, kế hoạch lớn của nhà vua đã khẳng định, không thể nào thay đổi, vậy các vị nên tôn trọng ý kiến của Thánh Thượng là hơn!
Triệu Phương đáp:
- Việc này có quan hệ đến sự tồn vong của đất nước, vậy không thể bỏ mặc muốn ra sao thì ra!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói qua giọng rất tha thiết:
- Các vị đều là những người rất trọng chính nghĩa, Hoàn Nhan Thừa Huy tôi hết sức kính trọng các vị. Trong khi tôi phụng chỉ ở lại đây lo giữ Trung Đô, rất cần đến sự ủng hộ của các vị. Nếu các vị làm cho hoàng thượng giận lên, thì sẽ trị tội tất cả, chẳng phải...
Một thái học sinh nói to:
- Dân không sợ chết, vậy chúng tôi đâu có sợ chết!
Hoàn Nhan Thừa Huy đứng lên nói qua giọng xúc động:
- Chúng ta chết thì có đáng gì, nhưng việc tồn vong của xã tắc là việc có tương quan đến sự an nguy của muôn dân. Chính Thừa tướng Đồ Thiện Dật vì chống lại việc dời đô xuống phía nam nên quá bi phẫn mà chết, vậy chúng ta không nên hy sinh vô ích. Nếu chúng ta cũng chết như vậy, thì còn ai lo việc giữ Trung Đô? Hoàn Nhan Thừa Huy tôi sở dĩ cố ẩn nhẫn không nói gì, không phải là muốn kéo dài kiếp sống thừa của mình, điều đó có trời xanh chứng minh, mà chính vì tôi muốn bảo vệ muôn dân tại Trung Đô mà thôi!
Đôi mắt của Triệu Phương và những người bạn đều lóng lánh ánh lệ. Triệu Phương hạ thấp giọng nói:
- Thôi, chúng ta đi!
Ba thái học sinh từ từ bước ra khỏi gian phòng, trong khi Hoàn Nhan Thừa Huy đưa tay bụm mặt và toàn thân rung động.
Mùa hè năm đó, Thành Cát Tư Hãn đến Ngư Nhi Bạc để sống qua mùa hè. Bốn người con trai, ba bà phi và Mộc Hoa Lê cùng đi theo.
Hốt Lan phi đã tới ngày sinh nở. Tam công chúa ngồi bên cạnh Thành Cát Tư Hãn bên ngoài chiếc lều riêng của Hốt Lan phi. Tiếng kêu thét của Hốt Lan phi từ trong lều vọng ra.
Mồ hôi đã rướm ướt vầng trán của Thành Cát Tư Hãn, sắc mặt có vẻ lo sợ. Tam công chúa lên tiếng an ủi cha:
- Này phụ thân, xin đừng sợ! Xin đừng sợ!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Ôi! Hốt Lan! Hốt Lan cô ta yếu đuối như vậy làm sao chịu nổi!
Tam công chúa nói:
- Cha đừng quá lo, đàn bà sanh con ai cũng thế cả.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Không, mẹ con là Bột Nhi Thiếp chỉ lúc sanh Truật Xích thì có hơi khó một tí, nhưng sau này sanh các con thì chỉ mất khoảng thời gian nấu sôi một ấm nước mà thôi. Thế nhưng Hốt Lan đã đau bụng hồi đúng trưa cho tới mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa sanh được!
Tam công chúa nói:
- Sắp sanh rồi, sắp sanh rồi đấy!
Thành Cát Tư Hãn bị tiếng kêu la của Hốt Lan, đã đứng phắt dậy như bị một ngọn roi quất, nói: - Con gái của cha ơi! Con hãy nói thật cho cha biết, cô ấy có thể chết không?
Tam công chúa dỗ dành cha, giống như dỗ dành một đứa trẻ, lên tiếng an ủi:
- Kìa, cha nói lung tung chi thế? Con là một bà mẹ đã từng sanh hai đứa con, vậy cha hãy tin ở con!
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn lóng lánh ánh lệ, nói:
- Nè, trong số các hậu phi cha kính trọng mẹ con nhất, trông cậy Dã Toại phi nhất và yêu thương Hốt Lan nhất. Cha không thể khi nhắm mắt lìa trần mà bên cạnh cha không có mặt nàng?
Tam công chúa bụm miệng cha, nói:
- Cha đừng nói nữa, cha yêu quí của con, đi, đừng ngồi ở đây chịu sự giày vò nữa, đi, theo con! - Tam công chúa kéo Thành Cát Tư Hãn đi nhưng cứ đi một bước thì ông quay lại nhìn đến ba lần....
Thành Cát Tư Hãn ngồi bên cạnh bờ suối. Tam công chúa thò tay xuống nước bắt được một con cá:
- Hả hả! Con bắt được rồi, xem đây, con cá to đấy chứ! Hả hả hả...
Thành Cát Tư Hãn cũng cười và trước mặt ông hiện lên hình ảnh Thiết Mộc Luân lúc còn nhỏ cũng bắt cá như thế này. Thành Cát Tư Hãn nói:
- Tốt nhất là con nên thả nó xuống nước để nó được sống tự do. Người Mông Cổ của chúng ta không ăn cá, nhưng lúc cha lên 9 tuổi, gia đình gặp khó khăn, không có thịt gì để ăn, thậm chí phải đi bắt chuột và phải xuống sông Onon để mò bắt cá. Vì thúc thúc của con là Biệt Cách Thiếp Nhi giật lấy con cá mà cha định mang về cho bà nội, nên cha đã dùng tên bắn chết nó. Ôi! Lúc bấy giờ tại sao cha lại làm ra chuyện ngu xuẩn như vậy? Suốt cả cuộc đời cha lúc nào cũng không quên cái tội lỗi đó! - Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn đã trào lệ.
Hợp Đáp An từ xa chạy tới, la to:
- Bớ Khả Hãn! Bớ Khả Hãn! Ngài mau trở về xem kìa!
Thành Cát Tư Hãn giật mình, nhanh nhẹn chạy về phía Hợp Đáp An và chụp lấy tay nàng, hỏi:
- Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy?
Hợp Đáp An òa lên khóc, nói:
- Hốt Lan phi đã sanh được một đứa con trai!
- Hỡi trời cao! - Thành Cát Tư Hãn té ngồi xuống đất, vẻ mặt như khóc mà cũng như cười, trong cổ cứ kêu lên! "Hố Hố"!
Tam công chúa nói:
- Nhanh lên, sao không đi nhanh để xem?
Thành Cát Tư Hãn nhảy dậy, chạy nhanh về phía chiếc lều riêng của Hốt Lan phi. Bên trong chiếc lều của Hốt Lan phi, Thành Cát Tư Hãn vuốt nhẹ mái tóc huyền của Hốt Lan một cách âu yếm, miệng nói lẩm bẩm:
- Hốt Lan ơi! Nàng là một con ếch thanh khiết dưới nước sông, đã sanh được cho ta một đứa con trai quí báu như châu ngọc!
Hốt Lan phi ứa lệ nói:
- Thưa Khả Hãn, có lẽ nó là con gái sẽ tốt hơn - Thành Cát Tư Hãn nghe qua không khỏi lấy làm lạ. Hốt Lan nói tiếp - Nếu là con gái khi lớn lên có thể gã nó cho thủ lĩnh của một bộ lạc qui thuận mình, hoặc gã nó cho một tướng lãnh mà mình yêu thích để chúng nó vĩnh viễn trung thành với Khả Hãn.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Vậy nó là con trai thì sao?
- Thiếp nhìn thấy giữa Sát Hợp Đài và Truật Xích giống y như một cặp dê đực thường đánh nhau. Thiếp không hiểu dưới mắt bốn người anh từng lập nhiều công huân trác tuyệt và khỏe mạnh của nó, địa vị của nó rồi sẽ ra sao?
Thành Cát Tư Hãn đứng lên, nói qua giọng nói kiên nghị như để trách dạy bốn đứa con trai của mình:
- Địa vị cái gì? Con trai của em rồi đây sẽ có quyền lực ngang nhau với bốn đứa con trai của Bột Nhi Thiếp, sẽ không hề kém sút hơn chúng dù chỉ là một con cừu non!
Hốt Lan phi lắc đầu, nói:
- Điều đó đối với nó có thực sự là phúc hay không?
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Chỉ cần ta còn sống, thì tất cả các đứa con trai của ta đều là những người cao quí như nhau!
Hợp Đáp An bước vào cửa, nói:
- Thưa Khả Hãn, Nạp Nha A bảo là có tin quân sự quan trọng cần bẩm báo.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Hợp Đáp An, hãy ở lại đây chăm sóc tốt cho Hốt Lan và thằng bé này.
Thành Cát Tư Hãn vừa muốn bước ra cửa thì Hốt Lan gọi lại, hỏi:
- Thằng bé đặt tên gì vậy?
- Tên là Khoát Liệt Kiên nhé!
Thành Cát Tư Hãn vừa bước ra khỏi lều riêng của Hốt Lan phi, thì Nạp Nha A cũng vừa đi tới. Ông ta nói:
- Thưa Đại Hãn, sứ thần của phái đoàn đi hòa thân với triều đình nhà Tống đã bị nước Kim bắt giữ rồi.
- Hả? Hoàng đế của nước Kim bắt đầu to gan rồi đấy!
Nạp Nha A nói:
- Tân hoàng đế của nước Kim đã dời đô về Nam Kinh (nay là Khai Phong) rồi.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một lúc nói:
- Có hai việc đó là đủ rồi! Ta sẽ dùng mã tấu để dạy cho hoàng đế nước Kim một bài học. Nếu không giữ chữ tín với Thành Cát Tư Hãn là phải đổ máu thôi!
Tháng 6 năm 1214, quân Mông Cổ mở cuộc tấn công vào nước Kim lần thứ hai. Họ bắt đầu từ Bắc Khẩu tấn công Cảnh Châu, Kế Châu, Đàn Châu, Thuận Châu. v.v....
Tháng 7, thái tử nước Kim là Hoàn Nhan Thủ Trung bỏ chạy khỏi Trung Đô.
Tháng 10, Mộc Hoa Lê xua quân tấn công Liêu Đông.
Tháng giêng năm 1215, Thạch Mạt Minh An, anh em Gia Luật xua quân tấn công thành trì. Quân Mông Cổ đánh chiếm được Thông Châu, áp sát Trung Đô.
Bên ngoài thành Trung Đô, đâu đâu cũng thầy cờ xí của quân Mông Cổ bay phất phơ theo gió. Trên đầu thành cũng như trên những vọng gác của thành Trung Đô được bố trí canh phòng cẩn mật.
Tháng ba năm đó, tướng giữ thành là Hoàn Nhan Thừa Huy gởi quyết thư đến Khai Phong để xin tăng viện. Nhà vua mới đã phái một quan văn giữ chức Ngự Sử Trung Thừa là Lý Anh tăng cường quân đội vận lương chi viện cho Trung Đô. Tháng 4, toán quân tăng viện bị quân Mông Cổ tiêu diệt tại Bá Châu. Trung Đô bị tuyệt lương nên vô cùng nguy ngập.
Bên trong thành Trung Đô, tất cả các cây cối bên vệ đường đều trụi lá, tiệm bán lương thực trống không, trước cửa nhà đâu đâu cũng thấy những xác người chết đói.
Hai binh sĩ cùng khiêng một xác chết thảy lên xe chuẩn bị chở đi, một người đàn ông chạy tới thẻo lấy một miếng thịt đùi của người chết, bị binh sĩ đánh lỗ đầu chảy máu.
Tại ngự hoa viên, Hoàn Nhan Thừa Huy, Mạt Niệp Tận Trung, Hoàn Nhan Sư Cô cùng ngồi bên cạnh một chiếc bàn đá. Mạt Niệp Tận Trung chỉ vào mớ thịt ngựa trên mặt bàn, nói:
- Nghe Hoàn Nhan Thừa tướng định bàn về kế hoạch giữ thành, nên tôi bảo người nhà giết một con chiến mã. Hãy ăn đi nào, dù có chết cũng đừng làm ma chết đói!
Hoàn Nhan Thừa Huy cầm một cọng sườn lên, nói:
- Giết chiến mã để ăn thịt thì còn chiến mã đâu để ra ngoài thành đẩy lui quân địch nữa?
Mạt Niệp Tận Trung gượng cười, nói:
- Cái gì? Còn tính ra ngoài thành để đẩy lui quân địch ư? Nếu trước khi Nam Kinh tăng viện cho chúng ta một lần nữa, mà chúng ta vẫn giữ được thành, không để cho quân Mông Cổ đánh vào, thì đó là một cái phúc lớn đối với chúng ta!
Hoàn Nhan Sư Cô ăn một miếng thịt ngựa xong, nói:
- Hoàng thượng còn có thể tăng viện cho chúng ta một lần nữa không?
Ba người cùng im lặng.
Hoàn Nhan Sư Cô lại nói:
- Nếu không có viện binh đến, thì chẳng cần quân Mông Cổ tấn công vào thành, không hơn nửa tháng nữa, tất cả chúng ta đều sẽ chết đói hết!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Từ ngày thánh thượng và thái tử di chuyển xuống phía nam, thì tôi đã chuẩn bị lấy cái chết để báo quốc. Hiện nay, là một cơ hội để chúng ta được chết cho ra hồn!
Mạt Niệp Tận Trung và Hoàn Nhan Sư Cô bước ra ngoài vườn hoa.
Hoàn Nhan Sư Cô hỏi Mạt Niệp Tận Trung:
- Nguyên soái thật sự chuẩn bị cùng chết cho xã tắc như Thừa tướng hay sao?
Mạt Niệp Tận Trung gượng cười, đáp:
- Tên tôi gọi là Mạt Niệp Tận Trung, xem ra chắc là phải chết cho hoàng thượng để tỏ lòng tận trung rồi!
Sư Cô nói:
- Nếu hoàng thượng là một nhà vua anh minh thì cũng xứng đáng.
- Hả? - Mạt Niệp Tận Trung đứng lại, đưa mắt nhìn kỹ Sư Cô, thở dài nói:
- Có phải ông muốn bảo mình nên phá trùng vây để bỏ trốn không?
- Chỉ cần phá được trùng vây thì sẽ có cơ hội để tận trung, hơn là ngồi ở đây để chờ chết!
Mạt Niệp Tận Trung kéo Hoàn Nhan Sư Cô đi vào một hang động của một hòn non bộ. Một tên lính phát hiện và vội vàng lui ra.
Hoàn Nhan Sư Cô đi theo tên lính trở lại ngôi nhà mát, vòng tay nói:
- Thừa tướng cho gọi hạ quan không rỏ có điều chi chỉ dạy?
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Xin mời ngồi. Tôi bỗng nhiên nhớ lại những lời biện luận về quân tử và tiểu nhân của Tư Mã Quang, vậy ông là người hiểu biết khá sâu về Hán học, nên tôi muốn thỉnh giáo ông, câu nói đó xuất xứ từ chương nào vậy?
Sư Cô đáp:
- Có phải ông muốn hỏi việc Tư Mã Quan bình luận về Trí Bá đó không?
- Phải! phải! phải! - Hoàn Nhan Thừa Huy vỗ trán nói tiếp - Tôi nhớ ra rồi, hình như Tư Mã Quang nói: "đức thắng tài là quân tử, tài thắng đức là tiểu nhân", "tiểu nhân lấy tài để hỗ trợ cho cái ác thì không có cái ác nào mà không làm ra được!". Điều đó chừng như muốn nói...
Hoàn Nhan Sư Cô đáp:
- Muốn nói Trí Bá ỷ tài ngạo mạn và không có điều ác gì mà lại không dám làm.
Hoàn Nhan Thừa Huy thở dài, nói:
- Nhưng đáng tiếc là Trí Bá không chết!
Hoàn Nhan Sư Cô giật mình đứng lên. Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Ông cùng Mạt Niệp Tận Trung đã hợp nhau lại định làm điều ác.
Hoàn Nhan Sư Cô bắt đầu nói ngang:
- Việc muốn tìm sự sống ai ai cũng có, hành động đó của chúng tôi là bất đắc dĩ đấy thôi!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Điều đó là hợp với thường tình của con người. Các vị có ý định đến bao giờ mới rời bỏ Trung Đô?
Chiều tối ngày hôm nay.
- Mật mưu của ông đã bị bại lộ, ông còn muốn bỏ đi sao?
Hoàn Nhan Sư Cô đáp:
- Điều đó tùy Thừa tướng xét xử.
Hoàn Nhan Thừa Huy thở dài, nói:
- Mạt Niệp Tận Trung, dù có trốn ra ngoài thành cũng không thoát được cái chết, vậy ông cũng nên chết đi thôi!
- Thưa được!
- Tôi không muốn con cháu của ông sau này biết được ông là người phản nghịch, vì dù sao chúng ta đều cùng tổ tiên - Nói tới đây, Hoàn Nhan Thừa Huy rút thanh đao đeo cạnh sườn của tên lính hầu đưa cho Hoàn Nhan Sư Cô nói tiếp - kể như ông tự sát vì nước vậy!
Hoàn Nhan Thừa Huy quay lưng đi chỗ khác. Hoàn Nhan Sư Cô nhận lấy thanh đao sờ thử vào lưỡi, nói:
- Thưa Thừa tướng, tôi muốn nói điều này cho Thừa tướng rỏ, ấy là Mạt Niệp Tận Trung không phải do tôi xúi bẩy nên định bỏ trốn.
Hoàn Nhan Thừa Huy không quay đầu lại, nói:
- Trung hay gian, phải hay trái, để người đời sau bình phẩm!
Hoàn Nhan Sư Cô đưa ngang thanh đao tự sát.
Việc lấy Trung Đô làm thủ đô của triều đình nhà Kim chính là cái công lớn trong lịch sử của Hải Lăng Vương; nhưng việc bỏ Trung Đô để dời đô về Khai Phong là một lỗi lầm to của vua Tuyên Tông triều đại nhà Kim. Đứng trước sự tấn công có giới hạn của quân đội Mông Cổ việc "tập trung quân đội, tích lũy lương thực, củng cố kinh sư" đúng là một thượng sách trong thời bấy giờ, thế nhưng vua Tuyên Tông triều nhà Kim cũng như thái tử đã lần lượt chạy xuống phía nam, chẳng khác nào mang tất cả một vùng đất rộng lớn ở phía bắc sông Hoàng Hà dâng hai tay cho giặc. Số phận bị diệt vong của triều đình nhà Kim không còn cứu vãn được nữa.
Thành Cát Tư Hãn Thành Cát Tư Hãn - Du Trí Tiên & Chu Diệu Đình Thành Cát Tư Hãn