One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Quỳnh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1071 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
rẻ con nhà tập thể chúng tôi từ sáu đến mười tuổi đều liên kết với nhau thành một khối, mặc dù có những lúc cãi nhau, bỏ nhau, rồi lại chơi với nhau… Tất cả mọi việc qua con mắt của chúng tôi đều ngạc nhiên và quan trọng. Chúng tôi luôn thông báo cho nhau biết những sự việc mới mẻ xảy ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ: “Tối nay vô tuyến chiếu phim “hãy đợi đấy!”… Thằng Tân có cái mũ mới trông giống quả dưa… Mai là sinh nhật thằng Bầu…”. Có những lần chúng tôi còn nhộn nhạo cả lên vì một tin: “Có con chuột chết ở gần máy nước”, hoặc “cầu thang gác hai có đống cứt mèo”. Chúng tôi đổ đi xem chuột chết, xem đống cứt mèo, bàn tán sôi nổi về mỗi “sự kiện”. Sôi nổi đến mức ai cũng hét to lên ý kiến của mình. Ồn ào, đinh tai nhứt óc, chẳng ai chịu nghe ai.
Có một sự kiện quan trọng hơn cả, ấy là hôm có một cậu bé lạ hoắc đến chỗ chúng tôi.
- Các cậu ơi, thằng Bêm. Thằng Bêm – bạn Minh chạy khắp các tầng gác loan báo như vậy.
- Thằng Bêm là thằng nào, nó ở đâu – cả bọn chúng tôi nhao nhao lên.
- Nó ở nhà bác Hà, ở gác hai.
Thế là cả bọn chúng tôi kéo nhau đi xem thằng Bêm. Lúc đầu thì hăng hái nhưng khi sắp đến cửa nhà bác Hà tự nhiên ai cũng chùn lại. Cứ thập thò thập thò, đứa nọ đùn đứa kia không đứa nào dám tới sát cửa. Tôi là đứa liều nhất, tôi tiến lên trước và ghé mắt nhòm qua khe cửa thấy một thằng bé nhỉnh hơn tôi một chút, đầu húi cua, da đen bóng, mặc áo màu xanh sẫm, ngồi nép vào một người đàn bà có búi tóc to tướng ở gáy. Bà này đang nói chuyện gì với bác Hà mà vừa nói vừa khóc.
Đang lúc ấy thì các bạn ở phía sau cứ chen nhau, đẩy tôi xô vào cánh cửa đánh rầm một cái thế là tôi ngã vồ nửa người trước vào trong nhà bác Hà.
Bác Hà tức giận ra quát đuổi ầm ĩ. Chúng tôi sợ bỏ chạy tán loạn.
Ngày hôm sau thằng Bêm mới ra khỏi nhà.
Bêm thui thủi một mình chơi ở hành lang, hoặc gầm cầu thang. Bêm tự làm đồ chơi, nhặt vỏ bao diêm xếp thành nhà, ghép những cái que buộc lại làm súng. Bêm cũng chơi đánh nhau, nhưng chỉ có một mình nên phải vừa làm quân ta vừa làm quân nó. Bêm giơ súng que lên bắn kêu “ạch ạch ạch…” trong cổ bắt chước tiếng súng liên thanh, rồi lại làm quân nó ôm ngực kêu “ợ”.
Chúng tôi rình xem rồi chế giễu:
- Ê, súng mồm, súng mồm!!!
- Ê, quân ta đánh quân mình…
Thế là Bêm lại lỉnh đi chỗ khác. Nhưng Bêm đâu có tránh được chúng tôi, vì chính cậu ta là sự kiện mới nhất và rất hấp dẫn lôi kéo sự tò mò của chúng tôi ngay từ trong cái tên của cậu: Thằng Bêm.
- Các bạn ơi, thằng Bêm đi đất – Bầu nhận xét.
- Nó không biết đi dép – Minh tỏ ra hiểu rõ hơn. Nhà nó ở miền núi mà.
- Thảo nào mà tớ thấy cổ nó đeo một cái răng hổ to tướng.
- Ở miền núi chắc là nhiều voi, hổ, sư tử lắm nhỉ.
- Hổ báo gì thì chẳng biết, nhưng mẹ tớ bảo là thằng Bêm ở tận Lạng Sơn không hiểu sao tự dưng mẹ thằng Bêm đưa Bêm về nhà bác Hà. Bác Hà là bác của thằng Bêm mà.
- Bác sao lại ghét cháu thế.
- Ghét đâu mà ghét.
- Không ghét sao lại mắng, có lần còn dọa đánh nữa.
- Ai bảo, nhà bác Hà lau sạch rồi, chân nó đi đất đủ mọi nơi lại dẫm vào trong nhà.
- Hay là nó không có dép?
- Có chứ, bác Hà đã mua cho nó dép, nó không quen đi nên chỉ xỏ vào một lát là bỏ quên đâu mất – Nó làm mất hai đôi dép rồi, thế là bác không mua cho nó nữa, bắt nó tập đi bằng đôi dép cũ của bác, đôi dép to tướng mà chân nó bé tí! Độ này nó đã quen đi dép rồi đấy.
- Này các cậu ơi! Lại còn chuyện này buồn cười lắm: Có hôm nó vào nhà xí đi ị chưa kịp đi thì nghe tiếng ọc ọc trong hố xí (vì là hố xí máy). Thế là nó chạy té ra, không kịp mặc quần, mặt nó tái mét, tớ hỏi nó, nó bảo: “Hố xí nó ợ…”.
Cứ như thế, chúng tôi để ý, theo dõi bàn tán rất nhiều về Bêm mà vẫn không chơi với nó. Bêm thì lại rất muốn chơi với chúng tôi nhưng không dám làm quen.
Có lần tôi lân la tới gần, tò mò gợi chuyện Bêm:
- Cậu ở miền núi à?
- Ừ.
- Chỗ cậu có hổ không?
- Mẹ tớ bảo có nhưng tớ chưa trông thấy bao giờ.
- Cậu đeo cái răng hổ ở cổ đấy à?
- Ừ.
- Để làm gì?
- Để trừ gió đấy. Mẹ tớ bảo, đeo nó vào thì không ốm đâu.
- Hay nhỉ! Nếu như thế mà khỏi ốm thì đỡ phải uống thuốc. Thuốc đắng lắm. Hôm nào tớ sắp ốm cậu cho tớ mượn cái răng hổ nhé.
- Tớ cho cậu mượn ngay bây giờ cũng được. Lúc nào cậu đeo chán rồi cậu lại trả tớ – Nói rồi Bêm tháo cái dây đeo răng hổ ra quàng vào cổ tôi.
Mọi sự bắt đầu từ đấy. Bọn chúng tôi dần dà làm quen với Bêm, hỏi Bêm mọi chuyện về miền núi và kể cho Bêm nghe bao nhiêu là chuyện về thành phồ, về nhà tập thể chúng tôi.
Qua những câu chuyện của Bêm chúng tôi có thể hình dung ra thế nào là miền núi. Miền núi, đấy là những đỉnh núi cao có những ngọn cây biết hát, những thung lũng đầy hoa ban và bướm trắng, những con sóc biết bay, những con gà rừng có bộ lông đuôi tha thướt, rực rỡ… Chúng tôi ao ước có một ngày không còn đánh nhau ở biên giới, để chúng tôi có thể đi thăm nhà Bêm, thăm miền núi.
Bêm bây giờ đã biết ăn kem, đá bóng, xếp hàng mua muối cho bác Hà, biết đi thong thả qua đường mà không sợ va vào xe đạp. Bêm không còn sợ cái “hố xí ợ” nữa…
Tuy Bêm đã hòa nhập vào chúng tôi nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp cu cậu lại bần thần một mình. Tôi hỏi:
- Cậu nhớ nhà à?
- Ừ, nhưng tớ nhớ mẹ tớ hơn.
- Mẹ cậu ở lại nhà à?
- Không.
- Thế mẹ cậu ở đâu?
- Hình như mẹ tớ đi ở chung với một chú nào ấy.
- Thế còn bố cậu?
- Bố tớ và mẹ tớ hay cãi nhau, không thích nhau nên không ở với nhau nữa rồi.
- Thế là bố mẹ cậu bỏ cậu, không thương cậu à? Bố mẹ cậu ác thế!
- Tớ cũng chẳng hiểu. Nhưng chắc chả phải thế đâu. Khi ở nhà hai người cũng rất chiều tớ. Tớ muốn ăn, chơi, ngủ lúc nào cũng được, chẳng ai mắng tớ. Cả đi học cũng vậy, tớ muốn đến lớp hay lang thang ngoài đường cũng chẳng sao.
- Sướng nhỉ! – Tôi nói – Đằng này bố tớ cứ bắt tớ phải đi học xong bài mới được đi chơi. Lắm lúc mẹ tớ cũng quát, hét ghê lắm!
- Thế mà nhiều khi tớ cũng chán chán là, vì chẳng ai để ý đến tớ. Tớ lại muốn như các cậu cơ – Nói tới đấy giọng Bêm nghèn nghẹn như muốn khóc.
Tôi ngồi xích lại gần Bêm và an ủi:
- Thế thì ở đây với bọn tớ, ối cái vui đấy.
- Ừ.
- Cậu ở đây mãi nhé!
- Mãi.
Một hôm chúng tôi không thấy Bêm ra chơi cùng. Có ba đứa trong bọn tôi sang nhà bác Hà. Vừa thập thò ngoài cửa thì bị bác Hà đuổi.
- Các cháu đi chỗ khác chơi! Bêm nó đang ốm.
Hai bạn len lén bỏ đi, còn tôi, tôi đánh bạo xin với bác:
- Bác cho cháu vào chơi với Bêm một tí. Cháu không làm ồn đâu.
Thế là bác cho tôi vào. Tôi nhẹ nhàng ngồi cạnh giường, nắm lấy tay Bêm.
- Bêm ơi, tớ đây. Tớ trả cậu cái răng hổ cho cậu khỏi ốm.
Tôi tháo sợi dây đeo răng hổ ở cổ tôi, nhẹ đỡ đầu Bêm lên quàng vào cổ Bêm. Bêm vẫn đang sốt mê man, bàn tay nóng bỏng, hơi hé mắt ra nhìn tôi rồi lại nhắm nghiền lại. Hình như tôi nghe tiếng Bêm gọi: “Mẹ ơi… mẹ ơi…”
Bác Hà bảo Bêm chẳng chịu ăn gì mà cứ kêu buồn nôn và chóng mặt. Trên bàn nhỏ cạnh giường Bêm nào là cam, chuối để ngổn ngang, lại cả một bát cháo thịt đã nguội lạnh.
Tôi nhìn cái răng hổ tôi vừa mới trả lại cho Bêm tôi nghĩ “Có lẽ tại mượn của Bêm cái răng hổ, mà Bêm bị ốm”. Tự nhiên tôi thấy ân hận và thương Bêm quá. Tôi nói:
- Bêm ơi, cố ăn đi, uống thuốc đi cho chóng khỏi để lại chơi với chúng tớ.
Bêm cũng nắm tay tôi và gật đầu nhẹ, mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi về loan báo với các bạn:
- Các bạn ơi, Bêm ốm.
- Bêm ốm.
- Bêm ốm!
Tin ấy lan nhanh ra tất cả các bạn nhà tập thể. Chúng tôi lần lượt rủ nhau đến thăm Bêm. Chả ai bảo ai mà khi bước vào nhà bác Hà đứa nào cũng ý tứ, đi lại rón rén, nói năng nhẹ nhàng chứ không lộn xộn như mọi khi. Chúng tôi đứng ngồi quanh giường Bêm. Mặc dầu Bêm đang ốm nặng nhưng vẫn hé mắt nhìn chúng tôi và mỉm cười trông như mếu.
Sau trận Bêm ốm, chúng tôi càng yêu quý Bêm hơn. Chơi với Bêm chúng tôi đều nhường nhịn và chiều chuộng. Ngược lại, Bêm cũng vậy, rất yêu và chiều chúng tôi. Chúng tôi cứ nghĩ là sẽ ở bên nhau mãi mãi. - Thế nhưng một hôm, mẹ Bêm đến. Mẹ Bêm đi cùng với một người đàn ông lạ mặt. Bà bảo Bêm:
- Đây là chú Tấn. Chào chú đi con.
- Cháu chào chú – Bêm lấm lét nhìn. Người đàn ông tên là Tấn gật gù mỉm cười, ở góc miệng ông lóe ra một cái răng vàng.
- Hôm nay mẹ và chú đến xin với bác Hà, để đón con về.
- Con ở đây với bác cũng được. Bêm lại lén nhìn “chú Tấn” lúc này đang cúi xuống lau chiếc xe máy bê bết bùn.
- Không được đâu. Con phải về với mẹ rồi thỉnh thoảng mẹ lại dẫn con về chơi với bác…
- Thế bao giờ thì đi hở mẹ?
- Đến chiều mai.
Được tin này chúng tôi rất buồn vì cứ nghĩ mà lại nhớ Bêm, thương Bêm. Trước lúc Bêm đi, chúng tôi đã mang đến cho Bêm rất nhiều quà. Ai có gì cho nấy: Nào là con quay, quả bóng, bộ tam cúc, giấy bút, sổ tay. Bạn Trang tặng Bêm cả cái khuy áo bằng nhựa óng ánh rất đẹp.
Chiều hôm ấy, người đàn ông dắt tay Bêm ra khỏi nhà bác Hà. Còn mẹ Bêm thì xách cái túi quần áo của Bêm. Trong đó chỉ có hai bộ quần áo cũ và những thứ quà tặng chúng tôi mới cho Bêm. Chúng tôi đi theo một lũ xuống tận dưới đường phố. Lúc chia tay, Bêm òa lên khóc, chúng tôi cũng rơm rớm. Mẹ Bêm bảo:
- Thôi, các cháu về đi, thỉnh thoảng cô lại dẫn Bêm về chơi với các cháu.
Chúng tôi chào mẹ Bêm, chào chú Tấn, rồi vòng quanh Bêm, chúng tôi hứa là sẽ không bao giờ quên nhau và nhất định sẽ gặp lại nhau.
Khi quay về nhà tập thể đứa nào đứa nấy đều ngơ ngẩn như vừa đánh mất một vật gì quý báu nhất.
Đã năm năm qua, Bêm không trở lại. Thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện với nhau vẫn nhắc về Bêm. Tôi nhớ đến những thung lũng đầy hoa ban và bướm trắng, đến con sóc bay, con gà rừng có bộ lông đuôi dài rực rỡ. Không biết lúc này Bêm đang ở đâu.
Thâng Bêm Thâng Bêm - Xuân Quỳnh