You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Lạc Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 115 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 595 / 0
Cập nhật: 2017-09-25 02:19:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 74 (1)
ột nhiên bị mọi người cùng nhìn chằm chằm, Minh Du đỏ mặt vội dùng khăn tay che miệng tạ lỗi:
- Thần thiếp vô ý, thực là có tội...
Liễu Yến Yến ngồi bên cạnh vô tư đưa tay xoa lưng Minh Du, hỏi:
- Bị sặc à? Ăn uống phải cẩn thận chứ!
Triệu Lam Kiều hơi ngạc nhiên, nhưng ngay lập tức mỉm cười niềm nở:
- Muội muội à, nghĩ lại xem tháng này tín kì đã xuất hiện hay chưa?
Câu hỏi có phần sỗ sàng của Triệu Lam Kiều khiến thần thái của Minh Du đột ngột trở nên ngượng ngập, không biết nên trả lời thế nào. Thêm vào đó, bàn tay Liễu Yến Yến đặt trên lưng nàng cũng hóa thành cứng đờ. Liễu Yến Yến lắp bắp:
- Không phải chứ?
Hoàng hậu cũng cười thân thiện:
- Muội muội chớ ngại ngùng! Chúng ta đều là người một nhà cả. Tiệp chiêu nghi nói phải... Hay là để bản cung gọi thái y đến bắt mạch cho muội thử xem.
Hoàng hậu vừa nói dứt lời liền ra hiệu cho Xuân Linh đi mời thái y ngay lập tức, khiến cho Minh Du chẳng có cơ hội từ chối. Sự việc trọng đại, thái y đến nhanh như gió. Sau khi cẩn thận chẩn mạch cho Minh Du xong, Trần thái y liền kính cẩn hướng về phía hoàng hậu chắp tay thưa:
- Chúc mừng hoàng hậu nương nương, Minh phi nương nương có hỷ mạch.
Hai chữ "hỷ mạch" như sét đánh ngang tai chúng phi. Đây là lần đầu tiên trong cung có tin vui, không ai ngờ đến người đầu tiên hoài long chủng chẳng phải là Liễu Yến Yến mà lại là một phi tần ân sủng thưa thớt như Minh Du. Minh Du xuất thân trong một gia tộc mấy đời trung nghĩa, vị thế trong cung không quá cao nhưng rất vững vàng, nay lại mang long thai. Nếu nàng sinh được con trai, tiền đồ của đứa trẻ ấy có thể nói là tươi sáng vô hạn. Đứng trước việc này, người nào cũng sững sờ. Liễu Yến Yến run run hỏi Trần thái y:
- Bao lâu rồi?
Trần thái y vuốt râu, chậm chạp bấm đốt ngón tay:
- Bẩm, ước chừng hai tháng...
Tiệp Tuyết cầm lấy tay Minh Du, mừng rỡ nói:
- Thực là tốt quá! Chúc mừng tỷ tỷ!
Triệu Lam Kiều cũng vui vẻ góp lời:
- Đúng là chuyện nên chúc mừng!
Nàng ta nói rồi, bước đến cầm tay còn lại của Minh Du, tỏ vẻ ngưỡng mộ:
- Muội muội đúng là có phúc, ta phải ở gần muội một chút, hi vọng hưởng ké được chút phúc khí.
Có vài người khác cũng đi tới chúc mừng rôm rả. Ta không đến gần Minh Du, chỉ ngồi đằng xa nói vài lời tốt đẹp.
Trong lúc mọi người nhốn nháo vây quanh Minh Du, ta chợt nhớ đến món canh kia lên, bèn nâng chén lên chậm rãi hít một hơi dài. Bấy giờ, ta mới nhận ra, trong canh hình như có thoảng mùi rong biển nhè nhẹ.
Ta nhìn đến chỗ hoàng hậu, liền thấy nàng đang mỉm cười với Minh Du hết mực độ lượng. Xem ra chuyện Minh Du giật dây Liễu Yến Yến ly gián ta và hoàng hậu, nàng vẫn chưa quên. Lần này, có hoàng hậu tham gia, Minh Du lại phải vất vả thêm một chút.
Ta nhìn Minh Du ngồi giữa một vòng vây phi tần, thần sắc nàng trong hoan hỉ có xen lẫn bất an, trong lòng không khỏi cảm thấy thư thái. Lâu nay nàng luôn xem kẻ khác là quân cờ tùy tay mình sắp đặt, giờ bỗng rơi vào thế bị động, bốn bề lang sói vây quay, không rõ đang cảm thấy thế nào?
Tin tức Minh Du mang thai nhanh chóng được bẩm báo đến hoàng đế và thái hậu. Chưa đến nửa ngày, Lạc Mai cung đã chất đầy quà cáp.
Ta đi đi lại lại trong kho, tính toán hồi lâu mới quyết định đem tặng Minh Du một bức tượng Quan Âm bạch ngọc. Tặng quà cho sản phụ có thể nói là một việc vô cùng gian nan. Giờ ta đã ngồi ở hàng tứ phi, nếu vẫn giữ thói keo kiệt ngày trước thì thật không ổn. Ta chẳng sợ mang tiếng ki bo nhưng không tặng quà cho phi tử đầu tiên mang long chủng, e lại bị gán tội hẹp hòi đố kỵ. Nghĩ đi nghĩ lại, cứ tặng tượng Phật xem chừng ổn thỏa nhất. Xưa nay tượng Quan Âm người ta chỉ để ngắm hoặc cúng bái từ xa, chẳng ai lại ôm khư khư trên tay, có muốn giá họa cũng khó.
Ngay hôm sau, thái hậu triệu kiến Minh Du đến Thuận Ninh cung trò chuyện cả nửa ngày. Cung nhân lén lút truyền tai nhau rằng thái hậu đã hứa với Minh Du: chỉ cần nàng sinh được một tiểu hoàng tử thì chức quý phi sẽ không lọt khỏi tay nàng. Chuyện ở Thuận Ninh cung xưa nay chưa từng truyền được ra ngoài. Bây giờ, ngay cả đám cung nữ quét dọn cũng dám nhiều lời, xem chừng là có nội tình. Phi tần trong cung đều ngấm ngầm hiểu được thái hậu thực đã bất mãn hoàng hậu lắm rồi. Cái long thai này có thể coi là mầm họa cực lớn đối với hoàng hậu.
Hoàng hậu được sắc phong nhiều năm nhưng vẫn chưa có con cái. Ngày trước hoàng đế còn nhỏ thì không nói, nay hắn đã thành niên từ lâu mà chỗ nàng vẫn chẳng có tin tức gì, không khỏi khiến người ta suy nghĩ sâu xa.
Có kẻ cho rằng hoàng đế ghét bỏ Hà thị nên không động đến hoàng hậu. Lại cũng có kẻ độc mồm nói hoàng hậu vốn bị vô sinh. Nội tình ra sao, ta không biết, cũng không muốn tìm hiểu làm gì.
Bất luận thế nào, thân là chính cung nương nương, chừng nào chưa có con trai thừa tự thì địa vị không thể vững bền. Chuyện này tính ra cũng không phải không có cách vãn hồi. Cho dù hoàng hậu thực sự không thể sinh con thì có làm sao? Nàng chỉ cần đợi hoàng trưởng tử được sinh ra, sau đó cướp làm con mình là được. Chuyện cướp con này vốn dĩ chẳng khó khăn gì. Nếu mẫu thân của đứa trẻ có thân phận thấp, con nàng sinh ra tất nhiên phải giao cho hoàng hậu. Nhược bằng nữ tử kia xuất thân cao quý, dựa vào trí tuệ của mình, hoàng hậu chắc chắn có thể nghĩ ra vô số cách giết mẹ đoạt con. Chỉ tiếc cho hoàng hậu, phi tần đầu tiên hoài long chủng lại là Minh Du.
Cả thân thế lẫn địa vị của Minh Du đều không tệ. Đứa trẻ Minh Du sinh ra, hoàng hậu không thể giành nuôi được. Nàng lại càng không ngốc nghếch, muốn hại chết nàng để đoạt con thực chẳng dễ dàng. Phi tần dù không ai nói ra nhưng thảy đều mở to mắt nhìn xem hoàng hậu sẽ đối phó Minh Du như thế nào. Trái với mong đợi của đám nữ nhân rảnh rỗi kia, hoàng hậu chẳng những không hề mảy may khó dễ Minh Du mà còn ban tặng vô số phẩm vật trân quý, cả lễ thỉnh an cũng miễn để nàng khỏi vất vả đi lại, yên tâm ở nhà dưỡng thai. Sự rộng lượng của hoàng hậu khiến cho hoàng đế rất hài lòng.
Bấy giờ là đầu tháng mười, Khâm Thiên Giám bẩm báo lại trên trời có một quầng mây lạ che mờ phương đông, e là điềm dữ. Quốc sư Lưu Thiên bẩm báo rằng, thời gian qua hoàng cung xảy ra nhiều chuyện không may, chỉ sợ chướng khí làm tổn hại đến long thai. Sau một hồi trình bày dông dài, Lưu Thiên kết luận như đinh đóng cột: Nếu muốn tiểu hoàng tử ra đời khỏe mạnh thì nhất định phải tạo ra một chuyện vui lớn ở hậu cung để xung hỷ.
Ở hậu cung này, ngoại trừ bỗng nhiên trong bụng xuất hiện thai rồng thì chỉ còn lại một loại chuyện vui: thăng chức.
Hoàng đế cho rằng lời Lưu quốc sư nói là phải lắm, liền gọi hoàng hậu đến cùng bàn bạc. Đế hậu đồng lòng, quyết định đại phong toàn hậu cung.
Một buổi sáng nọ, khi chúng ta đang cùng hoàng hậu nhàn nhã dùng điểm tâm ở Triêu Lan cung thì thánh chỉ đại phong được Tô Trường Tín đích thân tuyên cáo.
Tiệp Tuyết, Quỳnh Tử Yên, Lạc Linh Chương, Liên Nhạc, Chung Ánh Thụy, Dương Ngọc Huệ, Tố Linh đồng loạt thăng mỗi người một bậc. Riêng Bạch Diệu Hoa được hoàng đế ưu ái, một bước thăng đến chức sung nghi. Phi tần có đố kị nhưng cũng chẳng ai quá ngạc nhiên. Hoàng đế thích thư họa, lại có lòng mến người tài. Bạch Diệu Hoa lại là người mà cả danh họa Tử Đạt cũng phải khen ngợi. Kết cục này, ắt hẳn ai cũng đã nhìn thấy trước.
Từ lúc Bạch Diệu Hoa được miễn lệnh cấm túc, thi thoảng hoàng đế lại ghé sang nhờ nàng dạy Thủy Ấn họa. Ban đầu, Bạch Diệu Hoa ngần ngại, luôn cố kéo ta qua đó chơi. Nhưng loại thú vui tao nhã này ta không cảm thụ được, ngồi ngáp ngắn ngáp dài mãi cũng chẳng ích lợi gì. Mà nhìn hoàng đế cười nói vui vẻ với một người con gái khác, dẫu biết nàng là tỷ muội tốt của mình, ta vẫn cứ chạnh lòng. Ta chợt nghĩ, nếu năm xưa mẫu thân ta không thất sủng thì mấy thứ cầm kì thi họa kia ta cũng sẽ được học đủ cả, biết đâu còn có thể trở thành một nữ tử văn nhã, thông tuệ. Chẳng qua nghĩ lại, nếu sự thật diễn ra như thế, ta chắc chắn đã gả cho một tên con cháu danh gia nào đó từ độ mười lăm, mười sáu tuổi, làm gì còn cơ hội gặp gỡ hoàng đế. Nghĩ ngợi vẩn vơ nhiều thực rất nhức đầu, vậy nên những lần sau, ta đều từ chối không sang làm nền nữa.
Người của ta thấy cảnh này, dù ngoài mặt tỏ vẻ bình thường nhưng phía sau thì đều nháo nhào cả lên. Tiểu Phúc Tử sợ ta bị thiệt, luôn miệng nhắc nhở ta phải để mắt Bạch Diệu Hoa. Chẳng biết hắn đi đâu học được một câu "Tri nhân, tri diện, bất tri tâm", suốt ngày ra rả bên tai ta mãi. Ngọc Thủy cũng lo lắng khuyên ta phải giữ chặt hoàng đế. Ngọc Nga tuy không nói gì nhưng vẫn âm thầm theo dõi sát sao động tĩnh bên phía Bắc viện. Trong cung đã thế, bên ngoài còn náo nhiệt bội phần. Đám phi tần xấu tính bấy giờ một một mắt liếc về phía Triêu Lan cung mong đợi hoàng hậu làm thế nào giết mẹ đoạt con, một mắt còn lại nhìn chằm chằm vào Cẩm Tước cung chờ xem một màn tỷ muội tương tàn.
Người ngoài dẫu có thọc mạch thế nào, ta cứ đóng cửa giả vờ không biết là được. Chỉ có kẻ ở chung nhà mới là phiền phức tột bậc. Buổi tối hôm ấy, ta đã sửa soạn leo lên giường đi ngủ rồi còn có người xông tới làm phiền. Kẻ ngông cuồng đến mức dám xông thẳng vào phòng nghỉ của nhất phẩm hiền phi lúc trời tối mịt thế này, còn ai khác ngoài vị tiên tử hoàng đế rước từ dân gian vào cung khi trước?
Thâm Cung Thâm Cung - Trần Lạc Hoa