Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1761 / 5
Cập nhật: 2016-02-27 14:41:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
óa ra là một bà già. Người mà Thầm lặn lội đi tìm, là bà già thẳng đuột như cây mía lau, như da thịt đã đi trước cho ngày tàn nhẹ bước. Bà nói tháng rồi tên bà được rao trên truyền hình, mục gỡ rối nhà nông, hỏi thuốc thang kiểu nào cho đám ruộng đang cháy lá “chắc là tên tui ngộ nên má cô biên lại chơi, đàn bà mà lấy tên Lê Văn Công, ai nghe cũng kêu mắc cười”.
Thầm vo tờ giấy báo, nghe góc giấy cấn vào lòng tay.
Một cái tên đàn ông, cùng với địa chỉ gợi xa xôi, đầu lộ Gòn, ấp Bà Rá, xã Kinh Đôi, mẹ Thầm viết lên tờ báo kê đầu giường, vốn đặt những thứ linh tinh cần thiết, như dầu gió và thuốc, bà chỉ cần quơ tay là vớ được. Khu chén in nước thuốc bắc lên giấy những vòng tròn màu cánh gián, bên cạnh xanh lốm đốm của dầu gió, nổi bật lên mười mấy chữ viết tay, bằng mực đỏ. Chị Chín bên xóm quả quyết nó phải quan trọng thế nào, ẩn giấu bí mật lắm, mẹ Thầm mới ghi lại. Đưa tờ giấy báo sờn rách cho đứa con vào hôm cúng tuần thứ hai của bà mẹ, Chín nín thở như trao một di thư.
Lúc nỗi ưu phiền mang tên lúa cháy lá của bà già rao trên truyền hình, bên kia bờ Đại Tây Dương, Thầm đang chạy. Một ngày nắng như rang như thiêu. Người ta chào nhau bằng “Nóng chi mà nóng quá chừng”, và lấy “Chúa ơi, sao Người ngày càng khắc nghiệt với chúng con” làm câu tạm biệt. Những cuộc gặp gỡ ít lời, vài ba câu nước bọt đã keo đặc ở trong miệng, hết thiết véo von. Thời tiết này thì không có kỷ lục nào được phá, ban tổ chức cuộc chạy ma ra tông thường niên của thành phố ngán ngẩm bảo vậy. Họ đổi giờ xuất phát sớm hơn, nhưng rồi Mặt trời cũng đuổi kịp những vận động viên trên đường chạy bốn mươi hai cây số. Mấy con chó nằm thè lưỡi dưới chân rào, thắc mắc sao bọn người kia không nhảy vô bồn tắm ngâm mình mà chạy như điên ngoài nắng. Nền trời xanh bằn bặt, không gợn mây.
Kiểu thời tiết Thầm ưa thích, nếu đừng quá nóng đến nỗi cháy da. Không mây, bóng của Thầm dày, sâu, chắc nụi. Nó làm dịu cả những ngọn cỏ lúc Thầm lướt qua con đường bắt đầu bốc khói. Khi chạy cạnh đoạn rào dài của một sân bóng đá, bóng Thầm bị lưới sắt gột thưa, nhưng cô vẫn nhận ra những đường nét vạm vỡ. Ngay vừa qua quãng đó, một anh đen trũi có biệt danh “Lốc Sahara” chặn Thầm lại, xin nước. Bình nước anh tích trữ ở trạm Hai đã kiệt. Đồng tử bốc hơi, nên lúc nhìn cô, cái chớp mắt anh lừ đừ. Đây là cuộc thứ ba chạy cùng nhau, và lần đầu tiên người sa mạc nói với cô, “chúc may mắn”.
Như thể anh biết Thầm sẽ ngất ở trạm dừng thứ tư. Nằm trên cáng, cô bốc hơi, thứ hơi nóng có thể nhìn thấy bằng mắt. Ngày đầu tiên ở viện, lúc thiếp đi hình như có điện thoại bên nhà, Thầm mặc kệ nó rung, ý nghĩ da lưng mình đang phồng rộp chìm dần vào đáy của giấc ngủ.
Sau này chị hàng xóm kể, đầu cơn hấp hối ấy, chị định gọi lại lần nữa, nhưng mẹ Thầm xua tay bảo thôi khỏi. Kể cả cuộc gọi được kết nối, Thầm cũng không về kịp. Mà có ngồi ngay bên giường cũng không làm sao chặn nổi sự bạo động của những u nhọt vỡ ra trong ổ bụng của người đàn bà khăng khăng chống lại bệnh tật bằng cỏ cây.
Tro cốt, tính luôn cả hũ đựng, nặng một ký ba.
Lần gặp gần nhất, mẹ Thầm không có vẻ gì đau ốm, túi mỡ dưới mắt vẫn vun lên, và đôi vết hằn bên miệng, chắc vì tuổi tác, càng sâu nghiệt ngã. Ngó nhau chớp nhoáng ở sân bay, giữa một rừng máy quay của nhà báo, người hâm mộ. Trước khi cô gái giành huy chương vàng ma ra tông thế giới xuống máy bay, họ bảo bà mẹ nên ôm hôn thế này, nựng má thế kia, nhưng bà gạt đi “Khỏi! Mẹ con tôi không phải kiểu vậy”. Bà từ chối cả cầm hoa, chỉ xáp lại nói mỗi câu “Về rồi hả?”, rồi lùi lại cho người dưng ào vào. Thầm biết ơn mẹ riêng hành động đó, không thì báo chí hôm sau tràn ngập những hình ảnh gượng gạo, như Thầm từng nhìn thấy cảnh bà vợ một thợ lò già hôn hít gương mặt lem luốc của chồng sau những ngày ông bị kẹt trong hầm mỏ. Cả hai người ngượng ngập diễn một thứ ân tình dàn dựng theo ý nhà báo, lẽ ra phải nhìn nhau thì ngó vào ống kính. Thầm nghĩ, phải cô là bà vợ, cô sẽ cắn xực lên da thịt chồng, cắn đến ngập dấu răng vào người đàn ông về từ cõi chết. Một cách xác nhận cuộc sống. Ông chồng bị đau bất ngờ, có thể nổi khùng tát vợ, như xưa giờ vẫn vậy.
Chưa hết buổi đón, mẹ Thầm lẳng lặng bỏ về, một mình, chuyến xe dài ba trăm năm mươi cây số. Họ tới nhà nài nỉ quá, bà mẹ mới chịu tới phi trường. Cô gái mang vinh quang về cho đất nước, không thể xuống máy bay mà không một người thân nào ở bên. Thầm không về cùng, cô bận họp báo, và trả lời phỏng vấn của truyền hình quốc gia. Bao giờ Thầm cũng dành nhiều thời gian nói về mẹ, những hy sinh, tảo tần, ân cần. “Lần nào chải mớ tóc xơ cờ của em, mẹ cũng rớt nước mắt”, Thầm bảo vậy. Cái sự buôn gánh bán bưng của bà mẹ cũng làm cho giới truyền thông hết sức hài lòng, khi đôi vai oằn gánh nuôi nấng đứa con gái tài năng. Như thể mẹ làm chủ tiệm vàng thì vinh quang bớt kịch tính, và Thầm có về nhất hàng chục cuộc chạy quốc tế cũng thường. Vậy nên chị biên tập viên cứ xoay mãi chuyện nhà Thầm, những lần mưa mẹ nhường chỗ khô cho nằm, chè ế mẹ trợn trạo ăn trừ bữa, nhưng Thầm luôn có cơm canh nóng hổi. Đèn trường quay rọi vào từng nốt tàn nhang cô gái, cái nhoẻn cười bất chợt không giấu được chiếc răng mẻ, và những lúc cô cắn môi, ướm thử những từ ngữ vừa với chuyện mình. Chỉ một ý nghĩ trong đầu cô thì không thứ đèn nào chiếu tới, mẹ chắc chuyển kênh rồi.
Không có sự tha thứ, dàn hòa nào trong câu chuyện mẫu tử lâm ly này, chỉ khi nào Thầm nói “tôi chạy giỏi như vầy là nhờ mẹ vác đòn gánh rượt đánh tôi hoài”.
Chỉ là Thầm chưa từng bị đòn oan. Ngay sự tồn tại của Thầm cũng đáng đánh đòn rồi, nhưng con nhỏ làm cho mọi thứ tệ hơn khi liên tục mắc lỗi: bỏ thi, nấu cơm khét, làm rách áo, xé tập dán diều. Ngồi nhà chịu trận cũng bị ăn năm cây đòn gánh, cứ bỏ chạy coi có vận may nào thoát được. Vậy là chạy. Lầm lì bám gót theo, mẹ Thầm tuyệt không la hét, đòn gánh thủ trong tay sẵn sàng giáng xuống bất cứ lúc nào. Đứa con chẳng van xin, cũng không khiêu khích, nên cuộc rượt đuổi của hai người ít thu hút đám đông. Có lần Thầm tưởng mẹ bỏ cuộc rồi, vừa dừng lại thở đã nghe đòn gánh xả vào người.
Trong từng nhát đòn giáng xuống, mang theo sự ráo riết như bà mẹ muốn dứt đứt cho rồi, cho xong, cho tận những phiền muộn vô hình. Như con thằn lằn tự cắn đuôi mình để thoát hiểm, một cú cắt đứt hoàn hảo không chút trù trừ. Nhưng mình là thứ đuôi không chịu lìa, Thầm nghĩ vậy trong lúc lút thút về nhà, vì không biết đi đâu. Ngang qua quán nước chật dân bốc vác, Thầm nghĩ biết đâu trong những người đàn ông đó có cha mình. Cái bả vai ê ẩm này, không phải mỗi Thầm đau. Ý nghĩ đó an ủi con nhỏ.
Một bữa bị mẹ rượt rát quá, Thầm tắt qua con hẻm trổ ra đường Cách Mạng, ào theo một cuộc chạy ma ra tông hiếm có của tỉnh lẻ, họ tổ chức gây quỹ xây bệnh viện. Lúc đó Thầm mười lăm tuổi, chân xỏ giày vải, mặc bộ đồng phục thể thao của trường, tóc buộc đuôi ngựa. Khi lao về phía rừng cờ đuôi nheo chớp chới ở vạch đích, Thầm biết mình vừa thật sự từ bỏ ngôi nhà trong hẻm Xéo, vách giắt những cây đòn gánh cong như giẻ xương sườn.
Cuộc chạy ấy Thầm về tư. Áo không đeo số, không có tên trong danh sách đăng ký, cô bé nói “chạy cho vui vậy”. Chị Tây về nhất ôm Thầm, hót ríu rít những lời không hiểu nổi, đoán là khen ngợi. Người đến sau Thầm nửa phút là anh thanh niên mà Thầm đã gạ chuyện trên đường chạy “Ủa, chú, tụi mình cứ chạy hoài vầy sao? Chừng nào mới tới?”, nhưng anh làm lơ, không trả lời. Thở còn không xiết, rảnh đâu mà nói.
Sau này, Thầm cũng thường lơ đi mỗi khi bạn chạy đưa chuyện. Không phải vì mệt. Tìm cách vượt lên hoặc tụt lại đằng sau, chỉ để ngó bóng mình. Vắt sườn qua ta luy, nó ghé tai sát miệng vực như nghe ngóng âm thanh từ dưới ấy, tiếng cành khô gãy và lá va nhau, tiếng con chim thắt thẻo kêu quéo ruột. Ở thời khắc bóng trĩu dần vào miệng vực, một hẻm núi trờ tới, bóng bỗng vụt đứng lên, vững chãi, như chưa từng có giây phút yếu lòng.
Thầm hơi buồn khi chạy vào những ngày mưa, hay chạy ngoài bãi biển. Bóng biệt tăm, nếu có thì cũng tẻ nhạt, lầm lì. Nó chỉ đầy biến ảo khi chạy trên đường núi, trên những con đường đông người. Nhịu vào bóng của người hát rong, ngã dài trên hàng rào của người Mèo phơi váy áo sặc sỡ, đắm mình vào dòng suối ven đường, hoặc mơn lên những vạt trạng nguyên đỏ buốt cả trong mơ. Chạy đêm dưới bóng đèn đường cũng không tệ, ở khoảng giữa hai cột đèn, bóng sau lưng còn dùng dằng chưa rời khỏi, bóng trước mặt đã đứng chờ.
Ai cũng nói mẹ Thầm đặt tên con khéo, tên như tính người. Như ngay từ mang con trong bụng, bà mẹ đã đoán biết tâm tính nó. Cả lúc cầm hoa vẫy, chiếc huy chương long lanh dưới cổ, Thầm cũng hiếm khi cười. Vẻ thất vọng không giấu nổi ấy, được người ta diễn dịch là không hài lòng với thành tích, chưa vượt qua kỷ lục thế giới, có vài sai lầm nhỏ mắc phải trên đường chạy. Thầm kệ, không giải thích. Chỉ là khi vắt kiệt mình qua vạch đích, Thầm không sao kìm được ý nghĩ, vậy là xong, chừng nào mới có cuộc chạy tiếp theo?
Chẳng có cuộc thi nào, Thầm quay lại trung tâm thể thao quốc gia với tư cách người hướng dẫn cho câu lạc bộ chạy đường trường. Ở đó không thiếu những câu hỏi kiểu như cách nào để thân xác không phản bội lại mình, làm sao điều khiển đôi chân tráo trở, những cơ bắp trơ lì hóa đá trên đường chạy. “Quên ma ra tông đi”, Thầm đưa ra lời khuyên gọn lỏn.
Chạy, phải đau. Đau, nghĩa là sống. Người chết không đau đớn. Thầm nghĩ vậy mỗi khi ngã vật bên đường chạy, nghe từng bó cơ nát ra. Những đốt xương có một linh hồn riêng, không đứa nào chịu đứa nào. Đến ý nghĩ cũng vữa vụn, Thầm thấy cuộc trao đổi này xứng đáng, chịu đau đớn xác thân để nhận lấy trạng thái trống rỗng hoàn toàn, không thương không hận. Chỉ hơi trống trải vì bóng dưng không lặng câm, ẩn nhẫn dưới lưng thầm. Đâu rồi cái bóng luôn sảng khoái chạy cạnh mình, sải những bước thẳng, dài, vừa mới tựa đầu bên gốc xà cừ, rồi thoắt cái, ngã dài vào bãi cỏ. Cái bóng lúc nào cũng ghé tai vào đời sống, kể Thầm nghe bên kia rào một người đàn ông đang khóc, nước dưới chân cầu Tình tối qua nuốt trọng thân xác của kẻ gieo mình.
Thầm chống tay đứng dậy, chạy tiếp.
Đôi lần đường chạy tự dưng vắng ngắt, gáy Thầm lạnh, như có cây đòn gánh đang hắt bóng nó vào. Cảm giác rõ ràng tới mức Thầm suýt quay lại nhìn, như hồi nhỏ lúc chạy đòn hay ngoái lại đo khoảng cách giữa mình với mẹ. Nhưng trong gương lồi ở một cua gắt trên đèo, Thầm chỉ thấy đằng sau mình thun thút núi.
Chạy và chạy, ráo riết như thể có cả đội quân vô hình bám đuổi. Đôi lần ở những đoạn vắng người, Thầm huơ tay giỡn bóng, đó là những giây phút hiếm hoi mà cô cho phép mình xao lãng. Tóc dài, vướng, Thầm cắt ngắn. Dây giày dài, vướng, Thầm cũng cắt. Có khi ngang qua cái kiếng soi đặt ở chân cầu thang trung tâm thể thao, cô nghĩ mình trông như người mẫu tranh Picasso. Nửa trên quều quào cắm trên đôi chân dài cứng như hóa thạch, ai đó nói ông trời đâu phải vô cớ mà ban cho Thầm, không chạy là phụ lòng ổng. Thầm nghe vậy, tự hỏi mình và mẹ cũng là mối quan hệ được xếp đặt của vô hình?
Từ bỏ nhà đi, sáu năm sau Thầm về, dắt theo chị phóng viên báo Phụ nữ toàn cầu. Chỗ ngủ bị dẹp mất, đành phải bảo, trước đây em toàn ngủ chung với mẹ. “Kiểu này mẹ con có giận nhau cũng không được, phải nằm chung sát rạt vầy mà”, chị nhà báo cười. Trong nhà gần như chẳng có dấu vết nào cho thấy Thầm là một phần của nó, nhưng chị nhà báo không tinh tế đến mức có thể nhận ra. Có khách, mẹ con Thầm âm ỉ giấu ánh mắt nhìn nhau của hai kẻ lạ. Bài báo lần ấy, ngoài những câu chữ lâm ly chỉ có một tấm hình, mẹ và Thầm ngồi bên gánh chè. Chị nhà báo ủ mưu chụp ảnh mẹ xối nước cho con gái gội đầu, nhưng nhân vật cứ lảng đi.
Sau này, Thầm không về cùng bên truyền hình thì cũng với nhiếp ảnh gia, họ muốn làm chương trình đặc biệt đón giao thừa, hoặc chụp ảnh cô làm lịch, bìa báo Tết. Bối cảnh ở đâu cũng không lay động bằng một thành phố hẻo lánh, nơi ở góc đường vẫn còn bà bán xôi nhớ con Thầm hồi nhỏ suốt ngày dang nắng, nơi kiện tướng chạy bộ lớn lên bên gánh chè bảy món của mẹ mình. Người ta tấm tắc khi biết mẹ Thầm vẫn duy trì gánh chè dù con gái đã gửi về vài món tiền thưởng không nhỏ. Mỗi Thầm biết mẹ không bao giờ đụng vô tiền đó, cô đem qua nhà Chín, một chị không chồng tốt bụng giữ giùm, bảo “Hờ khi nào mẹ em đau, chị lo giùm. Em chạy suốt, khó về”. Lúc đó mẹ Thầm giấu bệnh, nhưng cái mùi thuốc bắc cứ phảng phất trên tường vách.
Mớ tiền ấy, lo hậu sự cho mẹ Thầm xong, vẫn còn thừa. Thầm bảo chị bên xóm cứ giữ, coi như trả công những ngày chạy qua chạy lại chăm sóc người dưng. Tro cốt mẹ, Thầm sẽ bỏ ba lô đem theo, người đâu tro đó. Nhà tạm thời khóa lại, cho đến khi Chín gặp được người vô gia cư nào tử tế, sẽ cho vào ở. “Còn cái ông trong tờ báo?” Chín nhắc.
Có mối quan tâm khác, chị hàng xóm quên nói cái câu mỏi mòn, “tính chuyện chồng con đi chớ”. Như thể bằng trải nghiệm, sự không chồng là một vũng sình lầy mà chị không muốn bất cứ ai rơi vào, mình chị chịu đựng đủ rồi. Nên chị rầu rĩ khi Thầm chỉ cười, bảo không ham.
Thầm đã nghĩ tới đàn ông, đúng một lần, bữa chạy bên Tam Đảo. Đường dốc, buồng phổi đầy khí loãng, Thầm nằm sải tay nghỉ mệt trên bãi cỏ ven đường. Phải đến lúc một bàn tay nào đó áp vào rốn mình, Thầm mới hay có người đang nằm cạnh. Bàn tay rộng, nhiều mồ hôi, ướt lạnh. Không hiểu sao Thầm nghĩ, một bàn tay đẹp với những ngón thon dài.
Sau này nhớ lại, phải người đó chạm tay vào nơi nào khác, ngực, xương quai xanh hay đùi, Thầm cũng không thấy da diết tới vậy. Nhưng anh đã đặt tay đúng vào rốn, giữ ở đó chừng vài ba phút, nói, “hình như quanh đây có đào chín, thơm ghê”. Thầm muốn mở mắt nhìn, muốn gạt tay anh ta ra, nhưng không hiểu sao người cứ bồng bênh không trọng lượng, như bãi đá sỏi cỏ phủ dưới lưng đã biến thành một đống bông gòn.
Phải anh xin số điện thoại Thầm, xin một cái hẹn, cô đã không da diết. Lần đầu tiên cô coi kiếng thấy bồn chồn, nghĩ ai thèm lấy con đàn bà như mình.
Người đàn ông chạy chung với Thầm bữa đó, nửa năm sau cô gặp lại trong cuộc chạy ở Sapa. Anh chỉ tình cờ đưa bạn gái đi chơi, thấy chạy thì ra coi. Một tay cầm dù che cho người yêu bận rộn với cái váy lồng gió, tay kia anh vẫy nhẹ khi Thầm chạy qua. Bóng Thầm đổ lên tán dù nên không chạm được vào người anh, như đã từng oằn ngọn vào bóng anh trong cái nắng xiên khoai một chiều Tam Đảo.
Lần đó, Thầm lại về nhất, lập một thành tích mà ai cũng bảo là vượt quá sức giống dân da vàng. Những kỷ lục cao nhất của thế giới, trước giờ chỉ được làm nên bằng đôi chân sắt nung của người Phi. Tối lại, Thầm gửi đi bản đăng ký tham gia chạy một cuộc thi ma ra tông quốc tế mà cô sẽ mang về huy chương làm hớn hở đất nước vốn chẳng có gì để hớn hở.
Năm đó Thầm hai tám tuổi, dửng dưng nghe chị hàng xóm nhắc, tính chạy hoài chạy hoài mà không lo chồng con gì, đâu được.
Nhưng giờ người phụ nữ tốt bụng ngợp trong mối quan tâm một ông nào đó ở xứ Kinh Đôi, “chắc phải có liên quan gì chớ?”. Chừng như chị nhiều bận dọ hỏi mẹ Thầm về cha đẻ của con gái bà, như hồi nhỏ Thầm từng tò mò nhưng chẳng có lời đáp.
Câu trả lời có thể trên tờ giấy báo ám thuốc mà Thầm giữ bên mình. Thầm nghĩ vậy khi bước xuống chiếc tàu mà họ thề thốt là sẽ đưa cô đến Kinh Đôi. Chuyến đi trước giỗ lần thứ hai chừng hai tuần, và tròn hai năm kể từ những chữ đỏ được ghi vào giấy báo. Tròn hai năm Thầm ngất trên một đường chạy, báo hiệu một chuyện hiển nhiên, cô đã xuống sức. Giờ mỗi ngày Thầm vẫn chạy hàng chục cây số, nhưng không thể liền tù tì có mặt ở các cuộc thi. Bác sĩ bảo cô hãy quên tuổi hai mươi của mình đi, làm quen với con Thầm bắt đầu kém dẻo dai, giảm sức chịu đựng. Làm một phép trừ nhỏ khi so đo với giấy khám sức khỏe cũ, Thầm nhận ra mình thấp hơn hồi bắt đầu chạy hơn một gang tay.
Nhưng Thầm vẫn quá khổ so với chiếc tàu đò sẽ đưa cô đi tìm người có tên ghi trên tờ báo. Họ bắc ghế cho cô ngồi giữa lối đi, chỗ đó trần cao cô không bị cộc đầu. Thầm nhìn quanh quất, bóng không có ở đây. Thầm có cảm giác bất an, như thể cô đang mắc bẫy bà mẹ. Ba tiếng đồng hồ đến Kinh Đôi, cho chặng đường chừng sáu mươi cây số, tương đương với thời gian Thầm chạy bộ. Không có đường bộ nào tới đó đâu, ông ngồi cạnh Thầm bảo vậy, phì phà khói thuốc vào mặt cô, cứ sông rạch vầy tiền đâu xây cầu.
Đi nữa, hay quay lại, Thầm tự hỏi.
Khi chiếc tàu xua Thầm lên bờ nhanh như phủi bụi, cô nghĩ, biết nói gì với người đàn ông ấy, nếu tìm thấy. Bóng Thầm chòng chành trên bờ đất ngổn ngang xáng múc. Thầm từng rải bóng mình trên vô số con đường, nhưng chưa lần nào gặp địa hình lạ lùng khó chịu vậy. Khi bóng tê cứng bên đầu cầu khỉ, Thầm lau mồ hôi nghĩ, giả sử mình qua được cây cầu này, tận thấy người đàn ông đó, rồi sao nữa?
Nhưng Thầm chỉ tìm được một bà già bất đắc dĩ mang tên Lê Văn Công do cán bộ hộ tịch nhầm. Vô cùng tự tin về trí nhớ của mình, bà già dứt khoát nói không có bà con hay người quen nào bán chè ngoài chợ. Nghĩa là Thầm với bà là hai người chẳng dây rễ gì nhau.
Tàu chưa quay lại, Thầm ra bờ sông chờ, biết nôn nóng cũng chẳng ích gì. Ý chí thép, đôi chân giỏi chịu đựng, con tim mạnh mẽ, những thứ mà Thầm được người ta ca tụng, không có chút giá trị nào ở đây. Cứ chờ thôi. Nó sẽ đến, con tàu ấy, giống như tuổi tác đang chậm rãi đến với Thầm. Ở cái bờ đất này cô không thể nào chạy đến thân thể nhẫm nhừ ra, để một ý nghĩ khỏi làm phiền mình. Mẹ cô tìm gì trong những chương trình truyền hình kiểu như “gỡ rối nhà nông”, “thế giới ngôi sao”, “công nghệ và đời sống”. Rốt cuộc, bà tìm kiếm gì ngoài những tiếng người?
Thầm Thầm - Nguyễn Ngọc Tư