Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Tu Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 672 / 10
Cập nhật: 2017-11-07 10:08:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ài ba năm một lần, chọn tiết cuối thu, chẳng nhân dịp gì, chẳng vì một cái chuyện gì cả, tôi lên đường về thăm làng Mơ. Vì sao lại phải cuối thu tự tôi cũng không biết nữa, nhưng mà cứ thế thôi, thường là ngay sau ngày đầu tiên gió heo may. Xưa đạp xe, giờ thì xe máy nhằm hướng mặt trời sẽ lặn. Qua Nhổn, qua Phùng, qua núi Sài Sơn, qua đồng Bưng Cấn, rồi ngược xa lên nữa phía Ba Vì.
Đã ba chục năm hơn rồi còn gì, và dù mỗi năm mỗi chút đổi khác nhưng mà nhìn chung thì vẫn vậy, đất trời vẫn thế, con đường, dòng sông, đồng ruộng. Loáng thoáng những mới mẻ nào đó ở phố huyện song chẳng bao lăm. Trường cấp ba mái ngói đã thay cho mái gianh, nhưng cảnh trường vẫn đơn sơ như thế. Những hàng xoan mà chính tay chúng tôi đã đốn xuống để lát nóc hầm nay lại thấy mọc bao quanh sân. Xế cổng trường vẫn là đầm sen thuở nọ. Đường liên huyện vòng qua bên kia đầm gặp ngã ba Đồng Rạng với lối nhỏ rẽ phải mà tất nhiên là cũng không có gì thay đổi chạy về làng Mơ của tôi. Làng Mơ trên đồi Giàng. Gần trăm bậc tam cấp xẻ vào vách đồi đá ong dẫn lối lên đình. Dưới chân đồi phía bên cổng đình trông xuống là đồng bằng trải rộng. Vào những buổi chiều tà, nhất là những buổi chiều thu, sương mù dâng cuồn cuộn dẫu làm lu mất tầm nhìn nhưng lại khiến cho đồng bằng dường như càng rộng ra hơn, và sau sương, những làng Ạch, làng Chàng, làng Ngọt bọc kín trong các lũy tre hiện lên mờ mờ nom như những chiếc thuyền buồm cổ xưa đang từ từ trôi trên biển chiều. Ở đây, khi ráng chiều còn chưa lụi hẳn sau Ba Vì, đằng đông, phía trời Hà Nội bởi quầng sáng đèn điện mà dường đã bình minh. Từ đây về Hà Nội đường cái quan thì xa nhưng đường chim bay thì gần. Bom nổ trong lòng thành phố, sóng nổ tức thì thúc dội về làm rùng mình mặt đất dưới chân tôi. Bao nhiêu bom nổ bấy nhiêu cột khói, hồi ấy từ trên làng Mơ đồi Giàng này tôi nghe thấy và đếm thấy rõ mồn một.
Gia đình tôi hồi ấy chia hai ngả. Chị gái và em trai theo mẹ sơ tán lên Thái Nguyên, còn tôi theo cơ quan cha về làng Mơ. Ở nơi sơ tán chẳng bao lâu thì cha tôi được điều sang Đông Âu làm việc, thành ra nguyên ngôi nhà gạch ba gian địa phương bố trí cho riêng ông thuộc cả về tôi. Cha mẹ thuận tình để tôi được một mình ở lại làng Mơ. Đã năm cuối cấp, tôi không muốn phải chuyển trường, với lại mười tám tuổi đầu rồi thừa sức lo thân. Mà thật ra nào có phải lo gì. Mức sống con nhà cán bộ "bìa A Tôn Đản" dẫu chẳng ê hề thừa mứa nhưng dư đủ để cho tôi ngày ngày ngoài sự học hành chỉ phải gánh thêm mỗi một việc là rong chơi.
Êm ấm và sáng tươi biết là nhường nào quãng đời ấy. Không chịu thiếu thốn, không một chút vất vả nhọc nhằn, hoàn toàn vô tư lự, tôi dễ dàng ưa thích đời sống nông thôn. Cảnh vật miền quê được ghép vào tâm trí tôi y như được trang trí trong những truyện ngắn thời ấy viết về đề tài nông nghiệp. Đồng lúa, lũy tre, dòng kênh, bãi dâu, dế mèn, bươm bướm, tiếng sáo diều, tiếng gà gáy, tiếng kẻng hợp tác, tổ chim sẻ, hang chuột đồng, khoai luộc, ngô nướng, ngó sen… Lao động, hát ca, không một giọt mồ hôi nước mắt.
Thậm chí chiến tranh cũng mang gương mặt tươi vui giúp làm rộn rã thêm lên những tháng ngày bình yên của tôi hồi đó. Hồi đó cứ vài ba hôm lại được thấy một trận không chiến trên lưng trời, rồi cứ vài ba hôm lại một tên Mỹ vọt khỏi máy bay đeo dù sa xuống sông, xuống ruộng. Dân quân thúc kẻng gọi cả làng đi bắt giặc lái. Tiếng hò reo vang dậy. Mặc dù tiếng gầm hú của các loại ma Mỹ nhiều lúc nghe dựng cả tóc gáy, nhưng tôi chẳng đời nào chịu hèn nhát chui hầm, luôn luôn tôi liều lĩnh chạy lên đỉnh đồi Giàng để thỏa thích xem cho tường tận hết tầm mắt toàn cảnh những cuộc giao tranh hùng tráng trên trời xanh giữa máy bay và máy bay, giữa máy bay và cao xạ.
Hồi ấy giá mà học hành kha khá hơn một chút thì tôi đã thật sự là thoải mái mọi nhẽ. Nhưng cũng y tình trạng của tất cả những năm học trước đó, suốt năm lớp Mười tôi đội sổ hầu hết các môn. Đại số, hình học, lượng giác, văn, sử, tiếng Nga, vật lý… tất tật, không tài nào tôi kham nổi, tôi không hiểu cái gì hết. Tự mình mà phát nản mình. Có điều là tôi chẳng bận lòng. Bằng vào vị thế gia đình mình thì gì chứ cái sự vào được đại học, nếu thiết tha, đối với tôi chẳng quá khó. Nhưng tôi cũng chẳng thiết. Đang được tự do một mình một cõi, cứ ung dung mà hưởng chứ tội gì phải âu lo nghĩ ngợi mệt đầu. Vả lại, dẫu học hành bết bát tôi vẫn cứ là trai Hà Thành độc đắc trong lớp. Không thơm cũng thể hoa nhài, ngoại trừ điểm số các bài kiểm tra còn thì tất cả các phương diện khác tôi ăn đứt mọi người. Mặc kệ học lực thế nào, tôi tin chắc trong mắt mọi người tôi chẳng hề là cái thứ lẹt đẹt, trái lại. Đám học trò chốn quê lẽ tất nhiên không thể nào lại không phục tôi, không thể nào lại không mến chuộng con người tôi. Chẳng hạn như là bọn con gái. Chẳng hạn như là Duyên.
Phải nói là vừa thoạt gặp, Duyên đã cảm tôi. Mới sơ tán về, nhập học vài hôm, tôi đã gần như là giằng được Duyên ra khỏi những bạn học đã nhiều năm rồi của cô. Cứ vậy nghiễm nhiên chẳng cần phải có cử chỉ gì, kể cả sự tử tế làm quen, tôi đã nhanh chóng chiếm lĩnh tình thân mến của cô gái xinh nhất trường, xinh nhất cả trong vòng vài mươi dặm quanh đây nữa.
Bây giờ điểm lại quả tình tôi cũng không thể nhớ hết được những nét hấp dẫn của mình hồi đó. Nhưng tôi nhớ tất cả những chiều chuộng Duyên đã dành cho tôi. Khác với thời nay, học trò hồi đó, nhất là ở quê, rất ngại và rất tránh cái chuyện bạn bè trai gái chỉ hai đứa, vậy mà Duyên đã dễ dàng chịu cho tôi tự nhiên như không ra mặt sóng đôi với mình. Tôi thì tất nhiên chẳng xá gì ai. Ngay ngày đầu vào lớp là chọn ngay chỗ ngồi cạnh Duyên. Dọc đường đi học, tan trường cũng vậy, luôn luôn tôi và Duyên. Trong lớp, ngồi sánh vai, tôi thoải mái quay cóp bài kiểm tra của Duyên. Bài tập về nhà, Duyên cũng cáng gần như tất cả cho tôi. Khi ốm phải nghỉ hoặc khi trốn học, tôi cậy Duyên ghi chép bài vở. Những hôm lao động, phải việc nặng là tôi ngầm nhờ Duyên. Đời tôi, trước đấy cũng như về sau này, không hề có được một người bạn nào thân thiết và tận tình cho bằng Duyên hồi ấy.
***
Hồi ấy ở làng Mơ, nếu không kể tôi là dân Hà Nội sơ tán về thì chỉ được mỗi Duyên học nổi lên cấp Ba. Ở đây hồi ấy lên được cấp Ba là cả một sự không vừa bởi lẽ làng Mơ vốn không phải đất học. Trong làng, con trai con gái gia cảnh dù thuận lợi thế nào cố lắm cũng chỉ nổi cái bằng lớp Bảy là tốt rồi. Vậy mà Duyên thậm chí về sau đã vào đến đại học, thậm chí sang học hành đỗ đạt tận bên Đông Đức. Có thể nói rằng ở Duyên mọi sự đều không như là lẽ ra cô phải như thế.
Có thể ngày nay đã khác rồi chứ còn thời đó tại miền quê tôi sơ tán, vẻ đẹp thiên nhiên không nuôi dưỡng vẻ đẹp của con người. Vất vả lam lũ, thiếu ăn đứt bữa từ nhỏ, từ nhỏ đã phải quần quật làm lụng, quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối, tóc cháy da sém, các cô gái trong vùng hầu hết kém nhan sắc. Một mái tóc mượt mà, một gương mặt ưa nhìn, một nước da sáng đều là lạ lùng. Đến như Duyên thì đã thành ra là một sự quá đáng, một điều trớ trêu. Còn hơn cả trớ trêu nữa, bởi nỗi xinh xắn như thế mà cô lại là con gái bếp Vệ, một con cóc già gớm guốc, xấu xí thô lậu không ai bì nổi. Chẳng những vậy, ông bố của Duyên còn là phần tử xỏ nhầm giày đi lính cho Tây thời tạm chiếm. Cải tạo trở về lão ta vẫn tiếp tục làm cho lý lịch của con gái thêm nặng căn bởi cái tội nhất quyết không chịu vào hợp tác. Trong khắp cả hai xóm của làng Mơ hồi ấy chỉ duy nhất hai bố con bếp Vệ là hộ cá thể.
Nhà, lão cũng cất riêng ra một xó. Hồi ấy hai xóm làng Mơ đều ở cả về phía đông đồi, độc có mỗi mình nhà của bố con bếp Vệ, chẳng thuộc xóm nào, nằm lẻ loi bên mạn tây lưng đồi. Nhà ba gian, sơ sài, mái tranh vách đất. Quanh nhà không rào giậu cũng chẳng vườn tược gì, chỉ hai cây cau cạnh giếng, một cây ổi ở đầu hồi. Nhà cửa nom tuyềnh toàng như vậy nhưng bếp Vệ là kẻ kiếm được, có của ăn của để. Ngôi nhà của lão bề ngoài có vẻ như là bị xa lánh, thực ra rất được thiên hạ ái mộ, bởi vì đây là quán cuốc lủi độc nhất của cả vùng. Cuốc lủi, song bếp Vệ nấu lậu công nhiên. Muốn uống chơi một cút hay muốn cho say nhè một giỗ cả chục mâm cứ dò đến lò bếp Vệ. Thường thì người ta xách chai đến mua về, nhưng cũng có thể tùy hứng lần đến ngồi nhâm nhi trốn đời suốt ngày ở gian giữa túp nhà tranh. Chỉ có điều tuyệt đối không được gây ồn làm ảnh hưởng đến cô con gái của chủ quán đang miệt mài đèn sách ở gian trong.
Cái sự lão Vệ cấm cung con gái là một trong những đầu đề để đàm tiếu của dân làng. Từ ngày lên thấu tới cấp Ba, Duyên được bố tha hết việc nhà, không phải làm lụng gì hết, chỉ học. Học chí chết, học tối ngày. Hồi ấy bởi vì chốn quê chưa được lốm đốm ánh điện như bây giờ nên ngọn đèn dầu ở bàn học của con gái rượu bếp Vệ nơi góc tây đồi Giàng luôn luôn một mình một chấm sáng vò võ rọi rất sâu vào canh khuya, thiên hạ có thể nom thấy được từ rất xa, ngay cả trong những đêm dài trời mưa. Tội nghiệp cô gái. Chăm chỉ cỡ cô ta quá thể là đáng thương. Dân làng kháo rằng bếp Vệ bắt con gái còng lưng học, học đến không ngóc đầu lên được như thế là cốt để sau này có thể thay mặt lão ngóc đầu lên. Đến nỗi những sinh hoạt ngoại khóa của trường của lớp, trừ phi không thể không tham gia, còn thì Duyên đều bị bố bắt phải bỏ. Bạn bè cả trai lẫn gái ở lớp đều bị ông bố của cô làm cho không dám bén mảng đến tìm cô ở nhà. Chỉ duy có tôi là lão không làm dữ, và chỉ khi bạn bè với tôi thì Duyên mới phần nào được nới lỏng lồng cũi.
Không hiểu vì sao mà được như thế tôi cũng chả cần biết. Sáng sớm tôi vòng qua bên kia đồi đón Duyên cùng đến lớp. Buổi trưa đưa cô về. Bếp Vệ thế nào cũng phải nhất thiết rước tôi vào nhà, tử tế mời mọc cho bằng được tôi nếm chơi một món nhắm nào đó lão vừa nấu. Với toàn thể thiên hạ lão đều mày tao, với tôi, lão gọi cậu. Bẩm cậu. Lão còn thân tình, rất đỗi tin cậy chịu cho tôi chiều chiều đón Duyên qua "nhà riêng" của tôi để học nhóm.
Dĩ nhiên vẫn chủ yếu là Duyên phải học. Tôi thì chẳng cố, có cố cũng chẳng vào. Nhưng mà tôi rất thích được ngồi ôn bài vở với Duyên, hai đứa bên nhau trong căn nhà vắng.
***
Dạo đầu, mới sơ tán về, buổi sáng đi học, tôi cùng Duyên theo lối tắt qua đồng Rạng, ngang cổng làng Ngọt gặp Hưởng, ba đứa cùng nhau đến lớp. Sang học kỳ hai lớp Mười, được cha gửi từ bên Tây về cho một chiếc xe đạp Mifa cực điệu, ngất ngưởng tôi diện lên chạy sáng choé con đường quê. Tôi có xe, Hưởng từ đấy một mình đi con đường nhỏ qua đồng lúa. Tôi thì lai Duyên theo đường huyện, vòng vèo, xa hơn, những ngày mưa không đoạn nào bị lầy lội, ngày nắng được bóng cây che. Chỉ có hai đứa với nhau thôi cực kỳ dễ chịu mà lại luôn luôn là chúng tôi đến lớp trước Hưởng.
Hưởng "gà nòi". Hưởng "thiên tài nhà quê". Cả hai biệt danh ấy đều là tôi đầu têu gán cho niềm tự hào của lớp. Không chỉ của lớp, Hưởng còn là của toàn trường, của cả huyện nữa. Đỗ đầu thi toán giỏi trong tỉnh, Hưởng lên thi ở cấp toàn miền Bắc và cũng đoạt giải, nhì hay ba gì đó. Song tay trạng nguyên này là đứa tôi ghét đặc. Giỏi thì làm cái gì chứ. Giỏi nhất lớp nhưng cũng khó coi nhất lớp. Thấp bé đen đúa, còm nhom. Quanh năm tứ thời chân đất, quần áo có lẽ chỉ độc một bộ, vá chằng. Đến lớp mà như đi cày. Mà cũng đúng thế, Hưởng chính cống một anh thợ cày, tan trường là xuống ruộng, con trâu đi trước cái cày theo sau. Là bí thư chi đoàn nhưng rất kém đường nói năng, lời lẽ đã vụng về lại nặng trịch cái giọng làng Ngọt không giống ai.
Tuy nhiên, sau này ngẫm lại, tôi phải tự thừa nhận rằng thái độ của mình hồi ấy coi thường Hưởng chẳng qua là vì tức tối, mình dốt hắn giỏi.
Nói gì đi nữa, những điểm năm của Hưởng vẫn đã khiến tôi rát mặt. Không hiểu bằng cái tài thánh nào, thời gian đâu ra mà giữa chồng chất bao nhiêu công việc đồng áng phải cáng, hắn vẫn hết sức chỉn chu bài vở, trăm thứ bà giằn kiểm tra với thi cử hắn vẫn luôn điểm cao nhất lớp. Khi còn bộ ba trên đường đi học với nhau tôi đã bực mình không chịu được cái lối của Hưởng chỉ cứ mãi hoài có mỗi chuyện học với chuyện điểm, ôn bài với truy bài. Chịu mãi rồi cũng có hôm không chịu được. "Đã bao giờ mày thấy cái ổ điện chưa mà cứ luôn mồm ôm với lại oát thế hả?", tôi nhạo. Và cục cằn làm hắn chưng hửng: "Mày giỏi kệ mày. Tao với Duyên cũng đã ôn bài cả chiều qua, làu làu rồi, thừa hiểu rồi, quái gì mà phải cần mày làm thầy.
Thú thực là ngay buổi đầu tiên đi với Duyên đến trường, qua cổng làng Ngọt gặp Hưởng nhập vào đi cùng, tôi đã lập tức thấy khó chịu. Tôi thích là thích Duyên chứ nào thiết cái thứ mà cô ta gọi là "bộ ba chúng mình". Mà Hưởng cũng vậy, tôi nghĩ, tuy bằng mặt nhưng trong bụng ắt hẳn hắn không khoái gì tự dưng có thêm thằng tôi xen vào. Trước khi có tôi xen vào, trên đường đi học ngang qua cánh đồng này, chỉ có Duyên và Hưởng. Hai đứa đã đi cùng nhau như thế từ ngày mới vào cấp Hai, đã hằng bao nhiêu năm rồi, đã thành cái lệ của hai đứa, phải nói là khăng khít. Tuy nhiên tôi nhanh chóng nhận thấy là thật ra cũng không phải khăng khít gì lắm. Đôi bạn quá trái nhau. Không chỉ ả cao anh thấp ả trắng nõn anh gầy gò đen xịt mà tính nết cũng cọc cạch.
Duyên tâm tính vô tư, hồn nhiên, nhẹ nhõm. Cứ ra khỏi nhà, xa khỏi ánh mắt của ông thân sinh hung tợn là cô hơn hớn lên ngay, vui vẻ ríu rít nói cười đủ chuyện. Còn Hưởng thì cứ hễ sự trò chuyện mà lạc ra khỏi hai đề tài làm bài với làm ruộng là hết ý, là ngậm hột thị. Với tôi đã đành, với Duyên hắn cũng chỉ biết ấp úng với lại cười trừ. Khi vào trong lớp, tuy ít lời nhưng Hưởng không phải đứa lầm lỳ, cũng như mọi đứa bạn khác thôi, nói năng chuyện trò, chơi đùa, cãi lộn. Song cứ ở bên Duyên là hắn tự dưng vừa như người lớn hẳn lên lại như nhãi ranh hẳn đi. Lời lẽ lúc rụt rè lúc cứng như gỗ, cử chỉ lụng vụng, lóng ngóng. Tôi thấy rõ là hắn sợ cô bạn của mình luôn luôn e mất lòng, chẳng bao giờ làm trái và nói trái ý cô. Có thể nói là trong nội bộ của bộ ba chúng tôi, cô nàng thì hết mực chiều tôi, còn anh chàng thì hết mực chiều cô nàng.
Đến cái hôm được tôi thông báo rằng kể từ sáng mai đừng đợi nhau nữa, "mày cứ đường đồng này mà đi, tao lai Duyên nên phải đường cái đi vòng". Hưởng không nói gì cả. Dĩ nhiên là hắn không vui rồi, tôi biết nhưng bởi Duyên vui vẻ tán thành ý tôi tách hội ra như thế cho thuận đường, đỡ sức và đỡ thời gian, đúng hay không thì cũng như mọi khi cô muốn thế nào hắn phải chiều thế nấy.
Vả lại có gì là trọng đại. Ban đầu trong lớp mọi người có bàn ra tán vào chút ít, chỉ trỏ, trêu chọc này nọ, nhưng cũng chỉ thế thôi, ai mà để ý mãi. Duyên thì rõ là rất thích đi học bằng xe đạp. Mất đi cái nếp quen thuộc ngày ngày có Hưởng trên đường tới trường đã không làm cho cô phải băn khoăn một tẹo nào. Tôi thì tất nhiên là cũng không hơi đâu mà áy náy. Dù không thể không tự thừa nhận rằng mình đã cố tình chơi trội Hưởng, nhưng còn quan hệ của hắn với Duyên, tôi tự thấy là mình đã chẳng hề ác ý chọc gậy bánh xe. Mà sự thực là thế. Không lẽ chỉ vì mấy cây số tôi đưa Duyên tạm tách ra mà hắn phải lấy làm điều để mà nặng nề với nhau, đúng không?
Thế nhưng Hưởng lại đã lấy làm điều. Bề ngoài hắn vẫn vậy, nghiêm túc học hành, nhiệt tình công tác lớp công tác Đoàn, với bạn bè không ít lời hơn không nhiều lời hơn, không vui hơn buồn hơn. Nhưng tôi thừa biết là hắn buồn. Duyên và mọi người không để ý nên không thấy, còn tôi thì tôi để ý. Âm thầm hắn ức tôi, hắn giận Duyên. Không có biểu hiện nào để bảo rằng như thế cả, nhưng tôi tin chắc là như thế. Đôi khi cũng muốn có một cử chỉ nào đấy để làm lành song không biết nên cử chỉ thế nào cho phải, với lại tôi nghĩ mình có làm cái gì đâu mà phải làm lành. Tôi thấy Hưởng không quân tử. Tôi nghĩ thằng này vặt tính. Đã vậy, tùy thôi, với tôi những lấn bấn cỡ thế này chỉ cái phẩy tay.
Mùa xuân năm ấy lạnh lẽo và mưa phùn lê thê như thể tiết thu mưa dầm. Trên các ngả đường tới trường ngang qua những cánh đồng khúc thì trơn như đổ mỡ khúc đen xì bùn lầy. Trước giờ vào lớp, thầy cô, bạn bè hầu như ai cũng bị ngấm mưa và ngấm lạnh ướt át, thâm tái, nhiều người túi dết với quần áo lấm lem vì trượt ngã. Nhưng mà mùa hè năm ấy lại như về sớm hơn lệ thường. Tháng Tư, đã gió nồm lộng thổi. Nắng vàng ruộm, trời trong xanh. Buổi sáng đến trường, tôi đạp xe lai Duyên, trưa về Duyên chở tôi. Buổi chiều đều đặn học nhóm hai đứa ở nhà tôi. Cửa sổ rộng mở trông xuống dốc đồi và trông ra mênh mông đồng bằng bát ngát.
Tiết trời tuyệt diệu và niềm vui lâng lâng cứ đủng đỉnh cùng tôi thong dong ngày qua ngày, từ lúc rạng mai cho tới tận khi mặt trời lặn hẳn.
***
Nhưng rồi một buổi chiều như là bỗng dưng sực nhớ ra, Duyên bảo: "Ôn tập nước rút thế này thì phải học nhóm với Hưởng chứ, không thì chết, không vững kiến thức mà thi đâu". Đến hôm đấy chúng tôi đã học được gần chót chương trình, chỉ còn phải tới trường nốt một tuần nữa là sẽ nghỉ để ôn thi. "Thôi, từ chiều mai đừng học ở đây nữa, chúng mình đi xe đạp xuống dưới Ngọt học ở nhà Hưởng nhé", cứ như không, Duyên bảo với tôi thế, dễ dãi, nhẹ nhõm. "chúng mình phải chịu khó xuống đấy với Hưởng, chứ còn rủ nó lên đây học cùng, chẳng may bố mà biết thì chết.
Hồi ấy không có thi tuyển vào đại học, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, và các đề thi hàng năm cũng không dữ dằn ghê khiếp vượt quá sức người như thời nay. Dù vậy thân phận học trò thì vẫn cứ thấy sợ khi kỳ thi tới gần, ngay cả đến thằng tôi cũng biết nhờn, cũng tự nhủ sẽ dốc sức ra ôn luyện. Mà với Duyên vấn đề không chỉ là thi đỗ, cô còn quyết đỗ cao, điểm ưu cả bốn môn, bởi như thế thì mới hy vọng át đi được phần nào cái lý lịch tối sầm. Cho nên lúc bình thường có thể không cần đến Hưởng lắm, nhưng đã tới giai đoạn nước rút, rà duyệt và củng cố lại kiến thức một lần chót, Hưởng trở nên cần thiết hơn bao giờ. Có Hưởng ôn tập cùng, có Hưởng kề bên giúp đỡ, sẽ vững tâm được, sẽ chắc ăn hơn. Tôi hiểu suy nghĩ của Duyên. Nhưng tôi thấy bực mình. "Đây đếch cần sát cánh với cái thằng chuyên đời học gạo ấy?", tức tối tôi gạt phắt đề nghị của Duyên. "Đấy muốn dựa dẫm nó, nhờ vả nó thì đấy cứ việc, nhưng cuốc bộ mà đến nhà nó nhá, chứ chẳng ai xe cộ đâu mà hầu, đừng có hòng!
Phút chốc, một lời như vậy, chúng tôi từ nhau.
Trong tuần lễ cuối cùng ấy của niên khóa, Duyên lại lối cũ đi ngang đồng rộng, qua làng Ngọt gặp Hưởng, cùng nhau tới lớp. Tôi một mình sáng đi trưa về đạp xe. Buổi chiều, Duyên chịu khó cất công đi xa xuống dưới làng Ngọt để học nhóm với Hưởng.
Được vài hôm thì bếp Vệ nhận ra sự việc. Lão sang nhà tôi. Ở trần, đầm đìa mồ hôi, nồng nặc hơi men. "Bẩm cậu. Vậy ra con Duyên nó không bên này với cậu?". Tôi nói chúng tôi đã tách nhóm, bây giờ Duyên chuyển xuống học nhóm dưới làng Ngọt. "Ra là cái con mất nết ấy nó dối bố nó! Học dưới Ngọt, tức thị là nó học với thằng con nhà Hào, có phải?". Bộ mặt thô sần đỏ bầm, lão vằn mắt lên, giọng rượu khàn đặc: "Thằng con nhà đó tôi đã mấy bận đe thẳng mặt rồi rằng khôn hồn chớ có mà tơ tưởng con Duyên nhà tao. Không có là tao thiến! Không có là tao chặt đầu, như là hồi nọ Tây nó chặt đầu thằng bố!". Lão nói là ngay bây giờ sẽ đi lùng hai đứa, trừng trị thằng đó và tắp lự lôi con đó về. Chẳng muốn can lão làm cái gì, mà không hiểu sao tự dưng tôi lại can: "Ông cứ kệ cho hai đứa nó học với nhau đến khi thi xong đã. Thằng Hưởng nó học giỏi lắm cho nên cái Duyên nó mới cần học cùng với thằng Hưởng". Đã phừng phừng hơi men và đang khùng lên cáu giận, lão già cựu ngụy quân vẫn lập tức nghe thấu được ra cái lẽ phải đầy khôn ngoan của tôi.
Vậy là nhờ tôi, Duyên và Hưởng hai đứa đã may mắn thoát nạn. Rõ là tôi đã rất tử tế. Vậy mà… Càng nghĩ tôi càng uất. Càng cốt ra không thèm lưu ý gì đến hai đứa tôi càng thấy căm. Một mình lầm lũi, buồn giận không để đâu cho hết. Ngày lại ngày lòng nặng ghen tức, chẳng biết trút vào đâu, học không vào được.
Nhưng rốt rồi cũng có được một cơ hội để tôi hả cơn.
Hôm ấy, buổi học sau cùng trước khi nghỉ ôn thi, chi đoàn tổ chức đăng ký tình nguyện Ba sẵn sàng. Bí thư Hưởng thay mặt toàn chi đoàn thảo một quyết tâm thư chung gửi lên đoàn cấp trên. Nội dung bức quyết tâm thư mới thảo ấy được đọc lên để mọi người góp ý kiến bổ sung. Đại khái là quyết tâm sau khi tốt nghiệp sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, dù khó khăn gian khổ thế nào cũng không quản ngại…
- Nhưng tại sao lại phải nhấn mạnh: sau khi tốt nghiệp?", tôi lập tức lên tiếng khi Hưởng vừa đọc dứt.
- Thì thế chứ sao… Gì thì cũng phải tốt nghiệp xong đã chứ?
- Thế mà dám gọi là sẵn sàng à?", tôi độp ngay. "Đã gọi là sẵn sàng tức là phải ngay bây giờ, ngay lúc này làm ngay!
Hưởng lúng túng: "Thì đúng thế… việc trước mắt, việc chúng mình phải làm ngay là thi cho tốt chứ còn gì?
Tôi cười vào mặt hắn: "Thôi đi. Sẵn sàng là sẵn sàng chiến đấu chứ lại sẵn sàng thi! Mày nói khôn thế. Mày thừa biết là hiện nay đang đợt tuyển quân mà. Trong lớp này, chỉ mày với tao đã mười tám. Thế nên mày có dám làm như tao ngay sáng mai lên huyện đội nộp đơn tình nguyện không? Có dám không? Không thì im đi, đừng có mạnh mồm sẵn với lại chẳng sàng!". Tôi hả hê nhìn bao quát cả lớp, nhìn thẳng mặt Duyên, và nhìn chằm chằm Hưởng. "Thế nào?". Ráo riết, tôi gặng. "Thế nào mày, Hưởng?
- Cũng được… ", Hưởng đáp, bối rối, cực kỳ thiếu cả quyết. "Được thôi….
Đến giờ, đã bao năm qua rồi, tôi không sao còn nhớ được tỷ mỉ chữ nghĩa của lá đơn tình nguyện nhập ngũ mà tôi đã viết chiều hôm ấy, song chắc chắn là tôi đã viết ra toàn những dòng lửa cháy, những câu văn dài sục sôi tâm huyết. Có thể nói là từ lâu trước đó tôi đã xác định rồi, tôi đã tự biết rằng đằng nào mình cũng sẽ tình nguyện nhập ngũ, sẽ trở thành phi công tiêm kích, trở thành sĩ quan tên lửa trở thành thuyền trưởng tàu phóng lôi. Đã định bụng như thế, lại thêm lời thách đấu, tôi càng quyết lòng hơn bao giờ hết. Cha mẹ đều ở xa, tôi không ngần ngại mạo chữ để viết những lời như đinh đóng cột khẳng định sự đồng thuận của gia đình.
Sáng hôm sau, y hẹn với Hưởng, tôi đạp xe lên huyện. Chẳng thấy mặt Hưởng đâu. Thằng hèn, tôi nghĩ, và càng thêm cả quyết, tôi mạnh mẽ bước vào trụ sở Huyện đội với lá đơn tình nguyện trên tay. Nào ngờ lời thách đấu của tôi hôm trước đã đến tai nhà trường và cơ quan cha tôi, họ nhanh chóng thông báo với ban tuyển quân để ngăn cản tôi. Thành ra chẳng những không chấp nhận đơn, cán bộ tuyển quân lại còn cạo tôi nữa. Ra trận đánh Mỹ không phải là cái chuyện để các cậu mang ra thách đố sĩ diện của nhau. Cậu tình nguyện nhưng phải gia đình đồng ý mới được. Đây là cậu mạo chữ ký bố mẹ. Còn cậu Hưởng cậu ấy con một, lại gia đình liệt sĩ nên càng phải được gia đình bằng lòng. Vậy mà bà mẹ cậu ấy vừa mới tới lúc sáng sớm đây này, khóc quá là khóc. Cho nên các cậu thôi ngay đi. Xạc tôi một trận, ông sĩ quan lại hạ giọng khuyên: "Gì chứ đánh Mỹ thì chả đi đâu mà vội, chả đi đâu mà sợ mất phần. Cứ chờ đợi, sẽ tới lượt. Trong khi chờ thì gắng mà học cho tốt với lại bạn bè với nhau cho tử tế.
Bị từ chối, nhưng tôi chẳng buồn gì chuyện đó. Thay cho chí anh hùng không được toại nguyện tôi đã có niềm đắc thắng lớn lao do đã hoàn toàn trên điểm Hưởng về phẩm giá. Đáng tiếc là cả lớp đã nghỉ học nên tôi chưa có ngay được cái hả hê giữa ba quân thiên hạ chỉ tay vạch mặt con người hắn, kẻ phải cậy đến nước mắt bà mẹ để rũ bỏ ý thức danh dự. Tôi thực sự nóng lòng lòng mong ngóng ngày thi, ngày hắn phải cùng tôi mặt đối mặt…
Ngày ấy đã tới, cuối tháng Năm. Tôi xăm xăm đạp xe đến trường, hăng hái mạnh bạo có lẽ hơn hẳn tất cả các thí sinh khác. Song, tôi đã không có ngay được cơ hội thanh toán nợ nần danh dự. Phần vì theo chữ cái tên riêng chúng tôi không được bố trí vào cùng một lán, phần vì hai ngày bốn môn, căng thẳng, nhọc mệt, âu lo, chẳng ai còn tâm trí đâu nữa mà nghĩ lan ra nhưng chuyện bên ngoài bài thi.
Dĩ nhiên, học hành như tôi thì thi cử quái gì. Hai ngày, cả bốn môn, đều cắn bút, đều gần như là để giấy trắng nộp bài. Nhưng thực tình tôi cóc cần.
Buổi chiều, u uất, chán chường, mệt nhoài sau môn thi cuối cùng, vừa ra khỏi cổng trường, tôi trông thấy Duyên và Hưởng bên đầm sen. Duyên ngồi trên bờ. Hưởng đang từ dưới đầm lội lên, trên tay một ôm gần chục bông sen hồng. Vứt xe đạp bên vệ đường, tôi chạy cắt bờ ruộng, lao xộc tới chỗ hai đứa. Không nhìn Duyên, hùng hổ tôi túm ngực áo Hưởng:
- Thế nào thằng thiên tài nhà quê? Mày gạo sống gạo chết bấy lâu chỉ để về sau được cày trên bàn giấy, thoát phận kéo cày dưới ruộng, đúng không? Vậy sao còn mạnh mồm tình nguyện với lại sẵn sàng? Mày hèn, mày trốn lủi không dám cùng tao lên huyện đội thì mặc cha mày, nhưng sao mày lại còn ton hót để cản đường tao?
- Không phải thế! - Duyên kêu lên, chạy tới giằng tay tôi - Hai người thách thức nhau ngay trước lớp chứ có phải thầm thì kín đáo gì đâu mà bảo là ton hót với cản đường cơ chứ?
- Im mồm! - Tôi xô mạnh, đẩy Duyên ngã ngồi xuống. Bó sen đổ xuống, vung tóe ra. Hưởng nhào đến. Chỉ đợi có thế, tôi đấm móc hàm hắn. Hưởng nhà nghèo phải học chậm một năm, còn tôi bị lưu ban một lần hồi cấp hai, nên lớp Mười mà cả hai đều đã mười tám tuổi.
Song, tôi khỏe hơn Hưởng là cái chắc. Tôi nện hắn ngã dụi, rồi nhảy tới, đè sáu chục ký lô lực lưỡng lên tấm thân nhỏ con gầy guộc của Hưởng, đấm tới tấp, không thương tiếc, nhằm giữa mặt.
- Thằng bần tiện, thằng hèn, thằng công tử bột đáng khinh…", tôi nghe thấy thế, hình như Duyên đã gào lên như thế. Nhưng khi các bạn học và những người qua đường xúm tới gỡ chúng tôi ra, loạng choạng đứng dậy ôm cái mặt mình bị Hưởng đấm rách môi vỡ mũi nhìn quanh, thì tôi đã chẳng còn trông thấy Duyên đâu nữa. Tôi đây lại là thằng hèn ư? Có phải lời rủa xả của cô ta là nhằm vào tôi không? Thằng đáng khinh, thằng bần tiện?
***
Cả lớp chỉ mình tôi trượt vỏ chuối. Hưởng thì cố nhiên điểm thi đầu bảng khối Mười của cả tỉnh. Nhưng mà tôi đã tuyệt nhiên cạn sạch lòng ghen tỵ. Chẳng hiểu là do đâu. Như thể là cuộc ẩu đả bên bờ đầm sen đã nặn hết ra khỏi tôi những giọt độc của thứ tình cảm bần tiện ấy. Lẳng lặng tôi rời khỏi làng Mơ, chẳng chào ai. Gia đình bố trí để tôi lên khu sơ tán của mẹ, chờ kỳ thi năm sau…
Kỳ thi năm sau may mắn trót lọt, mặc dù điểm số chỉ nhàng nhàng, tôi được sang Liên Xô du học. Tốt nghiệp về nước vừa vặn ngày Toàn thắng. Tôi dạy đại học vài năm rồi lại sang Nga học nghiên cứu sinh, làm luận án phó tiến sĩ. Rồi nữa, luận án tiến sĩ. Bây giờ thì cuộc đời tôi đã thật hoàn hảo, tuy nhiên theo một ngả có thể nói là hoàn toàn khác với chí lớn anh hùng thời trai trẻ học trò.
Hồi ấy Duyên cũng đã đỗ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với điểm số chắc là rất cao. Song, cao đến mấy thì cũng thật khó hiểu cái sự người ta chấp thuận để cho cô ôm một cái gốc gác, một cái lý lịch tệ hại như vậy bước chân vào đại học. Lại còn là đại học nước ngoài.
Sau bảy năm lưu học ở Đông Đức, Duyên về làm việc ở Hà Nội. Và thế nào mà cũng cùng dạy một trường với tôi, chỉ khác khoa. Gặp nhau cũng mừng, cũng chút bối rối, nhưng nói chung thì tôi không thấy trỗi lên một tình cảm đặc biệt gì. Đến khi nhận thiệp mời dự đám cưới của Duyên với một giáo sư ở cùng khoa với tôi, thì cũng như với mọi đám cưới bạn bè khác, tôi cũng chẳng mấy bận lòng.
Thành ra, thật khó cắt nghĩa niềm lưu luyến của tôi với làng Mơ. Tuổi trẻ đã nguội đi từ lâu, lòng dạ uể oải, trái tim buồn ngủ, nhưng hình như vẫn có gì đó trong tôi chưa lụi hẳn. Vài năm một lần, cuối thu, tôi về làng. Có khi cũng chẳng vào thăm nhà ai. Chỉ leo trăm bậc tam cấp đồi Giàng, lên đình ngắm cảnh đồng bằng mờ trong sương thu.
Nhưng bao giờ trước khi ra về tôi cũng vào thăm nghĩa trang liệt sĩ của xã ở bên mạn đông đồi Giàng. Gần hết các bạn trai cùng lớp Mười với tôi hồi ấy yên nghỉ tại nghĩa trang này. Hầu hết hy sinh ở mặt trận phương Nam. Nghe nói nhiều người chỉ là tên tuổi trên bia mộ thế thôi chứ hài cốt chưa được tìm thấy hoặc là gia đình chưa có điều kiện vào Nam đón về. Mộ của Hưởng là như vậy, chỉ tên trên bia mộ, hài cốt chưa tìm thấy. Tôi không hỏi, mà cũng không biết hỏi ai xem nguyên do thế nào mà hồi ấy sau khi học xong lớp Mười, Hưởng vẫn đã vào bộ đội.
Tất nhiên không phải là tôi hoàn toàn không hiểu. Vào những năm tháng anh hùng ấy chúng ta ai cũng chí lớn như ai, nhưng rồi ra mỗi người lại bước đi trên những ngả đường tuyệt đối khác xa nhau. Cái đó người ta vẫn gọi là số phận, là định mệnh. Đời tôi chẳng hạn, chỉ chút nữa thôi đã hướng khác rồi. Có thể là tôi đã vào bộ đội, đã lâm trận, trực tiếp chiến đấu ở hàng đầu. Đáng lẽ tôi đã là một con người nào đó, vậy mà tôi lại là tôi như bây giờ đây. Sự đời là thế, không có gì là khó hiểu, dù vậy, thú thực tôi vẫn không hoàn toàn hiểu nổi vì sao lại thế.
______________________
Thách Đấu Thách Đấu - Bảo Ninh