The walls of books around him, dense with the past, formed a kind of insulation against the present world and its disasters.

Ross MacDonald

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 544 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ằng năm Tết đến, nhà nhà đều chuẩn bị đón Xuân. Người Việt ta thường lo sắm Tết từ đầu tháng chạp và chào mừng năm mới không chỉ có ba ngày như phần đông các nước Tây phương mà đối với dân ta « Tháng giêng là tháng ăn chơi » sau một năm làm lụng vất vả. Chủ yếu là nông nghiệp, ở thôn quê, mùa gặt đã xong, ai cũng muốn thoải mái nghỉ ngơi, tổng kết thu hoạch, rút kinh nghiệm năm vừa qua, đặt niềm tin hy vọng vào năm tới. Hơn thế nữa với truyền thống đẹp mang bản sắc dân tộc có lý có tình có hậu « Cây có cội nước có nguồn », « Ăn trái nhớ kẻ trồng cây », dân ta có tập tục tiễn biệt năm cũ đón mừng năm mới thật sáng tạo thơ mộng hòa đồng với người hòa hợp với đất trời.
Tết ta theo âm lịch nên luôn luôn không bao giờ có trăng. Tùy tháng chạp thiếu đủ, ngày cuối năm sẽ là 29 hay 30 trái với Âu Mỹ theo dương lịch nên đêm giao thừa có khi lơ lửng vầng trăng treo. Tập tục đón Xuân một phần ảnh hưởng do đêm trừ tịch không có bóng dáng chị Hằng nầy. Cuộc kết thúc nào cũng thường có hai mặt tích tiêu. Nó biểu hiện cho sự vỉnh viễn ra đi và ngược lại tia sáng ở cuối đương hầm, niềm hy vọng vào tương lai. Ðêm tối cũng làm cho ta hoang mang lo âu bồn chồn tưởng tượng đến bao chuyện không may và cũng là thời gian liều thuốc cần thiết Thần ngủ ru ta vào giấc mơ an dưỡng. Ðây còn là điểm cuối xuống hàng sang đoạn qua trang của một ngày hay năm, giới hạn giữa ngày và đêm, tối và sáng, cũ và mới âm dương.
Xưa kia, người Việt ta tin vào Thần quyền, những đấng khuất mày khuất mặt linh thiêng nên có những tập tục thờ cúng sùng bái đa dạng phong phú theo bản năng tự nhiên, bảo thủ thường không nặng tính khoa học thành rườm rà mơ hồ khó tin khó giải thích làm người đời sau cho là mê tín dị đoan.
Thật ra với nếp sống chạy đua nước rút của thời đại ngày nay, thời giờ là tiền bạc, tất nhiên là nên đơn giản hóa mọi việc để thích nghi. Nhưng không thể vứt bỏ hết mọi thứ vì những tập tục cổ truyền vẫn là dấu mốc quá khứ, chứng tích hữu hình, tâm linh của ông bà ta theo dòng lịch sử dựng và giữ nước. Nhờ đó ta mới truy nguyên ra được tâm tư nguyện vọng, lòng yêu nước, óc tiến thủ, sáng kiến, quyết tâm khai phá của một dân tộc hiếu hoà chỉ muốn sống còn trong độc lập tự do truyền lại cho thế hệ mai sau.
Vốn gốc là dân đi khai phá khẩn hoang lập nước, phải tranh đấu triền miên với khí hậu « sơn lam chướng khí », thiên tai, giữ đất giành độc lập tự do, kinh nghiệm máu xương đó cũng góp phần cốt yếu cho tình yêu quê hương, gia đình, tính biết tiên liệu, vui hưởng nhất là ôn cố tri tân luôn nhớ công lao của tổ tiên cùng nhau nhìn về phía trước. Tết quả là cơ hội đặc biệt hòa hợp với thiên nhiên thực hiện tổng hợp các thành tố trên phân biệt hẵn thế nhân với sinh vật khác trên quả địa cầu.
Thử lướt qua không khí Tết khắp nơi trên thế giới, phải công nhận là Tết ta rộng rãi quá, làm cho con người xích lại gần nhau hơn, tìm lại chính mình, nhớ đến cội nguồn, hòa đồng thân thiện.Trẻ em Tây phương chẳng hạn, với nền văn minh cao, đầy đủ tiện nghi vật chất, thế mà chắc chắn là không bao giờ có cái tâm trạng háo hức được quây quần đoàn tụ đùm bọc đón Xuân như trẻ em Việt ta. Trẻ em Âu châu có thể còn thích thời gian lễ Giáng sinh hơn vì Tết thường dành cho người lớn. « Nói có sách mách có chứng », vậy chúng ta hãy cùng nhau hồi tưởng tìm hiểu một vài tập tục đón Xuân trong mỗi gia đình mà ngày nay phần đông ít ai còn nhớ đến hoặc chỉ làm theo tập tục..
Thật ra ít có dân tộc nào mà tinh thần đón Xuân cao và lâu như ta. Từ đầu tháng chạp cuối năm là đã lo chuẩn bị rồi, tùy theo hoàn cảnh gia đình như lập chương trình như đưa con về thăm nội ngoại, quà biếu xếp lớn xếp nhỏ, gia đình họ hàng, quà « lì xì » cho con cháu của mình, bạn bẻ và cả hàng xóm láng giềng. Ít có ai đi du lịch chơi xa trong thời gian nầy khác hẵn với người Âu Mỹ chỉ chờ được dịp nghỉ là « bồng bế nhau lên nó ở non » dự những cuộc thể thao với tuyết băng về mùa Ðông, du lịch Cruise trên biển cả ở các quốc gia có nắng.
Tết của ta cũng có thủy có chung, kéo dài từ tháng chạp cuối năm sang năm mới cả tháng giêng. Chúng ta chẳng những vui hưởng chung với nhau mà còn biết hòa đồng với thiên nhiên sinh vật khác và thanh cao mầu nhiệm hơn với bên kia thế giới chúng sinh, cõi vĩnh hằng vô lượng.
Không giải thích cụ thể rõ ràng rành mạch được những vấn đề tâm lý trừu tượng vô hình siêu nhiên, phải phục ông cha ta đã khéo dựa vào cái không không ấy thành có như trừ trừ thành cộng, những chuyện mà ngày nay thế hệ trẻ cho là hoang đường mê tín thành những bài học hữu dụng. Dựa vào kinh nghiệm sống phải đương đầu với bao thiên tai về phong thổ thời khí, khai hoang lập ấp dựng bờ mở cõi, săn đuổi thú dữ để sống còn gầy dựng, tổ tiên ta phải thông minh kiên trì gan dạ mới tạo đươc cho con cháu hậu sinh một giang sơn gấm vóc hình chữ S ngày nay.
Tập tục rước ông bà về với con cháu chiều cuối năm và tiển đưa mùng 4 hoặc mùng 7 đầu năm chứng tỏ lòng nhớ ơn của một dân tộc biết đoàn kết sống theo bước tiến của cha ông. Trước khi muốn ai đến nhà mình thì mình phải trân trọng đến mời, đó là học phép xử thế. Lễ tảo mộ thường bắt đầu từ nửa tháng chạp là bằng chứng cụ thể rõ ràng con cháu chẳng những lịch sự mà còn hiếu thảo « giẫy mả » sơn phết lại mộ phần cơ ngơi của người quá cố để cùng nhau đón Xuân. Tổ tiên ta há chẳng đã hé mở cánh cửa văn minh cho chúng ta rồi sao? Phép xã giao « tại gia » đã được truyền dạy trước từ lâu.
Vì thế người ngoại quốc sẽ lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong những ngày đầu năm ông bà về thì bàn thờ khói hương nghi ngút, sáng tối dâng trà, trưa chiều cúng cơm, giàu thì mâm cao cỗ đầy, nghèo thì tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình. Thật ra, đây chỉ là dịp để bồi dưỡng thêm sức, gặp mặt vui chơi sau một năm làm việc mệt nhọc, xóa bỏ xích mích giận hờn. Có ở xa đâu đi chăng nữa, « Tết nhứt » cũng cố sắp xếp về thăm nội ngoại. Có chứng kiến cảnh đoàn tụ quây quần bên nhau của những người cùng huyết thống, ta mới cảm nhận được bài học triết lý sâu sắc của cha ông « tề gia », đoàn kết nhỏ trước rồi sau đó mới có đoàn kết lớn, « trị quốc, bình thiên hạ » được. Là hậu bối của các bậc tiền hiền uyên thâm quảng đại như vậy phải là do ơn may vì không ai có thể chọn trước được cha mẹ mình.
Thi vị và huyền bí làm sao huyền sử Con Rồng cháu Tiên rạng ngời hồn dân tộc! Thật ra chưa ai thấy Rồng cũng như Tiên, nhưng ai cũng cho rằng rồng có sức mạnh như vũ bão, tiên đẹp tuyệt trần. Trên thế giới hầu như dân tộc nào cũng có truyền thiuyết về việc lập quốc thường được biểu hiện qua một hình ảnh nào đó. Pháp ngoài lá cờ tam tài xanh trắng đỏ thêm lá cờ với hình vẽ « con gà trống » để mỗi lần đi dự thi tranh giải thường mang theo phất cao hầu nói lên sự có mặt của mình và khích lệ « ba quân », thắng trận là đầy ấp trên trang đầu các tờ báo hình ảnh chú gà trống giương cánh gáy ò ó o. Nhật hảnh diện ví mình là con cháu Thái dương Thần nữ nên trên lá quốc kỳ có vòng tròn đỏ biểu hiệu mặt trời.
Do đó tập tục « dựng nêu ăn Tết ăn chè » ngày nay không còn nữa, trước nhà vào chiều cuối năm cũ và hạ nêu chiều mùng 7 đầu năm mới quả là một sáng kiến thật độc đáo sáng tạo văn minh của cha ông. Người ta dùng cây tre thật thẳng cao, đốt to dài, tuốt hết gai cành, tùy vùng, chung chung là treo trên ngọn một mảnh vải đỏ, bên dưới một giỏ đựng trầu cau, một lá bùa Bát quái. Ðó là cách biểu hiên ranh giới ngăn cách thế giới người với ma quỷ, chứng nhận nhà nầy có chủ hợp pháp, có lý lịch tốt, tà ma « quyền lực đen » không được quấy phá đi chỗ khác chơi, vì nhà nầy thuộc về con dòng cháu giống đúng con cháu Rồng Tiên Như vậy tổ tiên ta há chẳng đã đi tiên phong trong việc dựng cột treo quốc kỳ đó sao?
Người Ấn độ xem bò là con vật linh thiêng, ta không « thờ » các con vật nhưng cũng tránh không gọi đích danh như cọp là ông Ba mươi, ông Hổ, con rắn là ông Dài,… Một tập tục biết phải quấy khác là không quên ơn thần linh liên quan trực tiếp đến cuộc sống nên trong ngày Tết có cuộc đưa Táo quân Thần bếp cởi cá chép về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế tình hình thế sự tối 23 và ruớc Ngài vào tối tháng cuối năm.
Có những nghi lễ mà ngày nay dường như ít còn ai nghĩ đến là lễ cúng đầu năm xin tuổi. Người Việt ta thường thờ cúng ông bà, tin tưởng ở Trời phò hộ, Thần linh, đấng khuất mặt khuất mày độ trì. Các bậc Nho gia văn thi sĩ thường khai bút đầu Xuân để đón năm mới, tổ tiên ta lập bàn hương án trước nhà tạ ơn Trời Ðất cho ta sống đến ngày nay, xin thêm tuổi mới, dùng cây hương điểm qua trên các đồ hình « khai nhãn » để thấy cái đẹp muôn màu muôn vẻ quanh ta, luôn cảnh giác phân biệt chánh tà, « khai nhĩ » để biết nghe lời hay ý đẹp, « khai khẩu » để biết trên trọng dưới nhường « lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau » « ăn coi nồi ngồi coi hướng » đừng bạ đâu ngồi đó, tệ hại hơn nữa là giành giựt cấu xé nhau vì miếng ăn vị thế cao sang, « nhả ngọc phun châu » chứ đừng « ngậm máu phun người » « xuất khẩu thành thơ » chứ đừng … đồ dõm, hàng lậu, khai mũi, khứu giác để phân biệt nơi sạch chỗ dơ, không chỉ để ngửi « đánh hơi đồng »..
Xem đến đây, các bạn trẻ đừng vội mắc cở cho rằng ông bà ta sao mà mê tín quá, « quê ơi là quê ». Không đâu, đây quả là một lối giáo dục sắc bén gây chú ý đánh mạnh trực tiếp vào tâm hồn con người bằng cách gợi hình cụ thể vì ngũ quan là sinh lộ quan trọng thiết yếu chẳng những cho cơ thể tâm linh mà còn là nguồn gốc của tham sân si,hỉ nộ ái ố. Lối giảng dạy âm thầm, thâm trầm, bình dị đó như « nước chảy đá mòn » thấm dần vào đầu óc trẻ lúc nào không hay. Tuyệt chiêu.
Hơn thế nữa lúc nào truyền khẩu vẫn là phương cách truyền bá tư tưởng, tin tức hữu hiệu nhất, nhanh chóng nhất có từ thời xa xưa dựng và giữ nước chưa có chữ viết. Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại văn minh đầy đủ, tự do và khoa học kỷ thuật dù không giải quyết được hết mọi vấn đề, cũng đã chứng minh làm sáng tỏ được bao điều thắc mắc huyền bí trước kia. Chúng ta thường quá khắt khe trong việc phê phán các dữ kiện thời xa xưa, đòi hỏi phải được giải thích bằng khoa học, lý trí, số học. Trước kia người cùng thời với Galilée chẳng những không tin trái đất quay mà còn lên án ông phản động buộc tội ông dám nói ngược lại chủ trương của giới cầm quyền lúc bấy giờ. Những tác phẩm hay nổi tiếng quốc tế « Mười ngàn dậm dưới đáy biển », « Tám mươi ngày vòng quanh trái đất » của nhà hàng hải đại văn hào Pháp Jules Verne cũng chỉ được độc giả thời ông xem như là những quyển sách du lịch sáng tạo viễn vông không có thật kích thích trí tưởng tượng óc viễn du, mơ một thế giới trên trời dưới biển mơ hồ hoang đường bí hiểm mà kỳ thú, thế thôi.
Ngày nay văn minh rồi cũng không thay đổi, tuyệt tác Harry Potter của nữ văn sĩ Rowling nổi danh thế giới là bằng chứng hùng hồn nhất. Con người vẫn mơ những chuyện kỳ lạ, bí hiểm, huyền hoặc, quyền lực siêu phàm, phủ phàng, những chân trời, xã hội tương lai phóng đại tối đa kích thích tận cùng giữa thật và ảo, tranh tối tranh sáng ghê rợn, tốt xấu quyết liệt chống nhau bất phân thắng bại, phản ảnh tổng hợp khuynh hướng mới cũ, xưa nay, có khác chăng là càng tiến bộ, con người có những viễn ảnh sáng tạo kiên quyết táo bạo hơn cả hai mặt trái phải..
Rồi thế giới có tiến xa thế nào đi chăng nữa dần dần cũng khám phá ra có chuyện khó tin mà có thật, trái lại ngày nay với hào quang của khoa học kỷ thuật, tôn giáo, con người vẫn bó tay thúc thủ chưa giải thích nổi bao hiện tượng huyền bí siêu nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy, đạo đức càng ngày càng tráo trở, lật lọng vô độ khó lường, khó còn giữ trọn vẹn niềm rin..
Ðiểm độc đáo ở đây là để giáo dục con em, tùy theo dân trí mỗi thời, tổ tiên ta đã biết dùng hình tượng hành động cụ thể để diễn tả truyền đạt tư tưởng, hướng dẫn theo nề nếp đạo đức truyền thống dân tộc, không phương hại hay làm ngu dân. Không có lối độc tài áp bức, cưởng chế đe dọa nào hết. Lối giáo dục nhân bản, có tình người đã được rao giảng lưu hành hữu hiệu cho đến ngày nào dân trí cao cho rằng lối giải thích đó không còn thích hợp nữa thì tập tục đó tự phai đi. Ðừng coi thường những thói quen, lưu ý nhắc nhở cần thiết có ảnh hưởng tốt đối với cá nhân tập thể.
Như việc nuôi dạy trẻ cũng tùy thuộc vào tuổi tác thời kỳ mà hướng dẫn từng bước. Không có chuyện thần đồng mới ba tháng mà « nhảy lớp » biết nói biết đứng chựng được. Phải có sự huấn luyện, khô cả cổ, đau cả lưng, lập đi lập lại nhiều lần, té lên té xuống, u đầu sưng trán, qua « thôi nôi » mới hy vọng trẻ biết bập bẹ nói, chập chững biết đi. Hơn thế nữa còn tùy thuộc sức khoẻ cá tính và hoàn cảnh sống mà mỗi em tiến nhanh hay chậm không có mốc thời gian nào nhất định.
Chưa giải thích được bằng lý, khoa học được thì tổ tiên phải tận dụng cái gì mình có, mình thấy, mình biết. Những hiện tượng con người phải tiếp xúc hằng ngày không biết cội nguồn căn nguyên, mù tịt không cắt nghỉa rành mạch được thì người xưa cũng phải tìm hiểu sâu sát vấn đề bằng cách nầy cách khác. Có mặt trời mặt trăng, ngày đêm, nam nữ, sống chết thì tất có thế giới hữu hình vô hình, có trời đất thì có thiên đàng địa ngục, có thần thánh tà ma ác quỷ. Những chuyện siêu nhiên vượt tầm hiểu biết thì thuộc về thế giới khác huyền bí, mà vị chỉ huy tối cao tối thượng là Trời, dưới có các Thần linh Tiên nữ…như cách tổ chức chính quyền kẻ cả tôn giáo sau nầy.
Chẳng hạn như cũng để răn đe con cháu, hay đúng hơn để hữu hiệu hóa phương cách giáo hóa con em, ta dựa vào Thần quyền nên có tục lệ tiển đưa ông Táo, những vị « dân biểu » về trời họp, dâng sớ tấu trình tổng kết tình hình mỗi gia đình cuối năm. Ðây có phải chăng cũng là tập tục manh nha các tờ báo cáo tổng kết hoạt động kết quả thành tích cuối năm hay rộng ra ngày nay đơn thỉnh nguyện, kêu oan, khiếu nại, làm reo biểu tình…Tư tưởng tổ tiên đã nghĩ đến guồng máy hành chánh, luật pháp, thật tiến bộ làm sao !
Cũng không chừng vốn biết tâm lý con người thường thích sống hơn chết vì không biết cái thế giới bên kia thế nào nên phân vân hoài nghi, sợ điều bất trắc xảy đến do quyền lực siêu nhiên, ông cha ta đã khéo hướng dẫn lèo lái con cháu theo hướng ý của mình theo cách « ở hiền gặp lành », « tích ác phùng ác,tích thiện phùng thiện ». Óc sáng tạo của tổ tiên kỳ thú biết bao !
Mùng ba Tết là ngày Tết nhà, Tết trâu, lẩm lúa, vườn tược, chuồng heo gà bò….Nói chung chung những nơi hay sinh vật liên quan trực tiếp với cuộc sống của gia đình. Thường những đòn bánh Tét được tét ra từng khoanh, bánh ít, sau khi cúng được đem cho heo gà ăn, tượng trưng cho sự xác nhận khen thưởng công trạng. Ðây cũng là một cách dạy ngồ ngộ thâm trầm vẫn mang tính cách hòa đồng nhân bản. Trên đời, là sinh vật dù là con người, sinh vật cao cấp nhất, vẫn phải nhờ đến người khác, không ai sống một mình được. Nước nào cũng đề cập đến việc nầy cho rằng người dân một nước như thể anh em, tôn giáo còn nhấn mạnh rõ hơn, chúng ta đều là con của Ðấng Tối cao. Tổ tiên ta chẳng những ý thức được điều đó mà còn biết diễn tả bằng phép xưng hô gọi nhau như người thân ruột thịt anh chị em chú bác cô dì,…Các bạn thấy không, di chúc để đời phải học và hành đó.
Chúng ta thường quên điều ấy nên có sự phân chia giai cấp giàu nghèo như trước kia giai cấp cùng đinh (les parias) ở Ấn độ chằng hạn chịu nhiều điều tủi nhục nhất. Họ phải sống trốn tránh như người cùi hủi, không được chường mặt ra ngoài, vì nếu người quyền quí giàu sang nào chẳng may đụng vào họ, về nhà phải tẩy uế và có khi còn cắt cả chỗ quần áo nào chạm phải. Cũng chính từ lòng ích kỷ tự cao tự đại quá độ đã làm nẩy mầm móng kỳ thị chủng tộc tôn giáo và chiến tranh tất nhiên có cơ phát triển và địa bàn hoạt động càng ngày càng bành trướng hơn.
Ông cha mình không nghĩ như thế đâu, ngay cả thú vật trong nhà, nói chung sinh vật cỏ cây đều được nhớ đến như để xẻ chia chung hưởng. Không có chuyện trên đội dưới đạp, « ăn cháo đá bát » của những kẻ không tự trọng vô liêm sĩ khi được « ngồi mát ăn bát vàng » rồi thì vong ơn phản phúc, trở mặt « lên chân » khinh người.
Hằng năm Tết đến, nhìn bao cây nhang sau khi đốt xong cuộn tròn trên phần cọng nhang còn lại, tàn rơi đầy trên lư nhang, khi còn sinh thời má tôi thường vui mừng kính cẩn bảo:’ Ông bà về rồi, nhang cong là ông bà chứng giám lòng thành con cháu đó’. Bao nhiêu tuổi đời Xuân đến, tôi vẫn được nghe những câu nói tương tự như vậy kèm thêm vài câu chuyện vui, hành động đáng nêu gương của ông bà, lâu lâu bà lại cười cười kể xen vào những tập tục cổ xưa thời mẹ tôi còn nhỏ, như chôn cái « rế » lót nồi trước cổng nhà để xua đuổi bọn « đầu trộm đuôi cắp », mà theo năm tháng dần trôi không còn ai giữ nữa.
Nhớ sao là nhớ không khí Tết quê hương, với bông vạn thọ tượng trưng cho sống lâu « trăm tuổi bạc đầu râu », cành mai rực vàng năm cánh đem đến may mắn cho gia đình. Ngày mồng một thì khỏi sợ bị rầy, ai cũng phải phép tắc lễ độ, mắt mày tươi vui ‘ vì buồn ngày đầu năm thì buồn cả năm luôn’. Những bao thơ đỏ lì xì làm rộn lòng các em trẻ nhỏ tung tăng trong quần áo giày dép mới, những câu chúc mừng năm mới vang vang từ trong nhà ra đến ngoài đường, đâu đâu cũng vui như hội.
Têt nguyên đán gồm bao yếu tố điều kiện thiên thời địa lợi muôn màu muôn vẻ hòa hợp thiên nhiên với cuộc sống trần gian. Ðây còn là cơ hội cho chúng ta nhìn lại quá khứ ôn cố tri tân, tự hào về nguồn gốc, óc tiến thủ dấn thân của tổ tiên, tìm lại bản ngã tự kiểm tự phê sống hòa đồng đoàn kết bình đẳng, bổ sung bồi dưỡng tiềm năng, sức khỏe, kiến thức để đừng đánh mất lấy chính mình.
Không có Tết nơi nào đẹp thân thiện và đầy ý nghĩa bằng Tết ta quê nhà vì tình người luôn luôn còn có dịp trổ hoa. !
Tết Ta Tết Ta - Trần Thành Mỹ