Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Yên Sơn
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 747 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
rong đời người có lắm chuyện buồn vui! Chuyện buồn vui kể sao cho xiếc, nhưng tôi cũng xin được chia sẻ với mọi người những chuyện xảy ra cho tôi trong mấy ngày hôm nay! Tôi không bao giờ dám than oán bởi vẫn biết “sông có khúc người có lúc”! Dẫu biết rằng “áo quần còn có số, huống chi con người”, chuyện hên xui may rủi trên đời không thiếu gì! Tôi tin tưởng “trời kêu ai người đó dạ”, chỉ là khi ông trời cắc cớ kêu đến tên mình, tôi sẽ giả vờ như chưa hề nghe thấy!
Kể từ khi bị thôi việc ở công ty điện toán HP, vì cảm nhận cái ngành chuyên môn đầy bạc bẽo “Commercial Desktop Tenhical Support Engineer” của mình không còn chỗ đứng trong cái thế giới cạnh tranh xả láng này, mà đã “ôm cầm sang thuyền Ấn Độ”, tôi mở trường dạy võ. Tất cả những lớp dạy đều vào buổi chiều tối. Ban ngày tôi có khá nhiều thì giờ rảnh rỗi, khi thì nhận dạy thế (Substitute Teacher) ở các trường Trung học, khi thì làm việc cộng đồng. Ăn cơm nhà vác và đánh bóng ngà voi. Khi thì văn thơ, lúc lại hội hè! Những nhiễu nhương này cũng làm tôi tất bật. Sợ tôi “ở không sinh chuyện” nên “nhà tôi” – my house/my wife - khuyến khích tôi tiếp tục như thế để bớt thấy trống vắng khi số tuổi chưa kịp già! Vâng, tôi quyết định không thèm già mặc dù tôi vẫn biết đang nhích dần trong hàng đi về hướng mặt trời lặn! Lòng tôi sẵn sàng bao dung, độ lượng cho những ai muốn chen lấn, cắt hàng phía trước mặt tôi. Tôi cũng dự định khi tới gần đầu “cầu định mệnh”, sẽ rất lịch sự tránh đường quanh lại khúc sau!
Sở dĩ tôi chọn nghề dạy học vì biết rằng “đang dạy gọi là còn dạy, hết dạy sợ bị mất... mát”! Đi “dạy thế” mới đầu cũng vui, nhất là dạy môn mình thích. Dạy các lớp 6, lớp 8 còn có uy nhưng gặp những lớp 11, 12 ở khu trường nhiều Mỹ đen và Mễ thì nản ơi là nản! Ở trường võ, học trò kỷ luật nghiêm minh bao nhiêu thì ở đây trái ngược hoàn toàn. Lũ học trò những lớp này, con trai đứa nào cũng cao to như con bò mộng, ăn nói bất kể, chửi thề xoành xoạch! Con gái thì đỏm dáng ra phếch, áo quần “nghèo nàn”, rách chỗ này, thiếu vải chỗ kia. Mỗi lần chúng vào lớp thì đứa nào cũng cell phone, cũng gương, cũng lược! Đôi khi chúng còn ôm nhau xà nẹo trước mặt thầy; thầy có la rầy cũng vô dụng, thầy nói thầy nghe! Đôi khi có đứa còn nhảy lên bàn thầy ngồi, head phone hai bên tai, ipod trên tay nhún nhún giựt giựt như khỉ mắc phong, thiệt không ra cái thể thống gì hết! Thầy giảng bài cứ giảng, trò ngồi đấu láo như không! Thầy tự hỏi những học trò như thế này mai mốt trưởng thành sẽ đi về đâu! Tôi chợt hiểu ra tại sao nước Mỹ có rất nhiều gầm cầu và ngữ tư đèn xanh đèn đỏ! Nghĩ lại thời học trò xưa kia của mình, của bạn bè trang lứa mà thấy thương mến vô vàn!
Đùng một cái cơn bão Katrina kéo tới! Bà con người Việt, bạn bè bên New Orleans tay xách nách mang, hớt ha hớt hãi chạy về! Ai có người thân thì ở tạm nhà người thân; ai có bạn bè trú ngụ với bạn bè; ai không có, hoặc không liên lạc được thì xông vô khách sạn nếu có sẵn một số tiền trong túi, nếu không thì nằm la liệt trong khu chợ Hongkong Mall, đường Bellaire; hoặc các chùa chiền, nhà thờ vùng Southwest Houston. Những nơi tạm trú to lớn như Georg R. Brown Convention Center dưới phố, hoặc sân Football Reliant chất chứa cả mấy chục ngàn người; vì thế cũng xảy ra lắm chuyện bi hài và vô cùng hỗn tạp lẫn hiểm nguy; thôi thì người Việt sống trong lòng người Việt an toàn hơn.
Giữa lúc dân Houston đang nổ lực cứu giúp nạn nhân bão Katrina, bão Rita lại hung hăng xông vào vùng Vịnh Mexico! Ôi cái kinh nghiệm đau thương của Katrina qua giới truyền thông Texas, dân Houston và các vùng lân cận, nhất là các vùng bờ Vịnh, bàng hoàng hoảng hốt bồng bế nhau chạy về phương Bắc làm nghẽn tất cả mọi lối ra. Mẹ tôi và các gia đình các em sống gần Galveston nên cũng chạy theo đoàn xe lũ lượt trên đường xa lộ xuyên bang North 45 và Freeway North 59. Tôi nghĩ tôi liều lĩnh có thừa nhưng rốt cuộc cũng gần như hoảng hốt, muốn chạy nhưng không biết chạy cách nào vì tất cả con lộ tiến về phía Bắc đều kẹt cứng những xe và người! Hàng ngày, hàng giờ mỏi mắt ngồi trước đài truyền hình, nghễnh tai âu lo trên các làn sóng phát thanh Việt Mỹ để theo dõi tin tức với bao nhiêu thảm cảnh xảy ra trên đường; phần tiếp tục liên lạc với Mẹ và các em. Sau 11 tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường 42 dặm, Mẹ tôi và các em, các cháu bé tý xuất hiện trong vóc dáng hốc hác, xanh xao vàng vọt trước cửa nhà tôi! Tội nghiệp Mẹ tôi phải đứng lại một lúc anh em tôi mới dìu vào nhà được! Ôi nỗi mừng vui có khác nào những ngày chạy giặc năm xưa! Thế là mọi người quyết định không chạy đâu nữa cả! Cũng may ông trời độ lượng cho dân Houston và các vùng lân cận nên bão Rita giảm hẳn tốc độ và đổ vào Beaumont và Port Arthur thay vì Galveston! Gần chục ngày sau mọi người mới lục tục trở về chốn cũ, cùng nhau thu dọn chiến trường!
Phần đang chán ngấy cảnh “thầy trò thời đại”, phần lại ham vui giống như chính hiệu con nhà hãng xăng, thích chạy lui chạy tới; tôi tình nguyện làm việc tại một cơ quan thiện nguyện lo việc cứu giúp nạn nhân của hai cơn bão hiện đang còn sống rải rác khắp vùng. Càng đi sâu vào trong chương trình tôi càng gặp phải những điều chướng tai gai mắt! Sau vài tháng làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng tôi đã phải đầu hàng, phải mất hết bình tỉnh để chào thua và trả lại những rác rưởi về cho đại dương hung hiểm!
o O o
Buổi sáng vào sở làm - Vâng sở làm, dù chỉ là sở làm thiện nguyện – người ta hô hào, giương cao khẩu hiệu “chương trình giúp nạn nhân lánh bão ổn định cuộc sống”! Nghe rất cao thượng, rất tình người! Thực chất là có quá nhiều việc, nhiều người không nhằm phục vụ cho những khẩu hiệu đã cố tình giương cao mà chỉ nhằm phục vụ cho những mưu đồ, lợi lộc riêng tư! Sự làm việc không nhằm tận lòng giúp nạn nhân mà chỉ loanh quanh chơi trò chính trị. Họ cố tìm đủ mọi cách để tự đánh bóng mình, để làm vui lòng cấp trên, để cho đủ “con số” theo sự vẽ vời trong nội dung xin tài trợ!
Hầu hết những người trách nhiệm khi nhận lãnh “project” đều không có những khái niệm việc sẽ làm, không có kế hoạch khả thi, không đi sát với thực tế... chỉ biết thúc đẩy nhân viên vừa làm vừa tự học hỏi để công việc nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn! Ví dụ đưa một người Mỹ trắng từ một phương trời xa lạ, không có một kinh nghiệm nào về văn hóa, tập quán người Việt, về Houston để giữ vai trò phục vụ nạn nhân người Việt đang cư ngụ trong thành phố! Ví dụ như đưa một cô tóc vàng vừa xong đại học lãnh trách nhiệm giao tiếp với Cộng đồng Việt Nam trong chương trình tìm kiếm cho đủ “con số” nạn nhân Á châu đang sống rải rác trong lòng thành phố! Chưa kể tới những lủng củng trong chương trình của các sắc dân khác. Lý do “cấp trên” đặc biệt qua tâm đến người Việt Nam vì sự đóng góp tích cực và to tát của cộng đồng người Việt khắp nơi trong các vụ thiên tai vừa qua và số nạn nhân người Việt lánh nạn qua hai vụ bão rất đông ở những ngày đầu tiên. Thực tế số nạn nhân người Việt dự định ở lại Houston không nhiều. Các cha, các anh trong gia đình thường chạy đi chạy về vùng bão lụt để lo sửa chữa nhà cửa, lo dọn về chốn cũ. Các bà, các chị trong khi chờ đợi thì học nghề, học sử dụng máy điện toán, học tiếng Mỹ, hoặc lùng kiếm những sự trợ giúp thức tế. Chưa có người Việt Nam nào than oán chính quyền, kêu gọi biểu tình, trách cứ dân cư sở tại! Nội cái chuyện tổ chức Đại Hội Mừng Xuân Bính Tuất ở Khu Vực Sâu vừa rồi cũng đã gây sự ngưỡng phục và kính nễ của chính phủ và các sắc dân khác! (Khu Versaille, nơi dân Việt sống đông đúc nhất Louisianna, vùng thiệt hại nặng nề nhất, ít có bảo hiểm tàu bè, nhà cửa, đồ đạc trong nhà)
Tôi đã cố gắng hết sức để giúp họ tìm phương cách khả thi; đã đưa ra những đề nghị thực tế những mong đồng bào mình có thể được nhờ vả phần nào! Càng làm việc với những người thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết như thế càng nản chí. Càng giao tiếp với những nông cạn càng ngã lòng! Dường như họ dồn nổ lực chơi trò chính trị, cố tìm cách “chu toàn” những ràng buộc của cơ quan tài trợ bằng những phương pháp dễ dàng nhất, có lợi nhất cho họ. Họ dồn hết những trách nhiệm xuống người bên dưới mà không có một sự chỉ đạo nào rõ ràng, mạch lạc! Thay đổi quyết định như chóng chóng, nhảy loi choi trước những đổi thay thực tế như con chim biển đứng trên bờ cát ướt mỗi khi có đợt sóng đập vào bờ!
Tôi rời sở bất chợt về tới trường để buổi chiều hôm đó biết rằng cả ba đứa học trò học giỏi nhất, dễ thương nhất phải dọn nhà cùng gia đình đi xứ khác! Hơn 30 năm trong nghề, tôi đã có nhiều kinh nghiệm về việc học trò vẫn đến và đi không ước hẹn, mà thường thì những đứa học trò có nhiều triển vọng nhất lại sớm rời trường nhất vì nhiều lý do khác nhau!
Tại sao chẳng biết tại sao
Chẳng biết cách nào, chẳng biết vì đâu!
Buổi tối về tới nhà nghe vợ bảo thằng con đi lính bị thương ở cánh tay trong lúc tập trận! Cũng may là không nặng lắm nhưng khi nghe cũng xót ruột thương con. Tôi liền gọi điện thoại hỏi thăm, nó cười nói với tôi: “Ba don’t worry, I’m alright! Just an accident, bạn con made a mistake, con bị ra nhiều máu nhưng đã much better now!” Tôi đã trưởng thành trong chiến tranh, đã đối diện với sự sống chết hàng giờ, hàng ngày chưa từng chùn bước nhưng nghĩ tới khi thằng con sẽ phải đi Iraq làm tròn nhiệm vụ quân nhân cũng thấy se lòng! Tôi gạn hỏi thằng con:
“Bao giờ con đi Iraq?”
“Khoảng tháng 10 sắp tới”
“Ba tưởng dân Irap đâu có nói tiếng Quan Thoại?”
“………”. Một khoảng yên lặng, chắc tại thằng con không biết tôi muốn nói gì.
“Thì con được học tiếng Trung Hoa gần hai năm, bây giờ lại biệt phái sang Iraq?”
Thằng con giờ mới hiểu ra cười ha hả trong phone.
“Con đi Iraq có lo không?”
Nó cười nói “Everybody phải do the same mà Ba! It’s a duty, đi lính là phải accept chứ! Nervous đâu có help được gì!”
Nó nói chuyện nửa Việt nửa Mỹ nghe buồn cười như vậy nên tôi cười theo con và cảm thấy bớt lo lắng phần nào qua sự trưởng thành của nó.
“Vậy mới phải chứ, con nhà lính không giống tính cũng giống... oai... của bố chứ”
Hình như tôi nghe có tiếng “hứ” của nhà tôi!
Hôm qua vào lại cơ quan bàn giao hết công việc, tôi về thẳng nhà chờ đợi nhà tôi từ sở về để nói lời tiễn biệt! Nhà tôi đã vào sở làm từ 4 giờ sáng để thanh toán công việc tồn đọng trước khi cùng bốn chị em lên đường trở về Việt Nam thăm thầy xưa bạn cũ trong kỳ Đại Hội cựu học sinh nhóm Trường Pháp Việt tổ chức ở Saigon (tôi hay nói đùa là nhà tôi và các chị em ngày xưa học trường “Con Chim” ở Đà Lạt). Tội nghiệp nhà tôi đêm qua đã thức trọn đêm để thu xếp hành lý sau khi lo bữa ăn tối cho gia đình.
Mãi tới bốn giờ chiều nhà tôi mới về đến nhà, rộn ràng với hành lý, giấy tờ để chuẩn bị lên phi trường đi chuyến tám giờ tối; tôi loanh quanh giúp cân hành lý và chuẩn bị ra trường dạy lớp sáu giờ. Lời tiễn biệt không nói được suông câu, một vòng tay ôm vội, một nụ hôn giã từ phớt qua, rồi việc ai người ấy tiến hành! Trên đường lái xe ra trường lòng tôi nao nao chùng xuống, tự nhiên thấy trống vắng lạ thường!
Nhà tôi là một người vợ mẫu mực và hiểu biêt. Trong suốt khoảng thời gian dài chung sống, tôi không có gì để than phiền về bổn phận, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm con dâu, làm chị em dâu trong một đại gia đình người đông kẻ tây vì những chia ly, mất mát nghiệt ngã sau khi Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam! Đây là lần đầu tiên nàng rời xa bố con chúng tôi. Chương trình mấy chị em đi với nhau năm tuần lễ, riêng nhà tôi cắt bớt đi một tuần, nấn ná lại để đưa Mẹ tôi về thăm con cháu còn ở bên nhà. Và cũng sắp đặt để đưa Mẹ tôi trở lại Mỹ. Theo nhà tôi “được cùng bốn chị em trở về chốn xưa lần này là một chuyến đi hằng mong ước!”
Nhà tôi xứng đáng được nghỉ xả hơi sau những tháng năm tận tụy với bổn phận và trách nhiệm. Tôi hỗ trợ chuyến đi của nhà tôi mặc dù trong thâm tâm tôi rất bất an, rất buồn bã, lo lắng! Không bất an lo lắng sao được sau mấy chục năm tùy thuộc vào nhà tôi! Từ việc cơm nước tới con cái một tay nhà tôi đảm nhận một cách vui vẻ. (Nhà tôi cho là tôi rất “vụng về chuyện nội trợ” như rửa bát thì bát vỡ, nước tung toé ra ngoài, tay chân quờ quạng; giặt đồ thì hỏi tới hỏi lui; ẵm con thì con cứ khóc thét từng hồi). Mặc dù bây giờ không phải bận tâm vì con cái nhưng bốn tuần lễ tới chúng tôi sẽ ăn uống làm sao đây! Nơi chúng tôi ở lại cách xa khu phố, hàng quán Việt Nam hàng tiếng đồng hồ lái xe! Con gái tôi được mẹ nuông chìu, lúc còn đi học chỉ biết sách vở trường lớp, sinh hoạt xã hội; bây giờ đi làm chỉ biết việc sở và các công tác thiện nguyện; việc bếp nước kể như pha, cùng lắm chỉ biết nấu món macroni and cheese, và giúp mẹ rửa bát sau buổi cơm tối mỗi ngày. Bố con chúng tôi lo lắm khi mẹ chúng ngỏ lời sẽ đi chơi mấy tuần với các chị em. Bố con bàn luận với nhau là cứ “phớt tỉnh” để cho mẹ đỡ bận tâm kém vui, nhưng trong đầu cứ hình dung tới những chiếc hamburger nhảy múa... mỗi ngày mà ê ẩm bao tử!
Sáng nay dậy sớm chạy đưa Mẹ tôi ra phi trường đi California trên đường về Việt Nam. Tôi ở cách xa Mẹ tôi khoảng một tiếng đồng hồ lái xe. Sở dĩ Mẹ tôi đi một mình về San Francisco (điểm hẹn với nhà tôi để cùng đi Việt Nam) vì nếu đi cùng chuyến “Frequent Mileage” của nhà tôi thì rất đắt tiền – Frequent Mileage là vé được hãng máy bay tặng sau khi mỗi một người sử dụng phương tiện di chuyển của họ nhiều lần. Trung bình, mỗi người mua vé khoảng hai mươi lần sẽ được tặng một vé với giá trị tương đương.
Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi. Bà cụ vẫn rất minh mẫn và khoẻ mạnh. Sau khi đến Mỹ năm năm, để giúp bảo lãnh mấy đứa con đi theo diện PIP hợp pháp, Mẹ tôi miệt mài học tiếng Mỹ ở hội cao niên dưới phố! Sau thời gian gần một năm, Cụ bắt đầu nói và hiểu được tiếng Mỹ dù nghe rất “ba xí ba tú” nhưng hàng xóm hiểu, ông xe bus hiểu, bà phát thư cũng hiểu. Khi được gọi phỏng vấn quốc tịch, Cụ lại càng miệt mài học mấy chục câu tủ bằng tiếng Mỹ. Ngày đi thi chúng tôi lo lắm! Vậy mà Cụ thi đậu ngay lần đầu! Những năm trước Cụ vẫn đi Việt Nam một mình! Bên nhà nào là mồ mả, hương khói ông bà; nào là con cháu; nào là họ hàng, anh chị em. Thế nên mỗi năm Cụ vẫn đi một lần thường vào dịp Tết hay những dịp cúng giỗ lớn. Mẹ tôi rất thích ăn trầu. Cụ nói bà Ngoại tôi đã dạy Cụ đã ăn trầu từ năm 16 tuổi. Năm xưa, khi Cụ mới qua Mỹ đoàn tụ, tôi có thử đề nghị Cụ bỏ trầu vì khó kiếm! Cụ đồng ý... nhưng chỉ được mấy hôm! Nhớ có một lần Cụ về mang trầu cau qua Mỹ, bị bắt phạt ở phi trường Los Angeles, không biết Cụ nói năng làm sao mà họ tha, chỉ bị tịch thu hết Cụ tiếc lắm! Hỏi Cụ làm sao không bị phạt, Cụ nói “nó nói tiếng Mỹ nó nghe, Mẹ cứ nói tiếng Việt và ra dấu, chắc nó nản lòng nên tha Mẹ”; nói xong Cụ cười ngất! Năm nay Cụ không về thăm vào dịp Tết Nguyên Đán vì sứa khoẻ không cho phép. Cụ đã tính cuối năm nay sẽ đi nhưng khi nghe nhà tôi đi, Cụ thay đổi ý định liền, mặc dù Cụ biết là sẽ phải đi một mình tới San Francisco.
Tôi đưa Mẹ tôi ra phi trường và xin được tiễn Cụ ra tận cổng phi cơ vì Cụ đi đứng khó khăn. Tôi xin cho Cụ được ngồi xe lăn vì khoảng đường ra phi cơ rất xa. Khi người phục vụ đẩy xe Cụ gần khuất qua lần cửa, Cụ còn cố quay lại dặn tôi ăn uống đàng hoàng! Vâng, Mẹ tôi vẫn xem anh chị em chúng tôi như con nít. Mỗi cuối tuần chúng tôi tụ họp về bên Cụ, Cụ vẫn tất bật, lăng xăng trong bếp với mấy mợ con dâu và một O con gái; chúng tôi nói cách nào cũng không thay đổi được, riết rồi quen luôn. Khi ngồi vào bàn ăn, Cụ hay gắp miếng này, múc miếng khác bỏ vào từng chén cho mấy thằng con trai! Nhà tôi cắc cớ nói “Mẹ đối xử không công bình, sao Mẹ không gắp cho mấy con dâu”, Mẹ chỉ cười nói “Mẹ chỉ làm giúp các con dâu thôi mà”!
Chúng tôi có một lũ anh em trai, vài đứa em gái. Thế nhưng bao năm thăng trầm của gia đình Ba Mẹ tôi đều có các cô em dự phần. Lũ con trai chúng tôi hết đi học lại đi lính. Đứa nào còn nhỏ thì ở với gia đình một thời gian rồi cũng được Ba Mẹ tôi cho đi học xa, vì gia đình Ba Mẹ tôi ở một quận lỵ nhỏ. Có lẽ vì ít được ở gần Ba Mẹ nên lũ chúng tôi lúc nào cũng được cưng chìu. Hơn nữa, xưa kia Ba Mẹ tôi quan niệm con gái không cần học nhiều nên các cô cứ mãi loanh quanh với hai Cụ. Tôi tự nghĩ, phong tục Á Đông thường trọng nam khinh nữ; nhà nào cũng mong có con trai để nối dõi tông đường... thật là bất công! Vì nhan nhản trước mắt, qua thời gian chiến tranh, và cả ngay trên đất nước văn minh này... thường người gần gũi nhất, khổ cực nhất, lo cho Ba Mẹ nhiều nhất lại là con gái. Như các em gái tôi chẳng hạn; hai đứa đã cùng Ba Mẹ tôi trôi nổi suốt cuộc đời, cùng Ba Mẹ tôi chạy giặc bao lần; qua bao nhiêu hoạn nạn gia đình đều do các cô gánh vác, ngay cả lần Ba tôi nằm xuống; trong khi lũ con trai chúng tôi kẻ đông người tây, hoặc đi học xa nhà hoặc mải mê chinh chiến; rồi đứa ở trong tù, đứa chạy sang Mỹ khi giặc về! Tôi đã mải mê trong chiến trận, không về thăm được gia đình gần hai năm sau cùng vì chiến trận mỗi ngày thêm khốc liệt. Thế rồi miền Nam bị cưỡng chiếm và tôi lưu lạc quê người suốt mấy mươi năm! Khi hay hung tin Ba tôi nằm xuống, tôi đã không thể về để được nhìn mặt người Cha yêu quý lần cuối! Như vậy là tôi đã không thấy mặt Ba tôi gần 17 năm dài trước khi Người nhắm mắt lìa đời!
o O o
Bây giờ gần 12 giờ khuya. Mấy đứa con đã an giấc nồng. Tôi ngồi trong phòng một mình, rất tĩnh lặng. Ngó qua vuông cửa sổ, dưới ánh đèn đường vàng vọt, cỏ cây cũng yên tịnh lạ thường. Tôi quay lại nhìn lên bàn thờ, nhìn rất kỹ vào bức hình của Ba tôi! Râu tóc Người bạc phơ, đôi mắt như đang lung linh soi rọi tấm lòng tôi buồn bã! Tôi bỗng giật mình... vì vài ngày nữa đã là ngày giỗ thứ 17 của Ba tôi! Tôi đứng lên thắp nhang lên bàn thờ Phật, bàn thờ Ba và các anh tôi. Trong lòng thành khẩn nguyện cầu, xin cho Mẹ và nhà tôi đi đường bình an, sức khoẻ tốt lành, đi tới nơi về tới chốn. Quay lại bàn viết, lật bài thơ cũ đã viết cho Ba tôi năm nào, vừa đọc lại vừa rưng rưng trong lòng với nhớ thương vời vợi!
Tản Mạn Chuyện Buồn Vui Tản Mạn Chuyện Buồn Vui - Yên Sơn